Chương 36
ANH EM ĐAU YẾU
Ngày 15.3 – 15.7 – 14.11
1 Trước hết và trên hết mọi sự phải để ý săn sóc bệnh nhân như phục vụ chính Chúa Kitô, 2 vì ngài đã phán: “Ta đau ốm và các con đã viếng thăm”, 3 và: “Điều gì các con làm cho một trong những kẻ bé mọn này là làm cho chính Ta”. 4 Còn những anh em đau ốm phải nhận thức rằng người ta phục vụ mình là vì tôn kính Chúa, nên đừng quá yêu sách mà làm phiền lòng những kẻ giúp mình. 5 Tuy nhiên, ta phải kiên nhẫn chịu dựng những anh em ấy, vì nhờ họ mà ta được nhiều công phúc hơn. 6 Viện phụ phải rất mực quan tâm để ý kẻo anh em đau ốm bị bỏ rơi cách nào chăng. 7 Nên cho anh em đau ốm ở riêng một nơi. Hãy cử một anh em có lòng kính sợ Chúa và siêng năng cần mẫn để săn sóc họ. 8 Phải cho bệnh nhân tắm rửa mỗi khi cần. Còn người mạnh khoẻ và nhất là anh em trẻ thì ít khi cho phép ấy. 9 Anh em đau ốm và kiệt sức cũng nên cho dùng thịt để bổ sức lại. Khi đã phục hồi sức khoẻ, những anh em ấy lại kiêng thịt như bình thường. 10 Viện phụ phải hết sức quan tâm kẻo quản lý hay những anh em phụ trách chểnh mảng việc săn sóc bệnh nhân, vì chính ngài sẽ chịu trách nhiệm về bất cứ thiếu sót nào của môn đệ.
Chú giải:
A – Ngày 15.3
Thánh Biển Đức dành cả một chương để nói về việc chăm sóc bệnh nhân. Chương này được ngắt quãng nhiều lần bằng một điệp khúc mỗi lần mỗi nhấn mạnh hơn: -trước hết phải chăm sóc anh em đau ốm (c.1); -phải rất mực săn sóc (c.6); -phải hết sức quan tâm (c.10). Chương này được chia làm hai phần. Phần một (c.1-6) nói về tinh thần phục vụ bệnh nhân. Phần hai (c.7-10) nói về cách thức phục vụ.
Để giải thích lý do của việc quan tâm đặc biệt đến những anh em đau ốm, thánh Biển Đức không dựa vào yếu tố nhân bản, như ngài làm ở chương sau liên quan tới người già và trẻ em. Ở đây lý do thuộc lãnh vực thần học: Chính Chúa Kitô hiện diện cách hết sức đặc biệt nơi bệnh nhân yếu đuối. Và điều đó căn cứ theo hai bản văn Thánh Kinh: -Mt 35, 36: “Ta đau ốm và các con đã viếng thăm”; Mt 25, 40: “Điều các con làm cho một trong những người bé mọn nhất đây là các con làm cho chính Ta”.
Với thánh Biển Đức, việc đan sĩ quan tâm đến người nghèo, người yếu đuối là điều rất quan trọng, dù đó là anh em trong cộng đoàn hay người ngoài đến với đan viện. Vì Thiên Chúa không tỏ mình ra trong điều cao cả và sự thành công, nhưng trong cái bé mọn và yếu đuối. Một cách nào đó, ta cần phải thay đổi cái nhìn để sự yếu đuối của anh em cũng như của mình không ngăn cản nhưng trở nên cơ hội cho Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của ngài.
Ta dễ bị cám dỗ chỉ thấy Chúa khi thuận lợi hơn là khi gặp những giới hạn, những khó khăn, nghèo hèn. Bệnh tật, yếu đuối dễ khiến ta nản lòng, còn sức khỏe và sự trẻ trung làm ta phấn khởi. Nhưng ngược lại, Thiên Chúa đã chọn sự yếu đuối để tỏ mình ra. Nếu ta nản lòng, nếu ta buông xuôi, đó là vì ta cậy dựa vào sức riêng mình, và như thế sẽ chẳng lâu bền được. Vì vậy, đối với thánh Biển Đức, đón nhận anh em đau yếu, anh em cần được ta trợ giúp là một trắc nghiệm để biết ta đã thay đổi được cái nhìn của mình hay chưa.
B – Ngày 15.7
“Trước hết và trên hết mọi sự”. Ta có thể thắc mắc tại sao thánh Biển Đức nhấn mạnh tới việc chăm sóc bệnh nhân như thế. Chắc hẳn những điều kiện xã hội và chế độ bệnh nhân thời thượng cổ cho ta hiểu được điều đó. Thánh Biển Đức sống trong một xã hội mà người yếu đuối, trẻ nhỏ, người nghèo không có quyền công dân. Nhưng phải chăng đó thực sự là lý do khiến ngài quan tâm?
Thánh Biển Đức quan tâm trước hết không phải về mặt nhân bản, nhưng điều quan trọng đối với ngài chính là Chúa Kitô hiện diện nơi bệnh nhân. “Ta ốm đau và các con đã thăm viếng”, “Điều các con làm cho một trong những kẻ bé mọn này là làm cho chính Ta”. Như vậy, thánh Biển Đức muốn thức tỉnh ta về mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện cách ẩn khuất, rất gần bên ta, gần tới độ ta có thể đụng tới ngài được.
Kinh nghiệm đụng chạm tới Chúa Kitô nơi bệnh nhân đã là khởi đầu cho ơn gọi của nhiều vị thánh lớn qua mọi thời đại. Kinh nghiệm ấy đã giúp thánh Phanxicô vượt qua nỗi ghê sợ mà ôm lấy người phong cùi, kinh nghiệm ấy đã khiến Mẹ Têrêsa đón nhận những người hấp hối bên đường về nhà để họ được chết cách xứng đáng hơn.
Nhưng không chỉ có thế. Nỗi yếu đuối thể xác hoặc tinh thần nơi người anh em khiến ta đụng chạm tới sự yếu đuối của mình. Thường thì điều đó làm ta sợ. Nhưng hãy cẩn thận, đừng biện bạch hay viện đủ lý do để tránh né cái sợ ấy và từ chối gặp gỡ Chúa Kitô. Chính khi tiếp xúc với sự yếu đuối của người khác mà ta được mời gọi gặp gỡ nỗi bất lực của mình, như nỗi bất lực của các môn đệ bên chân thập giá Chúa Kitô. Có lẽ vì thế, hơn cả vì sợ hãi, các ông đã bỏ trốn tất cả! Ít ra gần như tất cả.
C – Ngày 14.11
Điều thánh Biển Đức sợ cho các anh em bệnh là sự thiếu nhẫn nại và chểnh mảng của những anh em chăm sóc họ. Ở câu 5 ngài nói: “Ta phải kiên nhẫn chịu đựng những anh em ấy”, và ở câu 10 ngài nhắc viện phụ “phải hết sức quan tâm kẻo quản lý hay những anh em phụ trách chểnh mảng việc chăm sóc bệnh nhân, vì chính ngài sẽ chịu trách nhiệm về bất cứ thiếu sót nào của môn đệ”. Nhưng trong đoạn tu luật ngắn này, thánh Biển Đức còn đi xa hơn nữa khi ngài ấn định nguyên tắc hỗ trợ trong đời sống cộng đoàn. Thực vậy, mỗi người đều có liên hệ và phải sẵn sàng, cần mẫn chu toàn bổn phận đối với bệnh nhân. Nhưng không phải vì thế mà viện phụ hết trách nhiệm, bởi lẽ ngài phải lo sao cho anh em thi hành đúng nhiệm vụ đã được trao.
Để được như vậy, thiết tưởng cần phải có hai điều kiện, như thánh Biển Đức nêu ra trong chương 36 này. Điều thứ nhất để áp dụng nguyên tắc hỗ trợ là kiểm tra, cùng với hệ quả là bá cáo về công tác đã thực hiện. Ở đây thánh Biển Đức đi ngược lại với cám dỗ muốn coi công việc được giao như việc riêng của mình, để mưu ích riêng và không coi anh em như người mình phải phục vụ nữa, nhưng như người phải lệ thuộc mình và mình có thể tỏ mặt khó chịu với họ. Dù mang nhiệm vụ nào đi nữa, mỗi người chúng ta đều có thể gặp cám dỗ này.
Điều kiện thứ hai đó là mọi công việc, mọi nhiệm vụ trong cộng đoàn đan tu đều phải nhắm tới một cùng đích là Chúa Kitô. Ta vào đan viện không phải để trồng cấy hay chăn nuôi, để có địa vị cao hay được nổi tiếng, để nắm quyền hành hay được mọi người suy phục, nhưng chỉ vì ta ước ao được “nhìn thấy Chúa”. Với thời gian, ta dễ quên đi điều cốt yếu để chỉ tìm kiếm cái phụ thuộc. Vào ngày sau hết, ta sẽ nghe lời Chúa Giêsu được thánh Biển Đức nhắc lại ở câu 3: “Điều gì các con làm cho một trong những kẻ bé mọn này là các con làm cho chính Ta”.