TRUYỀN TIN ( Lc1,26-38)
FM. Micael -PV.
Truyền thanh, truyền hình, truyền tín hiệu.vv. mụch đích của những công việc này là chuyển tải đi những sứ điệp đến đối tượng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp với nhiều hình thức khác nhau, và nội dung truyền tải có thể là một tin tức hay một mệnh lệnh.
Có rất nhiều phương cách để thực hiện công việc truyền tin này. Theo các nhà khảo cổ học. Vào những thế kỷ trước, khi xã hội loài người còn lạc hậu và nền khoa hoc chưa được phát triển, người ta đã biết sử dụng những tiếng trống, tù và, mảnh gương chiếu hoặc ánh lửa vv. để truyền đi những mệnh lệnh hoặc tín hiệu thông báo. Ngày nay, với nền khoa học phát triển, người ta có thể dùng các phương tiện công nghệ hiện đại để thực hiện việc truyền tin cách nhanh chóng và hiệu quả nhất theo tốc độ của ánh sáng. Tuy nhiên, để thực hiện và hoàn thành một cuộc truyền tin không hệ tại ở việc nhanh hay chậm mà chính là phải hội đủ 3 yếu tố sau: Chủ thể của nguồn tin, nội dung của lệnh truyền, sau cùng là đối tượng nhận tin và thi hành. Đây là ba yếu tố rất quan trọng, và sẽ bất thành khi thiếu một trong ba yếu tố. Dựa trên cấu trúc này, xin được chia sẻ một vài tâm tình qua đoạn Tin mừng Thánh Luca trong thánh lễ Truyền Tin hôm nay.
1, Thiên Chúa là chủ thể của lệnh truyền.
Chúng ta thường gọi đoạn Tin mừng trên đây dưới tiêu đề là “Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ”. Nhưng Thiên thần và Đức Mẹ đều không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính là Đức Giê su. Đoạn Tin mừng này nhằm giới thiệu cho chúng ta căn tính cúa Đức Giê su. Qua lời Sứ thần mà chúng ta biết Giesu là ai, Ngài từ đâu đến, và đến để làm gì trong thế gian?
Như Kinh thánh đã viết: “Khi đã tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người nữ và sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Ga 4,4-5). Đây là “Tin Mừng Đức Giesu Kirto, Con Thiên Chúa” (Mc1,1); “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc 1,68). Người đã thực hiện lời hứa với Abraham và con cháu ông (Lc 1,55). Người đã thực hiện hơn cả điều chúng ta mong ước. Người đã cử “Con yêu dấu” của Người đến (Mc1,11). Vậy đâu là lý do khiến Thiên Chúa thực hiện lời hứa?
Kinh Thánh đã mạc khải như sau: “Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta, bằng cách giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: “Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và sai con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga4,10). “Chúa Cha đã sai con của Người đến làm Đấng Cứu độ thế gian” (1Ga4,14). “Đức Giesu đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi” (1Ga3,5) . Sách GLHTCG đã minh định thế này: “Bản tính chúng ta vì bệnh hoạn nên cần được chữa lành, vì sa ngã nên cần được nâng lên, vì đã chết nên cần được phục sinh. Chúng ta đánh mất quyền sở hữu điều lành nên cần phải lấy lại, bị vây hãm trong bóng tối, nên cần đến ánh sáng, bị tù đày nên mong Đấng Cứu độ, bị giam cầm nên đợi tiếp cứu, bị nô lệ nên chờ Đấng giải phóng. Những lý do ấy không quan trọng sao? Nhân loại đang chìm trong khốn cùng và bất hạnh, lẽ nào Thiên Chúa không động lòng mà hạ cố xuống tận bản tính con người để viếng thăm sao (GL HTCG số 385). Như vây, để thực hiện lời hứa với “Ông Abraha và con cháu”(Lc 1,55) Thiên Chúa đã tuyên bố lệnh truyền tình yêu ơn cứu độ của Ngài đến cho muôn dân.
2, Nội dung lệnh truyền.
Thánh Gioan đã minh giải cho ta biết: “Ngôi Lời đã làm Người để giúp chúng ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa : “Đây là cách Thiên Chúa biểu lộ tình yêu đồi với chúng ta. Người đã sai Con Một giáng trần để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga4,9). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con Một của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga3,16). Như vậy, qua lời minh giải của Thánh kinh, chúng ta đã hiểu rõ ý định của Thiên Chúa là trao ban tình yêu cứu độ cho con người qua Người Con, để những ai tin và đón nhận Lời của Người Con thi sẽ khỏi phải chết. Đó chính là nội dung của lệnh truyền.
3, Đức Kito thi hành thánh ý của Chúa Cha.
Để thực hiện viêc cứu chuộc loài người, Thiên Chúa đã chọn con đường đưa Con của Ngài vào trần gian. Biến cố truyền tin cho Đức Maria mở đầu “thời viên mãn”(Gl 4.4), nghĩa là thời thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa, và chuẩn bị từ trước. Đức Giesu đã vâng lời Chúa Cha và thực hiện lời Thiên Chúa Cha đã hứa. Ngài đã tuyên bố rằng: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết: (Ga 6,38-39) “Các ông biết tôi ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật…chính Người đã sai tôi.”(Ga7,28-29). Như vậy, việc thực hiện lệnh truyền của Chúa Cha nơi Chúa Giesu đã được ứng nghiệm như những gì Vịnh gia đã nói: “Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như sách thánh đã chép về con” (Tv 40,6-9), và chính từ đây sự vâng phục thẳm sâu vô điều kiện của Đức Giesu Kito là hiến tế duy nhất đẹp lòng Thiên Chúa và máu Người đã đổ ra chỉ một lần là đủ, để Thiên Chúa tha thứ tất cả cho con người.
Từ điểm then chốt này, nếu chúng ta muốn thiết lập mối giao hòa với Thiên Chúa, vâng lời làm theo thánh ý Ngài là cách thức duy nhất, thì phải tin và vâng phục những gi Đức Kito đã mạc khải và dạy dỗ. Vì Chúa dạy: “Ai tin và vâng giữ lời Thầy dạy thì sẽ không bao giờ phải chết”(Ga 8,51). Hơn nữa, Chúa Giesu đã khẳng định rằng: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lơi Thầy, Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong ngươi ấy” (Ga14,23). Quả nhiên, lời Chúa phán đã ứng nghiệm nơi Đức Maria. Thiên Chúa đã đến với cung lòng của Mẹ qua mầu nhiệm Truyền Tin như Thánh sử Luca đã ghi lại. Vì Mẹ đã luôn sống đẹp lòng Chúa bằng viêc luôn lắng nghe và thực hành lời của Ngài.
4, Đức Maria thay mặt toàn thể nhân loại đón nhận lệnh truyền.
Biến cố Truyền Tin cho Đức Maria mở đầu “thời viên mãn”, nghĩa là thời thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa và chuẩn bị từ trước. Đức Maria được mời gọi hoài thai Đấng mang nơi thân xác mình “Tất cả sự viên mãn của Thiên tính”(Cl 2,9). Câu hỏi của Mẹ “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”(Lc 1,34) đã được Thiên sứ giải thích bằng quyền năng Thánh Thần. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà” (Lc 1,35)
Quả thực, dưới nhãn quan Kito giáo. Sự kiện Sứ thần Truyền Tin cho Mẹ Maria là một mầu nhiệm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Khởi đầu một công trình hết sức lớn lao của Thiên Chúa: Cứu chuộc nhân loại, thiết lập Nước trời. Công cuộc vĩ đại này bắt đầu một cách rất âm thầm, nhỏ bé tại một làng quê, với một thôn nữ yếu đuối và chẳng mấy người biết đến. Việc Thiên Chúa hành động như trên khiến cho qua bao đời, nhiều câu hỏi được đặt ra, và nhiều suy tư còn ngỡ ngàng. Hẳn thật, chính Mẹ Maria cũng không thoát khỏi ngỡ ngàng trước những gì đã xảy đến cho mình, và Mẹ chỉ biết thốt lên hai tiếng “Xin vâng” và dâng lời cảm tạ Thiên Chúa trong bài ca Magnificat mà thôi. ( Lc1,46-50). Lời ca tụng Thiên Chúa của Mẹ Maria đã cho thấy quyền năng của Thiên Chúa thật vĩ đại, và tư tưởng của Thiên Chúa không giống như tư tưởng của loài người. Quả thật, Thánh Phaolo đã xác tín rằng: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr1,27). Thiên Chúa đã chọn Đức Maria thay mặt muôn dân để lãnh nhận lệnh truyền là được làm Mẹ Đấng Cứu Thế, để cộng tác với Ngài trong công trình vĩ đại này. Thiên Chúa chọn Đức Maria vì Ngài muốn chọn, theo sự tự do của Ngài (Rm 9,12-16), và cũng “vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Vậy điều gì nơi Mẹ Maria đã chinh phục được tình yêu thương của Thiên Chúa?
– Đức Maria tự hủy mình trước mặt Thiên chúa.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để Thiên Chúa có thể hành động nơi ta, đó là ta biết xóa bỏ bản ngã của mình trước Thiên Chúa, xóa bỏ ý riêng của mình trước thánh ý Ngài, xóa bỏ dự định hay kế hoạch của mình trước dự định hay kế hoạch của Thiên Chúa. Đó chính là tinh thần tự hủy mà Đức Giesu là gương mẫu hoàn hảo nhất, và kế đó là Đức Maria. Theo diễn giải của thần học Thánh kinh: Khi được Thiên sứ báo tin, Maria đang có ý định sống trọn đời đồng trinh để phụng sự Thiên Chúa. Việc đính hôn với Giuse chỉ là để che mắt thị phi của thiên hạ, vì người đương thời quan niệm sai lầm rằng, một phụ nữ sống độc thân là một hình thức bị chúc dữ. Nhưng khi biết thánh ý của Thiên Chúa muốn chọn mình làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế, thì lập tức Mẹ Maria từ bỏ tất cả mọi ý muốn hay dự định riêng của mình để vâng theo ý muốn của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói”.
– Đức Maria toàn tâm toàn ý thực hiện lệnh truyền.
Nếu Thiên Chúa trọn ta thì để ta thực hiện công việc của Ngài chứ không phải việc của ta, để ta làm theo ý Ngài chứ không phải ý ta. Nên nếu ta được chọn, ta hãy để Ngài hoàn toàn làm chủ công việc của Ngài, mà trong đó ta chỉ là công cụ Ngài dùng mà thôi. Ý thức được điều này, Đức Maria đã hoàn toàn tín thác theo thánh ý của Chúa qua hai tiếng xin vâng mà không cần phải đắn đo suy nghĩ. Đây chính là điều Mẹ đã làm đẹp lòng Chúa, và cũng là bài học cho chúng ta biết toàn tâm toàn ý cho công việc và mục đích của Chúa trên cuộc đời của mình. Chúa dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự Công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt6,33). Vì thế noi gương Mẹ Maria, ta hãy hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, và tin tưởng một Thiên Chúa tài tình như Ngài sẽ không để việc của ta bị thất bại chỉ vì ta đã toàn tâm toàn ý lo cho việc của Chúa, hãy tin tưởng như thế!
– Đức Maria chấp nhận chịu đau khổ.
Thánh Phero đã từng kinh nghiệm và dạy rằng: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kito bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1Pr4,13). Hẳn thật, ai được Thiên Chúa chọn để làm những công việc lớn lao cho Thiên Chúa, thường gặp nhiều thử thách, đau khổ. Đó là cách mà Thiên Chúa vẫn đối xử với những ai Ngài đặc biệt yêu thương, và tuyển chọn để tinh luyện người ấy xứng đáng với ơn gọi. Ta nhìn xem những thử thách mà Chúa Giesu và Đức Maria phải chịu trong cuộc đời của các Ngài. “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội” (1Pr1,7). Bù lại, vinh quang của những người được Thiên Chúa yêu mến và tuyển chọn cũng rất lớn lao. Nên thế, Thánh Phaolo đã dạy: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sao sánh được vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta.”(Rm8,18). Như vậy, thử thách và đau khổ xảy đến với người Ngôn sứ thi hành lệnh truyền của Thiên Chúa không phải là những gì là tiêu cực, mà đó chính là niềm vui mừng, là sự vinh quang và hạnh phúc mà Thiên Chúa đã trao ban cho người Chúa tuyển chọn. Đức Maria đã sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa và thưa lên hai tiếng Xin vâng.
Hôm nay, chúng ta mừng Biến cố Truyền Tin không phải chỉ nhắc lại một sự kiện, hay kỷ niệm bằng một nghi lễ, nhưng là dịp nhắc nhớ chúng ta chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa. Vinh quang ấy là tình yêu và đức khiêm nhường luôn hằng hữu nơi Ngài. Sáng kiến của tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa là chấp nhận từ bỏ Ngôi vị Thiên Chúa để trở nên con người để được yêu thương và cứu độ con người. Tình yêu đáp lại tình yêu nơi Mẹ Maria là xin vâng tuyệt đối, là phó thác hoàn toàn. Đức khiêm nhường của trời và đất gặp gỡ nhau trong ngày truyền tin, làm thành một cuộc hạnh ngộ cứu chuộc, khai sinh sức mạnh chiến thắng cái ác và sự chết muôn đời.
Lạy Mẹ Maria, xin nguyện giúp cho chúng con ơn khiêm nhường thẳm sâu, để chúng con nhận ra rằng, chúng con cần ơn cứu chuộc, cần Chúa Giesu Nhập Thể trong lòng. Xin cho chúng con niềm tin, và luôn sẵn sàng đón nhận lệnh truyền Tin Mừng ơn cứu độ của Chúa để mang đến cho mọi người, cùng với một lòng phó thác và hoan hỷ xin vâng như Mẹ năm xưa. Amen.