Thứ năm, 10 Tháng mười, 2024

NHỮNG TRANG SỬ HỒNG ÂN

 

NHỮNG TRANG SỬ HỒNG ÂN

NỮ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU VĨNH PHƯỚC

 

        Dòng Nữ Xitô trên thế giới đã có mặt từ thế kỷ XII, do các Thánh Tổ Phụ Dòng Xitô sáng lập tại Âu Châu.

        Riêng tại Việt Nam, Dòng Nữ Xitô đã được cưu mang lâu năm trong lòng Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, do quyết định của Tổng Hội Hội Dòng và sự chấp thuận của Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn, Giám Mục giáo phận Xuân Lộc. Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý đã thành lập Dòng Nữ Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước ngày 8/ 12/ 1972, tại Bàu Sen, Vĩnh Phước, Phước Lý. Long Thành, Đồng Nai

        Sau 19 năm được đào tạo và huấn luyện tại Bàu Sen, gần Đan Viện Xitô truyền thống là Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý; Dòng Nữ Xitô đã được bàn tay quan phòng của Chúa dời sang mảnh đất hứa “Đồi Ngọc” thuộc giáo xứ Ngọc Đồng, hạt  Hòa Thanh, giáo phận Xuân Lộc. Số 105/10 – KP 9 – P. Tân Hòa, TP. Biên Hoà, T. Đồng Nai vào năm 1991. Nơi đây, cảnh quan đẹp mắt với những quả đồi trùng điệp, khí hậu ôn hòa. Hơn nữa, nơi đây không gian tĩnh mịch, thanh vắng, là một môi trường thật lý tưởng cho đời đan tu chiêm niệm của chúng tôi. Từ đó chị em tích cực xây dựng cộng đoàn theo truyền thống đan tu chiêm niệm trong lòng Giáo hội.  Theo dòng thời gian, nhờ ơn Chúa, cộng đoàn được phát triển về mọi mặt, và đã được Tòa thánh châu phê cho chính thức  gia nhập Đại gia đình Xitô thế giới xuyên qua Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam ngày  24/ 6/ 1998.

         Ngược dòng lịch sử để chiêm ngắm tình thương và quyền năng của Thiên Chúa đã khai sinh, nuôi dưỡng và dẫn dưa chúng tôi từng bước tới ngày hôm nay. Với tâm tình tạ ơn, chúng tôi hướng về tương lai với tâm tình cậy .

 

I .   NGUỒN GỐC

       Ngay từ thời gian đầu, Cha Bernard Mendhiboure, người kế vị Đấng Sáng Lập Hội Dòng đã ngỏ ý với Cha Bề Trên Cả về việc lập Dòng Nữ Xitô tại Việt Nam. Năm 1963, Đức Viện Phụ Emmanuel Triệu Chu Kim Tuyến cũng đã có ý định trên. Vào năm 1967, nhiều thanh nữ đạo đức ái mộ đời sống chiêm niệm, ngỏ ý ước ao có Dòng nữ Xitô tại Việt Nam. Do đó, Đức Viện Phụ Emmanuel đã đặt vấn đề lập Dòng Nữ với cộng đoàn Phước Sơn để đáp ứng nguyện vọng của các thiếu nữ khao khát sống đời tu chiêm niệm.

width=400       Để thực hiện dự án này, cha Maximô Đỗ Chính Thống và cha Grégorio Đào Trọng Thanh cộng tác với các ngài dò dẫm tìm đất tại Phước Sơn để làm nơi huấn luyện Dòng nữ trong bước đầu.

       Khát vọng và lời cầu nguyện của các tâm hồn đã được Chúa nhận lời và an bài kỳ diệu được diễn tiến qua các qua các biến cố. Hai khóa họp đặc biệt của Tổng hội Hội dòng từ ngày 8-30 / 12/1969 và 12/1- 1/2/1970, Tổng hội có đề cập đến vấn đeà lập Dòng nữ, nhưng chưa quyết định gì cụ thể. Tuy nhiên, vì thấy việc lập Dòng nữ Xitô tại Việt Nam có thể rất hữu ích cho các  tâm hồn, nên Tổng hội đã yêu cầu Đức Viện Phụ Hội Trưởng nghiên cứu và thăm dò vấn đề này.

       Ngày 21/11/1970, Đức Viện Phụ Emmanuel nghỉ hưu, Tổng hội bầu cha Duy ÂnVương Đình Lâm lên làm Viện Phụ Hội Trưởng, ngài tiếp tục công việc của Đức nguyên Viện Phụ Emmanuel.

       
        Năm 1972, Tổng hội trong phạm vi quyền của mình, quyết định lập Dòng nữ Xitô, và cho phép mỗi Đan viện Tự trị thuộc Hội dòng được phép thí nghiệm lập Dòng nữ. Thời gian này, Đức Nguyên Viện Phụ Emmanuel về nghỉ hưu tại Đan viện Khiết Tâm Phước Lý. Đây là dịp thuận tiện Hội dòng có thể yên tâm cho tiến hành việc lập Dòng nữ. Sau đó, Đan Viện  Khiết Tâm Phước Lý đã quyết định khởi sự thí nghiệm việc lập Dòng Nữ Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước tại Bàu Sen, xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

        Ngày 12/11/1972, với sự chấp thuận cho thử nghiệm (Ad Experimentum) 3 năm của Đức Cha Giuse  Lê Văn Ấn, giám mục giáo phận Xuân Lộc. Cha Viện trưởng M. Gioan Nguyễn Văn Luận và cộng đoàn Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý với sự cộng tác của Nguyên Viện Phụ Emmanuel Chu Kim Tuyến  đã hy sinh gian khổ, khai hoang đất đai xây dựng cơ sở cho chị em ở Bàu Sen.

          Đầu năm 1973, Đức Tổng Phụ Sighardus Kleiner nhân dịp sang tuần viếng các Đan viện Xitô nam, đã ghé thăm và quan sát công trình. Tổng hội năm ấy cũng báo cáo những gì đã thực hiện tại Bàu Sen Phước Lý. Đang khi khởi công xây cất Dòng nữ, các dự tu đầu tiên được đưa về tạm trú ở trụ sở Bãi Dâu Vũng Tàu. Cơ sở này do gia đình em ruột Mẹ Cécile Nguyễn thị Phước, cựu Bề Trên dòng kín Huế dâng cúng. Tận dụng dịp Mẹ được vào Nam dưỡng bệnh, Cha Viện Trưởng đã nhờ Mẹ tạm coi sóc các dự tu. Số các dự tu khi ấy là 10 chị. Được ít lâu, thân nhân Mẹ Cécile đã quảng đại hiến tặng cho Dòng nữ Xitô ngôi nhà xinh xắn tạm đủ tiện nghi và một sườn đồi phì nhiêu làm Tu sở dòng. Một tháng sau, nhờ sự trợ giúp của các cha anh Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý, đã hoàn tất một ngôi nhà nguyện nhỏ bên cạnh ngôi nhà nói trên. Nhân dịp Lễ kỷ niệm Bách Chu Niên Sinh nhật của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng ngày 2/1/1973, Cha Viện trưởng đã làm lễ khánh thành ngôi  nhà nguyện với sự hiện diện cuả một số ân nhân gần xa. Nhà nguyện này đã được Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn cho phép đặt Mình Thánh Chúa và 14 chặng đàng thánh giá ngày 1/5/1973. Thế là tạm ổn cho sinh hoạt của chị em tại đây.

            Tạ ơn Chúa, cám ơn các Vị Ân Nhân đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chị em Xitô trong giai đoạn đầu.

         Trong khi đó tại Phước Lý, nhờ cộng đoàn Phước Lý có nhiều  phương tiện và tận tâm  tận lực giúp đỡ  về mọi phương diện, cùng với lòng hảo tâm của các Vị Ân nhân, việc xây dựng Dòng nữ được tiến hành mau lẹ và tốt đẹp. Khi vừa xong một số nhà cần thiết cho chị em. Ngày 8/12/1973, Cha Viện trưởng đưa chị em từ Vũng Tàu trở về Bàu Sen, dịp này Cha Viện Trưởng làm phép nhà và cùng Tổng hội dâng thánh lễ trọng thể nơi ngôi nhà mới và chọn lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm là ngày khai sinh và Bổn mạng của Cộng đoàn Vĩnh Phước để Mẹ yêu thương, thánh hóa và hướng dẫn chị em noi gương Mẹ sống khiêm nhu và thánh thiện, xứng đáng là những người con yêu của Mẹ.

           Kể từ đây, các chị em chính thức giữ Tu luật Thánh Biển Đức, Hiến Pháp và Thói Lệ của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, trừ những gì không thích hợp với người nữ. Đời sống chị em tương đối ổn định và cùng nhau hân hoan tập tễnh những bước đầu tiên của đời tu khổ hạnh mai ẩn trong Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.

         Tạ ơn Chúa, những hạt giống chiêm niệm được gieo vào thửa đất Bàu Sen, nhờ sương sa bởi trời và phong thổ am hợp, hạt giống đã nẩy mầm. Thời gian thử nghiệm trôi qua, chị em được củng cố qua việc Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn ban sắc chính thức lập Dòng Nữ Xitô ngày 12 / 3/ 1974.

         Thời gian đầu, Dòng nữ chưa có bề trên chính thức, Cha Gioan Nguyễn Văn Luận, Viện Trưởng Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý, được Đức Giám Mục giáo phận Xuân Lộc đặt tạm thời làm Bề Trên đặc trách Dòng nữ. Tuy nhiên, trong cộng đoàn vẫn có một chị đại diện ngài phục vụ chị em.

         Khóa Tổng hội năm 1974, Cha Viện Trưởng đệ trình Tổng hội về việc thành lập Dòng nữ và được Tổng hội Hội dòng chính thức hóa ngày 7-5-1974. Trong dịp này Tổng hội cũng xuống thăm Dòng nữ. Thật là quý hóa, Dòng nữ mới thành hình mà đã được Viện Phụ Hội Trưởng và Tổng hội của Hội dòng đến viếng thăm, dâng thánh lễ đồng tế tạ ơn Chúa và chúc lành cho Dòng nữ. Một vinh dự lớn cho Đan Viện Khiết Tâm và cho Hội Dòng Xitô Thánh Gia, vì nay đã có sự hiện diện của Nữ Đan Viện Xitô trên đất Việt.

        Đầu tháng 6/1974. Mẹ Cécile được Bề Trên dòng kín Cát Minh Huế triệu về vì nhu cầu của cộng đoàn. Đang khi ấy, Cha Viện Trưởng chuẩn bị đi dự Đại hội tại Roma, nên ngài đã dự liệu cho có một chị đại diện lo cho Dòng nữ trong thời gian ngài vắng nhà. Theo thỉnh nguyện của Cha Viện Trưởng, Mẹ Bề Trên dòng kín Cát Minh Sài Gòn đã đồng ý cho chị Lucia Nguyễn Thị Kiều Diệm đến Dòng nữ tạm thời giúp chị em.

         Trong dịp đi công tác tại Âu châu, ngài có đến Dòng Nữ Xitô Notre Dame de la Paix  Castagniers, trao đổi với Mẹ Bề Trên về các nhu cầu của Dòng Nữ Xitô mới lập. Nhân dịp chị Etienne Đỗ Thị Thay được phép về Việt Nam phụng dưỡng mẹ già, Mẹ Bề Trên đã chấp thuận để tuỳ khả năng chị tạm thời giúp đỡ Dòng nữ theo thỉnh nguyện của Cha Viện trưởng.

          Thời gian không lâu, vì nhu cầu của dòng kín, chị Lucia Nguyễn Thị Kiều Diệm lại được Mẹ Bề Trên gọi về cộng đoàn. Cha Viện Trưởng lại đặt chị Lucia Lê Thị Tiếng, một trong số các chị em tạm thời giúp Dòng nữ trong khi chờ đơi chị Etienne Đỗ Thị Thay, nữ tu Xitô ở Pháp về.

          Khi trở về Việt Nam, chị Etienne ở gia đình vài tuần, rồi đến ở Dòng nữ như lòng nguyện ước của Chị và các đấng Bề Trên. Ngày 10/3/1975, Cha Viện Trưởng đặt chị Etienne làm đại diện thay thế Chị Lucia Lê Thị Tiếng.

          Qua đi những ngày tháng êm đềm của đầu đời tu trong nội vi đan viện. Biến cố 30/4/1975, sinh hoạt của chị em lúc đầu không tránh khỏi dao động, khó khăn, thử thách cả tinh thần lẫn vật chất, nhưng chị em được lời Chúa trấn an: “Có Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27) nên đã kiên trì ở lại trong nếp sống đan tu chiêm niệm, không ai về gia đình hay di tản, nhưng hòa mình cùng nếp sống mới của xã hội như: đi thủy lợi, nông trường, làm nghĩa vụ lương thực, phát hoang đất để cày cấy, vào tổ hợp mây tre đan lát… Thời gian này, nhờ ơn Chúa, chị em đã cố gắng duy trì nếp sống đan tu trong hoàn cảnh mới.  Vì hoàn cảnh chung của đất nước, Hội dòng đã xin Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, giám mục giáo phận Xuân Lộc bảo trợ về mặt pháp lý để Dòng nữ được tồn tại và phát triển, sau này khi có đủ điều kiện sẽ xin nhập lại Dòng Xitô. Về tinh thần, Đức Cha ủy quyền cho Cha Viện trưởng coi sóc chị em cùng với sự cộng tác của nguyên Viện phụ Emmanuel Chu Kim Tuyến và ban huấn luyện của Đan Viện Khiết Tâm Phước Lý trong sự liên đới với Hội Dòng Xitô Thánh Gia qua Đức Viện Phụ Hội Trưởng M. Duy Ân Vương Đình Lâm.

          Tại Trụ sở Bãi Dâu-Vũng Tàu, ngày 10/9/1975, Cha Viện trưởng uỷ quyền cho chị Têrêsa Lê Thị Mai Hiên quản lý, có cha M. Maximô Đỗ Chính Thống, Bề trên cộng đoàn Thiên Phước làm linh hướng. Nơi đây, ngày 25/12/1976, cũng được Đức Cha giáo phận Xuân Lộc cho phép xử dụng trong hướng phát triển theo pháp lý khi có đủ điều kiện.

          Đầu tháng 4/1976, Đức Cha giáo phận đến thăm và chúc lành cho Dòng nữ. Nhân dịp này, ngài đã ban phép cho 13 chị lớp thỉnh sinh đầu tiên được khởi sự năm tập từ ngày 15/8/1976, gồm cả 2 Chị đang sinh hoạt tại Tu sở Bãi Dâu Vũng Tàu, vì hoàn cảnh không thể ở cùng một chỗ với các chị em nhà chính được.

           Để Dòng nữ được vững chắc và phát triển trong tương lai. Ngày  7/10/ 1976, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Văn Lãng, giám mục giáo phận Xuân Lộc đã chính thức phê nhận Dòng nữ một cách đầy đủ như một Dòng tu có lời khấn. Từ đó cộng đoàn tiếp tục phát triển, bằng chứng ngày 15/8/1978 có 7 chị Tập sinh đầu tiên được khấn sơ khởi.

          Tuy thuộc Dòng Giáo Phận, nhưng chị em Dòng Nữ Xitô vẫn giữ Tu luật Thánh Biển Đức, Hiến Pháp và Thói Lệ của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, trừ những gì không thích hợp với người nữ.

