Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 33
CÁC ĐAN SĨ CÓ ĐƯỢC GIỮ CỦA GÌ RIÊNG KHÔNG?

                 

Ngày 11.3 – 11.7 – 10.11    

1 Phải đặc biệt loại trừ tận gốc tật xấu giữ của riêng khỏi đan viện. 2  Đừng ai tự tiện cho hay nhận một vật gì khi chưa có phép viện phụ, 3 hoặc giữ riêng vật gì, tuyệt nhiên không có vật gì, dù cuốn sách, dù bảng viết, hay cây bút, nói tắt là không gì cả, 4 vì ngay đến bản thân và ý muốn họ cũng không còn quyền làm chủ nữa. 5 Mọi nhu cầu, hãy mong chờ nơi gia trưởng, không bao giờ đan sĩ được có của gì mà không do viện phụ phân phát hay cho phép. 6 Mọi sự hãy là của chung, như đã chép, đừng ai nói hoặc chiếm lấy vật gì làm của riêng mình. 7 Nếu gặp ai vui thích với tật xấu rất độc hại này, hãy cảnh cáo một hai lần, 8 nếu không sửa mình sẽ bị phạt theo luật.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 11.3

Với thánh Biển Đức, dính bén của cải là nết xấu lớn nhất. Điều này có thể khiến ta ngạc nhiên. Thực vậy, nếu ai hỏi nết xấu nào lớn nhất, ta nghĩ ngay tới dâm ô hay mê ăn uống, nóng giận hay kiêu căng. Còn với thánh Biển Đức thì đó là thói dính bén của cải. Tại sao? Ngài sẽ giải thích trong chương 33 này.

Thánh Biển Đức nêu lên hai luận cứ. Trước hết, của cải ngăn cản ta học biết đợi chờ nơi người khác. Khi giữ của cải làm của riêng, đan sĩ có nguy cơ tưởng mình đã tự đủ cho mình, chẳng cần phải mong đợi gì nữa. Họ đã đầy đủ rồi. Họ đi ngược với con đường dân Israel đã đi trong sa mạc. Khi đón nhận manna từng ngày một, Israel đã học biết được rằng sự sống là hồng ân Thiên Chúa ban, một ơn nhưng không, một ân sủng. Đan sĩ nào thu tích của cải hay có của cải để cho đi là tự thoát khỏi cuộc mạo hiểm nội tâm, cuộc mạo hiểm mà xưa kia Israel đã dấn thân vào. Đan sĩ ấy đã đi trật khỏi ơn gọi sâu xa của  mình.

Luận cứ hai thánh Biển Đức rút ra từ Thánh Kinh, trong Cv 4,32: “Mọi sự đều là của chung”. Câu này nằm trong đoạn văn nổi tiếng mô tả cộng đoàn kitô hữu tiên khởi: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý. …”. Luận cứ hai này lặp lại luận cứ một: tất cả đều là ơn Chúa ban, nhưng đi xa hơn một chút. Đích điểm mà sách Công Vụ nhắm tới, tức là nơi Thiên Chúa biểu lộ ơn sủng của ngài khi ban cho mỗi người điều họ cần, chính là cộng đoàn. Người nào thu tích của cải cho riêng mình là tự tách mình ra khỏi đời sống Giáo Hội, khỏi mối hiệp thông trong đức tin. Họ tự loại mình ra bên lề cộng đoàn.

Như vậy, đối với thánh Biển Đức, thói xấu giữ của riêng vừa tách lìa ta khỏi Thiên Chúa, vì ta không chờ đợi gì nơi ngài nữa, vừa tách lìa ta khỏi anh em, vì ta từ chối sống hiệp thông với họ như cộng đoàn kitô hữu tiên khởi.

B – Ngày 11.7

Trong cuốn sách rất hay nhan đề “Có và là”, tác giả Erik Fromm quảng diễn ý tưởng về hai luận lý trái nghịch nhau. Khi luận lý “có” đặt ta vào tương quan hướng ngoại, thì ngược lại luận lý “là” giúp ta đi vào nội tâm.

Hẳn đó phải là lý do khiến thánh Biển Đức tỏ ra nghiêm khắc đối với những anh em tích trữ của cải, tìm cách để “có” bằng mọi giá. Điều đó ngăn cản họ đi vào chiều sâu của hữu thể mình, vào “con người nội tâm” mà thánh Phaolô bảo sẽ triển nở khi con người “bên ngoài” hay “con người cũ” tàn lụi đi. Có và là, “con người bên ngoài” hay “con người cũ” và “con người nội tâm” hay “con người thiêng liêng”, đó là thách đố cho ta.

Trong viễn cảnh này, cái xấu không phải là sự vật, thế gian, quyền lực, giầu có nhưng là tương quan của ta với chúng. Tác giả Erik Fromm phân tích rất hay khi mô tả sự khác biệt giữa “có một quyền bính” và “là một quyền bính”. Luận lý “là” không có nghĩa là thiếu khả năng, chểnh mảng, ươn lười. Luận lý “là” không kết án hành động trong thế gian, nhưng trái lại nó thay đổi hành động ấy.

Thiết nghĩ luận lý “là” được xây dựng trên hai nguyên tắc căn bản thánh Biển Đức nêu lên trong chương 33 này. Nguyên tắc thứ nhất được nói ở câu 5: “Mọi nhu cầu, hãy mong chờ nơi gia trưởng”, có nghĩa là những gì ta có, ta đều nhận được từ người khác, ta quản lý chứ không sở hữu chúng. Nguyên tắc thứ hai được nói ở câu 6: “Mọi sự hãy là của chung”. Như vậy, “là” đòi phải có hai chiều kích: một đàng là khó nghèo và tin tưởng, đàng khác là nghĩ tới tha nhân và bác ái.

C – Ngày 10.11

“Mọi sự hãy là của chung”. Ta có thể tự hỏi tại sao thánh Biển Đức lại cho việc chia sẻ của cải với nhau là quan trọng như thế, tới độ coi đó như một trong những nền tảng của đời sống đan tu? Và để nêu bật tầm quan trọng này, ngài qui chiếu về sách Công Vụ (4,32), trong đó thánh Luca mô tả cuộc sống của cộng đoàn kitô hữu tiên khởi. Tại sao thánh Biển Đức nhấn mạnh đến thế?

Thực ra, thánh nhân chỉ nhắc lại đề tài của Cassianô. Trong bài Thuyết giáo 18, ông giải thích rằng đời sống đan tu nảy sinh từ lòng khao khát nơi một số kitô hữu muốn sống như cộng đoàn tiên khởi của các môn đệ Chúa Kitô, vào lúc mà lòng nhiệt thành ban đầu trong Giáo Hội nguội dần đi (TG 18,5). Và Cassianô nêu sự kiện là sau khi các Tông Đồ khuất bóng, đã nảy sinh vấn đề liên quan đến việc để chung của cải. Như thế, đời sống đan tu xuất hiện như ước mong trở về cội nguồn Kitô giáo, khi mà các môn đệ chia sẻ với nhau mọi thứ, vì có Chúa ở giữa họ.

Đó phải là lý do sâu xa nhất, xác thực nhất của việc chia sẻ, trong đời sống cộng đoàn, những của cải và cả những niềm vui, những nỗi khổ, như lời thánh Phaolô: nếu ta chia sẻ mọi sự với nhau là bởi vì ta cảm nghiệm được có Chúa ở giữa ta.

Nếu bỏ mất ý nghĩa sâu xa này của cuộc sống đan tu, ta sẽ mau chóng trở nên hoài nghi đối với anh em, ta sẽ không tin tưởng nhau nữa, sẽ giữ lấy cho riêng mình những thứ mình nhận được. Ta sẽ coi nhẹ ích lợi chung để chỉ nghĩ đến cái lợi riêng cho mình. Và câu sau đây của sách Công Vụ sẽ là một trong những tiêu chuẩn chắc chắn nhất giúp ta nhận định xem mình có thật sự sống trước mặt Chúa không: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM