Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 9
PHẢI ĐỌC BAO NHIÊU THÁNH VỊNH
TRONG GIỜ KINH ÐÊM

 

Ngày 11.2 – 12.6 – 12.10

1 Về mùa đông, trước hết đọc ba lần câu “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, để con cất tiếng ngợi khen Ngài”. 2 Sau đó đọc Thánh Vịnh 3 với Vinh Danh, 3 rồi Thánh Vịnh 94 với tiền ca, hoặc ít nhất cũng phải hát. 4 Tiếp đến là thánh thi và sáu Thánh Vịnh với tiền ca. 5 Xong các Thánh Vịnh ấy và các câu xướng đáp, viện phụ ban phép lành. Mọi người ngồi xuống, anh em lần lượt đọc ba bài đọc để sẵn trên giá sách, sau mỗi bài đều có đáp ca. 6 Hai đáp ca đầu không có Vinh Danh, nhưng sau bài đọc thứ ba, ai hát sẽ xướng Vinh Danh; 7 người hát vừa cất tiếng, mọi người đứng dậy ngay để tỏ lòng cung kính tôn thờ Chúa Ba Ngôi. 8 Sách đọc trong giờ Kinh Đêm là Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước. Cũng đọc những bài chú giải của các Giáo Phụ thời danh, chính thống và công giáo. 9 Sau ba bài đọc với đáp ca, hát thêm sáu Thánh Vịnh nữa với tiền ca Alleluia. 10 Sau cùng đọc thuộc lòng một đoạn sách của thánh Tông Đồ, rồi xướng đáp, lời cầu. 11 Thế là xong giờ Kinh Đêm.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 11.2

“Một buổi sáng và một buổi chiều, đó là ngày thứ nhất” (St 1,5). Câu này đặt công việc sáng tạo vào ban đêm, trong bóng tối. Tất cả đều khởi đầu trong bóng tối, trong hỗn mang mịt mù. Đó là cái luận lý của việc tạo dựng mà thánh Biển Đức dựa theo để trình bày về thần tụng. Như một cuộc tạo dựng mới, ngày sống của đan sĩ khởi đầu từ giữa đêm bằng giờ kinh Dạ tụng.

Tiếng kêu đầu tiên thốt ra trong đêm tối là để cầu xin Chúa làm cho lời ngài vang lên từ cõi hỗn mang của lòng trí ta còn đang say ngủ: “Lạy Chúa, xin mở miệng con để con vang tiếng ngợi khen Ngài”. Hẳn là những lời đầu tiên của sách Sáng Thế được áp dụng cho tâm trí ta vào lúc khởi đầu Kinh Đêm: “Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 2).

Nhưng Thiên Chúa không dừng lại ở đó, cả ta nữa, nếu ta để cho mình được quyền năng của Thần Khí Thiên Chúa chiếm đoạt, ta cũng không dừng lại ở cõi hỗn mang mịt mù nơi bản thân biếng nhác của ta. Khi tạo dựng thế giới, Thiên Chúa truyền cho ánh sáng bừng lên: “Hãy có ánh sáng”, và “Thiên Chúa tách ánh sáng ra khỏi tối tăm”. Như một tạo dựng mới, phụng vụ Kinh Đêm cho ta cảm nghiệm được điều đó mỗi ngày, nếu ta muốn.

Bằng tiếng hát Thánh Vịnh, bằng lời công bố các bài đọc, Chúa đến thực hiện việc phân tách, việc “phân định” trong cuộc đời ta. Ngài đem ánh sáng của ngài tới nơi đâu vẫn còn hỗn mang và xáo trộn. Vào lúc khởi đầu ngày sống, ngài mở cho ta con đường ánh sáng, bằng Lời của ngài. Bài đọc Lời Chúa lúc khởi đầu ngày mới là lời mời gọi ta để ý phân định. Phải chăng ta thuộc vào số những người vẫn còn bị giam hãm trong những tư tưởng riêng, những nẻo đường riêng của mình? Hay thuộc số những người mở rộng tâm hồn đón nhận ánh sáng của Đấng đang tới?

B – Ngày 12.6

Hai lần, ở câu 5 và câu 7, thánh Biển Đức nói đến những tác động chung trong phụng vụ: “mọi người cùng ngồi”, rồi “mọi người cùng đứng dậy”. Ta có thể thắc mắc tại sao thánh Biển Đức lại quan tâm tới những chi tiết đó, mà xét cho cùng chẳng hệ trọng gì đối với việc cầu nguyện. Vậy đâu là lợi ích và ý nghĩa giáo dục của những tác động ấy?

Phải công nhận rằng tác động chung giúp cho phụng vụ thêm vẻ đẹp và trang trọng. Như thi sĩ kia đã nói: “Nơi đó, tất cả đều trật tự và đẹp đẽ”. Điều đó phù hợp với ý tưởng về sự hài hòa trong vũ trụ, mà triết học ngoại giáo đã nói đến. Văn minh Hy Lạp, với sự ham mê các con số, đã đưa ý tưởng ấy lên tới tột đỉnh.

Trong khi đó thì những nghi lễ Do Thái, như mô tả trong Cựu Ước hay như ta thấy ở Giêrusalem, khiến ta có cảm tưởng như một mớ lộn xộn, mỗi người làm những cử điệu tùy thích. Như vậy, trật tự và sự đồng điệu là dấu hiệu văn hóa nói lên trình độ văn minh của xã hội.

Ta có thể giả thiết, là một người Rôma thánh Biển Đức phải có sở thích về trật tự. Nhưng tôi nghĩ ngài còn có gì hơn thế nữa. Thực vậy, đàng sau những cử điệu chung kia ta có thể thấy được cả một khoa sư phạm về sự từ bỏ. Đấy là yếu tố cơ bản của đời đan tu. Nhu cầu muốn lập dị, muốn làm khác người, dù một cách vô thức, luôn luôn là dấu hiệu của một thực tại sâu xa hơn. Ta được mời gọi tự vấn để biết sáng suốt hơn đối với những động cơ thầm kín thúc đẩy mình.

C – Ngày 12.10

Với thánh Biển Đức, giờ Kinh Đêm là giờ suy niệm Kinh Thánh, trong cộng đoàn và trong Giáo Hội. Cộng đoàn và Giáo Hội là hai chiều kích cốt yếu giúp ta hiểu được tầm quan trọng thánh Biển Đức gán cho giờ kinh này. Thực vậy, trong khi việc đọc lời Chúa (lectio divina) có tính cách cá nhân và riêng lẻ thì giờ Kinh Đêm mang tính cách cộng đoàn và Giáo Hội.

Ta thấy điều đó trong hình thức cử hành phụng vụ. Cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau nghe lời Chúa và những bài chú giải, sẽ làm cho cộng đoàn dần dần được thăng tiến. Điều ấy giúp ta có một ngôn ngữ chung, một kinh nghiệm chung về Lời.

Nhưng thánh Biển Đức còn nhắm xa hơn thế nữa. Cộng đoàn đan viện là thành phần của Giáo Hội toàn cầu, mà các Giáo Phụ là những nhà giải thích được nhìn nhận và có bảo đảm. Vì thế, bài đọc các bản chú giải giữ một vai trò cốt yếu. Thực vậy, không phải kinh nghiệm cá nhân giúp ta hiểu Thánh Kinh, nhưng Thánh Kinh được các Giáo Phụ giải thích sẽ giúp ta hiểu phải sống như thế nào.

Đặc điểm cốt yếu của thần vụ là ở chỗ đó. Ta không giải thích Thánh Kinh bằng kinh nghiệm riêng, nhưng ta sống Lời Chúa theo như các Giáo Phụ đã giải thích. Không phải ta giải thích Lời Chúa, nhưng Lời Chúa giải thích cuộc sống của ta, Lời Chúa trở thành vai chính trong phụng vụ. Giữa đêm khuya Lời Chúa đến với ta qua tiếng của Giáo Hội.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...