Thứ Tư, 25 Tháng 6, 2025

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM B, THÁI ĐỘ SỐNG THÍCH HỢP TRONG MÙA VỌNG

 

THÁI ĐỘ SỐNG THÍCH HỢP TRONG MÙA VỌNG

Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37

 

M. Bảo Tịnh, Vp Phước Lý

 

Mùa Vọng là thời kỳ các tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng Mầu Nhiệm Chúa Sinh ra làm người, kính nhớ Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất, mặc lấy xác phàm, sống và ở giữa chúng ta. Đây cũng là thời kỳ Hội Thánh nhắc nhớ các tín hữu hướng về ngày cánh chung, ngày Đấng Cứu Thế sẽ đến lần thứ hai để tách người công chính ra khỏi người tội lỗi như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Trong khi trông đợi Chúa đến lần sau hết này, các Kitô phải có thái độ nào để sống cho phù hợp với căn tính của mình? Các bài đọc Chúa Nhật tuần I Mùa Vọng, năm B, trả lời cho câu hỏi này. 

 

* Sám hối và khấn nguyện

Bài đọc I (Is 63, 16b-17.19b; 64, 2-7b), tiên tri Isaia nói cho chúng ta biết: thoát khỏi cảnh lưu đày ở Babylon, Dân Israel được hồi hương, trở về quê cha đất tổ. Trước cảnh hoang tàn, đổ nát của đất nước, phải tổ chức lại cuộc sống và xây dựng lại đền thờ, những công việc đó đối với họ thật nhiêu khê. Đã thế, họ luôn bị người ngoại bang là dân Samari luôn rình rập quấy phá. 

Trải qua những khốn đốn đó, dân Chúa chọn mới nhận ra họ là ai và Thiên Chúa là ai để rồi dâng lên Chúa những lời khẩn nguyện thống hối khi biết mình là:

– người tội lỗi : “Tất cả chúng con đã trở nên người nhiễm uế” (Is 64, 5)

– người không còn sức sống, vô dụng: “Tất cả chúng con héo tàn như lá úa” (Is 64, 5).

– người đã quên Chúa: “Không ai cầu khẩn danh Chúa” (Is 64, 6).

– người mê muội: “Chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài” (Is 64, 6)

– người được Thiên Chúa tạo nên: “Chúng con là đất sét, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (Is 64, 7) 

Đồng thời qua đó, họ xác tín Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc, người Cha và Đấng Tạo Hoá. Lời khấn nguyện của họ đã nói lên niềm xác tín đó: “Lạy Chúa, Ngài là Cha chúng con, phải chi Ngài xé trời mà xuống.” 

Lời khẩn nguyện gọi Thiên Chúa là Cha, được lập lại trong đoạn văn này đến hai lần (Is 63, 16b và Is 64, 7). Khi đề cập đến tình phụ tử của Thiên Chúa, dân được chọn thường có khái niệm và nhắc đến những việc Thiên Chúa đã thực hiện trong dân: Thiên Chúa là Cha vì Ngài là Đấng Tạo Hoá, vì Ngài đã chọn dân Israel làm “con của mình” (Đnl 32, 6). Tuy nhiên, lời khẩn nguyện này, đưa dân đi vào trong mối tương quan thân mật “cha-con” với Thiên Chúa và từ cảnh lưu đầy trở về, đền thờ bị tàn phá không xây dựng lại được, dân Chúa chọn đã biết thực hiện hoá việc phụng tự ngay trong nội tâm của mình. 

Trước đây, đền thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người, là nơi dâng hy lễ cho Thiên Chúa, thì bây giờ họ đã biết thờ phượng và gắn bó với Người ngay trong tâm hồn mình. Mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa không còn hời hợt bên ngoài qua các nghi thức phụng tụ mà là mối tâm giao mật thiết “Cha-con”. 

