Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 6
SỰ IM LẶNG

 

Ngày 24.1 – 25.5 – 24.9

 1 Ta hãy thi hành theo lời ngôn sứ: “Tôi đã nói mình phải giữ gìn trong nếp sống, để khi ăn nói khỏi lỗi lầm, nên miệng tôi quyết ngậm tăm, tôi câm lặng làm thinh chẳng hé môi, im lặng cả những điều hay điều tốt”. 2 Qua đó, vị ngôn sứ tỏ cho ta thấy, vì quí trọng sự im lặng, mà đôi khi phải làm thinh cả những lời lành; phương chi đối với những chuyện hư từ, càng phải tránh để khỏi bị phạt vì tội.

3 Vì sự im lặng quan trọng như thế, nên ngay cả những môn đệ hoàn hảo, cũng ít khi được phép nói những lời lành thánh và xây dựng, 4 vì có lời chép: “Nói nhiều không tránh khỏi tội”. 5 Và nơi khác: “Sống chết ở cả đầu lưỡi”. 6 Thực ra, nói năng dạy dỗ là việc của thầy, còn môn đệ thì im lặng mà nghe.

7 Bởi đó, nếu phải thưa trình bề trên việc gì, hãy trình bày với tất cả lòng khiêm tốn, kính cẩn và tùng phục. 8 Còn những chuyện bông đùa, những lời phù phiếm khôi hài, bất cứ ở đâu và lúc nào, cha đều lên án và cha không hề cho phép môn đệ mở miệng nói những lời như thế.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 24.1

Với thánh Biển Đức, đây chưa phải là yêu thích im lặng, nhưng là giữ miệng không nói. Ngài nhấn mạnh điều đó khi trích dẫn ba câu Thánh Kinh: Tv 38,2-3; Tv 10,19; Tv18,21. Ngài nêu rõ tương quan giữa lời nói và sự im lặng bằng hai nhóm từ ở câu 3: “sự quan trọng của im lặng” và “được phép nói”. Và ở câu 7, ngài không đặt lời nói đối nghịch với sự im lặng nhưng với lòng khiêm tốn: “Nếu phải thưa trình bề trên việc gì, hãy trình bày với tất cả lòng khiêm tốn và kính cẩn tùng phục”.

Tôi muốn trở lại với sự đối nghịch cơ bản mà thánh Biển Đức diễn tả bằng những từ “sự quan trọng của im lặng” và “được phép nói”. Từ “sự quan trọng” trong tiếng la tinh diễn tả sức nặng, đó là cái trọng tâm, cái mà hữu thể hướng chiều về. Còn từ “được phép” nêu lên ý tưởng về nhượng bộ.

Cơ bản thì tôi nghĩ rằng im lặng, đúng ra là việc không nói trước, diễn tả thái độ của người môn đệ lắng nghe lời nội tâm. Đây là nói về chất lượng của sự chú ý, của sự thức tỉnh nơi trí năng nội tâm rộng mở để nghe mọi lời “từ miệng Thiên Chúa phán ra”.

Chính vì thế thánh Biển Đức không đặt lời nói đối nghịch với im lặng, nhưng với lòng khiêm tốn. Ta từ chối nghe, vì ta tưởng mình nắm được chân lý rồi, đó là kiêu ngạo; trong khi chân lý là một Đấng Khác, là chính Chúa Kitô. Điều thánh Biển Đức không thể chấp nhận đó là từ chối nghe Lời.

B – Ngày 25.5

“Vì sự im lặng quan trọng như thế”, vì sự quan trọng của im lặng (c.3). Từ la tinh “gravitas” trong nguyên bản diễn tả ý tưởng về sức nặng, theo nghĩa một “con người nặng ký”, có sức mạnh và có giá. Như vậy, đối với thánh Biển Đức, im lặng ban cho ta sức nặng, nó trái ngược với tính nhẹ dạ, với cái hão huyền của lời nói biến tan trong gió.

Để một lời nói có sức nặng, nó phải thấm nhuần sự im lặng, im lặng lắng nghe và im lặng suy tư. Lời nói ấy cần thiết phải chín mùi trong im lặng, phải thốt ra từ cõi sâu thẳm của lòng người để mang lại được hoa trái. Nếu không thì chỉ là những lời hư từ, những lời bộc phát hời hợt. Thánh Biển Đức dứt khoát loại trừ những lời thuộc loại đó, như ngài nói ở câu cuối cùng của chương này.

Thời nay người ta thường lẫn lộn giữa sự thật và tính chân thành hay bộc phát. Ta cứ tưởng những lời thoạt nảy ra trong trí đều nói lên được những gì ta suy nghĩ. Ta nói ra điều ta chợt nghĩ, dù chẳng bao lâu sau đó ta có phải nói ngược lại. Ta cứ nói tự nhiên bộc trực mà chẳng hề cố gắng giữ cho lời nói lắng đọng và chín mùi từ trong nội tâm. Như thế ta sẽ chỉ quanh quẩn ở bề mặt của bản thân mình.

Đó là lý do khiến truyền thống đan tu khuyến khích các đan sĩ “trau dồi sự im lặng”, cố gắng tập giữ im lặng. Việc này không hề cản trở ta bộc lộ con người thật của mình, nhưng trái lại sẽ giúp ta có cơ may thăng tiến.

Im lặng là điều kiện tuyệt đối cần cho đời sống nội tâm, đời sống thiêng liêng, đời sống trong Thần Khí. Im lặng là điều kiện để sống đời đan tu của ta cách đích thực.

C – Ngày 24.9

Lời trích dẫn Tv 38,2-3 để mở đầu chương nói về im lặng khiến ta hơi ngạc nhiên. Thực vậy, đối với tác giả Thánh Vịnh, ước muốn được giữ im lặng không phải là do một quyết định tốt, nhưng do một cảm nghiệm đau đớn trong nội tâm: cảm thấy bị xỉ nhục vì tội lỗi mình. Khi tưởng mình nói những lời tốt lành, thì ông lại sửng sốt vì thấy mình phạm tội quả tang: ông muốn nói điều tốt nhưng lại xẩy ra cái xấu.

Bao nhiêu lần ta phải ngạc nhiên vì nói xấu người khác, khi mà ta chẳng hề có ý nói vậy. Khác nào lời nói tràn ra như trượt dốc mà ta không kiểm soát nổi. Có lẽ nhờ có kinh nghiệm thấm thía khi khám phá ra mình đã nói xấu, không khoan nhượng, dối trá mà thánh Biển Đức phải suy tư về sự im lặng.

Ngài thấy rằng không ai trong ta có thể thoát được lỗi lầm trong lời nói. Thánh Giacôbê đã có những lời nghiêm khắc về cái lưỡi, một miếng thịt nhỏ mà đốt cháy cả thế gian, gieo rắc rối loạn và hận thù. Thánh Biển Đức nhìn thấy nơi cái lưỡi một động lực đẩy ta đến chỗ chết mà ta không làm chủ được, không kiểm soát nổi.

Nhưng không chỉ quan sát và cho thấy điều đó thôi, ngài còn cống hiến ta một phương thế điều trị. Đó là im lặng. Không chỉ im lặng, nhưng im lặng để lắng nghe, như ngài bảo: “Môn đệ thì im lặng mà nghe”. Vì ông Thầy, ông Thầy nội tâm vẫn thầm thì trong cõi thâm sâu của lòng ta, và ta chỉ nghe được tiếng ngài nếu biết lắng tai lòng, giữ im lặng trước những ồn ào khiến ta phân tâm chia trí. Tội lỗi làm phân tán, chia ly, gây xáo trộn. Sự thiện hoạt động trong im lặng và bình an.

Bằng việc lắng nghe vị Thầy nội tâm, mỗi người chúng ta có thể làm cho cộng đoàn, cho đan viện thành một nơi an bình.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM