THỨ NĂM TUẦN THÁNH
THÁNH LỄ TIỆC LY
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 13,1-15
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? ” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! ” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! ” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
II. SUY NIỆM
“Ý NGHĨA TRAO BAN”
Bài Tin Mừng trong thánh lễ chiều thứ năm Tuần Thánh là bài tường thuật chi tiết về việc Chúa Giêsu ăn Lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ, để bắt đầu đi vào cuộc Khổ Nạn hầu chuộc tội cho nhân loại. Trong bữa ăn ly biệt này, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác để ở lại với con cái loài người. Tất cả chỉ vì Tình Yêu.
Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu. Một câu định nghĩa rất ngắn, nhưng lại rất đầy đủ, rất súc tích và bao hàm một ý nghĩa thật bao la. Thật thế, từ ngày xửa ngày xưa cho tới bây giờ và còn mãi, không ai định nghĩa được tình yêu một cách đầy đủ. Tình yêu được Thiên Chúa phú ban cho loài người và chỉ có loài người mới có để sống và trao ban mà thôi. Hai chữ “tình yêu” đã đi vào huyền nhiệm. Tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào.
Thế rồi, không biết từ khi nào: Bí Tích Thánh Thể được mang danh gọi là Bí Tích Tình Yêu, chỉ biết rằng từ lâu danh gọi này đã xuất hiện trong các Thông Điệp, Tông Thư và trong nhiều bản văn Phụng Vụ. Và có lẽ chỉ có danh gọi này mới làm toát lên được ý nghĩa sâu xa nhất của Huyền Nhiệm Thánh Thể: là trao ban, là tự hiến, là hiệp thông, là tự hủy, là hy sinh… nói tóm: Thánh Thể là Tình Yêu.
Người ta thường đặt câu hỏi: “Tại sao Thiên Chúa đầy quyền năng lại không chọn phương thế khác dễ hơn, mà chọn nhập thể, sống kiếp khổ đau rồi chết nhục nhã như thế để cứu chuộc con người?”. Với lối trả lời theo thần học có lẽ cao siêu quá nên nhiều người khó chấp nhận, vì thần học trả lời rằng: “Chúa Giêsu chọn phương cách nhập thể là vì muốn cho con người biết rằng, con người có một giá trị rất cao quý mà Ngài không ngại mặc lấy thân xác con người, và cũng qua sự nhập thể Ngài nâng phẩm giá con người lên”. Chúng ta có thể đưa ra một lối giải thích bình dân qua ví dụ minh họa như sau: Cũng như một chàng trai muốn tìm kiếm bạn đời, mà cứ ở một chỗ, không đến nhà cô gái, không tìm gặp nàng, không trao đổi tìm hiểu nàng, mà cứ ở nhà gọi điện thoại, gửi tin nhắn, thư điện tử… để tỏ tình, thì làm sao cô gái kia nhận lời được. Hơn nữa, phần lớn người Việt Nam còn có tục phải đi làm rể, thì mới có cơ hội cưới được nửa kia của đời mình. Chúa Giêsu cũng thế, nếu Ngài cứ ở trên trời nói vọng xuống: “Ta yêu các con, Ta sẵn sàng chết vì các con…” thì làm sao con người kiểm chứng được tình yêu đó và đáp lại được. Vì thế, Chúa Giêsu phải xuống với con người, cùng chấp nhận kiếp sống, cùng đồng hành chia sẻ và sẵn sàng hy sinh để cứu con người là đối tượng mà Ngài yêu. Đúng vậy, Ngài đã làm như thế, và bằng chứng hùng hồn nhất là “chết đi cho người mình yêu”.
Một lần kia trong dịp sinh hoạt học trò, một giáo lý viên đặt câu hỏi: “Khi yêu nhau người ta cần gì nhất?” Một số ít học trò cho rằng: cần thông cảm, cần có tài chánh ổn định, cần những món quà kỷ niệm, cần những lá thư tỏ tình…. Nhưng phần lớn đồng ý với câu trả lời: “Khi yêu nhau người ta cần nhau”. Vâng, đó là một sự cảm nhận đúng đắn nhất của các tình nhân. Khi họ yêu nhau, những thứ thư từ, quà cáp, tiền bạc, lời nói… chỉ là những thứ phụ thuộc, điều họ cần chính là con người của nhau, cần hiến dâng hoàn toàn cho nhau, cần được kết hợp với nhau tuy hai mà một…, và đó cũng là chất thể của Bí Tích Hôn Nhân. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Ngài quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Ngài. Những lời nói, hành động của Ngài để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Ngài cho con người? Và Thánh Thể khi được trao ban cho con người mang một ý nghĩa tròn đầy của một sự kết hiệp, vừa mang tính thể chất vừa mang tính thần thiêng. Thật vậy, Chúa Kitô đã chứng minh tình yêu của Ngài đối với nhân loại bằng sự trao ban tuyệt đỉnh là thân mình chí thánh của Ngài. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất và là ý nghĩa nhất của trao ban. Trao ban cả mạng sống, trao ban đến giọt máu cuối cùng. Trao ban vượt trên tất cả mọi sự trao ban là cho đi tất cả, không so đo tính toán. Trao ban bằng chính tình yêu đích thật.
