Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

VIII. NHỮNG ẨN SĨ SA MẠC

1.Văn chương vùng sa mạc

a.Tiểu sử: “Đời sống thánh Antôn”, “Tiểu sử thánh Pacômiô”, “Tiểu sử thánh nữ Synclétique”, v.v.

b.Du ký: Tiểu sử các đan sĩ Ai-Cập (tg. Ruffinô) – Tiểu sử Lausiaque (tg. Pallade) – “Cánh đồng thiêng liêng” (tg. Jean Moschus)

c.Những khảo luận về đời đan tu (Évagre – Cassien – Dorothée de Gaza), v.v.

d.Những câu châm ngôn: (apo = đến từ – phtegomai = nói). Biển Đức: “Hạnh tích các Thánh Phụ”.

2.Những câu châm ngôn

a.Lợi ích: kinh nghiệm về cô tịch (sa mạc) – sa mạc thích nghi trong đời cộng tu – lương thực bổ ích cho việc đào luyện (Tu Luật Biển Đức ch.73).

b.Phát sinh và thu tập: vô danh hay 250 tác giả

– Sưu tập theo mẫu tự (Hi Lạp): theo thứ tự các nhân vật

– Sưu tập hệ thống: theo đề tài

c.Sử dụng

d.Cách thế đọc châm ngôn

– Một cuộc gặp gỡ: mẫu số chung “lòng khao khát mãnh liệt” – linh đạo – giáo dục.

– Thinh lặng và ngôn từ: vài khía cạnh đan tu – giá trị của thinh lặng (trích 1) – cố gắng hiểu.

e.Cách thế để hiểu các châm ngôn

– Ai là tác giả?

* Những người Ai-Cập vui vẻ, lạc quan, tình làng xóm.

* Những người Syria thương mại, đi đó đây, phiêu lưu.

 * Dân quê, không học thức (à Thuyết nhân hình).

* Những ẩn sĩ học thức (Évagre, Cassien, Ammonios,v.v.).

  – Vấn nạn “Làm sao để được cứu độ?” (t. 2, 3,4).

  – Đào luyện các bạn trẻ: linh phụ và đệ tử

* Sống chung (t. 5, 6, 7, 8, 9, 10).

* Lời uy lực của Linh phụ.

* Tìm chọn Linh phụ (t. 11, 12, 13, 14).

* Tại sao có sự huấn luyện này ? (t. 15, 16, 17, 18).

f.Những châm ngôn và Kinh Thánh (t. 19, 20)

g.Dòng lệ (t. 21, 22, 23, 24, 25)

h.Sự an tĩnh: trung tâm điểm của giáo huấn thiêng liêng

– An tĩnh bên ngoài (t. 26, 27).

– An tĩnh nội tâm (t. 28).

* “Amerimna” = Tránh lo lắng (t. 29).

* “Nepsis” = Tỉnh thức (t. 30).

* “Cruptè Mélétè” = Thực hành cầu nguyện (t. 31).

* Cầu nguyện liên lỉ (t. 32, 33, 34, 35, 36) – cầu nguyện liên lỉ + lao động (t. 37, 38, 39, 40).

3.Kết luận: Những cánh hoa vùng sa mạc

a.Con người là tội nhân à khiêm hạ (t. 41)

b.Cuộc chiến à cởi mở tâm hồn

c.Khôi hài + khiêm hạ (42, 43), khôi hài + tình huynh đệ (t. 44, 45, 46, 47)

d.Biến hình, thần hóa (t. 48, 49, 50, 51, 52)

——- + ——-

NHỮNG CÂU CHÂM NGÔN CỦA CÁC THÁNH PHỤ SA MẠC

1.Văn chương vùng sa mạc

  Văn chương vùng sa mạc khá đa dạng, bao gồm nhiều thể văn.

a.Tiểu sử

  Chúng ta đã biết “Đời sống Antôn”, và “Những đời sống của Pacômiô”. Nhưng cũng có những tiểu sử khác như “Đời Sống thánh nữ Synclétique”, một “sư mẫu vùng sa mạc”.

b.Du ký

  Có hai loại chính :

– Tiểu sử các đan sĩ Ai Cập, do ông Rufinô viết, thú vị vì Tu Luật thánh Biển Đức đã trích dẫn.

– Tiểu sử Lausiaque, người ta cũng gọi là Pallade, tác giả của cuốn tiểu sử này, kể chuyện cho một người tên là Lausius về những gì ông nhìn thấy trong thời gian cư ngụ nơi các ẩn sĩ sa mạc.

  Những trình thuật này cho biết các ẩn sĩ sa mạc là ai. Người ta thấy những nhân vật rất ư là độc đáo: Ẩn sĩ Phaolô, khám phá người vợ ngoại tình, chỉ nói gọn một câu: “Bà cứ thoải mái đi, còn tôi, tôi ra đi làm đan sĩ.” Đoạn ông đi đến nơi Antôn, nhưng Antôn không muốn tiếp, nhưng vì quá nài nỉ, nên cũng chấp nhận và trở thành một môn sinh tuyệt vời. Cũng có Maisen, một tên cướp cạn, sau khi trở lại đã phải đối đầu với nhiều cám dỗ mạnh mẽ. Cũng có Macairô lực sĩ luôn muốn khổ chế hơn bất cứ ai và đã đến thụ giáo nơi các đan sĩ Pacômiô.

– Trễ hơn, một bút tích thuộc loại này là “Cánh đồng thiêng liêng” do Jean Moschus viết.

c.Những Khảo Luận về đời sống đan tu

  Có những tác phẩm của Évagre, Cassien hay Dorothée de Gaza. Những tác phẩm này trình bày những điểm chính yếu của đời đan tu.

d.Những câu châm ngôn

  Những câu châm ngôn giữ một chỗ đứng riêng biệt. Tiếng Pháp là Apophtegmes, do hai từ Hi Lạp apo = đến từ, phtegommai = nói. Đó là những lời nói của các Linh phụ (thánh phụ) sa mạc được bảo tồn và truyền bá đến chúng ta.

  Thánh Biển Đức gọi văn chương miền sa mạc là “Hạnh tích các Thánh Phụ”. Lúc đầu là những tập viết tay và vào giữa thế kỉ 15 mới được in ấn.

2.Những câu châm ngôn

a.Lợi ích

  Chúng ta thấy trong tu luật, thánh Biển Đức nói đến “Hạnh tích các thánh phụ”, tất cả văn chương miền sa mạc được trình bày. Câu hỏi được đặt ra là: chúng ta là những đan sĩ cộng (viện) tu, tại sao chúng ta lại tiếp xúc với những ẩn sĩ là các Linh phụ miền sa mạc?

  Trước hết, cũng như các ẩn sĩ sa mạc, chúng ta đã rút lui khỏi thế gian, và một cách nào đó, chúng ta sống trong sa mạc: trong đời sống của chúng ta có một phần của cô tịch (cô đơn). Kinh nghiệm của những nhà ẩn sĩ đó có thể hướng dẫn chúng ta.

  Lại nữa, như trong trường hợp của thánh Cassianô, một trong các Linh phụ sa mạc, sau kinh nghiệm sa mạc, đã thích nghi kinh nghiệm ẩn tu vào đời sống viện tu xứ Gaule và đã truyền lại cho chúng ta những kinh nghiệm đó.

  Chính vì thế, thánh Biển Đức đã khuyên chúng ta tiếp cận thường xuyên Casianô và những bút tích của những vị thánh phụ này. Vì nơi đó, ngài đã nhận được một lương thực bổ ích có khả năng đào luyện chúng ta.

b.Phát sinh và hình thành việc thu tập

  Những câu châm ngôn này có một nguồn gốc khá đặc biệt: đó là một cuốn sách không có tác giả, hoặc có thể hiểu là có tới 250 tác giả, vì có 250 vị Linh phụ lên tiếng… và đời sống của những vị này trải dài suốt hai thế kỉ. Như vậy không thể xác định niên biểu của cuốn sách này, vì chúng phát sinh nơi này nơi kia trong sa mạc. Cuốn sách trình thuật cho chúng ta những cuộc đàm thoại hoặc giữa các đan sĩ với nhau, hoặc giữa hai Linh phụ, và nhất là giữa Linh phụ và môn đệ.

  Như vậy, khởi nguyên là một lời cá nhân gởi đến một người nào đó. Rồi dần dần người ta thấy những lời đó có thể hữu ích cho người khác, thế là họ truyền cho nhau. Tiếp đến truyền thống truyền khẩu này cũng được định hình qua chữ viết. Người ta tập hợp thành những tập các câu châm ngôn. Và ngày càng nhiều tập như thế. Đến thế kỉ thứ năm, ai đó đã gộp chung thành một tập những bản viết đó. Có hai bộ sưu tập các câu châm ngôn:

– Bộ sưu tập theo mẫu tự

  Bộ sưu tập này trình bày các câu châm ngôn của các ẩn sĩ theo mẫu tự Hi Lạp, khởi từ alpha đến omêga.

  Trong bộ sưu tập này, điểm nhấn là các nhân vật: những Linh phụ được người ta tìm gặp: các vị đó nói và môn đệ lắng nghe. Có những vị nói ít, có những vị nổi tiếng và trình bày những đạo lý đáng được chú tâm, và mỗi người có những tính tình, tính khí khác nhau. Thí dụ có ẩn sĩ Arsène, đến từ Constantinople, là một nhân vật nổi tiếng trong triều đình: vị ẩn sĩ này vừa im lặng lại lạnh lùng. Cũng có vị hăng hái như Gioan Lùn, hay Camariô, lực sĩ của khổ chế, hoặc Sisoès, Maisen xưa là tên đạo chích và nhất là Poémen, nhân bản, hiền từ. Chính vị cuối cùng để lại nhiều câu châm ngôn nhất: 206 câu in đậm sự hiền dịu và quân bình.

  Người ta cũng thấy một vài “Sư Mẫu” như Amma. Trong suốt thời kỳ bắt đạo, những phụ nữ cũng tỏ ra can trường như nam giới. Họ cũng vào sa mạc. Tuy ít ỏi, vì sa mạc là nơi quá nguy hiểm cho phái nữ chân yếu tay mềm, nhưng dầu sao vẫn có những vị nữ ẩn sĩ. Họ thường sống bên bờ sông Nil, không quá xa khu dân cư.

– Bộ sưu tập hệ thống

  Những câu châm ngôn trong bộ sưu tập này được xếp theo đề tài. Mục đích là làm nổi bật đạo lý. Như vậy, điểm nhấn ở đây không là nhân vật, mà là đạo lý. Thí dụ, người ta xếp các câu châm ngôn liên quan đến đức khiêm hạ, phía kia là những câu bàn đến đức tuân phục, phía khác nữa là đức cẩn trọng…

c.Sử dụng

  Bộ sưu tập theo mẫu tự xuất phát đầu tiên, cổ nhất. Trong bộ sưu tập hệ thống theo đề tài, người ta đã có suy nghĩ về các câu châm ngôn, và đã chú giải một chút gì rồi khi họ sắp xếp như vậy. Bộ sưu tập thứ hai này được sử dụng có mục đích. Nó ít khách quan hơn bộ thứ nhất: người chép bắt đầu trở thành tác giả.

  Một cách sử dụng khác nữa là những đan sĩ sống đời viện tu sử dụng một số câu châm ngôn nào đó để minh hoạ hay làm nổi bật lời giáo huấn của họ cho các đan sĩ cộng tu. Đó là trường hợp của đan sĩ Dorothée miền Gaza. Trong trường hợp này, người ta sử dụng một câu châm ngôn nào đó bằng cách giải thích và hiện tại hoá ý nghĩa. Mục đích của câu châm ngôn là thiết lập một linh đạo bằng cách đặt chúng trong một truyền thống đã được kiểm nghiệm.

  Và cách sử dụng cuối cùng, có vẻ làm hư hỏng những câu châm ngôn đó, là đưa chúng ra khỏi bối cảnh. Thí dụ những khảo luận về đời sống thiêng liêng nhắm tới độc giả không phải là đan sĩ, sử dụng các câu châm ngôn để làm nổi bật một đạo lý nào đó.

d.Cách thế đọc các châm ngôn

– Một cuộc gặp gỡ

  Tốt nhất là trở lên tận nguồn của các câu châm ngôn và đọc chúng như là một phương tiện gặp gỡ những linh phụ. Những con người đó sống cách chúng ta rất nhiều thế kỉ, nhưng cũng có thể đối thoại được vì có mẫu số chung là lòng khao khát sống mãnh liệt.

  Như vậy, các câu châm ngôn là cuốn sách của kinh nghiệm, và rất ư là phong phú. Từ những chất liệu thô sơ đó đã giúp hình thành sau này cả một linh đạo đan tu cho bao thế kỉ tiếp theo. Những lời đó đầy nhựa sống, là hoa trái đã âm thầm phát sinh trong thanh vắng của sa mạc.

  Những câu châm ngôn có vai trò giáo dục: chúng dạy cho biết yêu mến Thiên Chúa trên hết và củng cố ý chí. Đó là một công cụ sư phạm, một cuốn sách giúp chúng ta sống tốt hơn.

– Thinh lặng và ngôn từ

  Tất cả những lời riêng rẽ trong các câu châm ngôn phác họa một vài khía cạnh nào đó của đời đan tu. Có những điều nói ra nhưng cũng có điều không được nói đến. Chúng trao cho lời nói, nhưng cũng giả định sự thinh lặng. Chúa Kitô, Đức trinh nữ Maria không thấy xuất hiện trong các châm ngôn, nhưng không thể nói rằng các ẩn sĩ sa mạc không yêu mến Chúa Kitô và Đức Mẹ. Cũng ít nói đến chiêm niệm, tình yêu Chúa, đời sống bí tích và phụng vụ. Lại nữa những ẩn sĩ này hơi thẹn thùng dấu kín không những các việc thực hành bên ngoài, hữu hình mà còn cả sự bí ẩn của đời sống thiêng liêng của họ và mối tương giao của họ với Thiên Chúa.

  Đôi khi có những sự thinh lặng tự ý, vì những con người của sa mạc biết giá trị của thinh lặng cho phép nói với Thiên Chúa tốt hơn:

  “Théophile, Giám mục Alexandria, một ngày kia đến Scété. Anh em tụ họp lại và xin Linh phụ Pambo nói một vài lời xây dựng với giám mục. Nhưng vị Linh phụ nói: “Nếu giám mục không được xây dựng bởi sự thinh lặng của thầy, thì cũng chẳng được xây dựng bằng lời nói của thầy đâu.”

  Nhưng cũng có sự thinh lặng vì những ẩn sĩ có Chúa Thánh Thần hành động nơi họ. Đôi khi kinh nghiệm của người này lại đối nghịch với kinh nghiệm của người khác. Đó là điều chúng ta phải chú ý và không được coi tất cả những câu châm ngôn như là chân lý mặc khải. Thí dụ, ẩn sĩ Arsène không ngại đánh mất lòng bác ái với con người để bảo tồn sự thinh lặng của mình, vì với ông đó là điều kiện để sống mật thiết với Thiên Chúa. Trái lại, ẩn sĩ Poémen luôn tế nhị và đầy bác ái.

  Vậy chúng ta thử cố gắng hiểu họ hơn vì nơi họ có những nét làm chúng ta ngạc nhiên.

e.Cách thế để hiểu các châm ngôn

– Ai là tác giả?

  Những ẩn sĩ này là những người Ai-Cập, phần đông trong họ là những tá điền lực lưỡng, quen với cuộc sống cơ cực, chịu đựng trước mọi thử thách. Điều đó giải thích sự khổ chế của họ trong chế độ ăn uống, ngủ nghỉ mà đối với chúng ta thật đáng sợ.

  Nhưng điều tuyệt vời nơi họ ở chỗ là người Ai-Cập tính tình tự nhiên là vui vẻ, vui sống, lạc quan, họ không thích sống tách biệt, cô độc, nhưng là tình làng xóm, ru rú trong nhà, trái ngược với những người Syria là dân tộc thương mại. Vì thế, việc từ bỏ trần gian, gia đình và môi trường sống quen thuộc là một chuyện hệ trọng đối với họ. Qua đó, chúng ta thấy tình yêu của họ đối với Chúa Kitô mãnh liệt biết bao.

  Lại nữa, đa phần trong họ là những người dân quê, không học thức; ví dụ nhiều người trong họ hiểu theo nghĩa chữ những đoạn Kinh Thánh mà nơi những đoạn đó Thiên Chúa như mặc thân xác và cả những đam mê của con người: đó là ‘thuyết nhân hình” – nghĩa là cho Thiên Chúa một hình dáng (morphe) con người (anthropos). Sau này khi những ẩn sĩ có học thức như Évagre, Ammonios, Cassien (Cassianô) và những người khác đến sống nơi sa mạc, gây ra cuộc tranh cãi, chia rẽ và chống đối nhau. Vì những người sau này, quen thuộc với cách chú giải nghĩa bóng (lối phúng dụ) của ông Origène, lên tiếng chống lại cách hiểu của những người kia bằng cách bênh vực tính phi vật chất của Thiên Chúa, và sống lối cầu nguyện tinh tuyền, nghĩa là cầu nguyện không mang một hình ảnh hiển hiện nào của Thiên Chúa.

  Những người Ai-Cập này, tuy không có học vấn nhưng không vì thế mà cộc cằn. Trí nhớ của họ tuyệt vời. Hơn nữa, vì bẩm sinh có một tinh thần bén nhạy, một sự khôn ngoan đặc biệt, nên họ cũng giữ những nét tinh tế, cao thượng, tính xã hội, v.v.

  Tất cả những điều đó giúp chúng ta hiểu họ hơn.

– Vấn nạn “Làm sao để được cứu độ?”

  Đây là câu hỏi được lặp đi lặp lại trong các câu châm ngôn. Đó là câu hỏi chính yếu của người trẻ hỏi một vị trưởng thượng: “Xin thầy nói cho con, làm sao để con được cứu độ?”

  Phải hiểu cho đúng: đó không có nghĩa là một lời xin ích kỷ chỉ lo cho phần rỗi nhỏ bé của mình, cho một mình thôi. Tiếng Hi Lạp từ sôterion có nghĩa là cứu độ, cũng có nghĩa là cứu chữa. Người bước vào sa mạc biết mình là tội nhân, hoặc là chưa biết mình là tội nhân, thì chính sa mạc tỏ cho người đó biết mình: anh ta bỏ mọi sự, sống một mình trong sa mạc, ma quỉ đến gây chiến, nghĩa là sống trong những khó khăn và trăn trở của cuộc chiến thiêng liêng. Khi ấy anh ta biết rõ mình là người tội lỗi. Và như một bệnh nhân biết mình trong tình trạng nguy hiểm liền đi tìm thầy thuốc và xin: “Làm sao tôi được cứu, được chữa lành?”, có nghĩa là: “Làm sao tôi được mạnh khoẻ, sức khoẻ tốt?”

  Như vậy, đối với các Linh phụ sa mạc, không có chuyện phân rẽ cứu độ và trọn lành. Đối với họ, được cứu độ là tâm hồn mạnh khoẻ để ngay đời này đạt tới sự trường cửu hạnh phúc và tới thiên đàng bình an. Như vậy, đan sĩ đến xin Linh phụ giải thích con đường ngắn nhất và trực tiếp nhất để đạt tới mục đích đời mình.

  Câu trả lời cho vấn nạn này thường ngắn: một lời dạy, một công thức ngắn và dễ nhớ.

  “Một anh em đến hỏi một vị trưởng thượng : “Xin thầy nói cho con: làm sao con được cứu độ?” Vị trưởng thượng trả lời: “Nếu con bị lăng nhục và chịu đựng được, đó là một việc lớn lao, còn lớn hơn tất cả các nhân đức.”

  Nhưng một câu trả lời thường đáp lại những hoàn cảnh nhất định nào đó:

 “Linh phụ Abraham đến gặp Linh phụ Arès. Cả hai đang ngồi với nhau. Một anh em đến chỗ vị Linh phụ và nói: “Xin thầy nói cho con biết con phải làm gì để được cứu độ?” Linh phụ Arès trả lời: “Con hãy đi. Trong suốt cả năm nay, chỉ dùng bánh với muối vào buổi chiều. Sau đó, con trở lại đây và thầy sẽ nói với con.” Đan sĩ trẻ ra đi và làm như thầy dạy. Cuối năm, anh đến với Linh phụ Arès. Linh phụ Abraham cũng bất ngờ có mặt lúc đó. Linh phụ nói với đệ tử một lần nữa: “Con hãy đi, hãy ăn chay gấp đôi suốt năm nay.” Sau khi đan sĩ trẻ ra đi, Linh phụ Abraham nói với Linh phụ Arès: “Ngài khuyên tất cả các anh em một việc làm quá nhẹ. Nhưng đối với người anh em này, ngài áp đặt một việc nặng như thế. Tại sao vậy?” Linh phụ Arès trả lời: “Lời tôi nói lệ thuộc vào điều những người anh em đến xin. Người anh em kia là một con người can đảm. Vì Thiên Chúa mà anh đến để nghe một lời. Anh vui vẻ tuân phục. Đó là lý do tại sao tôi nói cho anh lời Thiên Chúa.”

– Đào luyện các đan sĩ trẻ: linh phụ và đệ tử

  Chúng ta không ở trong đan viện Pacômiô; nơi đó có một luật cho mọi anh em. Tuân phục lề luật này bảo đảm sự huấn luyện anh em trẻ. Nhưng ở đây, chúng ta trong môi trường ẩn tu, độc tu, không có lề luật gì cả. Làm sao đào luyện các anh em trẻ đây?

  Chính kinh nghiệm tạo nên một lối sư phạm linh hướng thiêng liêng: anh em trẻ chia sẻ nơi ở và cuộc sống của Linh phụ. Vị trưởng thượng hay vị cao niên không nhất thiết là “già”, nhưng “khôn ngoan”. Linh phụ Giuse nói:

  “Một hôm chúng tôi đang ngồi với Linh phụ Poémen. Ngài nói về Linh phụ Agathon. Chúng tôi nói với ngài: “Agathon còn khá trẻ, tại sao ngài lại gọi là Linh phụ?” Linh phụ Poémen nói: “Bởi vì miệng người làm cho người thành Linh phụ.”

  “Một người tên là Romanô kể: “Một vị cao niên kia có một đệ tử tốt. Nhưng ngày kia, Linh phụ thấy đệ tử không tốt liền đuổi anh đi mang theo chiếc áo choàng. Người anh em cứ đứng bên ngoài. Vị cao niên mở cửa và thấy anh ngồi đó, liền sụp lạy và nói với anh: “Thưa cha, lòng khiêm hạ và đức kiên nhẫn của cha đã chiến thắng sự thiếu tôn trọng của con đối với cha. Vậy cha hãy vào bên trong; và từ nay trở đi, chính cha là vị cao niên và là cha, còn con, con trẻ hơn thì làm môn đệ.”

→ Như vậy có hai điều kiện để huấn luyện người trẻ:

      – Sống một thời gian với Linh phụ.

     – Anh em trẻ nhận biết rằng lời của vị cao niên là dành riêng cho việc huấn luyện mình, và lời đó có uy lực với mình.

* Anh em trẻ làm một căn lều cạnh lều của Linh phụ để sống bên cạnh và được huấn luyện. Anh ta chấp nhận một cách “tối mặt” tất cả chỉ thị và lệnh của thầy.

  “Linh phụ Antôn nói: “Đan sĩ phải trao phó cho các vị thầy số bước đi và số giọt nước anh uống trong căn lều của anh, để biết xem anh có thật sự sống trong chân lý hay không.”

  Nhưng không chỉ làm điều thầy dạy mà còn hành động như thầy, noi gương thầy trong mọi sự. Qua đó, đan sĩ trẻ học biết cách sống bằng cách chia sẻ cuộc sống với một người kinh nghiệm. Như vậy anh sẽ biết từ bỏ ý riêng, tránh sống cho chính mình.

  “Một anh em tìm được một góc an tĩnh và xa cách trong sa mạc. Anh ta khẩn khoản xin Linh phụ: “Xin thầy ra lệnh cho con ra ở chỗ đó, con hy vọng rằng với ơn Chúa và những lời cầu nguyện của thầy, con sẽ hãm mình hơn.” Nhưng Linh phụ không cho phép anh: “Thầy biết con muốn hãm mình nhiều, nhưng vì khi ấy con không có Linh phụ bên cạnh, con sẽ tin tưởng vào công việc của mình, tin chắc rằng những việc làm đó sẽ vui lòng Chúa, và vì sự quá tin tưởng đó con có thể chu toàn những phận vụ của đan sĩ, nhưng rồi con sẽ uổng công vô ích và mất lý trí.”

  Nhưng nếu chỉ dừng lại nơi các việc làm, thì chưa đủ, anh em trẻ phải cởi mở lòng mình với Linh phụ, tỏ cho Linh phụ biết tất cả những tư tưởng đang chi phối mình, nếu không anh ta sẽ chẳng thấy rõ và rơi vào cạm bẫy của ma quỉ.

“Linh phụ Poémen nói: “Người làm vui thích kẻ thù nhất là người không muốn tỏ cho Linh phụ mình những tư tưởng riêng mình.”

  Như vậy, người tập sự học biết không còn sống cho mình, không còn theo ý riêng lòng mình. Thiên Chúa muốn hoạt động trong chúng ta, muốn được như thế phải mở lòng ra cho Ngài.

  “Linh phụ Antôn nói: “Tôi biết có nhiều đan sĩ chịu đựng nhiều gian nan vất vả. Nhưng họ đã bị té ngã và trở nên kiêu ngạo vì đặt tin tưởng vào việc làm của mình, họ bỏ ngang lời khuyên sau đây: Hãy hỏi cha ngươi và người sẽ dạy.”

  Hơn nữa, anh sẽ học biết biện phân các thần trí, nghĩa là xuyên qua những hình thái dễ lầm bên ngoài để phân biệt những chuyển động bên trong xen đến từ Thiên Chúa để đón nhận và sống theo như Chúa muốn. Anh sẽ học đọc Kinh Thánh và để Kinh Thánh soi lối dẫn đường.

  Và cứ như vậy, qua sự cởi mở với Linh phụ, dần dần anh bạn trẻ sẽ trở thành con người thiêng liêng, có khả năng đến lượt mình hướng dẫn những anh em chưa kinh nghiệm; sẽ trở thành Linh phụ và đón nhận đệ tử.

* Lời của Linh phụ có uy lực

  Anh em trẻ không đi tìm bất cứ lời nào, nhưng những lời của những ai đi tìm Chúa. Nghĩa là có sự gặp gỡ giữa hai con người khao khát tìm Chúa. Một bên, Linh phụ làm công việc biện phân, bên kia, môn đệ không ao ước gì hơn là tìm thấy con đường cứu độ. Trong những điều kiện như thế, lời của vị cao niên (Linh phụ) ngỏ với môn sinh mang ơn huệ của Chúa Thánh Thần. Tại sao? Vì rằng lời đó là hoa trái của Chúa Thánh Thần: Linh phụ là con người kinh nghiệm, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và cũng do Chúa Thánh Thần tác động mà nói những lời đó với tất cả lòng tin trong chỉ một ước muốn là mang lại lợi ích chứ không vì tò mò hay hư danh.

  Môn đệ là người của ước muốn. Nhưng ước muốn không phải là cảm thấy, mà là muốn. Ước ao Thiên Chúa không có nghĩa là cảm thấy một tình cảm nào đó, nhưng là muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa. Ước muốn thì luôn trả giá để chiếm hữu điều mình ước ao.

* Tìm chọn Linh phụ

  Vì ước ao muốn tiến tới hoàn thiện nên một người trẻ tìm đến vị trưởng thượng để được hướng dẫn. Nhưng làm sao để chọn lựa đây?

  “Một anh em thưa với Linh phụ: “Thưa cha, con muốn tìm gặp một vị cao niên hợp với ý muốn của con và con sẽ sống chết với vị đó.” Linh phụ trả lời: “Ái chà! Thưa ông, đó là một sự tìm kiếm tốt đẹp thật!” Nhưng môn đệ nghĩ rằng mình đã nói đúng và không chú ý đến câu trả lời của Linh phụ. Lúc đó Linh phụ thấy là môn đệ không hiểu mình đã chế giễu anh, nên nói tiếp: “Này con, nếu con tìm gặp một vị cao niên hợp với ý của con, con thật sự muốn ở với vị đó không?” Môn đệ trả lời ngay: “Đương nhiên, đó là điều con muốn mà.” Linh phụ mới nói: “Có thể như vậy là con không theo ý của vị cao niên, nhưng mà con làm theo những gì mình muốn, và có thể con chẳng có bình an đâu.” Khi ấy người anh em hiểu điều Linh phụ nói, trỗi dậy, phủ phục sát đất và nói: “Xin cha tha cho con, con tưởng rằng con nói một điều tốt, nhưng lại chẳng phải như thế.”

  Người ta đi tìm Linh phụ là muốn người đó trở thành một vị hướng đạo tốt.

  “Linh phụ Poémen nói: “Một ngày kia có người hỏi Linh phụ Paèsios: ‘Con phải làm gì đây vì hồn con vô cảm và chẳng kính sợ Thiên Chúa?” Linh phụ Paèsios trả lời: “Bạn hãy gắn bó với một người kính sợ Thiên Chúa, và, vì sống gần vị đó, bạn sẽ học biết kính sợ Thiên Chúa.”

  Khi đã chọn được Linh phụ, thì phải vâng lời vô điều kiện, vì tin rằng tuân phục vị cao niên đó là tuân phục Thiên Chúa. Vị cao niên sẽ là Linh phụ bằng hành động hơn là bằng lời nói:

  “Một anh em hỏi Linh phụ Poémen: “Những anh em sống với con; cha có muốn là con sai bảo họ không?” Vị cao niên đáp: “Không, nhưng trước tiên con hãy làm việc, và nếu họ muốn sống, họ sẽ canh chừng trên chính họ.” Nhưng người anh em nói: “Nhưng thưa cha, chính họ lại muốn con điều khiển họ.” Vị cao niên nói: “Không, con hãy trở nên gương mẫu cho họ hơn là người làm luật.”

  Như vậy gương lành trở thành luật cho người được thụ giáo.

  Những vị Linh phụ này muốn môn sinh vâng lời mau chóng và vô điều kiện.

“Ở Scété, Linh phụ Sylvanô có một môn đệ tên là Marcô là người vâng lời một cách tuyệt diệu. Anh là người viết rất đẹp và có phận vụ viết các bản văn. Linh phụ rất yêu mến anh vì anh vâng lời. Vị Linh phụ này có 11 môn sinh, và những môn sinh này phiền muộn vì chuyện Linh phụ Sylvanô thương yêu Marcô hơn họ. Câu chuyện đến tai các Linh phụ khác và họ buồn phiền. Ngày kia họ cùng đến chỗ Linh phụ Sylvanô để khiển trách vị này. Khi ấy, Sylvanô dẫn các vị kia cùng đi với mình. Linh phụ Sylvanô gõ cửa từng phòng và nói: “Người anh em ơi. Thầy cần đến anh.” Nhưng không ai đi theo Linh phụ ngay lập tức. Linh phụ Sylvanô đến căn phòng của Marcô, gõ cửa và nói: “Marcô.” Nghe tiếng Linh phụ, anh liền nhào ra ngoài. Linh phụ giao cho anh một công việc, đoạn nói với các vị trưởng thượng kia: “Thưa các cha, những anh em kia ở đâu?” Vị Linh phụ vào phòng của Marcô và lấy cuốn vở của anh. Linh phụ nhận xét: Marcô đã đang vẽ chữ Omega, nhưng khi nghe lời thầy gọi, thì chưa viết xong nét chữ đó. Khi ấy các vị niên trưởng kia nói rằng: “Thưa thầy, người mà thầy yêu thương thì chúng tôi cũng yêu thương bởi vì Thiên Chúa yêu thương anh ấy.”

  Câu châm ngôn này có thật và chắc chắn thánh Biển Đức cũng đã đọc vì chúng ta thấy dấu vết trong tu luật của ngài.

* Tại sao có sự huấn luyện này?

  Tại sao lại cần phải cởi mở và tuân phục đối với linh phụ như vậy?

  Cởi mở nói lên những tư tưởng của mình với linh phụ trước hết có mục đích chiến thắng ma quỉ.

  “Linh phụ Bané ngày kia hỏi Linh phụ Abraham: “Phải chăng một người như Adam trong vườn địa đàng còn cần đến lời khuyên?”, và Linh phụ Abraham trả lời: “Vâng, thưa ngài, vì nếu Adam đã xin các thiên thần khuyên khi hỏi: “Tôi có thể ăn trái cây này không?”, thì các vị đó trả lời: “Không.”

  Các ẩn sĩ sống trong sa mạc là cốt để chiến thắng ma quỉ. Và người ta chỉ có thể chiến thắng ma quỉ trong thời gian đầu nếu tuân theo những lời khuyên bảo của ai đó đã có kinh nghiệm chiến đấu.

  Một Linh phụ ẩn danh nói: “Nếu những tư tưởng xấu đến gây chiến với bạn, thì đừng che dấu chúng, mà hãy lập tức nói cho Linh phụ hay. Vì các tư tưởng càng được che dấu, thì chúng càng trở nên nhiều và mạnh mẽ. Cũng như con rắn: khi chui ra khỏi hang, liền lủi trốn ngay. Cũng vậy, một tư tưởng xấu sẽ biến mất khi nó bị tỏ lộ ra. Nhưng nếu người ta che dấu nó, thì cũng như con bọ trong cây gỗ, nó sẽ phá hoại ruột gỗ. Người nào tỏ lộ các tư tưởng của mình thì lập tức được chữa lành; còn ai che giấu thì sẽ bị bệnh kiêu ngạo.”

  Cởi mở và tuân phục cũng có mục đích chiến thắng ý riêng. Các thánh phụ sa mạc biết rõ rằng tội, bất cứ tội nào, đều hệ tại thích ý riêng mình hơn ý Thiên Chúa. Như vậy khi tuân phục linh phụ là từ bỏ chính ý riêng đó.

  “Ngày kia có bốn anh em ở vùng Scété, mặc da thú, đến tìm đại Linh phụ Pambô. Mỗi người kể tốt về người lân cận, nhưng người đó không có mặt ở đó. Người thứ nhất ăn chay nhiều. Người thứ hai thì nghèo khó. Người thứ ba có đức ái lớn lao. Và về người thứ tư thì họ nói: “Từ 22 năm nay, người anh em đó vâng lời một vị trưởng thượng.” Linh phụ Pambô trả lời họ: “Thầy nói với anh em là nhân đức của người anh em đó thật lớn. Thật vậy, mỗi anh em kia đã thủ đắc được nhân đức mình muốn có. Còn người anh em này nói không với ý riêng ích kỷ của mình, và anh làm theo ý người khác. Những con người như người anh em kia là những người tử đạo nếu họ bền đỗ đến cùng.”

  Trong khi tuân phục như vậy, người trẻ dần dần biết biện phân các thần trí và học biết hướng dẫn người khác. Anh sẽ thanh luyện con tim, làm chủ các đam mê của mình và trở thành con người an tĩnh. Và sẽ trở thành Linh phụ. Một châm ngôn nói đến kết quả của sự tuân phục này: Thiên Chúa làm theo lời người tuân phục, vì con người đó không còn những tư tưởng trái nghịch với ý muốn của Thiên Chúa.

  Linh phụ Milos nói: “Tuân phục đáp trả tuân phục. Khi một người tuân phục Thiên Chúa, thì Thiên Chúa cũng vâng lời người đó.”

f.Những châm ngôn và Kinh Thánh

  Chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy ít trích dẫn Kinh Thánh trong các châm ngôn, làm cho chúng ta có cảm tưởng rằng các ẩn sĩ sa mạc không chú ý đến Kinh Thánh. Tại sao như vậy?

  Không phải những ẩn sĩ này coi thường việc đọc Kinh Thánh, vì có châm ngôn: “Ngay một việc đọc Kinh Thánh cũng làm cho ma quỉ sợ sệt.” Nhiều châm ngôn khuyên đọc thuộc lòng, như chúng ta thấy nơi các đan sĩ Pacômiô. Chúng ta sẽ thấy sau này, Cassien- một thánh phụ sa mạc, đã so sánh tư tưởng của chúng ta như một cối xay: người ta không thể cản nó quay; nhưng người ta cũng có thể xay hạt giống tốt của Kinh Thánh hay hạt cỏ dại của sự phân tâm, chia trí (Bài Thuyết trình 1, 18).

  Như vậy, không nghi ngờ rằng các đan sĩ sa mạc chểnh mảng việc tiếp xúc thường xuyên với Kinh Thánh; các vị có khả năng đọc thuộc cả những đoạn dài. Đó chính là một cách thực hành Lời Chúa. Các vị tiếp xúc với Kinh Thánh, không để tìm kiếm những kiến thức.

  Linh phụ Ammon nói với Linh phụ Sisoès: “Khi tôi đọc Kinh Thánh, tâm trí tôi cứ ham muốn chuẩn bị một diễn văn hay đẹp, để khi ai hỏi tôi,tôi sẵn sàng trả lời cho họ.” Nhưng Linh phụ kia trả lời: “Không cần thiết như vậy. Nhưng cố gắng giữ tâm trí trong sáng. Khi ấy ngài sẽ được ơn ngôn ngữ để xây dựng người khác mà không bồn chồn lo lắng.”

  Như vậy, đọc Kinh Thánh đòi hỏi tâm trí phải tinh tuyền và khiêm hạ.

  “Đây là điều một Linh phụ vô danh đã kể lại: Linh phụ đó đã xin Thiên Chúa ban cho khả năng diễn giải một lời trong Kinh Thánh. Để đạt được điều đó, đan sĩ đó phải trải qua bảy mươi tuần và mỗi tuần chỉ ăn một bữa. Nhưng Thiên Chúa chẳng mạc khải gì cả. Khi ấy anh ta tự nhủ: “Ta đã lao công tốn sức vô ích, mà chẳng gặt hái được điều gì cả; vậy ta phải đi đến người anh của ta và hỏi anh ta.” Khi anh vừa đóng cửa lại để đi đến chỗ người anh em, thì một thiên thần được phái đến. Thiên thần nói với anh: “Bảy mươi tuần ăn chay chẳng giúp ngài đến gần Thiên Chúa; nhưng khi ngài khiêm hạ đi đến hỏi người anh em, thì tôi được sai đến để tỏ cho ngài ý nghĩa của lời đó.” Và thiên thần giải đáp một cách tuyệt vời ý nghĩa của lời Kinh Thánh đó. Sau đó thiên thần kiếu từ.”

g.Dòng lệ

  Như chúng ta nói trên, câu hỏi thường xuyên trên miệng các anh em trẻ khi hỏi các Linh phụ là “làm sao để được cứu độ ?”, và tại sao các câu trả lời lại ít tham chiếu đến Kinh Thánh. Và lại còn một chuyện gây ngạc nhiên nữa là các châm ngôn nhấn mạnh đến nước mắt.

  Nghĩ sao đây lời của thánh phụ Maisen:

  “Có ba nhân đức khó thủ đắc: luôn luôn sầu não, luôn nhớ đến lỗi phạm của mình, và mọi lúc nghĩ đến sự chết.”

  Thoạt nhìn, đó là một lý tưởng nhưng chẳng có vẻ giúp triển nở gì cả!

  Điều đó nhắc cho chúng ta một điều gì đây. Trong Tu Luật của mình, thánh Biển Đức viết trong các khí cụ việc lành: “Hằng ngày trong giờ cầu nguyện hãy khóc lóc than van. Xưng thú cùng Chúa mọi lỗi lầm quá khứ” (ch.4, 57). Và trong chương 20, khi bàn về cầu nguyện: “Hãy ý thức rằng chẳng phải do nhiều lời nhưng chỉ cần một lòng thanh sạch, hoà với dòng lệ thống hối là được Chúa nhận lời.”

  Dòng lệ hay nước mắt, hoặc tấm lòng thống hối là đề tài rất thiết thân với các thánh phụ, và không được trở thành xa lạ với chúng ta. Các ngài gọi là “penthos”, tiếng Hi Lạp có nghĩa là đau đớn, buồn thảm, tang chế. Đó là nỗi buồn, nhưng khác nỗi buồn thường và tự nhiên.

  Bất cứ nỗi buồn nào cũng phát xuất từ sự thiếu thốn: nỗi buồn tự nhiên phát xuất từ thiếu thốn của cải vật chất mà người ta khát khao mãnh liệt. Đó là một nỗi buồn xấu thường đi kèm theo sự thất vọng.

  Cũng có một nỗi buồn tự nhiên riêng cho các đan sĩ, tên là “acédie”. Từ này bởi tiếng Hi Lạp Kedos, có nghĩa là cắt đứt giao kết: linh hồn biếng trễ, chỉ tìm những gì khác ngoài Thiên Chúa, cắt đứt giao ước với Thiên Chúa: mối tương giao bị cắt đứt, Thiên Chúa không còn là niềm vui và linh hồn sầu não.

  Trái lại, cũng có nỗi buồn thánh thiện, “penthos” của các thánh phụ sa mạc. Nỗi buồn đó cũng phát xuất từ sự thiếu vắng điều mong ước, nhưng trong trường hợp này, đó là những ước ao tốt lành: ước ao không bao giờ xúc phạm đến Thiên Chúa, ước ao được giải thoát khỏi sự dữ, ước ao trọn lành, ước ao quê trời, ước ao Thiên Chúa. Khi ấy, con người không cắt đứt giao ước với Thiên Chúa, không ở trong tình trạng nguội lạnh, nhưng một lòng tin chắc rằng Thiên Chúa yêu thương, tin chắc rằng ngày nào đó Thiên Chúa sẽ ban cho những ân huệ đó. Đó là nỗi buồn nơi đó có hy vọng chứ không phải nỗi buồn thất vọng. Đó là nỗi buồn không hoang mang, nỗi buồn nơi đó người ta an nghỉ trong Thiên Chúa. Thánh Jean Climaque gọi “nỗi buồn trao tặng niềm vui”.

  Đó chính là nỗi buồn mà các thánh phụ sa mạc nói đến. Các ngài biết Thiên Chúa tốt lành.

  “Một anh em nói với Linh phụ Poémen: “Thưa cha, con đã phạm một tội rất nặng và con muốn đền tội trong suốt ba năm.” Vị cao niên nói: “Quá nhiều đấy!” Và người anh em nói: “Nhưng ít ra cũng một năm chứ!” Vị cao niên lại nói một lần nữa: “Quá nhiều đấy!” Những người có mặt nói: “Bốn mươi ngày!” Nhưng vị cao niên nói: “Cũng còn quá nhiều!” Và ngài nói thêm: “Này tôi nói cho anh em biết nếu một người thật lòng hối lỗi và không tái phạm thì ba ngày cũng đủ để được Thiên Chúa thương đón nhận.”

  Chính tình yêu Thiên Chúa làm cho những dòng lệ tuôn rơi.

  Từ đó, chúng ta hiểu rằng, trong tình yêu Thiên Chúa nên các ẩn sĩ sa mạc khóc vì ước ao không muốn xúc phạm đến Thiên Chúa, khóc vì tội mình và của tha nhân.

“Athanasiô, Giám mục Alexandria, khẩn xin Linh phụ Pambô rời bỏ sa mạc để đến Alexandria. Vì vậy Pambô đi xuống. Ngài gặp một nữ diễn viên và ngài bắt đầu khóc. Những bạn đồng hành hỏi ngài: “Tại sao cha khóc?” Linh phụ Pambô trả lời: “Thầy khóc vì hai lý do: một là vì người phụ nữ kia bị hư mất; hai là ước mong làm đẹp lòng Thiên Chúa của thầy còn kém mãnh liệt hơn chính ước muốn của người phụ nữ kia. Vì nàng tìm mọi cách để làm vui thoả những con người đồi bại.”

  Các vị ý thức rằng chúng ta đều liên đới với mọi người trong sự dữ và có khả năng phạm tội như bao nhiêu người khác, nếu Thiên Chúa không ban tràn ân sủng của Người.

  “Một vị lão thành nói: “Cũng như chúng ta mỗi người mang đi khắp mọi nơi sự gian ác của mình, thì khắp nơi chúng ta cũng phải mang theo mình nước mắt và lòng thống hối.”

  Họ khóc vì biết mình xa cách Thiên Chúa. Đó là một ân huệ nhưng không. Các giọt nước mắt là một ân huệ Thiên Chúa ban, sẽ đến vào giờ của chúng.

  Vậy đâu là hoa trái của nước mắt? Trước hết là sự thanh luyện. Các thánh phụ nói rằng:

  “Những giọt nước mắt đến từ trời cao thanh luyện và thánh hoá thân xác. Chúng đền tội lỗi. Đó cũng là một trợ giúp trong cầu nguyện và một vũ khí trong cuộc chiến chống lại ma quỉ.”

  Chúng cũng trao ban niềm vui, làm cho con người hạnh phúc trong cõi đời này và cả đời sau.

h.Sự an tĩnh

  Một điểm rất quan trọng trong linh đạo các thánh phụ sa mạc và có một tầm ảnh hưởng rất mạnh trên thế hệ tiếp sau, nhất là trong giáo hội Hi Lạp, đó là sự an tĩnh. Đó chính là tâm điểm của giáo huấn thiêng liêng của các châm ngôn.

  Đối với các thánh phụ sa mạc, sự hoàn thiện của con người hệ tại đức ái được triển nở trong cầu nguyện liên lỉ. Nhưng để đạt đến tình trạng đó, phải có sự an tĩnh, sự trầm lắng phát xuất từ sự xa lìa trần gian. Sự trầm lắng đó không có nghĩa là thiếu cố gắng. Trái lại, nó giả thiết sự khổ chế, nó chính là điểm tới của khổ chế. An tĩnh, hésychia, không có mục đích tự thân, mục đích chính là đức ái, an tĩnh là một phương tiện để đạt đến đức ái, đó là một tình trạng thuận tiện để đức ái triển nở. Thuyết an tĩnh là một lối sống tập chú vào sự tìm kiếm an tĩnh. Có hai thuyết an tĩnh.

a).An tĩnh bên ngoài

  Khi đọc các châm ngôn, đôi khi chúng ta thấy bất ngờ khi các ẩn sĩ đề cao sự an tĩnh bên ngoài mà không màng gì đến đức ái. Nơi một vài thánh phụ, người ta có cảm tưởng rằng sự cô vắng tuyệt đối và an tĩnh lẫn lộn nhau, như thể người ta không có sự an tĩnh nếu có người khác bên cạnh. Những từ an tĩnh và độc tu, hay an tĩnh và sa mạc, thường đi đôi với nhau. Chỉ dần dần người ta mới phân biệt sự an tĩnh bên ngoài và an tĩnh nội tâm.

  Arsène là kiểu mẫu của trường phái an tĩnh. Người ta kể lại ơn gọi của viên chức cấp cao này trong triều đình Constantinople như sau:

  “Hồi đó, Arsène còn sống trong hoàng cung. Ông cầu khẩn Chúa: “Lạy Chúa, xin dẫn con trên con đường đưa con tới ơn cứu độ.” Có một tiếng nói trả lời: “Arsène, hãy tránh xa con người và con sẽ được cứu rỗi.” Arsène tránh xa con người và sống một mình. Ông lặp lại lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin dẫn con trên con đường dẫn con đến ơn cứu độ.” Ông nghe tiếng nói: “Arsène, hãy chạy trốn, hãy im lặng, hãy an nghỉ. Đó là cội rễ của cuộc sống không tội lỗi.”

  “Hãy chạy trốn, hãy im lặng, hãy an nghỉ”: đó là khẩu hiệu, chương trình của những người an tĩnh. Arsène là người đầu tiên thực hiện chương trình này. Ông sống trong một căn lều mất hút trong vùng sa mạc Scété và rất ít ra khỏi đó. Ông bảo vệ một cách kịch liệt sự cô tịch này đến nỗi không muốn tiếp xúc với người ngoài. Dầu vậy, cũng vị ẩn sĩ này chỉ cho thấy sự an tĩnh bên ngoài phải hướng về sự an tĩnh nội tâm:

  “Ngày kia, Linh phụ Arsène đến một nơi chỉ có lau sậy lung lay trước gió. Ngài nói với anh em: “Anh em có nghe động đậy gì không?” Họ nói: “Tiếng lau sậy sột soạt.” Khi ấy ngài nói: “Khi một anh em đang trong tĩnh niệm và nếu còn nghe thấy tiếng chim hót, thì hết rồi: con tim người đó không còn hưởng nếm sự bình an. Và anh em cũng vậy! Khi anh em nghe tiếng lau sậy sột soạt, trái tim anh em không còn nếm được bình an.”

b).An tĩnh nội tâm

  “Thánh phụ Antôn nói: “Khi những con cá sống lâu ngoài nước, chúng sẽ chết. Đan sĩ cũng vậy! Khi sống lâu ngoài căn phòng của mình hay khi tiếp xúc với người thế gian lâu giờ, họ sẽ đánh mất sự an bình sâu lắng của con tim. Chúng ta hãy hành động gấp như những con cá kia. Chúng mau trở về lòng biển. Chúng ta cũng vậy, hãy mau trở về căn phòng riêng và đừng quên tỉnh thức nội tâm.”

  Chúng ta thấy rằng sự an tĩnh bên ngoài, căn phòng, phải hướng về sự an tĩnh nội tâm.

  Qua những câu châm ngôn trên, chúng ta thấy ba đặc tính dẫn đưa con người đến an tĩnh: Amérimna – nghĩa là tránh lắng lonepsis –  hay tỉnh thức, và cruptè mélétè –  thực hành cầu nguyện.

* “Amérimna” = Tránh lắng lo

  Để tìm thấy an tĩnh, phải tránh tiếng động và sự khuấy động của thành phố con người, nhưng còn hơn nữa, là sự phân tâm, dù cho có sự cô vắng bên ngoài, vẫn còn giao động, hoang mang, lôi kéo bởi những lôi cuốn, những lắng lo, những tư tưởng riêng tư của mình. Bận tâm thứ nhất của người an tĩnh là “không lắng lo”.

  Điều đó không có nghĩa là chểnh mảng những gì đưa đến với Thiên Chúa hay phần rỗi. Cũng không phải là sống lười biếng, loại bỏ mọi công việc với mục đích là chỉ để cầu nguyện. Cũng không có nghĩa là không quan tâm đến anh em mình.

  Điều đó phát xuất từ chính lòng tin tưởng con thảo như chính Chúa Giêsu dạy chúng ta trong Tin Mừng, nghĩa là loại trừ khỏi những bận tâm của cuộc sống hiện tại, những lắng lo của cải tạm bợ chóng qua, mà đặt tất cả vào sự quan phòng của Chúa Cha.

  “Một anh em hỏi Linh phụ Cronios: “Làm sao để con người đạt tới đức khiêm hạ?” Ngài trả lời: “Bởi lòng kính sợ Chúa”. Người anh em hỏi tiếp: “Do hành động nào người ta đạt đến lòng kính sợ Chúa?” Vị cao niên trả lời: “Theo thiển ý của tôi, bạn đạt tới điều đó khi bạn bỏ mọi lắng lo, khi bạn cật lực khổ chế thân xác, bạn nhớ đến sự chết và phán xét của Thiên Chúa.”

* “Nepsis” = Tỉnh thức

  Chúng ta vừa nghe châm ngôn của thánh Antôn khuyên phải ở lại trong phòng riêng để giữ sự tỉnh thức nội tâm. Đó là thái độ của một tâm hồn thức tỉnh, hiện diện với chính mình và với Thiên Chúa. Đó là chú ý đến Chúa, là gìn giữ trí lòng.

  “Một ngày kia sư phụ Isaac đang ngồi với Linh phụ Poémen, thì có tiếng gà gáy. Linh phụ Isaac nói: “Thưa ngài, ở đây cũng có thứ đó à?” Vị cao niên trả lời: “Isaac, tại sao lại bắt ta phải nói? Anh và những người giống như anh còn nghe tiếng gà gáy. Nhưng người nào tỉnh thức thì không có một chút bận tâm nào.”

* “Cruptè Mélétè” = Thực hành cầu nguyện

  Hai thái độ trên có tính tiêu cực và có mục đích bảo vệ tâm hồn. Thái độ thứ ba này là tích cực, chuẩn bị tâm hồn đến tình trạng cầu nguyện liên lỉ. “Mélétè” là một thực hành suy niệm to tiếng, có mục đích chuẩn bị tâm hồn cầu nguyện: đó là chính thực hành cầu nguyện. Người ta nhắc lại những câu vắn gọn tạo nên một phản xạ cầu nguyện. Ẩn sĩ Macariô thường nhắc lại lời cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội.”

  Loại cầu nguyện này có hai loại : cầu xin trợ giúp và cầu nguyện thống hối.

  “Một người nào đó hỏi Linh phụ Macariô: “Người ta phải cầu nguyện làm sao?” Vị cao niên trả lời: “Anh không cần làm bài diễn văn dài dòng. Hãy dang rộng đôi tay và thưa: “Lạy Chúa, như Chúa muốn và như Chúa biết rồi, xin thương xót con.” Và khi phải chiến đấu, hãy thưa: “Lạy Chúa, xin cứu giúp.” Chúa biết điều chúng ta cần và thương xót chúng ta.”

  Sau này, người ta gọi loại cầu nguyện này là “cầu nguyện phóng lao” (nguyện tắt), như thánh Augustinô viết trong các thư của ngài: “Người ta nói là bên Ai-Cập các anh em thường xuyên cầu nguyện, nhưng vắn gọn và nhanh như bắn tên vậy” (Thư gởi Proba: L. 130, 10, 20). Bên Đông Phương, người ta gọi là “cầu nguyện một lời”, nghĩa là chỉ có một lời hay một tư tưởng. Đó là những lời cầu nguyện ngắn hay chỉ một lời diễn tả một tư tưởng. Từ đó phát sinh ra “lời cầu nguyện Chúa Giêsu”.

* Cầu nguyện liên lỉ

  Amérimna, nepsis, mélétè phải dẫn đưa tới sự cầu nguyện liên lỉ. Lời của thánh Phaolô “hãy cầu nguyện luôn và không bao giờ ngừng” chất vấn các đan sĩ thuộc mọi thời đại. Họ tìm cách trả lời. Nếu có sự bận tâm đó, chính vì họ kinh nghiệm rằng cầu nguyện không phải dễ dàng gì.

  “Những anh em hỏi Linh phụ Agathon: “Trong tất cả các hoạt động tốt, hành động nào đòi hỏi nhiều nỗ lực nhất?” Ngài trả lời: “Xin lỗi nhé, tôi nghĩ rằng đó là cầu nguyện. Đúng vậy, mỗi khi bạn muốn cầu nguyện, thì các kẻ thù của bạn muốn ngăn trở bạn làm việc đó. Thật vậy, chúng biết rõ điều này: để chặn lại bước tiến của bạn đi về phía Thiên Chúa, chỉ có một phương thế: lôi bạn khỏi cầu nguyện! Khi bạn bắt đầu một điều thiện hảo nào đó, bất cứ điều gì, nếu bạn can đảm tiếp tục, bạn sẽ tìm thấy sự an nghỉ. Nhưng đối với việc cầu nguyện, bạn phải chiến đấu với những kẻ thù của bạn cho đến chết.”

  Các đan sĩ ý thức rằng đó là một cuộc chiến. Hơn nữa, họ rất thực tế và biết rằng con người không phải là thiên thần, rằng con người có một thân xác và thân xác đó phải được nuôi sống. Con người phải làm việc để mưu sinh. Vì thế có trường phái những người chủ trương cầu nguyện liên lỉ và bỏ rơi lao động (chúng ta sẽ gặp lại họ khi nói đến thánh Basiliô).

  “Một anh em đến căn lều của Linh phụ Sylvanô, ở núi Sinai, thấy anh em làm việc, người anh em đó nói với Linh phụ: “Anh em đừng lao công vì thứ lương thực hư nát; bởi vì, cô Maria đã chọn phần tốt nhất.” Linh phụ nói với một môn sinh: “Này Zacharia, hãy đưa cho người anh em một cuốn sách, và dẫn vào một căn phòng nơi chẳng có gì hết.” Khi điểm giờ chín, người anh em đứng đó đôi mắt dán vào cánh cửa xem có ai đến mời đi dùng bữa không. Nhưng chẳng có ai đến gọi, anh liền trỗi dậy, đi tìm Linh phụ và nói: “Thưa ngài, hôm nay anh em không ăn uống gì cả sao?” Linh phụ nói: “Có chứ, nhưng anh, vì anh là con người thiêng liêng nên không cần lương thực cho thân xác. Còn chúng tôi, chúng tôi là những người có thân xác, nên chúng tôi cần ăn uống, và chính vì thế mà chúng tôi phải lao động. Còn anh, anh chọn phần tốt nhất: anh đọc sách suốt ngày và anh không cần lương thực hèn hạ.” Nghe những lời đó, người anh em nói với Linh phụ: “Thưa ngài, xin tha thứ cho con.” Linh phụ liền nói: “Thật ra cô Maria cũng cần đến cô chị Martha, và chính vì nhờ cô Martha mà cô Maria mới được khen ngợi.”

  “Người ta kể lại chuyện sau đây về anh bạn Gioan Trẻ : Một ngày kia, anh Gioan nói với anh mình: “Em muốn không bị lo lắng gì cả như các thiên thần. Các thiên thần chẳng làm việc, nhưng không ngừng phụng thờ Thiên Chúa.” Nói đoạn, anh cởi áo choàng và tiến vào sa mạc. Một tuần sau, anh trở về nhà người anh. Anh kêu cửa. Khi ấy người anh nói trước khi mở cửa: “Ai đó?” Người em thưa: “Em là Gioan, em của anh.” Người anh mới nói: “Gioan đã trở thành thiên thần rồi mà. Giờ đây nó không còn sống ở giữa con người nữa.” Khi ấy Gioan khẩn xin và nói: “Chính em đây mà!” Nhưng người anh không mở cửa cho và để người em đang buồn sầu cho tới sáng hôm sau. Sau đó anh mở cửa và nói: “Nếu em là con người thì em phải bắt đầu lao động lại để mưu sinh.” Gioan cúi đầu trước người anh và nói: “Xin tha lỗi cho em.”

  Như vậy kinh nghiệm dạy cho các ẩn sĩ biết lợi ích của lao động thủ công :

     – Trước hết là giúp họ sống hoàn toàn tự lập; điều đó cho phép họ nói sự thật với tội nhân, dù họ là ai, và không nịnh bợ người giàu có.

      – Lao động cũng cho phép họ chia sẻ với những nhu cầu của người khác.

    – Và lao động cùng với sự cầu nguyện là một phương thuốc chống lại sự nguội lạnh (chán nản – acédia) dẫn đưa đến chỗ lười biếng.

  Chính vì thế một ngày kia người ta hỏi ẩn sĩ Jean Trẻ :

  “Đan sĩ là gì?”, trả lời: “Cực nhọc, vất vả.”

  Vất vả ở đây là vất vả của khổ chế và lao động chân tay. Một châm ngôn khác minh chứng điều đó:

  “Người ta hỏi một vị cao niên: ‘Làm sao để được cứu rỗi?’ Vị cao niên đang đan những cọng sậy. Làm việc không ngừng và cũng chẳng thèm ngẩng đầu lên, ông trả lời: “Như anh thấy đó.”

  Vấn đề là làm sao hoà hợp công việc thủ công rất quan trọng đó với sự cầu nguyện liên lỉ mà các ẩn sĩ hướng tới.

  Một vài người tìm kế để cầu nguyện không ngừng, như trong châm ngôn sau đây:

  “Nhiều đan sĩ được gọi là “người cầu nguyện” đến vùng Enaton, nơi Linh phụ Lucius cư trú. Vị cao niên hỏi họ: “Đâu là công việc tay chân của các ông?” Họ nói: “Chúng tôi không làm việc tay chân, nhưng như thánh Tông Đồ dạy, chúng tôi cầu nguyện không ngừng.” Linh phụ Lucius hỏi họ: “Như vậy các vị không ăn uống gì cả sao?” Họ thưa: “Có chứ.” Khi ấy Linh phụ mới nói: “Vậy khi các vị ăn uống thì ai cầu nguyện thay cho các vị?” Ngài còn nói thêm: “Khi các vị ngủ, ai cầu nguyện thế cho các vị?” Họ không thể trả lời được. Khi ấy Linh phụ Lucius nói với các đan sĩ: “Xin lỗi nhé, nhưng các vị đã không làm điều các vị nói. Đây tôi sẽ chỉ cho các vị thấy là tôi không ngừng cầu nguyện khi tôi làm việc chân tay. Tôi ngồi với Thiên Chúa. Tôi tẩm nước vào sợi và tôi kết thành dây. Tôi làm và đồng thời tôi thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, trong tình thương vô biên của Chúa, xin thương xót con. Trong lòng nhân từ hải hà, xin xoá bỏ tội con” (Tv 50). Linh phụ Lucius còn hỏi các đan sĩ: “Như thế không phải là cầu nguyện sao?” Họ thưa: “Có chứ.” Đoạn ngài nói với họ: “Khi suốt ngày tôi làm việc và cầu nguyện, tôi kiếm được khoảng 16 đồng. Tôi đặt hai đồng ngoài cửa và tôi dùng số còn lại. Người nào đó lấy hai đồng và cầu nguyện cho tôi khi tôi ăn hay ngủ. Như vậy, với ơn Chúa giúp, tôi tuân theo huấn lệnh Chúa là cầu nguyện không ngừng.”

  Nhưng giải pháp này hơi ngây thơ và không thỏa mãn mọi người. Những châm ngôn khác đặt vấn đề trên một hướng đúng.

  “Những anh em kể lại chuyện như sau: Ngày kia chúng tôi có mặt nơi những vị cao niên, và, theo như tập quán, chúng tôi cùng ngồi. Sau khi nói chuyện, chúng tôi muốn lên đường và xin cầu nguyện. Một trong những vị cao niên nói: “Sao, anh em đã không cầu nguyện à?” Chúng tôi trả lời: “Thưa cha, khi đến, đã cầu nguyện; nhưng đến bây giờ, chúng con đã nói chuyện.” Vị cao niên nói: “Xin lỗi anh em nhé, nhưng có một anh em cùng ngồi nói chuyện với anh em và đã dâng ba trăm lời cầu nguyện.” Sau khi đã nói điều đó, các ngài đọc lời cầu nguyện và chúng tôi lên đường.”

  “Những vị cao niên kể về một anh em không bao giờ bỏ công việc thủ công và việc cầu nguyện thường xuyên bay lên Thiên Chúa, đó cũng là một người anh em rất khiêm hạ và rất vững vàng trong tình trạng của mình.”

  Điều đó muốn nói rằng bên cạnh những từ ngữ, có một sự cầu nguyện của con tim, một định hướng con tim về Thiên Chúa, có thể là cầu nguyện không lời. Khi tăng thêm những lời nguyện tắt, những đan sĩ này đạt tới một sự cầu nguyện giản đơn, một sự cầu nguyện của con tim. Trái tim lúc đó tỉnh thức. Trong ý nghĩa đó, thánh Basiliô phân biệt “những sự cầu nguyện” và “sự cầu nguyện”. Những sự cầu nguyện xứng đáng ân huệ của cầu nguyện. Ân huệ cầu nguyện này chính là sự cầu nguyện liên lỉ, đó chính là khi đức ái cư ngụ trong trái tim. Chính trong ý nghĩa đó mà chúng ta nghe một châm ngôn ngắn nhưng không kém rõ nét.

  “Một vị cao niên nói: “Nếu một đan sĩ chỉ cầu nguyện khi đứng để cầu nguyện mà thôi, thì người đó chẳng cầu nguyện gì cả.”

3.Kết luận: Những cánh hoa vùng sa mạc

  Những châm ngôn khá đa dạng và nói về những đề tài khác nhau, không thể trình bày cho chúng ta một thần học thống nhất về đời sống đan tu. Nhưng dầu vậy, chúng đặt chúng ta trước chân lý của đời đan tu, và ngay cả đời sống kitô hữu.

  Chân lý của những châm ngôn phát xuất trước hết từ bức tranh vẽ lên con người. Chúng không tìm tô vẽ đẹp hơn chính thực tại. Người ta thấy nơi những đan sĩ đó, có những con người tội lỗi, có những thất bại, có những sụp đổ.

