ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG NHẤT
(Mc 12,28b-34)
M. Michael Hội, Phước Lý
Là người tín hữu Công giáo, ai trong chúng ta cũng biết tới Mười Điều Răn và một số giới luật khác như Năm Điều Luật Hội Thánh, hay kinh Cải Tội Bảy Mối … Nhưng không phải ai cũng biết đâu là điều quan trọng nhất. Cũng vậy, người Do Thái với một hệ thống luật khắc khe, gồm gần bốn trăm điều cấm và hơn hai trăm điều phải làm. Nhớ được chúng đã khó chứ chưa nói đến đem chúng ra thực hành. Vì thế, họ luôn băn khoăn và tranh cãi với nhau: trong các giới luật đó, điều nào quan trọng và cần thiết nhất?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, có một kinh sư đã đem nan đề này ra để hỏi Chúa Giêsu. Và Chúa đã trả lời hết sức khôn ngoan, khiến ông hoàn toàn thán phục. Với sự am tường Kinh Thánh, Ngài đã đúc kết hơn sáu trăm điều luật lại thành một giới luật duy nhất: “Mến Chúa yêu người”. Điều luật kép yêu thương này được Ngài rút ra từ bộ Ngũ Kinh (Torah: Luật lệ hay sự chỉ dẫn). Trong đó, vế thứ nhất Ngài trích lại bản tuyên tín mà người Do Thái đọc hằng ngày: “Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” (Mc 12,29b-30; x. Đnl 6,4-5). Vế thứ hai được Ngài trích từ sách Lv 19,2: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31).
Thiên Chúa là Thượng Đế duy nhất, Ngài đã sáng tạo vũ trụ cùng muôn vật muôn loài, ban cho chúng hiện hữu và tồn tại. Do đó, tôn thờ Thiên Chúa là điều tất yếu mà tất cả mọi người và mọi tôn giáo thường làm. Hơn thế nữa, đối với người Do thái và đặc biệt là Kitô giáo, Thiên Chúa không chỉ toàn năng, toàn thiện, mà Ngài còn là người Cha giàu lòng thương xót, luôn yêu thương con cái cách vô điều kiện. Cho nên con người cũng phải đáp trả lòng thương xót của Ngài bằng một “lòng mến không mức độ”: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực” (c. 30) là điều chính đáng và phải đạo.
Nhưng đâu là dấu hiệu nhận biết một người yêu mến Thiên Chúa thật? Để kiểm chứng thì phải xem người đó có yêu thương người thân cận không. Thánh Gioan Tông Đồ đã quả quyết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy được” (1Ga 4,20). Quả vậy, Chúa Giêsu không tình cờ đặt hai giới luật này bên cạnh nhau, nhưng Ngài muốn kết hợp chúng lại thành một điều răn duy nhất, đó là một điều luật kép về tình yêu: yêu mến Thiên Chúa thông qua tình yêu tha nhân, và yêu thương tha nhân là bằng chứng chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Mến Chúa và yêu người là hai mặt của một thực tại, mặt này tồn tại thì phải có mặt kia, chúng không thể tách rời nhau. Hơn nữa Chúa Giêsu còn yêu thương và đồng hóa mình với những người bé nhỏ, yếu thế. Ngài nói: Ai yêu thương và làm phúc cho tha nhân chính là kính mến Chúa (x. Mt 25,31-46). Do đó, có thể nói yêu thương tha nhân chính là kính mến Chúa.
Như vậy, khi truyền dạy giới luật yêu thương, Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết đâu là cốt lõi và tinh thần của lề luật. Chúa đến không để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn (x. Mt 5,17). Việc giữ luật giờ đây không nhằm ở hình thức và số lượng, nhưng là tinh thần, đó là tình yêu, một tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Chỉ nhờ tình yêu này mà các lề luật mới có ý nghĩa và nên trọn vẹn.
Không chỉ dạy cho chúng ta biết đâu là điều luật quan trọng nhất, Chúa Giêsu còn thi hành nó một cách triệt để. Thật vậy, chỉ vì tình yêu mà Ngài đã vâng phục thánh ý Cha, bằng lòng chịu chết tức tửi trên thập giá để cứu chuộc chúng ta.
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy thực hành lề luật và làm mọi việc, trên tinh thần kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Khi thật lòng yêu thương những người nghèo khó, bất hạnh, những người thân cận xung quanh ta là chúng ta kính mến Chúa; và một khi kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là chúng ta hoàn thành nghĩa vụ của con cái Ngài. Như thánh Phaolô Tông đồ nói: “Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5,14). Bởi vì yêu thương là chu toàn lề luật vậy (x. Rm 13,10).