Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 46
NHỮNG SAI LỖI TRONG CÁC NƠI KHÁC

 

Ngày 26.3 – 26.7 – 25.11  

1 Trong khi làm bất cứ việc gì ở nhà bếp, nhà kho, trong xưởng, ở lò bánh, ngoài vườn, hay làm nghề gì bất luận ở đâu, nếu ai sai lỗi, 2 như làm bể, đánh mất vật gì, hoặc làm chi thái quá, 3 mà không lập tức đến thú lỗi và tạ tội trước viện phụ và cộng đoàn, 4 trong khi đó kẻ khác đã biết lỗi của mình, thì người ấy sẽ bị sửa phạt nghiêm ngặt hơn. 5 Nhưng nếu là lỗi thầm kín trong tâm hồn thì chỉ nên bày tỏ với viện phụ hay với các vị linh hướng. 6 Các ngài biết cách chữa lành vết thương của mình và của kẻ khác mà không tiết lộ hoặc nói ra công khai.

Chú giải: 

A – Ngày 26.3

Trong chương 46 này, thánh Biển Đức cho biết ý nghĩa sâu xa của việc xưng thú lỗi lầm, dù là lỗi bên ngoài hay lỗi thầm kín. Tất nhiên cách xưng thú không giống như nhau, vì những lỗi bên ngoài phải trình bày công khai, còn những lỗi trong tâm hồn phải xưng thú cách kín đáo. Tuy thế, cả hai trường hợp đều là băng bó những vết thương đã xẩy ra.

Nếu ta dễ dàng hiểu điều đó trong trường hợp lỗi thầm kín, thì ta lại khó nhận ra điều thánh Biển Đức muốn nhắm tới khi liên quan đến những sai lầm nhỏ mọn, những lơ đễnh chểnh mảng mà ta mắc phải suốt ngày. Tai sao ta cần được chăm sóc vì những chuyện lặt vặt đó? Tại sao khi làm vỡ, đánh mất hay quên sót cái gì đó mà lại đáng bị kết án?

Để hiểu được điều thánh Biển Đức nhắm tới, cần phải nhớ lại đời đan tu là gì đối với ngài. Đó là sống trước mặt Chúa. Tất cả nghệ thuật sống đời đan tu hệ tại việc trở nên hiện diện với mình, với người khác, với mọi sự, và nhất là với Chúa. Đối với thánh Biển Đức, cũng như đối với thánh Augustinô, thảm kịch của đời người chính là sống xa mình và xa Chúa đấng ngự trong nơi sâu thẳm nhất của bản thân mình. Đó là quên! Quên mất mình và quên mất Chúa!

Nếu đời đan tu là ngôi trường dậy ta biết sống hiện diện, trở nên hiện diện, thì tất cả những thiếu sót nhỏ mọn đều là triệu chứng của sự xa cách, của sự không hiện diện, của đãng trí phân tâm. Ta không sẵn là đan sĩ rồi, nhưng ta trở nên đan sĩ, mỗi ngày một ít, khi để cho mình được thống nhất lại. Và muốn được vậy, thì điều cốt yếu là ý thức được tác động không ngừng đưa ta đi xa và khiến ta bị phân tán trong vô số những sự nọ vật kia, vô số những tư tưởng. Ta được mời gọi trở về với sự thống nhất nội tâm, trở về hiện diện trước mặt Chúa.

B – Ngày 26.7

Biết nhận ra mình lầm lỗi, chấp nhận bị khiển trách, biết xin lỗi, tất cả không phải tự nhiên mà làm được. Phản xạ trước hết của ta vẫn thường là chữa mình và đổ lỗi cho người khác. Điều đó đã xưa như trái đất rồi. Ta thấy sách Sáng Thế thuật lại truyện ông Ađam bảo tại lỗi bà Evà, bà Evà lại đổ tội cho con rắn.

Ta có thể gặp phản xạ đó hằng ngày nơi người khác và nơi bản thân ta. Có lẽ không vô ích khi suy nghĩ một chút để tìm xem điều gì ẩn dấu sau thái độ cố hữu ấy của con người.

Sau thái độ từ chối nhận lỗi, từ chối sửa mình, đôi khi có thể là kiêu ngạo, nhưng phần lớn trường hợp đó là nỗi sợ thầm kín. Thực vậy, ta sợ lầm lỗi ấy sẽ làm méo mó hình ảnh ta tự tạo ra về mình, và để tự vệ thì ta đẩy nó cho người khác. Cứ thế cho đến khi hình ảnh giả tạo kia bị sụp đổ.

Tuy nhiên, biết nhận lỗi là một ơn huệ lớn lao. Đồng ý   rằng mình yếu đuối và dễ lỗi phạm sẽ dẫn ta đến tự do, vì chỉ người nào chấp nhận những giới hạn của mình mới có thể trở nên người tự do và có khả năng được giải thoát. Phải can đảm lắm mới thực sự là mình được. Ađam được rút ra từ đất, là bùn đất bởi bùn đất, nhưng lại là nơi Thiên Chúa muốn cư ngụ.

C – Ngày 25.11

Thánh Biển Đức nói đến hai dạng thức lỗi rất khác nhau. Lỗi bên ngoài và lỗi thầm kín trong nội tâm. Những lỗi bên ngoài, thánh nhân yêu cầu đan sĩ đơn sơ xưng thú trước mặt viện phụ và cộng đoàn. Nếu không chịu làm, họ sẽ bị khiển trách nghiêm thẳng, vì như vậy là họ đã tỏ ra mù quáng bởi kiêu căng tự phụ.

Trái lại, những lỗi bên trong, thánh nhân yêu cầu không được cho ai biết. Đây là bí mật lương tâm. Và giữ được bí mật này là tiêu chuẩn về phẩm chất của cha thiêng liêng đích thực, cùng với khả năng chăm sóc vết thương của ngài và của người khác.

Như Thánh Kinh nói, thánh Biển Đức biết rằng “lòng người phức tạp và bệnh hoạn”, ngài cũng biết không có giải pháp nào đúng cho mọi lúc mọi nơi, không có phương dược nhiệm mầu nào cả. Cộng đoàn đan tu không phải là một cộng đoàn những con người trong trắng, nhưng là cộng đoàn các tội nhân.

Điều này có hai hệ quả: -phải dè chừng với khuynh hướng cứ muốn nói không có gì, chẳng sao đâu, muốn coi nhẹ lỗi lầm; -nhưng hơn nữa, phải cẩn thận kẻo lại giam hãm anh em hay chính mình trong lầm lỗi, như thể Chúa chẳng làm gì được. Ta vừa lớn hơn, nhưng cũng vừa nhỏ hơn là mình tưởng: ta là tội nhân nhưng lại được Thiên Chúa vô cùng yêu thương; là con cái Cha, nhưng vẫn luôn có thể sa ngã.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM