M. Pacomio Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp
Trong cuộc sống của con người, nếu một ai đó tổ chức tiệc và mời khách nhưng bị từ chối, thì chắc hẳn lòng cảm thấy rất buồn. Buồn vì mình không được coi trọng. Buồn vì thành ý của mình không được đón nhận. Nếu đặt vào hoàn cảnh của người chủ tiệc trong dụ ngôn hôm nay, thì nỗi buồn, nỗi tức giận càng lớn hơn nữa.
Người chủ tiệc đó là vua của một nước. Với vai trò của người đứng đầu quốc gia, vị vua này có toàn quyền trên mọi người dân trong đất nước của mình. Thế nhưng, đám thần dân lại dám khước từ lời mời của ông. Mặc dầu có quyền trong tay, nhưng chủ của bữa tiệc không muốn ép buộc mọi người phải tham dự, mà để khách mời có quyền tự do chọn lựa. Họ có tự do để chọn lựa đến hay không, tham dự bữa tiệc hay từ chối.
Thật khó để tìm ra một vị vua như thế ở trên trần gian này. Hình ảnh vị vua đó chỉ có ở nơi Thiên Chúa, một Thiên Chúa toàn năng và đầy yêu thương. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa mời gọi con người đến với Ngài để chung hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên Quốc. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn tôn trọng quyền tự do của mỗi người. Thiên Chúa kêu mời, còn con người có tự do để đáp lại lời mời đó. Con đường trở về với Thiên Chúa là sự đáp trả một cách tự do. Con người có tự do để chọn đời sống chóng qua ở đời này hay cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu mai sau trên Thiên Quốc.
Trái ngược với hình ảnh nhân hậu của ông chủ bữa tiệc là sự vô ơn, bội bạc của khách mời. Khi đến tham dự một đám tiệc, người ta không chỉ dừng lại ở chuyện ăn, chuyện uống, nhưng là cơ hội để gặp gỡ và thiết lập các mối tương giao. Được vị đứng đầu đất nước mời dự tiệc, đáng lẽ người dân phải vui mừng và hân hoan, thì họ lại thờ ơ trước lời mời đó. Không đến dự tiệc là đánh mất đi cơ hội để gặp gỡ và xây dựng mối tương quan với vị vua, với hoàng tử và những người khác. Những khách được mời tìm đủ mọi lý do để thoái thác: “Kẻ thì đi thăm nông trại, kẻ khác thì đi buôn” (Mt 22,5). Có người dường như còn muốn phá hoại niềm vui của chủ tiệc khi bắt các đầy tớ và đánh đập, “còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết đi”. Lòng người thật vô ơn bạc nghĩa. Người ta không chịu nhận ra thành ý của ông chủ bữa tiệc mà còn có những hành vi thiếu tôn trọng.
Đề cập đến bữa tiệc, Đức Giêsu muốn nói đến một bữa tiệc khác cao trọng hơn. Đó là bữa tiệc trên Thiên Quốc. Trong Kinh Thánh, bữa tiệc là hình ảnh để diễn tả về Nước Trời, một thực tại mà theo như diễn tả của ngôn sứ Isaia: “Tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy rượu ngon tinh chế” (Is 25,6). Đây là một cách nói để diễn tả một nguồn hạnh phúc vĩnh cửu và viên mãn, một hạnh phúc mà con người không sợ mất đi vì hạnh phúc đó đến từ nơi Thiên Chúa.
Thế nhưng, con người chỉ thấy được hạnh phúc chóng qua ở đời này mà không nhận ra nguồn hạnh phúc đích thực mai sau. Nhiều người quá bận tâm đến cuộc sống ở đời này mà quên đi đời sống mai sau trên Thiên Quốc. Những giá trị bị đảo lộn, phương tiện lại biến thành mục đích và mục đích lại trở nên bị lu mờ bởi những thứ chóng qua ở đời này.
Nói như vậy, phải chăng Kitô giáo là tôn giáo chỉ quan tâm đến đời sau? Thực ra, bữa tiệc của Đấng Thiên Sai đã được khai mở ở trong thời đại này. Hạnh phúc đích thực của con người là có Chúa ở cùng. Hằng ngày, qua bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu được tham dự cùng một bàn Tiệc với Con Thiên Chúa khi tham dự thánh lễ. Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu và hiệp nhất. Tham dự Thánh Lễ là sống những phút giây trong tình yêu thương và hiệp nhất với Đức Kitô. Mọi Kitô hữu cùng được hiệp nhất trong Chúa; và chính Chúa ngự trong tâm hồn của mỗi người. Bí tích đó là bằng chứng cho thấy một tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người. Vì tình yêu thương nhân loại mà Con Thiên Chúa sẵn sàng hy sinh tính mạng để cho con người được sống.
Mặc dầu tình yêu của Thiên Chúa đối với con người là một tình yêu vô biên, và đến một cách nhưng không; thế nhưng, đã bao lần con người không nhận ra, hay thậm chí đã từ chối ân huệ lớn lao đó. Bàn tiệc Thánh Thể là bàn tiệc của tình yêu, thế nhưng, nhiều người không nhận ra đó là ân huệ và xem việc tham dự thánh lễ là một bổn phận phải chu toàn. Có người tham dự thánh lễ theo thói quen chứ chưa ý thức được tình yêu Thiên Chúa. Biết bao người sẵn sàng bỏ số tiền lớn để đi chơi vào những ngày cuối tuần, nhưng lại viện lý do không có thời giờ cho việc tham dự thánh lễ. Những điều trên đã cho thấy một sự vô tâm của con người trước tình yêu của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, qua bàn tiệc Thánh Thể, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi con người đến với Ngài. Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, tôi đã thể hiện thái độ nào? Đó là câu hỏi mà mỗi người cần có câu trả lời cho riêng mình. Có được cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ, điều đó tuỳ thuộc vào sự chọn lựa của mỗi người.