Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

3.Những Bộ Luật và tổ chức cộng đoàn Pacômiô

  Chúng ta còn nhớ cuộc du lịch của chúng ta nơi cộng đoàn Pacômiô: đó là một làng nhỏ bao bọc kỹ càng và chỉ có một ngõ ra vào. Đó là một thế giới nhỏ được tổ chức. Trong một căn nhà khoảng bốn chục anh em sống chung và làm cùng nghề. Ba bốn căn nhà thành một “bộ tộc”, và đan viện gồm 10 bộ tộc như thế. Đứng đầu đan viện là một viện phụ và một hay hai quản lý. Có 9 đan viện cho nam và 3 cho nữ, 12 đan viện thành một dòng dưới sự điều khiển của Bề trên cả là Pacômiô và một Tổng quản lý. Mỗi năm, tất cả các đan sĩ tụ họp để cử hành lễ Phục Sinh, và vào tháng tám như một hình thức đại hội.

  Tổ chức này ở dưới một Viện phụ, nhưng cũng dưới một lề luật. Pacômiô đã viết vài điều luật rút từ Kinh Thánh. Dần dần Dòng phát triển và đương nhiên phải định rõ các luật lệ. Có một loạt các điều luật mà người ta gọi là “Những Bộ Luật của Pacômiô”, nhưng thật ra chúng không được Pacômiô viết ra. Bốn bộ luật đó là:

  •        Những Điều Luật (phần dài nhất).
  •        Những Điều luật và những Qui Định.
  •        Những Điều Luật và Những Quyết Định.
  •        Những Điều Luật và Những Luật Lệ.

Đó là bản tổng hợp những điều phải làm.

4.Linh Đạo Pacômiô

  Bốn bộ luật là những bản tổng hợp các chỉ thị khá khô khan, lấy Kinh Thánh làm nền tảng, nhưng do một thần học còn rất thơ sơ, chứa đựng một ít linh đạo. Dầu vậy, qua các sách Tiểu Sử và các bút tích khác, chúng ta có thể đưa ra một vài nét về linh đạo Pacômiô.

a.Lưỡng diện

  Như chúng ta đã nói, khởi điểm của tiến trình đan tu Pacômiô là đời ẩn sĩ. Đời viện tu Pacômiô, vì đi từ đời ẩn sĩ nên có sự chung sống hài hoà: một phần, như các ẩn sĩ sa mạc, là mối ưu tư của sự hoàn thiện cá nhân, mỗi người tìm kiếm con đường cho mình theo như tính khí và ân huệ trao ban, và bên kia là sự để chung qua đời viện tu.

  Giải pháp của Pacômiô là mỗi người hoàn thiện cá nhân bằng cách phục vụ người khác. Ngài xác tín rằng không có sự hoàn thiện cá nhân nào có thể thực hiện được trên trần gian này; và lý tưởng hoàn thiện đó chỉ có thể thực hiện qua cộng đoàn anh em: koinônia thánh mang đến sự tương trợ trong cuộc chiến thiêng liêng.

  Như vậy, nơi đây tập hợp khía cạnh đầu tiên nghịch lý mà linh đạo Pacômiô kết hợp: sự hoàn thiện cá nhân được thể hiện trong cộng đoàn, bằng sự phục vụ anh em.

  Một khía cạnh nghịch lý nữa là linh đạo Pacômiô vừa là đan tu chiều dọc và đan tu chiều ngang. Đan tu chiều dọc là những người mới vào được thụ huấn bởi các vị trưởng thượng, như trường hợp Pacômiô thời gian đầu và sau đó huấn luyện những người đến với mình. Đan viện Pacômiô có một tổ chức theo cấp bậc. Đan tu chiều ngang, vì là một cộng đoàn lấy bác ái làm tiêu chuẩn và cộng đoàn Jêrusalem làm gương mẫu sống. Cộng đoàn là cộng đoàn phục vụ nhau, một koinônia thánh, chiếm một chỗ quan trọng trong linh đạo Pacômiô.

