Thứ tư, 5 Tháng hai, 2025

Đọc và Suy Niệm Tin Mừng ngày trong tuần XXVI Thường Niên, 2017

 

THỨ HAI TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN
Ngày 02-10: Các thiên thần hộ thủ

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 18,1-5.10
Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? ” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.
“Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.
“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

+ SUY NIỆM
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng, Thiên Chúa đã dựng nên hai loài thượng đẳng. Đó là thiên thần và con người. Thiên thần thì thiêng liêng vô hình, còn con người thì vừa có hồn thiêng vừa có thân xác hữu hạn.
Sứ vụ của các thiên thần là để phục vụ Thiên Chúa và trợ giúp con người. Giáo hội tin tưởng rằng, mỗi người đều có một thiên thần hằng ngày đêm trợ giúp và dâng lên Thiên Chúa mọi công việc của con người. Các thiên thần đồng hành với con người như thế cũng gọi là “thiên thần bản mệnh” hoặc là “thiên thần hộ thủ”. Có thể nói có bao nhiêu tỉ người thì cũng có bấy nhiêu vị thiên thần được Chúa sai đến hộ giúp. Điều này cho thấy Lòng Thương Xót lớn lao của Thiên Chúa dành cho con người, đến cả việc sai thiên thần “phục vụ” con người.
Có thế nói, mầu nhiệm về các thiên thần là mầu nhiệm của Tình yêu diệu vời của Thiên Chúa dành cho con người, đến cả các thiên thần của Người cũng được cử đến để phục vụ con người. Thế nên, việc cử hành lễ các thiên thần hộ thủ là ca ngợi Tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời ý thức hơn về đời sống của mình để không làm buồn lòng các thiên thần được Chúa cử đến đồng hành với chúng ta, và biết luôn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.
Chúng ta cùng suy niệm một vài ý về sứ vụ và đời sống thiên thần:

 

Mạc khải Thánh Kinh cho chúng ta biết về sự hiện hữu của các thiên thần và danh gọi dựa trên sứ vụ của các ngài. Thánh Kinh ghi nhận cách thức hoạt động của các thiên thần trong triều đình Thiên quốc cũng tựa như nơi cách tổ chức các cấp vị nơi vương triều trần thế. Thánh Kinh ghi nhận nơi triều đình thiên quốc có các vị là “thần hộ giá” (Cherubim) tựa như các các vị quan đi theo xa giá của nhà vua; có các vị là “thần văn nghệ” (Xêraphim) lo việc ca hát chúc tụng Thiên Chúa…
Riêng các thiên thần mà chúng ta mừng lễ hôm nay được gọi là “thiên thần hộ thủ” hay “thiên thần bản mệnh” được Chúa sai đi, đồng hành giúp đỡ từng người và trình lên Thiên Chúa mọi công việc của con người.
Ngay từ thời Cựu Ước, người Do-thái đã tin có sự hiện diện của các thiên thần bản mệnh: như trong sách Xuất Hành (bài đọc I) viết: “Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn.Trước mặt người, hãy ý tứ và nghe lời người. Đừng làm cho người phải chịu cay đắng; người sẽ không tha lỗi cho các ngươi, vì danh Ta ngự trong người” (Xh 23,20-21); trong thánh vịnh 91 cũng ghi: “Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Tv 91,12).

 

Niềm tin Kitô giáo tin nhận mỗi người có một vị thiên thần hộ mạng, vị này sẽ săn sóc giữ gìn từng người và trình lên Thiên Chúa mọi tư tưởng và hành vi của con người, đồng thời làm trung gian bảo trợ và chuyển cầu cho con người. Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta điều đó: “”Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.
Như thế, có thể nói, có bao nhiêu con người trên thế giới này thì cũng có bấy nhiêu thiên thần phụng mệnh Thiên Chúa đến để đồng hành với con người. Điều mà Chúa muốn là biết vâng theo sự hướng dẫn của thiên thần bản mệnh, để sống xứng đáng làm con cái Chúa (x. Xh 23-20-21) là biết sống trong sạch theo “đời sống các thiên thần”.

 

