Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

a.“Những Thể Chế”: chương 1- 4

  Tác phẩm này gồm hai phần. Phần thứ hai bàn về “sáu tư tưởng” theo Évagre. Phần này khá phức tạp.

  Cassien khởi từ điều thấy rõ nhất khi người ta đến một đan viện. Cũng như đan sĩ Évagre, ông bắt đầu đề cập đến y phục của đan sĩ (1). Một điều đập vào mắt người đến đan viện, đó là đan sĩ được đánh thức dậy vào ban đêm để đi dự phụng vụ, chính vì thế Cassien bàn về phụng vụ ban đêm (2). Nơi đây ông nói đến phụng vụ theo thánh Pacômiô: 12 thánh vịnh và 12 bài đọc; giữa mỗi thánh vịnh là phủ phục, nhưng không quá lâu kẻo ngủ quên. Với một chút khôi hài, Cassien thuật lại: “Các ngài nói rằng người nào phủ phục lâu quá, thì bị tấn công một cách nguy hiểm, không những do những tư tưởng mà còn do giấc ngủ.” Tiếp đến, ông nói đến phụng vụ ban ngày (3). Cassien đưa ra một tiêu chuẩn là phụng vụ của các đan sĩ tại Palestina và miền Lưỡng Hà (Mésopotamia): đó là ba giờ phụng vụ giờ Ba, giờ Sáu, giờ Chín. Tiếp đến, ông nói đến bên Tây Phương thêm giờ phụng vụ ban sáng.

  Tiếp đến là một đoạn gồm bốn phần: dẫn nhập (a); sau đó là việc huấn luyện đan tu (b); rồi cuộc sống tại đan viện (c); tiếp đến là trình bày vài đan sĩ gương mẫu, và phần cuối cùng nói về linh phụ Pinufius (d). Cassien sử dụng vị ẩn sĩ gương mẫu này để dẫn vào một bài thuyết trình về tinh thần đan tu và chúng ta sẽ học hỏi.

  Nhưng chúng ta cũng cần nêu lên vài điểm trong phần quan trọng này.

  (8) Về những “Lời giáo huấn của các vị Cao Niên”: Chiến thắng ý riêng mình, đây là câu: “Phải ra lệnh rõ ràng làm điều trái với tính khí của nó”, có thể làm cho chúng ta khó chịu. Nhưng phải đọc câu này trong ý nghĩa sâu xa. Vị cao niên biết rằng người bạn trẻ không thể thắng được dục vọng của mình nếu trước đó không học biết phải loại bỏ ý riêng bằng sự tuân phục. Có nghĩa là phải đặt quan năng tình cảm hạ đẳng dưới quan năng tình cảm thượng đẳng. Đó không có nghĩa là trò ăn hiếp, nhưng là một khí cụ của tình yêu. Người ta vâng lời con người để làm quen với việc tuân phục Thiên Chúa. Qua đó chúng ta thấy là các đan sĩ xứ Gaule không được kỷ luật lắm.

  (9) Người ta cũng ghi nhận việc nhấn mạnh đến sự cởi mở tâm hồn, là một thực hành chính yếu của tu trào đan tu nguyên thủy. Ma quỉ rất ư là ma giáo, chỉ có thể lừa đảo và làm anh em trẻ sa ngã nếu nó đẩy người anh em đó vào chỗ kiêu ngạo hay tự trọng kiểu nhân loại mà che đậy các tư tưởng của mình.

  (12) Về tuân phục, thấy rõ châm ngôn (N18) của linh phụ Sylvain với môn sinh Marc (N18) “…người bạn trẻ này (Marc) làm nghề viết thủ bản, đã không dám hoàn tất chữ Ω mà anh ta đang viết.”

  (17) Việc đọc sách trong bữa ăn xuất phát từ Qui Luật Basiliô, chứ không phải Pacômiô.

  Ở đoạn d, nói về đan sĩ gương mẫu thứ nhất là Gioan thành Lycopolis, là châm ngôn về việc trồng cây gỗ (N16), nhưng được viết lại dưới dạng đáng tin hơn. Về Patermutus (“Cha câm” trước những đau khổ người ta gây cho con mình), người ta đọc thấy một vị cao niên, để thử thách người môn đệ đã ra lệnh ném đứa con của mình xuống dòng sông Nil.

  Trình bày về đan sĩ gương mẫu cuối cùng là Pinufius, Cassien đưa ra một bài học quí giá mà ông đặt trong miệng của vị ẩn sĩ này, nhân dịp lãnh áo dòng của một tập sinh. Đó là phần thứ năm nơi ông đề cập đến tinh thần đời đan tu.

  Như vậy, chúng ta thấy phần thứ nhất của tác phẩm “Các Thể Chế Viện Tu” được cấu trúc rõ ràng: từ điều dễ nhận thấy, bên ngoài, để đi đến điều bên trong.

  Chúng ta dừng lại phần thứ năm này, là bài thuyết trình của của ẩn sĩ Pinufius. Bài thuyết trình này phản chiếu lại một đạo lý mà thánh Biển Đức biết rất rõ, vì ngài lấy lại đoạn văn hầu như từng chữ.

– Dẫn nhập

  (Bản văn 1) “Bạn biết là bao nhiêu ngày bạn ở ngoài đan viện trước khi bạn được đón nhận hôm nay ở nơi đây. Trước hết bạn hãy biết nguyên do nào đưa bạn đến đây dù có khó khăn đi nữa. Vì đó mà bạn muốn bước vào đời sống này, nếu bạn sẵn sàng phục vụ Chúa Kitô một cách thích hợp.

  Thật vậy, vì Thiên Chúa hứa ban một vinh quang vô cùng trong tương lai cho những ai trung thành phụng sự Người và gắn bó với Người theo qui luật của dòng này, cũng vậy những hình phạt nặng nề đã dành sẵn cho những ai đi theo Người cách lười biếng và khô lạnh, những người ít quan tâm đến việc lấy những hoa trái thánh thiện mà tỏ lộ thấy sự dấn thân của họ như người ta tin tưởng như vậy. Vì, theo Kinh Thánh, tốt hơn “là đừng khấn hứa gì còn hơn là khấn hứa mà không hoàn tất”, và rằng “khốn cho ai biếng trễ trong việc Chúa.”

   Đó là lý do tại sao chúng tôi khất lần với bạn một cách lâu như vậy: không phải vì chúng tôi không vui lòng lo ơn cứu độ của bạn hay của mọi người, cũng không phải chúng tôi không mong ước đi gặp gỡ, dù có phải đi xa, tất cả những ai muốn qui hồi về với Chúa Kitô; nhưng chính vì sợ rằng, khi nhận bạn quá dễ dàng, chúng tôi biến mình thành người có tội đối với Thiên Chúa vì nhẹ dạ và lại kéo chính bạn vào hình phạt nặng nề hơn, nếu, vì được nhận quá dễ dàng, bạn không hiểu một cách nghiêm túc việc khấn hứa của bạn, rồi sau đó bạn từ bỏ và sống trong chán nản ê chề.”

– Khởi hành hướng tới sự hoàn thiện

  (Bản văn 2) “Chính vì thế, trước hết bạn hãy biết đâu là động cơ giúp bạn từ bỏ thế gian; và một khi đã nhận thấy, bạn sẽ được dạy dỗ một cách rõ ràng điều gì thích hợp để hành động.”

  (Bản văn 3) “Sự từ bỏ không là gì khác hơn là dấu hiệu của thập giá và cái chết của Chúa Kitô. Chính vì thế mà hôm nay bạn biết mình đã chết cho thế gian, cho những xúi giục và những ước muốn của nó; và như lời Thánh Tông Đồ, bạn đã bị đóng đinh cho thế gian và thế gian bị đóng đinh cho bạn. Vậy bạn hãy xem xét thập giá là gì, mà nhờ ánh sáng của mầu nhiệm đó bạn phải sống, vì giờ đây “không phải bạn sống nữa, nhưng Đấng đã chết cho bạn, sống trong bạn.”

   Chúa đã chịu chết treo cho chúng ta, chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy sống một cách phù hợp, để, như lời vua David, xé rách xác thân chúng ta bằng sự tôn sợ Thiên Chúa, tất cả ý chí và ước muốn của chúng ta không còn để phục vụ những đam mê dục vọng của chúng ta nữa, mà chúng ta đóng chặt chúng vào thập giá và giết chết chúng đi. Và như thế, chúng ta chu toàn huấn lệnh của Chúa:“Ai không vác thập giá mình và không theo Thầy, thì không đáng với Thầy.”

  (Bản văn 4) “Nhưng có thể bạn sẽ nói làm sao một người có thể vác thánh giá liên tục và làm sao họ một người đang sống có thể bị đóng đinh được? Bạn hãy nghe, không dài lắm đâu.

  Thập giá của chúng ta, là lòng tôn sợ Thiên Chúa. Như vậy, như một người bị đóng đinh không thể cựa quậy thân thể và quay đi quay lại như mình muốn, chúng ta cũng thế thôi, chúng ta phải cột chặt ý chí và ước muốn chúng ta, không phải vào công việc tạo cho chúng ta vui thích hay làm chúng ta hân hoan trong giây lát, nhưng là vào lề luật của Chúa mà chúng ta gắn bó. Người nào bị treo trên thập giá thì không màng chi đến những của cải hiện tại, không còn nhớ tới những tình cảm quyến luyến, không còn bị dao động bởi những lo toan và bận tâm của ngày mai, không còn bị lợi lộc quyến rũ, không còn bị đốt cháy bởi kiêu ngạo, không còn ganh đua, không còn hơn thua, không còn phiền não vì bị lăng nhục, không còn nhớ đến việc bị ma lị trong quá khứ; và dù rằng còn sống trong thân xác, người đó ước mong chết cho tất cả các yếu tố trần gian, lòng hướng về nơi mình biết sắp đi đến. Chúng ta cũng vậy, vì lòng tôn sợ Thiên Chúa, chúng ta đã chịu đóng đinh về tất cả những sự đó, nghĩa là không những chết cho những nết xấu của xác thịt, nhưng còn là tất cả những gì thuộc trần gian, mắt tâm hồn luôn hướng nhìn nơi chúng ta luôn mong ước sẽ đi tới. Bằng cách đó chúng ta có thể khổ chế tất cả những dục vọng và những quyến luyến xác thịt của chúng ta.”

  (Bản văn 5) “Như vậy, bạn hãy canh chừng để đừng lấy lại những gì bạn đã vất đi khi bạn từ bỏ trần gian… Bạn đừng bị rơi vào những ước ao và lo toan thấp hèn và trần tục của thế giới này nữa, và bạn đừng tụt xuống từ đỉnh của sự hoàn thiện để lấy lại những gì bạn đã đẩy xa khi bạn từ bỏ.

  Bạn hãy canh chừng để đừng nhắc nhớ lại trong tim bạn cha mẹ và những tình cảm quyến luyến ngày xưa nữa; nếu bạn lại dấn thân vào những lo toan và những bận tâm đời này, “tra tay cầm cày mà lại ngoá lui”, như lời Chúa nói, thì bạn sẽ chẳng xứng đáng với Nước Trời đâu.

  Bạn hãy canh chừng khỏi kiêu ngạo, vì với niềm tin hăng say và lòng khiêm hạ sâu thẳm, bạn chà đạp dưới chân điều mà nay bạn lại bắt đầu lấy lại; khi bạn sẽ cảm nghiệm vị ngọt ngào của thánh vịnh, thánh ca và nếp sống của bạn, nếu kiêu ngạo dần dần thức dậy, bạn đừng nghĩ đến phải làm nó phục sinh: vì như lời thánh Tông Đồ, nếu bạn xây lại điều bạn đã phá đi, thì bạn biến mình thành kẻ lệch lạc. Thà rằng bạn cứ ở trong thiếu thốn như thế này cho đến cùng còn hơn là bạn đã khấn hứa trước mặt Thiên Chúa và các thiên thần của Người mà không tuân giữ.”

  “Trong khiêm hạ và kiên nhẫn, bạn đã khẩn khoản suốt mười ngày, trước cánh cổng, với bao nhiêu nước mắt để được nhận vào đan viện, không những bạn hãy ở lại đó mà còn hãy tiến triển và làm các nhân đức phát triển. Vì thật là một điều bất hạnh lớn là, nếu bạn đã tiến triển ngay từ đầu và hướng đến sự hoàn thiện, mà nay bạn lại bắt đầu tụt xuống tình trạng còn thấp hơn tình trạng ban đầu. Vì không phải người đã khởi công, nhưng là người kiên trì đến cùng, sẽ được cứu độ.”

  (Bản văn 6) “Vì con rắn quỉ quyệt luôn quan sát điểm yếu của chúng ta, nghĩa là nó rình mò chúng ta từ ngày chúng ta bỏ thế gian đến ngày cuối đời, nó cố tìm cách làm chúng ta vấp chân té ngã. Chính vì thế, sẽ chẳng ích lợi gì việc bạn bắt đầu tốt, cũng như với nhiệt tâm lớn lao đã ấp yêu cuộc sống từ bỏ này, nếu bạn chẳng hoàn tất cũng một cách thức như vậy với một chất lượng như thế, và nếu bạn vừa tuyên khấn trước nhan thánh Chúa là giữ đức khiêm hạ và nghèo khó của Chúa Kitô, mà bạn chẳng tuân giữ những lời khấn đó như bạn đã ấp yêu, cho đến trót cuộc đời, thì chẳng có ích lợi chi.

  Bạn mến, nếu bạn muốn đi đến đó, hãy quan sát tâm trí bạn, nghĩa là quan sát những bước đầu của tư tưởng, tỏ cho vị cao niên biết ngay lập tức. Hành động như vậy, bạn sẽ học được cách đập tan từ trong trứng nước những bước đầu, chúng có khả năng làm cho bạn hư mất, nếu vì hổ thẹn bạn không tỏ lộ hoàn toàn cho vị cao niên.”

  (Bản văn 7) “Chính vì thế, như lời Kinh Thánh, khi bạn dấn thân phụng sự Thiên Chúa, hãy kiên vững trong niềm tôn sợ Thiên Chúa, hãy chuẩn bị tâm hồn, không phải để được an nghỉ, cũng không cho được thanh thản, hay vui thú, nhưng là để đối đầu với cám dỗ và khó khăn. Vì rằng “qua biết bao thử thách chúng ta mới vào được Nước Thiên Chúa”. Và “cửa thì hẹp, đường đi thì gồ ghề, và ít người tìm thấy”. Vậy, bạn hãy xét xem bạn đang thuộc nhóm nhỏ những người được tuyển chọn, và bạn đừng để mình ra nguội lạnh bởi gương xấu và sự chán nản của số đông. Trái lại, hãy sống như “số ít” để đáng được vào Nước Trời với nhóm “ít người” này. Vì rằng “nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn”, và rằng đoàn chiên nhỏ bé mà Chúa Cha đã vui lòng ban cho gia nghiệp. Chính vì vậy, bạn đừng có tin rằng đó chỉ là một lỗi nhẹ nếu sau khi đã khấn hứa sống hoàn thiện lại đi theo điều bất toàn.”

– Vươn tới đức ái

  (Bản văn 8) “Để đạt tới tình trạng toàn hảo, người ta phải đi qua những cấp độ và trật tự như sau:

  “Khởi đầu là lòng tôn sợ Thiên Chúa. Vì qua đó, những ai dấn thân trên con đường hoàn thiện, thủ đắc bước đầu của sự trở lại là sự thanh luyện những nết xấu và bảo tồn nhân đức.

  Một khi lòng tôn sợ thấm nhập tâm trí con người, nó làm phát sinh sự khinh chê mọi sự, quên đi cha mẹ, và ghê tởm thế gian này; và qua sự khinh chê và thiếu thốn mọi sự, người ta thủ đắc lòng khiên hạ.

  ◊  Và đây là những dấu chỉ cho biết lòng khiêm hạ:

  1. Nếu chúng ta giết chết mọi ý riêng mình.
  2. Nếu chúng ta không che giấu gì với vị cao niên, không những là tất cả các hành động nhưng ngay cả những tư tưởng.
  3. Nếu chúng ta không dựa trên sự biện phân cá nhân mình nhưng là đặt tất cả dưới phán quyết của vị cao niên, và vui lòng nghe những lời khuyên của ngài.
  4. Nếu trong mọi hoàn cảnh, chúng ta tỏ ra vâng lời, hiền hoà và bình tĩnh kiên nhẫn.
  5. Nếu không những là chẳng làm hại ai, mà còn không đau khổ về những hình phạt người ta bắt chúng ta chịu, và không buồn phiền về những hình phạt đó.
  6. Nếu chúng ta không làm gì khác hơn điều luận chung và gương lành các vị cao niên đòi hỏi.
  7. Nếu chúng ta bằng lòng với tất cả những gì là rẻ mạt, và trong tất cả những gì người ta bắt chúng ta thi hành, chúng ta coi mình chỉ là những người thợ xấu xa và bất xứng.
  8. Nếu chúng ta tuyên bố là kẻ cuối hết, không chỉ trên đầu môi chót lưỡi, mà tin thật như thế tận đáy lòng mình.
  9. Nếu chúng ta giữ miệng lưỡi và không cất tiếng.
  10. Nếu chúng ta không mau cười to tiếng.

  Qua những dấu chỉ đó và những dấu khác tương tự, chúng ta nhận ra lòng khiêm hạ chân thực. Và khi bạn thật sự thủ đắc đức khiêm hạ, ngay lập tức nó đưa bạn lên cao, tới một cấp độ tuyệt vời hơn, tới đức ái không còn biết đến sợ hãi. Nhờ đức khiêm hạ, bạn không còn phải cực nhọc làm tất cả những gì mà lúc khởi công bạn chỉ thi hành vì sợ án phạt. Từ nay trở đi, bạn sẽ không thi hành vì sợ hình phạt nhưng vì tình yêu sự thiện và lòng yêu mến nhân đức”.

– Phương pháp thực hành

  (Bản văn 9) “Để dễ dàng đi đến đó, bạn cần phải tìm trong cộng đoàn những gương mẫu của một đời sống trọn lành để noi theo: một nhóm nhỏ các đan sĩ, hay tốt hơn, một hay hai vị, và không nhiều quá. Vì, rất ư là hoạ hiếm những người đã chịu thử thách và được thanh luyện, bạn sẽ có cái lợi ích là được xây dựng và đào luyện tốt bởi gương lành của chỉ một người nào đó về những gì liên quan đến sự hoàn thiện, về những gì đề xuất cho bạn, nghĩa là đời sống viện tu.”

  (Bản văn 10) “Để đạt tới mục tiêu đó và luôn sống dưới luật thiêng liêng này, bạn, đang khi sống trong cộng đoàn, phải tuân giữ ba điều này, nghĩa là theo như lời vịnh gia: “Đối với tôi, như một người điếc, tôi không nghe chi hết; như một kẻ câm, tôi không mở miệng. Tôi đã trở nên như một người không nghe chi hết, và chẳng đối đáp ngoài môi.”

  Bạn cũng vậy, hãy hành xử như một người điếc, câm và mù. Trừ ra những người mà bạn chọn làm gương mẫu sự hoàn thiện cho mình, thì hãy như người mù, bạn đừng nhìn những gì bạn thấy là thiếu xây dựng, sợ rằng, vì bị xô đẩy bởi quan điểm và gương xấu của những kẻ như thế, bạn bị lôi vào một sự dữ và bạn sẽ bị lên án trước tiên.

