Chương 31
NGƯỜI QUẢN LÝ ĐAN VIỆN PHẢI THẾ NÀO?
Ngày 8.3 – 8.7 – 7.11
1 Hãy chọn quản lý cho đan viện người nào trong cộng đoàn tỏ ra khôn ngoan, có tư cách chín chắn, tiết độ, không mê ăn, không kiêu căng, không hiếu động, không hay la mắng, không chậm chạp, không hoang phí; 2 trái lại, có lòng kính sợ Chúa và biết xử sự như người cha của cộng đoàn. 3 Quản lý phải biết chăm lo hết mọi việc, 4 không làm gì ngoài lệnh viện phụ. 5 Hãy tuân giữ những gì đã được chỉ thị, 6 đừng làm anh em buồn. 7 Khi có ai đến xin điều gì không hợp lý, không nên tỏ vẻ khinh bỉ làm phiền lòng anh em, nhưng hãy khéo léo khước từ cách khiêm tốn lời xin vô lý. 8 Quản lý phải biết lo cho linh hồn mình, hãy nhớ lời thánh Tông Đồ: “Ai phục vụ tốt sẽ được trọng thưởng”. 9 Hãy hết dạ săn sóc bệnh nhân, trẻ em, khách và người nghèo. Ngài nên biết rằng tới ngày phán xét, ngài sẽ phải tường trình về những người ấy. 10 Ngài hãy coi tất cả những dụng cụ và của cải đan viện như bình thánh trên bàn thờ, 11 chớ coi thường vật nào. 12 Đừng hà tiện, đừng hoang phí, đừng phá tán tài sản đan viện, mọi sự phải có mực thước và theo lệnh viện phụ.
Chú giải:
A – Ngày 8.3
Thánh Biển Đức đặt quản lý ở giữa ba mối tương quan. Tương quan với Thiên Chúa, với anh em, với viện phụ.
Về tương quan với viện phụ, thánh Biển Đức chỉ nói đến trong hai câu 4 và 12: “không làm gì ngoài lệnh viện phụ”. Với Chúa cũng hai lần, ở câu 2: “phải có lòng kính sợ Chúa”, và ở câu 9: “tới ngày phán xét, quản lý sẽ phải tường trình về những người ấy”.
Phần lớn chương này nói về tương quan giữa quản lý với anh em. Thánh Biển Đức cho thấy sự cặn kẽ trong thái độ của ngài đối với con người và của cải được dùng để phục vụ con người. Trung tâm điểm của sứ vụ quản lý là lưu ý tới con người, đặc biệt người nghèo và bệnh nhân.
Ở câu 12, thánh Biển Đức nêu lên khó khăn cốt yếu trong nhiệm vụ quản lý: đó là quá nhiều hoặc quá ít. Nếu quản lý quá chú trọng đến sự vật mà gây thiệt hại cho con người, đó là do tính hà tiện với những hậu quả kèm theo, như phàn nàn kêu ca, chua cay bẳn gắt. Nếu lại phân phát của cải quá rộng rãi để mong được mộ mến thì một ngày nào đó sẽ gây họa cho cộng đoàn. Vậy vấn đề quan trọng là phải có chừng mực.
Nhưng phải làm sao để có chừng mực? Ta có thể hành động vì ý ngay và rất có lương tâm, nhưng lại thiếu chừng mực. Điều ấy là do sự bất toàn của con người chúng ta. Chính vì vậy thánh Biển Đức nêu lên hai tiêu chuẩn để giúp quản lý biết mình có xử sự đúng mức hay không, tức là lệnh của viện phụ (c.4;12) và lòng yêu thương những người bé mọn, quan tâm lo lắng cho người nghèo, cho những người yếu đuối nhất trong cộng đoàn (c.7;9). Đó chính là chiếc la bàn chỉ đường cho quản lý đi theo.
B – Ngày 8.7
Bình an của cộng đoàn tùy thuộc phần lớn vào việc tổ chức đời sống vật chất trong đan viện và vào những ai có nhiệm vụ về việc đó. Tất nhiên sẽ có những anh em không hài lòng vì thấy người ta làm quá nhiều hay quá ít, nhưng như thế không có nghĩa là phải coi thường những chuyện vật chất.
Trong đời sống đan tu không có tách biệt giữa lãnh vực vật chất và lãnh vực thiêng liêng. Làm đan sĩ tức là hướng tới sự thống nhất bản thân, là tạo lập mối liên kết giữa mọi phương diện trong cuộc sống. Đó là điều thánh Biển Đức nói tới ở câu 10, khi ngài nhắc nhở quản lý phải coi các dụng cụ và của cải đan viện như bình thánh trên bàn thờ.
Sự so sánh này cho ta hiểu được thái độ của thánh Biển Đức đối với các vật được tạo thành. Tất cả mọi đồ vật, mọi của cải ta sử dụng đều có thể giúp ta nhận ra được sự hiện diện của Chúa Kitô. Khắp nơi, ngay cả nơi những vật tầm thường nhất, như cái cuốc cái chổi, Thiên Chúa vẫn có thể dành cho ta cơ hội gặp gỡ ngài.
Tôn trọng đồ vật như thế không phải là bảo thủ quá mức, nhưng là để tìm lại mối tương quan chính đáng với thế giới như bàn thờ, như đĩa thánh trên đó có đặt Mình Thánh Chúa Kitô. Điều làm cho việc tôn trọng này có giá trị đó là những đồ vật ấy dẫn ta đến một Đấng Khác. Không có chúng, có lẽ ta không thể phụng sự ngài. Vấn đề không phải là dính bén với đồ vật, nhưng là để chúng dẫn ta tới Đấng đã ban chúng cho ta.
C – Ngày 7.11
Mở đầu chương 31 này, thánh Biển Đức liệt kê một loạt những đức tính và cách ứng xử người quản lý đan viện phải có. Tuy nhiên, nếu phải có những đức tính cần thiết để làm quản lý, thiết tưởng cũng phải có một số khuyết điểm nào đó.
Điều ấy không chỉ đúng cho quản lý mà còn cho tất cả các nhiệm vụ trong đan viện. Thiết tưởng phải phân biệt những khả năng (tích cực và tiêu cực) cần thiết cho một nhiệm vụ có tính cách đan tu của một anh em. Ta thường nhận thấy những anh em thánh thiện nhất lại không thể đảm nhiệm một chức vụ nào đó, chỉ vì họ quá thánh thiện.
Nếu mọi đan sĩ đều giữ thinh lặng cách hoàn hảo, chìm sâu trong việc chiêm ngưỡng Chúa, tách biệt khỏi của cải đời này và rất mực khiêm tốn tới độ luôn luôn tìm chỗ cuối, thì ta sẽ kiếm đâu ra những anh em giữ nhà khách nói nhiều ở mức vừa đủ, những anh em làm bếp hơi tham ăn một chút, những anh quản lý dồi dào óc thực tiễn, những viện phụ phải giảng dậy và điều hành đan viện? Nếu tất cả chúng ta đều là những đan sĩ hoàn hảo, thì thật là phiền!
Vì thế, ta phải thay đổi cách nhìn để khám phá ra bộ mặt mới của sự thánh thiện. Đó là sự thánh thiện của những con người biết dấn thân vào cuộc sống thực tế, dù có thể có những thiếu sót hay lỗi lầm. Một sự thánh thiện ở đời, với hai chân đứng trên mặt đất.
Ngày 9.3 – 9.7 – 8.11
13 Trước hết ngài phải có lòng khiêm tốn, gặp ai xin điều gì không sẵn, hãy biết trả lời nhã nhặn, 14 như đã viết: “Một lời tốt lành hơn quà tặng quý giá”. 15 Điều viện phụ ủy thác, ngài hãy chăm lo, điều viện phụ cấm, ngài chớ làm. 16 Hãy phân phát khẩu phần thường lệ cho anh em, đừng hách dịch, cũng đừng chậm trễ kẻo làm anh em vấp phạm, hãy nhớ lời Chúa cảnh cáo kẻ làm dịp tội cho một trẻ nhỏ. 17 Nếu cộng đoàn đông, hãy cho người phụ giúp, như thế ngài sẽ bình an chu toàn phận sự được ủy thác. 18 Phát cũng như xin phải có giờ nhất định, 19 để không ai phải phiền hà hay buồn chán trong nhà Chúa.
Chú giải:
A – Ngày 9.3
Ở câu 13, thánh Biển Đức bảo: “Trước hết ngài phải có lòng khiêm tốn”. Với thánh Biển Đức, khiêm tốn là đức tính cốt yếu của quản lý, cũng như của tất cả những anh em giữ một trách nhiệm nào đó trong cộng đoàn. Nhưng khiêm tốn hệ tại điều gì? Trong những câu tiếp theo thánh Biển Đức giải đáp thắc mắc này, và ta có thể thu tóm lại thành ba đặc điểm.
Đặc điểm thứ nhất của khiêm tốn là sự thân ái (c.13-14), không tự phụ (c.16). Ngay cả khi không có gì để cho, khi anh em xin điều không hợp lý, quản lý vẫn phải tỏ ra thân ái với anh em. Đặc điểm thứ hai (c.15) là biết giới hạn của mình: đáp ứng tốt điều anh em xin, nhưng không quá giới hạn mình được phép làm. Đặc điểm thứ ba là tôn trọng quyền lợi của anh em. Với thánh Biển Đức, mọi nhiệm vụ, mọi quyền bính đều là để phục vụ người nghèo, người bé mọn, người phải đi xin.
Đó là khuôn mặt mang tính Phúc Âm của mọi chức vụ trong cộng đoàn. Dù có nhiệm vụ gì, ta vẫn có thể tự hỏi mình có tuân giữ ba nguyên tắc cơ bản của mọi công việc phục vụ trong cộng đoàn là lòng nhân ái, sự tôn trọng người khác và theo đúng thẩm quyền được ủy thác không.
Vấn đề là ta dễ nhìn thấy khuyết điểm của anh em, còn khuyết điểm của mình thì lại làm lơ. Có một cách rất đơn giản giúp ta biết được sự thật, đó là coi xem anh em có vui vẻ đến với ta không hay tỏ dấu cực chẳng đã mà phải đến vì không làm cách khác được.
B – Ngày 9.7
Trong đan viện có cả một nghệ thuật quản lý các đồ vật. Ở phần hai của chương 31 này thánh Biển Đức nêu lên những điểm cốt yếu của nghệ thuật đó. Đây là nghệ thuật dành cho tất cả những ai có bổn phận quản lý tài sản đan viện cách này hay cách khác.
Thiết tưởng có ba từ diễn tả ba đức tính đặc trưng mà thánh Biển Đức muốn thấy nơi người quản lý và những ai có trách nhiệm về tài sản đan viện, đó là khiêm tốn, nhã nhặn, vâng phục. Khiêm tốn để nhận ra vị trí của mình, để thi hành bổn phận như một việc phục vụ chứ không phải như thi hành một quyền bính. Nhã nhặn để tạo bầu khí huynh đệ, giúp ta biết từ chối điều ta không thể cho mà không làm người khác bị tổn thương. Sau cùng, vâng phục để ý thức rằng mọi công tác nhằm phục vụ lợi ích chung đều lệ thuộc vào quyền bề trên.
Ta có thể ngạc nhiên khi không thấy thánh Biển Đức nhắc tới sự khôn ngoan khéo léo. Tuy rằng đó cũng là đức tính mà người quản lý hay những vị hữu trách về vật chất trong đan viện cần có. Khi đói thì một đĩa khoai chiên vẫn cần hơn một nụ cười!
Tôi nghĩ rằng sự khôn ngoan khéo léo đã hàm ẩn trong cả ba đức tính nói trên. Thực vậy, phải khiêm tốn, nghĩa là phải ý thức về mức độ lệ thuộc của con người vào thực tại trần thế để biết lo toan những nhu cầu vật chất hằng ngày cho anh em. Phải nhã nhặn để biết cho và nhận đúng giờ đúng lúc, theo mức độ thích hợp. Sau cùng phải vâng phục để biết phục vụ hết khả năng, không quá bận tâm đến tiện nghi và nhu cầu riêng của mình.
C – Ngày 8.11
Thánh Biển Đức đưa ra cho quản lý hai qui luật căn bản. Hai qui luật hướng dẫn cách ứng xử của quản lý, nhưng lại chẳng liên quan gì tới điều ta gọi là việc quản lý tốt. Hai qui luật này nói tới những mối tương quan. Qui luật thứ nhất nói về tương quan với anh em, qui luật thứ hai nói về tương quan với viện phụ.
Trong chương 31 này, thánh Biển Đức đề cập nhiều tới thái độ của quản lý đối với anh em. Quản lý không được kiêu căng, không la mắng, phải xử sự như người cha, không làm anh em buồn, không tỏ vẻ khinh bỉ, biết từ chối cách khiêm tốn, hết dạ săn sóc anh em bệnh tật, trả lời nhã nhặn, không hách dịch, không chậm trễ, không làm anh em vấp phạm.
Thánh Biển Đức cũng nhấn mạnh tới tương quan với viện phụ. Quản lý không làm gì ngoài lệnh viện phụ, phải có chừng mực và theo như viện phụ truyền, điều viện phụ ủy thác ngài hãy chăm lo, điều viện phụ cấm ngài chớ làm.
Như thế, thánh Biển Đức ấn định khuôn mẫu cho mọi trách nhiệm trong đan viện. Ai đã nhận nhiệm vụ nào thì hãy thi hành: -để phục vụ anh em, tất cả mọi anh em; -trong quyền hạn mà viện phụ đã qui định; -theo khả năng Chúa ban. Khả năng chuyên môn chỉ đứng ở hàng thứ ba. Thực vậy, việc quản lý giỏi đâu ích lợi gì nếu lại gây bất an và oán hận trong cộng đoàn. Điều này nhắc nhở ta điểm cốt lõi trong học thuyết xã hội của Giáo Hội: của cải vật chất để phục vụ con người, chứ không ngược lại.