TN-064-lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
CỘNG ĐOÀN THÁNH THỂ
(Xh 24,3-8 / Hr 9,11-15 / Mc 14,12-16.22-26)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
“Giáo Hội được sinh ra từ Thánh Thể” và “Giáo Hội cử hành Thánh Thể”: hai khẳng định này nói lên mối liên hệ mật thiết giữa Thánh Thể và Giáo Hội. Đây là sự giao thoa và tương tác rất sinh động. Hai khẳng định trên cũng đề cập đến cộng đoàn tính của bí tích Thánh Thể. Giáo Hội tính hay cộng đoàn tính của bí tích Thánh Thể được sống một cách cụ thể khi dâng Thánh Lễ. Dù linh mục dâng Thánh Lễ một mình – như trường hợp trong cơn đại dịch Covid hiện tại -, sự thông hiệp vẫn được hiện thực trong toàn thể Thân Mình Chúa Kitô. Đây là sự hiệp thông mang tính bí tích vượt trên sự hiện diện thể lý.
Trong bài suy niệm hôm nay, nhân ngày lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tôi muốn mời anh chị em cùng sống với nhau chiều kích cộng đoàn của mầu nhiệm Thánh Thể.
1. MỘT CỘNG ĐOÀN CÙNG “LÃNH NHẬN”
Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 14 từ câu 12 đến câu 16 và từ câu 22 đến câu 26, thánh sử đã thuật lại việc Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, nhân dịp Chúa ăn mừng lễ vượt qua với các môn đệ Chúa. “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. Và Người cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều đã uống chén này.”
Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã thiết lập trong và cho một cộng đoàn, đó là cộng đoàn các môn đệ Chúa. Cộng đoàn là nơi của Thánh Thể, là nơi cử hành Thánh Thể, là nơi sống Thánh Thể. Nơi đó, tất cả mọi người đều lãnh nhận chính Chúa. Mọi người đều lãnh nhận Chúa Giêsu Kitô duy nhất. Chính sự duy nhất này làm nên ý nghĩa của sự lãnh nhận. Đây là một cử chỉ của đức tin và đồng thời là cử chỉ của lòng yêu mến. Cử chỉ đó liên kết mọi người với nhau nên một. Đó là cái “một” mang tính bí tích. Nghĩa là “nhiều” bên ngoài những là “một” bên trong.
Trong sách Công Vụ Tông Đồ, một diễn tả đẹp về Giáo Hội, đó là “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32). Và nơi hiện thực sự “đồng tâm nhất trí” đó là chính “làm lễ bẻ bánh tại tư gia, dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,44.46). Bữa tiệc của Chúa – Thánh Thể – và bữa ăn huynh đệ, diễn tả cái “một” mang chiều kích vừa bí tích vừa hiện sinh. Lãnh nhận Chúa Giêsu và lãnh nhận nhau.
Khi chúng ta cùng cử hành Thánh Lễ, khi mỗi người chúng ta lên “lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô” là chúng ta lãnh nhận Chúa Kitô toàn thể, nghĩa là “Đầu và chi thể”. Đây là nền tảng của sự hiệp nhất giữa chúng ta. Đây là nền tảng của sự chúng ta đón nhận nhau trong cuộc sống. Đón nhận Chúa Kitô và đón nhận anh chị em mình.
Nếu chúng ta lãnh nhận Chúa Kitô với đức tin và đức mến – nghĩa là chúng ta tin nhận Người hiện diện thật sự nơi hình dạng của chiếc bánh và chúng ta đón nhận Người với lòng yêu mến thiết tha -, thì hai nhân đức đối thần đó với Chúa cũng rất cần để chúng ta đón nhận anh chị em mình. Lãnh nhận anh chị em mình với đức tin và đức ái. Như vậy, Thánh Lễ chúng ta dâng trong thánh đường cùng với vị linh mục và cộng đoàn phụng vụ, được kéo dài và cụ thể hoá trong Thánh Lễ đời thường. Giáo Hội tính, cộng đoàn tính của Thánh Lễ cũng phải được hiện thực trong sinh hoạt thường nhật. Mến Chúa Kitô Thánh Thể và yêu người là chi thể của Chúa Kitô. Không thể tách rời và không thể phân ly. Chúng ta cùng chung một vận mạng.
2. MỘT CỘNG ĐOÀN CÙNG “SỐNG GIAO ƯỚC”
Sau khi Chúa Giêsu trao bánh và rượu – đã được Chúa thánh hiến bằng lời của Người – để các môn đệ lãnh nhận, Chúa còn thêm một câu thật quan trọng. “Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.” Chúa nói đến hai yếu tố “máu” và “giao ước”. Hai yếu tố này liên kết mật thiết với nhau để làm thành “Giao Ước Máu”. Vậy, Thánh Thể là Giao Ước Máu có nghĩa gì và máu này là máu của ai?