 

BIẾN CỐ TIỂU XUẤT HÀNH

width=400       Cuộc sống trần gian là chuỗi dài của người lữ hành, nơi đâu cũng là quán trọ. Vì những lý do đặc biệt trong hoàn cảnh mới, ngày 5/10/1978, cùng với Đan Viện Phước Lý, chị em bàn giao cơ sở đất đai ở Bàu Sen cho chính quyền huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cộng đoàn được dời cư về khu nhà khách tĩnh tâm của Đan Viện Phước Lý. Nơi đây, qua gương sáng của quí cha anh, chị em bước vào đời đan tu có nền tảng vững chắc hơn. Cây ươm trồng rồi cũng đến ngày kết nụ đơm bông. Ngày 8/12/1978, 9 tập sinh lớp thứ 2 được tuyên khấn sơ khởi. Theo giòng thời gian, ngày 20/7/1980, chị đại diện Etienne xin từ chức và chị M. Gioan Thánh Giá được Cha Viện trưởng và cộng đoàn đặt làm Đại diện phục vụ chị em. Thời gian trôi qua trong bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, nụ hoa nay đã kết quả, Hội dòng hân hoan vui mừng với hai nữ đan sĩ tiên khởi là chị M.Gioan Thánh Giá và Chị M.Phanxicô Assisi Nguyễn Thị Hiền tuyên khấn trọn đời ngày 8-12-1981.

        Một năm sau, ngày 21-11-1982, Cha Viện trưởng xin từ chức Bề Trên đặc trách Dòng nữ. Từ đây, một trang sử mới được mở ra, Dòng Nữ Xitô được Đức Cha giáo phận và Hội dòng cho Tự trị khi cộng đoàn vừa tròn 10 tuổi. Cộng đoàn bầu chị M. Gioan Thánh Giá Phạm Ghy Tạc làm Bề Trên tiên khởi Dòng Nữ Xitô TM. Vĩnh Phước. Sau đó, Cha Viện Trưởng đã phúc trình kết quả cuộc bầu lên Đức Cha giáo phận và đã được ngài phê chuẩn. Nhiệm kỳ của Chị Phụ Trách lúc bấy giờ là 3 năm, tuy nhiên trong thực tế, chị M. Gioan Thánh Giá đã được cộng đoàn tín nhiệm 4 nhiệm kỳ cho đến năm 1997 (3 khóa 3 năm và 1 khóa 6 năm theo Hiến Pháp dòng. Đang khi ấy, Chúa không ngừng gửi tới nhiều ơn gọi mới hứa hẹn cho việc phát triển trong tương lai.

       Kể từ đây, Cha Viện Trưởng an tâm trao cơ sở, tài sản và ruộng đất vốn dành cho Nữ Đan Viện để cộng đoàn trọn quyền quản lý. Dòng nữ bắt đầu bước sang một trang sử mới. Chị em cùng nhau nỗ lực xây dựng cộng đoàn với sự quan tâm và hướng dẫn của Đức Viện Phụ Hội Trưởng và các cha anh trong Hội dòng, đặc biệt trong vấn đề huấn luyện và đào tạo chị em trong đời đan tu chiêm niệm.

         Cây non đang thời kỳ tăng trưởng, rất cần một môi trường và sinh thái am hợp để có thể lớn mạnh và đâm rễ sâu trong lòng Giáo hội Mẹ Việt Nam. Sự kiện Dòng nữ ở tại nhà tĩnh tâm Dòng nam là một việc tạm thời và không thích hợp cho việc phát triển lâu dài của Dòng nữ. Đức Cha giáo phận, các vị có thẩm quyền trong Hội dòng, cũng như các chị em đều nhận thấy cần có một môi trường khác ích lợi hơn cho tương lai.

          Đường lối Thiên Chúa ai nào hiểu thấu! Chúa luôn có những dự phóng kỳ diệu cho con cái Ngài. Với cộng đoàn Dòng Nữ Xitô, phải chăng đã đến lúc thực hiện lời “Ta sẽ dẫn đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Osê 2, 16). Vâng, nơi “Đồi Ngọc” sẽ là điểm đến cho cuộc xuất hành mới của chị em sau này. Được sự khuyến khích của Đức Cha Giáo Phận và Hội Dòng, cuộc tìm kiếm đất hứa đã khởi sự qua nhiều giai đoạn với các ân nhân xa gần, cách này cách khác cộng tác với ơn Chúa hình thành cho chị em. Nay chỉ xin lược qua vài nét chính:

           Sau khi cộng đoàn đã tìm kiếm và thăm dò nhiều nơi, Chúa đã quan phòng một cách kỳ diệu: ngày thứ tư Lễ Tro năm 1990, cha Đa minh Trần Xuân Thảo, chính xứ Hà Nội ngỏ ý tặng 2 mẫu đất ở khu phát triển, và chị Nguyễn Thị My giới thiệu thửa đất của ông bà Đa minh Vũ Yêm ở giáo xứ Ngọc Đồng.

        Ngày 1/3/1990, đầu tháng Thánh Giuse, chị em mời Đức Viện Phụ Hội Trưởng M.Duy Ân Vương Đình Lâm, Cha M.Montfort Nguyễn Vinh Bề Trên Phước Lý, Cha M.Maximo Đỗ Chính Thống Bề Trên Thiên Phước, cha Giuse Nguyễn Văn Uy, chính xứ Tiên Chu cùng với chị em đến xem tận nơi và làm cố vấn cho việc chọn đất. Sau buổi tham quan hai địa điểm trên, mọi người đều nhất trí chọn khu “Đồi Trọc” tại xứ Ngọc Đồng.

          Khu “Đồi Trọc” này còn vẻ hoang sơ, chưa có cây cối hoa màu gì, đất nhiều đá sỏi có vẻ cằn cỗi giống đất ở Phước Sơn Quảng Trị. Tuy nhiên, “Đồi Trọc” này có vẻ thu hút hơn cả vì có một cảnh quan đẹp mắt và nên thơ: xa xa, những rặng đồi chập trùng với rừng cây xanh thẫm in đậm nét trên nền trời xanh làm phông cho vùng đất mới. Khí hậu trong lành, không gian tĩnh mịch, có dòng suối nhỏ hiền hoà uốn quanh chân đồi thật đẹp. Xung quanh khu đất có ruộng, có nước, một khu đất thật thuận lợi cho đời sống đan tu của chị em. Mảnh đất còn chơ vơ như đang chờ đợi những bàn tay chị em Xitô đến canh tác và tô điểm.

         Gần trưa, phái đoàn tham quan ghé nhà ông Thất, một ân nhân ở gần chợ Sặt để nghỉ trưa rồi bàn việc tiếp, cha con được gia đình vị ân nhân đón tiếp nồng hậu. Đang dùng bữa, chị Nguyễn Thị My đưa ông Vũ Yêm đến gặp phái đoàn Xitô tại nhà ông Thất. Cha con rất vui mừng phấn khởi vì nghĩ rằng có thể ông sẽ nhượng đất với giá hữu nghị. Nhưng sau khi trao đổi câu chuyện, ông Yêm dõng dạc tuyên bố: “Nếu Nhà dòng cần đất để chuyển dòng, gia đình con sẵn sàng dâng cúng phần đất này vô điều kiện”. Cha con lại một phen ngỡ ngàng pha lẫn vui mừng khôn tả trước một sự kiện bất ngờ, quá lòng mong ước như vậy. Một sự ăn khớp quá kì diệu! Đúng là cầu được ước thấy. Qua đó, chị em thấy được biến cố là một lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, Ngài mong chị em đón nhận và đáp lại để nên lời chúc tụng và cảm tạ tình thương vô biên của Ngài.

          Chị em hân hoan đón nhận phần “đất hứa” với lòng biết ơn Chúa và cảm ơn tấm lòng hào hiệp của vị ân nhân này, đã cộng tác với Chúa giúp chị em có điều kiện để tiến hành việc di chuyển cộng đoàn. Ngày 29/4/1990, một số chị em được cử đi tiên phong đến lập nghiệp tại khu “đồi trọc”, chị em hăng hái dọn đất, đắp nền. Được sự khích lệ và giúp đỡ tích cực của cha Đa minh Đinh Hoàng Thuận, chính xứ Ngọc Đồng, các hội đoàn giới trẻ và bà con trong các giáo xứ lân cận, chị em bắt tay vào việc dựng tạm một căn nhà khoảng 100m2 có gác lửng để trú ngụ trong giai đoạn đầu. Thời gian dựng nhà, chị em được cha xứ Tiên Chu cho trọ tại khu vực gần nhà xứ của ngài.

         Ngày 16/6/1990, Chị Phụ Trách lại trình lên Đức Cha diễn tiến công việc, ngài rất vui mừng vì thấy bàn tay quan phòng của Chúa trên chị em và ngài đã ban phép cho cả cộng đoàn được di chuyển khi có điều kiện thuận tiện. Ngài đã uỷ thác cho Đức Viện Phụ Hội Trưởng Duy Ân việc kiến thiết nhà cửa cho chị em, đặc biệt quan tâm đến việc huấn luyện cho chị em trong môi trường mới đi vào nếp sống đan tu chiêm niệm.

        Sau 4 tháng, ngôi nhà mới xinh xắn, gọn ghẽ, và những ngôi nhà lá dã chiến đã mọc lên để đáp ứng nhu cầu tối thiểu và cấp bách cho chị em trong lúc đầu. Ngày 15/8/1990, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, trên căn gác nhỏ Đức Viện Phụ Hội Trưởng đã dâng thánh lễ đầu tiên để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ cùng Cha Thánh Giuse.

 

BIẾN CỐ ĐẠI XUẤT HÀNH

width=400Trong hơn một năm, các chị em tiên phong sinh hoạt bình thường, nhưng vì thời gian này chưa có cha linh hướng, nên chị em phải đi lễ ngoài xứ hoặc mời các cha đến dâng lễ. Một chốn đôi quê, cũng nhiều phức tạp, khó khăn. Tuy nhiên, mọi sự đều diễn ra trong sự quan phòng rất kỳ diệu của Thiên Chúa. Khi chị em còn ở hai nơi, ai nấy đều đồng tâm nhất trí sống trong sự hiệp thông, cầu nguyện và hy sinh để chuẩn bị cho ngày Đại xuất hành.

Mùa Chay trôi qua, rồi đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, tâm hồn chị em như mở cờ để tung bay theo chiều gió của Chúa Thánh Linh. Chị em nhất trí quyết định nhổ neo xuất hành vào ngày 8/6/1991, lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Trước đó, chị em được Đức Viện Phụ Hội Trưởng giúp tĩnh tâm 3 ngày trong tinh thần xuất hành với niềm hân hoan, tin yêu và phó thác.

        Hành trang đã sẵn sàng, chị em như những cánh chim được thả ra trong vùng trời mênh mông, không khỏi có những lo âu, sợ hãi, nhưng “Ơn Cha đủ cho con” (2Cr 12, 9). Sau thánh lễ tạ ơn, chị em từ giã cộng đoàn Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý với lòng tri ân và cảm tạ sâu xa. Sau đó, Đức Viện Phụ Hội Trưởng đưa chị em lên đường hướng thẳng về “Đồi Trọc”, nơi Chúa đang chờ đón chị em. Cha Viện Trưởng và cộng đoàn TM. Khiết Tâm Phước Lý cũng cử cha Casimirô Hồ Thiên Cungvề Ngọc Đồng làm linh hướng cho chị em kể từ ngày hôm đó. Trên chuyến xe hôm đo, để xoa dịu nỗi buồn xa quê, nơi sinh trưởng của chị em,Viện Phụ Hội Trưởng đã mở màn đố kinh thánh, thế là ai nấy lo trã lời rôm rả cho đến khi tới địa điểm “Đồi Trọc “. Niềm vui nỗi buồn hòa quyện lẫn nhau để trở thành bài ca mới, bài ca ngợi vinh quang ân sủng Chúa. Một cuộc sống mới lại bắt đầu trên đồi yêu thương vắng lặng.

        Sáng ngày 9/6/1991, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Viện Phụ Hội Trưởng dâng thánh lễ tạ ơn chính thức khai mạc đời sống đan tu của chị em tại “Đồi Trọc”. Nhân dịp Đức Cha giáo phận về thêm sức tại một giáo xứ lân cận, ngài đã nhận lời đến thăm và chúc lành cho chị em ngay trưa hôm ấy.

        Cảm tạ Chúa, Đức Mẹ và Cha Thánh Giuse đã dẫn đưa chị em vào nơi thanh vắng để xây dựng một cộng đoàn đan tu theo thánh ý Chúa.

        Kể từ ngày chị em được xum họp chung một mái nhà, mọi người đều cùng nhau nỗ lực xây dựng cộng đoàn về mọi mặt. Ngay hôm sau, Đức Viện Phụ Hội Trưởng cho bắt đầu việc xây dựng dãy nhà ngủ cho chị em và đã hoàn thành ngày 18/10/1991.

        Tiếp đó ngôi nhà lầu đúc được dựng lên để làm thư viện và phòng học, nhưng vì hoàn cảnh, phải tạm ngưng khoảng một năm rưỡi. Trong thời gian này, Đức Viện Phụ Hội Trưởng giúp chị em tập trung ổn định đời sống đan tu trong hoàn cảnh mới.

         Còn về vấn đề hộ khẩu, chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho chị em được di chuyển và nhập khẩu cả cộng đoàn (gồm 19 chị) tại địa điểm mới số 105/10 – KP.9 – P. Tân Hoà – TP. Biên Hoà – T. Đồng Nai ngày 27/1/1992.

         Vào năm 1993, sau khi cha cố Casimiro được Chúa gọi về, cha Camillo Nguyễn Văn Hậu của cộng đoàn Phước Sơn, được cử làm linh hướng phục vụ chị em từ ngày 20/3/1993 đến năm 2007, vì tuổi cao sức yếu, ngài được trở về Đan viện  Phước sơn, 1 năm sau,  ngài bình an trở về với Chúa sau một cuộc đời phụng sự chúa và phục vụ các tâm hồn trong âm thầm, khiêm tốn và bác ái thẳm sâu. Chúng tôi được hưởng nhiều hoa trái thiêng liêng qua đời sống thánh đức của ngài cũng như của các vị tiền bối.

         Từ năm 2008, Viện Phụ Hội Trưởng kêu gọi các Cộng đoàn trong Hội dòng cộng tác trong việc thay phiên nhau dâng lễ và giải tội cũng như chia sẻ thiêng liêng cho Cộng đoàn Vĩnh phước, kể từ đó Cộng đoàn được thêm phong phú sinh động và thăng tiến trong đời sống thiêng liêng. Sự tận tụy hi sinh của các Cha Anh trong Hội dòng khích lệ và gieo nhiều gương sáng để nuôi dưỡng chúng con từng ngày trong ơn gọi để làm vinh danh Chúa và làm ích cho Hội thánh Chúa.

         Đời sống đã được an cư, Đức Viện Phụ Hội Trưởng và chị em còn có cái nhìn rộng và xa hơn cho tương lai của cộng đoàn, như sẽ trình bày ở phần IV.

 

II. PHÁT TRIỂN

1. Nhân sự

         Khi mới lập Dòng, số các chị em đầu tiên là 10 chị, với thời gian Nữ Đan Viện Xitô Thánh Mẫu được nhiều người biết tới, nên có nhiều thanh nữ đến xin tĩnh tâm, tìm hiểu ơn gọi và xin nhập tu.

         Vào thập niên năm 1980, số chị em nhập tu lên tới 25 người và mỗi ngày tăng dần. Mặc dù có những lúc việc nhận ơn gọi mới rất khó khăn, hoặc có những trường hợp vì thiếu kiên trì mà bỏ cuộc, thì Chúa lại gửi đến nhiều ơn gọi khác thay thế với lòng nhiệt thành và can trường hơn. Cho đến năm 2005, chị em lên tới 108 gồm 46 đan sĩ khấn trọn, 19 khấn tạm, 11 tập sinh, 4 thỉnh sinh, 20 dự tu và 8 hiến sinh.

        Riêng về hai Cộng đoàn Phước Hải và Phước Thiên: Phước Hải hiện do chị M. Timôthê Nguyễn Thị Nhẫn làm trưởng nhóm thay chị M. Têrêsa Hài Đồng Lê Thị Mai Hiên sau một thời gian dài phục vụ. Chị M. Cécilia Nguyễn Thị Oanh, làm trưởng nhóm Phước Thiên thay Chị Scholastica Nguyễn thị Huê sau những năm đồng hành với Cộng đoàn. Như đã đề cập ở trên, hai Cộng đoàn này của Dòng Nữ đã được xây dựng tương đối ổn định về tinh thần, cơ sở vật chất và nhân sự để chị em có thể sống đời đan tu, sinh hoạt như ở nhà chính. Tổng hội năm 1999 nhìn nhận hai Cộng đoàn Phước Hải và Phước Thiên hiện diện từ nhiều năm, như những CĐ theo qui định của Hiến pháp (Quyết nghị Tổng hội 1999,I,6,e). Đến năm 2001, Tổng hội xác nhận hai CĐ trên là hai Đan viện đơn lập trực thuộc Nữ Đan Viện TM. Vĩnh Phước. Được Viện phụ Hội Trưởng, quí Viện Phụ cùng các cha anh trong Hội Dòng giúp đỡ về nhiều mặt, đặc biệt được ở gần Đan Viện TM. Phước Sơn và Đan Viện TM. Thiên Phước, nên được các cha thường xuyên sang dâng lễ và bồi dưỡng các môn học, đồng thời tận tâm giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất. Cách riêng cha Viện phó M. Simon Hòa Trần Hiếu, Cha Viện trưởng M.Philipphê Hoàng Kim Tâm, thầy M. Phaolô Lưu Quang Đại, cha M.Matthêu Nguyễn Văn Linh đã tích cực cộng tác với Viện phụ Hội Trưởng giúp Dòng Nữ xây dựng hai CĐ này để có ngày hôm nay, chuẩn bị cho một tương lai gần sẽ trở thành hai Đan viện tự trị. Sau này có dịp, chúng tôi sẽ nói rõ hơn về quá trình phát triển của hai Tu sở này.

         Chị em vui vẻ tích cực nhất tâm sống đời cầu nguyện trong thầm lặng và hy sinh, làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng nhân loại, và cầu nguyện cho những người chưa biết Chúa. Hy vọng với các thành phần cốt cán của thế hệ đi trước sẽ làm cho các thế hệ sau được khích lệ và can đảm vững bước trong ơn gọi đan tu, để làm vinh danh Chúa và sinh nhiều hoa trái tốt lành cho Giáo hội.

 

2. Nếp sống Đan Tu.

        Linh đạo Xitô dựa theo Tu luật Thánh Biển Đức, đòi hỏi điều kiện đầu tiên nơi người đến gõ cửa đan viện là “thực lòng tìm Chúa”; vì thế thánh Biển Đức đã thiết lập “trường học phụng sự Thiên Chúa”, để đáp ứng cho những tâm hồn khao khát tìm Chúa, trong môi trường thanh vắng và tĩnh lặng.

        Để xây dựng nếp sống đan tu Xitô Biển Đức và theo tinh thần của Đấng Sáng Lập, chị em cần được tiếp nhận một sự huấn luyện chu đáo cụ thể trong giai đoạn này, chị em được các cha anh trong Hội dòng truyền thụ cho những tinh hoa của đời sống đan tu, và nhất là những chứng từ sống động của các ngài, là bài học đầu đời thiết thực nhất cho chị em. Khi đã thấm nhuần tinh thần đan tu, chị em lại được mở rộng tầm hiểu biết trong các môn học theo qui định của Giáo luật và Hiến Pháp của Hội dòng. Các Bề Trên đã tận dụng mời một số linh mục, giáo sư trong và ngoài Hội dòng đến giảng dạy cho chị em. Ngoài ra, hơn 20 năm nay, các chị em được theo học các khoá thần học, khoá thần học lớp hè 5 năm và khoá thần học chuyên sâu 3 năm tại Học viện liên dòng nữ Phaolo Nguyễn Văn Bình thành phố Hồ Chí Minh. Số chị em đã mãn khóa hè là 30, khóa chuyên sâu là 14 người. Ngoài ra chị em còn được bồi dưỡng thêm về vi tính, ngoại ngữ, hoặc các ngành nghề chuyên môn khác theo nhu cầu của Đan viện. Bề Trên cũng tận dụng những khả năng của chị em đi trước để đóng góp về việc huấn luyện cơ bản cho các dự tu, thỉnh sinh, tập sinh và khấn tạm.

        Chương trình huấn luyện của Hội Dòng nhằm mục đích đào tạo con người toàn diện và được kéo dài trong suốt cuộc đời người đan sĩ. Một phương cách hữu hiệu trong truyền thống đan tu là thấm nhuần lời Chúa qua việc đọc sách thiêng liêng (Lectio Divina). Thư viện của đan viện cũng có nhiều loại sách như những ông thầy khiếm diện, ẩn mình để phục vụ chị em trong vấn đề học tập và tham khảo.

        Các phương cách huấn luyện khác nữa không kém hữu hiệu là những dịp tĩnh tâm năm, các khóa tĩnh huấn, các lớp bồi dưỡng do Hội dòng và Liên dòng tổ chức, những dịp hành hương đặc biệt trong Hội dòng, sinh hoạt liên đan tu và đời sống cộng đoàn cũng là môi trường tốt để bồi dưỡng chị em về đời sống thiêng liêng.

        Thần vụ cũng là một yếu tố quan trọng trong nếp sống đan tu: “Không lấy gì làm hơn việc Chúa”. Chị em được thừa hưởng hoa trái của các ban Phụng vụ thánh nhạc của Hội dòng để có thể cử hành phụng vụ cách sốt sắng trang nghiêm với nghi thức và cung điệu riêng của Hội dòng.

        Chính nhờ được huấn luyện liên tục và toàn diện như thế, chị em có thể cùng nhau xây dựng cộng đoàn theo tầm mức Chúa đã mời gọi mỗi người và mọi người cố gắng vươn tới sự trưởng thành viên mãn trong Đức Kitô (Ep 4, 13).

       Cuộc sống của chị em dần dần được ổn định. Lúc đầu, chị em lấy Hiến Pháp của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam làm cơ bản trong sinh hoạt để sống theo tinh thần của Cha Tổ Phụ và nếp sống đan tu. Tuy nhiên, với thực tế cuộc sống và để nhập Hội dòng theo ý của Giáo hội, chị em cần phải có một bản Hiến Pháp riêng cho Dòng nữ. Vì thế, chị em đã cùng làm việc với Đức Viện Phụ Hội Trưởng, góp ý những điều thiết thực. Cuối cùng, bản Hiến Pháp dòng nữ đã được thành hình dựa theo Hiến Pháp của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam và đã được toà thánh phê nhận ngày 24/6/1998. Nhờ đó, cơ cấu tổ chức và sinh hoạt của dòng nữ chúng tôi được vững vàng và ích lợi hơn trong liên đới với Hội dòng và toàn dòng.

 

3. Cơ sở vật chất.

        Với biến cố Đại Xuất Hành, cộng đoàn đã bỏ lại tất cả nhà cửa đất đai, ruộng vườn tại Bầu Sen Phước Lý, để xây dựng cơ sở mới tại “Đồi trọc” giáo xứ Ngọc Đồng.

        Nhờ tình thương kỳ diệu của Thiên Chúa, ngày 1/3/1990 Đan Viện Thánh Mẫu Vĩnh Phước khởi sự lập nghiệp tại “Đồi trọc”. Ngôi nhà đầu tiên được dựng lên và hoàn tất ngày 15/8/1990.

        Trong dịp này, gia đình ông Antôn Vũ Văn Khuông (Luống) đã quảng đại dâng thửa đất kế tiếp thửa đất của ông Vũ Yêm cho Đan viện.

        Ngày 8/6/1991 khi cả cộng đoàn được di chuyển về Ngọc Đồng, Đức Viện Phụ Hội Trưởng đã bắt tay ngay vào việc xây nhà ngủ cho chị em. Sau vài tháng, dãy nhà ngủ dài 28m, rộng 14m đã được hoàn tất vào ngày 18/10/1991. Thế là chị em được giải phóng khỏi căn gác lửng, phòng ngủ tập thể tạm thời trong bước đầu. Một năm sau lại tiếp tục xây dựng ngôi nhà để làm thư viện, phòng học, phòng làm việc cho chị em, nhưng công trình đang xúc tiến tốt đẹp phải tạm ngưng một năm rưỡi cho đến ngày 14/9/1993 lại được tiếp tục xây dựng cho đến ngày 8/12/1993 thì hoàn tất. Một phần tạm xử dụng làm Nhà nguyện còn một phần xử dụng cho sinh hoạt của cộng đoàn.

        Tiếp đó, ngày 14/12/1993 khu Nhà cơm lại được xây dựng nối tiếp dãy Nhà ngủ. Từ đó chị em từ giã căn nhà cơm dã chiến xiêu vẹo thủa ban đầu để lên nhà mới chắc chắn và khang trang hơn. Có nơi ăn chốn ngủ rồi, ngày 1/5/1995 lại thực hiện đền Thánh Giuse hình bát giác trong khuôn viên đan viện để đáp ứng nhu cầu của khách tĩnh tâm.

        Năm 1995 nhờ gia đình bác Luống, đài Thánh Mẫu Chiêm Niệm được dựng ngay trung tâm hồ cá lớn gần dãy nhà ngủ của Nhà tập.

       Phục vụ khách tĩnh tâm là một hình thức tông đồ của đan viện, nên khách tĩnh tâm đến đan viện ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu trên, Chúa lại cho phương tiện để hoàn thành nhà khách tĩnh tâm khá khang trang. Nhà Khách được khởi công từ ngày 21/3/1997 lễ Thánh Biển Đức và hoàn tất vào ngày 8/12/1997.

        Vì ơn gọi ngày càng thêm đông, và nhất là để có môi trường huấn luyện hữu hiệu hơn, ngày 10/2/1998 Đức Viện Phụ Hội Trưởng lại cho khởi công xây cất một dãy nhà ngủ cho chị em kinh viện. Nhà này dài 28m, rộng 14m, và hoàn tất 15/8/1998.

        Được phép chính quyền các cấp cho xây cất ngôi Thánh đường của đan viện, Đức Viện Phụ Hội Trưởng và cộng đoàn nỗ lực chuẩn bị cho việc xây dựng này, vì đó là trung tâm qui tụ cộng đoàn, là trái tim chứa đựng mọi trái tim, nơi đây cộng đoàn cử hành thần vụ (Opus Dei) là việc cao quý nhất của đời đan tu. Thánh đường được xây cất theo cấu trúc Á đông, hợp với chủ trương hội nhập văn hoá của Giáo hội. Ngày 1/3/2000 khởi công xây cất đến 30/5/2001 thì khánh thành và cung hiến thánh đường.

       Tháng 5/2005 tiếp tục hoàn tất phòng thánh và nhà hội. Ngày 15/8/2005 khởi công xây Nhà Pax, tầng trệt là nhà ngủ của các đan sĩ, lầu I dành để phục vụ bệnh nhân và chị em hưu dưỡng.

        Tháng 10/2006 xây dựng lại trụ sở ở 46/10/68 Nguyễn Cửu Vân, Phường 17, Quận Bình Thạnh. Nơi đây qui tụ các chị em dòng nữ tham dự các khóa đào tạo về thần học và các môn cần thiết khác.

        Tất cả những công trình trên được tuần tự xây dựng trong tình thương và quyền năng của Thiên Chúa qua tình thương của các Ân nhân gần xa.

 

4. Phát triển kinh tế.

        Để xây dựng kinh tế cộng đoàn, chị em đã làm những ngành nghề như canh tác hoa màu, chăn nuôi, may, thêu, vẽ, làm bánh lễ, viết thư pháp.

        Đầu thập niên 90, với vốn liếng sẵn có về nghành mỹ thuật, lại được Đức Viện Phụ Hội Trưởng khuyến khích và được cha Đaminh Trần Thái Hiệp, giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse giúp đỡ, nên chị em bắt đầu làm thêm nghề sơn mài, chuyên làm các vật dụng phụng tự thánh, vẽ icon, chân dung và các dạng tranh khác theo nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Nghành nghề vẫn phát triển và sản phẩm được tiêu thụ đều đặn.Tuy nhiên, dù phải lao động sinh sống và chia sẻ với bạn nghèo, nghề chính của chúng tôi vẫn là nghề ca tụng Chúa và đứng hàng đầu trong sinh hoạt của chúng tôi như lời khẳng định của Cha thánh Biển Đức: “Không lấy gì làm hơn Đức Kitô” và Thánh Gioan Berchmans cũng đã xác tín: “Tôi lo việc Chúa, Chúa lo việc tôi”. Đó là niềm tin tuyệt đối vào Chúa của các thánh, là gương sáng để chúng tôi noi theo.

        Lúc mới về giáo xứ Ngọc Đồng, chị em trồng lúa, dừa và vườn cây bạch đàn, nhưng dừa không hợp phong thổ và lúa không thuận tiện cho sinh hoạt của chị em nên đã phải đổi kế hoạch. Vào tháng 4/1996 đã khởi công vét sâu con suối, đào ao nuôi cá trên diện tích khoảng 1 mẫu, chia làm bốn hồ nuôi các loại khác nhau. Cá tai tượng, trắm cỏ, chép, rô phi Đài loan tung tăng bơi lội từng đàn trên mặt hồ trông thật lý thú.

        Vòng ngoài giáp hồ cá, chị em trồng chanh, chuối và một ít loại cây khác. Đức Viện Phụ Hội Trưởng luôn sẵn sàng cung ứng các loại cây giống cho cộng đoàn. Nên ngoài một một đất thổ cư ở giữa, một mẫu hồ cá ở chung quanh đất thổ cư, vườn cây ăn trái và vườn cây công nghiệp đã phủ kín những mẫu đất còn lại ở vòng ngoài hồ cá và hàng rào nội vi đan viện. Thời gian trước đây được Đức Viện Phụ Châu Sơn tặng 3 máy đúc bánh lễ, chị em đã sản xuất liên tục để đáp ứng nhu cầu cho cộng đoàn và nhu cầu của các giáo xứ lân cận. Tất cả những công việc trên đều có tính cách phục vụ gia đình, cộng tác vào việc làm đẹp cảnh vật, giúp người đan sĩ dễ sống đời chiêm niệm trong đan viện để cảm tạ và ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa đã thực hiện cho con người.

 

width=400

5. Cộng Đoàn Thánh Mẫu Phước Hải.

         Như đã được nói ở phần trên, thửa đất ở Bãi Dâu Vũng Tàu là nơi đã tiếp nhận chị em trong thời gian đầu, đã được Đức Cha chấp nhận cho làm tu sở với triển vọng trở thành một đan viện trong tương lai. Do đó, ngày 10/9/1975 cha Viện Trưởng Đan Viện TM. Khiết Tâm Phước Lý đã uỷ quyền cho chi Têrêsa Lê Thị Mai Hiên quản lý đất vườn và làm trưởng Tu sở Phước Hải. Về mặt tinh thần, chị em nhận được sự trợ giúp của các cha anh cộng đoàn Đan Viện TM. Thiên Phước, đặc biệt từ trước tới nay, cha cựu bề trên Maximo Đỗ Chính Thống làm linh hướng cho chị em.

        Năm 1992 ngôi nhà sàn ban đầu bị xuống cấp, không thể xử dụng cho tương lai lâu dài được, Đức Viện Phụ Hội Trưởng với sự cộng tác của cha Mattheu và cộng đoàn Thiên Phước, đã cho làm một khu nhà khác gần Nhà Nguyện, gồm có phòng khách, nhà ngủ, nhà bếp, nhà cơm cho chị em.

          Cộng đoàn TM. Phước Hải và cộng đoàn TM. Phước Thiên, đã được Tổng hội năm 1999 xác nhận như các Tu sở trực thuộc Nữ Đan Viện TM. Vĩnh Phước. Sau 30 năm, Cộng đoàn được Tổng Hội cho nâng lên nhà Tự Trị năm 2010, Cộng đoàn bầu Chi M. Timothée Nguyễn Thị Nhẫn làm Viện trưởng tiên Khởi. Nhân số có 20  chị, gồm 10 Chị Khấn trọn, 7 Chị Khấn Tạm, 2 Em Dự Tu, và 1 Chị Hiến sinh. Cho đến nay cong đoàn đã tăng lên 40 chi em.