   Con người là tội nhân. Các thánh phụ sa mạc ý thức điều đó và vì thế nhấn mạnh đến khiêm hạ.

  “Một ngày kia, thánh phụ Arsène bị ma quỉ tấn công, chúng quấy rầy ngài. Những môn sinh đến thăm viếng ngài đứng ở ngoài căn lều, họ nghe ngài kêu lên và thưa với Thiên Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi con! Con đã không làm điều gì tốt lành trước thánh nhan Chúa, nhưng trong lòng lân mẫn, xin ban cho con được khởi đầu!”

  Chính bởi vì con người là tội nhân nên các đan sĩ ý thức cuộc chiến chống lại những thế lực sự dữ để thoát khỏi tội lỗi; chính vì vậy họ nhấn mạnh rất nhiều đến sự cởi mở tâm hồn: cuộc chiến không bao giờ được thực hiện một mình; để biết mình con người phải cần đến cái nhìn của người khác; hơn nữa, sự cởi mở tâm hồn còn là nơi ưu biệt của sự từ bỏ chính mình và của sự tăng cường lòng khao khát sống với Chúa.

  Khôi hài cũng gần sát với khiêm hạ, vì người ta không coi mình quá hệ trọng. Những đan sĩ dầy dặn kinh nghiệm này biết khóc tội lỗi mình, nhưng cũng biết dùng những thủ thuật nho nhỏ với chính mình và cười chính mình.

  “Khi các anh em đi thăm Linh phụ Théodore và Linh phụ Lucius về, họ kể: “Các ngài đã trải qua năm mươi năm (nửa thế kỉ) để lừa dối tư tưởng của mình.” Thật vậy, Linh phụ Théodore và Linh phụ Lucius nói rằng: “Sau mùa đông giá rét, chúng ta sẽ rời khỏi nơi đây.” Khi mùa nóng bức đến, các ngài nói: “Sau mùa nóng bức, chúng ta sẽ rời khỏi nơi đây.” Cả hai đều sống qua thời gian bằng cách này. Chúng ta phải tưởng nhớ đến các ngài.”

  “Một anh em phải chiến đấu với một tư tưởng: “Anh hãy đi thăm viếng một vị cao niên”, tư tưởng nói với anh. Nhưng anh cứ lần hồi và nói: “Ngày mai tôi sẽ đi thăm.” Và trong suốt ba năm, anh chiến đấu với tư tưởng này. Cuối cùng anh nói với chính tư tưởng của mình: “Bạn hãy giả thiết rằng bạn đã đến thăm vị cao niên kia; bạn nói với người: “Thưa cha, cha mạnh khoẻ không? Đã từ lâu rồi con muốn đến để nhìn thấy sự thánh thiện của cha”, tiếp theo anh ta lấy một chậu thau, tắm rửa rồi đóng vai vị cao niên và nói: “Người anh em thân mến, anh đã có lòng tốt đến đây, nhưng xin lỗi nhé, anh đã quá cực nhọc vì tôi. Xin Chúa trả công cho anh!” Sau đó người anh em đi làm bếp, ăn uống, và tức khắc anh chấm dứt cuộc chiến.”

  Các đan sĩ cũng biết liên kết sự khôi hài và tình huynh đệ.

  “Một kẻ trộm lẻn vào phòng của một anh em. Người anh em nói: “Hành động lẹ đi trước khi những người anh em đến!”

  Một châm ngôn khác cũng nói lên đức ái.

  “Linh phụ Agathon nói: “Nếu tôi có thể tìm thấy một người cùi để đổi thân xác tôi lấy thân xác của người cùi đó, tôi sẽ vui lòng, vì đó là tình bác ái trọn hảo.”

  Và đây là thái độ bác ái của Linh phụ Poémen.

“Một vài vị cao niên đến gặp Linh phụ Poémen và thưa: “Theo ý ngài, khi chúng con thấy một anh em ngủ gật trong giờ thần vụ, thì có phải lay anh em đó dậy để anh tỉnh thức suốt cả thời gian cầu nguyện?” Linh phụ nói: “Phần tôi, khi tôi thấy người anh em ngủ, tôi sẽ đặt đầu của anh trên đầu gối tôi và tôi dỗ cho anh an giấc nghỉ ngơi.”

  Và đây là câu chuyện hai anh em cùng chung sống với nhau suốt nhiều năm trong cùng một căn lều.

  “Hai vị cao niên cùng sống với nhau suốt nhiều năm, và không bao giờ cãi cọ. Người này nói với người kia: “Chúng ta hãy gây chiến tranh như bao nhiêu người khác đi.” Người kia trả lời: “Tôi không biết gây chiến cách nào.” Người thứ nhất mới nói: “Này nhé, tôi đặt ở giữa một hộp quẹt lửa và tôi nói là của tôi; còn anh, anh nói là của anh”, như thế cuộc chiến sẽ bắt đầu.” Vậy họ cùng đặt hộp quẹt lửa ở giữa, người thứ nhất nói: “Hộp quẹt này là của tôi.” Người kia nói: “Không phải, hộp quẹt là của tôi mà.” Người thứ nhất mới nói: “Nếu là của anh, thì anh hãy lấy và ra đi.” Vậy là họ ra đi mà chuyện gây chiến chẳng đi đến đâu.”

  Điều mà những châm ngôn nói với chúng ta là thật bởi vì chúng đặt chúng ta trước chân lý của sứ điệp Tin Mừng: con người tuy tội lỗi nhưng được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi đến đức ái trọn hảo, đến sự kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng sẽ biến đổi họ, đến sự biến hình, đến sự thần hoá.

  Sự biến hình này đã được nhận thấy nơi họ. Trong một châm ngôn người ta cho chúng ta thấy khuôn mặt rạng ánh quang của thánh phụ Pambô như khuôn mặt của ông Maisen khi từ núi Sinai xuống.

  “Có một người tên là Pambô. Người ta nói về ngài rằng trong suốt ba năm trường ngài đã khẩn xin Chúa: “Xin Chúa đừng làm vinh danh con ở dưới đất này.” Và này Thiên Chúa đã tôn vinh ngài đến nỗi không ai có thể nhìn thẳng vào mặt ngài, vì vinh quang rạng sáng trên khuôn mặt đó.”

  Nhiều châm ngôn khác chỉ cho thấy các ẩn sĩ trở thành như ngọn lửa.

  “Một người anh em đến căn phòng của Linh phụ Arsène ở vùng Scété. Anh nhìn qua cửa sổ. Anh thấy vị cao niên hoàn toàn lửa. Anh gõ cửa, Arsène ra mở cửa. Ngài thấy anh hoàn toàn bị choáng ngợp. Arsène nói: “Con đã gõ cửa lâu rồi phải không? Có phải con đã không nhìn thấy cái gì đó?” Người anh em thưa: “Không.” Khi ấy, Linh phụ Arsène nói chuyện với anh một lúc rồi ngài nói anh lên đường.”

  “Linh phụ Lot tìm Linh phụ Giuse và nói: “Thưa cha, con đọc kinh ngắn gọn. Con ít ăn chay, con cầu nguyện, con suy niệm, con sống trong trầm mặc. Trong mức độ có thể, con cố gắng làm cho tư tưởng con nên tinh tuyền. Con còn phải làm gì hơn nữa?” Linh phụ Giuse đứng dậy. Ngài dang đôi tay lên trời và những ngón tay như mười chiếc đèn cháy sáng. Bấy giờ ngài nói với Linh phụ Lot: “Nếu ngài muốn, hãy trở thành hoàn toàn như ngọn lửa.”

  “Người ta nói về Linh phụ Sisoès rằng khi ngài sắp qua đời, những vị cao niên ngồi gần ngài, khuôn mặt ngài rạng sáng như mặt trời. Và ngài nói với họ: “Này đây thánh Antôn đang đến.” Sau một lúc, ngài nói: “Này đây ca đoàn các ngôn sứ đến.” Khuôn mặt ngài lúc ấy còn rạng sáng hơn nữa và ngài nói: “Này đây ca đoàn các Thánh Tông Đồ đến.” Và đây khuôn mặt ngài sáng gấp đôi như thể ngài đang nói chuyện với những người nào đó. Những vị cao niên hỏi ngài: “Thưa cha, cha nói chuyện với ai vậy?” Ngài nói: “Đấy các thiên thần đến đón tôi, và tôi khẩn xin các ngài để cho tôi làm thêm ít việc đền tội.” Những vị cao niên nói với ngài: “Thưa cha, cha đâu cần phải đền tội đâu!” Nhưng Linh phụ nói với họ: “Hẳn thật, tôi đã không ý thức là mình đã bắt đầu.” Nhưng tất cả đều nhận biết là ngài đã hoàn thiện. Một lần nữa khuôn mặt ngài lại rạng sáng như mặt trời và tất cả cảm thấy sợ hãi. Ngài nói với họ: “Anh em hãy nhìn, này Chúa đến!” Lập tức ngài trút hơi thở. Liền khi ấy có gì như tia chớp, và cả căn nhà tràn ngập mùi hương thơm.”

  Đó là những hình ảnh chỉ cho chúng ta sự thần hóa, sự biến hình của con người đã trở thành linh thánh.

  Để kết luận, một châm ngôn rất ngắn tóm tắt một cách tuyệt vời linh đạo của các Thánh Phụ sa mạc :

“Một vị cao niên nói: công việc của chúng ta là làm cây củi rực cháy.”

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ...

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...