Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

GIAO LUU CAC TAP VIEN

GẶP GỠ GIAO LƯU KHỐI TẬP VIỆN BIỂN ĐỨC – XITÔ –BERNARDINES

 

Món quà huyền nhiệm Cha ban

Niềm vui gặp gỡ chia san tình người.

Trái tim đan sĩ đẹp tươi,

Lao công, kinh nguyện thành lời tri ân.

Trọn tình con thảo dấn thân,

Sống đời chiêm niệm canh tân cuộc đời.

Yêu thương hiệp nhất nơi nơi

Dung nhan Thiên Chúa rạng ngời muôn năm.

 

           Trong niềm vui hân hoan, vào lúc 8h30 ngày 17/5/2018, Cộng đoàn Nữ Đan Viện Xitô TM Vĩnh Phước đã có buổi họp mặt dành cho khối Tập Viện Biển Đức – Xi tô – Bernardines. Với sự hiện diện của Viện Phụ M. Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, Viện Phụ Hội Trưởng Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Viện Mẫu M. Gioan Thánh Giá Phạm Ghy Tạc, Viện Mẫu Nữ Đan Viện Xitô TM Vĩnh Phước, cùng quý Viện Trưởng, quý chị Giáo, quý chị Phụ tá của các cộng đoàn và 150 chị em trong khối Tập Viện liên đan tu. Sự quy tụ đông đảo của quý chị em đã làm cho không gian đan viện thêm ấm cúng thân thương. Ai ai cũng mang trong mình ngọn lửa khát khao dâng hiến. Một lời tạ ơn trong quá khứ, một sự vui nhận của nghĩa tình thân thương trong giây phút hiện tại và những lời hứa hẹn thật tốt trong tương lai. Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngày họp mặt hôm nay không chỉ những cộng đoàn của Biển Đức – Xitô, còn có chị em của cộng đoàn Bernardines. Đây là lần đầu tiên quý chị tham dự ngày hội truyền thống liên đan tu của khối tập viện này, như vậy có thể thấy rằng tinh thần thánh Biển Đức đã luôn là sự nối kết con cái ngài nên một. Buổi họp mặt hôm nay là dấu chỉ của sự hiệp nhất – yêu thương thật sự, như niềm vui trong Thánh vịnh 132: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, chị em được sống vui vầy bên nhau”. Đây là dịp thuận tiện để chị em cùng nhau gặp gỡ, học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm thiêng liêng qua chủ đề:

« Vai trò của các nữ tu chiêm niệm trong thế giới hôm nay »
 theo tông hiến Tìm nhan thánh Chúa  (Vultum Dei quaerere) của Đức Phanxicô.

          Những câu hỏi thảo luận rất phong phú và thực tế trong cuộc sống hôm nay. Với Tông Hiến Tìm nhan thánh Chúa đã là một động lực giúp chị em sống đời chiêm niệm thêm sự hăng say và xác tín trong ơn gọi của mình. Như lời đúc kết ngày giao lưu, Viện Phụ Hội Trưởng Hội Dòng Xitô Thánh Gia đã nhắn nhủ chị em: đời đan tu phải có sự cống hiến cho Giáo hội, cho thế giới. Phải có tham vọng lớn trong sự tác động lên thế giới và có một tinh thần khiêm tốn mới thực hiện được tham vọng đó. Người đan sĩ phải luôn trở nên 3 ký hiệu trong xã hội.

  • Thứ nhất là dấu « ? » : chúng ta có thể tác động lên thế giới khi chúng ta trở thành một dấu hỏi mọi người, chính dấu hỏi đó phải mang tới một dấu lạ, một cái khác so với cái đang hiện thực trong cuộc sống này là sự thờ ơ, ghanh đua, sống tiêu cực…Chúng ta không phải là người đi ngược lại với dòng đời.
  • Thứ hai là dấu «   » : Mỗi người phải trở nên là dấu chỉ đường, dấu chỉ đi tới. Mũi tên này không phải hướng vào chính ta vì có những lúc ta tự đặt mình là trung tâm và đi tìm chính mình, nhưng phải hướng về Chúa, vì chính nơi Chúa mới là cùng đích.
  • Thứ ba là dấu «  » : Vòng tròn này ta phải chọn cho mình là vòng tròn của sự viên mãn, của hạnh phúc, người đan sĩ là dấu chứng của đời sống hạnh phúc, của niềm vui chứ không phải trở nên một vòng tròn luẩn quẩn, bế tắc, không thể nào giải gỡ cho người khác mà lại ở trong chính mình.

        Tất cả những dấu chứng đó không phải tự bản thân mỗi người muốn là được nhưng là chính sự tác động của Chúa Thánh Thần, chính Chúa Thần hoạt động trong mỗi người và sẽ dạy ta biết việc gì phải làm.

 

XEM HÌNH TẠI ĐÂY 

 

BẢN ĐÚC KẾT PHẦN THẢO LUẬN CỦA CHỊ EM

Câu hỏi thảo luận :

  1. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô : Cộng đoàn chiêm niệm là « trái tim của thế giới» (x. số 4) và đời sống chiêm niệm là « trái tim của Giáo hội đang cầu nguyện» (x. số 5). Sống trong một thế giới như hiện nay, bạn có suy nghĩ và thao thức gì về đời sống bạn đang chọn?
  2. Bạn nghĩ thế nào khi nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận định : « số phận của nhân loại được định đoạt bởi những trái tim biết cầu nguyện và bởi những đôi bàn tay biết hướng lên của những người nữ sống đời chiêm niệm» (số 17) ?
  3. Là một đan sỹ tương lai, theo bạn, những giá trị truyền thống đan tu như : cầu nguyện, thinh lặng, đời sống cộng đoàn, lao động, nội vi (biệt thế), … có tác động gì lên những con người thời đại hôm nay ?

 

     Với đề tài và những câu hỏi thảo luận đã khơi gợi lên trong lòng chị em sự nhiệt thành hăng say của tuổi trẻ khi chọn bậc sống chiêm niệm. Tất cả chị em đều nhận ra và xác tín rằng đời sống chiêm niệm là một món quà, là hồng ân Thiên Chúa ban. Trong câu hỏi thảo luận số 1, chị em nêu lên những điều thực tế của đời sống hôm nay, thế giới đang từng ngày khước từ sự hiện diện của Thiên Chúa, một thế giới đang tục hóa, là những con người đang sống trong xã hội này, thế giới này thì không thể không bị ảnh hưởng bởi nó. Tuy nhiên, trái tim của những đan sĩ nhí luôn được bao bọc bởi Giáo hội, Hội dòng, Tu luật, Hiến pháp và Thói lệ, được yêu thương, được chia sẻ, khích lệ bởi những người chị em bên cạnh mình. Đó chính là những hàng rào vô hình giúp chị em trẻ xác định được ơn gọi chiêm niệm của mìnhvà ước muốn được trở nên một đan sĩ trong lòng Giáo hội. Hình ảnh về Cộng đoàn chiêm niệm là « trái tim của thế giới » (x. số 4) được Đức Thánh Cha nói đến trong Tông Huấn có thể thấy được rằng Giáo Hội rất ưu ái đối với bậc sống chiêm niệm. Khi nói đến trái tim điều tất yếu con người ta nghĩ đến là sự sống, là nơi nuôi dưỡng, điều này có thể liên hệ đến đời sống chiêm niệm là môi trường nuôi dưỡng sự sống, mỗi nhịp đập của trái tim là một hơi thở của sự sống, cũng như đời sống của các đan sĩ khi sống kết hợp với Chúa chính là khi họ ôm cả thế giới và chuyển trao sức sống của họ cho thế giới .

            Những biến đổi, những trăn trở của thế giới, của nhân loại là trách nhiệm của mỗi người đan sĩ. Đứng trước một thế giới như vậy, những người sống đời chiêm niệm phải ý thức hơn những giá trị, ý nghĩa của việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, những giáo huấn của Giáo hội, sống tích cực các lời khấn. Lời mở của tu luật Cha Thánh Biển Đức có nói  « Con ơi hãy ghé tai lòng », đời sống chiêm niệm có thể ghé tai lòng xem nhịp đập của con tim mình có cùng nhịp đập với con tim của Giáo hội hay không ? Con tim có sức chịu đựng nhưng bản thân có sẵn sàng mở ra để đón nhận người khác hay không ? Làm sao biết bản thân có đời sống cầu nguyện ? Đó cũng chính là thao thức của mỗi người trẻ chúng ta. Để có một đời sống cầu nguyện sâu lắng, để trở nên « trái tim của Giáo hội đang cầu nguyện » (x. số 5) mỗi người cần tạo cho bản thân một nội vi, cả bên trong lẫn bên ngoài, đừng dừng lại  với những cái ồn ào bên ngoài, tự trách môi trường không thuận lợi, cộng đoàn không tạo điều kiện nhưng hãy nhấn sâu mình trong sự thinh lặng nội tâm, tìm kiếm Chúa với những nén bạc Chúa trao, góp phần nhỏ bé của bản thân vào công việc phục vụ với cộng đoàn…

      Sức sống của đời sống nội tâm tạo nên một sức mạnh ẩn kín hướng lên Cha trên trời đến với mọi người và muôn loài muôn vật. Một lần nữa, người đan sỹ thấy được vai trò và trách nhiệm của bản thân khi tiếp tục học hỏi về  tông hiến Tìm nhan thánh Chúa  (Vultum Dei quaerere) của Đức Phanxicô, khi ngài nói « số phận của nhân loại được định đoạt bởi những trái tim biết cầu nguyện và bởi những đôi bàn tay biết hướng lên của những người nữ sống đời chiêm niệm » (số 17) .Với hình ảnh bàn tay giơ lên, nhắc chúng ta nhớ đến hình ảnh của Môsê đưa tay lên cầu nguyện cho dân chúng trong cuộc chiến chống quân Amalech, khi ông đưa tay lên thì dân Israel thắng, khi ông hạ tay xuống (vì mỏi) thì quân thù thắng (x.Xh 17). Ta liên tưởng đến đời sống của các đan sỹ phải có một đời sống cầu nguyện liên lỉ, kèm theo những hy sinh âm thầm trong đời sống lao tác của đời đan tu. Thánh Biển Đức nói « cầu nguyện phải đi đôi với hành động ». Như vậy hành động là ngôn ngữ của tình yêu, nếu yêu mà không hành động thì chỉ là yêu trên đầu môi chót lưỡi. Chúng ta không mong muốn chính mình đi thay đổi thế giới, định đoạt số phận của thế giới nhưng là chính thay đổi chính đời sống bản thân, như một trong năm lời khấn của đời đan tu là sự canh tân, mỗi người mỗi hoàn thiện bản thân. Với thực tế của đời sống cộng đoàn, chị em tôi đang cần đôi tay giơ lên của tôi hay đúng như với tông hiến, ta có thể nói rằng số phận của chị em tôi  được định đoạt bởi những trái tim biết cầu nguyện và bởi đôi bàn tay biết hướng lên của tôi. Mỗi người đều cảm thấy sự bất lực của bản thân trước sự yếu đuối của mình, vậy thì chúng ta cũng hãy thổn thức trước những yếu đuối của chị em, của nhân loại đang khổ đau, hãy có một con tim rộng mở, hãy luôn cầu đưa tay cho chị em tôi, hãy đưa tay cho Thiên Chúa dẫn dắt, đưa cao tay để hướng lên Thiên Chúa với những của lễ là nhân loại tôi, thế giới tôi. Hành trình từ trái tim thổn thức đến đôi tay giơ lên như một cuộc sinh hạ mới, một cuộc sinh sản thiêng liêng.Và chính Thiên Chúa sẽ nuôi dưỡng những hoa trái thiêng liêng của chúng ta.

       Đời sống đan sỹ con được kết dệt bởi những truyền thống đan tu như : cầu nguyện, thinh lặng, đời sống cộng đoàn, lao động, nội vi (biệt thế)…Những giá trị đó có còn ảnh hưởng đến cuộc sống hôm nay không? Chúng ta thật khó để so sánh giá trị ngày xưa hay ngày nay hơn hay thua, vì mỗi đời sống nó đều có một giá trị riêng, cũng như các bậc sống vậy, điều quan trọng là chính chúng phải xác định là chúng ta đang đứng ở vị trí nào. Đời sống đan tu chiêm niệm với những giá trị truyền thống xem ra so với hôm nay là cổ hũ nhưng đối với những ai đang sống trong bậc sống này thì đó là những kim chỉ nan, là hoa tiêu hướng dẫn mỗi người đan sĩ đến gần với Thiên Chúa hơn. Và ảnh hưởng của những giá trị này vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống hôm nay. Khi xã hội đạt đến sự phát triển khoa học kỹ thuật cao đã mang lại cho con người một cuộc sống thỏa mái, và cũng đồng nghĩa với giá trị vật chất được đặt cao hơn giá trị tinh thần, chủ nghĩa vô thần đang gạt Thiên Chúa ra bên ngoài…Quả thật, những đan sĩ đang lội ngược dòng một cách đúng nghĩa. Những giá trị truyền thống của đan tu như cầu nguyện, thinh lặng, đời sống cộng đoàn, lao động, nội vi…đã khoát lên cho đan sĩ một khuôn mặt mới, đã đánh thức trong con người thời đại sự tò mò muốn tìm hiểu, và chính qua đó họ sẽ nhìn ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Các đan sĩ giúp cho con người thấy Thiên chúa qua môi trường của mình bằng đời sống lao động với chuẩn mực là sự cân bằng giữa cầu nguyện và lao động.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 6 Tuần Thánh

Đi đàng thánh giá: Vì yêu, Chúa đã chấp nhận trở nên đồng phận với loài người yếu đuối, mỏng giòn, nghèo khó, để rồi...

Thứ 5 Tuần Thánh

TAM NHẬT THÁNH “ Đây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,...

Đây nén hương xuân, nén hương ân tình …

CHƯƠNG TRÌNH VUI XUÂN NGÀY MÙNG 2 TẾT QUÝ MÃO  2023 TRONG TINH THẦN HIỆP HÀNH “Đây nén hương xuân, nén hương ân tình, nén hương thành...

Cáo phó

“Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh Đan Viện Xitô Thánh...

Nhịp đập thể thao

NHỊP ĐẬP THỂ THAO Ngay từ giây phút khởi đầu, nhịp đập thể thao đón xuân của Cộng Đoàn Vĩnh Phước chúng ta được khai...

Đôi lời chuyện vãn đầu xuân ….

ĐÔI LỜI CHUYỆN VÃN ĐẦU NĂM…       “Mùa xuân sang ta chúc nhau, bao ước muốn bao hy vọng, cùng rủ nhau mau bay về… về...