Ngày lễ kính thiên thần hộ thủ, Phụng vụ Giáo hội lại cho đọc lại một lần nữa bài Tin Mừng nói về việc Chúa Giêsu đem một trẻ nhỏ làm hình mẫu sống cho các môn đệ, trước hết nhằm nói lên sự trong sạch thanh thoát mà mọi Kitô hữu phải có trước mặt Thiên Chúa.
Trong bài giảng ngày phong bậc Tiến sĩ Hội thánh cho thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, Đức TC Gioan Phaolo II nói rằng: “Đời sống của thánh nữ Têrêxa với các nhân đức trong sạch như các thiên thần”. Chính Chúa Giêsu cũng từng khẳng định: “Ngày sống lại người ta sẽ như các thiên thần, không còn chuyện dựng vợ gả chồng”. Như thế, điều trước hết khi sánh ví về các thiên thần, mọi tác giả (kể cả những người ngoài ngoài công giáo) đều nói đến sự trong trắng thanh cao.
Thánh Stephano Hardingo gọi đời sống tu trì là đời sống thiên thần (vita angelica), bao gồm các chức năng: Là trung gian khi các thiên thần như một cầu nối dâng lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa và các ngài lên lên xuống xuống trên con người, chúng ta đang hoạ lại sứ vụ trung gian chuyển cầu đó; là sứ giả khi các thiên thần truyền tải các sứ điệp của Thiên Chúa đến cho chúng ta, chúng ta cũng là những sứ giả của Tin Mừng; là Xêraphim (thần sốt mến) các ngài ngày đêm ca hát chúc tụng Thiên Chúa, sứ vụ này hoạ lại nơi đời sống cầu nguyện của chúng ta; là Cherubim (thần hộ giá) các ngài túc trực hầu cận Thiên Chúa và ở với Người, chúng ta cũng là những tôi tớ ngày đêm hầu cận Chúa.
Đặc biệt đời sống của các thiên thần nói lên sự thanh sạch, mà khi chúng ta sống trong sạch, chúng ta nên như các thiên thần.

 

Đời sống của thiên thần còn là đồng hành với con người, bảo trợ và dâng lời cầu thay nguyện giúp lên Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi nâng đỡ nhau trong cuộc sống vật chất và đồng hành khích lệ nhau trong đời sống đạo đức, đặc biệt luôn biết cầu nguyện cho nhau giữa cảnh đời tha hương lữ thứ này.

 

Lạy Chúa, ngày kính nhớ các thiên thần hộ thủ, xin cho chúng con biết ý thức có thiên thần hộ thủ Chúa dành cho riêng mình, để chúng con luôn sống dưới sự hiện diện của Chúa, với tinh thần phó thác và trong sạch, đồng thời biết sống tương giao giúp đỡ những người đang cần đến chúng con. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 9,51-56
Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? ” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

+ SUY NIỆM
Một chút ghi nhận về lịch sử, thánh sử Luca giúp chúng ta nhớ lại mối thâm thù truyền kiếp giữa người Samari và người Do-thái. Kể từ thời dân Samari đi lưu đày và dân cư nhiều nơi đến ở tạo thành một dân đa tạp thờ đủ thứ ngẫu tượng, người Do-thái đã tuyệt thông với dân Samari và coi đó là miền đất ô uế và những con người ô uế. Samari lại nằm giữa hai miền Galilê và Giuđê, nên khi người Galilê về Giêrusalem (Giuđê) dự lễ phải đi qua Samari, dân Samari đóng cửa không tiếp và có lẽ họ còn gây khó dễ cho những ai đi ngang qua miền đất của họ.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể thầy trò Chúa Giêsu đi từ Galilê về Giêrusalem (để hoàn tất công trình cứu độ), khi đi qua miền đất Samari, các ngài đã không được đón tiếp, nên hai vị tông đồ Giacôbê và Gioan (mệnh danh là con của sấm sét) đã nổi nóng đòi Thầy hô biến cho lửa từ trời xuống thiêu huỷ dân Samari như lửa đã từng thiêu đốt làng Sôđôm và Gômôra xưa.
Câu chuyện trên để lại cho chúng ta hai điều để suy niệm:

 

* Con đường cứu độ không phải là dùng bạo lực.
Nhớ lại trong một khoảng thời gian từ thế kỷ thứ VIII đến X, Hồi Giáo bành trướng một cách nhanh chóng, phần lớn do họ “truyền giáo” bằng bạo lực, họ đánh thắng ở đâu thì dùng khẩu hiệu: “theo đạo Hồi hay là chết”. Người ta bất đắc dĩ phải theo, theo vì bắt buộc và áp lực, không có tự do và cũng đồng nghĩa không có niềm tin và lòng yêu mến.
Khi chưa được thấu hiểu về mầu nhiệm cứu độ, thì Giacôbê và Gioan cũng như bao nhiêu người Do-thái lúc bấy giờ vẫn mang trong mình tư tưởng có một Đấng Cứu Thế theo kiểu con người, dùng vũ lực để chinh phạt và dùng sức mạnh từ trời để huỷ diệt kẻ ‘vô đạo’. Họ muốn Chúa xô xuống biển Pharao cùng binh tướng chứ không phải vớt lên để giúp hoán cải, muốn xô sập thành Giêricô để tàn sát chứ không phải giúp thay đổi đời sống, muốn xuống khỏi thập giá chứ không phải bị treo lên… Trong khi Chúa Giêsu đang quyết tâm lên Giêrusalem để cứu độ thì họ lại có tư tưởng lên để huỷ diệt và lập vương quốc mới.
Nếu Thiên Chúa cứu độ con người mà dùng tới vũ lực thì hỏi còn ai có thể xứng đáng để được cứu độ? Nếu Thiên Chúa cứu độ mà không vì Yêu Thương thì không cần phải Nhập Thể và Tử Nạn? Thiên Chúa là Tình yêu, Thiên Chúa ban cho con người tự do để lựa chọn và Người tôn trọng tự do đó.
Các môn đệ ngăn cản Chúa Giêsu lên Giêrusalem chịu chết, muốn Chúa Giêsu khiến lửa xuống đốt kẻ ngỗ nghịch, Pharisiêu thách thức Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá mới tin… nhưng Chúa Giêsu thực hiện ý Chúa Cha là đến để cứu chứ không phải để diệt. Con đường chết đi để cứu độ mới là con đường của Thiên Chúa.
Thế nhưng, ít nhiều người Công Giáo chúng ta ngày hôm nay vẫn còn tư tưởng muốn một Thiên Chúa ra tay đánh phạt kẻ ác chứ không phải nhẫn nại chờ đợi họ hoán cải, muốn Đức Mẹ phạt kẻ phá tượng hơn là nhẫn nhục hi sinh cầu nguyện cho họ. Người ta cảm phục và hoán cải nhờ tinh thần hi sinh và lòng yêu thương của chúng ta, chứ không phải bất đắc gì mà tin chúng ta. Máu các thánh tử đạo làm phát sinh các tín hữu, chứ không phải tài phép của các ngài.

