CHÚA NHẬT II PHỤC SINH Năm C
(Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31)
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh những ngày Chúa Giêsu Phục sinh mới phục sinh. Biến cố Chúa Giêsu sống lại, là biến cố vĩ đại, có một không hai, vượt sức tưởng tượng của con người. Các Tông đồ là những người sống với Chúa Giêsu, được cùng ăn cùng uống với Ngài, được Chúa tiên báo về cuộc thương khó và phục sinh ít là ba lần. Thế nhưng, khi Chúa Giêsu sống lại các Tông đồ không tin ngay. Các Tin Mừng nói họ nghi ngờ và tưởng là ma(x.Mc 16,9-13; Lc 24, 36-43). Chẳng hạn, Phêrô và Gioan sau khi nghe Maria Madalena báo Chúa đã sống lại, các ông không tin ngay, nhưng vội vã chạy ra mồ xem thực hư thế nào(x.Ga 20,1-10). Và bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy sự cứng tin của Tôma như thế nào! Tôma còn nói rất mạnh, có vẻ thách thức các Tông đồ khác: “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”(Ga 20,25).
Một phản ứng rất “con người”.
Việc các Tông đồ cũng như Tôma hôm nay cứng tin là một phản ứng rất “con người”, vì các ông đang thất vọng, đang cảm thấy bị hụt hứng sau biến cố Chúa Giêsu chịu khổ hình. Bao nhiêu dự tính, bao nhiêu kỳ vọng đã tan tành mây khói. Và số phận các ông giờ đây như những tên tội phạm, sống ẩn dật vì sợ người Do thái(x. Ga 20,19).
Tôma mang theo nỗi buồn
Thật tội nghiệp cho Tôma, vì thất vọng ông đã anh em mang theo những nỗi buồn tê tái. Trong khi các bạn sau ba ngày buồn, họ đã có được tin vui, thấy được tia hy vọng vì đã gặp được Thầy sống lại. Còn Tôma, ông đi lang thang, trốn ở đâu không rõ, nên khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ không có ông ở đó. Mãi tới tám ngày sau Tôma mới đón nhận được tin vui Chúa Giêsu mang đến. Buồn 8 ngày có lẽ là một chuỗi ngày dài khủng khiếp đối với ông, cũng tại ông bỏ anh em các tông đồ mà đi.
Sự cứng tin của Tôma có lợi cho đức tin Giáo hội
Người Việt Nam chúng ta hay nói: trong cái xui nói có cái hên. Nhờ sự cứng tin của Tôma mà Giáo hội chúng ta mới có đoạn Tin Mừng hôm nay; mới có một câu rất quan trọng liên quan tới niềm tin của chúng ta, tới con cháu chúng ta nữa: “phúc cho những ai không thấy mà tin”(Ga 20,29). Thật vậy, ngoại trừ các Tông đồ và một sống người cùng thời với Chúa Giêsu được thấy Ngài bằng giác quan, còn những thế hệ sau: từ các tín hữu sơ khai, các giáo phụ, các bậc cha ông chúng ta, và cả chúng ta nữa không thấy Chúa Giêsu, nhưng chỉ được nghe và dựa vào những lời chứng của các Tông đồ. Chú giải đoạn Tin Mừng hôm nay trong bài đọc Kinh sách về lễ thánh Toma, thánh Grêgorio Cả giáo hoàng đã viết như sau: “sự cứng tin của Toma còn lợi ích hơn đức tin của các Tông đồ khác, vì nó chữa lành sự cứng tin của chúng ta”.
Kính thưa anh chị em, ngày nay chúng ta có được đức tin trước hết là nhờ hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, sau nữa là nhờ các Tông đồ truyền lại. Chúng ta tin Chúa Giêsu phục sinh không phải là niềm tin mù quáng, mê tín dị đoan, nhưng đó là niềm tin chính xác. Các thế hệ cha ông chúng ta mặc dù không thấy Chúa Giêsu sống lại nhưng các ngài đã sống hết mình vì niềm tin đó. Bài đọc thứ nhất trích trong sách Công vụ Tông đồ cho thấy đời sống đức tin của các tín hữu sơ khai thật kiên vững và sống động như thế nào. Chính vì niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh, mà mọi người coi nhau là anh em, là bạn hữu thật của nhau, một lòng một ý với nhau, bỏ những gì riêng tư làm của chung, phân phát cho mỗi người theo nhu cầu. Chính đời sống này đã có một tiếng vang rất mạnh, tác động đến những người chung quanh, đến nỗi dân ngoại người ta nói: kìa, họ thương nhau biết bao(x.Cv 2,42-46). Cũng nhờ niềm tin của các ngài mà chúng ta hôm nay mới biết được Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ.
Đức tin là một ơn nhưng không, nhưng chúng ta cũng có bận và có trách nhiệm làm cho đức tin đó thêm triển nở, không những giúp ích cho mình mà còn thắp lên niềm tin cho người khác nữa, nhất là những người chưa có đức tin Kitô giáo. Được như vậy, chắc chắn chúng ta phải sống những gì mình tin bằng việc làm chứ không phải lý thuyết suông.
Lm. Louis Gonzaga Hoàng Luật