“Thiên Chúa là Cha chúng con, phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống”, chúng ta cảm nhận, lời cầu khẩn tha thiết bi ai này, không những được đúc kết từ một trải nghiệm tang thương: nước mất, nhà tan, đền thờ bị phá huỷ và nhất là, trong trái tim dân được chọn, bị đau đớn dằn vặt trước các sự kiện xảy ra trong cuộc sống của họ, Thiên Chúa như làm thinh, như đã không còn yêu thương họ nữa: “Tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài?…Xin Ngài mau trở lại…Xin ngự xuống…”, mà còn phản ánh một nỗi khao khát sâu xa trong lòng họ ước muốn được Thiên Chúa tiếp tục dẫn dắt, đồng hành, sống hiện diện và xuống ở giữa họ. Họ mong chờ “Ngày Chúa đến”. Thánh Giêrônimô cho rằng: Lời nguyện của tiên tri Isaia đã được ứng nghiệm nơi biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu. Từ trời cao, Ngôi Hai đã xuống thế, làm người ở giữa chúng ta.

 

* Hy vọng và cậy trông 

Thư thứ nhất gửi các tín hữu Côrintô (1Cr 1, 3-9), Thánh Phaolô đề cập đến việc các Kitô hữu mong chờ “ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trở lại trong vinh quang” và chúng ta hiểu, đó là ngày chung thẩm. 

Trong lúc chờ đợi ngày này, thánh nhân nhắc nhở của tín hữu của mình phải “nên vững chắc đến cùng” và cuộc sống của họ phải thật tuyệt vời, đến nỗi “không ai có thể trách cứ được điều gì.” Sở dĩ, thánh nhân đòi hỏi nơi tín hữu có một đời sống đức tin và luân lý như vậy, bởi vì ngay từ bây giờ, họ đã được hiệp thông với Đức Kitô và đã sống trong Người. Từ ơn phúc được hiệp thông và được sống trong Đức Kitô, Thiên Chúa ban cho họ ơn lắng nghe Lời Chúa và ơn hiểu biết mầu nhiệm của Người. Nhờ đó, họ được trở nên phong phú về mọi phương diện. Chính vì những ơn phúc đã được hưởng, nên trong khi mong đợi “ngày quang lâm của Chúa”, họ phải chứng tỏ qua cách sống của mình một niềm hy vọng chứa chan và đời sống tốt lành, thánh đức, để không ai có phiền trách được họ bất cứ điều gì. Bởi vì, từ nơi Thiên Chúa, họ đã nhận được đầy đủ các ơn cần thiết để có thể sống bền vững trong ơn gọi làm người, làm kitô, làm con Chúa. 

 

* Tỉnh thức hoặc canh thức

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Mc 13, 33-37), Đức Giêsu đề cập đến ngày quang lâm của Người với các môn đệ. Ngày không ai có thể biết. Do đó, họ phải canh thức luôn. Nhưng để biết thế nào là canh thức, Ngài minh hoạ dụ ngôn “ông chủ đi xa, để nhà lại cho các đầy tớ trông coi và phân công cho mỗi người một việc…Ông ra đi, không biết lúc nào, giờ nào và ngày nào ông sẽ trở về… Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu nói không phải chỉ các môn đệ phải canh thức, mà là tất cả mọi người đều phải làm điều đó: “Điều Thầy nói với anh em, cũng là nói với hết thảy mọi người: hãy canh thức.” 

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức hoặc canh thức”. Chúng ta nhận thấy từ “tỉnh thức hoặc canh thức” được nhắc tới 5 lần, điều ấy nói lên tầm quan trọng của sự việc, vì nó quyết định cho cả tương lai một đời người. Chúng ta có thể diễn giải vài ý tưởng về dụ ngôn này: 

Ông chủ đi xa, được sánh ví như là Thiên Chúa vắng mặt không hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, đó không phải là thời gian để chúng ta nghỉ ngơi rong chơi, nhưng vẫn phải chu toàn trọn vẹn trách nhiệm và bổn phận Chúa trao: mỗi người một việc. Không những thế, trong khi chu toàn nhiệm vụ được trao, chúng ta còn luôn phải canh thức để sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ khi nào, dù cho là lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. 

Việc canh thức được minh hoạ bằng hình ảnh người giữ cửa. Bổn phận của người giữ cửa có một tầm quan trọng đặc biệt, vì ông luôn phải “canh chừng” ngôi nhà, để biết khi nào phải mở và khi nào phải đóng cửa lại, biết ai là bạn để tiếp đón và ai là kẻ thù để khoá chặt cửa lại đề phòng sự tấn công. Điều cốt yếu nhất của người giữ cửa ở đây là biết ông chủ về bất cứ lúc nào, giờ nào mà nhanh lẹ mở cửa ra đón ông vào trong nhà ngay. Ông chủ không phải bấm chuông báo hiệu để gọi, hay mất giờ đứng đợi. Cho nên, người giữ cửa phải tỉnh thức và canh chừng liên lỉ. Vậy, thời gian đợi chờ chủ về, không là thời gian quá khứ hay tương lai, mà luôn là “giây phút hiện tại” đối với người giữ cửa. 

Cuộc sống Kitô hữu là một hành trình chiến đấu và canh thức liên lỉ, không những để thoát khỏi cám dỗ trong cuộc sống, mà còn không sao lãng công việc và bổn phải làm người, làm con Chúa. Hơn nữa, trên hết và trước hết, họ phải trong tư thế sẵn sàng và xác tín rằng: Chúa có thể đến “gặp và đưa” họ về với Chúa bất cứ lúc nào, ban ngày hay ban đêm, đang làm gì và ở đâu, già hay trẻ, khoẻ hay yếu, để họ không “say men” chiến thắng và tự hào về những thành công của cuộc sống xã hội trần thế, nhưng biết “mở cửa” đón Thiên Chúa khi Ngài đến để cùng nhau dự tiệc tim bên tim và lòng kề lòng (Kh 3, 20). 

Mùa Vọng là mùa chuẩn bị tâm hồn Mừng kỷ niệm Đại Lễ Giáng Sinh, đi xa hơn nữa là hướng về ngày chung thẩm, Chúa Giêsu đến trong vinh quang, phán xét kẻ sống và kẻ chết. Vậy chúng ta đón chờ Chúa đến với thái độ nào? Tâm trí chúng ta hướng về đâu, về điều gì? Chúng ta là những người luôn cảnh giác canh thức hay đang mê ngủ? 

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống thức tỉnh trong ơn nghĩa của Chúa. Amen.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ sáu, ngày 27 tháng 6 Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Mt 11,25-30 Dom. Mai Đăng Minh; CĐ: Thiên Phước Thánh Tâm Chúa Giêsu Mở Ra Vì Yêu Hôm nay chúng ta long trọng...

Ngày 24-06, lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả “Tên cháu là Gioan” – Ơn gọi và sứ mạng từ lòng mẹ

Ngày 24-06, lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả "Tên cháu là Gioan" – Ơn gọi và sứ mạng từ lòng mẹ Lasan Ngô Văn Vỹ,...

24/6 Lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả, Lc 1,57-66.80: Người con của ân phúc

    NGƯỜI CON CỦA ÂN PHÚC (Lc 1,57-66.80) Lam Châu, Phước Lý Theo Tin Mừng Luca, ông Dacaria và bà Elisabeth đều thuộc dòng tộc tư tế Aharon...

Chúa Nhật Kính Mình và Máu Chúa Kitô: Thánh Thể – Bí tích Tình Yêu, nguồn sống

Chúa Nhật Kính Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô Thánh Thể – Bí Tích Tình Yêu, Nguồn Sống Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, trong niềm...

29/6: Lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô

  Suy niệm  Lễ kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô M. Tadeo OCist, Fatima Lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô không chỉ là...

Lễ Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi sống trong ta

Lễ Chúa Ba Ngôi CHÚA BA NGÔI SỐNG TRONG TA (Mt 28,16-20) Luca, CĐ Phước Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong những mầu nhiệm trung tâm của...

Lễ Chúa Ba Ngôi: Mầu Nhiệm Tình Yêu

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU  M. Teresa Avila Thảo- PH       Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi muôn đời vẫn là một chân lý cao...

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống: Thần Khí…

    THẦN KHÍ (Cv 2,1-11; 1Cr 12, 3b-7.12-13; Ga 20, 19-23)    M. Teresa Avila Thảo, Phước Hải      Trong hành trình làm người, mỗi người đều...