Chương 18
ĐỌC CÁC THÁNH VỊNH THEO THỨ TỰ NÀO?
Ngày 21.2 – 22.6 – 22.10
1 Trước hết đọc câu xướng: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ con”, rồi Vinh Danh và Thánh Thi của mỗi giờ. 2 Sau đó, trong Kinh Giờ Nhất Chúa nhật, đọc bốn đoạn của Thánh Vịnh 118. 3 Trong các giờ kinh khác, nghĩa là Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín, mỗi giờ đọc ba đoạn của Thánh Vịnh đó. 4 Giờ Nhất của ngày thứ hai đọc ba Thánh Vịnh 1, 2, 6. 5 Như thế, Kinh Giờ Nhất mỗi ngày cho đến Chúa nhật cứ theo thứ tự đọc ba Thánh Vịnh cho tới Thánh Vịnh 19, nhưng Thánh Vịnh 9 và l7 thì chia làm hai Vinh Danh. 6 Như vậy, cứ đến Kinh Đêm Chúa nhật, bao giờ cũng bắt đầu bằng Thánh Vịnh 20.
Chú giải:
A – Ngày 21.2
Theo thánh Biển Đức, các giờ kinh thần vụ phải bắt đầu bằng câu Thánh Vịnh này: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ” (Tv 69,2). Cho dẫu ta đọc theo thói quen, chẳng chú ý nhiều, câu này cũng sẽ ghi khắc nơi ta một thái độ tinh thần, một cách đối diện với thực tế, với những khó khăn cũng như những thành đạt. Quả thực, câu Thánh Vịnh này là một xác nhận về tình cảnh mong manh của cuộc sống con người. Vì thấy mình yếu đuối nên ta đến trước tôn nhan Chúa mà kêu xin: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ”.
Trong bài Thuyến giáo X, Cassianô cho thấy câu Thánh Vịnh này áp dụng được vào mọi hoàn cảnh, mọi tình huống của cuộc sống ta, khi hạnh phúc cũng như lúc đau khổ. Ta dễ dàng hiểu rằng điều đó là đúng khi gặp bất hạnh, nhưng Cassianô cũng lưu ý tới tính cách mong manh của những thành đạt, những gì ta thực hiện được. Tất cả đều có thể sụp đổ, dù là trong đời sống cá nhân hay trong cộng đoàn.
Thánh Vịnh là ngôi trường tuyệt vời dậy ta Phúc Âm hóa những niềm vui nỗi khổ của mình. Thánh Vịnh cho ta thấy, trải qua những thăng trầm của cuộc sống, một lịch sử khác đang được xây dựng như thế nào. Vì đối với Thiên Chúa chẳng bao giờ có chi mất đi được.
B – Ngày 22.6
“Theo thứ tự” (c.5). Có trật tự cho mọi sự thì cũng có trật trong việc đọc Thánh Vịnh. Và để thiết lập trật tự thì đã có những tiêu chuẩn. Chẳng hạn xếp đặt những vật giống nhau vào một chỗ, như xếp đinh vào một hộp, xếp nĩa vào một ngăn khác với ngăn để thìa, hoặc xếp theo thứ tự lớn dần hay nhỏ dần. Cuộc sống ta được tổ chức theo một trật tự và những tiêu chuẩn. Để sống chung, cần thiết phải cùng có một cách nhìn nào đó, phải chia sẻ cùng một trật tự các giá trị.
Đối với các Giáo Phụ, đặc biệt là thánh Augustinô, sự lộn xộn, trái ngược với trật tự, là cội nguồn của sự dữ và đau khổ. Trong khảo luận “De Ordine” (Bàn về trật tự), thánh Augustinô dùng ý niệm về trật tự để giải thích nguồn gốc của sự dữ trong thế gian.
Thánh Biển Đức cũng rất nhạy cảm với trật tự. Ngài ấn định cả một loạt các tiêu chuẩn, chẳng hạn về thứ vị, ngài đưa ra những qui luật cho việc sắp xếp thứ tự trong cộng đoàn, nhưng ngài cũng quan tâm tới những dụng cụ, tới khăn áo của người làm bếp, tới chuyện may mặc v.v. Thánh Biển Đức quan niệm rằng nếu cuộc sống vật chất cụ thể mà có trật tự thì cái lộn xộn bởi tội lỗi sẽ tháo lui. Vì con người là một hữu thể thống nhất: cách sống bên ngoài sẽ thay đổi con người bên trong.
Ta đã đánh mất cái nhìn thống nhất về cuộc đời. Thời nay người ta sống trong cảnh hỗn độn và khao khát có được cảm nghiệm thiêng liêng. Tuy nhiên, ai đã có chút kinh nghiệm về cầu nguyện đều biết rằng không phải chỉ theo những cảm hứng nhất thời mà ta lớn lên được trong việc cầu nguyện. Cầu nguyện rất giống với công việc làm có phương pháp, đôi khi vất vả, của người thợ cứ lặp đi lặp lại cả trăm lần một động tác. Ngay cả những nghệ sĩ lớn trong việc cầu nguyện, là những nhà huyền bí, cũng đã phải học cho biết cầu nguyện.
C – Ngày 22.10
“Trước hết, đọc câu: ‘Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ’ “. Câu mở đầu đơn giản này nói lên tất cả về kinh nguyện của đan sĩ. Câu này trào dâng như một tiếng kêu, gồm tóm trong vài ba từ vở kịch của mọi cuộc sống con người, vở kịch của cuộc đời mà ta vẫn sống một cách mạnh mẽ và sâu sắc, nhưng đôi khi ta không biết đến. Đó là vở kịch có hai mặt tương ứng với nhau, nhưng hai mặt ấy không luôn luôn hiện diện trong tâm trí ta ở cùng một cường độ.
Mặt thứ nhất, đó là mặt kinh nghiệm về cái nghèo khó, về những giới hạn ta đau đớn cảm thấy nơi mình. Điều này không hẳn là hiển nhiên, vì người nào luôn luôn thành công trong việc dàn xếp những trở ngại, bằng cách đổ lỗi cho người khác, cho bề trên, cho cộng đoàn hay cho cả Chúa nữa, thì chưa có kinh nghiệm về sự bần cùng triệt để của mình. Để thốt lên câu thánh vịnh trên đây, thì đừng tìm cách đổ lỗi cho ai nữa, nhưng dám nhìn thẳng vào sự bất lực tận cùng nơi ta. Có lẽ thánh Biển Đức bảo đây là bước đầu tiên, là bậc thứ nhất. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, vì kinh nghiệm về những giới hạn của mình có thể đưa tới thất vọng, hoặc tự khép kín hay buông trôi.
Thì đây đã có mặt thứ hai của lời kêu cầu “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con, …” Không phải là tức tốc thay đổi tình trạng yếu đuối của mình, nhưng đón nhận sự yếu đuối như mình hiện có. Thực ra, sự nghèo nàn của ta không phải chỉ là một thiếu thốn, nhưng trước hết là tiếng mời gọi ta đến với đấng có thể lấp đầy cái thiếu thốn ấy. Nghèo khó theo tinh thần Phúc Âm không phải là co cụm lại nơi mình, là mặc cảm tội lỗi khiến ta héo hắt đi, nhưng là cánh cửa mở ra để đón nhận hồng ân Thiên Chúa muốn ban cho ta. Như vậy, câu thánh vịnh ngắn ngủi ấy qui tụ tất cả cuộc đời đan sĩ dưới ánh sáng đức tin. Bởi vì Thiên Chúa chờ đợi ta trong ánh sáng dó, và chỉ trong ánh sáng đó ta mới gặp được ngài.
Ngày 22.2 – 23.6 – 23.10
7 Còn Kinh Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín ngày thứ hai, đọc chín đoạn còn lại của Thánh Vịnh 118, mỗi giờ 3 đoạn. 8 Vậy trong hai ngày tức là Chúa nhật và thứ hai, ta đọc hết Thánh Vịnh 118. 9 Ngày thứ ba, trong các Giờ Ba, Giờ Sáu, Giờ Chín, mỗi giờ ba Thánh Vịnh, từ Thánh Vịnh 119 đến 127 nghĩa là chín Thánh Vịnh tất cả. 10 Các Thánh Vịnh này sẽ đọc lại trong các giờ đó cho tới Chúa nhật. Còn thánh thi, bài đọc, xướng đáp thì giữ như đã ấn định nhất mực cho mọi ngày. 11 Như thế, cứ Chúa nhật thì bất đầu lại từ Thánh Vịnh 118.
Chú giải:
A – Ngày 22.2
“Đọc lại”, “bắt đầu lại” (c.10-11). Ở vào thời đại mà bằng mọi giá người ta không ngừng tìm kiếm cái mới, cái độc đáo, thì hai cụm từ này cho thấy người thời nay khó mà đi vào được cách sống riêng của ơn gọi đan tu.
Thực vậy, thay vì tạo ra biến cố, gây điều ngạc nhiên, thì toàn bộ tu luật dường như chỉ có mục đích san bằng những khác biệt, những gì là nổi nang, và khuyến khích ta không ngừng bắt đầu lại trong một cuộc sống đơn điệu.
Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy đời đan tu đã lỗi thời, hay đường lối giáo dục của cuộc sống ấy cần phải được xem xét lại? Số ơn gọi giảm sút dường như là một dấu hiệu không thể nghi ngờ được về điều đó, trong khi các cộng đoàn thường ham thích cái mới lạ, tìm tạo ra biến cố.
Thực ra thì ta có thể sống theo thời, tìm tạo ra những điều mới mẻ. Nhưng liệu ta có còn trung thành với cảm hứng ban đầu đã khơi gợi lên cuộc tìm kiếm nội tâm trong đời đan tu nữa không? Vì khi ưa chuộng những biến cố bên ngoài, ta khó mà khám phá ra được chiều sâu của hữu thể mình.
B – Ngày 23.6
Câu 10 của chương này cho ta một bí quyết về kỹ thuật của việc cầu nguyện đan tu, nếu nói được như vậy. Hai cụm từ xác định điều ấy: “đọc lại” và “ấn định nhất mực”. Đọc lại và nhất mực là hai đặc thù cốt yếu của thần vụ, của việc cầu nguyện đan tu.
Khi ta tự nhiên nghĩ rằng sự thay đổi, những hình thức đa dạng, tính độc đáo là những yếu tố cần thiết để giúp chú ý, khơi dậy sự thích thú, thì việc cầu nguyện đan tu lại đi ngược với cách suy nghĩ của ta. Không phải cứ đổi thay mà có thể chú ý, kiên trì hay có được sự sâu xa trong việc cầu nguyện.
Ta có thể nêu nhiều lý do. Trước hết, cứ đổi mới hoài sẽ gây chia trí. Ta sẽ phải để ý tới hình thức mà quên mất chiều sâu. Ta sẽ chỉ cầu nguyện cách hời hợt vậy thôi.
Việc đọc đi đọc lại các giờ kinh hay các Thánh Vịnh có hai hiệu quả chính. Trước tiên nó giúp ta vượt qua cái vỏ bên ngoài của mặt chữ để đi vào nội dung sâu xa của Lời Chúa. Nhưng hiệu quả thứ hai còn quan trọng hơn nữa. Thực vậy, Lời Chúa, khi được nghe đi nghe lại mãi sẽ thấm dần tới chỗ sâu kín nhất của linh hồn ta. Lời ta đọc, hát hay xướng lên nhiều lần từ bên ngoài thì sau cùng sẽ gặp được Lời ghi khắc tận nơi sâu thẳm nhất của bản thân ta. Đó là tiếng thì thầm của Thần Khí cư ngụ nơi ta, trong cõi bí ẩn nhất của lòng ta.
C – Ngày 23.10
“Các Thánh Vịnh này sẽ đọc lại” (c.10). Phụng vụ không sợ lặp lại. Nhưng đó còn là một trong những yếu tố cơ bản giúp mang lại hiệu quả. Chính bằng việc lặp đi lặp lại các nghi thức mà phụng vụ nuôi dưỡng những người tham dự.
Đó là cái mâu thuẫn lớn của phụng vụ, nhất là ở vào một thời và trong một văn hóa mà người ta đề cao những khẩu hiệu như “thay đổi”, “sản phẩm mới”, “hàng mới”… Như thế, lặp đi lặp lại không kỳ lắm sao? Nhưng hãy nhìn vào hiện tượng này kỹ hơn một chút.
Thực ra, khi quan sát những cuộc thi đấu thể thao lớn như thế vận hội, giải bóng đá hay quần vợt ta sẽ rất ngạc nhiên về tính cách lặp đi lặp lại của các vận động, chẳng khác nào như những nghi thức. Chỉ duy một điều thay đổi là kết quả sau cùng của trận đấu, còn mọi sự khác đều lặp đi lặp lại một cách không thể thay đổi được.
Như thế, ngày nay việc lặp lại vẫn còn giữ nguyên sức quyến dũ của nó. Lời Chúa cứ nhỏ từng giọt không ngừng thì sau cùng sẽ làm lủng được tảng đá cứng nhất, với điều kiện ta chấp nhận để cho Lời nhỏ trên con tim cứng như đá của ta. Vì, dù ta không hay biết, dù ta không thực sự ý thức được, Lời được lặp đi lặp lại sẽ từ từ thâm nhập vào tận những gốc rễ của hữu thể ta, nơi mà ta không tự mình vào tới được, để biến đổi và tái tạo ta.
