Chủ Nhật, 8 Tháng Chín, 2024

Giáo trình Linh đạo Đan tu I – Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

6.Bắc Phi-Châu

  Chúng ta hãy vượt qua Địa Trung Hải, và đây chúng ta tới nước AlgérieTunisie (tên gọi của hai nước bây giờ). Trong những năm cuối cùng của thế kỉ thứ tư, sau khi đã trở lại ở Milan, nước Ý, Augustinô trở về quê hương với một ước muốn mãnh liệt yêu mến Chúa Giêsu, và cùng với vài bạn hữu, chàng đã thành lập một cộng đoàn đan tu. Augustinô là một con người có tầm cỡ và thông minh, nơi chàng có một ước muốn hạnh phúc lớn lao, và đối với chàng, tình bạn là nguồn hạnh phúc lớn lao trên trái đất này. Trong cộng đoàn nhỏ bé vừa thành lập đó, các thành viên sống tình cộng đoàn trong sự tương trợ nhau. Họ cầu nguyện, thảo luận về triết học, học hỏi Kinh Thánh và thần học. Đó là một lối sống đan tu trí thức và có tính giáo dân.

  Ba năm sau, Augustinô lãnh tác vụ linh mục để phục vụ Giáo hội Hippone, và trợ lực cho giám mục trong việc rao giảng. Điều đó bắt buộc Augustinô phải xa lìa đan viện; ngài trao lại cho một người bạn tên là Alypsius, và xin cho mình được tiếp tục sống đời đan tu. Người ta cho ngài một căn nhà ở góc vườn thuộc tài sản của Giáo hội và ngài đã thành lập ở đó một cộng đoàn. Bốn năm sau, khi được chọn làm phụ tá của giám mục, ngài lại phải bỏ đan viện đó. Người ta đã chọn được nhiều đan sĩ nhiệt thành và được huấn luyện kỹ càng để lãnh nhận chức giám mục trong nhiều giáo phận ở Châu Phi. Augustinô mời các linh mục thuộc giáo phận Hippone đến sống chung với ngài, trong khu toà giám mục. Đó là điều Augustinô đã suy nghĩ lâu để thành lập những đan viện cho các linh mục.

  Sau này chúng ta thấy thánh Grégoire Cả, khi trở thành giáo hoàng, cũng có một đan viện gồm các linh mục sống chung quanh mình.

7.Roma

  Chúng ta hãy vượt qua Địa Trung Hải một lần nữa, và tiến vào nước Ý. Tại Roma chúng ta sẽ gặp nhiều loại đan tu. Roma là hoàng thành, có một truyền thống lâu đời với một đa thần có văn hoá. Các kitô hữu và nhất là các đan sĩ bị coi thường, bị coi như những người vô học và mọi rợ. Dầu vậy, có những cộng đoàn các nhà tu khổ hạnh, nam cũng như nữ, rất sốt sắng, nơi đó đức ái là qui luật sống. Những cộng đoàn đó ít được biết đến, Augustinô có biết đến khi từ Milan trở về. Đối với Augustinô những cộng đoàn đó là một chứng tá tốt đẹp của đời kitô hữu.

  Nhưng có một đan tu khác nữa, hơi lạ đối với chúng ta, có thể được giải thích trong bối cảnh xã hội Roma. Trong xã hội thượng lưu, những phụ nữ, góa bụa hay trinh nữ, sống đời cầu nguyện, khổ hạnh và bác ái ngay trong nhà của mình. Nhiều phụ nữ danh giá sống chung quanh bà Marcella và tạo thành một loại đan viện. Họ phải xác tín rất mạnh để có thể sống như vậy, vì họ rất giàu có và thường bị người khác tìm cưới vì gia tài kếch xù của họ; những cô gái trẻ không thể sống như vậy một cách hợp pháp bao lâu họ chưa lập gia đình: gia đình khó chấp nhận nhưng dầu vậy họ vẫn sống độc thân. Hơn nữa, những phụ nữ này học hỏi Kinh Thánh, bộ sách bị các nhà trí thức coi là những cuốn sách mọi rợ nhất. Những phụ nữ đó phải đương đầu với những chế nhạo của trần gian.

  Một biến cố nhân đôi lòng nhiệt thành của họ: đó là việc Hiêrônimô đến Roma vào năm 381. Hiêrônimô học Kinh Thánh nhiều và chính ngài đã dịch Kinh Thánh từ tiếng Hi Lạp sang tiếng Latinh, sau khi đã sống một thời gian trong sa mạc như là ẩn sĩ. Ngài quen biết nhiều gia đình danh giá. Ngài có một uy tín lớn đối với các phụ nữ trên và trở thành thầy dạy Kinh Thánh và linh phụ của họ.

  Hiêrônimô kể lại trong các thư của mình về lịch sử các bà này: họ nhân đôi khổ chế. Cô bé Blésilla, con của một mệnh phụ phu nhân Roma là Paula, đã sống hoang đàng; nhưng một khi trở lại, cô đã sống đời khổ hạnh và chỉ bốn tháng sau là qua đời. Tất cả mọi người rụng rời và nói rằng do khổ chế quá độ và do ông Hiêrônimô sống quá nhiệm nhặt mà cô bé đã chết. Đó là một ‘xì- căng- đan’ trong thành Roma. Và nhiều sự kiện xảy ra sau đó khiến Hiêrônimô phải rời khỏi Roma, cả Paula cũng vậy. Thế là họ phải định cư tại Bethleém (như chúng ta đã nói trên).

  Như thế ở Roma, đan tu không được nhìn với cặp mắt thiện cảm. Khi đan sĩ Paulinô thành Nole đến Roma vào năm 394, người ta nói rằng Đức Giáo hoàng Sirice tiếp đón ‘thận trọng hết sức’. Người ta ngờ vực. Phải đến thế kỉ thứ năm đan tu mới tìm lại khuôn mặt mới. Nhưng đó là một đan tu hữu dụng: các đan sĩ tiếp đón khách hành hương và hướng dẫn thiêng liêng trong các đại thánh đường Roma.

8.Xứ Gaule

  Từ Ý chúng ta sang xứ Gaule. Martinô sinh ở nước Hung-ga-ri, sau thời gian đi lính, đã sống đời độc tu trong một đảo vắng, rồi đến ở Poitiers. Martinô biết rằng Giám mục Hilariô đã qui tụ những người muốn sống cầu nguyện và nghèo, như vậy thật là tốt khi sống bên vị giám mục đó. Hilariô hiến một thửa đất ở Ligugé, và Martinô có rất nhiều môn sinh. Trong xứ Gaule, người ta rất kính phục cuốn “Đời Sống Antôn” vừa được quảng bá. Martinô trở thành giám mục Tours; ngài liền thành lập tại Marmoutiers một đan viện để qui tụ các ẩn sĩ lại. Nhưng vài năm sau, những quân man di tràn ngập và tàn phá tất cả, vì đan tu này thuộc phía bắc xứ Gaule, không lấy làm quan trọng về tổ chức và một luật lệ nào, sẽ rất yếu ớt trước những khó khăn bên trong và bên ngoài.

  Phía nam xứ Gaule, ở Marseille, dưới sự hướng dẫn của Giám mục Proculus, đan tu có vị trí tốt trong Giáo hội; và nhất là ở đảo Lérins, một vị thầy thiêng liêng như thánh Honorat có sức thành lập trong tháp chiến của ngài một đan viện và nhiều đan sĩ đã được gọi làm giám mục. Gioan Cassianô, sau thời gian sống với các ẩn sĩ tại Ai-Cập và Palestina, đã đến Marseille. Các giám mục và các viện phụ đã xin ngài viết về “Những thể chế” của các vị thầy kia, vì rằng những ước muốn của các đan sĩ xứ Gaule chẳng đạt kết quả nếu không có một đạo lý tốt. Cassianô rất ư thán phục các ẩn sĩ Ai-Cập. Những sách của Cassianô sẽ có nhiều ảnh hưởng và thành công, vì là mảnh đất đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

9.Đảo quốc Anh

  Trong đảo quốc Anh, chúng ta  còn thấy một loại đan tu khác. Chúng ta thấy hai tên tuổi vĩ đại: ColumbanôPatriciô. Một trong những nét đặc trưng của đan tu này là hình thức khổ hạnh trong sự lìa bỏ quê hương bằng con đường lang thang: lưu đầy tự ý. Người ta hiểu theo đúng nghĩa chữ mệnh lệnh của Chúa nói với Abraham “hãy bỏ quê hương, bản quán”. Và từ đó cũng phát xuất tính thừa sai của loại đan tu này: Patriciô đi rao giảng Tin Mừng ở Ái-nhĩ-lan còn Columbanô thành lập những đan viện tại xứ Gaule và đến tận nước Ý.

  Chính sự lưu đày tự ý thúc đẩy các đan sĩ Ái-nhĩ-lan phiêu lưu trên hải trình xa xôi để thành lập những cộng đoàn nhỏ trong những nơi hoang vắng, chỉ có thể tới trên những chiếc thuyền mong manh.

◊ Kết luận

  Cuộc du ngoạn nho nhỏ này cho thấy muôn màu sắc của đan tu thời khai sinh, và sự phong phú của sức vươn tiến. Đan tu đi từ cô tịch đến cộng tu, từ sa mạc đến thành thị, từ tình trạng giáo dân đến giáo sĩ tính, từ vô học đến khoa học, từ sự hoà đồng vào nếp sống xã hội đến sự phản kháng đời sống xã hội, từ cuộc sống trong vòng cung hạn hẹp đến cuộc sống trên biển cả mênh mông!

  Muôn màu sắc trong hình thức, nhưng hiệp nhất trong điều làm nên nền tảng của đời đan tu: khát vọng Vô-Biên mà chúng ta nói trong chương thứ nhất, một Tuyệt-Đối thể hiện trong chính con người Chúa Kitô, Đấng đáng yêu mến vô cùng.

  Những hình thái đan tu kia, cái còn cái mất. Ngày nay khi chúng ta nhìn thấy những hình thức đan tu còn lại, chúng ta dễ cho rằng những hình thức đó là tốt, những hình thức khác thì không. Nhưng trong thời đại, người ta không thể biết được điều đó: thử thách của thời gian chỉ cho thấy cái gì có giá trị.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những tượng Chúa Kitô Vua lớn nhất trên thế giới

  NHỮNG TƯỢNG CHÚA KITÔ VUA LỚN NHẤT TRÊN THẾ...

Nữ Đan Viện Phước Hải: 47 năm hiện diện trên vùng đất Bãi Dâu, Vũng Tàu

Kỉ niệm Khai Sinh Nữ Đan Viện Xitô Thánh...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu trào đan tu (phần kết)

DÒNG XITÔ   Cuộc cải tổ của Dòng Cluny (910) đã đem lại cho Giáo hội nói chung và đan tu nói riêng nhiều sức...

Tu trào đan tu (Tiếp theo)

II-Thánh Biển Đức và nếp sống Đan Tu Cộng Đoàn 1. Con người Biển Đức        Biển Đức sinh năm 480, tại ngôi làng...

Tu trào đan tu

Tu trào đan tu Từ các linh phụ sa mạc đến sự ra đời của Dòng Xitô (1098) I. Tu trào dan tu thời đầu 1. Khái...

Tu trào Xitô

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 do cha Henri Denis Biển Đức Thuận sáng lập. Cha Henri...

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

  ƠN GỌI CHIÊM NIỆM   Có thể nói, chiêm niệm...

Linh Đạo Xitô

LINH ĐẠO XITÔ           Sống trong một đan viện Xi-tô (hay Biển Đức), đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự...