Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

* TRÍCH VÀI ĐOẠN VĂN TRONG QUI LUẬT ĐAN TU THÁNH BASILIÔ

QUI LUẬT LỚN

Bản văn 1

  Câu hỏi 2: Về lòng mến Chúa. Tự nhiên, con người mang trong mình khuynh hướng và khả năng chu toàn các giới răn của Chúa. Trước hết, xin cha nói cho chúng con về lòng mến Chúa. Đành là phải mến Chúa, nhưng mến Ngài cách nào? Đó là điều chúng con muốn biết.

  Trả lời:

  Lòng mến Chúa không phải nhờ dạy mới biết. Không ai dạy chúng ta thích ngắm nhìn ánh sáng và quý mạng sống hơn hết mọi sự. Cũng không ai dạy chúng ta yêu những người đã sinh thành, dưỡng dục chúng ta.

  Cũng vậy, hay đúng hơn, không phải sự giáo huấn từ bên ngoài dạy chúng ta mến Chúa. Trong chính bản tính của sinh vật – tôi muốn nói con người, dường như có ghép vào một cái mầm chứa đựng nguồn gốc của khả năng yêu mến ấy. Chính học đường chuyên giảng dạy về giới răn Thiên Chúa có nhiệm vụ thu nhận cái mầm ấy, siêng năng vun quén nó, chăm lo nuôi dưỡng nó và đưa nó tới tình trạng phát triển với sự trợ lực của ơn Chúa.

  Tôi khen ngợi lòng nhiệt thành của thầy, đó là điều kiện cần thiết để đạt mục đích; về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ tuỳ khả năng Chúa Thánh Linh ban cho, với sự trợ lực của Thiên Chúa và lời cầu nguyện của thầy mà cố gắng khơi động tia lửa mến Chúa ẩn giấu trong thầy.

  Phải biết rằng đức ái là một, nhưng bao hàm hết mọi giới răn ở trạng thái tiềm thể; “Bởi vì ai yêu Ta – Thiên Chúa phán – là chu toàn các giới răn của Ta”[1], và Ngài còn nói: “Tất cả lề luật và các sách ngôn sứ đều chứa đựng trong hai giới răn ấy.”[2]

  Chúng tôi không muốn biện luận tỉ mỉ về lời quả quyết ấy, sợ rằng vô tình sẽ đưa ra cả một bài khảo luận về các nhân đức. Chúng tôi chỉ theo khả năng riêng và theo mục đích đòi hỏi mà nhắc nhở thầy về lòng kính mến thầy phải có đối với Thiên Chúa.

  Trước hết chúng ta hãy nêu tiền đề này: chúng ta đã được nhận lãnh ở Thiên Chúa cái khuynh hướng tự nhiên làm những điều Ngài truyền nên không thể phản kháng như thể Ngài đòi hỏi chúng ta một chuyện phi thường, cũng không thể lên mặt kiêu căng như thể chúng ta mang lại cái gì to lớn hơn cái đã ban cho chúng ta. Sử dụng ngay thẳng và xứng hợp những sức mạnh ấy là một cách sống thánh thiện trong nhân đức. Trái lại, khi chúng ta làm cho các sức mạnh ấy lệch hướng, không đạt tới cứu cánh của chúng, tất chúng ta sẽ bị lôi cuốn vào sự dữ.

  Thực vậy, nết xấu được định nghĩa là sự lạm dụng trái với các giới răn Thiên Chúa, những khả năng Ngài ban cho chúng ta để làm lành và do đó, nhân đức mà Thiên Chúa buộc chúng ta thực hiện, được định nghĩa là: sự sử dụng đúng đắn những khả năng ấy theo mệnh lệnh của Thiên Chúa.

  Vì lẽ đó, chúng ta cũng có thể nói như vậy về đức ái.

  Khi nhận lãnh giới răn yêu thương do Thiên Chúa ban, chúng ta cũng được nhận lãnh ngay từ đầu, cái khả năng yêu thương một cách tự nhiên.

  Không phải do từ ngoài mà chúng ta biết tình yêu; mỗi người có thể ý thức được điều đó tự mình và trong mình, vì lẽ chúng ta tự nhiên tìm cái đẹp, mặc dù quan niệm về vẻ đẹp của người này khác người kia; không cần ai dạy, chúng ta cũng biết yêu những kẻ kết thân với chúng ta hoặc do huyết thống hay hôn nhân. Sau hết, chúng ta sẵn sàng bày tỏ hảo ý đối với những kẻ làm ơn cho chúng ta.

  Nhưng có gì tuyệt vời hơn vẻ đẹp Thiên Chúa? Người ta có thể quan niệm được cái gì có khả năng làm thoả mãn chúng ta hơn vẻ huy hoàng của Thiên Chúa? Ước nguyện nào nồng nàn và mãnh liệt bằng nỗi khát khao do Thiên Chúa khơi lên trong linh hồn đã gột sạch hết mọi nết xấu và kêu lên với một xúc động chân thành: “Tình yêu đã làm tôi bị thương.”[3]

  Tuyệt vời và kỳ diệu thay là cái tia sáng của vẻ đẹp Thiên Chúa! Lưỡi khôn nói ra, tai khôn nghe được. Dù là ánh sáng sao mai, mặt trăng, mặt trời, những thứ này đều không xứng đáng tiêu biểu cho vinh quang của Ngài. Và, sánh với ánh sáng chân lý, những thứ ấy còn kém xa, xa hơn khoảng cách giữa đêm sâu, buồn bã, tăm tối và lúc đúng ngọ trong sáng nhất.

  Vẻ đẹp ấy, mắt xác thịt không sao xem thấy được, chỉ linh hồn và trí khôn mới lãnh hội được. Vẻ đẹp ấy, mỗi lần chiếu sáng các thánh là để lại trong lòng họ một ước vọng vô cùng mãnh liệt đến nỗi họ chán ngán cuộc sống đời này và kêu lên: “Khốn thân tôi, vì cuộc lưu đầy tôi cứ kéo dài mãi!”[4] “Bao giờ tôi mới đi chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa?”[5] Và, “Tôi muốn tan biến và ở cùng Chúa Kitô.”[6]  “Linh hồn tôi khát khao Thiên Chúa quyền năng và hằng sống.”[7] Cuối cùng: “Lạy Chúa, giờ đây xin cứu thoát tôi tớ Chúa.”[8] Đối với các đấng ấy, cuộc sống này chẳng khác gì một nơi giam cầm mà họ phải nhọc nhằn chịu đựng nên không kìm hãm được những cơn khát mong Thiên Chúa bừng dậy trong lòng. Không bao giờ chiêm ngưỡng no thoả vẻ đẹp của Thiên Chúa, các đấng ấy nài xin cho sự nhìn nhắm vẻ huy hoàng Thiên Chúa kéo dài trong cuộc sống đời đời.

  Như vậy, tự nhiên con người khát mong cái đẹp. Nhưng cái gì thiện hảo cũng cực kỳ xinh đẹp, khả ái. Mà Thiên Chúa thiện hảo, nên mọi người đều tìm kiếm Đấng thiện hảo, nên mọi người đều tìm kiếm Thiên Chúa.

  Do đó, nên linh hồn chúng ta không bị sự dữ làm cho ra xấu xa, đồi bại, tất sự lành chúng ta làm, có nguồn gốc của nó trong chính chúng ta. Như vậy, chúng ta buộc phải dâng tình yêu ấy lên Thiên Chúa như một bổn phận nghiêm nhặt. Tuy nhiên thiếu mất nó là tai họa lớn lao nhất của linh hồn, bởi sự xa cách, thù ghét Thiên Chúa là hình phạt khủng khiếp nhất trong các hình phạt ở hoả ngục, và dù không phải chịu thêm đau khổ nào nữa thì hình phạt ấy cũng rất nặng nề, nặng nề hơn sự mù loà đối với đôi mắt và sự chết đối với sinh vật.

  Nếu lòng con cái yêu thương cha mẹ là một tâm tình tự nhiên, bộc lộ trong bản năng loài vật và trong khuynh hướng con người ngay từ lúc ấu thơ thì chúng ta đừng kém thông minh hơn trẻ con, đừng khờ dại hơn dã thú; chúng ta đừng ở trước mặt Chúa đã dựng nên chúng ta như những kẻ xa lạ vô tình.

  Dù không nhờ chính sự tốt lành của Ngài mà biết Ngài như thế nào, chúng ta vẫn phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự và hằng nhớ đến Ngài như trẻ thơ nhớ đến mẹ, vì lý do duy nhất là chúng ta được Ngài tạo dựng.

  Thực ra, trong những kẻ mà ta tự nhiên đem lòng yêu mến thì các ân nhân chiếm hàng đầu và lòng yêu thương những kẻ đã làm ơn lành cho ta như vậy, không phải là một tình cảm riêng của con người mà là chung cho đa số loài vật. Thánh Kinh viết: “Bò biết chủ nó và lừa biết máng của chủ nó.”[9]

  Vậy xin Chúa cho lời sau đây đừng nói về chúng ta: “Israel đã không nhận biết Ta và dân Ta đã không hiểu Ta.”[10]  Chó và nhiều con vật khác tỏ lòng biết ơn kẻ nuôi chúng như thế nào, tưởng không cần nói ai cũng thừa rõ.

  Nếu lòng yêu thương, tình thân hữu nảy sinh tự nhiên trong chúng ta đối với những kẻ làm ơn lành cho chúng ta và nếu chúng ta tìm hết cách để đền đáp ơn lành đã nhận được thì ngôn ngữ nào diễn tả xứng đáng được tầm quan trọng của các ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta?

  Những ơn lành ấy nhiều đến không kể xiết, to lớn và đặc biệt đến nỗi chỉ một ơn độc nhất cũng đủ khiến chúng ta hết dạ tri ân Đấng đã ban nó cho chúng ta.

  Hẳn nhiên, tôi sẽ không nói đến những ơn lành tuy quan trọng và cao quý, nhưng bị lấn át bởi những ơn lành to lớn hơn như các ngôi sao ra lu mờ trước ánh sáng mặt trời, bởi vì không được đo lòng nhân lành của ân nhân bằng những ân huệ nhỏ mọn nhất mà gạt ra một bên những ân huệ to lớn nhất.

  Vậy, không cần nói đến việc mặt trời mọc, lặn, các tuần trăng đầy, khuyết, các mùa luân chuyển, thì giờ kế tiếp nhau.

  Chúng ta đừng nói gì về các mạch nước trên trời, các suối nước phun, biển cả và đất liền.

  Chúng ta cũng đừng nói đến những gì sinh sản trên mặt đất, những vật sống trong nước, những vật bay trên không, hằng hà sa số loài vật, tất cả những gì phục vụ đời sống chúng ta.

  Đây là ơn lành không thể không lưu ý tới, dù người ta không muốn, một ơn lành tuyệt đối không thể làm thinh, nếu người ta có trí khôn và lý trí lành mạnh, nhưng không ai lại có khả năng nói lên cách xứng đáng: Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, Ngài đã xét thấy nó xứng đáng biết bao, Ngài ban trí khôn để nâng nó lên trên mọi loài, cho nó hưởng thụ các lạc thú khôn sánh của thiên đàng, và sau hết cho nó làm bá chủ mọi loài trên mặt đất. Tuy thế, khi thấy con người bị rắn lừa phỉnh mà sa vào tội lỗi và vì tội lỗi, phải rơi vào sự chết và các đau khổ liên hệ, Thiên Chúa vẫn không xua đuổi nó. Trái lại, trước tiên, Ngài đã dùng lề luật mà cứu giúp nó, cho các thiên thần gìn giữ, săn sóc nó, sai các ngôn sứ đến khiển trách lòng gian ác và dạy vẽ nhân đức cho nó, hăm doạ để đánh tan các khuynh hướng xấu, hứa hẹn để kích thích khuynh hướng tốt và thường xuyên dùng những gương sống động, hữu ích để nêu rõ cái kết cuộc của cả hai khuynh hướng ấy.

  Khi thấy con người cố chấp không tuân phục mặc dù các ân phúc nói trên và bao ân phúc khác, Ngài vẫn không bỏ rơi nó.

  Mặc dù chúng ta xúc phạm vị Ân Nhân của chúng ta bằng thái độ lãnh đạm trước các cử chỉ khoan thứ của Ngài, chúng ta vẫn không bị Thiên Chúa nhân từ bỏ rơi và loại trừ khỏi tình yêu Ngài, nhưng đã được Chúa Giêsu Kitô kéo ra khỏi sự chết để đưa về sự sống, và cách thức chúng ta được cứu vớt càng đáng thán phục hơn nữa! “Mặc dù Ngài là Thiên Chúa, Ngài không nghĩ phải khư khư giữ lấy tính cách bình đẳng với Thiên Chúa, nhưng Ngài đã hạ mình đến mặc lấy lốt một người nô lệ.”[11]

  Ngài đã nhận lấy những yếu đuối của chúng ta, mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã bị thương tích vì chúng ta hầu cứu vớt chúng ta bằng các thương tích của Ngài, đã chịu chúc dữ để chúng ta khỏi bị chúc dữ, đã đón nhận cái chết ô nhục nhất để đưa chúng ta đến cuộc sống vinh quang.

  Đưa những kẻ đã chết trở về cõi sống, Ngài chưa lấy làm đủ, Ngài còn đem phẩm giá Thiên Chúa khoác lên người chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta trong chốn an nghỉ muôn đời một hạnh phúc vượt quá sức tưởng tượng của con người.

  Vậy chúng ta sẽ làm gì để báo đền Thiên Chúa về những điều Ngài đã ban cho chúng ta?

  Ngài nhân lành đến nỗi không đòi hỏi gì để đền bù các ơn lành của Ngài; Ngài chỉ muốn được chúng ta yêu mến!

  Riêng tôi, tôi có cảm tưởng như sau: khi ôn lại trong ký ức tất cả những việc đó, tôi bỗng thấy vô cùng lo âu, xao xuyến, bởi sợ rằng, vì vô tư lự và mãi lo lắng những điều hư ảo, tôi phản bội tình yêu của Chúa và trở thành một mối ô nhục cho Chúa Kitô.

  Kẻ giờ đây đang tìm cách lừa phỉnh chúng ta và đem hết tài trí làm chúng ta say mê bả vinh hoa thế tục mà quên mất vị đại Ân Nhân, ngày kia sẽ nhục mạ sự hư mất của chúng ta. Nó sẽ đạp chúng ta dưới chân rồi đưa ra trước mặt Chúa sự khinh thị của chúng ta như một lời nhục mạ. Trước mặt Ngài, nó sẽ lên mặt tự kiêu, vì chúng ta đã bất tuân, đã bội giáo; tuy nhiên, nó đã không dựng nên chúng ta, không chết vì chúng ta, nhưng trái lại đã lôi kéo chúng ta theo nó mà bất tuân và khinh rẻ các huấn giới Thiên Chúa.

  Sự hạ nhục gây ra cho Thiên Chúa và sự vinh quang do kẻ thù Ngài chiếm được như vậy, điều đó, theo tôi, là hình phạt nặng nề nhất ở hoả ngục. Bởi vì như thế là làm cho kẻ thù Chúa Kitô có cơ hội để kiêu ngạo và lên mặt trước Đấng đã chịu chết và sống lại vì chúng ta, và do đó, theo Thánh Kinh, Ngài là Đấng chúng ta mang ơn cực kỳ to tát.

  Về lòng mến Chúa, trình bày chừng ấy tưởng cũng tạm đủ. Như tôi đã nói, mục đích của tôi không phải là trình bày trọn vẹn vấn đề, vì điều đó không thể làm được, nhưng chỉ cống hiến cho các linh hồn một bản lược tóm những lý do có thể thường xuyên thúc đẩy chúng ta yêu mến Chúa.

Bản văn 2

  Câu hỏi 3: Về tình yêu tha nhân. Bây giờ xin Cha nói cho chúng con về giới răn quan trọng nhất tiếp theo.

  Trả lời:

  Như tôi đã nói, lề luật gặp trong chúng ta những mầm mà nó sẽ vun trồng, nuôi dưỡng. Chúng ta được lệnh phải yêu tha nhân như chính mình, vậy ta hãy xem Chúa có ban cho chúng ta khuynh hướng tự nhiên thực hiện điều đó không?

  Ai chẳng nhận thức rằng người ta vốn là con vật xã hội, dịu hiền, nên không được dựng nên để sống đời cơ độc, hoang dã.

  Không gì phù hợp cho bản tính chúng ta bằng việc giao thiệp với nhau, tìm kiếm nhau và yêu thương người đồng loại. Vậy, Thiên Chúa đòi hỏi kết quả của cái Ngài đã gieo mầm trong chúng ta, khi Ngài nói: “Thầy ban cho chúng con một giới răn mới là chúng con phải thương yêu nhau.”[12]

  Nhằm kích thích linh hồn chúng ta vâng phục huấn giới đó, Ngài không muốn người đời tìm dấu chỉ môn đệ Ngài trong các sự lạ hoặc các công việc phi thường, mặc dù họ được Chúa Thánh Linh ban cho ơn làm những điều đó.

  Trái lại, Ngài nói gì?

  “Người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy, nếu các con thương yêu nhau.”[13] Và Ngài đặt một mối liên hệ chặt chẽ giữa hai giới răn ấy đến nỗi bất cứ việc lành nào làm cho tha nhân, Ngài cũng xem như đã làm cho chính Ngài. Ngài nói: “Bởi vì Ta khát mà các con đã cho Ta uống …”[14]; rồi Ngài thêm: “Bất cứ điều gì các con đã làm cho người anh em hèn mọn nhất của Thầy, là các con đã làm cho chính Thầy.”[15]

  Vậy tuân giữ giới răn thứ nhất cũng bao hàm việc tuân giữ giới răn thứ hai và qua giới răn thứ hai, người ta trở lại thi hành giới răn thứ nhất.

  Ai yêu Thiên Chúa, cũng sẽ yêu tha nhân. Chúa phán: “Bởi vì ai yêu Thầy sẽ chu toàn các giới răn của Thầy”[16] “Mà giới răn của Thầy là: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu chúng con.”[17]  Vậy, tôi lặp lại: ai yêu tha nhân, tức là chu toàn bổn phận mến Chúa và Chúa xem sự biếu tặng ấy như thực hiện cho chính Ngài.

  Vì thế, Môsê, người đầy tớ trung thành của Chúa, yêu anh em mình đến nỗi đã nài xin được xoá tên khỏi sách những người sống, nếu dân chúng không được tha tội.[18]

  Còn thánh Phaolô lại dám mong bị Chúa Kitô tuyệt thông vì anh em đồng chủng mình, bởi vì người muốn noi gương Chúa Kitô trở nên giá chuộc phần rỗi mọi người. Tuy nhiên, người hiểu rõ rằng kẻ nào vì yêu Chúa Kitô mà tôn trọng việc tuân giữ giới răn lớn nhất của Ngài hơn ơn Chúa và muốn được thế, kẻ ấy phải nhận lãnh nhiều hơn cái mình từ bỏ, tất không thể nào bị phân cách khỏi Ngài được.

  Những điều trên đủ chứng tỏ các thánh đã dùng cách nào để đạt tới trình độ cao trong tình yêu tha nhân.

→ Phần thứ hai khảo sát về những động cơ kích thích trong chúng ta tình yêu Thiên Chúa.

Bản văn 3

  Câu hỏi 4: Về lòng kính sợ Chúa.

  Trả lời:

  Đối với những kẻ mới bước vào đường hoàn thiện thì khai tâm họ về lòng kính sợ là việc hữu ích. Salômôn, người rất khôn ngoan, cũng xác nhận như vậy: “Kính sợ Chúa là bắt đầu khôn ngoan.”[19]

  Các thầy đã sống trọn tuổi nhỏ trong Chúa Kitô và không cần uống sữa nữa, nên các thầy có thể dùng thức ăn cứng của giáo thuyết để đẩy con người nội tâm mình đến mức hoàn bị. Vậy, các thầy cần những giới răn cao hơn để chứng minh tất cả thực tại của lòng mến Chúa.

  Tuy nhiên, các thầy hãy coi chừng: được nhận lãnh nhiều ơn Chúa có thể trở thành một lý do để bị đoán xét nghiêm khắc hơn, nếu người nhận lãnh thiếu lòng biết ơn đối với vị ân nhân của mình vì có lời chép: “Ai được cho nhiều, sẽ bị đòi hỏi nhiều.”[20]

Bản văn 4

  Câu hỏi 6: Cần sống trong cô tịch.

  Trả lời:

  Muốn giúp linh hồn tập trung tư tưởng, phải sống trong cô tịch.

  Thực vậy, sống giữa những người không mảy may biết kính sợ Chúa và khinh rẻ việc tuân giữ toàn vẹn các giới răn Ngài là điều nguy hiểm. Salômôn dạy chúng ta điều đó khi nói: “Ngươi đừng liên kết với bọn hung hăng, đừng ở với người hay giận, kẻo nó bày vẽ đường lối nó cho ngươi và căng bẫy hại linh hồn ngươi.”[21]  Thánh Tông Đồ cũng nói: “Chúa phán: Ngươi hãy ra khỏi và xa lánh bọn chúng.”[22]

  Nếu chúng ta sợ bị cám dỗ vì những điều mắt thấy tai nghe và quen dần với tội lỗi, nếu chúng ta sợ linh hồn gặp nguy cơ lớn lao này là cứ giữ chặt lấy những điều đã thấy, những lời đã nghe, hơn nữa, nếu chúng ta muốn bền đỗ trong sự cầu nguyện liên tục, trước tiên chúng ta hãy quyết định sống trong cô tịch.

  Như vậy, chúng ta sẽ có cơ may thoát khỏi tập quán sống như những người xa lạ, không hề biết các giới răn Chúa Kitô. Thế mà chiến đấu để bài trừ một tập quán đã có lâu ngày không phải là dễ. Chúng ta có thể xoá sạch được các dấu vết tội lỗi nhờ cầu nguyện liên tục và suy niệm các giới răn của Chúa, một sự cầu nguyện và suy niệm mà chúng ta không thực hiện được giữa đám đông là nguồn phát sinh những sự xao lãng và lo lắng trần tục.

  Và lời Chúa Kitô phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình.”[23]  Lời ấy ai có thể tuân giữ được, nếu cứ mãi chia trí và lo lắng về những sự đời này? Bởi vì chúng ta phải từ bỏ chính mình và vác thập giá Chúa Kitô mới theo Người được.

  Vậy, từ bỏ chính mình là quên hết những việc chóng qua và hy sinh ý riêng, một sự hy sinh vô cùng khó khăn nếu không nói là hoàn toàn không thực hiện được đối với những kẻ sống chung lộn với người đời.

  Vác thập giá theo Chúa Kitô cũng là việc khó khăn trong một thế gian hỗn tạp như thế. Bởi vì chuẩn bị chết vì Chúa Kitô, thi hành khổ chế trong các chi thể mình ở trần gian theo như lẽ thích đáng đòi hỏi, sẵn sàng chống lại các cuộc tấn công phải chịu đựng vì danh Chúa Kitô, giữ mình siêu thoát cuộc đời hiện tại, đó là vác thập giá mình. Do vậy, chúng ta sẽ gặp rất nhiều trở ngại cho việc đó, nếu cứ ở mãi trong cuộc sống tầm thường.

  Xin đơn cử một trong bao trở ngại khác: linh hồn chúng ta, khi nhìn thấy quanh mình cả một đám tội nhân đông đảo, tất không còn dịp lưu ý đến tội lỗi mình để đem lòng ăn năn thống hối. Nó tự so sánh mình với những người tội lỗi hơn và tưởng mình có nhân đức. Hơn nữa, bị quấy nhiễu bởi những lo âu, buồn chán của cuộc sống tầm thường không cho vươn lên tư tưởng cao siêu là suy nghĩ về Thiên Chúa, linh hồn sẽ đánh mất niềm hoan lạc thiêng liêng cũng như hạnh phúc được thưởng thức các khoái lạc của Thiên Chúa và nếm sự dịu ngọt của lời Ngài như Thánh Kinh đã chép: “Tôi đã nhớ đến Chúa và được tràn đầy hoan lạc” và: “Vì lời Chúa ngọt ngào cho cổ họng con nên miệng con ưa thích hơn cả mật ong.” Sau hết, linh hồn sẽ nhiễm lấy thói quen khinh thị hoàn toàn các phán quyết của Thiên Chúa và đối với nó, hẳn không gì có buồn bã và tai hại hơn nữa.

b).Chú tâm đến Thiên Chúa

  Tình yêu Thiên Chúa như vậy được gieo vào lòng chúng ta, nhưng làm sao để cho nó phát triển. Sau khi đã nói đến lý thuyết, bây giờ đến thực hành. Chúng ta có một bản văn quan trọng nhất. Trên cơ sở đề tài của thánh Phaolô: “làm đẹp lòng Thiên Chúa”, bản văn khảo sát sâu xa về sự cầu nguyện liên lỉ, với một ví dụ rút từ lao động thủ công. Ở đây chúng ta thấy lại những đề tài như an tĩnh, giữ gìn tâm trí, nhớ Chúa. Bản văn thật phong phú.

Bản văn 5

  Câu hỏi 5: Cần tránh sự sao nhãng tâm hồn.

  Trả lời:

  Phải biết điều này: chúng ta không thể giữ giới răn mến Chúa, yêu người cũng như bất cứ giới răn nào khác nếu tư tưởng chúng ta thường xuyên thay đổi đối tượng.

  Người ta không thể biết chính xác một nghệ thuật hay một nghề nghiệp nào nếu người ta cứ thay đổi mãi, hết nghề này đến nghề kia, và chắc chắn không sao đạt đến chỗ hoàn bị được nếu không biết cái gì thích hợp cho mục đích. Thực vậy, phải lo sao cho phương tiện cân xứng với cứu cánh, vì với những phương tiện không thích hợp, chẳng ai đạt được trọn vẹn điều mình nhắm thực hiện.

  Nếu thợ đúc làm việc như thợ gốm, tất sẽ không sản xuất được gì, và một lực sĩ sẽ không sao chiếm được vòng nguyệt quế nếu cứ mãi lo tập thổi sáo, nhưng cứu cánh nào cũng đòi hỏi một cố gắng riêng biệt và thích hợp.

  Đời sống tu đức mà trong đó chúng ta muốn làm đẹp lòng Chúa bằng cách thực hành Phúc Âm Chúa Kitô cũng thế: chúng ta chỉ sống được cuộc đời ấy bằng cách xa lánh các điều lo lắng trần tục và tuyệt đối xua đuổi những sự chia trí.

  Vì thế, dù hôn nhân không bị cấm đoán và đáng chúc lành, Thánh Tông Đồ vẫn cho những phiền toái do nó gây nên, đối lập với việc chuyên tâm phụng sự Thiên Chúa, tựa hồ như hai bên không thể hoà hợp nhau được. Người nói: “Ai không kết bạn thì nghĩ đến việc Chúa để làm đẹp lòng Ngài, còn ai kết bạn thì nghĩ đến việc thế gian hầu làm đẹp lòng vợ.”[24]

  Cũng vì thế, khi thấy tâm hồn trong trắng và trung thành của các môn đệ, Chúa đã làm chứng cho họ như sau: phần các con, các con không thuộc về thế gian này. Mặt khác, Ngài còn quả quyết rằng thế gian không thể nhận biết Thiên Chúa và tiếp nhận Thánh Linh: Lạy Cha Chí Thánh – Ngài nói – thế gian cũng không hề biết Cha và Thánh Thần chân lý mà thế gian không thể tiếp nhận.

  Vậy, ai thực sự muốn theo Chúa Kitô thì phải tự giải thoát khỏi sự ràng buộc của các thị dục cuộc sống và điều đó được thực hiện bằng cách xa lánh và quên đi các tập quán cũ. Vì thế, nếu chúng ta không tự trở nên xa lạ với bà con thân thuộc, với những cuộc liên lạc bên ngoài, bởi lẽ đặc điểm chúng ta là hướng về một thế giới khác, như có lời chép: “Cuộc sống chúng ta ở trên trời”[25] , thì chúng ta không thể đạt mục đích và làm đẹp lòng Chúa được. Thực vậy, Ngài đã phán cách dứt khoát: “Ai trong chúng con không từ bỏ mọi tài sản của mình thì không thể làm môn đệ Thầy được.”[26]

  Làm như thế rồi, chúng ta còn phải giữ tâm hồn luôn luôn tỉnh thức để đừng quên lãng Chúa và đừng đem các hình ảnh hư ảo làm hoen ố hoài niệm các sự diệu kỳ của Ngài. Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng phải có tư tưởng thánh thiện về Thiên Chúa như một dấu ấn không phai nhoà in vào tâm hồn, luôn luôn nhớ đến một mình Ngài không bao giờ ngơi nghỉ.

  Như vậy, lòng mến Chúa phát triển trong chúng ta và trong lúc thúc đẩy chúng ta chu toàn các giới răn, lòng mến đó cũng nhờ các giới răn mà trở nên bền vững, hoàn bị. Vả lại, đó cũng là lời Chúa khuyến cáo chúng ta, khi Ngài phán: “Nếu các con yêu Thầy, các con hãy giữ lời Thầy” và nơi khác: “Nếu các con chu toàn giới răn Thầy, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy”, Ngài còn thêm những lời cảm kích hơn nữa: “Như Thầy thi hành mệnh lệnh của Cha Thầy và ở trong tình yêu Ngài.”[27]

  Qua những lời ấy, Ngài muốn dạy chúng ta luôn luôn lấy ý của người truyền lệnh làm mục đích các hành vi của chúng ta và đem hết nghị lực hướng về Ngài như Ngài từng nói ở nơi khác: “Ta từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, nhưng là ý của Cha Ta đã sai Ta.” [28]

  Thực vậy, trước tiên phàm đã là nghề thì bất cứ nghề nào cũng nhắm một mục đích riêng biệt rồi sau đó mới sắp xếp các chi tiết hành động sao cho cân xứng với mục đích ấy. Công việc chúng ta cũng thế một khi đã chọn Quy Luật và mục đích duy nhất là tuân giữ các giới răn của Chúa để làm đẹp lòng Ngài, hẳn chúng ta không sao thực hiện toàn vẹn mục tiêu được, nếu không có một lối sống phù hợp với ý Đấng đã truyền các giới răn ấy. Mặt khác, chính trong lúc nhiệt thành chu toàn đúng đắn ý muốn Thiên Chúa trong những điều Ngài truyền mà chúng ta tìm được cách kết hiệp với Ngài về mặt thiêng liêng.

  Khi phải rèn một chiếc rìu, trước tiên người thợ rèn phải nghĩ đến người đã yêu cầu mình làm công việc ấy và cho hoài niệm về người ấy hiện diện trước tâm trí mình. Sau đó, ông ta nghĩ đến chiều kích, cường độ của đồ vật rồi bắt đầu thi hành công việc theo ý của người đã đặt, bởi vì nếu quên mất những điều ấy, ông ta sẽ làm một vật khác với dụng cụ đã dặn trước hay làm không đúng với ý muốn của kẻ đặt hàng.

  Một kitô hữu đã hướng tất cả hoạt động, bất luận là hoạt động nào, về mục tiêu chu toàn thánh ý Thiên Chúa, cũng ở trong một hoàn cảnh tương tự. Trong lúc lo đạt tới sự hoàn thiện trong hành động, kitô hữu vẫn trung thành với tư tưởng của Đấng truyền lệnh; người ấy thực hiện những lời này: “Tôi luôn thấy Chúa trước mặt, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không lay chuyển” và tuân giữ huấn giới này: “Dù khi ăn, dù khi uống, con phải làm tất cả vì vinh danh Chúa.”[29]

  Trái lại, ai không tuân giữ giới răn một cách nghiêm nhặt, người đó chứng tỏ mình ít nghĩ đến Thiên Chúa.

  Vậy, chúng ta phải luôn nhớ lời Thánh Kinh này: “Thiên Chúa phán: Ta không phải là Đấng hiển ngự đầy dẫy khắp trời đất sao?, Ta là một Thiên Chúa rất gần chứ không phải một Thiên Chúa ở xa”[30]  và Ngài còn nói: “Khi hai hay ba người tụ họp vì danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ”, sao cho mọi hoạt động đều thực hiện dưới mắt Thiên Chúa và mọi tư tưởng được hình thành dưới nét nhìn của Ngài theo như lẽ thích đáng đòi hỏi. Như vậy, lòng kính sợ vốn ghét sự bất chính, sự hỗn xược, kiêu căng và đường lối kẻ dữ như lời Thánh Kinh chép, sẽ nắm quyền bá chủ; bấy giờ, sẽ bừng nở tâm tình yêu thích thực hiện lời Chúa đã phán: “Ta không tìm ý riêng Ta, nhưng ý muốn của Cha Ta đã sai Ta.”[31]  Thực vậy, linh hồn sẽ sống trong niềm xác tín là Vị Thẩm Phán nắm quyền thưởng phạt, sẽ vui nhận các việc lành của nó, còn các hành động trái ngược sẽ bị Ngài kết án.

  Theo ý tôi, cách hành động đó cũng sẽ đưa tới hệ quả là người ta sẽ không còn chu toàn các giới răn Thiên Chúa để làm đẹp lòng người đời nữa.

  Nếu đã ý thức mình đang đứng trước một nhân vật uy quyền, tất không ai muốn quay về với một nhân vật khác ít quyền thế hơn. Hơn nữa, nếu một hành vi làm hài lòng người có phẩm giá nhất và được người ấy chấp nhận thì dù bị khiển trách, phản đối bởi người kém phẩm giá hơn, người ta vẫn quý trọng sự tán thành của người trước và khinh rẻ lời khiển trách của người sau.

  Vậy, nếu đối với người phàm mà còn như thế thì một linh hồn thực sự cẩn thủ, khôn ngoan và thấm nhuần tư tưởng về Thiên Chúa, há lại không muốn hành động để làm đẹp lòng Thiên Chúa, lại quy về tìm lời khen của người đời ư ? Linh hồn ấy sẽ quên các huấn giới của Thiên Chúa để tự biến thành nô lệ cho các thành kiến hoặc rối loạn vì các nhận định của người đời sao?

  Đó là tâm trạng của người đã nói: “Ác nhân dùng lời dối trá tấn công con, nhưng con vẫn giữ lề luật Chúa”[32] , và người đó còn nói: “Con đã nói về các giới răn Chúa trước mặt các vua mà không xấu hổ gì.”

c).Đời sống chung

  Và đây là một bài thuyết trình rất phong phú về những thiện ích của đời sống chung. Có thể thánh Basiliô hơi thiếu một chút trong giọng văn: Basiliô chống lại một cách quyết liệt đời ẩn tu! Nhưng điều đáng khâm phục là tất cả những lý do để bảo vệ đời sống cộng tu, đều tìm thấy trong Kinh Thánh, đặc biệt trong Tân Ước. Người ta có thể tóm gọn tư tưởng của ngài rằng đời sống chung đáng quí hơn đời ẩn sĩ (độc tu), vì đó là một đời sống có tính Tin Mừng hơn.

Bản văn 6

  Câu hỏi 7: Về việc nên liên kết với những người cùng có chung ước nguyện làm đẹp lòng Chúa, bởi vì sống hoàn toàn cô độc là điều vừa khó khăn vừa nguy hiểm. Những lời cha nói làm chúng con xác tín về mối nguy phải sống giữa những người khinh dể luật Chúa. Giờ chúng con muốn biết, nếu xa lánh những người ấy thì phải sống một mình hay sống với những anh em cùng chung một tinh thần và ước nguyện đạt tới sự hoàn thiện?

  Trả lời:

  Tôi chắc rằng những kẻ cùng theo đuổi một mục đích, nếu sống chung, hẳn sẽ gặp được nhiều điều lợi.

  Trước hết, không ai trong chúng ta có thể tự túc về các nhu cầu vật chất, trái lại ai cũng cần đến người khác để cung cấp cho mình những của cần thiết.

  Chân con người vốn có vài khả năng, nhưng những khả năng khác, nó không có. Thiếu sự trợ lực của các chi thể khác, chân sẽ thấy các sức mạnh của nó trở nên bất lực, không đủ khả năng bảo tồn sự hiện hữu của nó và cung cấp những cái nó cần đến. Đời sống cô độc cũng vậy: những cái chúng ta có, không đủ để phục vụ chúng ta và chúng ta không thể tự cung cấp những cái chúng ta thiếu, bởi lẽ Thiên Chúa muốn chúng ta cần đến nhau, để hợp nhất với nhau như lời Thánh Kinh nói .

  Vả lại, huấn lệnh bác ái của Chúa Kitô không cho phép mỗi người chỉ lo cho riêng mình. Thánh Kinh chép: “Vì bác ái không tìm tư lợi.” Vậy mà đời sống cô độc chỉ hướng tới một mục đích: mỗi người sống cho chính mình, một mục đích rõ ràng đối lập với luật yêu thương mà thánh Tông Đồ Phaolô hằng tuân giữ, bởi vì ngài không tìm lợi ích riêng, nhưng ích lợi của bao người khác mà ngài muốn cứu vớt.

  Thứ đến, người sống cô độc khó biết các sai lỗi của mình, vì không có ai chỉ cho họ thấy và sửa chữa họ cách dịu dàng, nhân ái. Thực vậy, một lời khiển trách, ngay cả khi phát xuất từ kẻ thù, vẫn thường khiến cho tâm hồn đã chuẩn bị sẵn sàng biết ước ao có phương thuốc chữa trị, và mặt khác, ứng dụng một cách khôn ngoan phương thuốc chữa trị tội lỗi là công việc của người có lòng yêu thương đích thực. Thánh Kinh chép: “Kẻ yêu mến thì chăm lo sửa dạy.”[33]  Vậy mà đó là điều người cô độc không sao gặp được, nếu trước tiên y không sống với người khác. Câu nói sau đây của sách Giảng viên sẽ xảy đến cho y: “Khốn cho người cô độc, vì khi y ngã, sẽ không có ai nâng y dậy.”[34]

  Khi có nhiều người sống chung, người ta cũng tuân giữ được nhiều giới răn hơn, và đó là điều mà người sống cô độc không sao làm được, vì trong khi giữ giới răn này, y không thể giữ giới răn khác. Chẳng hạn nếu đã thăm viếng bệnh nhân, tất không thể tiếp khách; phân phát của bố thí ắt cản trở sự chăm chỉ làm việc, nhất là khi việc phân phát đó đòi hỏi nhiều thì giờ; và như thế, người ta sẽ xao lãng một giới răn quan trọng, thiết yếu cho sự cứu rỗi, vì không lo nuôi người đói khát và mặc cho kẻ trần truồng.

  Vậy có ai lại thích cuộc đời nhàn rỗi, vô ích hơn cuộc đời mang lại hoa trái và hoạt động theo giới răn của Chúa?