Trong bài đọc thứ nhất, trích sách Xuất Hành, chương 24 từ câu 3 đến 8, chúng ta như nhìn thấy nghi thức ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en, khi họ dừng chân tại núi Si-nai cũng gọi là Khô-rếp. Nơi đây Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dân qua trung gian của ông Mô-sê. Trong nghi thức ký kết này, máu là yếu tố quan trọng nhất. Máu ở đây là máu con vật được sát tế. Điều đó nói lên sự sống, mạng sống, vận mạng. Máu diễn tả những điều đó. Ký kết giao ước qua việc rẩy máu trên hai nơi: bàn thờ và dân, để nói lên hai điều. Thứ nhất là việc ý kết này là rất quan trọng, liên quan đến sự sống của họ, sự sống còn của họ. Trung tín với Giao Ước mà Chúa ký kết với dân là sống và bất trung là chết. Đó là tương giao với Thiên Chúa qua Giao Ước với việc rẩy máu trên bàn thờ – vì bàn thờ tượng trưng chính Thiên Chúa, sự hiện diện của Người. Thứ hai là máu rẩy trên dân, để nói lên rằng Giao Ước là nơi liên kết dân lại với nhau trong cùng một vận mạng, cùng một sự sống, cùng một sự sống còn. Sống và tồn tại, chết và diệt vong, là vận mạng chung của cộng đoàn. Đây là là hình bóng của thực tại. Thực tại đó là máu Chúa Kitô.
Khi Chúa nói “đây là máu Thầy, máu Giao Ước” là Chúa khẳng định về thực tại mà chuyện ngày xưa của dân Ít-ra-en chỉ là hình bóng. Chúa Giêsu Kitô đã đổ máu ra để thiết lập Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại. Tác giả thư Do Thái – trong bài đọc hai – đã giải thích: “Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu tro của xác bò cái, đem rẩy trên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu Đức Ki-tô còn hiệu lực hơn biết mấy… Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.”
Điều chúng ta cần lưu tâm – vì chúng ta đang nói đến “cộng đoàn Thánh thể” là chúng ta có chung một vận mạng, một Giao Ước ký kết bằng máu Chúa Kitô. Máu là sự sống. Khi chúng ta sống nhờ sự sống của Chúa Giêsu Kitô – nghĩa là được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh Thể -, là chúng ta sống một cách mạnh mẽ cộng đoàn tính của vận mạng này. Vì thế, khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta không được thờ ơ hay vô cảm trước anh chị em mình. Trái lại, chúng ta xây dựng một Thân Thể của Chúa Kitô sống động, nơi mà các chi thể cần nhau, lo lắng cho nhau, cùng đau nỗi đau của một chi thể nào đó và vui chung với một chi thể nào đó được vinh quang (x. 1Co 12,12-30). Chúng ta không lên thiên đàng một mình đâu, vì chúng ta đã liên kết thành một cộng đoàn với nhau trên trần gian này rồi.
3. MỘT CỘNG ĐOÀN “CHO MUÔN NGƯỜI”
Chúng ta đang nói đến Giáo Hội tính và cộng đoàn tính của bí tích Thánh Thể. Khi chúng ta lãnh nhận Chúa Kitô qua Tấm Bánh Thánh Thể, là chúng ta đón nhận mọi chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô để cùng nhau sống Giao Ước bằng Máu của Chúa Kitô. Đó là điều chúng ta nói đến ở hai điểm trên kia. Nhưng Giáo Hội không phải là một “lô cốt” hay “pháo đài” chỉ có nhiệm vụ bảo vệ các thành viên của mình, cho dù để đạt đến những điều tốt đẹp nhất đi nữa. Giáo Hội Chúa, các cộng đoàn Giáo Hội, luôn là một cộng đoàn mở ra cho muôn người. Điều này, chính Chúa Giêsu đã nói đến khi thiết lập Thánh Thể. Chúa nói đến “Máu Giao Ước đổ ra cho muôn người”. Muôn người nơi đây là mọi người, là toàn nhân loại.
Giáo Hội Chúa Kitô phải bao trùm tất cả nhân loại. Bằng cách nào?
Giáo Hội Chúa, qua các chi thể của mình, hoạt động trong tất cả các sinh hoạt của con người và bằng muôn ngàn cách thế cũng như phương tiện. Nhưng tôi thấy có hai cách thức để Giáo Hội cho muôn người, đó là cách của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là “bánh bẻ ra”. Chúa Giêsu Kitô là “máu đổ ra”. Nghĩa là hy sinh. Hy sinh đến mạng sống cho nhân loại. Là thân thể của Chúa Kitô, Giáo Hội cũng theo con đường đó. Các chi thể của Thân Mình Chúa Kitô, thể hiện điều đó bằng nhiều cách thức khác nhau trong những môi trường khác nhau. Biết bao nhiêu nhà truyền giáo, biết bao nhiêu người đang hoạt động xã hội, cũng như biết bao người đang sống cầu nguyện âm thầm và đau khổ: tất cả đều mong ước muôn dân thành môn đệ Chúa, để cùng hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô qua bí tích Thánh Thể. Nhưng phải hoạt động và hành động nhân danh Giáo Hội, như là Giáo Hội, chứ không như những “ngôi sao cô đơn”.
Lễ Mình máu Thánh Chúa Kitô mở cho chúng ta chiều kích Giáo Hội, chiều kích cộng đoàn. Dù không được trực tiếp tham dự Thánh Lễ, nhưng với đức tin và lòng mến, chúng ta vẫn được hưởng và chia sẻ những ân phúc dồi dào của Nhiệm Tích Cao Cả này, để xây dựng Thân Thể Chúa Kitô và cho nhân loại được ơn cứu độ.