Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 45
NHỮNG NGƯỜI SAI LỖI TRONG NHÀ NGUYỆN

 

 

Ngày 25.3 – 25.7 – 24.11 

1 Ai sai lỗi khi đọc Thánh Vịnh, đáp ca, tiền ca hay bài đọc, nếu không khiêm tốn đền tội ngay tại chỗ trước mặt mọi người sẽ bị phạt nặng hơn, 2 vì đã không khiêm tốn sửa lại điều mình sai lỗi do chểnh mảng. 3 Thiếu niên mà làm thế sẽ bị đánh đòn.    

Chú giải:

 

A – Ngày 25.3

Trong chương rất ngắn này ta gặp được từ “khiêm tốn” tới hai lần, ở câu 1: “nếu không khiêm tốn đền tội ngay”, và câu 2: “vì đã không khiêm tốn sửa lại”. Điều đó không khỏi làm ta ngạc nhiên. Vì đối với ta, một lầm lỡ vô ý thức thì có gì đâu mà phải nói tới khiêm tốn hay không khiêm tốn. Và ta thường nghĩ khiêm tốn trái ngược với kiêu ngạo, vì kiêu ngạo là tìm cách áp đặt quan điểm riêng, thực hiện ý riêng mình.

Ta càng không hiểu được điều đó khi lầm lẫn là chuyện xẩy ra ngoài ý muốn, xẩy ra mà ta chẳng hay biết gì. Phạt cái lầm lẫn sẽ dễ dàng khiến cho người đã bị lầm có cảm tưởng bị xử cách bất công. Anh ta đọc vấp, đọc lộn, sai câu mất chữ mà chẳng biết làm sao được v.v. Phải chăng thánh Biển Đức quá câu nệ với cách giáo dục ở thời ngài? Hay ngài muốn dạy ta điều gì đây?

Khi đọc chương 7 ta ngạc nhiên thấy rằng các bậc khiêm nhường càng lên cao thì xem ra càng tầm thường hơn. Như thể thánh Biển Đức quá chú trọng tới chi tiết. Thực vậy, ngài khởi đầu các bậc khiêm nhường với những điều đòi phải có tinh thần trách nhiệm, như việc từ bỏ ý riêng, nhưng rồi ngài lại kết thúc khi đề cập đến cách cười, cách nói là những chuyện phụ thuộc bên ngoài. Trong chương 45 này ta cũng thấy cùng một lối trình bày như vậy. Như thế hẳn là thánh Biển Đức muốn nhắm tới một điều gì khác.

Nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy con đường khiêm tốn thánh Biển Đức trình bày ở chương 7 là con đường giải thoát khỏi chính mình, con đường dứt bỏ hình ảnh ta có về mình. Con đường này đòi phải thực hiện một khám phá cốt yếu: ta không phải là cái hình ảnh ta tự tạo ra về mình. Bản chất đích thực của ta là điều huyền nhiệm, được giấu ẩn trong nơi sâu thẳm của hữu thể ta. Vấn đề khiêm tốn thực sự không phải là đè bẹp mình nhưng là biết mình. Chỉ ai biết mình, ai nhận thức được phần nào ánh huy hoàng vô tận đang cư ngụ nơi mình mới có thể bình thản vượt qua được những thử thách trong cuộc đời. Không cần quan tâm họ có dáng vẻ thế nào, bởi vì họ đã khám phá ra nguồn mạch phát sinh hữu thể đích thực của họ.

 

B – Ngày 25.7

Ta có thể ngạc nhiên về sự nghiêm khắc của thánh Biển Đức trong việc sửa chữa những lỗi do chểnh mảng. Vì vấn đề ngài muốn bàn tới ở đây là sự chăm chú. Và sai lầm do chểnh mảng chỉ là triệu chứng, là dấu bên ngoài của thực tại nội tâm.

Xét cho cùng, điều gì cản trở ta chăm chú? Trước hết, sự căng thẳng nội tâm rất thường xẩy đến từ việc ta không có khả năng chấp nhận thực tại và khiến ta bỏ cái hiện có để mong được cái không có. Hoặc là vì ta bị giam hãm trong những cảm súc, những tình cảm, những ấn tượng của mình.

Nhưng còn một lý do khác gây nên sự căng thẳng nội tâm, đó là thiếu tin tưởng, thiếu đức tin vào Chúa Quan Phòng. Khi ấy ta để mình chìm ngập trong lo âu, sợ hãi về cái có thể xẩy ra hay không xẩy ra. Ta bị giam hãm trong một thứ ảo tưởng khiến ta không còn hiện diện được trước Đấng đang hiện diện trong đời ta nữa.

Nỗi khó khăn trong việc hiện diện, trong việc sống giây phút hiện tại cách sung mãn còn gây cho ta một bất lợi khác. Khi làm ta mù quáng không nhìn thấy được thực tại, nó cản trở ta thực hiện có hiệu quả những gì ta phải làm. Ta mất thì giờ vô ích và làm cho người khác mất giờ nữa. Trong khi mà mỗi giây phút qua đi đều là một lời hứa cho ta thực tại vĩnh cửu.

C – Ngày 24.11

Ta có thể ngạc nhiên về giọng nói nghiêm khắc của chương này, trong khi ở nhiều trường hợp khác thánh Biển Đức lại cho thấy ngài hết sức nhân hậu. Quả thực, thánh nhân tỏ ra cực kỳ khắt khe trong những gì liên quan tới Thần Vụ mà ngài đòi đan sĩ phải đặc biệt để ý. Về lãnh vực này, không được phép để xẩy ra những sai lỗi vì sơ xuất, nhưng nếu xẩy ra mà không tự thú ngay sẽ bị phạt nặng.

Ta nhận thấy chương này đặc biệt ngắn và có giọng như hơi bực bội, như thể thánh Biển Đức bỗng dưng đập mạnh nắm tay xuống bàn. Tại sao thế? Vì lý do gì ngài lại phán ứng cứng cỏi như vậy? Tôi nghĩ chỉ có một từ diễn tả được lý do và ý nghĩa của phản ứng này, đó là từ “chểnh mảng”. Từ chểnh mảng nói lên sự nhẹ dạ của người không còn ý thức việc mình làm nữa.

Chểnh mảng trái ngược với để ý, với khả năng hiện diện trước Đấng Hiện Diện. Thiên Chúa có mặt đấy, nhưng thường thì ta lại ở xa, lại vắng mặt. Trong truyện thánh Biển Đức, thánh Grêgôriô diễn tả cảm thức về sự hiện diện tiềm ẩn trong suốt cả tu luật bằng một thành ngữ đặc biệt: “ở với chính mình”. Theo thánh Biển Đức, tất cả đời sống đan tu hệ tại việc trở về với mình để ở lại với Chúa.

Tất cả những gì làm phân tâm chia trí đều khiến ta bất an và xa lìa đường tu đức về sự hiện diện trước Đấng Hiện Diện. Điều ấy có thể xẩy ra ngoài ý muốn. Nhưng ta cũng thấy ta thường để tâm trí mình bị bận rộn, ta chất đầy khoảng trống nội tâm bằng đủ thứ chuyện trò bên ngoài hay bên trong, để tránh cho khỏi phải giữ mình trong tư thế đợi chờ, chăm chú. Ta chọn sống theo cái nhẹ dạ và bỏ mất ý nghĩa sâu xa của đời mình.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM