Chương 12
PHẢI CỬ HÀNH TRỌNG THỂ
KINH SÁNG THẾ NÀO ?
Ngày 14.2 – 15.6 – 15.10
1 Giờ Kinh Sáng Chúa nhật, trước tiên đọc Thánh Vịnh 94 không có tiền ca. 2 Tiếp đến Thánh Vịnh 50 với Alleluia; 3 rồi Thánh Vịnh 117 và 62; 4 sau đó là các Thánh Ca chúc tụng và các Thánh Vịnh tán tụng, rồi hát thuộc lòng một đoạn sách Khải Huyền với đáp ca, thánh thi Ambrosianô, xướng đáp, Thánh Ca Tin Mừng và lời cầu, thế là xong giờ Kinh Sáng.
Chú giải:
A – Ngày 14.2
Thoạt tiên, nếu so sánh chương 12 với chương 13 ta thấy giờ Kinh Sáng ngày Chúa nhật có alleluia, còn những giờ kinh khác trong tuần thì không. Thực vậy, nếu trong tuần đọc Tv 66, không có tiền xướng, hơi chậm một chút như Chúa nhật để mọi người đến kịp đọc Tv 50, không có tiền xướng, thì Chúa nhật lại đọc Tv 50 với alleluia.
Sau khi đọc alleluia như tiền xướng, thánh Biển Đức cho đọc Tv 117. Thánh Vịnh này là Thánh Vịnh sau cùng của loạt Thánh Vịnh gọi là Hallel, Thánh Vịnh lên Đền, tức là từ Tv 112 đến Tv 117, được bắt đầu bằng alleluia, và người Do Thái hát trong các dịp lễ lớn, nhất là sau bữa ăn Vượt Qua, như thấy nói tới ở Mt 26,30. Sự kiện ấy có lẽ xác nhận điều được nói ở đầu chương này, Chúa nhật là ngày có hát alleluia. Đàng khác, lược đồ Thánh Vịnh hiện nay còn làm tăng thêm cảm tưởng này khi thêm Tv 150 long trọng tuyên dương Triều Đại Thiên Chúa.
Tuy nhiên, việc thánh Biển Đức đưa Tv 62 vào (để thay Tv 50 trong những ngày lễ trọng) gợi cho ta thấy một nhãn giới khác. Thực vậy, dường như qua việc tuyên dương vinh quang Thiên Chúa, thánh Biển Đức còn muốn đưa ta vào một chiều kích khác. Tv 62 là Thánh Vịnh nói lên nỗi khát khao: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Tâm hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông”. Vương quốc đã ở đó, nhưng ta vẫn khát khao, vẫn đợi chờ. Vả lại đó là ý nghĩa đoạn sách Khải Huyền (mà ta đưa vào phụng vụ).
Chúa Kitô đã phục sinh, alleluia, nhưng tạo thành vẫn còn rên xiết, cả ta cũng rên xiết, như đang sinh nở. Đưa Tv 62 vào, sau khi tôn dương vinh quang Chúa, thánh Biển Đức mở ra cho việc cầu nguyện của ta những chân trời vô tận. Khi khơi dậy nơi ta lòng khát khao Thiên Chúa, càng ngày càng mãnh liệt hơn, ngài mời gọi ta cất bước, dấn thân vào con đường hoán cải, chứ đừng ở lại mãi tình trạng hiện thời nữa.
B – Ngày 15.6
Ngày Chúa nhật, Thánh Vịnh 50 có một vị trí đặc biệt. Ta hát Thánh Vịnh này trong giờ Kinh Sáng và cả trong thánh lễ khi làm phép nước. Đây là một Thánh Vịnh sám hối, nhưng ở câu 2 của chương này thánh Biển Đức cho ta thấy một viễn cảnh đặc biệt khi ngài bảo hát Thánh Vịnh 50 “với Alleluia”.
Sám hối, thú tội chính là tôn vinh Thiên Chúa. Vì đó là gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, là cảm nghiệm lòng nhân từ của ngài đối với ta để giúp ta có thể xưng thú tội lỗi mình, bỏ đi được những mặt nạ ta cố sử dụng mà che dấu mình, như ông Ađam bà Evà tìm cách che dấu thân thể trần trụi của ông bà.
Con đường sám hối, con đường khiêm tốn nhận biết tội lỗi mình, đó chính là con đường dẫn ta trở lại địa đàng đã bị đánh mất, nơi con người có thể sống mà không sợ hãi, dưới cặp mắt của Thiên Chúa. Và Thánh Vịnh 50 trao tặng ta bí quyết để trở về với Thiên Chúa, qua hành trình sám hối của vua Đavít.
Thực vậy, đối với thánh Augustinô, đó là Thánh Vịnh vua Đavít đã xướng lên khi tiên tri Nathan nói cho vua biết tội lỗi của vua. Đối với ta cũng thế, Thánh Vịnh này chẳng khác nào như một lời tiên tri. Nó cất đi bức màn mù quáng, kiêu ngạo của ta, để phơi bày ta trước tôn nhan Thiên Chúa. Nếu ta để cho Thánh Vịnh ấy thấu nhập tâm hồn mình, nếu ta trầm mình vào vực thẳm sám hối, ta cũng có thể hát lên lời Alleluia của những con người được cứu khỏi tình trạng mù lòa, những con người được Thiên Chúa giải thoát khỏi chính bản thân họ.
C – Ngày 15.10
Sách Khải huyền là cuốn sách đọc vào ngày Chúa nhật! Điều đó đặt ngày Chúa nhật dưới dấu hiệu của thời cuối cùng. Sắc thái đặc biệt ấy làm cho ngày Chúa nhật trở thành như cây cầu dẫn vào vĩnh cửu. Chúa nhật là ngày của cái đang có và của cái chưa đến. Đó là ngày cho ta thưởng thức trước hương vị của Nước Trời.
Tất cả đều qui hướng về ngày Chúa nhật: nghỉ ngơi sau một tuần vất vả, cử hành phụng vụ trọng thể hơn, và sau cùng một bữa ăn huynh đệ trong tâm tình cảm tạ vì được cùng nhau sum vầy.
Tuy nhiên, như ta đều thấy, một lúc nào đó, không dễ dàng gì bỏ được những công việc của mình để đón nhận tác động của hồng ân ngày Chúa nhật. Ta bị cám dỗ muốn làm những chuyện gì khác, hoàn toàn khác trong thời gian này.
Thật là khó mà dừng lại nhịp sống đã quen trong suốt cả tuần. Tuy nhiên, ta cần phải học cho biết dừng lại. Nếu không, ta sẽ rất dễ bị đồng hóa với những gì mình làm, tới độ quên đi mất căn tính sâu xa của mình. Ngày Chúa nhật là thời gian giúp ta gặp mình, như bước đầu dẫn ta đến gặp Chúa.