Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

III. NGUỒN CỦA ĐAN TU TRÀO KITÔ

1.Cựu ước

  Dù thánh Hiêrônimô nói đến các “đan sĩ của Cựu-Ước” (lá thư 125,7), nhưng người ta không tìm thấy đời sống đan tu một cách chính xác. Dù toàn bộ dân chúng được coi như là được thánh hiến, nhưng sự mong chờ Đấng Messia (Thiên Sai) đòi hỏi phải sinh sản trong hy vọng là sinh ra Ngài trong trần gian này. Điều đó loại trừ sự trinh khiết thánh hiến: người ta đọc thấy con gái của ông Jephté “khóc than sự trinh khiết của mình” (Tl 11, 38).

  Dầu vậy, người ta cũng tìm thấy vài hình ảnh, vài phác thảo của đời sống thánh hiến: những tư tế thuộc chi tộc Lêvi mà chỉ Thiên Chúa là gia nghiệp duy nhất của họ; người Nazir (nghĩa là được thánh hiến) trọn đời hay tạm thời phải thực hành một vài cấm kỵ. Samson đã là người Nazir, nhưng những cuộc phiêu lưu tình ái với nàng Dalila minh chứng rằng hôn nhân không nằm trong các điều cấm kỵ đó.

  Sách Kinh Thánh cũng nêu lên sự hiện diện của các nhóm người khổ hạnh sống chung quanh tiên tri Êlisê, được gọi là “tiên tri anh em” hay “con của các tiên tri” (1V 20, 35; 2V 3, tt). Trong đó có một số đã kết hôn (2V 4, 1).

  Những tiên tri như Amos, Hô-sê, Jêrêmia loan báo đời ẩn tu bằng cách lý tưởng hóa cuộc sống trong hoang địa (sa mạc) nơi Thiên Chúa kết giao ước với dân Ngài. Tiên tri Isaia mời gọi “hãy dọn trong sa mạc một con đường cho Thiên Chúa” (Is 40, 3).

  Nơi ngưỡng cửa của Tân Ước xuất hiện Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô loan báo Chúa Giêsu, và cũng tiên báo các đan sĩ. Ông không kết hôn, sống trong sa mạc, chay tịnh, cầu nguyện, suy niệm Lề Luật và nhất là sống khiêm hạ: “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi.” Tiếp đến là Đức Maria đã có ý định giữ gìn đức trinh khiết và trong ngài luôn có một hậu duệ là các trinh nữ thánh hiến, khiêm hạ như Mẹ, để cho Lời Chúa thấm nhập và phong phú hoá.

  Lại nữa, lịch sử trần thế cũng cho chúng ta biết sự hiện diện của những hình thức sống rất gần với đời sống đan tu.

2.Những ‘đan sĩ’ Do thái

  Thật vậy, vào thời Chúa Giêsu, các sử gia đã nêu lên sự hiện diện của những nhà khổ hạnh Do thái sống ẩn kín khỏi trần gian.

a.Nhóm Esséniens

Qumrân là quê hương của Esséens

  Sử gia Josèphe và Philon thành Alexandria cả hai đều nói đến sự hiện diện của nhóm người Do thái mà họ gọi là những người Esséniens hay Esséens. Trào lưu này khá rộng lớn, gồm nhiều chi nhánh trong đó có nhánh ở Qumrân. Ông Philon giải thích từ Esséniens có từ danh từ Hi Lạp hosioi có nghĩa là “thánh thiện”, nhưng từ này có thể xuất phát từ tiếng araméen hassaya, có nghĩa là “đạo đức”. Đó là một phong trào thủ cựu muốn tách khỏi khối dân Israel hư hỏng để tìm kiếm Thiên Chúa trong sự thánh thiện; Bộ Luật của họ viết: “Họ tách biệt khỏi môi trường sống của những con người hư hỏng để đi vào sa mạc mở một con đường cho Thiên Chúa.” Chúng ta đọc hai bản văn mô tả nhóm Esséniens.

– Bản văn thứ nhất của sử gia Flavius Josèphe trong cuốn sách tựa đề Cuộc chiến tranh của người Do Thái II, 122: “Họ khinh chê giàu sang, và điều đáng phục nơi họ là cộng đoàn chia sẻ: không thể tìm thấy giữa họ có ai đó cách biệt với người khác bởi sự giàu sang. Luật lệ của họ muốn rằng bất cứ ai gắn bó với nhóm phải góp tài sản của mình để lo cho cộng đoàn bằng cách nào đến nỗi nơi họ không có biểu thị nào về sự nghèo hèn làm mất phẩm giá và sự giàu có ngạo mạn. Tất cả của cải đều để chung và sử dụng chung như những người anh em… Những ai có nhiệm vụ quản lý tài sản đều do bầu cử và mỗi người thi hành phận vụ riêng do tập thể các thành viên.”

– Bản văn thứ hai của ông Philon trong tác phẩm Bất cứ người nhân đức nào 83-84: “Họ được hình thành để sống đạo đức, thánh thiện, công bằng, kinh tế và chính trị, cho việc hiểu biết điều gì thật sự là tốt lành, xấu xa hay trung lập, cho việc chọn lựa điều phải thi hành và tránh điều ngược lại, bằng cách lấy làm luật lệ và chuẩn mực ba điều thiết yếu là tình yêu Thiên Chúa, lòng yêu mến nhân đức và đức ái nhân.”

  Về tình yêu Thiên Chúa, họ có rất nhiều gương sống: lòng trong sạch vững bền suốt đời, từ chối thề hứa, loại bỏ nói dối, tâm niệm rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi điều thiện. Về lòng yêu mến nhân đức, họ nổi tiếng về sự khinh chê giàu có, vinh hoa và lạc thú; bằng sự tự chủ, nhẫn nại, và hơn nữa bởi sự đạm bạc, giản đơn, vui tươi, khiêm tốn, tôn trọng lề luật, tính tình quân bình và những nhân đức tương tự. Về đức ái nhân, bằng lòng khoan dung, bình đẳng, tình cộng đoàn là điểm son nhất và đáng thán phục.

  Ngoài những thành viên chung sống trong các cộng đồng, nơi ở của họ cũng rộng mở đón những khách viếng thăm muốn sống cùng một lý tưởng. Chi thu đều chung cho mọi người: thực phẩm và y phục được chia sẻ chung. Thật vậy, không nơi nào tốt hơn điều thực hiện nơi đây, chung sống dưới cùng một mái nhà, một nếp sống như nhau, chia sẻ cùng một bàn ăn. Và điều đó có lý do của nó: thật vậy, họ không giữ lại cho mình những gì họ nhận được như là lương lao động thường nhật, nhưng để làm của chung, để ai muốn đều có thể sử dụng.

b.Những nhà khổ hạnh Do thái

  Trong cuốn sách mang tựa đề “Về Đời Sống Chiêm Niệm”, ông Philon miêu tả những nhà tu khổ hạnh sống tại Ai-Cập, về phía đông Alexandria, gần với hồ Marétis, gần biển. Đôi khi chính ông cũng đã đến đó để tĩnh tâm tránh xa tiếng động của trần gian. Ông đặt tên cho họ là những “nhà (tu) khổ hạnh”, chiết tự từ tiếng Hi-Lạp có nghĩa là “phục vụ” và “chăm sóc”. Ông Philon chú trọng đến ý nghĩa thứ hai này: đó là những nhà chăm sóc (những đam mê của họ). Ông viết: “Một cách tổng thể, những triết gia này được gọi là những “nhà chữa trị”, trước hết vì việc chữa trị là nghề cao quí nhất trong xã hội của chúng ta – nghề này chăm sóc thân xác, nghề kia chăm sóc linh hồn đang bị bệnh nặng và khó chữa vì bị khống chế bởi những khoái lạc, ham muốn, buồn thảm, sợ hãi, dục vọng, ngu xuẩn, bất công và biết bao những đam mê và khốn khổ khác. Và cũng vì họ đã nhận được một sự giáo dục tương hợp với bản tính tự nhiên, hợp với các luật thánh và việc tôn thờ Hữu Thể.”- Philon, Về Đời Sống Chiêm Niệm, 2.

  Ông Philon còn miêu tả họ xuyên qua vai trò của họ: Họ là những Linh phụ đạo đức và học thức, say mê cách thức chú giải phúng dụ và triết lý Platon. Ông viết:

  “Những ‘nhà chữa trị’ này cố gắng học hỏi không ngừng để thấy rõ, để gắn bó với Hữu-Thể, vươn cao trên mặt trời vật chất và không bao giờ lìa bỏ bộ luật đời sống dẫn đến hạnh phúc. Những người chấp nhận cách chữa trị này không phải vì do tập quán hay do những lời khuyên bảo hoặc khuyến khích, nhưng bởi tình yêu mến thiên giới, họ khát vọng chiếm hữu thần linh như trong một cơn say thi ca hay trong một cơn mê đắm của pháp sư tới khi họ nhìn thấy đối tượng ước ao.

  Tiếp đến, ước muốn bất tử và cuộc sống phước lạc làm họ tin rằng họ đã đặt dấu chấm tận cho đời sống hư hoại, nên họ để lại tất cả tài sản cho con cái, cho người thân: vì đã được giải thoát, nên họ đã cho những người thân hưởng gia tài trước thời gian qui định; những ai không có gia đình, họ để lại tài sản cho bạn hữu. Như vậy, những ai đã được sự sung mãn của sự chiêm ngắm thiêng liêng đều bỏ sự giàu có mù quáng cho những ai mà trí óc còn mù quáng.”- Philon, Về Đời Sống Chiêm Niệm, 11-13.

3.Những cuộc sống đượm tính Tin Mừng hơn

  Chắc chắn rằng Bài Giảng Trên Núi, gương mẫu sự khiết tịnh của Chúa Giêsu và của Đức Maria, những lời khuyên của thánh Phaolô gởi đến tín hữu Côrintô đụng chạm đến sự độc thân và tình yêu nồng nhiệt đối với Đấng đã chết vì tội nhân, đã thúc giục rất sớm nơi những người nam nữ ước muốn đáp trả tình yêu bằng tình yêu, ước muốn dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa qua con đường độc thân.

  Người ta có thể thấy dấu vết những con người đó hầu như khắp mọi nơi. Trước hết, sách Công vụ Tông Đồ nói cho chúng ta về những người con gái của ông Philípphê, những cô gái trinh khiết và tiên tri (21, 9). Trễ hơn, lá thư của thánh Clémente thành Roma, vào năm 90, chỉ cho thấy sự hiện hữu của những trinh nữ và những người sống nhiệm nhặt. Ông Hermas, vào năm 150, cũng nêu lên những trinh nữ ở Roma; thánh Ignatio nói đến nhóm các trinh nữ ở Smyrna giữ vai trò quan trọng. Thánh Pôlycarpô và thánh Justinô cũng nói đến những trinh nữ.

  Từ “đan sĩ” xuất hiện lần đầu vào cuối thế kỷ thứ hai, trong ngụy Phúc Âm theo thánh Tôma đã đề cao mối phúc lạc của những đan sĩ (monachos).

  Đồng thời, giữa những năm 150-200, ở Syria và ở Côrintô, có những người đã sống nghèo khó và khổ chế, sống thanh khiết. Chắc chắn đó là những cá nhân, sống ngay trong môi trường gia đình hay trong thành phố, không thể nói là cuộc sống đan tu được. Nhưng rất sớm, cỏ dại lẫn lộn với hạt giống tốt: cỏ dại của việc làm mất giá cuộc sống trần gian. Sự tự chủ, tiếng Hi-Lạp là egkrateia, có nghĩa là tự chế, tiết chế lại trở thành một lạc giáo chủ trương một sự tự chế và tiết chế cực đoan dẫn đến việc cấm hôn nhân, thức ăn sản xuất từ các sinh vật và rượu nho.

  Trong tiền bán thế kỉ thứ ba, đời sống đan tu đầu tiên đã được tổ chức, gọi là “những Người Con của hiệp ước”. Những Kitô hữu này sống chung với mục đích phục vụ Giáo hội và việc thờ phượng, sống đời nghèo khó. Đó là hình thức viện tu đầu tiên được biết đến, gần một thế kỉ trước khi xuất hiện đời sống viện tu bên Ai-Cập.

  Một thời gian sau xuất hiện một khuynh hướng gọi là “messalien”, chiết tự từ tiếng Syria có nghĩa là “cầu nguyện”. Những người theo phái này không được thực hành một sinh hoạt nào ngoại trừ cầu nguyện. Trong phái này có những người còn ở trong giáo huấn của Giáo hội, những người khác thì xa lìa. Vào thế kỉ thứ tư, thánh Basiliô cố gắng dẫn dắt những lạc phái trên trở về con đường ngay chính.

  Và cuối cùng, vào năm 300, thánh Antôn là đan sĩ đầu tiên được viết thành tiểu sử. Chính khi ấy mới thật sự khai mạc đan tu Kitô.

4.Các vị tử đạo

  Lý do thứ ba giải thích sự bột phát của đan tu trào vào thế kỉ thứ ba, đó là sự tử đạo. Thật vậy, người ta nhìn thấy rất sớm mối tương quan giữa đan tu và tử đạo: đan tu là một sự chuẩn bị hay sự nối dài việc tử đạo.

a).Một sự chuẩn bị tử đạo cho những ai sống trong thời kỳ bắt đạo như trường hợp thánh Antôn. Người ta kể lại rằng khi nổ ra cuộc bắt đạo thời hoàng đế Dioclêtianô và khi các Kitô hữu bị dẫn độ đến Alexandria, thánh Antôn, đã bỏ đan viện để đồng hành với họ và nói rằng: “Chúng ta cũng hãy đi để chiêm ngưỡng những người đang chiến đấu và để chiến đấu với họ nếu chúng ta được kêu gọi làm chuyện đó.”

b).Một sự nối tiếp tử đạo: khi những cuộc bách đạo đã chấm dứt, các Kitô hữu có thể công khai sống đời độc thân thánh hiến, một số đông đã ra đi để cư ngụ trong sa mạc. Họ ý thức sống cùng một sự tử đạo như các vị tử đạo, trở nên giống Chúa Kitô chết và phục sinh. Tiểu sử thánh Pacômiô xác minh điều đó: “Bởi vì họ trông thấy cuộc chiến và lòng kiên nhẫn của các vị tử đạo, nên họ đã trở thành đan sĩ, bắt đầu canh tân đời sống của mình”- Tiểu sử thánh Pacômiô, 1.

  Và đây là hai bản văn khác, một nhắm tới nam đan sĩ, một tới các nữ đan sĩ :

  “Các bạn thường nói với nhau: Tìm ở đâu sự bắt bớ để trở thành tử đạo? Bạn hãy tử đạo bằng ý thức, hãy chết cho tội lỗi, hãy khổ chế các chi thể trần gian, và bạn sẽ là tử đạo trong ý định”- Châm ngôn được gán cho thánh Athanasiô.

  “Phải chăng các trinh nữ đã không làm chứng, không chịu đựng trong một thời gian ngắn các đau đớn thể xác, nhưng đã kiên vững đến cùng, không nhát đảm, suốt cả cuộc đời chiến đấu trong cuộc chiến là trận chiến dành cho đức khiết tịnh hay sao?”- Phương pháp của thần Olympa trong Yến Tiệc, 7.

  Trong các trình thuật về các thánh tử đạo, chúng ta thấy nói lên hai đề tài quan trọng sẽ được triển khai trong linh đạo đan tu: cuộc chiến thiêng liêng và noi gương Chúa Giêsu.

5.Origène

  Cuối cùng xuất hiện một con người say mê tình yêu Chúa Kitô và ước ao dâng trọn đời sống của mình. Đó là một thiên tài của Kitô giáo, có thể so sánh với thánh Augustinô và thánh Thomas Aquinô.

Ông Origène sinh vào khoảng năm 185 trong một gia đình Kitô giáo tại Alexandria. Suốt cuộc đời, ông giữ ký ức sống động về cuộc tử đạo của cha mình khi ông 17 tuổi. Vào lúc 20 tuổi, ông mở ở Alexandria một trường dạy tu từ và trường huấn luyện các Kitô hữu. Cuộc sống của ông gặp rất nhiều khó khăn và cả bi kịch, hiểu lầm ngay cả sau khi chết. Một vài tư tưởng của ông đã bị lên án và chính vì thế ông không được coi là thánh Giáo Phụ, tuy rằng đời sống của ông rất thánh thiện và là một nhà tư tưởng rất uyên bác về nhiều phương diện. Ông cũng đã bị bắt dưới thời hoàng đế Deciô, bị tra tấn, nhưng được tha. Ba năm sau ông chết vì hậu quả của những lần tra tấn.

  Trong các tác phẩm của ông, có một sự tiếp nối giữa linh đạo tử đạo và linh đạo của ông. Trung tâm của đời sống khổ hạnh và luân lý là cuộc chiến thiêng liêng, đề tài trung tâm của tu trào đan tu vừa phát sinh. Đó là một đề tài trung tâm vì không có đời sống Kitô hữu nếu không có chiến đấu, vì con người ở giao điểm của hai con đường, như thánh vịnh thứ nhất đã nói đến. Đề tài hai con đường thường được sử dụng rất nhiều sau đó giả định một sự chọn lựa khó khăn hàm chứa một cuộc chiến. Chúng ta xem ông Origène quan niệm cuộc chiến thiêng liêng như thế nào.

a).Cuộc chiến thiêng liêng là một sự kiện: tất cả chúng ta phải chọn lựa giữa con đường thiện và con đường ác, và sự chọn lựa này không thể có nếu không có cuộc chiến trong đó sự tự do của chúng ta nhập cuộc. Con đường thiện là con đường của Thiên Chúa, con đường xấu là con đường của ma quỉ mà ông Origène gọi là con đường của dân Israel đối nghịch với Amalech hay Pharaon. Ông viết:

  “Amalech, kẻ thù của Israel, tấn công và làm trệch đường của dân chúng. Chính hắn đã tấn công đầu tiên dân Híp-ri vừa thoát ra khỏi Ai-Cập đến đất Raphidin, khi ông Maisen nói với ông Aharon: ‘Hãy chọn lấy một số người và hãy ra đi nghinh chiến với Amalech ngày mai, và đây tôi sẽ ở trên đỉnh núi, cầm gậy của Thiên Chúa trong tay.’ Ông Aharon đã thi hành điều ông Maisen nói và ra gặp Amalech; ông Maisen và ông Hur trèo lên đỉnh đồi và việc xảy ra như sau: khi ông Maisen đưa tay lên, thì Israel thắng thế, còn khi ông hạ tay xuống thì quân Amalech thắng thế.”

  Qua đó bạn hãy hiểu rằng ai là Amalech mà Thiên Chúa đã đánh tơi bời bằng cánh tay ẩn kín, nghĩa là vô hình”, Bài giảng 19 về sách Dân số, 4.

  Bản văn sau đây nói về hai loại chiến sĩ. Ông viết:

  “Đây là hai loại chiến sĩ: một là chiến sĩ Chúa Kitô, loại kia là chiến sĩ của ma quỉ. Chiến sĩ Chúa Kitô được che chắn bởi “áo giáp của sự công chính”, trái lại chiến sĩ của ma quỉ được che chở bởi sự bất chính. Chiến sĩ Chúa Kitô ngời sáng dưới “mũ chiến của sự cứu độ”, trái lại kẻ tội lỗi, chiến sĩ của ma quỉ, đội mũ của sự hư mất. Đôi chân của chiến sĩ Chúa Kitô sẵn sàng “chạy nhanh loan báo Tin Mừng”, ngược lại đôi chân của kẻ tội lỗi rảo nhanh “để đổ máu”; và đôi giày của nó trang bị lao vào sự ác. Chiến sĩ Chúa Kitô có “khiên thuẫn của đức tin”, chiến sĩ của ma quỉ có khiên thuẫn của sự vô tín”, Bài giảng về thánh vịnh 36, 8.

b).Trung tâm của cuộc chiến là con tim. Tư tưởng của ông Origène về điểm này sẽ được các ẩn sĩ sa mạc lấy lại và triển khai rất nhiều: cuộc chiến chống lại các tư tưởng xấu, giữ gìn tâm trí, cần thiết tỉnh thức, biện phân các thần trí, cởi mở với linh phụ.

c).Cởi mở với linh phụ là một trợ lực đối với chiến sĩ Chúa Kitô. Nhưng cũng có những trợ giúp khác: Thiên Chúa và các thiên thần. Và chính bản thân cũng có những khí giới để đề phòng: trước hết là cầu nguyện: “Một thánh nhân đang cầu nguyện còn mạnh hơn cả một đạo binh những tội nhân”, ông Origène khẳng định. Và các nhân đức, nhất là đức khiêm hạ: “Sau khi té ngã, đừng gục ngã trên mặt đất, nhưng hãy trỗi dậy.” Ông Origène viết:

  “Cũng như trong cuộc chiến: khi hai đối phương tấn công nhau, trước hết có một người ngã xuống, nhưng một khi bị té ngã, anh ta trỗi dậy và chiến thắng. Trong cuộc chiến của chúng ta cũng vậy, cuộc chiến chống lại “vua chúa của trần gian này”, nếu trong cuộc phiêu lưu xảy ra là người nào trong chúng ta bị thua và té ngã trong một tội nào đó, có thể rằng sau tội lỗi đó, họ hãy thống hối, trỗi dậy và ghê tởm tội đã phạm và sau đó, không những canh phòng cẩn mật, mà còn phải đền tội với Thiên Chúa, “ngày đêm đẫm ướt dòng lệ”, tin tưởng như chính vị tiên tri đã nói: “Phải chăng người ta té ngã mà không được trợ giúp để đứng lên? Hay ai đó đã ngã xuống rồi lại không hồi đầu trở lại? Vậy đó là người có thể té ngã nhưng không quị ngã.”, Bài giảng về Thánh Vịnh 36, 2.

d).Điều kiện: Ân huệ này được diễn tả qua sự khổ chế, giữ gìn thân xác, giữ gìn giác quan. Cầu nguyện và khổ chế cần thiết cho trinh khiết, chúng là những yếu tố làm nên của lễ dâng lên Thiên Chúa trong cung thánh là thân xác, linh hồn.

  Nhưng trinh khiết chỉ có giá trị khi nối kết với các nhân đức khác, nhất là đức tin và đức khiêm hạ. Sự thanh khiết của thể lý nhắm tới sự thánh khiết của tâm hồn: sự thanh khiết của cõi lòng còn quan trọng hơn nhiều; phải canh chừng con tim của mình khỏi những tưởng tượng xấu xa, vì tội trong tư tưởng đã làm cho linh hồn trở thành ngoại tình với ma quỉ. Trái lại, trong trường hợp trinh nữ bị cưỡng hiếp, sự nhơ uế thể lý không sao hết nếu con tim còn trong trắng.

e).Hiệu quả: Tư tưởng độc đáo của ông Origène là sự trinh khiết làm cho chúng ta giống những trẻ thơ mà Nước Trời thuộc về chúng. Nó gần kề nhân đức của tuổi thơ thiêng liêng. Ông viết:

  “Một khi con người đã hành phạt những đam mê xác thịt, nhờ tinh thần làm chết đi những việc làm của thân xác, mang khắp nơi khổ nạn của Chúa trong thân xác mình, tới khi trở về tình trạng thơ ấu là tuổi không hưởng nếm những thực tại của tình yêu xác thịt, khi ấy họ đã được hoán cải và trở nên như trẻ thơ. Càng tiến gần đến tình trạng này, càng lớn lên trong Nước Trời, vượt trội hơn tất cả các thầy tu khổ hạnh không đạt đến cấp độ của sự tiết độ này”, Chú giải Phúc Âm Mat-thêu 13, 6.

  Trong ý nghĩa đó, sự trinh khiết kéo dài cuộc sống địa đàng nơi Ađam và Eva trước hôn nhân, họ là những đứa trẻ vừa được Thiên Chúa sáng tạo và đối thoại với Ngài.

  Sự trinh khiết cũng loan báo tình trạng cánh chung của sự Phục Sinh, vì ở đời này điều cản trở sự toàn vẹn của tiệc cưới giữa linh hồn và Ngôi Lời, đó là xác thịt và tội lỗi.

  Trong hiện trạng, trinh khiết cho phép tự do phụng thờ Thiên Chúa. Noi theo thánh Phaolô, ông Origène đối lập việc phục vụ trong đời hôn nhân với sự tự do của người trinh nữ. Nếu sự trinh khiết được linh hứng bởi tình yêu thiêng liêng của Thiên Chúa, Đấng được tìm kiếm trên hết mọi sự, thì sự trinh khiết đó giải thoát con người để hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa.

  Cuối cùng sự trinh khiết mang lại những hoa trái: Tâm hồn sẽ phong nhiêu như nó đã thực hiện nơi Đức Maria cưu mang Chúa Kitô trong tâm hồn. Đây là một đề tài mà các Thánh Phụ Xitô sẽ sử dụng lại, nhất là Guérric.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ...

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...