Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 27
VIỆN PHỤ PHẢI SĂN SÓC ANH EM BỊ TUYỆT THÔNG ThẾ NÀO?

 

 Ngày 4.3 – 4.7 – 3.11  

1 Viện phụ phải hết lòng lo lắng săn sóc những anh em lầm lỗi. Thầy thuốc không cần cho người lành mạnh nhưng cho người ốm đau. 2 Vì thế, ngài phải dùng mọi phương cách như một lương y lành nghề, ngài nhờ những người thân cận, nghĩa là những vị lão thành khôn ngoan, 3 kín đáo an ủi người anh em đang chao đảo và khích lệ họ khiêm tốn đền tội, nâng đỡ họ cho khỏi quá buồn phiền, 4 như thánh Tông Đồ đã nói: “Với anh em ấy hãy bác ái gấp bội”, và mọi người phải cầu nguyện cho họ. 5 Viện phụ hãy tận lực săn sóc và đem hết tài trí khôn khéo lo lắng cho họ, để không một con chiên nào được ủy thác cho ngài bị hư mất. 6 Ngài phải biết ngài đã nhận trọng trách hướng dẫn các linh hồn yếu đuối, chứ không phải một bạo quyền trên các linh hồn lành mạnh. 7 Ngài hãy biết sợ lời Thiên Chúa răn đe qua miệng ngôn sứ: “Chiên nào xem ra béo tốt ngươi giữ lấy cho mình, còn con nào ốm yếu ngươi loại ra”. 8 Ngài hãy học gương hiền dịu của Ðấng Chăn Chiên nhân lành, bỏ chín mươi chín con trên núi để đi tìm một con chiên lạc, 9 và thương xót nó yếu đuối, thậm chí không ngại vác nó trên vai thánh mình mà đưa về đàn chiên.

 

Chú giải:

A – Ngày 4.3

Một trong những khó khăn lớn nhất viện phụ gặp phải đó là thái độ của ngài, đối với những anh em bị phạt hay những anh em gặp khó khăn, không được hiểu cho đúng. Trước hết bởi cộng đoàn, rồi bởi người anh em gặp khó khăn và sau đó bởi chính viện phụ.

Trước tiên bởi cộng đoàn. Quả thực, ngay khi viện phụ phải quan tâm nhiều hơn tới một anh em nào thì luôn luôn có nguy cơ xẩy ra ghen tương, nghi ngờ viện phụ phân biệt đối xử. Vấn đề là viện phụ không thể nói rõ hết mọi chuyện, ngài phải tôn trọng chuyện riêng tư của người anh em. Phản ứng của những anh em khác là dấu hiệu cho thấy họ có trưởng thành hay không, có khả năng dẹp bỏ ý muốn được quan tâm hơn mọi người không.

Tiếp theo là bởi người anh em. Anh ta có thể nghĩ viện phụ quan tâm đến mình là vì mình có lý. Nhưng mà nâng đỡ người anh em gặp khó khăn không phải là xác nhận rằng anh ta đã làm đúng. Hoặc những anh em có vấn đề lợi dụng sự quan tâm của bề trên để khẳng định mình trước mặt người khác, để lôi kéo chú ý và tình cảm của họ. Đây là điều rất tinh tế nhưng cũng thường xẩy ra.

Khó khăn thứ ba đến từ chính viện phụ. Ngài có thể tưởng mình như vị cứu tinh. Thật là thích thú khi cảm thấy người khác cần đến mình. Ở một chương khác thánh Biển Đức nói tới điều này khi đề cập đến những anh em viện cớ bênh vực người nghèo mà cố gắng tự biện minh cho mình.

Tính ghen tương, ước muốn lôi kéo chú ý, ảo tưởng về mình như vị cứu tinh. Đấy là ba cái bẫy mà tất cả chúng ta đều có nguy cơ sa vào một lúc nào đó trong cuộc đời đan tu của mình. Thiết tưởng lòng thương cảm đích thực chỉ có được khi ta không còn ba tâm trạng trên đây nữa, đó chỉ là biểu hiệu của tính qui ngã tự nhiên nơi ta thôi. Sẽ có thương cảm khi con người dứt bỏ chính mình, như thánh Phanxicô Salêsiô đã nói.

B – Ngày 4.7

Có một luận lý của Phúc Âm không thể hiểu được đối với luận lý của con người: bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc; vác thập giá mình mà theo Chúa Giêsu; bỏ mất mạng sống mình để được sống. Tất cả những điều đó trí khôn con người không thể hiểu được. Cần phải có kinh nghiệm, một lần trong đời, để nhận ra rằng đúng thật là thế.

Thực vậy, một ngày nào đó, Thiên Chúa sẽ cho ta nhận ra được rằng luận lý của sự công hiệu, của cái hữu lý bị sụp đổ. Khi ấy, với rất nhiều nỗ lực, ta khám phá ra rằng chính khi bỏ mất mình mà ta gặp lại mình. Lúc ấy ta sẽ nhìn ra được mặt khác của các biến cố, mặt khác của các hữu thể.

Nhưng trong chương 27 này thánh Biển Đức còn đi xa hơn. Vì nếu điều đó đúng với mỗi cá nhân thì ngài quả quyết là cũng đúng cho cộng đoàn nữa. Một cộng đoàn muốn làm chủ tương lai của mình, muốn đóng vai người cha gia đình để bảo đảm cho những ngày tàn của mình, sẽ không có tương lai.

Và viện phụ có trách nhiệm giữ cho cộng đoàn có tinh thần rộng mở. Ngài phải dám ra đi để tìm con chiên lạc, ngay cả khi điều đó không được ai hiểu cho. Ngài phải dám không để mình bị giam hãm trong cái luận lý hữu lý nhỏ nhặt của điều đã có sẵn. Muốn cởi mở được như vậy cần phải có đức tin sâu xa. Nhưng ai có thể nghĩ rằng mình sẽ làm được điều đó?

C – Ngày 3.11

Với thánh Biển Đức, sai lỗi là triệu chứng của căn bệnh tâm hồn. Nhưng trong khi ta quen nhận ra những căn bệnh thể lý hoặc ngay cả tâm lý, thì trái lại ta khó mà chẩn đoán được những thứ bệnh thiêng liêng mình mắc phải. Đôi khi ta nhận ra được nơi anh em, còn nơi mình thì rất hiếm. Chẩn đoán là giai đoạn đầu tiên, nhưng một giai đoạn chẳng dễ dàng.

Rồi đến giai đoạn thứ hai, đó là chữa trị. Thánh Biển Đức kể ra hai cách chữa trị. Cách thứ nhất là chữa trị gián tiếp: Viện phụ sai những người khôn ngoan từng trải đến dùng lời khuyên và tình thân hữu để khích lệ người anh em hối cải. Cách chữa trị thứ hai: viện phụ phải đích thân hành động, giống như vị Mục Tử nhân hậu, không quản ngại vất vả đi tìm con chiên lạc đàn.

Hai cách chữa trị này có nhiều điểm giống nhau: -không đợi bệnh nhân ý thức về căn bệnh đang làm họ hao mòn, nhưng đi đến với họ; -đến với họ theo đường của họ, chứ không đòi họ phải theo đường của mình, và nếu cần thì vác lấy cái họ không vác được.

Viện phụ nào dám nghĩ rằng mình làm được như thế? Vừa chẩn đoán đúng vừa chữa trị giỏi, nhưng cũng dám đi vào những con đường chưa bao giờ đi để tìm người anh em? Cộng đoàn nào sẽ chấp nhận để viện phụ bỏ nhà ra đi tìm con chiên lạc?

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...