Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐỨC CHA GIUSE TỚI THĂM VIẾNG ĐAN VIỆN

BÀI CHIA SẺ CỦA ĐỨC CHA GIUSE ĐINH ĐỨC ĐẠO

(Thứ 6 Tuần Thánh)

     Trong bầu khí trầm lặng, sâu lắng. Chị em Đan viện TM Vĩnh Phước cùng nhau theo Chúa Giêsu bước đi trong mầu nhiệm thập giá cứu độ, qua những chặng đường tiến về đồi Canvê. Đặc biệt trong ngày thứ sáu Tuần Thánh, chị em được đón nhận ân phúc Chúa ban qua vị chủ chăn của Giáo phận. Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo đã đến thăm, ban huấn từ và chúc lành cho chị em. Ngài nhắc nhở chị em sống mầu nhiệm này không chỉ là cử hành nghi thức tưởng niệm, kỉ niệm một biến cố hơn hai ngàn năm trước của quá khứ nhưng là hiện tại hóa, là sống mầu nhiệm tử nạn, phục sinh của Chúa Kitô ngay hôm nay trong cuộc đời mình và nơi anh chị em. Qua các trang Tin Mừng, chúng ta thấy nơi vườn Gietsemani Chúa Giêsu đã rất đau khổ, run sợ trước những hình khổ mà Ngài sắp chịu đến nỗi máu tuôn chảy cùng mồ hôi. Đồng hành với Chúa có Mẹ Maria, ai hiểu thấu lòng Mẹ khi người ta lên án tử hình người con duy nhất của Mẹ, phải chứng kiến những roi đòn đánh tan nát thân hình và bị treo trên thập giá.

 Đối với mỗi người chúng ta cũng thế, ai cũng có những đau khổ phần hồn cũng như phần xác, khi thì chính mình gây nên, khi thì bị ngoại cảnh chi phối. Nhưng điều chúng ta cần chú ý là không chỉ để cho đau khổ gặm nhấm tâm hồn ta, nhưng là tình yêu ẩn nấp trong đau khổ và ta sẽ học được bài học yêu thương từ nơi thập giá của Ngài. Nhiều lúc trong ta luôn vui khi giúp những người hợp với ta, yêu thương ta… Đó là điều rất bình thường. Nhưng khi trong cộng đoàn có những người luôn khó tính, khó chịu với ta, nếu ta vượt qua được những trở ngại đó, ta mới thật sự là con người chỉ sống cho tình yêu như Đức Kitô mà những ngày tuần thánh chúng ta được sống lại hình ảnh thật sống động về những hành vi và cử chỉ của Ngài khi trao hiến tất cả vì yêu. Một tình yêu đến cùng của Chúa được diễn tả qua 3 yếu tố.

  1. Yêu tất cả, tình yêu không chọn lựa.
  2. Biết kẻ đang toan tính hại mình, phản bội mình. Nhưng vẫn cúi xuống để rửa chân cho họ (Phêrô, Giuda)
  3. Phải trả bằng một giá rất đắt chính là hiến mạng vì yêu.

       Một câu hỏi được đặt ra tại sao Chúa yêu đến cùng? Vì Chúa muốn cứu “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (x. Ed 33,11). Một tình yêu cứu độ!

     Như thế, cha lưu ý các con những điểm trên đây như là một hành trình mà các con phải luyện tập suốt cuộc đời thánh hiến của mình. Như thế biến cố Tam Nhật Thánh này khơi lên niềm hy vọng cho chúng ta vì Chúa đã đi chặng đường đau khổ đó. Chúa khơi lên niềm hy vọng để mỗi lần chúng ta cảm thấy yếu đuối, phản bội nhưng con tim chúng ta một mực trung thành. Têrêsa diễn tả vấn đề khó khăn bằng một hình ảnh: Chúa như một người Cha ở trên đầu thang, Têrêsa ở cuối thang, khi nghe tiếng gọi của Cha: “lên đây con”. Têrêsa cố gắng hết sức để leo lên nhưng hoàn toàn thất bại. Cứ như thế được lặp lại ba lần, nhưng hoàn toàn thất vọng vì tấm thân quá yếu đuối, bé bỏng. Lúc đó, người Cha chạy xuống bồng con lên tới đỉnh cầu thang. Đó là niềm hy vọng cho những ai biết mình yếu đuối, lỡ lầm, nhưng biết tín thác vào tình thương của Chúa. Như thế, kinh nghiệm hy vọng đã trở thành lời mời gọi cho những ai biết cố gắng hết mình.

