Thứ bảy, 23 Tháng mười một, 2024

THỨ 6 TUẦN THÁNH 2017

DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ

              Khi còn nhỏ, mỗi lần mùa chay thánh về, đặc biệt những khi được tham dự các lễ nghi của Tuần Thánh. Tôi vẫn thường có thái độ không tốt đối với những nhân vật có liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu. Nhớ hồi đó, tôi hay lên án tông đồ Giuđa, đôi khi còn gọi là thằng Giuđa. Tôi cũng quen gọi các thượng tế, kinh sư và người biệt phái là “bọn”. Bởi tôi nghĩ, họ là nguyên nhân, là thủ phạm gây ra cái chết của Chúa Giêsu. Tôi còn ngây ngô nói với mẹ “mai mốt lớn lên, con sẽ trả thù cho Chúa”. Nghe tôi nói, mẹ chỉ cười.

          Nhưng càng lớn lên, được học hỏi về Giáo lý, về Kính Thánh, thần học… tầm nhìn và sự hiểu biết của tôi được mở ra. Tôi hiểu rằng: không phải chỉ có người Do thái góp phần vào cái chết của Chúa, nhưng trong đó còn có tôi. Không những thế, tôi lại còn là tác nhân chính gây nên cái chết của Ngài mà bấy lâu tôi “vẫn  rửa tay tuyên bố rằng mình vô can”. Chỉ khi đọc lại Kinh Thánh tôi mới hiểu rằng: ngay từ khi con người bất tuân với Thiên Chúa thì tội lỗi đã xâm nhập trần gian. Và cũng từ đó, con người bị cắt đứt mối giao hòa với Thiên Chúa và với tạo vật. Nhưng không phải vì thế mà Thiên Chúa bỏ mặc con người trong tình trạng tội lỗi: “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi gây nên sự chết. Như thế, sự chết đã lan tràn đến mọi người… thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy” (Rm 5,12-15). Vì yêu thương và không muốn để cho con người phải chết trong tội lỗi của mình, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Độ (x. St 3,15). Qua dòng lịch sử, Người vẫn trung thành với lời hứa ấy khi sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (x. 1Ga 4,10). Thánh Phaolô đã khẳng định: Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta (x. 1Cr 15,3). Trong thư gởi tín hữu Rôma, ngài nói rõ ràng hơn: “đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). Mặc dù Ngài “chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5,21). Ngôn sứ Isaia cũng nói cho mỗi người chúng ta, Người tôi tớ đau khổ vì yêu thương chúng ta: “đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta và gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Thế mà chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Thực ra, Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm. Người đã chịu sửa phạt để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành…Ðức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta” (Is 53,4-6). Chính thánh Phêrô cũng có kinh nghiệm đó nên ngài đã mạnh mẽ khẳng định: “Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài…” (1Pr 2,24). Như thế, qua cái chết của Chúa Giêsu, mặc dù có sự cộng tác của người Do thái, nhưng trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa từ ngàn đời thì Chúa Giêsu phải chết “Vì chúng ta và để cứu độ chúng ta[1]. Và Ngài đã chết để “giao hòa nhân loại với Thiên Chúa” (Rm 5,10). Khi khẳng định “Ngài chết vì chúng ta” tức là có sự cộng tác của ta trong cái chết của Ngài.

         Kể từ đó, mỗi khi Tuần Thánh về, đọc lại bài Thương Khó, tôi không còn có cái nhìn thành kiến về người Do thái, cũng không khinh bỉ Giuđa ham tiền, và càng khônKể g chê bai Philatô hèn nhát. Nhưng tôi đã nhìn sâu vào con người nội tâm của mình để nhận ra hình ảnh của các nhân vật đều ẩn hiện trong chính con người của tôi. Chỉ khi trở về với nội tâm của mình tôi mới nhận ra “chất Giuđa” vẫn luôn tiềm ẩn trong tôi. Mỗi khi không trung thành với những gì tôi đã cam kết với Chúa, tôi đang lập lại sự phản bội của Giuđa. Trong con người của tôi còn xuất hiện dáng dấp của Phêrô, mỗi khi hèn nhát không dám tuyên xưng niềm tin qua cung cách của một người đã được thánh hiến. Và nhất là trong chính con người của tôi sẵn có “thất tình”: hỷ, nộ, ái, ố…nên tôi cũng là những người Biệt phái, Kinh sư và Pharisiêu mỗi khi thấy chị em có cái gì hơn mình tôi tỏ ra ghen tỵ và cố tìm mọi cách hạ bệ chị em. Không những thế, tôi còn có thái độ vô tâm, vô cảm trước đau khổ của người khác, hèn nhát không dám nhận trách nhiệm, muốn yên thân nên đã “rửa tay tuyên bố vô can” trước vấn đề của tha nhân. Như vậy, Chúa đã chết vì tội lỗi của tôi đúng như lời Thánh Kinh đã nói. Cho nên, mỗi khi tôi từ khước thực thi ý Chúa, mỗi khi từ khước giúp đỡ anh chị em và mỗi khi tôi không trung thành với những gì mình đã khấn hứa… là lúc tôi đang cộng tác vào cái chết của Ngài.

