Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 3
VIỆC HỘI Ý ANH EM

 

Ngày 16.1 – 17.5 – 16.9

 l Trong đan viện mỗi khi có việc quan trọng cần giải quyết, viện phụ sẽ triệu tập toàn thể cộng đoàn và tuyên bố lý do. 2 Sau khi lắng nghe ý kiến anh em, chính ngài sẽ tự cân nhắc, rồi thực hiện điều ngài xét là ích lợi hơn. 3 Sở dĩ cha bảo phải hội ý mọi người, vì Chúa thường tỏ cho kẻ ít tuổi những ý kiến hay hơn. 4 Anh em hãy góp ý với tất cả lòng khiêm tốn tùng phục, chứ đừng cố chấp bênh vực quan điểm của mình. 5 Việc quyết định thuộc quyền viện phụ. Điều ngài xét là hay hơn, thì mọi người phải vâng theo. 6 Nhưng nếu môn đệ có bổn phận vâng lời thì thầy có nghĩa vụ sắp đặt mọi việc cho sáng suốt và công bình.

 Chú giải:

A – Ngày 16.1

         Dưới cái nhìn của thánh Biển Đức, cuộc họp cộng đoàn đan viện không hề giống với một hội nghị dân chủ dựa trên nguyên tắc mỗi người một lá phiếu. Nhưng theo ngài, đây là một tiến trình phân định, trong đó mỗi người đi tìm để nhận ra ý Chúa.

Để nhận ra ý Chúa, cần có một số điều kiện: a) Phải triệu tập toàn thể cộng đoàn (c.1), cả những anh em nhỏ nhất (c.3). b) Mỗi người phải nêu ý kiến, nhưng với lòng khiêm tốn và tùng phục, không bảo thủ ý mình (c.4). Vì đây không phải là lúc để áp đặt ý kiến riêng, nhưng để cộng đoàn cùng nhau suy tư, nhờ thế mà trong suốt cuộc trao đổi các ý kiến sẽ phát sinh, sẽ thay qua đổi lại và làm phong phú cho nhau.

Tiến trình này đòi hỏi nơi anh em cũng như nơi viện phụ một khả năng cốt yếu, tức là khả năng tìm kiếm điều tốt nhất, như câu 3 nói, và để được vậy thì phải cùng nhau đi tìm, phải chấp nhận rằng mình chưa biết được điều gì là tốt nhất.

Vai trò của viện phụ là hỗ trợ tiến trình tìm kiếm, hướng nó tới đích, cho đến khi có được quyết định sau cùng. Tức là mang tới cho công việc thuộc lãnh vực tinh thần của cộng đoàn một bộ mặt, một nội dung xác định. Mỗi người không còn dè giữ nữa nhưng mạnh bạo đi tìm điều tốt nhất mà Thiên Chúa muốn cho ta. Đó thực là công việc của Giáo Hội, chứ không của riêng người nào.

B – Ngày 17.5

Tiến trình đi tới quyết định trong cộng đoàn, như thánh Biển Đức nói đây, không có gì giống với một cuộc thảo luận dân chủ. Quả thực, đó không hề là việc tìm ý kiến của đa số, nhưng tìm phân định sự thật. Tiến trình phân định ấy đòi phải tôn trọng một số qui luật thánh Biển Đức nêu ra trong chương này.

Qui luật thứ nhất liên quan tới tính chất các quyết định phải có: những việc quan trọng. Không bàn luận tất cả, mà chỉ một số điểm được bàn theo cách này. Qui luật thứ hai liên quan tới phương pháp: cộng đoàn được triệu tập, giống như một tập họp phụng vụ. Có lời mời, có câu hỏi được nêu ra. Qui luật thứ ba là cốt yếu: mỗi người đều nêu ý kiến, dù ở thứ bậc nào hay khả năng ra sao. Không phải chỉ những người có thế giá trong cộng đoàn, như ta quen nói, mới được có ý kiến. Vì vấn đề không phải là tạo một quan điểm chung, nhưng, như thánh Biển Đức xác định, nhận ra ý Chúa.

Điều này giải thích tại sao sau cùng thì viện phụ cân nhắc các ý kiến rồi quyết định theo như ngài thấy là lợi ích hơn cả. Quả thực, đó là một tiến trình phân định của cả cộng đoàn để nghe được ý Chúa, chứ không phải một cuộc thảo luận để áp đặt ý kiến riêng.

Để tiến trình này diễn ra tốt đẹp thì điều cần là mọi người đều lắng nghe và mỗi người khiêm tốn phát biểu. Nghĩa là mỗi người đơn sơ nói ra những gì mình nghĩ, nhưng không áp đặt ý mình bằng mọi giá, vì họ chỉ mong muốn lợi ích cho cộng đoàn. Đôi khi có thể có người bởi kiêu căng mà không chịu nói hay cố thủ ý kiến mình. Tìm kiếm lợi ích chung là việc làm theo hướng dẫn của Thánh Thần và đòi ta phải khiêm tốn thực sự, khiêm tốn để học hỏi nơi người khác, dù là người nhỏ nhất trong cộng đoàn.

C – Ngày 16.9

Trong chương này, thánh Biển Đức nói về cách ứng xử của anh em và của viện phụ. Về phía anh em, ngài yêu cầu mỗi người phát biểu ý kiến, dẫu là người già hay người trẻ, nhưng phát biểu cách khiêm tốn, không bảo thủ quan điểm riêng. Với viện phụ, thánh Biển Đức yêu cầu ngài trình bày vấn đề, lắng nghe anh em, rồi quyết định theo trách nhiệm của mình.

Nhưng quyết định này phải theo hai điều kiện như thánh Biển Đức nhấn mạnh với viện phụ. Thánh nhân nói về hai điều kiện đó bằng hai từ “provide” và “juste”, có nghĩa là “sáng suốt” và “công bằng”. “Provide” đến từ “providere” nghĩa là xem trước, cảm nhận trước, đoán trước. Viện phụ phải biết nhìn về tương lai. “Juste” nghĩa là “với công lý, công minh, chừng mực”, nhắm tới tình trạng hiện thời, tới cái đang có lúc này, tới việc thẩm định mọi sự cách công minh.

Để quyết định thì cần một mắt lượng giá hiện tại, một mắt hướng về tương lai. Và để viện phụ khỏi bị lầm lẫn, thánh Biển Đức khuyên ngài lắng nghe Chúa Thánh Thần, đấng thường nói qua người trẻ. Vậy, mọi quyết định phải rất thực tế, có thể thi hành được trong một tương lai nào đó, dưới tác động của Thần Khí Khôn Ngoan.

Nhưng để quyết định ấy mang lại hiệu quả thì nó phải được đón nhận dù không hợp với ý kiến riêng của ta. Do ý ngay lành ta có thể cho rằng quyết định ấy không đúng. Nhưng vấn đề không phải là ý ngay hoặc ý riêng, nhưng là đức tin, đức tin nảy sinh từ việc lắng nghe Thánh Thần, đấng xếp đặt mọi sự vì lợi ích của ta.

Ngày 17.1 – 18.5 – 17.9

 7 Vậy, trong mọi trường hợp, tất cả phải theo tu luật là thầy, chớ ai dám sai lệch. 8 Trong đan viện không ai được theo ước muốn của lòng mình. 9 Cũng đừng ai xấc xược tranh cãi với viện phụ, dẫu ở trong hay ngoài đan viện. 10 Nếu ai cố phạm, hãy chiếu tu luật mà trừng phạt. 11 Tuy nhiên, chính viện phụ phải thi hành mọi sự với lòng kính sợ Chúa, và tôn trọng tu luật. Ngài hãy biết chắc chắn rằng ngài sẽ phải trả lẽ cùng Thiên Chúa, Ðấng Thẩm Phán chí công về mọi quyết định của mình. 12 Còn những việc ít quan trọng, nhưng hữu ích cho đan viện, ngài chỉ cần tham khảo ý kiến các vị lão thành, 13 như có lời chép: “Làm gì con cũng nên bàn hỏi, để xong việc, con sẽ khỏi hối hận”.

Chú giải: 

A – Ngày 17.1

“Trong đan viện không ai được theo ước muốn của lòng mình”. Nếu ta không làm chủ được những ước muốn nảy sinh và trào ra trong ta, thì có thể ta sẽ chiều theo những ước muốn đó. Thánh Biển Đức biết rõ lòng người, và ở đây ngài chỉ lặp lại kiểu nói đã được sử dụng lâu đời trong truyền thống đan tu: “ý riêng”.

Đây không phải chỉ là vấn đề của đan sĩ mà của cả viện phụ nữa. Nếu những câu 7,8,9 bảo đan sĩ không được sống ngoài tu luật (c.7), không được làm theo ý muốn của lòng mình (c.8) và không phản kháng (c.9), thì những câu tiếp theo nhắc nhở viện phụ phải tuân theo tu luật, kính sợ Chúa (c.11) và tham khảo ý kiến anh em (c.12). Đây không phải là vấn đề kỷ cương như thoạt tiên ta có thể nghĩ, nhưng đây là vấn đề thực sự thiêng liêng. Dù ở vị trí nào trong đan viện, đan sĩ không được chiều theo ý muốn của lòng mình.

Công việc phân định mà thánh Biển Đức đòi ta thực hiện thật không hề đơn giản. Ta thường lẫn lộn ước muốn riêng của mình với điều gì tốt cho ta và cho người khác, và chỉ nghe theo lời khuyên khi hợp với khuynh hướng của mình. Vậy bước đầu tiên là chấp nhận rằng mình không thấy. Cần điều trị cái nhìn để có thể thấy được. Việc điều trị này là một đề tài trọng yếu nơi các linh phụ. Nếu Thiên Chúa đã làm người là để ta có thể nhìn thấy ngài, và khi nhìn ngài cái nhìn của ta dần dần được biến đổi, vì sau cùng ta sẽ nên giống như đấng mà ta mến yêu ngắm nhìn. Chính khi nhìn ngắm Chúa Giêsu mà ta sẽ dần dần được giải thoát khỏi ý riêng hằng gây trở ngại cho ta, nhờ thế ta nhận ra được ý ngài.

B – Ngày 18.5  

“Trong đan viện không ai được theo ước muốn của lòng mình” (c.8). Chỉ thị này hoàn toàn trái ngược với việc tự do làm điều mình muốn. Đối với người đương thời và đôi khi đối với ta nữa, cái gì mình thích thì cái đó là tốt. Như vậy, ta chỉ sử dụng tự do theo ý riêng mình.

Không chỉ một mình thánh Biển Đức, mà tất cả truyền thống thiêng liêng, bắt nguồn từ Thánh Kinh, đều phản đối điều đó. Tự do của ta cần phải được giải thoát khỏi ước muốn và ý riêng. Chỉ khi dám từ bỏ những ước muốn, những kế hoặch của mình, lòng ta mới rộng mở để có được tự do đích thực.

Nhưng điều ấy không dễ mà hiểu được, vì nó trái ngược với thói thường. Và trong một thời đại bị mê hoặc bởi khoa phân tâm, điều ấy bị coi như một thứ khoái khổ. Ít người có can đảm tìm kiếm thứ tự do ấy.

Tuy nhiên, những cuộc giải phóng thời danh của nhân loại đã một phần nào là hình ảnh, tuy bất toàn, của cuộc giải phóng nội tâm. Chỉ người nào chấp nhận cực nhọc và tuân theo những qui luật khắt khe của cuộc leo núi mới hưởng được niềm vui khi trèo lên tới đỉnh. Ai muốn thưởng thức đầy đủ khi chơi một tác phẩm của nhạc sĩ thời danh nào đó, lại không phải mất cả trăm giờ để tập luyện trước sao? Muốn đạt được tự do nội tâm ta cũng phải vượt qua biển đỏ, qua những vùng sa mạc cằn cỗi của lòng ta. Và chính Chúa sẽ dẫn dắt ta trong cuộc vượt qua này.

C – Ngày 17.9

Theo thánh Biển Đức, đối với anh em hay đối với viện phụ, tu luật được ban hành như con đường đưa tới sự sống, trái ngược với điều ngài gọi là “voluntas proprii cordis” được dịch là  “ước muốn của lòng mình”. Trong từ la tinh “voluntas” có một ý phụ không thấy rõ trong từ “ước muốn”. Ước muốn là một sức mạnh tác động trên con tim ta, nó có thể hướng về điều tốt hay điều xấu. Trái lại, từ “voluntas” đòi phải có sự ưng thuận của con người để giúp cho ước muốn được bền bỉ.

Ước muốn thuộc cơ cấu của bản tính con người, nó dựa trên kinh nghiệm về một thiếu vắng nào đó. Thực chất nó là vô thưởng vô phạt. Nó tốt hay xấu thì tùy theo đối tượng nó hướng tới. Theo thánh Augustinô và các linh phụ Tây Phương, đề tài về ước muốn được liên kết với đề tài về hình ảnh và sự giống Thiên Chúa nơi con người. Ta được dựng nên cho Thiên Chúa: “Chúa đã dựng chúng con cho Chúa, và lòng chúng con khắc khoải mãi bao lâu chưa được ở yên trong Ngài” (Th. Augustinô).

Vấn đề là ta không nhận ra ngay được khuynh hướng nền tảng đó nơi bản thân mình. Ta cứ lòng vòng quanh bao nhiêu sự, mà quên mất cả mình, cả ơn gọi sâu xa của mình. Chính trong bối cảnh này mà ta phải hiểu ý nghĩa của đoạn tu luật hôm nay. Vai trò của tu luật là hướng sự ưng thuận của ta trở lại với một ước muốn đang có trong ta nhưng bị che khuất, bằng cách hướng ta ra khỏi những ước muốn ta cảm thấy nơi mình nhưng lại khiến ta xa cách mình. Chấp nhận đi theo tu luật là đi trên con đường dẫn tới sự thống nhất nội tâm, để tìm kiếm ước muốn duy nhất khiến cho con người trở nên cao cả.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...