  Nếu bạn nghe những lời của kẻ bướng bỉnh, bất tuân, chống đối, nổi loạn, khinh người hay nếu họ nói với bạn điều trái ngược với điều bạn được dạy dỗ, bạn cũng đừng để mình bị vấp phạm, vì một hạng người như thế không thể đẩy bạn noi theo để bị hư mất. Nhưng như một người hoàn toàn không nghe gì hết, hãy để cho qua những hỗn loạn này.

  Nếu có người nào bất tuân ngỏ với bạn hay với ai khác lời nguyền rủa và những lời ác độc, hãy điềm tĩnh và thay vì trả lời đẹp hơn, hãy nghe những lời đó như một người câm, hãy luôn hát trong lòng mình câu của vịnh gia: “Tôi đã nói: Tôi sẽ tuân giữ đường lối của tôi để lưỡi tôi không phạm tội. Tôi đã khoá miệng tôi bao lâu kẻ gian ác còn đối mặt, tôi im tiếng và tôi khiêm hạ, tôi giữ thinh lặng.”

  (Bản văn 11) “Nhưng hơn cả những điều kia, bạn hãy tuân giữ điều thứ tư này, nó sẽ làm thăng hoa và làm cho ba điều trên kia có giá trị. Bạn hãy trở thành “kẻ điên trong thế gian này”, như chính lệnh truyền của thánh Tông Đồ để trở thành người khôn ngoan. Đừng phê bình gì cả, đừng tranh luận gì về những gì người ta ra lệnh cho bạn phải làm. Nhưng với tất cả sự đơn giản và đức tin, luôn tỏ ra tuân phục, chỉ coi là thánh, hữu ích và khôn ngoan duy nhất điều mà luật Chúa và sự biện phân của các vị niên trưởng đưa ra.

  Và khi đã kiên vững trong cách hành động như thế, bạn sẽ có thể sống dưới tu luật này và không một cám dỗ, không một mưu đồ nào có thể lôi bạn ra khỏi đan viện.”

  (Bản văn 12) “Cuối cùng, để những gì vừa nói ra ghi khắc sâu trong tâm trí bạn và để lại dấu ấn lâu bền trong tư tưởng của bạn, tôi xin tóm tắt ngắn gọn và giúp bạn dễ nhớ toàn bộ những điều tôi vừa nói.

  Vậy bạn hãy nghe đây, trong một ít từ thôi, cái trật tự qua đó bạn có thể bay cao lên tới đỉnh trọn lành, mà không phải khổ cực cũng chẳng khó khăn gì.

  “Khởi đầu của ơn cứu độ và sự khôn ngoan”, như lời Kinh Thánh, là “lòng tôn sợ Thiên Chúa”. Từ lòng tôn sợ Thiên Chúa nảy sinh lòng thống hối có tính cứu độ. Từ tâm hồn thống hối phát sinh sự từ bỏ, nghĩa là sự trần trụi và khinh chê mọi giàu sang phú quí. Từ sự trần trụi phát xuất lòng khiêm hạ. Từ lòng khiêm hạ sinh ra việc giết chết ý riêng. Qua sự giết chết ý riêng, tất cả những nết xấu bị nhổ rễ và bị héo tàn. Sau việc xua trừ các nết xấu, những nhân đức đơm hoa kết trái và đâm chồi nảy lộc. Qua sự phát triển của chồi non người ta thủ đắc trái tim tinh tuyền. Qua trái tim tinh tuyền, người ta chiếm hữu đức ái trọn hảo của các tông đồ.”

  • Phần thứ hai của “Các Thể Chế” lấy lại đạo lý của Évagre về tám tư tưởng

  Ở chương V, cần ghi nhận đoạn nói về sự cẩn trọng (mực thước) trong việc ăn chay: qui luật này áp dụng tuỳ theo từng người: người ta phải dùng thực phẩm tuỳ theo nhu cầu sức khoẻ chứ không phải theo ước muốn. Cuối chương (24 – 41) nhắc lại nhiều “Tiêu đề của các Niên trưởng”. Và đây là một định nghĩa đẹp về cầu nguyện: “Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa và ôm chặt lấy Ngài trong mình.”

  Về sự nóng giận, ghi nhận thích thú: nóng giận làm u tối đôi mắt nội tâm và ngăn cản ánh sáng của Chúa Thánh Linh (VIII, 1). Sự buồn chán kéo chúng ta ra khỏi sự chiêm niệm” (IX, 1).

  Về hai tư tưởng cuối cùng, rất ư là đáng sợ, Cassien, vì viết cho các đan sĩ viện tu, nên nối kết sự háo danh và tính dị biệt trong đời sống cộng đoàn (XI, 6). Còn về kiêu ngạo, đó là mối tội đầu thứ nhất: nó tấn công chính Thiên Chúa và vì thế nó đáng được coi là đối thủ của Thiên Chúa.

  Cuối phần này, chúng ta gặp lại đạo lý được trình bày trong bài diễn văn của Pinufius:

Lòng kính sợ Chúa > sự trần trụi > từ bỏ > khiêm hạ > các nhân đức > đức ái (XII,31).

b.Những Bài Thuyết Trình

a).Những bài thuyết trình là tiếng vọng của việc huấn luyện mà một vị niên trưởng thực hiện cho người trẻ nơi các Thánh Phụ Sa Mạc. Chúng bàn đến những đề tài khác nhau liên quan đến đời sống đan tu.

  Chúng ta sẽ học hỏi bài thuyết trình thứ nhất: “Mục đích và cứu cánh của đan sĩ”.

  Cần phải đọc tất cả. Nhưng chúng ta ghi nhận những bài thuyết trình quan trọng nhất:

  Bài thuyết trình thứ hai bàn về sự biện phân các tư tưởng: sự cẩn trọng (mực thước) được trình bày như một quà tặng cao quí nhất của ân sủng Thiên Chúa; đó là một đặc sủng của Chúa Thánh Linh cho phép nhìn thấy trong đêm tối.

  Bài thuyết trình thứ ba bàn về ba loại ơn gọi, ba thứ của cải, ba sự từ bỏ. Ba ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa: trực tiếp, qua trung gian nhân loại, bằng sự cần thiết. Ba thứ của cải: xấu, tốt, vô thưởng vô phạt. Ba sự từ bỏ: bên ngoài = vật chất (sánh ví với cuốn sách Châm ngôn) – bên trong = lòng dính bén vật chất (sánh ví với cuốn sách Ecclésiaste) – di cư khỏi thế giới vật chất chỉ vì ao ước những của cải vô hình (sánh ví với cuốn sách Diễm ca).

  Bài thuyết trình thứ tư bàn về lòng dục vọng: nơi đây nói đến ba nguyên nhân của sự khô lạnh.

  Bài thuyết trình thứ năm trở về “tám tư tưởng”, nhưng được nhìn dưới lăng kính của kinh nghiệm. Những mối tội đầu này liên kết với nhau; từ đó phải có một kỹ thuật để chiến đấu.

  Bài thuyết trình thứ sáu nói đến vấn đề sự dữ và cám dỗ.

  Bài thuyết trình thứ chínthứ mười bàn về cầu nguyện. Hai bài thuyết trình này hữu ích nhất.

  Bài thuyết trình thứ mười bốn cũng rất quan trọng: nó trình bày đạo lý của Cassien về đọc sách thiêng liêng (lectio divina). Sau lời mở, Cassien nói rằng bất cứ khoa học nào cũng có những qui luật của nó. Đời sống tu trì cũng vậy và ông đưa ra một định nghĩa: “Khoa học nhắm đến việc chiêm ngắm những mầu nhiệm trên trời.” Định nghĩa này có hai mặt. Cassien trình bày lại sự phân biệt của đời sống thiêng liêng đã được Évagre trình bày: practikè – théorètikè = khổ chế – chiêm niệm. Khổ chế là nền tảng của chiêm niệm; và nền tảng của khổ chế là cuộc chiến chống lại các nết xấu.

  Chính vì vấn đề théorètikè mà người ta tiến đến lectio divina. Cassien lấy lại tư tưởng của Origène về các ý nghĩa của Kinh Thánh: chú giải theo lịch sử hay mặt chữ, chú giải thiêng liêng chia làm ba nhánh: tropologie (luân lý), allégorie (phúng dụ), anagorie (loại suy). Sau đó ông nói đến những điều kiện của việc đọc sách thiêng liêng (lectio divina): trái tim tinh tuyền, khiêm hạ, kiên trì. Ở đây cũng xuất hiện đạo lý của ông Origène. Sau một đoạn nói về sự đãng trí, ông trình bày những hoa trái của lectio divina: sự toàn hảo của khoa học thiêng liêng: Kinh Thánh chuyển động!

  Bây giờ chúng ta trở về bài thuyết trình thứ nhất và đọc một vài đoạn quan trọng nhất:

  (Bản văn 13) “Mục đích và cứu cánh của đan sĩ” (Thánh Phụ sa mạc Maisen).

  “Bất cứ nghệ thuật, bất cứ môn học nào cũng có “scopos”, nghĩa là mục đích của nó, và “telos”, nghĩa là cứu cánh riêng của nó. Người nào say mê một nghệ thụât nào, đều vui lòng chịu tất cả những vất vả, nguy hiểm và mất mát.

  Này đây người nông dân: ông cày bừa dưới nắng chang chang, rồi dưới sương giá lạnh băng, với chiếc cày ông lật đất, đảo lên đảo xuống mảnh đất cứng, bao lâu ông còn giữ “scopos” của mình là dọn dẹp gai góc, nhổ cỏ dại, và cật lực làm việc, làm cho mảnh đất nên nhuần nhuyễn và mịn như cát. Ông ta không tính toán gì hơn là đạt cho được cứu cánh của mình là thu hoạch một mùa bội thu cho phép ông sống sung túc và tăng thêm của cải. Chúng ta cũng thấy ông vui lòng dốc hết kho lẫm chứa đầy hạt giống, và trong công việc đồng áng nặng nhọc cần cù, ông giao phó hạt giống cho những luống cày đã cày bừa hẳn hoi. Nhìn thấy một mùa gặt tương lai làm cho ông không cảm thấy những mất mát hiện tại.

  Những thương gia cũng vậy, họ không sợ phải phiêu lưu hải hồ, không ngán hiểm nguy: đôi cánh hy vọng đưa họ tới cứu cánh là một mối lợi to lớn.

  Cũng vậy đối với người theo binh nghiệp. Họ nhìn cứu cánh là vinh quang và quyền lực làm cho họ vô cảm trước những hiểm nguy và bao gian nguy ngàn cân treo sợi tóc. Đau khổ và chiến đấu hiện tại không làm họ gục ngã: vì họ mong ước chiếm được cứu cánh là danh vọng mà họ nhắm tới.”

  (Bản văn 14) “Đời tu của chúng ta cũng có “scopos” riêng và vì cứu cánh của nó mà chúng ta chấp nhận mọi gian lao vất vả, không chỉ với phấn đấu không ngừng và cả với niềm vui. Ăn chay và đói khát không làm chúng ta mệt mỏi, khổ nhọc thức đêm làm chúng ta hân hoan; đọc và suy niệm Kinh Thánh không ngừng không làm chúng ta no thoả, ngay cả khi cật lực khổ công, trần trụi, mất tất cả, ngay cả cái ghê sợ của sa mạc mênh mông này, không gì làm cho chúng ta sợ hãi cả.

  Chắc chắn rằng, chính cái cứu cánh này đã làm cho các bạn khinh chê những tình cảm âu yếm của mẹ cha, mảnh đất quê hương yêu dấu, những vui thú trần gian, và xuyên qua bao xứ sở, để đến đây tìm gặp và sống chung với những người như chúng tôi, thô lỗ và quê mùa, mất hút giữa chân trời buồn thảm của vùng sa mạc quạnh hiu này. Vậy thì, các bạn hãy trả lời đi: đâu là mục đích và cứu cánh đã thúc đẩy các bạn vui lòng chịu đựng tất cả những thứ đó?”

  (Bản văn 15) “Vị ẩn sĩ nói tiếp: “Đúng vậy, thật thích đáng phải tìm thấy cứu cánh.” Nhưng đâu là “scopos” (mục tiêu) mà chúng ta không ngừng theo đuổi để đạt được cứu cánh? Đó là điều các bạn cần phải biết trước tiên.

  Và sau khi chúng tôi đã thú nhận sự ngu dốt của mình, vị ẩn sĩ nói tiếp: “Như tôi đã nói, bất cứ nghệ thuật, nghề nghiệp nào cũng có mục tiêu, nghĩa là một mong muốn hay một dự phóng không ngừng của tâm trí; và nếu người ta không nhiệt tâm và kiên trì giữ trước mắt mình mục tiêu đó, thì người ta không thể đạt tới cứu cánh là hoa trái hằng mong ước.

  Cứu cánh của lao công vất vả, như tôi đã nói, là sống an nhàn giữa sự sung túc nhờ một mùa bội thu. Như chúng ta thấy người nông dân giữ vững mục tiêu của mình là dọn sạch gai góc cỏ dại trong cánh đồng; bằng trái lại, nếu ông ta biết rằng mình sẽ chẳng thu hoạch được nhiều là cứu cánh của ông, là sự an nghỉ của ông, nếu ông đã không chiếm hữu trước, nghĩa là đã nẩy mầm trong sự lao nhọc và hy vọng của ông, điều ông mong ước được hưởng thật sự một ngày kia.

  Thương gia cũng không bỏ đi lòng ước ao chiếm hữu những của cải cho phép ông thu góp giàu sang: thật là vô ích nếu ông khát khao thu lợi mà ông chẳng chịu chọn con đường để đạt tới.

  Những người ao ước vinh quang trần thế cũng phải tìm ra đâu là nghề nghiệp và công việc mà họ phải tận lực dấn thân vào bằng con đường hợp pháp để đạt được cứu cánh là thế lực và danh vọng.

  Cũng vậy, cứu cánh của chúng ta là Nước Thiên Chúa. Nhưng đâu là mục tiêu mà phải cố gắng tìm cho ra. Nếu chúng ta không khám phá ra được, thì thật là vô ích việc chúng ta lao công khổ cực, vì không đường lối thì khách bộ hành cũng khó bước đi và chẳng tiến lên được.”

  Vì chúng tôi tỏ ra kinh ngạc, nên vị cao niên nói tiếp: “Cứu cánh của đời tu chúng ta, như chúng tôi đã nói, là Nước Thiên Chúa. Nhưng mục tiêu, nghĩa là “scopos”, là trái tim tinh tuyền, không có nó thì chẳng ai có thể đạt tới cứu cánh. Vậy, dán mắt chặt vào mục tiêu này, chúng ta hãy chạy thẳng, như hướng theo một tuyến đường thẳng được xác định. Nếu tư tưởng chúng ta vừa hơi xa lìa mục tiêu đó, hãy nhìn lại ngay lập tức, và sửa chữa bước đi. Hãy qui kết tất cả những nỗ lực của chúng ta vào điểm duy nhất này, lập tức nó sẽ là một lời khiển trách cho chúng ta, nếu tâm trí chúng ta sai trệch hướng đi.”

  (Bản văn 16) “Những người bắn cung cũng vậy, khi họ trình diện trước vua đời này, họ muốn minh chứng sự khéo léo tài giỏi của mình. Giá trị đã được vẽ trên tấm bia mà mỗi người cố gắng phóng cho đúng. Thật rõ ràng là nếu họ không  nhắm thẳng mục tiêu, thì họ sẽ chẳng đạt được cứu cánh là phần thưởng mong ước. Chắc chắn họ chiếm được cứu cánh nếu họ chạm được “scopos” mục tiêu đưa ra.”

  (Bản văn 17) “Đối với chúng ta cũng vậy: cứu cánh của đời tu chúng ta, theo như thánh Tông Đồ nói, là cuộc sống đời đời: “Hoa trái của anh em là sự thánh thiện, và cứu cánh là cuộc sống đời đời.” Còn về scopos, mục tiêu của chúng ta là trái tim tinh tuyền mà thánh Phaolô gọi đúng tên là sự thánh thiện, mà không có nó không thể đạt tới cứu cánh này. Có thể quảng diễn như sau: “Anh em có mục tiêu là trái tim tinh tuyền, và cứu cánh là sự sống đời đời.” Nơi khác nói về mục tiêu này, thánh Tông Đồ dùng chính từ scopos một cách độc đáo khi ngài nói: “Quên đi điều gì đằng sau tôi, tôi vươn tới phía trước, tôi chạy thẳng tới mục tiêu (đích), tới phần thưởng mà Thiên Chúa đã từ trời cao kêu gọi tôi.” Tiếng Hi Lạp còn rõ hơn nữa: “Kara scopon diôkô”, nghĩa là tôi chạy bằng cách nhìn thẳng về mục tiêu (đích).

  Như vậy, với tất cả năng lực, chúng ta hãy ấp yêu điều có thể dẫn đường chúng ta tới đích là trái tim tinh tuyền, còn những gì ly tán chúng ta khỏi đó, hãy tránh xa như một thứ độc hại và tai họa.”

  (Bản văn 18) “Như vậy, trái tim tinh tuyền là tận điểm duy nhất của tất cả hành động và ước muốn của chúng ta. Vì nó mà chúng ta ấp yêu cô tịch, chịu đựng chay kiêng, canh thức, thân xác trần trụi, đọc sách và thực hành những nhân đức khác. Qua đó chúng ta có thể làm cho trái tim mình tinh tuyền khỏi mọi đam mê độc hại, và dựa vào những cấp độ này, có thể leo tới sự toàn thiện của đức ái. Và nếu vì lý do chính đáng hay cần thiết, mà chúng ta không thể thi hành hoàn toàn điều đòi hỏi chúng ta, thì chúng ta đừng rơi vào buồn chán, vào tức giận hay phản kháng, bởi vì để trục xuất những nết xấu này mà chúng ta đã làm ít hơn đòi buộc. Người ta thu hoạch ít qua chay tịnh hơn là mất vì cơn giận dữ. Và người ta chẳng tìm được lợi ích qua việc đọc Sách Thánh bằng việc mất đi khi khinh chê anh em mình.

  Như vậy phải đặt đúng chỗ những sự việc bậc hai là chay tịnh, canh thức, thinh lặng, suy niệm Kinh Thánh so với scopos của chúng ta là trái tim tinh tuyền, là đức ái, mà không đảo lộn đức ái là nhân đức thứ nhất bởi những thứ phụ thuộc; đức ái này, vì cư ngụ trong chúng ta và tinh tuyền, nên sẽ không bị huỷ diệt, ngay cả khi vì tình cảnh bắt buộc chúng ta phải bỏ đi một vài thứ phụ thuộc. Chẳng có ích lợi gì cho chúng ta nếu chúng ta chu toàn tất cả mà lại đánh mất cái chính yếu là đức ái mà vì nó mà tất cả được hoàn tất.”

  (Bản văn 19) “Thật vậy, một công nhân cố gắng sử dụng những công cụ để hành nghề, không phải vì có nó để sử dụng, cũng chẳng phải chỉ vì lợi thế là có chúng trong tay, nhưng là sử dụng chúng một cách hữu hiệu mà đạt tới cứu cánh mà những dụng cụ kia giúp ích. Cũng vậy, chay tịnh, canh thức, suy niệm Kinh Thánh, trần trụi và thiếu thốn đủ thứ, không phải là sự hoàn thiện, nhưng là khí cụ của sự hoàn thiện (giúp hoàn thiện), vì không phải ở trong chúng có nghệ thuật dẫn đến cứu cánh, nhưng qua chúng mà người ta đạt tới cứu cánh. Nhưng nếu ai không biết sử dụng những thực hành này, và chỉ co quắp vào lòng mình, như thể là thiện hảo tối cao, mà không nhiệt tâm thực hành những điều đó để đạt được cứu cánh, thì không hiểu biết gì cả!

  Như vậy, tất cả những gì làm vẩn đục sự tinh tuyền và sự an tĩnh của con tim, ngay cả khi điều đó có vẻ hữu ích và cần thiết, thì cũng phải tránh như là điều nguy hại. Qua những qui luật này chúng ta có thể tránh được những sai lạc và những phóng tâm làm chúng ta phân tán, và có thể đạt được cứu cánh mong ước bởi một đường hướng chắc chắn.”

b).Khổ chế và chiêm niệm (Practikè và Théorikè)

  (Bản văn 20) “Đối với chúng ta đó chính là nỗ lực chính yếu, một sự giải quyết bền vững của trái tim chúng ta và phải luôn giữ gìn để tâm hồn chúng ta luôn gắn bó với Chúa và các điều thuộc về Chúa. Tất cả những gì xa cách điều đó, dù rằng có lớn lao đi nữa, thì cũng chỉ là phụ thuộc, hoặc không đáng kể và có thể là nguy hại nữa.”

   Sau đó Cassien dẫn ví dụ đoạn Tin Mừng liên quan đến Martha và Maria.

  (Bản văn 21) “Như vậy các bạn thấy là Chúa đặt sự thiện hảo chính yếu trong chỉ sự chiêm niệm thần linh (théoria). Từ đó rút ra hệ luận là những nhân đức khác, dù rằng chúng ta coi chúng là cần thiết, hữu ích và tốt lành, cũng phải đặt vào hạng hai, vì tất cả những thứ đó đều nhắm tới sự cần thiết duy nhất này. Thật vậy, Chúa nói: “Con quá lo lắng và phân tâm về nhiều thứ quá, nhưng chỉ có một sự cần thiết, một sự duy nhất cần thiết”, như vậy thiện hảo tối cao không phải trong hoạt động, dù rằng đáng khen và mang nhiều hoa trái phong phú, nhưng chỉ trong chính sự chiêm niệm; một sự chiêm niệm giản đơn và duy nhất; Chúa khẳng định rằng điều ít dẫn tới phúc lạc trọn hảo chính là sự chiêm niệm nơi người ta khởi đầu bằng việc chú tâm đến các thánh. Rồi khởi từ sự chiêm niệm này, người đang trên đường tiến đức, nhờ ơn Chúa giúp, tiến đến nhìn ngắm Thiên Chúa mà thôi. Như vậy, vượt qua các hành động và những công việc tuyệt vời của các thánh, người đó giờ đây được nuôi dưỡng bằng chính vẻ đẹp (mỹ) và  tri thức về Thiên Chúa mà thôi. “Maria đã chọn phần tốt và không ai có thể lấy mất được.”

  (Bản văn 22) “Điều này cần phải được chú ý kỹ càng. Khi Chúa nói: “Maria đã chọn phần tốt”, dù rằng Người không nói gì về Martha và như không quở trách chị, nhưng khi khen Maria, Người chứng tỏ rằng Martha bị coi thấp hơn. Vả lại, Người lại nói: “Phần tốt sẽ không bị tước đoạt”, Người muốn nói rằng Martha có thể bị mất phần mình (vì việc phục vụ vật chất không thể kéo dài triền miên nơi con người), nhưng quan tâm của Maria sẽ không bao giờ cùng tận.”

  (Bản văn 23) Cassien và Germain xúc động nói với nhau khi nghĩ rằng tất cả những khổ chế của họ, những thực hành bác ái huynh đệ của họ, sẽ không tồn tại mãi. Khi ấy ẩn sĩ Maisen nói rõ rằng mình không nói rằng điều đó phải bị cất mất đi, nhưng vì tất cả những điều đó phải nhắm tới đức ái, và rằng chỉ có đức ái mới tồn tại, trong khi đó tất cả những thứ khác, vì liên quan đến thân xác, sẽ qua đi.

  Từ những nhận định về sự chiêm niệm, chúng ta đi đến điều làm chúng ta phiền muộn.

c).Phân tâm

  (Bản văn 24) Germain hỏi: “Làm sao có thể lý giải rằng, ngay khi chúng con không muốn và cả khi chúng con không biết, thì những tư tưởng vô ích lẻn vào chúng con một cách tinh vi, bí mật và một cách quá dễ dàng, con không chỉ nói là phải xua đuổi chúng đi, mà còn phải biết làm sao ý thức và nhận ra chúng? Như vậy phải chăng tâm trí tránh thoát chúng mãi mãi và không còn chịu đựng những loại tư tưởng đó đột nhập?”

  (Bản văn 25) Maisen – “Thật vậy, không thể nào tâm trí của chúng ta không trải qua biết bao tư tưởng, nhưng cũng có thể đối với ai chú tâm, là đón nhận hay từ chối chúng. Nguồn gốc của chúng không hoàn toàn lệ thuộc chúng ta, nhưng chuyện đồng thuận hay tiếp đón chúng là trong tầm tay của chúng ta.

  Dầu sao, về điều tôi nói rằng không có thể là tâm trí không cho tư tưởng đi vào, nhưng không vì thế mà coi là một sự gặp gỡ ngẫu nhiên hay là các thần trí cố gắng dẫn chúng vào trong chúng ta. Nếu như thế thì con người chẳng có tự do gì cả và chúng ta cũng chẳng có thể sửa mình. Nhưng tôi xin khẳng định rằng một phần lớn lệ thuộc chúng ta là việc cải thiện phẩm chất của các tư tưởng chúng ta, và làm chúng thành hình trong chúng ta, hoặc là thánh thiện và thiêng liêng, hoặc là trần gian và xác thịt.

  Chính vì thế người ta thêm vào sự cầu nguyện việc siêng năng đọc Sách Thánh, để rằng, qua đó, một cảnh sắc thần linh được trao ban cho ký ức chúng ta; việc hát thánh vịnh làm nảy sinh trong chúng ta lòng thống hối thường xuyên, để khi tâm hồn trở nên bén nhạy, sẽ không còn vui hưởng những sự vật trần gian, nhưng chiêm ngưỡng những thiện hảo trên trời. Trái lại, đối với những tâm hồn chai lì, những người nặng nề bởi nết xấu, sẽ hướng chiều về phía xác thịt và đâm đầu vào đó.”

  (Bản văn 26)  “Việc tâm trí thực hành như vậy cũng ví như những thớt cối xay mà chuyển động của nước làm chúng quay mạnh mẽ. Những thớt cối xay này không thể ngừng công việc của chúng vì bị sức nước quay. Nhưng trong tầm tay người thợ xay là xay lúa mì, lúa mạch hay hạt cỏ dại. Điều chắc chắn là những thớt cối xay đó xay những gì được cung cấp bởi người được trao phó làm công việc này.

  Cũng vậy, tâm hồn, trong cuộc sống trần gian này, quay cuồng dưới những lớp sóng của những cơn cám dỗ quấy rầy, nó không thể ngừng dưới sức mạnh của tư tưởng. Nhưng nó phải cẩn thận, nhiệt tâm và cần mẫn xét xem những gì phải chấp nhận và tìm kiếm. Như chúng tôi nói, nếu chúng ta cần mẫn suy niệm Kinh Thánh và nâng cao ký ức chúng ta lên những thực tại thiêng liêng, lên ao ước sự trọn lành và lên sự hy vọng phước lạc tương lai, thì không tránh khỏi sự kiện là những tư tưởng thiêng liêng được phát sinh từ điều chúng ta suy niệm, sẽ đọng lại trong tâm trí chúng ta. Trái lại, nếu vì biếng nhác và bất cẩn, bị ngã gục vì nết xấu và những chuyện trò vô bổ và trần tục, chúng ta chú tâm và vướng bận vào những việc trần gian hay những lo toan vô bổ, thì đương nhiên một loại cỏ dại phát sinh từ đó, sẽ cung cấp công việc cho con tim chúng ta, và như lời Chúa nói, kho tàng anh em ở đâu, nghĩa là sự chú tâm của chúng ta ở đâu, thì lòng chúng ta cũng ở đó.”

  d).Sự biện phân các thần trí

  (Bản văn 27) “Trước hết, chúng ta phải biết rằng có ba nguyên lý làm chuyển động tư tưởng của chúng ta: Thiên Chúa, ma quỉ và chính chúng ta…”

  “Vì thế chúng ta phải chú ý đến ba nguyên nhân của tư tưởng chúng ta và phải tận tâm thực hiện việc biện phân, để tìm ra trước hết nguồn gốc của chúng, nguyên nhân, tác giả của chúng, để xét xem có tiếp nhận hay không, tuỳ theo giá trị của những gì gợi ý đó.” Và như thế, chúng ta sẽ trở thành những “người đổi tiền tài ba”. Nghĩa là nhờ tài giỏi và kiến thức, những người đổi tiền biện phân được đâu là vàng ròng và đâu là vàng chưa được tinh luyện. Dù rằng có đồng tiền giả bằng đồng mạ vàng cũng không thể qua đôi mắt sành sõi được. Và không chỉ nhận biết những đồng tiền mang hình các bạo chúa, mà sự sáng suốt của họ còn đi xa hơn thế là biện phân ngay cả những đồng tiền đó, dù rằng mang dấu vết của vị vua hợp pháp, cũng chỉ là một món hàng giả (hàng nhái). Và họ còn nhờ đến cân tiểu ly để xét xem có thiếu đủ trọng lượng hay không.

3.Kết luận: Mối tương giao thầy – trò

  (Bản văn 28) “Nhìn vị cao niên nói, chúng tôi rất đỗi sửng sốt, và lòng cháy bừng một nhiệt tâm khó tả. Kinh ngạc trước ước muốn của chúng tôi, ngài nói tiếp: “Hỡi các con, chính sự chú ý của các con đã khiến cha nói một bài diễn văn dài như vậy, và một thứ lửa đã trao cho bài thuyết giảng của cha những tư tưởng bùng cháy, cũng chỉ vì ước muốn của chúng con. Nhưng để xét xem thật sự chúng con có khao khát đạo lý về sự hoàn thiện không, cha còn muốn nói với chúng con về sự tuyệt vời và vẻ đẹp của đức cẩn trọng, một nhân đức tuyệt đỉnh, chiếm hạng nhất, và thật cao cả cũng như rất lợi ích, không những bằng những ví dụ thường ngày mà còn bằng những quả quyết ngày xưa và những châm ngôn của các Thánh Phụ.

  Cha còn nhớ điều đã nhiều lần xảy ra cho cha: với bao nước mắt và năn nỉ, người ta van xin cha ban cho họ một bài giáo huấn tương tự, và chính cha cũng rất muốn trao ban đạo lý. Nhưng cha lại không thể làm được: thiếu tư tưởng và cả ngôn từ. Và cha bị bắt buộc cho họ ra về mà chẳng có thể nói một lời nào để an ủi họ một chút. Với những dấu hiệu đó, người ta có thể nhận ra rằng ơn huệ Thiên Chúa linh hứng cho người nói, tuỳ theo công trạng và ước muốn của người nghe.”

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Antôn – Môn đệ của Đức Kitô

Antôn - Môn đệ của Đức Kitô Tủ sách Biển...

Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại

          Chú Quỷ Ban Trưa và Cơn...

Đan sĩ – Nhà truyền giáo

    Đan Sĩ - Nhà Truyền Giáo M. Hương Yến, PH  ...

Linh phụ Arès – Lời thích hợp cho một thầy dòng

Linh Phụ Arès  Lời Thích Hợp Cho Một Thầy Dòng Tủ...

Lời Giáo Huấn Của Các Tổ Phụ Sa Mạc

 ACHILLE Chiến đấu đến đổ máu để giữ được...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại

          Chú Quỷ Ban Trưa và Cơn Cám Dỗ Thời Đại FM. Thomas Nguyễn Văn Giang Khởi đầu đan tu trào Kitô giáo gắn...

Linh phụ Arès – Lời thích hợp cho một thầy dòng

Linh Phụ Arès  Lời Thích Hợp Cho Một Thầy Dòng Tủ sách Biển Đức - Xitô   Linh phụ Abraham vừa gặp linh phụ Arès. Họ đang...

Antôn – Môn đệ của Đức Kitô

Antôn - Môn đệ của Đức Kitô Tủ sách Biển Đức - Xitô Vào khoảng năm 270, Antôn - một thanh niên 18 tuổi người Ai...

Viện phụ Agathon – Tỉnh thức nội tâm

  Viện phụ Agathon

Lời Giáo Huấn Của Các Tổ Phụ Sa Mạc

 ACHILLE Chiến đấu đến đổ máu để giữ được tình yêu thương anh em   Tủ sách đan tu Biển Đức - Xitô        ...

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...