               Ngài cho ví dụ thứ hai là dụ ngôn cỏ lùng. Ông chủ luôn gieo giống tốt nhưng tại sao lại có cỏ lùng. Khi được thợ gặt xin đi nhổ cỏ lùng, ông chủ lại bảo hãy để như thế cho đến mùa gặt mới tách ra. Sở dĩ ông chủ hành độngnhư thế là muốn tỏ lòng thương xót, kiên nhẫn đối với người tội lỗi. Trong đời sống cộng đoàn, Chúa cũng muốn các con cộng tác với Chúa chấp nhận những yếu đuối, lỗi lầm của người khác. Các con cần đi vào tâm tình của Chúa Cha như dụ ngôn cỏ lùng và lúa tốt.

               Như thế, thân đau khổ không phải là điều tốt nhưng chính tình yêu trong đâu khổ gieo mầm hy vọng. Đau khổ chỉ là cách diễn tả tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu. Ta cần vượt lên trên mọi cảm xúc, cần luyện tập để thay đổi cách sống, cái nhìn, để luyện lòng mình có sự kiên nhẫn như Chúa, kiên nhẫn để giúp người khác nên thánh. Chúa Giêsu mà chúng ta đang tưởng niệm trong biến cố Vượt Qua, Ngài rất đau khổ khi nghĩ đến chén đắng Ngài sắp chịu, nhưng Ngài vẫn một mực theo ý Chúa Cha. Cha thiết nghĩ nòng cốt của người tu sĩ là luôn làm theo ý Chúa. Khi bước chân vào dòng, các con không tìm điều các con thích, nhưng là tìm điều Chúa ưa thích.

            Cuộc gặp gỡ hôm nay Cha có một vài  tâm tình đến với chúng con, và gởi gắm Giáo phận thân yêu cho chúng con trong đời sống cầu nguyện và hy sinh. Xin các con dâng những hy sinh, hãm mình, những đau khổ, hầu canh tân đời sống và cầu nguyện những ơn cần thiết cho Giáo phận. Xin các con hiệp thông.

 

http://.blogspot.com/2017/04/blog-post.html

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 6 Tuần Thánh

Đi đàng thánh giá: Vì yêu, Chúa đã chấp nhận trở nên đồng phận với loài người yếu đuối, mỏng giòn, nghèo khó, để rồi...

Thứ 5 Tuần Thánh

TAM NHẬT THÁNH “ Đây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,...

Đây nén hương xuân, nén hương ân tình …

CHƯƠNG TRÌNH VUI XUÂN NGÀY MÙNG 2 TẾT QUÝ MÃO  2023 TRONG TINH THẦN HIỆP HÀNH “Đây nén hương xuân, nén hương ân tình, nén hương thành...

Cáo phó

“Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh Đan Viện Xitô Thánh...

Nhịp đập thể thao

NHỊP ĐẬP THỂ THAO Ngay từ giây phút khởi đầu, nhịp đập thể thao đón xuân của Cộng Đoàn Vĩnh Phước chúng ta được khai...

Đôi lời chuyện vãn đầu xuân ….

ĐÔI LỜI CHUYỆN VÃN ĐẦU NĂM…       “Mùa xuân sang ta chúc nhau, bao ước muốn bao hy vọng, cùng rủ nhau mau bay về… về...