Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 17
PHẢI ĐỌC BAO NHIÊU THÁNH VỊNH TRONG CÁC GIỜ KINH BAN NGÀY?

 

Ngày 20.2 – 21.6 – 21.10  

1 Về giờ Kinh Đêm và Kinh Sáng, cha đã quy định thể thức hát xướng; nay ta hãy xét tới các giờ còn lại. 2 Giờ Nhất, đọc ba Thánh Vịnh, nhưng tách rời chứ không phải cùng một kinh Vinh Danh, 3 Thánh thi giờ này đọc sau xướng khúc: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con” trước khi bắt đầu các Thánh Vịnh. 4 Hết ba Thánh Vịnh, đọc một đoạn sách với xướng đáp và lời cầu, rồi kết thúc giờ kinh. 5 Các Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín cũng cử hành theo một thứ tự, nghĩa là câu xướng, thánh thi riêng mỗi giờ, ba Thánh Vịnh, một đoạn sách, xướng đáp, lời cầu, và kết thúc. 6 Nếu cộng đoàn đông thì hát với tiền ca, nếu không thì đọc cung bằng. 7 Kinh Chiều gồm bốn Thánh Vịnh với tiền ca. 8 Sau các Thánh Vịnh ấy là một đoạn sách, đáp ca, thánh thi Ambrosianô, xướng đáp, Thánh Ca Tin Mừng, lời cầu, và kết thúc với kinh Lạy Cha. 9 Kinh Tối chỉ đọc ba Thánh Vịnh, đọc theo cung bằng không có tiền ca. 10 Sau đó là bài thánh thi riêng của giờ ấy, một đoạn sách, xướng đáp, lời cầu và phép lành kết thúc.

Chú giải:

 

A – Ngày 20.2

Khi nói tới cầu nguyện, ta nghĩ ngay đến chất lượng của cầu nguyện, đến sự trong sáng của cầu nguyện. Thánh Biển Đức cũng đề cập tới điều đó, nhưng khi nới về cầu nguyện, đặc biệt là thần tụng, ngài thường nói đến số lượng nhiều hơn. Điều này có thể dẫn ta tới nhiều suy tư.

Ý tưởng đầu tiên, đó là số lượng không mâu thuẫn với chất lượng, nhưng có lẽ là điều kiện để có chất lượng. Chính khi cầu nguyện, khi dùng thời giờ để cầu nguyện, khi kéo dài thời gian cầu nguyện mà ta học biết cầu nguyện. Chính số lượng sẽ dần dần giúp cho việc cầu nguyện của ta có được chất lượng nào đó.

Ý tưởng thứ hai là điều ấy muốn nói rằng không có ranh giới dứt khoát, không có đối kháng giữa khẩu nguyện và tâm nguyện, như người ta đã từng tranh cãi. Quả thực, làm sao Lời Chúa lại có thể trái ngược với điều thánh Phaolô gọi là tiếng rên xiết của Thần Khí trong ta?

Quả thực, cầu nguyện bằng Thánh Vịnh đối với ta là như một liệu pháp cho ký ức, một cách thanh tẩy tư tưởng bằng Lời Chúa để hoán cải và biến đổi chúng. Số lượng và chất lượng cầu nguyện không đối nghịch nhau. Ngược lại, số lượng làm nảy sinh chất lượng, là điều kiện cần thiết để có được chất lượng.

B – Ngày 21.6

 “Bao nhiêu Thánh Vịnh?” (c.1). Ta lại ngụp lặn trong thế giới những con số, một thế giới không xa lạ gì với cuộc tìm kiếm thần bí. Các con số làm phát sinh hai thái độ trái ngược nhau. Một đàng, con người tìm cách kiểm soát thực tại, muốn điều khiển thế giới và thời gian. Đàng khác, con người ngạc nhiên lắng nghe những gì các con số muốn nói.

Các linh phụ Xitô cũng đã dùng tới tính biểu tượng của các con số. Một số trong các vị đã viết về đề tài này, chẳng hạn như Geoffroy d’Auxerre, thư ký và môn đệ của thánh Bênađô. Trong một khảo luận nhỏ, ông trình bày một vài chú giải về các con số với những qui chiếu Thánh Kinh, luân lý và thần học. Khảo luận của ông về những con số hoàn hảo bàn tới những cấp bậc trong đời sống thiêng liêng.

Như vậy, các con số không chỉ liên quan tới cơ cấu của vũ trụ, của thời gian và các sự vật mà cũng liên hệ tới sự thăng tiến thiêng liêng nữa. Như thánh Biển Đức nói tới mười hai bậc khiêm nhường. Còn Gioan Cassianô thì bàn về tám nết xấu và đề cập tới bốn ý nghĩa của Thánh Kinh.

Thật là thú vị khi đọc tu luật mà để ý tới những đoạn thánh Biển Đức tính toán, cân nhắc và sử dụng các con số. Chẳng hạn như khi ngài nói về con số các Thánh Vịnh. Nhưng còn thú vị hơn khi hiểu được mối tương quan giữa các con số với mức thăng tiến thiêng liêng và sự cầu nguyện mà không gì có thể đo lường được. Công việc của con người có thể đo lường chứ công việc của Thiên Chúa thì không. Bằng cách nào thánh Biển Đức đi từ việc của con người tới việc của Thiên Chúa? Bằng cách nào ngài sẽ giúp đan sĩ đi từ việc đo lường mọi sự tới tình yêu không thể đo lường?

C – Ngày 21.10 

Điều khiến ta ngạc nhiên trong những chương về thần vụ, đó là việc lặp đi lặp lại trong cấu trúc các giờ kinh. Một nhập đề, các thánh vịnh, một thánh thi, một bài đọc, một câu xướng đáp, kinh thương xót, kết thúc. Ngày nay đại cương cấu trúc các giờ kinh vẫn còn lại như xưa. Phụng vụ không tìm cái độc đáo, về hình thức hay về nội dung.

Một khuôn khổ nhất định, không thay đổi, có thể gây ngạc nhiên ở một thời đại mà người ta thích thay đổi, thích tìm cái độc đáo và cái mới bằng mọi giá, ở một thời đại mà người ta không ưa lặp đi lặp lại. Giống như đời sống đan tu, phụng vụ tỏ ra trái ngược với cái mốt, cái thú thay đổi đang tác động trên thế giới chúng ta. Nhưng tại sao? Có phải vì bảo thủ hay lười biếng? Có phải là một thứ thần thánh hóa quá khứ, vì xưa nay vẫn làm vậy?

Có ẩn ý gì khi chọn cách lặp đi lặp lại như thế? Để hiểu được điều đó, nên nhớ rằng phụng vụ có mục đích giúp ta vượt qua tính cách mau qua của các biến cố, để nhận ra cái nền của lịch sử nhân loại, của lịch sử mỗi cuộc đời chúng ta. Mà điều quan trọng là đi từ quan niệm hời hợt tới cách nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của ta.

Như vậy, khi giúp ta đặt những gì xẩy đến cho ta vào trong tác động lớn lao của lịch sử cứu độ, phụng vụ giúp ta biện phân được nơi những điều đó vết chân của Thiên Chúa, đấng hoạt động trong cuộc đời ta và ban cho ta cơ hội cảm tạ ngài về hoạt động ấy.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...