LỄ CHÚA BA NGÔI
Đan viện Phước Hải
Giai thoại các thánh kể chuyện, Thánh Augustinô – vị thánh tiến sĩ lỗi lạc của Giáo Hội Công Giáo, một hôm đang đi bách bộ trên bờ biển Địa Trung Hải, vừa đi vừa suy tư về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi thì bắt gặp một em bé đang cầm một vỏ xò múc nước biển đổ vào một cái lỗ. Chưa hết ngạc nhiên về việc vô ích em bé đang làm thì vị thánh nghe em nói với mình: việc em múc hết nước biển đổ vào cái lỗ này còn dễ hơn việc ngài đang suy tư. Một trí tuệ sắc bén và thâm sâu như Augustinô mà còn cảm thấy khó đối với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thì đối với những kẻ tầm thường như chúng ta thì làm sao hiểu nổi. Nhưng không vì thế mà ta tỏ ra ái ngại hoặc tránh né đề tài này, vì chính Thánh Thần sẽ tác động đến tâm trí chúng ta và soi sáng cho chúng ta hiểu tùy theo khả năng tiếp nhận và lòng khao khát của mỗi người.
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một trong những tín điều lớn và quan trọng nhất đối với Kitô giáo, đây cũng là điểm giáo lý mới mẻ, phân biệt ta với các tôn giáo độc thần khác là Do Thái giáo và Hồi giáo. Mỗi người có cách hiểu khác nhau về Chúa Ba Ngôi. Hồi nhỏ khi học giáo lý tôi được dạy Ba Ngôi cũng giống như một tam giác đều có ba cạnh và ba góc giống nhau tượng trưng cho ba ngôi vị bình đẳng và giống nhau về phẩm tính, quyền bính, quyền năng…có người ví Ba Ngôi giống như ba thể khác nhau của nước là thể khí, thể lỏng và thể rắn, người khác lại nói Ba ngôi cũng tựa như mặt trời là Chúa Cha toả chiếu ánh sáng là Chúa Con và toả ra hơi nóng là Chúa Thánh Thần, hoặc có cách hiểu vô cùng bình dị như thánh Giuse Cupertino ví Ba Ngôi giống như một cái mền được gấp làm ba, một hình ảnh khác cũng rất gần gũi, thân thương với mỗi người đó là gia đình: “mình với ta tuy hai mà một; người đàn ông sẽ kết hợp với vợ mình và cả hai sẽ nên một xương một thịt, và hoa trái của tình phu phụ sẽ kết tinh nên những người con là những mầm sống mới làm cho cuộc sống thêm phong phú và triển nở … Dù chúng ta sử dụng hình ảnh loại suy là gì chăng nữa thì mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi cũng chính là mầu nhiệm “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16). Thánh Thần chính là tình yêu nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Tình yêu xuất phát từ Ba Ngôi trào tràn làm phát sinh muôn vật muôn loài có sự sống đa dạng và phong phú. Bởi tình yêu chính là sự sống, hay nói cách khác tình yêu làm phát sinh sự sống. Lão Tử, một hiền triết nổi tiếng của Trung Hoa cổ đại cũng có những tư tưởng sâu sắc tương tự khi ông nói đến việc vũ trụ phát sinh từ một hạt giống đầu tiên là Đạo, Đạo là một, một sinh hai, hai sinh bốn, bốn sinh tám… cứ thế vũ trụ được hình thành. Vậy Đạo ở đây là gì nếu không phải là “tình yêu”, là chính một Chúa Ba Ngôi, Đấng tạo dựng trời và đất cùng muôn loài trong đó… Từ đây chúng ta có thể thấy được rằng các tôn giáo khác nhau và các nền tư tưởng khác nhau không mâu thuẫn hay đối chọi nhau mà lại bổ túc cho nhau. Chúng như những mảnh ghép của một bức tranh được Thiên Chúa tung vào thế giới hay chúng chính là những mảnh vụn chân lý Thiên Chúa muốn chúng ta tìm về và ghép lại để hiểu được chân lý toàn vẹn mà Thiên Chúa muốn mặc khải. sở dĩ Thiên Chúa hành động như vậy là vì Ngài không muốn chúng ta sống theo kiểu độc tôn độc tài, khép kín nhưng biết chấp nhận nhau trong sự đa dạng và khác biệt, để có thể hiệp nhất trong yêu thương mà không cần đồng nhất với nhau. Nhà thơ Xuân Diệu có một câu thơ rất nổi tiếng về tình yêu trong bài thơ “tuổi nhỏ”:
Làm sao sống được mà không yêu,
không nhớ không thương một kẻ nào!
Một câu thơ tuy ngắn, đầy tính lãng mạn và trữ tình, nhưng không phải chuyện trên mây trên gió, mơ mộng viễn vông mà là một thực tế rất cụ thể, một chân lý không ai chối cãi được, dù là người sống bậc sống nào chăng nữa, sống độc thân hay sống đời dâng hiến thì họ vẫn có đối tượng để hướng tới, để yêu thương và thông hiệp. Do đó “Thiên Chúa tình yêu” làm sao có thể là một Thiên Chúa hằng hữu cách đơn độc từ khởi thủy, nếu không phải đã tồn tại trong chính Ngài những ngôi vị khác biệt để yêu thương, bởi bản chất của tình yêu chính là để sống với, sống cùng, và thông hiệp với nhau, để từ sự kết hợp chặt chẽ của Ba Ngôi trong tình yêu sẽ nảy sinh sự sống phì nhiêu cách phong phú và đa dạng.
Ba Ngôi vị trong một Thiên Chúa cũng là biểu tượng, là mẫu gương của đời sống hiệp hành. Ba ngôi tuy khác biệt nhưng không tách biệt; mỗi ngôi có một nhiệm vụ khác nhau: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa, hướng dẫn Hội Thánh. Tuy nhiệm vụ khác nhau nhưng Ba Ngôi vị cùng nhau thi hành chứ không ngôi nào đơn độc một mình. Vì trước khi tạo dựng ra vũ trụ này thì Thiên Chúa Ba Ngôi đã hiện diện rồi “Ta là Đấng hằng hữu; Ta là Anpha và Ômêga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng.” (Xh 3,14; Kh 1,8); “Hãy nghe đây, lời minh định của Đức Khôn Ngoan: ‘Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời,…Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.’” (Cn 8,22-23.30-31), Và (x. cc.22-26; Tv 90,2; Ga 3,31). Đó là hình ảnh ngộ nghĩnh, vui tươi của Chúa Con bên cạnh Chúa Cha. Ngài không chỉ ở đó để đùa vui mà còn ở đó để phụ giúp Chúa Cha trong việc tạo dựng như “tay thợ cả”, tức là một người thợ chuyên nghiệp, lành nghề, thợ lớn chứ không phải là thợ nhỏ, thợ quèn. Chúa Con là niềm vui của Chúa Cha, nhưng không vì thế mà Ngài tỏ ra xa cách, coi khinh các thọ tạo nhỏ bé, nhưng Ngài lại chung sống hài hòa với muôn vật muôn loài, tôn trọng và yêu quý tác phẩm của Chúa Cha và cũng là sự cộng tác của Ngài. Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa cũng là Lời của Thiên Chúa khi Ngài dùng để sáng tạo trời đất: “Thiên Chúa phán và mọi sự liền có” (trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế 1). Còn Thần Khí Thiên Chúa lúc đó ở đâu? Thánh Kinh mô tả: Thần Khí Thiên Chúa “bay là là trên mặt nước” (St 1,2). Ba Ngôi không chỉ yêu thương, thông hiệp, sống trong nhau, hiện diện bên nhau, đồng hành với nhau trong mọi việc, mọi biến cố mà vẫn luôn hướng về nhau, sống cho nhau, làm chứng cho nhau.
Trước khi khởi đầu sứ vụ công khai của mình, Đức Giêsu đã đến sông Giodan để chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả. Tại đây ta cũng thấy sự hiện diện của Ba Ngôi, Chúa Cha phán qua đám mây: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Lc 3, 21-22; Mc 1, 9-11; Mt 3, 13-17). Như một lời xác nhận, thông báo về vai trò thiên sai của Đức Giêsu đối với nhân loại, và Thánh Thần cũng ngự xuống trên Ngài dưới hình ảnh chim bồ câu như một nhân chứng cho lời xác nhận của Chúa Cha về vai trò của Đức Giêsu. Khi Đức Giêsu biến hình trên núi Thabor, ta cũng thấy sự hiện diện của Ba Ngôi, đám mây bao phủ các ông làm các ông kinh hãi, từ trong đám mây có tiếng phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”(Mc 9,7) đám mây chính là Thánh Thần, tiếng nói là của Chúa Cha…
Trong đoạn diễn từ từ biệt các tông đồ để về cùng Chúa Cha mà chúng ta đọc hôm nay, Chúa Giêsu có nói: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (Ga 16,12-13a) Chắc chắn rằng, còn rất nhiều điều về Chúa Ba Ngôi mà ta không thể nói hết được, hoặc cũng không thể thấu hiểu hết về mầu nhiệm trọng đại và cao vời này. Chúng ta chỉ biết xin ơn Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn ta để mỗi ngày ta biết thêm một chút, yêu mến thêm một chút và sống đúng thánh ý của Thiên Chúa hơn ngõ hầu Ba Ngôi được tôn vinh và nhiều người được ơn cứu độ.