 

 width=400

6.  Cộng Đoàn Thánh Mẫu Phước Thiên.

        Tu sở Phước Thiên được khởi đầu với sự kiện là ngày 8/9/1988, Chúa đã quan phòng cho các chị hữu trách được tham quan thửa đất tại Hải Sơn, đã được Ông bà Nguyễn Văn Hóa (Mầu) chuyển nhượng cho cộng đoàn Phước Lộc, một địa điểm rất thích hợp cho việc khai sinh nhóm mới. Các chị đã trình lên Đức Viện Phụ Hội Trưởng và Cha Bề Trên cộng đoàn Phước Lộc để xin nhượng lại cho chị em thửa đất trên. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của chị em Dòng Nữ, ngày 25/9/1988, Đức Viện Phụ Hội Trưởng và Đan Viện TM. Phước Sơn đã chấp nhận thỉnh nguyện của chị em.

        Sau khi nhận đất, cộng đoàn cử chị M. Cécilia Nguyễn Thị Oanh làm trưởng nhóm và 5 chị em cùng với chị đến địa điểm mới để lập nghiệp. Chỉ trong vòng 2 tuần, chị em đã được nhập khẩu tại địa chỉ 4/ 149 – Ấp Hải Sơn – Xã Phước Hoà – Huyện Tân Thành – Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Thấy diễn tiến tốt đẹp trong quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, ngày 15/10/ 1988, Chị Phụ Trách đệ đơn trình lên Đức Cha giáo phận và Đức Viện Phụ Hội Trưởng về việc khai sinh cộng đoàn Phước Thiên. Đức Cha đã châu phê ngày 30/10/1988 và Đức Viện Phụ Hội Trưởng đã chấp thuận. Ngày Lễ Các Thánh 1/11/1988, một ngày đáng ghi nhớ, Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, giám mục giáo phận Xuân Lộc, và Đức Viện Phụ Hội Trưởng M. Duy Ân Vương Đình Lâm đã đến dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên làm nền móng xây dựng Nhà Nguyện tạm cho chị em trong lúc đầu. Thánh lễ hôm ấy có cha Giám quản Casimirô Hồ Thiên Cung và thầy quản lý Humberto Nguyễn Khánh Thành, đại diện cộng đoàn TM. Khiết Tâm Phước Lý, cha bề trên Simon Hoà Trần Hiếu, đại diện cộng đoàn TM. Phước Lộc, quý cha quản hạt và cha chính xứ Hải Sơn Nguyễn Hữu Thời cùng các ân nhân đến tham dự, từ đó khai sinh cộng đoàn TM. Phước Thiên, chị em đã chọn ngày Lễ các Thánh làm Bổn mạng.

         Vài năm sau, thửa đất này được nới rộng hơn nên tiếp đó đã xây dựng được ngôi nhà dài 20m, rộng 12m vào năm 1992. Một phần làm Nhà Nguyện, còn một phần xử dụng cho sinh hoạt của cộng đoàn. Đồng thời cũng dựng một nhà tiền chế để làm nhà khách, nay đã được dời ra phía trước, gần cổng chính.

         Đến năm 1998, Chúa lại cho có phương tiện nên xây thêm ngôi nhà ngủ dài 20m, rộng 15m và năm sau, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt lâu dài của chị em, ngôi nhà cơm và nhà bếp lại được xây dựng.

         Sau 20 năm, cộng đoàn TM. Phước Thiên được Tổng Hội cho nâng lên nhà Tự Trị năm 2008. Chi M. Cêcilia đươc bầu làm Viện Trưởng Tiên khởi. Nhân sự có 20 Chị, gồm 10 Chi Khấn trọn, 7 Em Khấn tạm, 1 em Dự tu và 2 chị Hiến sinh. Nay đã gia tăng được 32 chị em.

 

III. GIA NHẬP DÒNG XITÔ

         Đã từ lâu, chị em Dòng Nữ ước ao gia nhập Dòng Xitô. đến lúc thuận tiện, chị em đã thể hiện lòng ước ao đó qua từng giai đoạn cụ thể:

        Ngày 15/8/1993 chị em đã đệ đơn xin Đức Cha giáo phận cho phép được liên kết với Dòng Xitô về mặt thiêng liêng, đang khi chờ đợi được liên kết trọn vẹn về mặt pháp lý với Dòng Xitô xuyên qua Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.

          Thỉnh nguyện trên đây đã được Đức Cha chấp thuận ngày 15/8/1993, trong Văn thư số 78/1993/TGM. Trong thời gian này, Đức Viện Phụ Hội Trưởng tiếp tục xây dựng Dòng nữ cả về hai mặt. Một mặt lo xây dựng nhà cửa theo cấu trúc của một Đan viện Xitô tại Việt Nam, mặt khác lo huấn luyện đào tạo chị em ngày càng đi sâu vào truyền thống đan tu Xitô.

           Để chuẩn bị gần cho chị em  chính thức gia nhập đại gia đình Xitô, Đức Viện Phụ Hội Trưởng đã cho Dòng nữ được tham gia vào một số sinh hoạt của Hội dòng: trong khoá họp Tổng hội 1995, chị em đã được mời đến để báo cáo sinh hoạt và trình thỉnh nguyện của Dòng nữ. Chị em cũng tham gia các sinh hoạt khác như tĩnh huấn và học tập trong Hội dòng. Ngày 21/3/1997, chị em đã đệ đơn lên Đức Cha giáo phận xin chính thức gia nhập Dòng Xitô thế giới xuyên qua Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam. Đức Cha đã chấp thuận ngày 5/4/1997.

         Về phía Hội dòng, ngày 1/5/1997 chị em đã đệ đơn xin Đức Viện Phụ Hội Trưởng và Tổng Hội cho Dòng nữ chính thức gia nhập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam. Tổng hội đã chấp thuận ngày 5/7/1997.

Ngày 21/9/1997, Thượng Hội Đồng Xitô thế giới đã xác nhận việc Nữ Đan Viện Xitô TM. Vĩnh Phước chính thức gia nhập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam. Trong khi chờ đợi Toà thánh châu phê, chị em tích cực đi vào nếp sống đan tu mà Giáo luật đã đề ra cho các Nữ Đan Viện.

         Tạ ơn Chúa đã cho cộng đoàn đi một lộ trình dài với những thăng trầm và những vui buồn đắp đổi của cuộc sống trong chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngày 8/12/1997, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn mạng cộng đoàn và mừng cộng đoàn 25 tuổi.Chi M.Gioan Thánh Giá mãn nhiệm kỳ phục vụ. Ngày 15/12/1997, chị Phó Phụ Trách M. Cécilia Nguyễn Thị Oanh đắc cử Bề Trên thứ hai của Nữ Đan Viện TM. Vĩnh Phước. Với những năng lực dồi dào và tinh thần đan tu vững chãi, Chị Phụ Trách đang cùng cộng đoàn Vĩnh Phước trẻ trung đầy nhiệt huyết xây dựng cộng đoàn ngày thêm vững mạnh. Chắc chắn cộng đoàn còn phải đương đầu và vượt qua những thách đố của cuộc sống hôm nay, một cuộc sống của giáo hội và xã hội bước sang thiên niên kỷ thứ  III.

        Để Nữ Đan Viện TM. Vĩnh Phước được hưởng trọn vẹn dòng suối nước mát trong của Dòng Xitô, Toà thánh đã châu phê cho Đan Viện TM. Vĩnh Phước chính thức gia nhập Dòng Xitô thế giới xuyên qua Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam ngày 24/6/1998.

        Ngày 3/2/1999, Đức Cha giáo phận đã chủ sự thánh lễ tạ ơn tại Nữ Đan Viện TM. Vĩnh Phước với sự hiện diện của Đức Viện Phụ Hội Trưởng và đông đảo các cha anh trong Hội dòng.

          Ngày 25/3/1999, lễ Truyền Tin, chị em đan sĩ và khấn sinh long trọng tuyên khấn gia nhập Hội Dòng Xitô. Kể từ đó, chị em cố gắng gắn bó mật thiết với Chúa hơn, gắn bó với Hội Dòng trong kỷ cương của một Nữ Đan Viện chiêm niệm trong lòng Giáo hội  để nên lời ca ngợi vinh quang ân sủng Chúa (Ep 1, 6).

C:Documents

          Kể từ đây, chị em được hưởng trọn vẹn những quyền lợi và có những nghĩa vụ của một thành viên trong toàn Dòng Xitô, được tham gia đầy đủ và trọn vẹn các sinh hoạt của Hội dòng. Cụ thể trong dịp Tổng hội 26/5 – 8/6/1999, chị em đã được tham dự với tư cách là thành viên chính thức và Chị Phụ Trách dòng nữ đã được Tổng hội bầu vào Hội Đồng Quản Trị của Hội dòng. Đó là một hồng ân cao quý Chúa đã ban cho Dòng nữ. Đời sống đan tu của chị em ngày càng thêm vững chắc trong guồng máy tổ chức của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam trong lòng Giáo hội. Tưởng cũng nên nói, từ năm 2000, lần đầu tiên Viện Mẫu các nhà Xitô trên thế giới được tham gia Đại Hội Xitô toàn Dòng, thì cũng có sự hiện diện của Nữ Xitô VN.

 width=150      Vào ngày 30-5-2001, sau hơn một năm xây dựng, ngôi nhà nguyện mang đậm nét Á Đông, hợp với chủ trương hội nhập văn hoá của Giáo hội đã được ĐứcCha Phaolo Nguyễn Minh Nhật cung hiến và xức dầu bàn thờ.

       Cuối năm 2003, chị M. Cécilia mãn khóa, chị M. Gioan Thánh Giá tái cử Bề trên Nữ Đan viện với nhiệm kỳ mới. Chị cùng cộng đoàn tiếp tục xây dựng tinh thần, vật chất của Đan viện. Đầu tháng hai 2008 , nhờ ơn Chúa qua các An nhân gần xa khuôn viên đan viện được bố trí phần đất thánh cho cộng đoàn, và hàng rào nội vi sau 1 thời gian dài trống trải, nay cũng được xây dựng kiên cố để bảo đảm an ninh và khung cảnh an tĩnh đan viện.                                           Trở lại với Nữ Đan Viện TM. Vĩnh Phước, cây nay đã trưởng thành và tiếp tục đâm chồi nảy lộc với nhân số 112, gồm 41 Đan sĩ khấn trọn, 13 Nữ tu khấn tạm, 21 Tập sinh, 16 Thỉnh Sinh, 10 dự tu, 9 Hiến Sinh, và 2 Nhà con là Đan viện Phước Hải đã đươc Tự trị năm 2010 và Đan viện Phước Thiên đã được Tự trị năm 2008. Chị em vui vẻ tích cực nhất tâm sống đời cầu nguyện, lao động trong thầm lặng, hy sinh và đón tiếp khách tĩnh tâm, làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng nhân loại và cầu nguyện cho những người chưa tin nhận Chúa. Lòng thao thức cho nhiều người được cảm nhận tình Chúa yêu thương và hưởng hạnh phúc như lòng Chúa mong ước, được tìm lại những giây phút bình an thanh thản giữa cuộc đời vạn biến, đươc gặp lại Chúa, sống thân tình với Chúa, và được Chúa an ủi đỡ nâng, cùng ban sức mạnh để tiếp bước trong cuộc đời người lữ hành, hướng về cùng đích của kiếp người trong niềm tin – yêu – cậy mến Đức Giêsu, Đấng duy nhất cứu độ trần gian. Với niềm thao thức đó, chúng tôi đang cố gắng tạo môi trường thuận tiện, mở rộng nhà khách tĩnh tâm, khuôn viên sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ, để mọi người có thể đến cầu nguyện và nghỉ ngơi bồi dưỡng tâm hồn khi cần thiết (GLHTCG số 2691).Tương lai vẫn luôn ở phía trước, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, nhiệt tâm phấn khởi kiên trì tiến bước trong ơn gọi đan tu. Những thành quả vật chất có thể thấy được rất giới hạn, còn biết bao điều tốt lành về tinh thần, về nếp sống đan tu chúng tôi đã đón nhận trong suốt 43 năm qua không thể kể hết. Cộng đoàn có được ngày hôm nay, phát triển về mọi mặt là nhờ công khó của biết bao thế hệ cha anh đi trước, của bao người thân nhân, ân nhân, bạn hữu đã cầu nguyện, hy sinh, góp công, góp của rất quảng đại cho chúng tôi. Một vài trang giấy không thể ghi hết ân tình Thiên Chúa trao ban qua quý vị. Chị em chỉ biết khấu đầu thờ lạy và cảm tạ Chúa, cùng tri ân từng người và mọi người. Tâm tình đó được thể hiện trong đời sống chiêm niệm, cầu nguyện và hi sinh âm thầm như những bộ rễ trong thân cây của giáo hội. “Nhờ đó,dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm mức viên mãn của Đức Kitô.” (Ep 4, 12-13).

 

LỜI KẾT:

Tất cả là Hồng Ân !

        Nhìn lại chặng đường 43 năm qua, chúng tôi phải khấu đầu thờ lạy và cảm tạ tình thương diệu kỳ Chúa đã dành cho chúng tôi. Nhìn vào hiện tại để lượng giá, thống hối và chấn chỉnh, hướng về tương lai với niềm hi vọng, tin tưởng và phó thác.  Trước mắt không thiếu những điều khó khăn, gian nan thử thách, nhưng chúng tôi nguyện đoàn kết nhất trí tận dụng những phương tiện Chúa ban trong mọi hoàn cảnh để tiếp tục sống hồng ân chiêm niệm trong lòng Giáo hội và thế giới hôm nay như lời chúc tụng và cảm tạ dâng lên Thiên Chúa, làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng nhân loại.

       Giáo hội luôn đánh giá ơn gọi chiêm niệm và coi đó như “mạch suối tuôn trào ơn thiêng” (DT 7).Đánh giá của Giáo hội trong thế giới khoa học kỹ thuật hôm nay quả là mối khích lệ lớn cho những ai được Chúa mời gọi đi tìm Chúa trong nơi thanh vắng.  Cánh  cửa  Đan  viện  đang rộng mở để đón nhận những ai muốn chia sẻ nếp sống đan tu trong âm thầm cầu nguyện và hoan hỉ hi sinh.

    “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ.  Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

                                                                                         (Tv 135, 1)

Nữ Đan Viện XitôThánh Mẫu Vĩnh Phước

Mừng 43 năm Thành lập Đan viện

                                                 width=111px;                           

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 6 Tuần Thánh

Đi đàng thánh giá: Vì yêu, Chúa đã chấp nhận trở nên đồng phận với loài người yếu đuối, mỏng giòn, nghèo khó, để rồi...

Thứ 5 Tuần Thánh

TAM NHẬT THÁNH “ Đây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,...

Đây nén hương xuân, nén hương ân tình …

CHƯƠNG TRÌNH VUI XUÂN NGÀY MÙNG 2 TẾT QUÝ MÃO  2023 TRONG TINH THẦN HIỆP HÀNH “Đây nén hương xuân, nén hương ân tình, nén hương thành...

Cáo phó

“Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46) CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh Đan Viện Xitô Thánh...

Nhịp đập thể thao

NHỊP ĐẬP THỂ THAO Ngay từ giây phút khởi đầu, nhịp đập thể thao đón xuân của Cộng Đoàn Vĩnh Phước chúng ta được khai...

Đôi lời chuyện vãn đầu xuân ….

ĐÔI LỜI CHUYỆN VÃN ĐẦU NĂM…       “Mùa xuân sang ta chúc nhau, bao ước muốn bao hy vọng, cùng rủ nhau mau bay về… về...