Thứ Tư Tuần IV Phục Sinh, Ga 12,44-50
Tin Vào Đấng Cứu Độ Trần Gian
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Trong các ngày 9–14/04/2024, Đức Tổng giám mục Paul Richard Gallagher Ngoại trưởng Tòa Thánh Vatican đã có chuyến thăm Việt Nam. Đức TGM ngoại trưởng Toà Thánh, được các bộ, ban, ngành đạo cũng như đời đón tiếp rất long trọng. Chúng ta tự hỏi do đâu mà vị ngoại trưởng được đón chào cách long trọng như vậy? Thiết nghĩ không phải do danh tiếng, trình độ học vấn, hay tài đức của ngài, nhưng là vì ngài đại diện cho quốc gia Vatican, đại diện cho chính Đức thánh cha Phanxicô vị lãnh đạo Hội Thánh Công Giáo. Cho nên, mọi lời nói, mọi quyết định của vị ngoại trưởng đều là quyết định của chính Đức Thánh Cha.
Vâng, đón tiếp người được sai đi thì cũng chính là đón tiếp chính Đấng đã sai đi. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn hiển lộ về nguồn gốc thần linh của Ngài cho những người Do Thái năm xưa cũng là cho chính chúng ta hôm nay: “Ai tin vào tôi thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi”.
Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia cứu thế được Chúa Cha sai đến trần gian. Thế nhưng cho đến nay, người Do Thái vẫn không tin. Thành ra, họ vẫn cứ còn khắc khoải trông chờ. Hẳn có những lý do khiến người Do Thái không tin Đức Giêsu là đấng Mêsia: có thể do lai lịch Đức Giêsu rất đỗi bình thường, xuất thân trong một gia đình nghèo khó, chứ không phải trong cung điện giàu sang, Đức Giêsu con ông Giuse và bà Maria một người cùng làng, cùng xóm bình thường như bao nhiêu người, mà cái làng Nadarét thì nhỏ bé chẳng có điều gì hay ho… đó thật là những điều trái với quan niệm của người Do Thái. Người Do Thái quan niệm về Đấng Mêsia của họ là một vị quân vương oai phong lẫm liệt có sức mạnh giải thoát họ khỏi đế quốc Rôma đang cai trị, đấng Mêsia của họ phải là một vị xuất chinh đánh đông dẹp bắc, khiến các nước lân bang khiếp sợ. Do quan niệm sai lầm và cố chấp đó đã khiến người Do Thái không thể chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết.
Có lẽ đôi khi trong cuộc đời chúng ta cũng chẳng hơn gì người Do Thái, vì những quan niệm và hoài nghi không tin vào Thiên Chúa luôn yêu thương mình, nhất là khi phải đối diện với những gian nan thử thách, đau khổ, thất bại… trong cuộc đời. Có khi chúng ta hỏi Chúa ở đâu mà để con phải khổ sở thế này? Xin cho chúng ta có đức tin vững vàng để nhận ra Chúa đang đồng hành ngay trong những nỗi gian nan của chúng ta, Ngài đang dẫn dắt chúng ta đi theo đường lối kì diệu mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới.
Mặt khác, có khi vì a dua theo quan niệm “sống thoáng” của người đời, mà chúng ta làm hỏng cuộc đời của mình và của họ. Đó là khi chúng ta đồng lõa sống trong sự vô kỷ luật, thỏa mãn thú vui trần gian, săm soi, ganh tị, nói xấu hạ bệ nhau. Xin cho chúng ta biết tránh xa những quan niệm sai lầm về tình thương của Thiên Chúa, tránh xa những quan niệm sai lầm về tha nhân, để dám can đảm đứng lên làm lại cuộc đời đem tình thương của Chúa đến với mọi người.
Ước chi lời Chúa hôm nay làm tăng triển đức tin của chúng ta vào mầu nhiệm đức Giêsu Thiên Chúa làm người, đấng đã được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian cứu rỗi nhân loại, để với đức tin ấy chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa ba ngôi đang yêu thương nâng đỡ chúng ta mọi ngày.