     Chiều nay, khi cầu nguyện và suy tư trước cây thập giá, một hình ảnh tuyệt đẹp, một dáng đứng kiêu hùng và kiên vững. Cây thập giá hình chữ T với tấm thân của Chúa kết thành chữ Y tạo nên một cặp từ hoàn hảo: Tình Yêu. Đó là một Tình Yêu đến cùng, đến không còn gì hơn để cho nhân loại, đến giọt nước và giọt máu cuối cùng Ngài cũng trao hết chỉ vì Yêu nhân loại. Ngài đã chết trong khi đang hướng về trời cao với đôi tay rộng mở để ban phát mọi ơn lành, và trái tim mở ra để ôm trọn cả thế giới vào lòng. Dưới chân thập giá, tôi được mời gọi nhận ra Tình Yêu của Đấng vì yêu nhân loại đã sẵn sàng trao ban chính bản thân mình. Ngài đã chết vì yêu tôi và để cho tôi được sống. Ngài đã chấp nhận mọi đau khổ để cho tôi được hạnh phúc và Ngài đã gánh lấy tội lỗi của chính tôi và của mọi người để cho tôi và cho nhân loại được đến gần Chúa Cha. Nên khi đứng dưới chân thập giá, tôi cũng được mời gọi nhận ra gương mặt khổ nạn của Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện nơi những người anh chị em chung quanh tôi, những người đang bị đè nén dưới sức nặng của sự nghèo khó, bệnh tật, bất công, đau khổ, bạo lực… Và Chúa mời gọi tôi đừng vô cảm, đừng dửng dưng trước nỗi đau của anh chị em mình. Hãy là một Simon vác đỡ thập giá cho nhau. Bài học Tình Yêu dưới chân thập giá luôn luôn là những bài học mới mẻ… Hơn hai ngàn năm qua, biết bao người đã đến với cây thập giá của Chúa Giêsu và thấy gánh nặng cuộc đời trở nên nhẹ nhàng hơn.

Lạy Đấng chịu đóng đinh trên cây thập giá, xin cho con biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu của cây thập giá để cùng với Người bước đi trong hành trình cuộc đời mỗi ngày. A mem

  1. Vinh Sơn

 [1] X. Kinh Tin Kính.

 

thu sautuanthanh.blogspot.com/2017/04

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 6 Tuần Thánh

Đi đàng thánh giá: Vì yêu, Chúa đã chấp nhận trở nên đồng phận với loài người yếu đuối, mỏng giòn, nghèo khó, để rồi...

Thứ 5 Tuần Thánh

TAM NHẬT THÁNH “ Đây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,...

Đây nén hương xuân, nén hương ân tình …

CHƯƠNG TRÌNH VUI XUÂN NGÀY MÙNG 2 TẾT QUÝ MÃO  2023 TRONG TINH THẦN HIỆP HÀNH “Đây nén hương xuân, nén hương ân tình, nén hương thành...

Nhịp đập thể thao

NHỊP ĐẬP THỂ THAO Ngay từ giây phút khởi đầu, nhịp đập thể thao đón xuân của Cộng Đoàn Vĩnh Phước chúng ta được khai...

Đôi lời chuyện vãn đầu xuân ….

ĐÔI LỜI CHUYỆN VÃN ĐẦU NĂM…       “Mùa xuân sang ta chúc nhau, bao ước muốn bao hy vọng, cùng rủ nhau mau bay về… về...

Mừng Thượng thọ Cửu tuần chị M. Têrêsa Avila Lưu Thị Nhàn

Mừng Thượng thọ Cửu tuần chị Maria Têrêsa Avila Lưu Thị Nhàn Tuổi già là ân phúc Chúa ban không chỉ riêng cho bản thân...

Kỷ yếu 50 Năm Hồng Ân Đan Viện Vĩnh Phước

XIN CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ XEM NỘI DUNG KỶ YẾU