TẤT CẢ CHỈ LÀ MỘT TRONG CHÚA KITÔ
Ds 11,25-29; Gc 5, 1-6; Mc 9, 37-42.44.46-47
Fr. Vicent Hoa -PV.
Thomas Merton nói: không ai là một hòn đảo. Điều đó muốn nói rằng, bản chất con người là hướng đến người khác và chỉ sống đúng nghĩa khi biết sống trong tương quan với người khác, là sống trong một tổ chức, một hội đoàn hay một tập thể xã hội cụ thể. Và do đó để tồn tại và phát triển, con người qua bao thế hệ luôn biết hình thành nên những nhóm, những tầng lớp hay những cộng đồng xã hội … để thuộc về nhóm và thuộc về nhau. Như vậy nhóm hay cộng đoàn là những cơ cấu cần thiết để con người được lớn lên trong sự tương trợ lẫn nhau. Thế nhưng cũng chính trong cơ cấu nhóm, hay tầng lớp xã hội này lại nảy sinh ra những tiêu cực không hay, là óc bè phái, tính ích kỷ và sự chia rẽ… Không riêng gì các tổ chức dân sự mà ngay cả trong Giáo Hội cũng vậy. Lời Chúa hôm nay cho thấy tình trạng đó. Vì ghen tị, ông Giosuê đã xin ông Môsê cấm những người không thuộc nhóm mình được nói tiên tri. Còn trong Tin Mừng, Gioan xin Chúa Giêsu ngăn không cho những người nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, chỉ vì họ không thuộc về nhóm các ông. Vậy tại sao lại hay có chuyện nảy sinh ra óc bè phái như thế? Và làm sao để giảm bớt tình trạng óc bè phái đó?
Thiết tưởng để tránh khỏi não trạng ghen tị phe nhóm này, chúng ta phải hiểu thế nào là nhóm, là tổ chức theo Kitô giáo. Một khi hiểu được thế nào là nhóm, là tổ chức riêng lẻ thì may ra mới mong giảm bớt được tính phe đảng và ghen tị này.
Chúng ta biết, để vận hành xã hội nói chung, cũng như Giáo Hội, cần phải phân chia thành những nhóm nhỏ hay những tổ chức riêng lẻ với những chức năng khác nhau. Nhưng tất cả đều nằm chung trong một nhóm lớn và duy nhất là cộng đồng nhân loại hay cộng đoàn của Chúa Kitô, tức là Giáo Hội. Như thánh Phaolo nói, cũng như trong một thân thể có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận có những chức năng khác nhau, nhưng tất cả đều là những chi thể trong thân mình duy nhất là Đức Kitô (Rm 12, 4-5). Tất cả điều phải thuộc về một nhóm duy nhất là Chúa Kitô, đó là nhóm mà mọi người, cách riêng những người Kitô hữu phải ý thức mình thuộc về. Dẫu chúng ta là Giáo Hội Việt Nam, hoặc giáo xứ A hay dòng tu B thì cũng phải luôn ý thức mình thuộc về nhau và thuộc về Giáo Hội hoàn vũ. Giôsuê trong bài đọc I, và Gioan trong Tin Mừng đã xin Môsê và Chúa Giêsu cấm người khác nói tiên tri và trừ quỷ, là vì tinh thần của các ông chỉ đứng riêng lẻ trong nhóm nhỏ của mình mà không liên kết hay ý thức mình phải thuộc về “nhóm lớn là nhóm duy nhất: là nhóm của Chúa Thánh Thần, nhóm Chúa Kitô”. Các ông đã bị ông Môsê và Chúa Giêsu trách vì các ông chưa hiểu thể nào là “nhóm” đúng nghĩa mà các ông phải ý thức thuộc về. Nhóm này không như các nhóm nhỏ riêng lẻ chỉ dành riêng cho một số người theo, được phân định theo luật lệ hay cơ cấu hữu hình, nhưng đặt trên nền tảng là tinh thần và chân lý. Nghĩa là những ai sống theo tinh thần của Chúa Kitô và hành động dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần đều thuộc về nhóm này. Chỉ khi ý thức được như vậy, óc bè phải, và sự ghen tị mới mong dẹp bỏ được. Khi đó, thay cho sự ghen tị và tham lam, mọi người sẽ biết chấp nhận nhau để mọi sự tốt lành được trăm hoa đua nở. Nhất là mọi người luôn biết ý thức một điều quan trọng hàng đầu là làm sao cho Tin Mừng được lan rộng khắp nơi. Còn cách thức làm sao để thực hiện điều đó thì tuỳ vào ơn riêng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Không còn thái độ người của mình hay cách của mình là hay là tốt, còn người của nhóm khác hay cách của người khác là dở là không hay. Cũng không còn tình trạng ghen tị người khác bằng mình hay hơn mình nữa. Nhưng luôn vui với người vui, nhất là biết mở lòng mình ra để cho Thần Khí Chúa hoạt động và hướng dẫn tất cả. Như thế một khi đã ý thức mình thuộc về nhóm của Chúa Kitô, không những chúng ta không còn tính đảng phái hay ghen tị nữa, nhưng biết mở ra để Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta cũng như trong người khác. Nhưng làm sao để phân biệt đâu là hoạt động của Chúa Thánh Thần?