Để kết luận cho bài suy niệm này, xin mượn lại câu chuyện mà thánh ký Matthêu kể lại việc dâng cúng của người Do-thái. Trong khi các quan chức và những người trưởng giả khệ nệ đổ xoang xoảng số tiền của mình vào hòm công đức, thì một bà goá nghèo chỉ có hai đồng xu kính cẩn và nhẹ nhàng bỏ vào. Thế mà dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, chính bà góa này mới là người dâng cúng nhiều nhất, vì đã dâng cho Thiên Chúa cả lòng yêu mến và đó là điều Thiên Chúa cần. Còn những trưởng giả kia mặc dù số bạc của họ gấp ngàn lần số bạc của bà góa, nhưng lòng yêu mến của họ không bằng một phần trăm của bà, vì họ chỉ dâng số dư thừa, hoặc dâng để phô trương, để được khen tặng mà thôi. Đến đây ta có thể kết luận được rằng, Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA TRAO BAN là trao ban một cách nhưng không, không so đo tính toán, không vì danh lợi, nhưng tất cả chỉ vì Tình Yêu. Và Bí Tích Thánh Thể chính là sự trao ban tròn đầy đó.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con biết sống trao ban cách không so đo tính toán, để chúng con nên giống Chúa là Đấng đã trao ban đến tận cùng vì nhân loại, và qua cách sống yêu thương chân thành vì Chúa, mọi người nhận ra chúng con là môn đệ của Ngài. Amen.
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
I. ĐỌC BÀI THƯƠNG KHÓ: Ga 18,1-19,42
II. SUY NIỆM
“VUA TÌNH YÊU”
Khác với cách tường thuật của Tin Mừng Nhất Lãm, văn chương Gioan có cái nhìn nhiệm ý về sự chủ động của Chúa Giêsu trong tư cách một vị vua đi vào cuộc khổ nạn, dù đó là một vị vua đội “vương miện” bằng gai:
Chúa Giêsu tuyên bố “Ta đây” trước những kẻ đến bắt, thẳng thắn xác định giáo lý và cách rao giảng công khai trước thượng tế Caipha, khẳng định tư cách “vua” và tuyên bố vương quyền trước tổng trấn Philatô, và sau này chính Philatô đã ít nhất hai lần xác nhận “này là Người” khi đem ra giới thiệu trước đám đông, cuối cùng Philatô đã ghi tấm bảng treo trên đầu thập giá Chúa Giêsu khẳng định: “Giêsu Nazareth là vua Do-thái”.
Thứ sáu Tuần Thánh, chúng ta cùng nhìn lên thánh giá, chiêm ngưỡng một vị vua chịu đóng đanh, một vị vua là Tình Yêu đã chết cho nhân loại và để giải phóng nhân loại.
Hình ảnh vị vua Giêsu không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không quân đội, không thần dân và không vương quốc theo nghĩa thế gian. Một vị vua nghèo túng, khổ đau, bị lăng nhục, bị nguyền rủa, bị đóng đinh trên thập giá.
Nhưng tại sao lại là vua? Chính câu trả lời của Chúa Giêsu cho Philatô rằng: “Nước Tôi không thuộc thế gian này” đã giải đáp cho chúng ta.
Trước hết, khi tuyên xưng Chúa là vua, chúng ta cũng đương nhiên thừa nhận rằng, có một vương quốc Nước Trời và có một vị vua trong tâm hồn chúng ta.
Điểm cốt yếu là:
– vị vua Giêsu chết ở giữa hai tử tội, nghĩa là người đã chết thay cho tội nhân là chúng ta.
– vị vua cầu xin ơn tha thứ cho người đã đóng đinh Ngài, nghĩa là vị vua đại diện cầu xin Thiên Chúa Cha tha thứ cho hết mọi người. Một vị vua nhân từ và yêu thương.
– một vị vua lo cứu dân chứ không phải cứu mình, như lời thách thức của các lãnh đạo và lính tráng. Nghĩa là vị vua dám chết thay cho dân chứ không phải dân chết thay mình.
Các đầu mục Do Thái và lính tráng và cả tên kẻ trộm bên trái đã thách thức: “Nếu ông là vua thì hãy cứu mình đi…” Họ biết Ðức Giêsu đã cứu chữa nhiều người, nhưng họ muốn Người cứu chính mình nữa và coi hành vi này mới có giá trị quyết định vì họ theo lẽ thế gian xét mọi việc không ở dưới khía cạnh bác ái và cứu thế nhưng theo mức độ ích kỷ và vinh thân. Để rồi họ cũng muốn cho vị vua của dân Chúa cũng phải như họ là ích kỷ và trước hết phải lo cho bản thân mình, phải nghĩ đến mình trước rồi mới đến người khác.
Nếu như thế thì còn đâu ý nghĩa phục vụ? Còn đâu “mục tử tốt thí mạng vì đàn chiên?”
Vì vậy, mọi Kitô hữu chúng ta, khi quỳ hôn chân thập giá, suy tôn Chúa Giêsu là vua, thì chúng ta cũng phải tìm cho vinh quang Chúa, chứ không phải cho vinh quang mình; hy sinh cho mọi người, chứ không phải lo vinh thân. Khi chúng ta chỉ biết lo cho mình và mặc kệ với kẻ khác, thì là lúc chúng ta đang chọn vật chất làm vua thay vua Giêsu trong tâm hồn chúng ta.
Chúa Giêsu là một vị vua không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Ngài phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Ngài vẫn thu hút chúng ta đến với Ngài. Thập giá là nơi vương quyền của Ngài được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm.
Chúng ta cần ngắm nhìn Ngài trên thập giá để biết cách chinh phục thế giới. Bởi vì thế giới hôm nay xúc động trước lòng yêu thương và tha thứ. Xin Chúa Giêsu là Vua Tình yêu ngự trị trong trái tim nhân hậu của chúng ta khi đến với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết nhìn lên thập giá Chúa là dấu chứng của tình yêu hi sinh, để chúng con cũng biết hiến thận phục vụ tha nhân trong phận mình, hầu được chính Chúa thánh hóa tâm hồn và đời sống, xứng đáng là công dân của Nước Trời, nơi đó có Chúa là Vua Tình Yêu đang chào đón chúng con. Amen.
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
LỄ VỌNG PHỤC SINH
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 16,1-8
Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.
Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? ” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.
II. SUY NIỆM
“TÌNH YÊU CHO TA LÒNG CAN ĐẢM”
Trình thuật của thánh sử Matthêu về biến cố Chúa Giêsu sống lại hiện ra với mấy chị em phụ nữ, là những người thuộc phái yếu thường là yếu bóng vía. Điều này càng củng cố hơn niềm tin của chúng ta.
Lòng yêu mến Chúa Giêsu đã làm cho các chị em vượt qua cảm giác sợ ma và sợ lính canh mộ, các chị em đã đi ra mồ từ mờ sáng. Có lẽ vì bấy lâu nay, các chị em đi theo Chúa và luôn có Chúa hiện diện, nay hai ngày trôi qua vắng bóng Thầy, nhất là ngày hôm trước bị luật Sabát cấm, các chị em cồn cào mong đợi qua thời gian Sabát để chạy ra viếng mộ Thầy. Và nhờ sự khao khát đó, Chúa Giêsu đã tưởng thưởng cho các chị em như là những chứng nhân đầu tiên gặp Đấng Phục Sinh.
Các chị em được lệnh đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên lại là loan báo cho mấy ông môn đệ, những người thuộc phái mạnh, nhưng đã sợ hãi bỏ trốn, để cho những phụ nữ theo Chúa xa xa than khóc suốt đường thập giá cho đến khi lên đến đỉnh đồi Golgotha.
Có một chi tiết rất hay ở đây: Ngày xưa, khi nhìn thấy trái cấm, Eva đã đem đến cho Ađam ăn và cả hai mang lấy án chết cho cả loài người; thì nay, các chị em phụ nữ đem “quả trường sinh” là Đấng Phục Sinh đến cho các ông, để cùng bước vào cuộc sống mới. một cuộc Tân Sáng Tạo bắt đầu, dân mới của Thiên Chúa ra đời.
Như vậy, trong trình thuật đầu tiên về cuộc sống lại này, chúng ta có những bằng chứng để xác tín niềm tin:
– Các chị em phụ nữ đã vì lòng yêu mến mà vượt qua mọi sợ hãi để đến viếng mộ, chính quyền năng Đấng Phục Sinh đã ban cho các chị em sức mạnh vượt qua mọi sợ hãi.
– Thiên thần hiện ra, lăn tảng đá ra, dù tảng đá đã được niêm phong bởi ấn của tổng trấn và thượng tế; lính canh khiếp sợ ngất xỉu, còn các chị em phụ nữ lại được phúc chứng kiến toàn bộ sự việc và được thiên thần xác nhận Chúa đã phục sinh.
– Chúa Giêsu còn đón gặp và chào các chị em, các chị em đã ôm lấy chân Thầy, ôm lấy thân xác phục sinh thực sự.
Và trong bất cứ cuộc hiện ra nào, Chúa Giêsu cũng luôn mở đầu bằng câu: “Đừng sợ”. Phải, khi đã tin vào Đấng Phục Sinh và yêu mến Người thì không còn gì phải sợ nữa, kể cả sự chết cũng không thể làm cho người tin yêu Chúa sợ được. Cụ thể là hôm nay, các chị em là những người dễ yếu bóng vía nhất đã can đảm lạ thường, và sau đó là các môn đệ từ những kẻ nhút nhát chạy trốn, đã trở nên hăng hái đi loan báo Tin Mừng và dám chết vì Đấng đã Phục Sinh.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm khát khao yêu mến để chúng con gặp được Đấng Phục Sinh; xin cũng ban cho chúng con niềm tin sắt đá vào Chúa Phục Sinh, để chúng con can đem niềm vui Phục Sinh cho những ai chưa nhận biết Chúa. Amen.
Hiền Lâm.