Suy Niệm Lời Chúa
Chúa Nhật XXIII, TN, NĂM B
THIÊN CHÚA ĐỨNG VỀ PHÍA NGƯỜI NGHÈO KHỔ BẤT HẠNH
(Is 35, 4-7a ; Gc 2, 1-5 ; Mc 7, 31-37)
Hiếu Liêm
Nhân loại đang bước đi trong một thế giới đầy bạo lực, chiến tranh, hận thù, chia rẽ, giết hại lẫn nhau. Hằng ngày chúng ta phải trực diện với một xã hội vật chất hóa và tục hóa, bởi sự gian dối, kỳ thị chủng tộc, và phân biệt đối xử giàu nghèo… Đứng trước bức tranh xã hội đổ vỡ như vậy, Lời Chúa qua ba bài đọc hôm nay liên kết chặt chẽ với nhau, cùng họa lại chân dung một Thiên Chúa yêu thương, chữa lành và giải phóng con người khỏi bệnh tật, đau khổ, tội lỗi và sự chết.
Trước hết, trong bài đọc một, ngôn sứ Isaia giới thiệu cho chúng ta một Thiên Chúa toàn năng, Đấng giải thoát con người. Ngài sẽ đến cứu chuộc Israel, và Giêrusalem sẽ được toàn thắng. Vì thế, ngôn sứ Isaia kêu gọi những người đau khổ, bất hạnh và nhát sợ hãy tin tưởng vào Chúa, hãy “can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi… Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò» (Is 35, 4-6). Đây chính là tin vui và hy vọng cho dân Israel. Vì họ sẽ được Thiên Chúa bảo vệ và giải thoát khỏi giai đoạn đen tối của xã hội chiến tranh, loạn lạc, đầy sợ hãi… Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu họ. Ngài sẽ mở mắt cho người mù được thấy, người điếc được nghe, kẻ quẻ được nhảy nhót và người câm được reo hò.
Những lời tiên báo của ngôn sứ Isaia trên đây không chỉ là một lời an ủi trong hy vọng, mà đã được ứng nghiệm cụ thể trong bài Tin Mừng. Chúa Giêsu chính là Đấng chữa lành. Ngài đã giải thoát cho một anh chàng vừa điếc vừa ngọng. Mù lòa, câm điếc là nỗi bất hạnh của con người. Người Việt Nam chúng ta thường nói: “Điếc hay ngóng, ngọng hay nói”. Tại sao vậy? Tại vì bản thân người điếc, không những không nghe, không cảm nhận được những âm thanh kỳ diệu và những gì người khác muốn thông đạt cho mình, mà còn hiểu sai những điều người khác nói. Vì cứ phải nhìn miệng người khác để đoán ý tưởng, nên người điếc hay ngóng chuyện là vậy. Cũng vậy, người ngọng, không những không diễn tả hết được tâm tư, tình cảm và ý tưởng của mình, mà đôi khi còn làm cho người khác hiểu lầm ý tưởng mình muốn nói. Nên người ngọng hay nói để mong người khác hiểu được mình. Câm và điếc thường đi đôi với nhau. Người thanh niên trong Tin Mừng không những bị điếc mà còn bị ngọng. Do đó, anh rất đau khổ và mặc cảm, lạc lõng giữa cuộc đời. Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã mở tai lòng cho anh để anh được nghe Lời Chúa, và mở miệng lưỡi cho anh để anh được dâng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa là Đấng cứu độ và chữa lành. Chúa Giêsu không những chữa lành, mà còn khôi phục lại địa vị và nhân phẩm cho anh. Anh được giải thoát khỏi tình trạng tự ti, mặc cảm, khỏi ánh mắt của người đời chê cười, khinh bỉ.
Trong bài đọc hai, thánh Giacôbê đưa ra một bài học áp dụng vào trong thực tế cuộc sống. Ngài khuyên dậy chúng ta không được quỵ lụy kẻ giàu, khinh chê người nghèo. Vì chính Chúa đã chọn những người hèn mọn, và bênh vực những người thấp cổ bé miệng. Thánh tông đồ nói rằng “giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói: “Đứng đó! ” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!”, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?”(Gc 2,2-4).
Những lời này của thánh Giacôbê chính là tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta. Nếu một linh mục, tu sĩ mà phân biệt đối xử: chỉ đến với người giàu sang quyền quý, rồi khinh miệt người nghèo, thì thật đáng lo ngại. Đó là dấu chứng cho biết đời tu đã đi ngược với các lời khuyên của Tin Mừng, và là một sự phản chứng. Nếu một linh mục, tu sĩ đã chọn lối sống nghèo của Tin Mừng, mà cứ bận tâm đi tìm cách moi tiền của người giàu và thu gom những đồng tiền của bà góa, thì thật đáng báo động. Đó là dấu chứng cho thấy đời tu đã bị tục hóa và vật chất hóa. Đi tu mà không chọn Chúa và làm công việc của Chúa, trái lại, chọn người giàu sang quyền thế và chạy theo danh lợi thế gian, thì khi đó, đời sống thánh hiến không còn thánh thiện, và cũng chẳng có giá trị chi cho đời.
Chính vì vậy, khi nói về lối sống nghèo của đời sống thánh hiến, đức giáo hoàng Phanxicô đã nói lên khát vọng của Ngài rằng: “Ôi! tôi mong ước biết bao một Hội thánh nghèo và vì người nghèo”. Ngài đã khuyến cáo rất mạnh mẽ các linh mục, tu sĩ, những mục tử trong Giáo hội rằng: “Nếu chúng ta đi với người giàu, là chúng ta đang đi về phía hư vô. Chúng ta sẽ trở thành chó sói, chứ không phải là người chăn chiên” (Diễn từ ngày 16/05/2013). Đức thánh cha còn cảnh báo tất cả những ai sống đời thánh hiến phải tránh xa “thái độ kinh doanh và lối sống thế tục. Cuộc sống tìm kiếm trần tục và thoải mái như thế, không thu hút người trẻ dấn thân vào con đường ơn gọi”.
Cũng trong ý tưởng này, nhà văn Nguyễn Việt Hà, trong cuốn tiểu thuyết mang tự đề là «Cơ Hội Của Chúa», đã có nhận xét rất chí lý rằng: mãnh lực của đồng tiền có thể thay trắng đổi đen, và chân lý cũng có thể bị lật ngược, nền văn hóa hưởng thụ có thể làm thay đổi mọi thứ. Ngay cả nhân phẩm, đạo đức của một người cũng được cân đong đo đếm qua giá trị của đồng tiền. Tác giả khẳng định rằng: “Muốn biết rõ về ai nên nhúng người ấy nhiều lần vào tiền, cái dung dịch siêu thượng này làm trôi đi tất cả những màu mè bọc ngoài. Đạo mạo trở nên hau háu lỗ mãng. Dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật. Lịch sử nhân loại chứng kiến số người tự tử vì tiền gấp mười tám lần số người tự tử vì tình», (Nguyễn Việt Hà, Cơ hội của Chúa, Nxb Văn Học, 1999, tr. 436).
Quả thật, nếu một chủng sinh hay một tập sinh đang trong giai đoạn huấn luyện, thay vì tập sống đơn sơ, đạo đức, thánh thiện và không phải bận tâm lo lắng gì ngoài việc tìm kiếm Chúa, mà lại bị nhúng vào tiền của và phải bận tâm suy nghĩ để kiếm tiến, thì đời tu đã đi lệch hướng. Đồng thời ơn gọi thánh hiến đã bị cái dung dịch vật chất siêu thượng ấy làm cho biến chất, dị dạng.
Chúng ta không khinh chê tiền của, cũng không khinh miệt người giàu. Vì tiền của là phương tiện giúp con người sống và phát triển nhân phẩm của mình. Chúng ta cần trân trọng và cám ơn những nhà hảo tâm, những tấm lòng quảng đại, vì nhờ họ mà nhà Thờ được xây dựng và nhà Chúa được phát triển. Nhưng đó phải là đồng tiền sạch. Do đó, không được vì tiền của mà đánh mất căn tính và phẩm giá cao trọng của ơn gọi thánh hiến.
Vì thế, Lời Chúa hôm nay chính là tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta, dù là linh mục, tu sĩ hay là giáo dân, chúng ta hãy xét lại tư tưởng và lối sống của mình sao cho phù hợp với ơn gọi riêng của mình. Hãy để cho Lời Chúa thực sự đụng chạm đến cuộc sống, và để cho Chúa Giêsu thực sự đi vào cuộc đời chúng ta. Vì chúng ta là những người nghèo cần được Chúa bênh vực và giải phóng. Người nghèo của Thiên Chúa, không phải là nghèo đói của cải vật chất, nhưng là người tin tưởng, cậy trông và phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta là những người nghèo về đời sống đức tin và tâm linh cần được Chúa tăng thêm sức mạnh. Chúng ta là những người thiếu thốn về nhân phẩm và tự do cần được Chúa khôi phục và giải thoát. Chúng ta là những người đau khổ, bệnh tật và tội lỗi cần được Chúa chữa lành.
“Ep-pha-tha – Hãy mở ra” ! Xin Chúa mở tai lòng, và miệng lưỡi cho chúng ta thoát khỏi tình trạng câm điếc đang giam hãm mình trong vỏ ốc ích kỷ, trong đam mê tiền của vật chất, và trong bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn. Amen.