Chúa Nhật lễ Thánh Gia Thất 26.12.2021 Năm C
1Sam 1,20-22.24-28; Tv 83,2-3,5-6,9-10; 1Jn 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52.
Mừng lễ Thánh Gia Thất, xin được suy niệm về “hạnh phúc gia đình” của Thánh Gia Thất và liên hệ đến hạnh phúc trong ơn gọi của những ai sống đời thánh hiến.
Ông bà chúng ta nói qua câu ca dao sau đây:
Lấy vợ, tậu trâu, làm nhà,
Xong ba việc ấy là xong cuộc đời.
Lấy vợ là qui luật tư nhiên, là tất yếu, không cần bàn cãi. Tậu trâu, cách nói nghĩa bóng, có nghĩa là phải có sự nghiệp, mà để có sự nghiệp cần có nghề. Sống trên đời phải học cho được một nghề, ít là để nuôi thân, sau là xây dựng sự nghiệp. nói sự nghiệp là nói đến xây dựng cuộc đời mình và cống hiến cho xã hội. và làm nhà, nghĩa là an cư lạc nghiệp, là làm người trai là phải xây được nhà, nghĩa là phải có tiền.
Ông bà ta quan niệm đạt được ba điều ấy là đạt được hạnh phúc đời người. Vậy hạnh phúc theo ông bà ta là một hàm số gồm ba biến số trên đây. Ngày nay người ta quan niệm hạnh phúc cũng là một hàm số đa biến gồm bốn biến số, đó là gia đình, sự nghiệp, sức khỏe và tương quan bạn bè. Trong đó tầm mức quan trọng của gia đình mang hệ số 2. Suốt cả một đời, người ta chăm lo sao cho chỉ số của mỗi biến số của hàm hạnh phúc được tối ưu. Mà để có được một chỉ số tối ưu, người ta lao động thật lực, vì đằng sau thành công luôn có bóng dáng của lao động, mà lao động để xây dựng gia đình mang hệ số 2, nghĩa là đầu tư nguồn lực gấp 2 so với các biến số khác. Cho nên một khi gia đình tan nát (nặng thì ly dị, nhẹ lục đục…) thì cuộc đời kể như “xong phim”.
Với tổng quan trên đây, chúng ta đặt vấn đề về hạnh phúc của gia đình Thánh Gia. Gia đình này có hạnh phúc không? Hạnh phúc như thế nào? Các bản văn Kinh Thánh không cung cấp gì nhiều về điều này, ngoại trừ những chi tiết khá oan nghiệt trong hôn nhân khi Truyền tin cho Đức Maria và Thánh Giuse. Cả hai đều xin vâng để thực hiện ý muốn của Thiên Chúa. Bà thì chấp nhận mang thai “ngoài hôn nhân” thông thường (nghĩa là không ăn ở với nhau mà vẫn có thai); ông thì cũng chấp nhận “không ăn ở với Bà cho đến khi Bà sinh con”, trong khi Ông vẫn điềm nhiên “đón Bà Maria vợ Ông về nhà mình”. Thế thì cuộc hôn nhân có vẻ bất thường này có mang lại hạnh phúc cho ba người không? Đức Giê su thì có thể không bàn vì Ngài mang hai bản tính, mà bản tính nhân loại, theo bản văn chúng ta vừa nghe: người ta ngạc nhiên về trí thông minh của Ngài, đồng thời lớn lên trong sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa và người ta. Con Đức Mẹ và Thánh Giuse thì sao?
Chúng ta có thể dựa vào suy niệm của thánh giáo hoàng Phaolo VI trong bài đọc Giờ Kinh Đêm: có ba bài học từ Thánh Gia. Đó là thinh lặng, lao động và kỷ luật thiêng liêng.
Thinh lặng nào? Có 4 loại:
1: không nói vì không biết gì; người ngu
2: nói nhiều mà không biết gì; người dại
3: không nói gì mà lại biết nhiều; người khôn ngoan, thinh lặng của Thánh Gia/Đan sĩ
4: nói nhiều vì biết nhiều: người thông thái
Lao động, như đã nói ở trên: đằng sau thành công luôn có bóng dáng của lao động. Lao động và lao động chăm chỉ cần mẫn là yếu cố cần để thành công; lao động theo mục tiêu là yếu tố đủ để thành công. Lao động tự nó không phải là cứu cánh; lao động để đạt các mục tiêu cứu cánh. Biết và đặt ra các mục tiêu cứu cánh cho đời mình, nhưng lười biếng thì cũng như không.
Bài học thứ ba là kỷ luật thiêng liêng: nền phượng tự Dothai giáo và Kito giáo vốn là những kỷ luật thiêng liêng, cộng thêm các kỷ luật khác của mỗi lối sống đặc thù, ví dụ Kito hữu đan sĩ có kỷ luật thiêng liêng đặc thù so với tín hữu giáo dân.
Ba bài học trên cũng giúp chúng ta hình dung phần nào hạnh phúc của Thánh Gia, tức là hạnh phúc được xây dựng bằng giá cuộc sống, không phải là thứ hạnh phúc ‘tự nhiên có’.
Ngày nay, người ta dùng kiểu nói khác để diễn tả việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc của một gia đình tùy thuộc vào sự phù hợp của hai vợ chồng. Vợ/chồng vốn khác biệt nhau hoàn toàn, chỉ giống nhau về nền tảng nhân vị mà thôi. Người ta ví sự phù hợp của vợ chồng như chiếc xe máy hay xe đạp: đĩa theo hệ của Nhật và xích (chaine) theo hệ Mỹ. Về chất liệu cả hai tuyệt đối tốt, nhưng răng không khớp với mắt xích vì khác hệ, vận hành không được, lọc cọc miết… Vậy phải làm sao? Mỗi người tự bào mòn phần của mình một cách có chủ đích để cuối cùng phù hợp là khớp răng đĩa với mắt xích; kiên trì mài dũa cho đến khi đĩa khớp mắt xích xe mới vận hành tốt. Biết mục tiêu của gia đình mà xây dựng ngay, lao động cật lực… thì sớm đạt được sự phù hợp, gia đình khớp lệnh, hạnh phúc tràn trề, con cái lớn lên sung mãn, sự nghiệp phát triển tối đa… Nếu rủi lấy phải anh chồng hay cô vợ không phù hợp, cả đời bất hạnh. Mà sự phù hợp vốn không có sẵn. Phải mài dũa rèn luyện công phu theo phương pháp và mục tiêu rõ ràng là mưu cầu hạnh phúc cho cả hai. Hạnh phúc không dễ như người ta nói thuộc lòng trên môi miệng.
Liên hệ cụ thể: các tu sĩ, những người sống đời thánh hiến, cách riêng đan sĩ đều sống theo mô hình Thánh Gia. Tức là vốn là những người lẽ ra sẽ lập gia đình (vì luật tự nhiên) nhưng đã vì sứ vụ Chúa trao mà sống độc thân (là điều bất bình thường) trong một cộng đoàn tu trì nhất định. Cũng như Thánh Gia Thất, lẽ ra đã sống một đời sống gia đình bình thường theo qui luật tự nhiên, nhưng vì sứ vụ Chúa trao mà đã sống ‘độc thân’ trong một gia đình cụ thể. Cuối cùng gia đình ấy đã đạt mục tiêu do Thánh Ý Chúa, đồng thời hai người cũng đạt được hạnh phúc tột đỉnh trong đời sống cá nhân mình. Hy vọng các tu sĩ cũng sẽ theo mô hình đó, tức là đạt mục tiêu sứ vụ do Thánh Ý Chúa trao ban khi kêu gọi Anh/Tôi, đồng thời Anh/Tôi hoàn toàn hạnh phúc trong cuộc đời của cá nhân mình.
Nguyện xin Thánh Gia Thất bổn mạng Hội Dòng Xito Thánh gia VN, cũng là bổn mạng ĐSTH gìn giữ các người sống đời thánh hiến được vững vàng theo Thánh Ý Chúa. Amen.