  Thật vậy, bác ái, nền tảng của đời kitô hữu, cũng là nền tảng của luật lệ Pacômiô: “Sự sung mãn của Lề Luật là bác ái”. Như vậy, lưỡng diện này có một đối tượng kép là Thiên Chúa và anh em: kết hiệp với Thiên Chúa và kết hợp với anh em.

b.Kết hợp với Thiên Chúa

  Pacômiô là con người được Thánh Thần linh động, một con người cầu nguyện và có thể cầu nguyện suốt đêm. Nhiều đoạn trong Tiểu sử nói đến. Để kết hiệp với Thiên Chúa, Pacômiô nhấn mạnh đến Kinh Thánh và thần vụ.

– Kinh Thánh

  Cầu nguyện và đọc sách Thánh liên kết với nhau trong linh đạo Pacômiô. Vào thời đó, người ta có trí nhớ rất tốt. Ngay khi tới đan viện, tập sinh phải học đọc với mục đích là có thể học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh để có thể suy niệm. “Suy niệm”- trong khoảng thời gian đầu, khơng có nghĩa là suy nghĩ về bản văn mà nhai đi nhai lại, hoăc đọc trong trí nhớ, hoặc đọc thầm. Đan sĩ Pacômiô suy niệm Lời Chúa trong mọi khoảnh khắc, khi đi dự phụng vụ, trong nhà cơm hay phòng riêng, khi đi lao động hay đang lúc lao động.

  Kinh Thánh là Luật Sống của đan sĩ Pacômiô. Kinh Thánh được chú giải mỗi tuần ba lần do những bề trên khác nhau, và sau khi nghe giải thích, các đan sĩ chia sẻ với nhau điều mình ghi nhận, rồi trở về phòng riêng suy niệm.

  Bản văn 6. Luật Pacômiô: (Số 3) “Khi nghe hiệu gọi hội họp, anh em ra khỏi phòng riêng trong khi suy niệm vài đoạn Kinh Thánh cho tới cửa phòng họp.”

  (Số 28): “Sau buổi họp, anh em từng người ra khỏi phòng để trở về căn phòng của mình hay đến nhà cơm, đang khi suy niệm vài đoạn Kinh Thánh; không ai che đầu khi suy niệm.”

– Thần vụ

  Thần vụ bao gồm hai buổi tụ họp tại nhà thờ gọi là synaxes (sun là với, ago là đi), một ban ngày và một ban đêm, chắc chắn là khá dài; và một buổi cầu nguyện ban chiều nhưng trong từng nhà.

  Hai buổi thần vụ tại nhà thờ rất đơn giản và thô sơ, không khác gì mấy buổi cầu nguyện riêng: người ta đọc Thánh vịnh, một vài đoạn Kinh Thánh xen kẽ với các kinh Lạy Cha và những khoảng im lặng. Các buổi nguyện kinh kéo dài, nhưng không vì thế mà nhàn rỗi: tay đan giỏ, miệng tụng kinh (Luật số 4-8).

  (Số 4): “Khi anh em đi trong nhà thờ để đến chỗ ngồi hay đứng, thì đừng chà đạp những cọng mây đã được thấm nước để kết thành sợi: đề phòng điều đó để khỏi làm thiệt hại cho đan viện.”

  (Số 5): “Ban đêm, khi nghe hiệu báo, đừng có đến gần ngọn lửa thường được thắp sáng để sưởi và chống lạnh. Đừng có ngồi không trong các buổi cầu nguyện, nhưng phải chuẩn bị để một tay thoăn thoắt đan giỏ hay chiếu. Nhưng tránh đừng quá sức vì thân xác yếu đuối, vì thế cũng cần thỉnh thoảng cho ngừng nghỉ.”

  (Số 7): “Đừng có ai nhìn một anh em đang đan lát hay cầu nguyện: nhưng đôi mắt hãy chăm chú vào công việc của mình.”

  (Số 8): “Đây là những chỉ thị mà các vị niên trưởng đã truyền lại cho chúng ta: “Nếu xảy ra là đang khi hát Thánh vịnh, đọc lời cầu nguyện hay đọc sách, có ai đó nói hoặc cười, người đó phải tháo thắt lưng da của mình và đến trước bàn thờ, đầu cúi, tay chống đất. Vị bề trên của đan viện sẽ phạt. Tiếp đến người đó sẽ chịu cùng hình phạt đó tại nhà cơm khi tất cả anh em đã tề tựu.”

  Dù đơn sơ nhưng những giờ thần vụ này rất quan trọng đối với đan sĩ Pacômiô: đó là sự thông hiệp của cầu nguyện có giá trị đặc biệt: “Nơi nào có hai ba người tu họp nhân danh Thầy, có Thầy ở giữa.”

  Buổi kinh chiều đơn giản hơn: sáu Thánh vịnh và sáu lời cầu nguyện (Luật số 10).

  (Số 10): “Cử hành các lời cầu nguyện vào buổi chiều như chúng ta thường làm trong các buổi họp cầu nguyện lớn qui tụ tất cả mọi anh em, đó là một niềm vui tuyệt vời: chúng ta dễ dàng cử hành vì anh em không thấy chi nặng nhọc và chán ngán.”

c.Kết hiệp với anh em

  Hình ảnh cộng đoàn tiên khởi Jêrusalem in đậm trong linh đạo Pacômiô; một cộng đoàn cầu nguyện trước mắt Thiên Chúa làm nền tảng cho hiệp thông huynh đệ.

 KOINÔNIA

-Nguyên lý lý thuyết: hình ảnh cộng đoàn kitô hữu tiên khởi.

-Nguyên lý thực hành: để chung tài sản – bản thân mình.

Cùng chung một chế độ như nhau.

-Biểu tượng tường lũy cao với ngõ ra vào duy nhất.

Vâng phục – lao động.

-Hệ quả : nghèo khó và chia sẻ. Tha thứ cho nhau.

– Để làm của chung

  Biểu tượng là bức tường luỹ chỉ có một ngõ ra vào và canh gác cẩn thận. Bức tường vạch ranh giới của hai thế giới: thế giới bên ngoài và thế giới của đời sống cộng đoàn, của Koinônia.

  Nhưng không chỉ để chung của cải vật chất, nhưng còn chính bản thân để phục vụ người khác. Tư tưởng phục vụ là nền tảng của viện tu Pacômiô với tất cả những tổ chức. Sự phục vụ này là sự noi gương Chúa Kitô phục vụ tất cả. Chính do sự phục vụ này mà đối với Pacômiô viện tu hơn ẩn tu hay độc tu. Tư tưởng này sẽ được thánh Basiliô lấy lại. Orsière coi đời sống cộng đoàn chính là “Opus Dei” (thần vụ).

– Hệ quả

  Việc để chung của cải lôi kéo theo việc phục vụ nhau, nhưng trong cụ thể, có những điều khoản cụ thể:

+Cùng một chế độ sống nói lên sự đồng nhất chung cho bề trên và anh em.

+Nghèo khó: nghèo khó hàm chứa việc truất quyền sở hữu. Sự nghèo khó Pacômiô trước tiên không phải là sự tước mất mà là để chung. Nó không có chức năng trước tiên là khổ chế mà chức năng cộng đoàn. Nó là chất ximăng củng cố cộng đoàn.

+Lao động: lao động xuất phát từ ý niệm phục vụ và đối tượng là chia sẻ với người nghèo. Đối với thánh Pacômiô, của cải của cộng đoàn trước hết là của cải của Thiên Chúa. Tự thân, cộng đoàn không có gì cả. Như vậy, việc chia sẻ với người nghèo không phải là một hành động nhân đức mà là bình thường.

+Tuân phục: để cắt đứt với tình yêu chính mình làm thiệt hại đến tình yêu cộng đoàn, thánh Pacômiô nhấn mạnh đến tuân phục. Như vậy, giữa lòng cộng đoàn, mỗi người học hỏi ngăn chặn những ý riêng và những tham vọng cá nhân. Nhưng tuân phục cũng mang tính cộng đoàn. Tuân phục không như trong trường hợp các ẩn sĩ tuân phục linh phụ một thời gian để được huấn luyện, nhưng ở đây tuân phục có giá trị tự thân. Tuân phục không là vào một trường đối với người mới tu, mà là một tình trạng vững bền, dứt khoát.

  Từ đó phát sinh ba đặc tính sau đây:

+ Mỗi bề trên có phạm vi quyền hạn được dự trù mà không ai được vượt qua.

+ Việc chỉ huy không đến do đoàn sủng, nhưng do bề trên cao hơn chỉ định và có hạn.

+ Trước hết, người ta phải tuân phục Luật Dòng, cả bề trên lẫn anh em dưới quyền.

  Cộng đoàn của tha thứ cho nhau: đây là đặc tính sau cùng của việc góp chung: để chung sự tha thứ. Lúc đầu, thánh Pacômiô tổ chức hai buổi họp thường niên và có tính chất kinh tế, nghĩa là để duyệt xét chi tiêu. Rất nhanh sau đó hai buổi họp này, nhất là buổi họp mùa hè, trở thành buổi hối lỗi (thú lỗi).

5.Kết luận

  Chúng ta được chứng kiến ngay thời kỳ đầu của đan tu trào, sự phát sinh một Dòng viện tu do thánh Pacômiô thiết lập, thật là một điều đáng ghi nhận. Đứng đầu là Pacômiô, một con người cầu nguyện, một con người Chúa Thánh Thần ngự xuống, được trang bị những ơn huệ thần bí phong phú. Nhưng ngài cũng là con người khiêm hạ và đôi chân đứng vững trên mặt đất.

  Là tấm gương phản chiếu Thiên Chúa, thánh Pacômiô muốn tất cả cộng đoàn được nhìn thấy và để đến lượt mình cộng đoàn cũng là tấm gương phản chiếu trăm ngàn khuôn mặt của Thiên Chúa. Thánh Pacômiô nhìn đời viện tu cao hơn cả đời ẩn sĩ, như ngài nói dưới hình thức những dụ ngôn:

  “Pacômiô nói với anh em: “Tôi sẽ chỉ cho anh em cái vinh quang và công trạng của những người sống trong cộng đoàn còn lớn hơn những công lao và vinh quang của các ẩn sĩ. Khi một người buôn, ngày qua ngày, bán bánh, rau quả và những thứ khác, trên phố chợ, ông ta không bao giờ rất giàu, nhưng cũng chẳng thiếu thốn gì. Một ẩn sĩ cũng vậy. Người đó không phải lo cho ai, nhưng cũng chẳng ai được lôi cuốn bởi gương lành của họ. Đời sống trong sáng, ăn chay, cầu nguyện, khổ chế sẽ nhận được phần thưởng và do đó không bị hư mất. Nhưng ẩn sĩ đó chẳng chiếm được chỗ cao hơn trên Nước Trời đâu. Và đây còn là một ẩn dụ về những anh em hèn mọn trong cộng đoàn, những anh em không khổ chế quá độ, nhưng chỉ tìm tuân phục, bác ái, trong sạch, theo như luật qui định. Những ẩn sĩ tưởng rằng những anh em đó chẳng có đời sống hoàn thiện, và là những con người nhỏ bé. Nhưng thật ra, họ là những người tôi tớ được vua yêu thích nhất: họ dễ dàng ra vào cung điện, trong khi đó những người chức quyền ra vào đều phải hỏi những người đầy tớ. Những anh em đó còn cao hơn các ẩn sĩ, bởi vì họ là những tôi tớ của nhau, như lời đã viết: ‘Anh em hãy phục vụ nhau trong hiền lành và nhẫn nại trước mặt Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.’ Nhưng tôi cũng chỉ cho anh em biết rằng những lỗi phạm và sa ngã của những người không bước đi ngay thẳng trong cộng đoàn còn gây nhiều cớ vấp phạm hơn những ẩn sĩ. Khi một nhà buôn đi buôn trong mọi thời tiết, nếu chiếc thuyền không bị tai nạn, ông ta sẽ trở nên giàu có. Nhưng nếu bị đắm tàu, tất cả sự giàu sang của ông đều tan biến. Cũng vậy, một đan sĩ viện tu có những tiến bộ thì không gây vấp phạm cho ai và gặt hái nhiều công phúc. Nhưng nếu gây vấp phạm cho chỉ một anh em mà thôi, khốn nạn cho người ấy vì sự bất cẩn của mình. Không những bị mất linh hồn mà còn phải tường thuật cho Chúa linh hồn mà mình gây vấp phạm.”

  Và như chúng ta đã nói, sau khi Pacômiô qua đời, tất cả những gì Pacômiô xây dựng đều sụp đổ nhanh chóng. Có thể giải thích qua ba nguyên nhân:

– Trung ương tập quyền quá lớn: tất cả dựa vào một con người với một cá tính tuyệt vời gây lòng tin nơi người khác. Sau khi Pacômiô qua đời và cả Théodore và Orsière, thì Dòng đã mất hướng.

– Vả lại, Dòng này đã phát triển quá nhanh: tất cả đều nhanh đến chóng mặt. Lúc đầu, chính thánh Pacômiô phụ trách việc huấn luyện anh em trẻ, nhưng sau này không thể được nên giao cho các bề trên nhà. Nhưng những người này không có đủ phẩm chất và đạo đức như tổ phụ.

– Những bộ Luật Pacômiô không được xây dựng mạnh mẽ trên nền tảng thần học và thiêng liêng, mà chỉ là những khoản luật, những chỉ thị là kết quả của kinh nghiệm cá nhân vị tổ phụ. Cho nên, vì thiếu nền tảng thiêng liêng, ngay sau khi Pacômiô qua đời đã có những bè phái mà những người đứng đầu có quan điểm riêng tư về đời đan tu do tổ phụ thiết lập.

  Dầu sao, nhờ cái trục đôi của linh đạo Pacômiô “dọc” và ‘ngang”, những dấu vết của kinh nghiệm của thánh Pacômiô còn lưu tồn trong đan tu thời sau và chúng ta kế thừa một phần nào đó.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Antôn – Môn đệ của Đức Kitô

Antôn - Môn đệ của Đức Kitô Tủ sách Biển...

Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại

          Chú Quỷ Ban Trưa và Cơn...

Đan sĩ – Nhà truyền giáo

    Đan Sĩ - Nhà Truyền Giáo M. Hương Yến, PH  ...

Linh phụ Arès – Lời thích hợp cho một thầy dòng

Linh Phụ Arès  Lời Thích Hợp Cho Một Thầy Dòng Tủ...

Lời Giáo Huấn Của Các Tổ Phụ Sa Mạc

 ACHILLE Chiến đấu đến đổ máu để giữ được...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại

          Chú Quỷ Ban Trưa và Cơn Cám Dỗ Thời Đại FM. Thomas Nguyễn Văn Giang Khởi đầu đan tu trào Kitô giáo gắn...

Linh phụ Arès – Lời thích hợp cho một thầy dòng

Linh Phụ Arès  Lời Thích Hợp Cho Một Thầy Dòng Tủ sách Biển Đức - Xitô   Linh phụ Abraham vừa gặp linh phụ Arès. Họ đang...

Antôn – Môn đệ của Đức Kitô

Antôn - Môn đệ của Đức Kitô Tủ sách Biển Đức - Xitô Vào khoảng năm 270, Antôn - một thanh niên 18 tuổi người Ai...

Viện phụ Agathon – Tỉnh thức nội tâm

  Viện phụ Agathon

Lời Giáo Huấn Của Các Tổ Phụ Sa Mạc

 ACHILLE Chiến đấu đến đổ máu để giữ được tình yêu thương anh em   Tủ sách đan tu Biển Đức - Xitô        ...

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...