 

* Lòng bao dung.
Tại Anbani, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thẳng thắn lặp lại lập trường của Giáo Hội là không bao giờ dùng chiến tranh để tạo nên hoà bình, không nhân danh tôn giáo đễ gây chiến với nhau.
Chúa Giêsu hôm nay phải quở trách hai tông đồ đừng vội nóng giận: những người Samari từ chối không đón tiếp Chúa Giêsu trong dịp này đâu đáng trách hơn những kẻ đóng cửa không tiếp một người Samari vì người này là kẻ đối nghịch.
Với cái nhìn của các Tin Mừng, xem ra mỗi lần Chúa Giêsu gặp mặt người Samari (bờ giếng Giacóp) hay khi Người nói đến người Samari (dụ ngôn người Samari nhân hậu)… là Chúa dạy chúng ta có một cái nhìn mới về những kẻ không cùng một niềm tin như chúng ta. Những người không cùng tôn giáo thường hay gây hấn với nhau, nhiều khi có thái độ rất tàn bạo, đặc biệt nhất là những người tự xưng mình được Thiên Chúa duy nhất mặc khải cho, và người của Cựu Ước xưa đã như vậy rồi.
Chúa Giêsu không ngả theo thứ cuồng tín ấy, thứ cuồng tín được biện minh từ câu truyện của ngôn sứ Êlia dùng lửa từ trời tiêu diệt quân lính vua Akhátgia (x. 2V 1,9-10). Chúa dạy ta đừng lẫn lộn chính nghĩa của Thiên Chúa với chính nghĩa của chúng ta, hay với những lợi ích của tập thể tôn giáo của chúng ta… Chúa muốn mọi người truyền giáo bằng sự tôn tôn trọng tín ngưỡng của nhau chứ không phải bài trừ nhau. Thiên Chúa có những cách thế để cứu độ trong một Ơn Cứu Độ duy nhất bởi Đức Kitô, điều quan trọng là chúng ta nỗ lực hết mình trong việc loan báo Tin Mừng tình thương chứ không phải loại trừ. Tân Ước hoàn thành Cựu Ước chứ không loại bỏ Cựu Ước, truyền giáo là giúp hoàn thiện một niềm tin đầy đủ về Thiên Chúa…

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến trần gian để cứu độ chứ không phải phá huỷ, đến để dẫn tù tội nhân trở về chứ không phải để họ hư đi đời; xin cho chúng con cũng biết nên giống Chúa, là đem ơn cứu độ đến cho lương dân không bằng uy thế quyền lực, nhưng bằng sự nhịn nhục hy sinh, bao dung tôn trọng tự do của mọi người. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 9,57-62
Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”
Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi! ” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”
Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

 

+ SUY NIỆM
Khác với những chưởng môn hay đạo trưởng khi chiêu tập môn sinh thường đưa ra những hứa hẹn cho tương lai xán lạn, Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay lại đưa ra những đòi hỏi quyết liệt và dứt khoát cho những ai muốn bước theo Người.
Chúa Giê-su đã trả lời cho hai trường hợp đến xin theo Người cùng chung một điều kiện là “từ bỏ”, từ bỏ những tìm kiếm mang tính trần thế và từ bỏ cả những vương vấn tình cảm, thậm chí là liên hệ ruột thịt.
Thánh Mát-thêu kể ra hai trường hợp: một kẻ “xin nhập tu” và một “người đang tu thì xin về phép thăm gia đình” (khác với thánh Lu-ca kể thêm trường hợp thứ ba là “cầm cày còn ngoảy lại sau” – nghĩa là kẻ tu mà đứng núi này trông núi nọ, bắt cá hai tay và vẫn tơ tưởng hoa thơm cỏ lạ bên đường – x. Lc 9,57-62).
Với trường hợp “tìm hiểu” thì Chúa Giê-su xác định điều kiện theo Người là lo tìm Chúa chứ không tìm được tiện nghi và quyền lực; còn trường hợp “xin về phép” thì Chúa Giê-su dạy tu thì lo tu chứ đừng vương vấn lo lắng chuyện gia đình nữa.