Ngày 23.2 – 24.6 – 24.10
12 Kinh Chiều mỗi ngày hát bốn Thánh Vịnh, 13 bắt đầu từ Thánh Vịnh 109 đến Thánh Vịnh 147; 14 trừ những Thánh Vịnh dành riêng cho các giờ khác, tức là từ Thánh Vịnh 117 đến Thánh Vịnh 127 và 133, 142. 15 Các Thánh Vịnh còn lại đều đọc trong giờ Kinh Chiều. 16 Nhưng vì thiếu ba Thánh Vịnh mới đủ số, nên cha chia Thánh Vịnh nào dài nhất trong số đó ra, tức là Thánh Vịnh 138, 143, 144. 17 Còn Thánh Vịnh 116, vì ngắn nên đọc liền với Thánh Vịnh 115.18 Thứ tự Thánh Vịnh trong Kinh Chiều được ấn định như thế; phần còn lại như bài đọc, đáp ca, thánh thi, xướng đáp và Thánh Ca cứ giữ như đã nói trên. 19 Giờ Kinh Tối ngày nào cũng đọc Thánh Vịnh 4, 90, 133.
Chú giải:
A – Ngày 23.2
Điều nổi bật trong phụng vụ biển đức và chắc chắn đã ảnh hưởng tới phụng vụ la tinh, đó là mọi yếu tố đều đã được xếp đặt trước. Tất cả đều tuần tự diễn tiến mà không cần phải thắc mắc, không cần biến chế gì. Khi ấy tâm trí có thể thảnh thơi mà bay bổng theo câu ca tiếng hát và chăm chú nghe Lời Chúa.
Ta nhận thấy được điều ấy khi có người đọc sai, khi ta không biết phải làm gì nữa vì một chút thay đổi nào đó. Như thể, nếu bị bó buộc phải để ý vào điều gì khác có tính phụ thuộc, ta lại bị ngăn trở tập trung vào những điểm cốt yếu hơn của giờ kinh.
Thiết tưởng thánh Biển Đức quan tâm ấn định cơ cấu chặt chẽ cho giờ kinh như thế là vì ngài hiểu phụng vụ là trường dạy ta đi vào nội tâm. Ngài muốn sự thay đổi đều đặn trong việc đọc Thánh Vịnh sẽ dẫn ta đi vào chiều sâu của bản thân mình, nơi mà ta phải vất vả lắm mới vào được.
Với thời gian, có ngày ta sẽ vào tới không gian nội tâm của cầu nguyện, ở trong nơi sâu thẳm nhất của lòng mình, lúc nào chẳng hay. Và dần dần, nhất là nhờ ơn Chúa, ta sẽ ở lại được trong đó, ngay cả giữa những xáo trộn. Nhưng hiện lúc này, ta cần được khoa giáo dục của thần tụng không ngừng dẫn đưa tới nguồn mạch của bản thân ta.
B – Ngày 24.6
Những liệt kê đài dòng các Thánh Vịnh có vẻ chán ngắt và khô khan đối với ta. Việc thánh Biển Đức quá chú trọng tới điều ấy có thể có những lúc khiến ta khó chịu. Tại sao phải chú trọng đến chi tiết quá như thế? Tại sao phải dành cả một chương để phân phối tỉ mỉ những Thánh Vịnh mà ta có thể xếp vào chỗ khác? Có lẽ ta nên tự vấn một chút về những lý do đã khiến thánh Biển Đức làm như vậy.
Trước hết ta có thể coi đó như một dữ kiện lịch sử. Vào thời thánh Biển Đức, tu luật là tư liệu thành văn duy nhất, điểm qui chiếu duy nhất để tổ chức đời sống cộng đoàn và phụng vụ. Đó là sự thật, nhưng tôi nghĩ rằng việc sắp xếp của thánh Biển Đức cũng cho thấy một điều khác nữa.
Việc đọc Thánh Vịnh, suy đi gẫm lại, là điều nòng cốt của phụng vụ đan tu và mang lại hiệu quả quan trọng. Trước hết, các Thánh Vịnh cho thấy sự nối tiếp giữa Cựu Ước và Tân Ước. Thánh Vịnh nhắc nhớ ta về mối liên hệ của ta với lịch sử Israel, đưa ta trở lại nguồn cội của Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân ngài.
Nhưng Thánh Vịnh còn một chiều kích khác nữa. Đó là lồng lịch sử của ta vào lịch sử của Israel. Khi áp dụng lời Thánh Vịnh vào cuộc sống của ta, vào những niềm vui nỗi buồn, những thử thách cám dỗ và những chai đá cứng lòng của ta, Thánh Vịnh đưa ta đi vào cuộc mạo hiểm lớn lao của dân tộc những người tin. Thánh Vịnh dứt ta ra khỏi tính ích kỷ, khỏi co cụm lại với mình. Nếu cuộc mạo hiểm của riêng ta là duy nhất và độc đáo thì vẫn không khiến ta bị cô lập, nhưng đưa ta gia nhập một dân, làm cho tất cả chúng ta nên một thân thể, thân thể Chúa Kitô.
C – Ngày 24.10
Có một từ mà chỉ mình nó đã diễn tả được một trong những đặc tính cốt yếu nhất của cầu nguyện. Đó là từ “cotidie”, nghĩa là “hằng ngày”. Quả thực, việc cầu nguyện đan tu của ta mang đặc tính lặp đi lặp lại, gần như máy móc, điều mà con người ở thời ta rất sợ. Ngày nay người ta rất nhạy cảm với sự hứng khởi tự nhiên, với khía cạnh gây súc cảm trong cầu nguyện. Trái lại, các vị xưa kia lại thích tổ chức việc cầu nguyện theo một nhịp điệu rõ ràng.
Sở dĩ như vậy là vì đối với đại đa số trong ta cầu nguyện giống như một nghề. Về lãnh vực này, hiếm có những nghệ sĩ, nhưng phần đông là những người thợ, những người làm công, họ cầu nguyện như thực hiện một công việc phải làm. Những anh em này cầu nguyện không ngơi nghỉ, từng ít một, nhưng rất mực trung thành và không hề mệt mỏi.
Thật là nguy hiểm khi tự cho mình là một nghệ sĩ chuyên nghiệp và coi thường những anh em bé nhỏ ấy, họ sẵn sàng dâng hiến sức lực và thời giờ cho kinh nguyện mà không hề so đo. Họ không thể chú giải sách Nhã Ca hay trưng dẫn thánh Gioan Thánh Giá, nhưng họ thuộc vào số những con người nhỏ bé được Chúa Giêsu yêu thương.
Con đường ấy, con đường của những kẻ bé mọn và khiêm tốn chính là con đường thánh Biển Đức đề nghị với đan sĩ. Còn con đường khác thì chỉ Thiên Chúa mới có thể đôi khi mở ra cho một số người, mà chẳng biết tại sao. Và những ai được ơn cao cả như thế sẽ hiểu ngay rằng họ chẳng hề xứng đáng, và họ cũng hiểu cái đẹp của con đường khiêm tốn ngày qua ngày, sát cánh bên anh em cử hành giờ thần vụ này tới giờ thần vụ khác, giờ suy niệm này tới giờ suy niệm khác, con đường của “cotidie”, của kinh nguyện mỗi ngày.
Ngày 24.2 – 25.6 – 25.10
20 Đó là thứ tự đọc Thánh Vịnh ban ngày. Các Thánh Vịnh còn lại sẽ chia đều cho các giờ Kinh Đêm trong tuần; 21 Thánh Vịnh nào dài thì chia ra, sao cho mỗi đêm đọc đủ mười hai Thánh Vịnh. 22 Tuy nhiên, cha lưu ý rằng nếu ai không thích cách phân phối Thánh Vịnh như thế, hãy xếp đặt cách nào họ cho là tốt hơn, 23 miễn sao phải đọc đủ 150 Thánh Vịnh mỗi tuần, và cứ giờ Kinh Đêm Chúa nhật lại khởi sự từ đầu. 24 Thực ra, nếu các đan sĩ trong suốt một tuần mà không đọc hết tập Thánh Vịnh, thì chứng tỏ họ chểnh mảng trong việc thờ phượng là chừng nào, 25 bởi vì khi đọc truyện các vị tiền bối, ta thấy các ngài đã hăng hái chu toàn nhiệm vụ đó trong một ngày, phần ta ươn lười biếng nhác, ít ra phải cố đọc hết trong một tuần.
Chú giải:
A – Ngày 24.2
Thật là cách biệt! Điều này thánh Biển Đức nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tu luật. Ta thật kém xa các bậc tiền bối, các ngài đọc hết cuốn Thánh Vịnh trong một ngày. Ở chương 73, ta lại nghe nhắc: “Trong khi đó ta, những kẻ ươn lười, biếng nhác, phải lấy làm xấu hổ”.
Dọc theo truyền thống đan tu, kể từ các linh phụ sa mạc, thế hệ này qua thế hệ khác, lời than phiền đó vẫn cứ lặp lại. Điều ấy có thể khiến ta khó chịu, nhưng hẳn phải có một ý nghĩa, nếu đời nọ qua đời kia, các đan sĩ tự nhận ra mình là con cháu bất xứng của các vị tiền bối. Và hẳn là chẳng nên tin những người cho rằng mình làm tốt hơn các bậc cha anh.
Nhận biết mình mắc nợ người khác, những người đi trước mình, cũng như ý thức những giới hạn, những thiếu sót, những yếu đuối của mình, đó là dấu hiệu cho thấy sự cao cả đích thực, sự cao cả được nên phong phú bằng kho tàng mà người khác chuyển giao.
B – Ngày 25.6
Để khích lệ ta, thánh Biển Đức nhắc đến gương các đan sĩ xưa kia đã đọc hết cuốn Thánh Vịnh trong một ngày. Có lẽ phải sống lâu dài trong đời đan tu, phải sau nhiều năm đọc thần tụng, ta mới hy vọng một ngày nào đó cảm nghiệm được lý do đã khiến các vị tiền bối của ta ham thích đọc Thánh Vịnh như thế. Quả thực, phải đi từ trí óc đến trái tim, đó là một kinh nghiệm rất ngọt ngào như Cassianô diễn tả trong bài Thuyết giáo X.
Trong bài Thuyết giáo này, ở số 11, Cassianô mô tả cách cầu nguyện trong truyền thống tĩnh tịch mà sau này sẽ trở thành lời nguyện Chúa Giêsu. Việc suy niệm câu Thánh Vịnh “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ” đưa ta vào tình trạng nghèo khó, như lời tiên tri: “Kẻ nghèo và người cùng khổ sẽ ca ngợi Đức Chúa”. Khi ấy sẽ xẩy ra sự đảo lộn diệu kỳ, đó là Thánh Kinh không đến từ bên ngoài như một chứng từ nữa, nhưng từ bên trong, từ nội tâm, như một kỷ niệm.
C – Ngày 25.10
Với thời gian, đan sĩ sẽ bị thói “chểnh mảng” rình rập. Theo từ nguyên latinh, “iners” (in: ý nói thiếu; ers [ars]:nghệ thuật) nghĩa là người không có nghệ thuật; hiểu rộng là không có khả năng, thiếu hoạt động, nhàn rỗi, khô cằn, nhạt nhẽo, ù lì. Ẩn ý sau từ này là không trau dồi nghệ thuật, sống buông trôi.
Thánh Biển Đức sử dụng từ này khi nói về thần vụ. Một ngày nào đó tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về sự nặng nề của thần vụ, của đời sống đan tu. Và ta bị cám dỗ chùn tay, chỉ còn muốn làm cái mà các nhân viên hành chánh gọi là dịch vụ tối thiểu. Thiết tưởng đó là những lúc ai cũng phải trải qua trong kinh nghiệm đích thực về cầu nguyện.
Nếu ta kiên trì từng ngày, đôi khi từng phút, ta sẽ gần như có thể đụng chạm tới được ơn sủng Thiên Chúa đang hoạt động trong đời ta. Chúa ban cho ta đủ sức mạnh cần thiết, đủ can đảm tối thiểu để thức dậy đi đọc Kinh Đêm, cầm lấy cuốn sách kinh và mở ra được ít là một mắt! Ta nghiệm thấy rằng không phải ta cầu nguyện nhưng kinh nguyện giữ cho ta trung thành với các giờ kinh.
Người lữ hành Nga nói rất rõ về điều này trong những trình thuật mà ta đã biết. Chính lời cầu nguyện đã thúc đẩy ông, xâm chiến ông và giúp ông rong ruổi trên những lộ trình ngàn dặm mà theo sức mình ông không thể thực hiện được. Nếu chiều theo tính chểnh mảng sẽ không thể nào có được kinh nghiệm ấy. Vì khi đó Chúa sẽ để mặc cho ta yếu đuối, chểnh mảng và cằn cỗi đi.