MÙA CANH THỨC
Mc 13, 33-37
Michael Hưng
Hôm nay, chúng ta bắt đầu một Năm Phụng Vụ mới, với ngày Chúa Nhật I Mùa Vọng. Thời tiết thời gian qua có vẻ hơi thất thường khi mà những trận bão đổ ập vào miền Trung thân thương và đã ảnh hưởng trên toàn đất nước chúng ta. Thế nhưng không vì thế mà mọi người có thể quên bầu không khí Giáng Sinh sắp đến, khi mà các bưu điện không ngăn được những tấm thiệp muôn màu muôn vẻ, mà mỗi người đã và đang gửi cho người thân cùng bạn bè khắp nơi. Các cửa tiệm cũng đã giới thiệu những mặt hàng mới về Noel. Các bài thánh ca Noel cũng đã rộn vang lên đây đó khắp xóm làng.
Thật vậy, Mùa Vọng chính là thời gian để Giáo Hội cử hành lễ kỷ niệm biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh làm người cách đây hơn 2000 năm, nhưng cũng là thời gian để Giáo Hội chuẩn bị đón Đức Kitô trong ngày Người trở lại vinh quang “khi thời gian đã mãn”.
Tuy nhiên, sống Mùa Vọng cho nghiêm túc cách cụ thể chính là để chúng ta sống trong niềm hy vọng cánh chung. Quả thật, qua các bài đọc phụng vụ hôm nay lại đặt để trước mắt chúng ta viễn tượng của ngày sau hết ngày khi Chúa đến xét xử trần gian. Nhưng khía cạnh mầu nhiệm của biến cố ấy có thể khiến cho một số người trong chúng ta có cảm tưởng Mùa Vọng chỉ vang lên bầu khí phán xét và nghiêm ngặt của ngày tận thế, nên đã rơi vào thái độ sống không trung thực, nghĩa là trốn chạy các kinh nghiệm cuộc sống thường ngày để hướng về ngày tận thế. Thật ra không phải như vậy, Mùa Vọng là thời điểm Thiên Chúa và Giáo Hội thức tỉnh chúng ta nhận ra chân giá trị vĩnh cửu trong cuộc sống hiện tại và dấn thân sống lòng tin một cách trọn vẹn nhất, để mỗi phút giây hiện tại trở thành nền móng vững chắc cho cuộc sống mai sau. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà mỗi Kitô hữu đều có thể nhìn ra và dễ dàng chấp nhận. Đặc biệt khi mà hằng ngày họ phải đối mặt với những điều nghịch với lương tâm, những cảnh đời khốn khổ, các bất công chồng chất và giữa bầu khí bạo lực, khủng bố, chiến tranh hận thù và những băng hoại suy đồi của cuộc sống… Và như thế, còn giá trị gì và còn hy vọng nào để người Kitô hữu có thể an tâm sống cuộc đời lữ khách này?.
Để có thể chọn đúng hướng đi cho cuộc đời, mỗi tín hữu cần “Phải canh thức” như Chúa Giêsu gợi lên trong câu cuối Phúc Âm thánh Marcô ghi lại trong chương 13, 33-37. “Phải canh thức” là gì nếu không phải là chờ đợi và tỉnh thức để nhận ra đâu là dấu chỉ của thời đại hầu mau mắn thay đổi tâm thần và cuộc sống.
Thật vậy, người ta thường nói cuộc đời con người là một cuộc chờ đợi. Và cuộc đợi chờ nào cũng bao hàm nhớ nhung và yêu thương trong đó. Hay nói khác đi, chờ đợi chính là một cuộc thử nghiệm của tình yêu. Bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người mình chờ đợi hoặc điều gì mà mình hết lòng yêu thương mà thôi.
Như thế, đợi chờ có nghĩa là mỗi giây phút sống là mỗi phút giây chúng ta sống tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất, bình an nhất, trọn vẹn nhất, tưởng chừng như đó là giây phút cuối cùng của cuộc đời lữ hành trần thế, là phút giây chúng ta chờ đợi đã đến, giây phút chúng ta được gặp Ðấng mà chúng ta yêu thương và đợi chờ.
Với ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một chuẩn bị và tỉnh thức thực sự.
Tỉnh thức để nhận ra đâu là dấu chỉ ngày Chúa trở lại và sẽ đến bất thình lình như ông chủ trở về vào lúc bất ngờ nhất như: một tai nạn, một căn bệnh vô phương chữa chạy, một cú đột quỵ… bất kể lúc nào, có thể khiến cho cuộc đời con người kết thúc. Kết thúc ngay trên đỉnh cao của tiền tài, danh vọng, quyền lực; hay kết thúc trong nỗi đớn đau cô đơn âm thầm do sự quên lãng của mọi người. Thế nhưng điều quan trọng duy nhất đích thực là biết nhận ra giá trị Lời Chúa kêu mời để mở rộng tấm lòng đón nhận ơn cứu độ và tận dụng mọi dịp may Thiên Chúa đặt để trong tay hầu có thể cải thiện lại đời sống.
Vì vậy, chúng ta hãy tích cực cộng tác với ơn Chúa, hãy giữ lấy ngọn lửa đã được thắp lên trong lòng chúng ta ngày chúng ta lãnh bí tích thánh tẩy, để cho lòng chúng ta lúc nào cũng bừng cháy lên ngọn lửa hy vọng được gặp Chúa Kitô. Khi chúng ta chắc rằng lòng chúng ta luôn tràn đầy tình yêu và nhiệt thành, chính ngọn lửa ấy sẽ soi rõ mọi nẻo đường chúng ta đi.
Trong một tầm nhìn rộng hơn, chúng ta sẽ đọc được những dấu chỉ của thời đại. Chúng ta luôn sẵn sàng chờ đợi và thức tỉnh khi để lòng mình lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta qua những dấu chỉ đó và chúng ta sẵn sàng đáp trả trong mức độ trọn vẹn nhất.
Như vậy, mỗi giây phút trong cuộc đời ta đều có tính quyết định cho cả một cuộc đời!
Đức Giêsu, Đấng Cứu thế muôn dân trông đợi, đã đến. Người đã sống trọn kiếp người, đã chết, đã sống lại, đã về cùng Chúa Cha, nhưng Người cũng đã loan báo rằng một ngày kia, Người sẽ trở lại trong vinh quang. Do đó, toàn thể đời sống của Giáo Hội hướng về ngày Quang lâm của Đức Chúa. Giáo Hội thường xuyên kêu lên: MARANATHA! Lạy Chúa Ki-tô, xin ngự đến!