Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

IX. THÁNH BASILIÔ (328-378)

1.Thánh Basiliô và các tác phẩm về khổ chế

a.Thánh Basiliô và môi trường sống

– U tối về phương diện tôn giáo

– U tối về phương diện kinh tế

b.Đời sống thánh Basiliô

– Một gia đình giàu có, đông con và giàu truyền thống Kitô giáo – sinh năm 328 tại Césarée

– “Ơn trở lại” – Sống ẩn dật tại gia, ở Annésis – Ảnh hưởng của Eusthate de Sébaste

– Linh mục – giám mục: công việc nặng nhọc + bối cảnh chính trị và tôn giáo

– Qua đời năm 378 – Công đồng Constantinople 381 (chấm tận lạc giáo Ariô)

2.Nguồn gốc và lịch sử các Bộ Luật của thánh Basiliô

a.Giai đoạn thứ nhất

– Sống cô tịch tại Annésis – môn đệ của Eusthate de Sébaste

– Ý thức những yếu điểm của chủ nghĩa khổ hạnh Eusthate – những vấn đề: bất bình đẳng trong các tầng lớp xã hội, bất hoà trong Giáo hội (nhất là do lạc giáo Ariô gây ra)

– Chu du một vòng Ai-Cập – không thoả mãn – Trở về với Tân Ước

– Vấn nạn “Kitô hữu là gì?” àCác Qui Luật Luân Lý

b.Giai đoạn thứ hai

– Linh mục và Phụ tá Giám mục: Đối diện với vấn đề Eusthate (Encratisme)

– Muốn điều chỉnh phong trào khổ hạnh hỗn loạn trên

– Huynh đoàn các nhà khổ hạnh à Qui Luật (đan tu) Nhỏ

c.Giai đoạn thứ ba

– Giám mục tại Césarée vùng Cappadoce

– Các huynh đoàn phát triển àQui Luật (đan tu) Lớn

 * Qui Luật Luân Lý: thái cử của kitô hữu.

 * Qui Luật (đan tu) Nhỏ: các huynh đoàn nhỏ gồm các kitô hữu sốt sắng.

 * Qui Luật (đan tu) Lớn: các cộng đoàn phát triển, đan tu thực sự.

d.Hiệu quả của việc hình thành :       

Khởi điểm tư duy: Kinh Thánh

– Cải cách một phong trào khổ hạnh sai lạc: nhấn mạnh về một vài điểm:

* Phong trào tách khỏi Giáo hội, coi hơn người khác àĐức ái chiếm vị trí trung tâm.

* Phong trào “vô tổ chức” àNền thần học về bề trên.

* Phong trào khổ hạnh quá độ, nghèo khó phô trương àKhổ hạnh trung dung.

* Phong trào “duy cầu nguyện, bỏ lao động” àMột đạo lý kỹ lưỡng về lao động.

e.So sánh cấu trúc hai Qui Luật Nhỏ và Lớn

– Luật Luân lý

– Luận Đan tu nhỏ

– Luật Đan tu lớn

3.Qui Luật Luân Lý

a.Lời mở: chia rẽ và đối kháng trong Giáo hội – nguyên nhân – tuân phục

b.Thân bài: 1542 câu Kinh Thánh trong Tân Ước

c.Kết (tổng hợp)

– Hình ảnh Kitô hữu: môn đệ Chúa Kitô, con chiên của Chúa Kitô, đền thờ của Thiên Chúa, hiến lễ, con Thiên Chúa, ánh sáng trần gian, muối đất, lời sự sống.

– Hình ảnh người phụ trách: môn đệ Chúa Kitô, thừa tác viên Nước Trời, kiểu mẫu và qui luật của lòng đạo, mắt trong thân thể, mục tử, lang y, cha nuôi, cộng tác viên của Thiên Chúa, tá điền vườn nho của Thiên Chúa, thợ xây dựng đền thờ của Thiên Chúa.

– Tính đặc thù của Kitô hữu.

4.Qui Luật (đan tu) Nhỏ + Lớn

a.Những nguyên tắc căn bản                                          

– Đức ái

– Những động cơ kích thích trong chúng ta tình yêu Thiên Chúa

– Đời sống chung

– Tuân phục

b.Những câu hỏi và trả lời về bất cứ vấn đề gì

– Đức ái

– Chú tâm đến Thiên Chúa

– Đời sống chung

– Tuân phục

——- + ——-

1.Thánh Basiliô và các tác phẩm về khổ chế

a.Thánh Basiliô và môi trường sống

  Thánh Basiliô sống vào thế kỉ thứ tư, thế kỉ bùng phát mạnh mẽ đời đan tu khắp mọi nơi. Ngài sinh ở Césarée trong vùng Cappadocia, trung tâm nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện thời, vào một thời kỳ khá u tối.

– U tối về phương diện tôn giáo: đó còn là thời kỳ của những cuộc bách đạo, nhưng những cuộc bách đạo đó không do những người ngoại đạo mà do những kitô hữu. Thật vậy, hoàng đế là kitô hữu, nhưng lại theo lạc giáo: đó là một người thuộc phái Ariô, một tín đồ thuộc lạc giáo chủ trương Chúa Kitô là một con người tuyệt vời, một siêu nhân, nhưng không phải là Thiên Chúa. Hoàng đế dùng vũ lực ép buộc các kitô hữu còn trung thành với đức tin chân thật phải theo lạc giáo: ông phát lưu các giám mục và giết chết các tín hữu.

– U tối về phương diện kinh tế, đó là một thời kỳ khốn khổ: chỉ có một thiểu số những người sở hữu đất đai và giàu có, trong khi đó những người khác là những người nhỏ bé, quằn quại với sưu thuế và phải làm việc cực nhọc và bị bóc lột. Chế độ nô lệ chưa được bãi bỏ. Thêm vào đó là nạn đói và những cơn dịch: khốn khổ càng chồng chất.

b.Đời sống thánh Basiliô

  Gia đình Basiliô giàu có, nhưng rất ngoan đạo. Bên nội cũng như bên ngoại, đã có những thành viên chịu tử đạo thời các hoàng đế ngoại đạo. Cha ngài cũng mang tên Basiliô, và mẹ là Émmélie. Gia đình đông con nhưng phần đông đã chết khi tuổi còn nhỏ. Ngoài các cô gái, cha mẹ ngài còn có 5 người con trai mà chúng ta biết bốn người: Basiliô, tiếp đến là Naucratius qua đời khá trẻ trong một cuộc săn bắn, Grégoire sẽ là giám mục thành Nysse, và Pierre, giám mục tương lai thành phố Sébaste.

  Người cha, vì là giáo sư, nên muốn các người con trai được học hành tử tế. Ông gởi Basiliô theo học tại Césarée, sau đó tại Athènes, thủ đô trí thức thời đó, nơi đó ngài kết tình bạn với một người cũng tên là Grégoire, sau này trở thành giám mục thành Naziance. Sau khi đã học xong, Basiliô trở về Césarée và dạy tu từ. Người chị thấy Basiliô sống không đúng với tư cách kitô hữu, đã khiển trách mạnh mẽ Basiliô. Basiliô, được ơn thánh tác động (mà sau này ngài gọi là “ơn trở lại”), ý thức điều đó và sống cô tịch ngay trong lãnh địa của gia đình, ở Annésis, với gia đình và bạn hữu, xa cách thế gian, và tất cả đều bị lôi cuốn bởi nếp sống khắc khổ của một nhà diễn thuyết nổi tiếng thời đó là Eusthate de Sébaste.

  Trong khoảng thời gian này, một bản văn đan tu đầu tiên còn lưu lại cho chúng ta, đó là Lá Thư Thứ Hai, viết cho người bạn là Grégoire de Naziance. Đó là lá thư thời trai trẻ: Basiliô trong sự hăng say của một tập sinh vừa cảm nếm được hương vị của những an ủi sâu xa. Một cách có chủ ý, Basiliô mặc cho lý tưởng đan tu của mình những chủ đề rất ư là triết lý và bằng những hình ảnh hùng biện, và ít trích dẫn Kinh Thánh. Chàng muốn chỉ cho thấy lý tưởng khổ hạnh này, bị các bạn hữu xem như là “man rợ”, cũng đã có nơi những hiền triết Hi Lạp và tương ứng với điều họ gọi là païdéia.

  Người ta thấy trong lá thư này một định nghĩa đẹp về cầu nguyện: sau khi nói rằng việc đọc sách phát sinh trong tâm hồn lòng khao khát Thiên Chúa, Basiliô viết tiếp: “Đó là một sự cầu nguyện đẹp mà một tư tưởng sống động về Thiên Chúa in sâu trong tâm hồn, và đó là nhà Thiên Chúa; nghĩa là nhờ ký ức, có Thiên Chúa cư ngụ trong mình. Chúng ta trở nên ngôi đền của Thiên Chúa khi những lo âu trần thế không làm gián đoạn sự liên tục của ký ức này, khi những cảm xúc bất ngờ không làm dao động tâm trí, và khi người yêu mến Thiên Chúa, tránh thoát mọi sự, sống gần gũi với Ngài, thì xua đuổi những ước muốn kích động thói hư và gắn bó với những thực hành dẫn đến nhân đức.”

  Nhưng, xét về khía cạnh tiêu cực, những đoạn văn khác chứng tỏ Basiliô là môn sinh của một thứ khổ hạnh kiểu Eusthate, như trích đoạn sau đây: “Điều đồng hành với tình cảm về sự thấp hèn và khiêm hạ, đó là con mắt u buồn và cúi gầm xuống đất, một bề ngoài cẩu thả, mái tóc bẩn thỉu, áo quần nhớp nhúa.” Nhưng sau này, Basiliô sẽ trở lại vấn đề này với một quan điểm khác xa Eusthate.

  Nhưng chẳng may, Basiliô không thể an hưởng lâu sự cô tịch này. Giám mục Eusèbe, chú ý đến Basiliô, nên phong chức linh mục và sau ba năm đặt làm giám mục phó. Năm năm sau, Giám mục Eusèbe qua đời và giám mục Basiliô lên kế vị tại Césarée. Công việc nặng nhọc vì phải đối diện với biết bao khó khăn xảy ra trong bối cảnh chính trị và tôn giáo, và vì tính khí bi quan vì một phần do đau gan, nên ngài cảm thấy nặng nhọc. Vì chống lại mọi người, Basiliô sẽ là một giám mục lớn, hết sức chống lại lạc giáo Ariô và đối kháng với nhu cầu của những người quyền thế của thế gian. Ngài qua đời năm 378 mà không nhìn thấy thành quả những nỗ lực của mình, bởi vì công đồng Constantinople vào năm 381 đã chấm tận một cách dứt khoát sự bành trướng của lạc giáo Ariô.

2.Nguồn gốc và lịch sử các Bộ Luật của thánh Basiliô

a.Giai đoạn thứ nhất

  Chúng ta gặp lại Basiliô vào khoảng thời gian sống cô tịch tại Annésis, trong cái sôi nổi của tuổi trẻ, môn đệ nhiệt tình của nhà khổ hạnh hăng nồng Eusthate. Vị ẩn sĩ này bị theo đuổi một thứ khổ hạnh nghiêm khắc và thích phơi bầy cho quần chúng chiêm ngưỡng. Basiliô theo ông thời gian đầu như chúng ta vừa thấy, nhưng vì được trang bị một lương tri vững chắc, Basiliô không bao lâu sau đã ý thức được những điểm yếu của thứ khổ hạnh quá đáng này. Vả lại, Basiliô nhận thấy khắp nơi những vấn đề xảy ra chung quanh: sự bất bình đẳng của các tầng lớp xã hội, và nhất là những cuộc tranh cãi và bất hoà ngay trong lòng Giáo hội, nhất là do lạc giáo Ariô.

  Để thấy vấn đề rõ hơn, Basiliô đi một vòng Ai-Cập. Nhưng sự điều tra này không làm cho Basiliô thoả mãn: ngài thấy rằng tất cả không là lý tưởng nơi các đan sĩ này. Và vì thế, ngài có tư tưởng trở về với Tân-Ước và tự hỏi: Kitô hữu là gì? Trở về Annésis, ngài viết ra những đoạn văn Tân Ước trả lời cho vấn nạn trên; và đó là tác phẩm đầu tiên của ngài: Các Bộ Luật Luân Lý, là bộ luật duy nhất, đối với ngài đáng mang tên là luật vì gởi đến tất cả các kitô hữu, vì Tân Ước thật là Luật của kitô hữu.

b.Giai đoạn thứ hai

  Bây giờ Basiliô là linh mục, tiếp đến là giám mục phó. Vị mục tử này phải đối diện với bao khó khăn, trong đó có vấn đề của Eusthate; phái khổ hạnh của ông còn cứng rắn hơn trước. Ông trình bày sự độc thân và nghèo khó hoàn toàn như là những điều kiện lý tưởng của đời sống kitô giáo, đến nỗi lôi kéo nhiều người đã lập gia đình, những kẻ bị nợ nần và cả những nô lệ vượt thoát khỏi khuôn khổ xã hội đè nặng trên họ. Những môn sinh của Eusthate dễ nhận biết do mặc những bộ áo quần tồi tàn, biểu tượng quá rõ ràng của sự từ bỏ trần gian. Người ta gọi phái khổ hạnh quá đáng này là “encratisme”, từ tiếng Hi Lạp là Egkratéia: tiết chế, kiêng kỵ.

  Tóm lại, Eusthate là cha thiêng liêng của những nhóm nhà tu khổ hạnh có thiên chiều messalien (như chúng ta thấy trong cuộc du hành trước kia). Basiliô muốn điều chỉnh phong trào khổ hạnh nhiệt thành nhưng hỗn loạn này. Ngài sẽ là tay lái của chiếc xe đua không định hướng này. Với một sự khôn khéo tuyệt vời, ngài dựng lại phong trào và đưa nó vào những chuẩn mực của Phúc Âm mà ngài viết trong Những bộ Luật Luân Lý.

  Với vai trò phụ giúp giám mục của mình, ngài đi làng này sang làng khác. Ban ngày dạy giáo lý cho dân chúng, chiều đến, ngài ngỏ lời với lớp thính giả chọn lọc, là những người nhiệt thành: đó là những huynh đoàn các nhà khổ hạnh. Ngài thu phục lòng tin tưởng nơi họ và họ hỏi ngài. Basiliô trả lời họ trong tinh thần tìm kiếm trước kia: Những Bộ Luật Luân Lý. Như vậy, nhờ Kinh Thánh, ngày lại ngày, những nghi ngờ và những khó khăn tổ chức, và một sự cải cách lan toả một cách ẩn kín giữa những nhóm nhà khổ hạnh đã bị ảnh hưởng của Eusthate. Những cuộc đối thoại tự phát này góp lại tới con số 200, tạo thành một “Qui luật nhỏ”.

c.Giai đoạn thứ ba

  Sau đó, các cộng đoàn phát triển; đó là những huynh đoàn quan trọng và có một tổ chức nội bộ và một sự ổn định cho thấy rõ nét sự khác biệt với toàn thể cộng đoàn dân kitô. Vả lại, Basiliô đã trở thành giám mục, và những ngày hè lạnh giá ở vùng Cappadoce bắt buộc người ta phải ở lại nhà, và vì thế có nhiều thời gian rảnh rỗi. Như vậy ngài coi lại bản thảo đầu tiên, sắp xếp lại theo nhu cầu của sự phát triển các cộng đoàn, bổ sung thêm bằng những đoạn văn mới. Bản văn thứ hai này được gọi là Qui luật lớn.

  Công trình của Basiliô với tư cách là nhà lập luật đan tu, được thực hiện suốt cả đời sống và dưới sức ép của những hoàn cảnh, nếu chúng ta nói được như vậy. Bộ luật gồm ba tác phẩm lớn: Những Luật Luân Lý nơi ngài phân tích thái cử của kitô hữu; Qui Luật Nhỏ, nhắm tới những cộng đoàn nhỏ gồm các kitô hữu sốt sắng; Qui Luật Lớn được sử dụng trong các cộng đoàn phát triển và trở thành những cộng đoàn đan tu thực thụ.

  Như vậy, ba giai đoạn hình thành các “Bộ Luật” tương ứng với ba giai đoạn của sự phát triển khổ hạnh:

d.Hiệu quả của việc hình thành

  Công trình đan tu của thánh Basiliô có hai đặc tính, là hai hiệu quả do sự hình thành của nó:

– Khởi điểm của sự tư duy của ngài là SÁCH THÁNH, được kiểm kê trong Luật Luân Lý. Tất cả tư tưởng của ngài hướng theo trục Kinh Thánh, đặc biệt là Tân Ước, được coi như luật của kitô hữu.

– Thánh Basiliô muốn cải cách một phong trào khổ hạnh có những đặc tính và những sai lệch của nó. Và vì thế, ngài NHẤN MẠNH VỀ MỘT VÀI ĐIỂM, để chữa trị những yếu điểm:

* Những đồ đệ của ông Eusthate thành lập một phong trào thiêng liêng có khuynh hướng tách biệt khỏi Giáo hội và coi mình trổi vượt hơn những người khác. Chính vì thế, trong các trước tác của mình, thánh Basiliô không sử dụng từ “đan sĩ”, nhưng là “anh em” hay “kitô hữu”. Đối với ngài, đan sĩ không phải là người tách biệt, nhưng là một kitô hữu muốn sống tròn đầy đức tin của mình. Vả lại, từ “đan sĩ’ có nghĩa là “một mình” (cô đơn, cô liêu…), đó là thêm một lý do để không dùng từ này. Ngài còn nói nơi khác rằng con người không phải là “con vật đan tu”, qua đó muốn nói rằng con người không được tạo dựng để sống một mình.

  Lại nữa, vì rằng đức ái chiếm một vị trí trung tâm nơi ngài, nên người ta ít tìm thấy những sự nhiệt tình thần bí trong các tác phẩm đan tu. Trái lại có nhiều hơn trong các bài giảng cho dân chúng.

* Trước một phong trào “vô chính phủ” (lộn xộn), thánh Basiliô lo lắng việc cấu trúc các cộng đoàn không hình thể này bằng cách đặt những người thủ lãnh. Dù rằng không tìm thấy từ “bề trên”, nhưng trong các văn bản đan tu, và nhất là trong Qui luật lớn, có tất cả một nền thần học về người bề trên.

* Đó là một phong trào khổ hạnh quá độ, nhất là những gì liên quan đến sự nghèo khó quá phô trương. Vì thế mà thánh Basiliô ít nói đến nghèo khó, và thứ khổ hạnh ngài trình bày có tính trung dung (vừa phải).

* Cuối cùng, trong phong trào này bắt đầu tỏ lộ những khuynh hướng “duy cầu nguyện” với khẩu hiệu: “Không làm việc, chỉ cần cầu nguyện.” Để phản ứng lại, mặc dầu thánh Basiliô là con người cầu nguyện như được minh chứng trong toàn bộ công trình trước tác của ngài mà có thể kết thành một đạo lý về cầu nguyện, ngài rất ít đề cập đến cầu nguyện trong các Bộ Luật. Trái lại, rất hiếm thấy một Giáo Phụ nào soạn thảo một đạo lý khá kĩ lưỡng về lao động tay chân như ngài.

e.So sánh cấu trúc hai Qui Luật Nhỏ và Lớn

  Luật thánh Basiliô bao gồm ba bộ luật: Luật Luân Lý, Qui luật nhỏ, Qui luật lớn.

Bộ Luật Luân Lý, cũng như lá thư thứ hai, được viết trong thời gian thánh Basiliô ở tại Annésis: đó là một loại điều tra khởi từ Tân Ước: “Đời sống kitô hữu là gì dưới ánh sáng của Tin Mừng?” Đó là tập những trích đoạn Kinh Thánh: đó là những luật lệ mà Phúc Âm trao ban cho bất cứ kitô hữu nào muốn sống đúng với đức tin của mình.

Luật Đan tu nhỏ. Đó là 203 câu trả lời những vấn nạn do những cộng đoàn gồm các kitô hữu sốt sắng, suốt thời gian mà Basiliô mới là linh mục hay làm phụ tá vị giám mục của mình. Trong ba tác phẩm của thánh Basiliô, thánh Biển Đức chỉ biết đến Qui luật nhỏ này, vì do ông Ruffinô dịch ra tiếng Latinh. Bộ luật này đã ảnh hưởng đến tu luật Biển Đức.

Luật Đan tu lớn được viết sau khoảng 8 đến 10 năm. Thánh Basiliô lúc đó đã là giám mục và muốn tổ chức chặt chẽ hơn nữa những cộng đoàn gồm các kitô hữu nhiệt thành, ngày càng phát triển. Ngài sử dụng lại Qui luật nhỏ và bổ túc để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Qui luật lớn gồm Những Luật Lớn và Những Luật dài với con số là 55 mà chúng ta có thể phân biệt hai giai đoạn trước tác, và những Luật ngắn hay Nhỏ với con số là 313.

* So sánh cấu trúc của hai Qui Luật NHỎ và LỚN

  Bảng biểu trên cho thấy cả hai Bộ Luật đều có chung một cấu trúc bắt đầu bằng việc trình bày đạo lý khổ chế. Đó là những nguyên tắc căn bản. Tiếp đến là những câu trả lời các vấn nạn do anh em nêu lên.

  Qui luật lớn và Qui luật nhỏ:

  Những Luật Dài gồm hai phần: những chương 1 đến 23 lấy lại những nguyên tắc căn bản của đời sống kitô hữu đã được trình bày trong Qui luật nhỏ. Những chương tiếp đến (24-55), không có trong Qui luật nhỏ. Đó là những bổ sung sau này cần thiết cho việc tổ chức các cộng đoàn mà nhân số càng tăng; những luật này có tính “đan tu”, trong đó khía cạnh thực hành được nêu lên như di chuyển, hoạt động, kỷ luật. Dành một chỗ khá lớn cho bề trên, nhất là từ số 45 đến 55, là những bổ sung về sau. Như vậy, càng tiến tới trong thời gian, càng cảm thấy cần thiết một bề trên và vai trò càng được xác định.

  Những luật ngắn tương ứng với phần cuối của Qui luật nhỏ, đó là những câu hỏi và trả lời theo kiểu “cò nhảy”, đụng đâu nói đó, không có dàn bài rõ ràng, mặc dầu cũng có thể xếp một vài nhóm theo chủ đề.

3.Qui Luật Luân  Lý

  Bây giờ chúng ta đọc vài bản văn để thấy tư tưởng của thánh Basiliô phát triển ra sao. Trước hết là Lời Mở Đầu của Bộ Luật Luân Lý chỉ cho thấy nền tảng và tiến trình của Bộ Luật này. Toàn bộ hướng về phần kết luận nơi thánh Basiliô phác hoạ chân dung của kitô hữu.

  Trong Lời Mở, thánh Basiliô nói đến những chia rẽ và đố kỵ trong Giáo hội. Nguyên nhân chính là vì Thiên Chúa bị quên lãng và bị bỏ rơi. Hình ảnh đàn ong sống chung quanh con ong chúa cho thánh Basiliô nhận ra rằng sự vâng lời là một nhân tố nối kết, vì ở đâu có chia rẽ là nơi đó có sự bất tuân phục, và nơi đâu có sự bất tuân phục là vì có sự vô minh.

  Vậy phải làm sao với hiện trạng trong Giáo hội? Thánh Tông Đồ chỉ cho biết là Giáo hội, nơi hiệp nhất và bình an khi Giáo hội được Chúa Kitô ngự trị. Chính ngay trong đời sống Ba Ngôi cũng đã có sự tuân phục. Kết luận thứ nhất là Giáo hội phải tìm lại sự bình an và hiệp nhất. Để được như thế, không ai được tìm ý riêng, nhưng tất cả phải tìm ý Chúa Kitô trong cùng một Chúa Thánh Thần. Kết luận thứ hai là mỗi người phải đáp trả bằng chính hành động của mình. Và kết luận thứ ba có tính thực hành là tôi sẽ tìm trong Kinh Thánh điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa và điều gì làm mất lòng Người, để làm điều vui lòng và tránh điều mất lòng.

  Thân bài của tác phẩm này là tập hợp các trích đoạn Tân Ước xếp theo chương. 1542 câu Tân Ước được thống kê và xếp đặt. Tác phẩm kết thúc bằng một tổng hợp nơi thánh Basiliô tập hợp hoa trái căn bản của tư duy của mình và là trọng tâm của chính đời kitô hữu.

  Bản tổng hợp này chính là chương 80, gồm ba phần: phần thứ nhất phác họa, dưới nhiều hình ảnh và dựa trên Kinh Thánh, hình ảnh của kitô hữu: môn đệ Chúa Kitô, con chiên của Chúa Kitô, cành nho của Chúa Kitô, chi thể của Chúa Kitô, hiền thê của Chúa Kitô, đền thờ của Thiên Chúa, hiến lễ, con Thiên Chúa, ánh sáng trần gian, muối đất, lời sự sống. Phần thứ hai thánh Basiliô miêu tả “làm sao Kinh Thánh muốn người được giao trọng trách giao giảng Tin Mừng phải là gì: môn đệ của Chúa Kitô, thừa tác viên Nước Trời, kiểu mẫu và qui luật của lòng đạo, mắt trong thân thể, mục tử, lang y, cha nuôi, cộng tác viên của Thiên Chúa, tá điền vườn nho của Thiên Chúa, thợ xây dựng đền thờ Thiên Chúa. Trong phần thứ ba, đó là kết luận của việc điều tra của mình, thánh Basiliô định nghĩa tính đặc thù của kitô hữu.

Luật Luân Lý 80 (kết)

  1).Điều gì là tính đặc thù của kitô hữu? Đó là đức tin hoạt động nhờ đức ái. Đâu là tính đặc thù của đức tin? Đó là một niềm tin vững mạnh trong chân lý của những lời được Thiên Chúa linh ứng, một đức tin mà không lý luận nào, dù xây dựng trên luật tự nhiên hay trên dáng vẻ bề ngoài của lòng đạo đức, làm lung lay được. Đâu là tính đặc thù của người tin? Đó là được cảm kích bởi một xác tín rằng những từ ngữ được sử dụng có một ý nghĩa, rằng người ta không dám thêm hay bớt gì vào những lời đó. Vì tất cả những gì không phát xuất từ đức tin là tội lỗi, như thánh Tông Đồ đã nói (Rm 14, 23); mà đây đức tin đến do nghe rao giảng, mà lời rao giảng chỉ được thực hiện bằng Lời của Chúa Kitô (Rm 10, 17), như vậy tất cả những gì nằm ngoài Kinh Thánh linh ứng, vì không đến từ đức tin, đều là tội lỗi.

  Điều gì là tính đặc thù của người yêu mến Thiên Chúa? Đó là tuân giữ các giới răn của Người để tôn vinh Người. Đâu là tính đặc thù của tình yêu tha nhân? Đó là không tìm tư lợi, nhưng lợi ích của người mình yêu, về phần hồn cũng như phần xác.

  2).Điều gì là tính đặc thù của kitô hữu? Đó là được tái sinh bằng nước và Thánh Thần qua phép thánh tẩy. Điều gì là đặc tính của người được sinh ra bởi nước? Như Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi, kitô hữu cũng chết và vô cảm đối với tội lỗi, như có lời viết: “Tất cả chúng ta đã được thanh tẩy trong Chúa Kitô Giêsu, thì chính trong sự chết của Người mà chúng ta được thanh tẩy. Như vậy, chúng ta đã được mai táng cùng Người trong phép thánh tẩy. Ý thức được con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh với Người, để thân xác nô lệ tội lỗi này bị huỷ diệt đi, và để chúng ta không bao giờ nô lệ tội lỗi nữa.”

  Điều gì là đặc tính của người sinh bởi Chúa Thánh Thần? Đó là được tái sinh, trong mức độ được trao ban, như có lời viết: “Điều sinh bởi xác thịt là xác thịt; điều sinh bởi Thánh Thần là tinh thần.”

  Điều gì là đặc tính của người được sinh ra lần thứ hai? Đó là cởi bỏ con người cũ với những hành vi và những dục vọng của nó và mặc lấy con người mới, con người đã được canh tân trong sự hiểu biết, theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá (Col 3, 9), như có lời viết: “Anh em đã được thanh tẩy trong Chúa Kitô, anh em đã được mặc lấy Chúa Kitô.” (Gal 3, 27)

  3).Điều gì là đặc tính của kitô hữu? Đó là tự thanh luyện trong máu Chúa Kitô khỏi tất cả những ơ uế của thân xác và tinh thần, và hoàn thành công cuộc thánh hoá trong lòng kính sợ Thiên Chúa và tình yêu Chúa Kitô (2Cr 7,1) là không “vết bẩn, vết nhăn, không gì như thế”, nhưng thánh thiện và không bị chê trách (Ep 5, 27), và như thế ăn mình Chúa Kitô và uống máu Người. “Vì kẻ ăn và uống cách bất xứng, thì ăn và uống chính sự lên án của mình.”

  Điều gì là đặc tính của những người ăn bánh và uống máu Chúa Kitô? Đó là luôn giữ ký ức mình về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Điều gì là đặc tính của người luôn nhớ như vậy? Đó là “những người không sống cho chính mình nữa, mà sống cho Người đã chết và sống lại vì mình.” (2 Cr 5, 15)

  4).Điều gì là đặc tính của Kitô hữu? Đó là trong mọi sự, sự công chính của họ vượt qua sự công chính của những kinh sư và biệt phái (Mt 5, 20), như Chúa đã dạy trong Tin Mừng. 

  Điều gì làm nên đặc tính của kitô hữu? Đó là yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta (Ep 5,2).

  Điều gì là đặc tính của kitô hữu? Đó là luôn chiêm ngưỡng Chúa trước mắt (Tv 15, 8).

  Điều gì là đặc tính của kitô hữu? Đó là canh chừng mọi ngày mọi giờ, và sẵn sàng sống hoàn thiện, điều đẹp lòng Thiên Chúa, vì Chúa đến vào giờ không ngờ (Lc 12, 40).

4.Qui Luật (đan tu) Nhỏ + Lớn

a.Những nguyên tắc căn bản                                          

a).Đức ái (trích 1)

Tam đoạn luận: Chúng ta nhận được một sức mạnh hướng chúng ta về phía tình yêu. Mà Thiên Chúa đáng yêu vô cùng, vì Ngài tốt lành và tuyệt mỹ. Nên chúng ta phải yêu mến Ngài và chúng ta không thể bào chữa nếu không yêu mến Ngài.

– Mầm đức ái chỉ được phát triển nếu được chăm sóc trong “trường học các huấn lệnh của Thiên Chúa”.

– “Vết thương tình ái” (Origène).

– Thiên Chúa là Cha và Mẹ chúng ta.

– Ân huệ của Chúa: vì Ngài là Đấng Tạo Hoá, là Đấng Cứu Độ, qua Nhập Thể và Khổ Nạn, chúng ta được hưởng ân huệ trên cao nơi chúng ta sẽ được thần hoá.

– Kết luận quân bình.

→ Áp dụng tình yêu đối với tha nhân điều nói về tình yêu Thiên Chúa  (t.2)

– Con vật xã hội – Thiên Chúa gieo mầm trong chúng ta: tình yêu.

– Yêu Chúa, yêu tha nhân ( gương tổ phụ Maisen và thánh Phaolô).

 b).Những động cơ kích thích trong chúng ta tình yêu Thiên Chúa

– Lòng kính sợ Chúa (t.3): Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan, lòng biết ơn.

– Chú tâm đến Thiên Chúa (t.5): làm đẹp lòng Chúa – an tĩnh – gìn giữ tâm trí – nhớ Chúa, tỉnh thức, tuân giữ giới răn Chúa…

– Sống cô tịch (t.4): tập trung tư tưởng – hệ quả của lòng kính sợ Chúa – nhận biết mình.

c).Đời sống chung: phong phú về đời sống chung – chống cuộc sống ‘cô đơn’, ‘độc tu’.

– Không thể tự túc về vật chất, không lo riêng mình → cần đến nhau, yêu thương.

– Khó biết sai lỗi của mình → được người khác nhắc bảo, chữa trị.

– Khó tuân giữ nhiều giới răn → đời sống chung cho phép thực hành nhiều việc bác ái.

– Lo thỏa mãn đời sống riêng tư  → thân thể Chúa Kitô.

– Không thể lãnh nhận hết các đoàn sủng → sức mạnh Thánh Linh cho một người trở thành sức mạnh cho mọi người.

– Dễ bị sa cạm bẫy bên ngoài → nhiều người tỉnh thức, đa số thức tỉnh.

– Dễ tự mãn, tưởng mình hoàn thiện → toàn hảo của đức ái, chiến đấu liên tục, tập dợt luôn luôn = cộng đoàn.

d).Tuân phục (t.7, 8, 9)

– Nền tảng của tình yêu.

– Đối tượng: đạo lý của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh, bề trên.

– Tâm trạng: khiêm hạ, muốn làm đẹp lòng Chúa.

– Mức độ: “Luôn hướng tâm trí tới ý muốn của Thiên Chúa, hướng nhìn và ao ước làm vinh quang Người”.

b.Những câu hỏi và trả lời về bất cứ vấn đề gì

  Qui luật nhỏ gởi tới những kitô hữu muốn sống sâu xa đời kitô hữu của mình. Thánh Basiliô trao cho họ những nguyên tắc giúp sống như thế.

  Những nguyên tắc căn bản chung cho hai Bộ Luật có tầm quan trọng đặc biệt. Qua đó thánh Basiliô cho chúng ta thấy đan sĩ là gì dưới con mắt của ngài. Bộ Luật này đã được ông Ruffinô dịch ra tiếng Latinh.

  Nơi nền tảng tư tưởng của thánh Basiliô trước tiên là Đức Ái – duy nhất và kép. Điều này dẫn tới việc tôn kính Thiên Chúa và chú tâm đến Người. Đức ái cũng kéo theo sự rút lui khỏi trần gian, và để được giúp đỡ, chúng ta đến sống với những anh em cũng được linh hoạt bởi cùng một ý định: yêu mến Chúa trên tất cả mọi sự.

  Đó là phần thứ nhất của những nguyên tắc căn bản (1-3).

  Phần thứ hai: để cho tình yêu này hữu hiệu, phải từ bỏ chính mình như Tin Mừng khuyên nhủ và theo gương Chúa Kitô, và thực hành sự tiết chế (4-11).

  Tất cả những nguyên tắc cơ bản này đều xuất phát từ đức ái, là nguyên lý thứ nhất, và móc nối với nhau trong một trật tự logic. Chúng ta sẽ đọc vài trích đoạn liên quan đến: đức ái, chú tâm đến Thiên Chúa, cuộc sống chung.

a).Đức ái

  Luật số 2 liên quan đến đức ái là trung tâm điểm của tư tưởng Basiliô. Đó là những trang tuyệt vời tỏ cho thấy con tim của một vị thánh đã được kích thích bởi tình yêu Thiên Chúa.

  Chúng ta có thể phân biệt hai phần :

  Phần thứ nhất nhắc đi nhắc lại sự kiện rằng tình yêu Thiên Chúa đã được trao ban cho chúng ta: đó là một hạt giống cần được phát triển. Do đó, người ta có thể nói rằng tất cả mọi hữu thể đều hướng về Thiên Chúa.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Antôn – Môn đệ của Đức Kitô

Antôn - Môn đệ của Đức Kitô Tủ sách Biển...

Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại

          Chú Quỷ Ban Trưa và Cơn...

Đan sĩ – Nhà truyền giáo

    Đan Sĩ - Nhà Truyền Giáo M. Hương Yến, PH  ...

Linh phụ Arès – Lời thích hợp cho một thầy dòng

Linh Phụ Arès  Lời Thích Hợp Cho Một Thầy Dòng Tủ...

Lời Giáo Huấn Của Các Tổ Phụ Sa Mạc

 ACHILLE Chiến đấu đến đổ máu để giữ được...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại

          Chú Quỷ Ban Trưa và Cơn Cám Dỗ Thời Đại FM. Thomas Nguyễn Văn Giang Khởi đầu đan tu trào Kitô giáo gắn...

Linh phụ Arès – Lời thích hợp cho một thầy dòng

Linh Phụ Arès  Lời Thích Hợp Cho Một Thầy Dòng Tủ sách Biển Đức - Xitô   Linh phụ Abraham vừa gặp linh phụ Arès. Họ đang...

Antôn – Môn đệ của Đức Kitô

Antôn - Môn đệ của Đức Kitô Tủ sách Biển Đức - Xitô Vào khoảng năm 270, Antôn - một thanh niên 18 tuổi người Ai...

Viện phụ Agathon – Tỉnh thức nội tâm

  Viện phụ Agathon

Lời Giáo Huấn Của Các Tổ Phụ Sa Mạc

 ACHILLE Chiến đấu đến đổ máu để giữ được tình yêu thương anh em   Tủ sách đan tu Biển Đức - Xitô        ...

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...