 

* Từ bỏ quyền lực.
Một kinh sư tiến đến thưa Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Đức Giê-su trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,19-20).
Nhiều người khi nghe câu Tin Mừng này, thường giải thích theo nghĩa “khó nghèo” và cho rằng Chúa Giê-su nghèo đến mức thua cả con chồn con cáo, vô gia cư và ăn bờ ngủ bụi. Nhưng thực ra, Chúa tuy nghèo đấy nhưng Chúa có nhà cửa và khi Chúa chịu chết và Phục Sinh thì Mẹ Maria vẫn còn sống, vả lại các Tin Mừng vẫn kể chuyện Chúa đưa các môn đệ về ở nhà với Người (x. Ga 1,39).
Đúng hơn, Chúa Giê-su xác định cho ai muốn bước theo Người phải từ bỏ việc tìm kiếm quyền lực trần thế. Điều này được kể là tìm kiếm đầu tiên của các môn đệ và Chúa đã phải rất nhiều lần cảnh báo các ông hiểu lầm về sứ mạng của Người (các ông mong khi Chúa làm lớn thì các ông cũng được chức này quyền nọ, vinh thân phì gia), Gioan và Giacôbê thì đòi ngồi bên hữu bên tả, thậm chí đến khi Chúa sắp chịu Tử Nạn mà các ông vẫn còn lo cãi nhau ai sẽ làm làm lớn làm nhỏ; khi Chúa sống lại các ông còn hỏi là Thầy sắp lập vương quốc chưa?
Thật ra, đây là kiểu nói ẩn dụ mà Thánh Kinh thường sử dụng. Chồn cáo là loài rình rập trong bóng tối, ám chỉ Hê-rô-đê (x. Lc 13,32); trên cờ hiệu của lính Rô-ma (Phi-la-tô) có hình mỏ chim đại bàng. Hê-rô-đê và Phi-la-tô là đại diện cho hai thứ quyền lực bản địa và thực dân thời bấy giờ. Khi nói “chồn có hang, chim có tổ”, Chúa Giê-su muốn nói trước với kẻ xin theo Người rằng: Theo Hê-rô-đê tuy bù nhìn nhưng còn có quyền lực và danh vọng, theo Phi-la-tô còn có quyền công dân Rô-ma và thế giá mẫu quốc; còn theo Chúa Giê-su thì đừng mong gì quyền lợi thế trần, nhưng là hạ mình xuống phục vụ anh chị em mình.
Tin mừng kể rõ người đến xin theo Chúa ở đây là một kinh sư, chúng ta không biết là sau khi Chúa ra điều kiện từ bỏ, ông này có còn dám theo hay không, chỉ biết rằng trong Nhóm Mười Hai cũng có Bartolomeo là kinh sư.
Xét về giai cấp xã hội và tôn giáo Do-thái, tuy giới kinh sư không có thực quyền, nhưng họ có một chỗ đứng rất lớn về mặt tôn giáo trong việc giải thích Thánh Kinh và được mọi người kính trọng, một số thỏa hiệp với Rô-ma để có được những quyền lợi nhất định. Giới kinh sư không thiếu những người thích ăn mặc trịnh trọng, muốn được ăn trên ngồi trốc và muốn được mọi người chào hỏi… Và có lẽ chính vì vậy mà khi “vị kinh sư” này đến xin “đi tu” thì Chúa Giê-su xác định ngay từ đầu điều kiện “từ bỏ tư tưởng tìm kiếm quyền lực trần gian”.
Không riêng gì những người xin theo Chúa ngày xưa, ngày nay cũng không thiếu những người tìm theo Chúa, cách riêng trong ơn gọi tu trì, họ tìm gia nhập các dòng tu hay tu hội với mong muốn được đổi đời, được làm làm ông này bà nọ, để được kính trọng gọi là cha là soeur… phần vì ưa danh vọng phần vì áp lực gia đình dòng họ muốn đã đi tu thì phải làm cha hay làm chức gì đó có tiếng tăm, để rồi không thiếu những người đã tìm mọi cách, thậm chí dùng cả những thủ đọn thấp hèn để đạt mục đích.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức hơn chức vụ trong Hội Thánh là để phục vụ và hi sinh truyền giáo, chứ không phải để được kính nể trọng vọng. Nếu không, chúng ta cũng chẳng hơn gì những kinh sư giả hình xưa kia mà Chúa Giê-su từng lên án.

 

* Từ bỏ những liên hệ tình cảm.
Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” Đức Giê-su bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” (Mt 8, 21-22).
Trường hợp thứ hai này là một môn đệ, nghĩa là người đã đi theo Chúa rồi, chứ không phải mới đến xin “nhập tu” nữa.
Hôm nay môn đệ này đến xin Chúa Giê-su để “về phép”, có thể là muốn phụng dưỡng cha già mẹ yếu của mình cho đến khi cha mẹ chết rồi mới “vào tu tiếp”, mà không nhận ra được tính khẩn thiết của việc loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa, đi tu nhưng vẫn coi công việc gia đình cao hơn sứ vụ Chúa giao phó. Cũng có thể đó là một cái cớ người môn đệ này vịn để thoái thác; những bổn phận ấy của anh có lẽ chẳng qua là bổn phận thuộc về thế giới của “kẻ chết”.
Khi nghe lời quả quyết cách dứt khoát của Chúa Giê-su theo kiểu Người không thể mất thời giờ với những môn đệ không biết sẵn sàng hi sinh tất cả vì Tin Mừng, có lẽ không ít chúng ta cho rằng Chúa Giê-su đòi hỏi quá khắt khe chăng?
Thật ra, không phải Chúa Giê-su xem nhẹ đạo hiếu, nhưng Người muốn cho những ai đã chọn bước theo Chúa cần có sự siêu thoát, tự do lựa chọn chứ không ai ép buộc. Người muốn môn sinh phải ưu tiên cho việc Chúa hơn những tương quan khác. Đã chọn sứ vụ rao giảng Tin Mừng thì phải giảm thiểu tối đa những vương vấn gia đình.
“Kẻ chết chôn kẻ chết”. Với cách diễn đạt của Tin Mừng, khi chọn theo Chúa là đang bước vào cõi sống, được Chúa làm gia nghiệp là đạt đến sự sống đời đời; còn không theo Chúa là vẫn đang bị giam giữ dưới quyền lực sự chết phần linh hồn. Vì thế, cứ để thể gian lo chuyện sống chết thể lý, còn người theo Chúa lo rao giảng Tin Mừng về sự sống đời đời cho những ai còn đang ở trong bóng tối sự chết ấy.

 

Tóm lại, không ai làm tôi hai chủ được, nghĩa là đã chọn theo Chúa Giê-su cùng với sứ vụ rao giảng Tin Mừng đòi hỏi phải từ bỏ một cách dứt khoát những đam mê danh vọng quyền lực và những liên hệ vương vấn tình cảm – kể cả tình cảm gia đình ruột thịt, để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp Nước Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là những người đã chọn theo Chúa trong ơn gọi làm Ki-tô hữu, cách riêng những ai sống đời thánh hiến, luôn ý thức về quyền bính là để phục vụ; đồng thời luôn biết ưu tiên việc Chúa là trên hết mọi thứ liên hệ thế gian. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10, 1-9
Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông:
Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này! ” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

+ SUY NIỆM.
Bài Tin Mừng hôm nay là bản tường thuật chi tiết về việc Chúa Giê-su sai 72 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, trong đó nói lên sự khẩn thiết của việc truyền giáo và những điều kiện phải có của những ai đi rao giảng Tin Mừng.

* Sự khẩn thiết truyền giáo
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay là lời Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ ra đi truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mù gặt sai thợ ra gặt lúa về.
Chức vụ đi đôi với sứ vụ, khi chúng ta lãnh nhận một chức vụ gì, không phải ngồi đó để thụ hưởng mà phải ra đi đến với những người chúng ta có trách nhiệm, để phục vụ và làm chứng về Chúa cho họ.
Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em.
Ngày hôm nay, cánh đồng truyển giáo còn rất bao la, Kitô Giáo chỉ mới bằng 1/6 dân số thế giới. Đặc biệt, ngày hôm nay, con số “thợ gặt” đang giảm tới mức báo động, nhất là ở các nước phát triển. Giới trẻ ngày nay đã không còn mặn mà với ơn gọi lên đường truyền giáo. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin “chủ mùa gặt” sai thợ đi gặt lúa về; nghĩa là hãy cầu nguyện nhiều cho ơn gọi linh mục tu sĩ, và hãy làm những gì có thể trong khả năng mình, để trợ giúp cho việc đào tạo các ơn gọi và đóng góp cho công cuộc truyền giáo.

* Chân dung vị truyền giáo
Tin Mừng hôm nay còn đặc biệt họa lên chân dung của một người môn đệ Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là: Tinh thần khó nghèo, đem đến sự bình an, và làm cho triều đại Thiên Chúa được hiển trị ngay giữa thế gian này:
– Tinh thần khó nghèo: Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.
– Đem bình an đến cho mọi người: “Bình an cho nhà này”. Dựa theo Thánh Kinh Cựu Ước, ta nhận thấy văn hoá giao tiếp vùng Trung Cận Đông thường dùng câu “bình an” để chào hỏi nhau khi gặp mặt. Sứ điệp bình an cũng được các thiên thần hát lên khi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Và bây giờ, khi sai các môn đệ đi truyền giáo, tiên vàn hãy đem bình an đến cho mọi người. Sự xuất hiện của các chứng nhân Tin Mừng là đem đến cho con người sự bình an đích thực của Chúa, phá tan những lo âu, chia rẽ và hận thù.
– Làm cho Nước Thiên Chúa đến gần.“Hãy nói với họ rằng Nước Trời đã gần đến”. Rao giảng Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, trở về làm con Chúa, trở thành anh em một nhà… và như vậy, vương quốc Nước Trời đã chính thức hình thành ngay trên trần gian này.

Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người chúng ta hôm nay cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, không phải tìm kiếm đâu xa, mà ở ngay bên cạnh gia đình chúng con, gần bên giáo xứ chúng con, ngồi bên cạnh chúng con nơi học đường, làm với chúng con nơi công sở… còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho họ bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10,13-16
“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”

+ SUY NIỆM
Thiên Chúa không kết án ai lầm lẫn và thiếu hiểu biết không do lỗi của họ, nhưng Thiên Chúa sẽ xét xử những ai cố tình làm ngơ trước lời mời gọi hoán cải và kết án những kẻ cứng lòng tin vào Lời Chúa. Đó là lý do mà hôm nay trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu lên án đích danh một số thành thị về sự cứng lòng và lối sống xa hoa của cả cư dân ở đó.

“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa!”
Khi lên án hai thành này, Chúa Giêsu kến án thái độ cứng lòng tin của họ trước Lời rao giảng và những phép lạ Ngài làm. Ngài cũng cảnh báo với họ là, đến ngày phán xét, họ sẽ không còn lý do gì để bào chữa nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đem ra một so sánh: “Nếu dân Tia và Xi-đôn xưa được chứng kiến phép lạ như họ thì những dân ấy đã ăn năn thống hối rồi”.
Đây cũng là một cảnh báo cho mọi người chúng ta, không ít trong chúng ta vẫn chai cứng trong tội lỗi, mặc dù mỗi ngày trong Thánh Lễ và các cử hành phụng vụ, chúng ta được nghe rao giảng, được kêu gọi cải thiện đời sống, được chứng kiến bao nhiêu kỳ công của Chúa và những phương thế hữu ích nơi các bí tích và lề luật giúp ta sống đạo. Để rồi một ngày kia trước toà phán xét, chúng ta không còn lý do gì để bào chữa; chúng ta còn đáng án phạt nặng hơn những người ngoại không được nghe biết Tin Mừng…
Nhiều người vẫn chủ trương không cần theo đạo hoặc “tôn giáo đồng nguyên”, nên nhớ rằng, sở dĩ người không biết Tin Mừng Chúa Kitô (nhưng sống ngay lành) được cứu độ là không do lỗi của họ, nghĩa là do họ không được ai rao giảng cho biết, chứ không phải kẻ được nghe biết Tin Mừng nhưng lại không tin theo mà cứ lầm lạc trong những giáo thuyết khác. Cũng như hai thành Kho-ra-din và Bết-xai-đa, không phải vì dân cư ở đó lầm mà là do họ cứng lòng không chịu tin vào Lời và các phép lạ Chúa làm.

“Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!”
Chúa Giêsu lên án dân thành Caphanaum sống phóng túng xa hoa và kiêu ngạo về sự giàu có của mình, và không mở lòng đón nhận Tin Mừng. Chúa cảnh báo dân thành nếu không hối cải thì sẽ bị lật nhào xuống âm phủ, nghĩa là tất cả sẽ sụp đổ hoang tàn.
Chính sự xa hoa phóng túng và kiêu ngạo làm cho chúng ta thờ ơ trước lời kêu gọi của Chúa và Giáo Hội qua những người có trách nhiệm giảng dạy. Giàu có và kiêu ngạo lấn át cả việc mở lòng ra đón nhận Lời Chúa. Giàu có thì đam mê của cải, lo bận rộn làm giàu không còn giờ cho dành cho Chúa…
Người ta nhầm tưởng rằng, có thể lấy tiền bạc của cải để mua Nước Trời, như khi dùng một số tiền nào đó để dâng cúng vào những việc xây dựng thánh đường hay là làm từ thiện, để rồi tự phụ kiêu ngạo và sống bê tha phóng túng.
Người ta cũng coi sự giàu sang như là một bảo đảm hạnh phúc và coi việc kinh nguyện sớm hôm là của các bà già hay của những người nghèo mới cần đến Chúa để xin xỏ… Họ không biết rằng, linh hồn họ đang “nhào xuống âm phủ” vì sự ỷ lại vào của cải chóng qua.

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”
Chúa Giêsu nói tới tính liên hệ từ Chúa Cha, đến Chúa Giêsu và các môn đệ. Các môn đệ của Chúa là những vị tiếp nối Ngài trong việc rao truyền Chân Lý cho muôn dân. Nếu không nghe những Đấng Chúa sai đến thì cũng không nghe lời Chúa Giêsu…
– Ngày hôm nay, chúng ta có các vị đại diện Chúa qua các tác vụ của Giáo Hội. Chúng ta được các ngài thay mặt Chúa hướng dẫn chúng ta mỗi ngày qua Lời Chúa và các lời giáo huấn. Bao lân chúng ta còn biết lắng nghe các ngài là chúng ta đang thi hành luật Chúa và sống tình con thảo với Cha trên trời.

Tóm lại, cũng như Chúa Giêsu đã quở trách các thành Kho-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um vì tội cứng lòng tin và lối sống xa hoa phóng túng, thì nay Người cũng đang khiển trách hết những ai ơ hờ với Lời Chúa và cứng lòng không tin vào Chúa và Hội Thánh của Người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa, năng đọc và suy gẫm, và sống Lời Người, để ngày phán xét, chúng con được Chúa xét xử khoan dung và thâu nhận chúng con vào nước vĩnh cửu của Người. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN
Ngày 07/10: ĐỨC MẸ MÂN CÔI

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1, 26- 38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! “
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

+ SUY NIỆM

“NỮ TỲ KHIÊM HẠ”

Mẹ Maria là kiệt tác của Thiên Chúa. Nhờ quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa mà Mẹ Maria được tạo thành với tất cả sự tinh tuyền và thanh khiết của tạo dựng nguyên thủy. Có thể nói, nếu mọi công trình tạo dựng của Thiên Chúa đều tốt đẹp, thì Mẹ Maria là thụ tạo hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa, vì mẹ là niềm vui, là sự mãn nguyện của Thiên Chúa khi nhìn đến con cái loài người. Nếu người Do-thái tin nhận tổ phụ Abraham là cha của mọi dân tộc được chúc phúc (x. St 22, 17-18), thì các Kitô hữu cũng có quyền tự hào rằng, nhờ Mẹ Maria, phúc lành của Thiên Chúa được tuôn đổ chan hoà trên nhân loại (x. Lc 1, 28), nhờ Mẹ Maria mà nhân loại được phúc đón nhận “Ánh Sáng” và “Bình An” của Thiên Chúa.
Mẹ Maria được Thiên Chúa ban tặng cho loài người như một hồng ân và như dấu chỉ của tình yêu mầu nhiệm nơi Thiên Chúa được mặc khải. Vì Tình Yêu Thiên Chúa cao cả vượt quá trí hiểu của loài người, tặng ân mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại nơi Mẹ Maria được bao trùm bởi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì lẽ đó, chỉ trong ý định niệm mầu của Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc, con người mới hiểu được phẩm tước và chức vị cao sang của Đức Trinh Nữ. Mọi đặc ân và phẩm vị của Mẹ Maria cũng được gắn liền với mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ, vì Mẹ Maria là mẹ Đấng Cứu Thế.
Các Tin Mừng vẽ lên một hình ảnh thực về Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, hiện diện trong mọi thời khắc quyết định của lịch sử cứu độ, từ một cô thôn nữ Nazareth đến làm Mẹ loài người, từ biến cố Nhập Thể đến biến cố Hiện Xuống, từ việc sinh ra Đầu Hội Thánh nơi máng cỏ ở Bêlem đến việc sinh ra các chi thể Hội Thánh dưới chân thập giá tại đồi Calvê… Mẹ đồng hành và thông dự với Con Chí Thánh trong mọi biến cố “phục hồi” nhân loại, Mẹ đã sống trọn lời “xin vâng” để phục vụ công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.
Kinh Mân Côi được ví như bản Tin Mừng tóm lược, mà trong đó kể ra những thời khắc cả vui mừng lẫn đau thương của Mẹ Maria trong sự hiệp thông cứu độ. Trong đó, biến cố Truyền Tin là mầu nhiệm đầu tiên mà mọi người suy ngắm trong chuỗi Mân Côi. Vì thế, trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta lại một lần nữa được nghe bài Tin Mừng về biến cố Truyền Tin, biến cố khai mở kỷ nguyên cứu độ khi con Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng thánh khiết Mẹ Maria. Truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể vào lúc khởi đầu việc thực hiện mầu nhiệm này trên trái đất. Việc Thiên Chúa ban tặng chính mình cho con người, đạt tới đỉnh cao trong mầu nhiệm Nhập Thể.
Qua bài Tin Mừng này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm đức tính khiêm hạ của Mẹ, và chính nhờ sự khiêm hạ thẳm sâu mà Mẹ được nâng lên tận ngai Nữ Hoàng Thiên Quốc (Regina caeli):

“Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót đã muốn Đấng được tiền định làm mẹ phải nói lên sự ưng thuận của mình trươc khi mầu nhiệm nhập thể được thực hiện; để như một người nữ sẽ phục vụ cho sự chết, thì một người nữ sẽ phục vụ cho sự sống. Điều này lại càng thích ứng hơn nữa trong trường hợp của Mẹ Đức Giêsu: Mẹ sẽ sinh Sự Sống cho thế gian; Sự Sống này sẽ canh tân tất cả; vì thế Mẹ được Thiên Chúa tặng ban nhiều hồng ân để có thể đáp ứng cho một phận vụ cao trọng như thế” (GH 56).
Ngay giây phút tượng thai, Mẹ Maria đã được Thiên Chúa trang điểm bằng sự thánh thiện cao vời; nên lúc truyền tin, Mẹ cũng được thiên thần chào kính là “Đấng đầy ân phúc”, và Mẹ đã đáp lời thiên sứ rằng: “Là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng”. Như thế, Mẹ Maria là con cháu Ađam, khi vâng nghe tiếng Chúa, đã trở thành Mẹ Đức Giêsu. Với trọn tâm hồn và không một tội lỗi nào ngăn cản, Mẹ đón nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, tự nguyện làm nữ tỳ của Chúa để phục vụ cho con người và công trình của Thiên Chúa, tùy thuộc vào liên kết với Đức Kitô nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, để hoàn toàn phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ . Trọn lịch sử cứu độ, và theo một nghĩa nào đó, trọn lịch sử loài người, đều được liên kết với biến cố truyền tin. Thật vậy, nếu kế hoạch của Thiên Chúa Cha là quy tụ tất cả trong Đức Kitô (x. Ep 1, 10), thì cả vũ trụ đều được ân huệ thần linh tác động, với ân huệ này, Thiên Chúa Cha đã đoái nhìn đến Mẹ Maria để làm cho Mẹ trở thành Thân Mẫu Con của Người. Về phần mình, cả nhân loại như được gói trọn vào trong tiếng “xin vâng” (fiat), qua đó Mẹ Maria đã mau mắn nói lên sự ưng thuận của mình đối với ý định của Thiên Chúa .
Mẹ Maria được nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa và loài người, vì nhận biết mình là hư vô nhỏ bé, là nữ tỳ hèn mọn của Đấng Tối Cao (x. Lc 1, 38.48). Mẹ được Thiên Chúa sủng ái vì đã hiến mình cho Thiên Chúa cách trọn vẹn để Thiên Chúa thực hiện ý định cứu độ. Đặc biệt Mẹ được coi là vô cùng thánh thiện trước mặt Thiên Chúa vì không lấy mình làm trung tâm, nhưng quy hướng tất cả về Thiên Chúa, Mẹ không phô trương chính mình, nhưng để cho Thiên Chúa lớn lên và vinh hiển qua cuộc sống của mình.

“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38a). Mẹ Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ tuyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Mẹ Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Bởi vì Thiên Chúa có một đường lối hành động rất đặc biệt. Đó là “hạ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng và suy tôn những người khiêm hạ” (x. Lc 1, 48- 52; Gc 4, 6). Ơn gọi của “người nữ tỳ Thiên Chúa” đối ứng cách kỳ diệu với hình ảnh “người tôi tớ Yavê” vốn được ngôn sứ Isaia phác hoạ cách đầy đủ trong Cựu Ước (x. Is 42, 1- 4; 49, 1- 6; 50, 4- 9; 52, 13; 53, 12). Nếu Mẹ Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Mẹ Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.
Đức Giêsu nhận mình là Đấng thiên sai khiêm tốn, và sự khiêm tốn là châm ngôn sống của Người. Người đã dạy về vẻ đẹp của sự khiêm tốn chân thật. Người mời gọi các môn đệ “Hãy học cùng Ta” không phải là các phép lạ, hay những chuyện phi thường tạo dựng thế giới, mà là học “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Mẹ Maria đã học được bài học đó từ trời, linh hồn của Mẹ đã hít thở sự khiêm tốn đó bởi Thánh Thần của Thiên Chúa. Thánh Bernard nói: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người”. Sự khiêm tốn của Mẹ Maria đã kéo Ngôi Lời Thiên Chúa từ bên hữu của Chúa Cha xuống với vực sâu hư vô của nhân loại mà cứu vớt nhân loại.
Có thể nói, dù vô tội, nhưng Mẹ Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38).

Lạy Chúa Giêsu, khiêm tốn và xin vâng là một trong những đức tính căn bản mà Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ là luôn biết khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Amen.

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Tư, Tuần I, Thường niên (Mc 1,29-39) Cầu nguyện và làm việc Chúa chọn cả hai

Thứ Tư, Tuần I, Thường niên (Mc 1,29-39) Cầu Nguyện Và Làm Việc Chúa Chọn Cả Hai Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Với nhịp sống hối hả...

Thứ 3 Tuần I TN – Mc 1,21-28 Đức Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền

Đông Kỳ. PV Sau khi chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả ở sông Jordan, Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai rao...

Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, Mc 6,45-52: “Chính Thầy đây, đừng sợ!”

    „CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!“  (Mc 6,45-52) Lam Châu, Phước Lý Phải chân nhận rằng, trong cuộc đời, chúng ta sợ nhiều thứ: sợ đói, sợ cô...

Thứ 2, ngày VI Tuần BNGS, Lc 2,36-40: Nói về Chúa cho mọi người

    NÓI VỀ CHÚA CHO MỌI NGƯỜI Thứ 2, Ngày VI Tuần Bát Nhật Giáng Sinh (Lc 2,36-40) Lam Châu, Phước Lý Trong tất cả các trình thuật về...

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử đạo Tiên khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60)

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60) Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôn qua, chúng ta đã long trọng mừng kính...

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...