Chúng ta đang sống trong một thời đại vàng thau lẫn lộn, nhiều khi thật khó để phân định đâu là hoạt động của Thần Khí Chúa và đâu là hoạt động của ma quỷ. Chẳng hạn nhóm ‘nhà cha’ ở Bảo Lộc hay các phong trào Thánh Linh… Một số người xác tín đó là hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhưng cũng có nhiều người không tin và cho rằng, ma quỷ cũng có thể làm được những chuyện siêu nhiên như vậy. Những phong trào đại loại như thế không phải chỉ xẩy ra hôm nay mà thôi, mà nó đã tồn tại trong dòng lịch sử Giáo Hội, ngay từ thời đầu của Giáo Hội. Cho nên thánh Gioan cũng đã phải nhắc nhở giáo đoàn của ngài và cũng là là nhắc nhở chúng ta hôm nay là: “đừng cứ thần khí nào cũng tin, những hãy cân nhắc xem có phải thần khí bởi Thiên Chúa hay không” (1Ga 4,1-6). Vậy làm sao chúng ta phân định được đâu là hoạt động của Thần Khí Chúa và đâu là hoạt động của ma quỷ? Dưới ánh sáng của Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta có thể căn cứ vào 3 tiêu chuẩn sau đây để phân định đâu là hoạt động của Chúa Thánh Thần và đâu là hoạt động của mà quỷ. Đó là những hoạt động: nhắm đến đức ái, làm chứng cho Chúa Kitô, và sự phục vụ.
– Nhắm đến đức ái: Theo thánh Phaolô, đức mến và hoa trái của đức mến là dấu hiệu để nhận biết hoạt động của Thần Khí Chúa. Ngài nói: giả như nói được tiên tri, làm phép lạ, hiểu biết các mầu nhiệm…mà không có đức mến thì chẳng là gì cả (1Cr 13,1-2). Và hoa trái của đức mến thì: nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không làm điều bất chính, không tư lợi….nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả chịu đựng tất cả (1Cr 13,4-7).
– Hoạt động của Thần Khí là luôn làm chứng cho Đức Kitô. Thánh Gioan chỉ dẫn chúng ta:“căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần Khí của Thiên Chúa: Thần Khí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì Thần Khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Chúa Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa” (1Ga 4, 2-3).
– Nhận biết Thần Khí Chúa qua việc phục vụ: chúng ta biết, các đặc sủng được ban là vì công ích, vì sự hiệp thông và vì sứ mạng của Giáo Hội. Do đó đặc sủng luôn hướng về phục vụ cộng đoàn, một sự phục vụ quên mình và vô vị lợi, như Thánh Phêrô nói: “ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác” (1Pr 4,10). Ngược lại, nếu dùng đặc sủng để làm lợi cho mình, để chỉ trích người khác, hay gây chia rẽ… thì đó là dấu chỉ không phải là thần khí bởi Thiên Chúa.
Vậy, dù sống bậc nào và ở đâu, thuộc cộng đoàn hay tổ chức nào, chúng ta cũng hãy luôn ý thức rằng, nhóm hay cộng đoàn của chúng ta chỉ thực sự là một nhóm hay một cộng đoàn đúng nghĩa khi chúng ta thuộc về một nhóm duy nhất là nhóm của Chúa Kitô. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể dẹp bỏ được tính ích kỷ hẹp hòi, và có khả năng để cho Chúa Thánh Thần tự do hoạt động trong mọi người, dưới mọi hình thức khác nhau trong việc xây dựng cộng đoàn, Giáo Hội, tức Thân Mình của Chúa Kitô.