Thứ 2, Tuần 2, Mùa Phục Sinh, Ga 3,1-8
Để Hưởng Nước Thiên Chúa
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Khái niệm “Kitô hữu vô danh” là khái niệm độc đáo của thần học gia Karl Rahner (1904-1984), dòng Tên. Những suy tư của cha đã góp phần quan trọng xây dựng nội dung cho Hiến chế tín lý Ánh Sáng Muôn Dân (LG) của Công đồng chung Vaticanô II.
“Kitô hữu vô danh” được hiểu là những người chưa lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, nhưng với lương tâm ngay thẳng, sống cuộc đời chính trực, bác ái vị tha; một cách nào đó, họ đã thuộc về Chúa Kitô, họ là môn đệ của Chúa Kitô, vì đã sống những giá trị của Tin Mừng.
Tin mừng hôm nay, cũng cho thấy ông Nicôđimô đúng là người môn đệ đặc biệt của Chúa Kitô. Ông thuộc nhóm Pharisêu- nhóm những người đạo đức, ông lại là một thủ lãnh của người Do Thái. Thế mà, ông tôn nhận Đức Giêsu là Thầy, và đến gặp Thầy để được biết thêm về những thực tại siêu nhiên: thực tại Nước Thiên Chúa mà ông đang khắc khoải tìm kiếm.
Đức Giêsu hiểu thấu lòng ông, Người cho ông biết: Không ai có thể thấy và vào Nước Thiên Chúa được nếu không “sinh lại”, “tái sinh” bởi ơn trên.
Nước Thiên Chúa mà Đức Giêsu nói đến: có thể hiểu theo ba cách thức:
+ Nước Thiên Chúa là Thiên Đàng, là Nước Trời ở đời sau.
+ Nước Thiên Chúa ở đời này, tức là Hội Thánh lữ hành.
+ Nước Thiên Chúa cũng là uy quyền và vinh quang của Thiên Chúa trong các tâm hồn thánh thiện.
Thực tế, ba cách thức này không thể tách biệt nhau: Bởi lẽ, muốn vào Nước Thiên Đàng, phải có ơn thánh Chúa trong mình. Mà muốn có ơn thánh Chúa, thì phải gia nhập Hội Thánh để hưởng dùng ơn thánh qua các bí tích Chúa Giêsu đã thiết lập. Mà điều kiện để vào Hội Thánh là “sinh lại”, “tái sinh” trong bí tích Thanh Tẩy. (x. Hành Trang Mục Vụ – Khoá 10 ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn).
Mỗi kitô hữu chúng ta, đã được “tái sinh” khi lãnh Bí tích Thanh tẩy, đang được hưởng dùng ơn thánh Chúa, và sẽ được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng. Tuy nhiên, để được vậy, chúng ta cần sống ơn thánh đó, qua đời sống sám hối, cầu nguyện, năng lãnh nhận các Bí tích và thực thi đức bác ái trong cuộc sống hằng ngày.
Hơn ai hết, các thánh đã sống triệt để ơn “tái sinh” ấy, điển hình như thánh Phaolô, từ một người nhiệt thành với đạo Do Thái đến nỗi bách hại đạo Công Giáo. Thế rồi, ngài đã được “tái sinh”, gia nhập đạo, nhiệt thành loan báo Tin Mừng, trong niềm hoan lạc và bình an của Chúa Thánh Thần.
Ước chi, chúng ta cũng cảm nghiệm được ơn thánh đang hoạt động trong ta, để có thể nói như thánh Tông Đồ: “Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).