  Hết thảy chúng ta đã nhờ ơn gọi mà cùng liên kết trong một niềm hy vọng duy nhất nên chúng ta là một thân thể duy nhất. Chúa Giêsu là đầu, còn chúng ta là chi thể của nhau, mỗi người theo phần mình, chúng ta chỉ nhờ sự đồng tâm mà cùng xây dựng một cơ thể duy nhất trong Chúa Thánh Linh. Vậy, nếu mỗi người chúng ta chọn sống đời cô độc, không phục vụ lợi ích chung như lòng Chúa mong muốn, nhưng lo làm thoả mãn sở thích riêng thì trong tình trạng chia cắt, phân ly đó, chúng ta làm sao bảo tồn được tình liên đới và sự phục vụ hỗ tương của các chi thể hoặc sự phục tùng đối với Đầu của chúng ta là Chúa Kitô? Là vì đã sống đời cô độc, tất không thể vui cùng kẻ hân hoan cũng như thông cảm với người đau khổ, bởi vì mỗi người không biết được hoàn cảnh của tha nhân theo như lẽ công bình đòi buộc.

  Ngoài ra, một cá nhân sống đơn độc, sẽ không thể lãnh nhận được hết thảy các đoàn sủng thiêng liêng, vì Chúa Thánh Linh phân phát các ân huệ của Ngài theo mức độ đức tin của mỗi người, nhưng trong đời sống cộng đoàn, ơn đoàn sủng riêng của từng người trở thành lợi ích chung của toàn thể: “Thực vậy, người này được ban lời khôn ngoan, người khác được ban lời thông thái, người khác nữa được ban đức tin, người kia được ban ơn nói tiên tri, người nọ được lãnh đoàn sủng chữa bệnh …”[35] Ai được nhận lãnh một trong những ơn ấy, sẽ không nhận lãnh nó cho chính mình bằng cho người khác. Do đó, trong đời sống cộng đoàn, sức mạnh của Thánh Linh ban cho một người tất đồng thời trở thành sức mạnh của mọi người. Người sống riêng rẽ, có lẽ cũng có đoàn sủng, nhưng vì không sử dụng nó, cứ chôn chặt nó trong chính mình khiến nó trở nên vô dụng. Các thầy đã đọc Phúc Âm, tất biết con người ấy phải nguy hiểm thế nào. Trái lại, những người sống giữa một tập thể đông đảo, sẽ thụ hưởng đoàn sủng riêng mình, làm nó tăng trưởng bằng cách san sẻ ra xung quanh, và đồng thời hưởng nhờ đoàn sủng của người khác như là của chính mình vậy.

  Đời sống cộng đoàn còn nhiều điều lợi khác khó lòng kể ra hết. Nó có giá trị hơn đời sống cô độc trong việc bảo tồn những ân huệ Chúa ban cho chúng ta. Còn về cạm bẫy bên ngoài của kẻ thù thì người có thể thoát hiểm nguy cách bảo đảm hơn nhiều, chính là kẻ được đánh thức bởi những người không ngủ, trong trường hợp người đó bất thần bị xâm chiếm bởi giấc ngủ sự chết mà Đavít đã dạy chúng ta xua đuổi bằng lời cầu nguyện, khi người nói: “Xin Chúa hãy soi sáng mắt con kẻo con ngủ mê trong sự chết.”[36]

  Về phần tội nhân thì việc xa lánh tội lỗi cũng trở nên dễ dàng hơn, bởi lẽ y sợ bị đa số đồng tình kết án, khiến câu nói sau đây có thể áp dụng cho y: “Đối với người ấy, sự khiển trách mà đa số dành cho y như thế kể cũng đủ rồi.”[37]

  Trái lại, đối với kẻ ăn ngay ở lành thì sẽ có sự bảo đảm này là được nhiều người chứng kiến và tán thành, bởi vì nếu bất cứ lời nói nào được hai hoặc ba người làm chứng đều có giá trị thì một kẻ ăn ở thánh thiện, cảm thấy khích lệ bởi sự hiện diện của nhiều chứng nhân là điều càng hiển nhiên hơn nhiều.

  Ngoài những bất lợi vừa nói, sự cô độc hoàn toàn còn có nhiều bất tiện khác mà sự tự mãn là điều bất lợi trước nhất và lớn lao nhất. Người sống cô độc, vì không có ai phê phán hạnh kiểm mình, tất chẳng bao lâu sẽ tưởng tượng mình đã đạt tới mức hoàn thiện trong việc tuân giữ lề luật. Người ấy không bắt các chức năng hoạt động nên không biết được các nhu cầu riêng của mình và không nhận thức được sự tiến bộ trong công việc, bởi vì thiếu cơ hội thực hành các giới răn. Đương sự thi thố đức khiêm nhường chỗ nào, nếu không có ai cho mình có dịp tự hạ? Đương sự biết cư xử từ nhân với ai, nếu sống tách rời xã hội tha nhân? Làm sao tập đức dịu hiền nếu không có ai chống lại ý mình?

  Ai quả quyết rằng, muốn đạt tới hoàn thiện, chỉ cần học Thánh Kinh, người đó hành động giống hệt kẻ học nghề thợ mộc mà không bao giờ tập làm việc thợ mộc, học nghề thợ rèn mà không bao giờ thực tập những bài đã học. Những lời sau đây, thánh Tông Đồ muốn nói với những người ấy: không phải những kẻ nghe lề luật sẽ được tuyên bố công chính trước mặt Chúa, nhưng chỉ những kẻ chu toàn lề luật mới được công chính hoá. Lòng Chúa tràn đầy tình thương đối với loài người nên dạy dỗ bằng lời nói chưa làm Ngài thoả lòng. Ngài còn muốn nêu gương khiêm nhượng cách đích thực, rõ ràng đến mức độ hoàn hảo của đức ái, nên Ngài đã tự thắt lưng và rửa chân cho các môn đệ. Vậy, nếu bạn chỉ sống một mình, bạn sẽ rửa chân cho ai? Bạn sẽ chọn chỗ cuối sau ai? Bạn sẽ phục vụ ai? Niềm hạnh phúc và hoan lạc của cảnh anh em đoàn tụ như dầu thơm từ râu vị thượng tế chảy xuống mà Thánh Kinh nói, làm sao tìm được trong nhà người cô độc?

  Bãi chiến trường, con đường tiến bộ bảo đảm một cuộc tập dượt liên tục, chuyên cần thực hành các giới răn của Chúa, đó là bản chất của cộng đoàn đan sĩ. Cộng đoàn ấy nỗ lực làm vinh danh Thiên Chúa theo huấn lệnh Chúa Giêsu Kitô; Ngài nói: “Ước gì sự sáng các con hiển hiện trước mặt người đời, để họ thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con trên trời.”[38]  Sau hết, cộng đoàn ấy duy trì nét đặc biệt sau đây của các thánh mà lịch sử đã được tường thuật trong sách Công vụ Tông Đồ: “Những ai có đức tin đều cùng sống chung và bỏ mọi sự làm của chung” và sách còn nói thêm: “Toàn thể tín hữu đều cùng chung một quả tim và một linh hồn và không ai gọi tài sản mình có là của riêng mình, nhưng mọi tài sản đều thuộc về mọi người.”[39]

d.Tuân phục

  Trong Bộ Luật Nhỏ, ngay sau khi trình bày về các nguyên tắc cơ bản (cũng được lấy lại trong Qui luật lớn) là ba chương nói về tuân phục và một chương nói về bề trên. Như trong tất cả các tác phẩm của Basiliô, tuân phục có một vị trí tốt.

  Đối với thánh Basiliô, tuân phục đó là tình yêu hoạt động, là chứng cớ của tình yêu. Nền tảng của tình yêu chính là tuân phục; đó cũng chính là nền tảng xét về phương diện nhân loại. Ngài viết trong Qui luật nhỏ: “Đâu là dấu chỉ cho biết chúng ta có tình yêu Chúa?” Trả lời: “Chúa dạy chúng ta điều đó khi Ngài nói: ‘Nếu anh em yêu mến Thầy, thì sẽ giữ các huấn lệnh của Thầy”. Trong Bộ Luật Luân Lý, thánh Basiliô đặt nền tảng khách quan của đức tuân phục ngay trong đời sống của chính Ba Ngôi Thiên Chúa, và trong nước Chúa Kitô. Tư tưởng này được lập lại trong Qui luật nhỏ.

  Ngài giải thích tiếp rằng người ta phải tuân phục trước hết với Kinh Thánh, và đối với những gì không thấy trong Kinh Thánh, thì phải làm theo chỉ dẫn của thánh Phaolô: “Tôi được phép làm tất cả, nhưng tất cả đều không lợi ích cho tôi” (1Co 10, 22-23), như vậy không phải tìm điều mình thích mà điều gì ích lợi cho người khác.

  Tuân phục trước hết có đối tượng là đạo lý của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh. Câu hỏi 12 nói đến sự vâng phục này. Và trong câu hỏi tiếp theo là phải vâng lời nhau, và bề trên (câu hỏi 15). Nhưng có ai đó ra lệnh một điều gì trái với huấn lệnh của Thiên Chúa, thì không buộc phải vâng lời người ấy.

  Những tâm trạng linh động hoá tuân phục là khiêm hạ, và nhất là ước muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa và tôn vinh Người. Đó là ước muốn mà thánh Basiliô gọi là: “ước muốn nồng cháy, không hạn định và bền vững” (Qui luật nhỏ, 157). Đối với kitô hữu cũng như đối với Chúa Giêsu khi Người nói: “Lương thực của Thầy là chu toàn ý của Cha Thầy”, tuân phục là một thứ lương thực.

   Vậy đâu là mức độ của sự tuân phục? Câu hỏi: “Đâu là mức độ của tình yêu Chúa?” Thánh Basiliô trả lời: “Luôn hướng tâm trí tới ý muốn của Thiên Chúa, nhìn và ước ao làm vinh quang Người.” Như vậy, tuân phục và tình yêu liên kết mật thiết với nhau. Không có mức độ cho tình yêu Thiên Chúa, thì cũng không có mức độ cho sự tuân phục.

QUI  LUÂT NHỎ

Bản văn 7

  Câu hỏi 114: Chúa đã phán: “Ai bắt con đi một dặm, hãy đi với y hai dặm”, và thánh Tông Đồ dạy các tín hữu phải tùng phục lẫn nhau trong sự kính sợ Chúa Kitô. Vậy, có nên vâng lời bất cứ ai, trong bất cứ sự gì không?

  Trả lời:

  Cá nhân của người truyền lệnh không được làm trở ngại cho sự vâng lời của kẻ nhận lệnh, và Môsê đã không mảy may khinh miệt những lời bàn khôn ngoan của Gítrô.

  Về những mệnh lệnh đã truyền, cần phân biệt cẩn thận. Thực vậy có những lệnh chống lại luật Chúa, làm cho luật Ngài ra hư hỏng hoặc biến tính, vì chứa đựng một yếu tố bị cấm đoán, có những lệnh trùng với luật Ngài và những mệnh lệnh khác, tuy không phù hợp rõ ràng, vẫn đồng quy và có thể nói là một hỗ trợ cho luật Ngài. Vậy, phải nhờ lời thánh Tông Đồ: “Anh em đừng khinh dể các lời ngôn sứ. Hãy thử thách tất cả rồi giữ lại cái tốt; hãy đoạn tuyệt với mọi bóng dáng sự dữ và chúng tôi đánh đổ các lý luận và tất cả những gì chống lại sự nhận biết Chúa Kitô, chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải phục tùng Chúa Kitô.”[40]

  Do đó, nếu nhận được một mệnh lệnh trùng hợp hoặc phù hợp với luật Chúa, ta hãy thi hành với tất cả lòng nhiệt thành và cẩn trọng như là thánh ý Chúa. Như vậy, chúng ta sẽ thực hiện lời này: “Tùng phục lẫn nhau trong lòng mến Chúa Kitô.” Trái lại, nếu lệnh truyền nghịch với luật Chúa, vi phạm hoặc làm luật Ngài biến tính, đây là lúc cần nói: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta”, vì nhớ lời Chúa đã phán: “Chúng sẽ không theo một người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không biết tiếng người lạ”, và lời cảnh cáo của thánh Tông Đồ dám thách thức cả các thiên thần để chúng ta được vững tin: “Dù chính tôi hay một thiên sứ loan báo cho anh em một Phúc Âm khác với Phúc Âm tôi đã rao giảng cho anh em thì cũng phải loại trừ đi.” Điều đó cho chúng ta biết rằng, nếu có lòng mến Chúa, ta phải tránh xa, và hơn nữa, ghét bỏ kẻ nào cấm ta chu toàn luật Chúa hoặc truyền những điều luật Ngài ngăn cấm, dù người đó thuộc dòng dõi rất sang trọng hoặc rất thời danh.

Bản văn 8

  Câu hỏi 115: Phải vâng lời nhau cách nào?

  Trả lời:

  Như đầy tớ vâng lời chủ. Chúa muốn như vậy, Ngài phán: “Ai muốn làm lớn trong chúng con, phải làm người rốt hết và là đầy tớ của mọi người”, và Ngài còn thêm những lời cảm động hơn nữa: “Con Người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ.”

  Về phần mình, thánh Tông Đồ viết: “Anh em hãy phục vụ nhau trong tình yêu mến Chúa Thánh Linh.”

Bản văn 9

  Câu hỏi 116: Phải vâng lời đến mức nào để tuân giữ luật làm đẹp lòng Chúa?

  Trả lời:

  Để dạy bảo ta, thánh Tông Đồ nêu gương vâng lời của Chúa Kitô, “Đấng vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” và thêm: “Anh em cũng hãy có các tâm tình của Chúa Giêsu Kitô.”[41]

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ...

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...