Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

NIỀM VUI TRONG ĐỜI DÂNG HIẾN

 

NIỀM VUI TRONG ĐỜI DÂNG HIẾN

 

          Nói đến niềm vui là nói đến nụ cười rạng rỡ, một nụ cười thân thiện và nhân ái, tạo cho ta một cảm giác gần gũi, thân thương. Cha Frederick-William Faber cũng nói: “Nụ cười tạo ra niềm vui trong cộng đoàn, nâng đỡ khi lao tác, và là dấu hiệu hữu hình của tình bạn. Nụ cười làm vơi nhẹ nỗi nhọc nhằn, đổi mới lòng can đảm trong những thử thách, là linh dược lúc buồn phiền. Nếu bạn gặp người nào không biết tặng nụ cười, thì bạn hãy quảng đại biếu họ một cái: không ai cần nụ cười cho bằng kẻ không biết trao tặng nó”. Còn Đức Phanxico trong Tông thư năm Đời Sống Thánh hiến thì khẳng định: “Ở đâu có người tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Tức là ngài muốn nói với mọi người rằng “người tu sĩ chính là người kiến tạo niềm vui” Vậy niềm vui của người tu sĩ trong đời thánh hiến được biểu lộ như thế nào? Trong Tông thư Đời Sống Thánh hiến, Đức Phanxico đã định hướng cho chúng ta những điểm chính yếu như là những cột mốc của thời gian để qua đó chúng ta sống trọn vẹn niềm vui qua sứ vụ của mình. Đó cũng là nền tảng và căn tính của đời hiến dâng. Cho nên nét nổi bật được ngài nhấn mạnh nhiều nhất đó là “Niềm vui Tin Mừng”

 

1. Niềm vui Tin mừng

          “Niềm vui” chính là quà tặng và là nguồn nâng đỡ lớn lao mà Tạo Hóa ban cho con người. Niềm vui giúp ta thêm yêu cuộc sống, giúp ta thăng hoa sự hiện hữu của mình, giúp ta tìm thấy ý nghĩa của những gì ta đang có[1]. Thật vậy, cuộc đời chúng ta được kết dệt từ những gam màu của niềm vui từng ngày. Có những niềm vui thánh thiện, thanh cao nhưng cũng có những niềm vui thật thấp hèn. Có những niềm vui chợt đến rồi chợt đi, nhưng cũng có những niềm vui vẫn tồn tại mãi với thời gian. Có những niềm vui mang đầy màu hồng rực rỡ nhưng cũng có những niềm vui mang nặng dấu ấn của những giọt mồ hôi. Có những niềm vui làm cho con người được lớn lên, được trưởng thành hơn, và cũng có những niềm vui làm cho con người trượt dốc. Có những niềm vui vị tha và có những niềm vui vị kỉ[2]…Nếu niềm vui từ bên ngoài được góp thành từ những tiếng cười không giọt lệ thì niềm vui Tin mừng lại là khoảng bình an sâu thẳm tận bên trong cõi lòng, là những gì sâu sa mà con người không sao diễn tả dù cho có những niềm vui được đong đầy bằng nước mắt. Điều đó được diễn tả qua sự dấn thân của người được thánh hiến. Họ lặn sâu vào những thực tại đầy sôi động của thế giới để thấu cảm và chia sẻ gánh nặng phận người với tha nhân. Họ trở thành chứng tá Tin Mừng bình an cho nhân loại bởi vì họ luôn thấm đẫm “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt.. chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”[3]. Cho nên, là môn đệ của Đức Giêsu, người tu sĩ phải sống trong chính sự sống của Tin Mừng. Vì Tin Mừng chính là căn tính nền tảng của đời sống thánh hiến. Khi kết hiệp liên lỉ với Tin Mừng, người tu sĩ sẽ khám phá ra suối nguồn của niềm vui không hề vơi cạn và luôn mới mẻ, luôn dâng trào: “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh[4]”. Để được như vậy, người tu sỹ phải luôn lắng nghe Lời Chúa qua đời sống chiêm niệm và cử hành phụng vụ, qua việc học hành và đời sống huynh đệ, qua việc đối thoại với thế giới bằng chính đời sống nguyện cầu của mình. Nhờ việc lắng nghe Lời Chúa và để cho Lời Chúa biến đổi, Cộng Đoàn và mỗi người chúng ta sẽ là nguyên lý của niềm vui, một niềm vui luôn có Chúa ở cùng. 

          Tóm lại, sống niềm vui Tin mừng chính là sống theo quy luật của Tin Mừng một cách say mê, là luôn gắn bó và say mến Chúa. Nhờ đó người tu sỹ có thể nói cho mọi người về Chúa, về hồng ân Cứu Độ của Ngài. Đó cũng là vai trò và sứ vụ “ngôn sứ” của người tu sỹ trong thời đại hôm nay.

 

 2. Ngôn sứ

          Ngoài sứ vụ “sống niềm vui Tin Mừng” Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến đặc tính ngôn sứ bằng lời mời gọi: “Hãy đánh thức thế giới! Hãy trở nên chứng nhân của một cách làm việc khác, cách hành động khác, cách sống khác! Có thể sống khác đi trong thế giới này… Vì tu sĩ đi theo Chúa một cách đặc biệt, mang tính ngôn sứ. Đó là chứng tá mà tôi mong đợi nơi anh chị em. Các tu sĩ phải là những người có thể đánh thức thế giới”[5]. Bởi vì đặc tính ngôn sứ và niềm vui tin mừng đi liền với nhau.  Cho nên trong Tông thư, Đức Thánh Cha lập đi lập lại điều này và coi đó như là sứ mạng của đời thánh hiến. Tu sĩ phải là người có khả năng “đánh thức thế giới”. Nhưng trước khi đánh thức thế giới, người tu sỹ phải đánh thức chính mình. Nếu đặc trưng của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ, thì “đánh thức thế giới”, chính là sống đặc tính ngôn sứ của mình. Nhưng “đánh thức thế giới” bằng cách nào?

          Đức Thánh Cha bật mí: các tu sĩ đánh thức thế giới qua việc thi hành sứ vụ đã được Giáo Hội và Cộng Đoàn trao phó đồng thời sống bác ái và yêu thương. Bởi vì “Giáo Hội và ngay cả xã hội cần có những người có khả năng dâng hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân vì tình yêu Thiên Chúa”. Nhưng muốn sống đúng vai trò ngôn sứ thì các tu sỹ phải chấp nhận bị bách hại và chịu đau khổ. Vì Chúa Giêsu, vị ngôn sứ tuyệt vời nhất cũng đã chịu những thử thách ấy “không có ngôn sứ nào được tôn trọng nơi quê hương mình”. Và sống đặc tính ngôn sứ còn phải “ra khỏi mình”, ra khỏi vùng biên cương của những tiện nghi vật chất, của những nơi an toàn để đến với thế giới (x. Mc 16,15), đến những nơi không ai muốn đến và gặp những người chẳng ai dám gặp. Đem niềm vui và hy vọng cho “những người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những người già lão bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trống rỗng trong lòng, những người đang tìm ý nghĩa cuộc đời, khao khát đời tâm linh[6]. Với đời sống chiêm tu, tuy người đan sĩ không đi ra khỏi nội vi nhưng tâm hồn họ vẫn có thể vượt qua cánh cổng vật lý của đan viện để vươn đến những mảnh đất nghèo tận trời xa bằng chính đời sống cầu nguyện và những hy sinh thật âm thầm của họ. Vâng, thế giới hôm nay đang rất cần chúng ta đem niềm vui Tin Mừng và hy vọng đến cho họ bằng cuộc sống và những việc làm cụ thể của mình. Đó là điều Đức Thánh Cha mong muốn nơi những người tu sĩ:“Cha mong đợi các con ‘đánh thức thế giới’ vì dấu hiệu phân biệt của đời thánh hiến mang tính ngôn sứ. Như Cha nói với các bề trên: sống truyền giáo không chỉ dành cho bậc tu trì, đó là nhu cầu của tất cả mọi người. Nhưng các tu sĩ theo Chúa cách đặc biệt, mang tính ngôn sứ”[7].

          Tuy nhiên, với một nhu cầu quá lớn và một sứ vụ quá cao đòi hỏi người tu sỹ phải dấn thân và bỏ mình nhiều. Nhưng đôi khi người tu sỹ không nhận được sự nâng đỡ, khích lệ của những người có trách nhiệm. Trái lại còn gặp nhiều chống đối không những từ bên ngoài mà ngay trong chính nội bộ. Điều đó làm cho người tu sỹ cảm thấy mệt mỏi, chán nản và đôi khi còn muốn trốn chạy, muốn từ bỏ trách nhiệm ngôn sứ của mình. Nhưng với “niềm vui Tin Mừng” thúc đẩy, họ lại tiếp tục cậy trông và hy vọng vì chính Chúa đã hứa:“đừng sợ hãi những điều đó, vì Ta ở cùng con để giải thoát con” (Gr 1,8). Vậy niềm hy vọng mà Đức Thánh Cha muốn gởi đến cho các tu sỹ trong Tông thư là gì?

 

3. Hy vọng

          “Hy vọng là bông hoa của đức tin, vì hy vọng là những kết tinh từ lòng tin có lý trí. Nếu chúng ta sống mà không có hy vọng thì cuộc sống ấy quả thật là vô nghĩa. Cảm nghiệm được điều đó nên Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã chọn khẩu hiệu cho đời Giám mục của Ngài là: Vui Mừng và Hy Vọng. Và Ngài đã sống khẩu hiệu đó một cách triệt để trong suốt cuộc đời của mình. Cho dù khi ngồi trên ngài giám mục hay khi ở chốn lao tù ngài vẫn luôn tin yêu và hy vọng. Thánh Phaolo cũng khẳng định: Chúng ta được cứu rỗi nhờ hy vọng (Rm 8,24). Nhưng làm sao chúng ta có thể sống hy vọng một cách tròn đầy giữa những trăm chiều thử thách của cuộc đời đầy biến động hôm nay? Hiểu được những trăn trở của con cái mình nên Đức Benedicto XVI trong Thông Điệp Spe Salvi đã đưa ra ba tiêu chí cho việc sống hy vọng, thứ nhất: Cầu nguyện như trường học của niềm hy vọng. Bởi vì “cầu nguyện” là chúng ta đang mở lòng mình ra với Thiên Chúa, và nhờ đó ta cũng dễ mở lòng ra với anh chị em. Nhờ biết “mở lòng” ra trước nhu cầu của mọi người nên ta dễ đồng cảm với họ. “Khóc với người khóc để giọt lệ vơi đi nỗi đắng cay, cười với người vui để niềm hạnh phúc của họ được luôn đong đầy”. Cầu nguyện còn là cuộc trao đổi tâm giao giữa ta và Chúa để ta hớp lấy tình yêu ngọt ngào từ trời cao và trao ban cho những người ta gặp gỡ. Nhờ đó, người tu sỹ trở thành nơi cho tất cả những ai không tìm được điểm tựa. Cầu nguyện còn giúp ta biết thanh luyện ước muốn và hy vọng của mình để ta có khả năng trở thành người “không là của riêng ai nhưng là của tất cả”. Nhờ cầu nguyện mà ta vững tin và hy vọng vào tình thương của Chúa hơn. Tiêu chí thứ hai ngài đề cập tới: Đau khổ như những môi trường học hỏi hy vọng. Tại sao vậy? Vì nhờ“Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô” (1Pr 4, 13) mà chúng ta dễ dàng đón nhận những khổ đau, những thử thách và bất chắc xảy đến trong cuộc sống. Đồng thời chúng ta dễ dàng cảm thông, chia sẻ với những người đang đau khổ và bất hạnh hơn chúng ta. Như vậy, nhờ kết hợp với Đức Kitô trong đau khổ mà ta được thanh luyện để sống đức tin trưởng thành hơn, góp phần làm cho thế giới này được tươi sáng và nhân bản hơn. Đau khổ vì lòng yêu mến sẽ đem lại cho ta niềm hy vọng mạnh mẽ hơn. Và tiêu chí cuối cùng mà ngài đưa ra là: Hướng đến cuộc phán xét như phương cách sống hy vọng. Từ thời xa xưa, viễn ảnh cuộc phán xét đã ảnh hưởng đến các Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày. Họ coi cuộc phán xét như “Tiêu chuẩn để tổ chức lại đời sống hiện tại của mình. Nó là một lời mời gọi hoán cải tâm hồn. Và nhất là niềm hy vọng vào sự công bình của Thiên Chúa”[8]. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Bằng chính lối sống của mình, người tu sĩ làm thức tỉnh thế giới khỏi giấc ngủ của những đam mê vật chất, tiền tài, danh vọng. Họ trở thành dấu chứng chắc chắn cho sự hiện hữu của Thiên Đàng, là chiếc thang nối liền trời và đất.

          Nếu ngày xưa thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh đã “thả chiếc neo hy vọng vào tận ngai của Thiên Chúa giữa cơn phong ba bão táp của sự bách hại” thì ngày nay ta cũng có thể nói: trước những thách đố của thời đại, chúng ta “thả chiếc neo hy vọng của niềm vui Tin Mừng” vào giữa lòng đời đầy biến động hôm nay. Một niềm hy vọng vượt mọi biên cương của thất vọng. Niềm hy vọng này được Đức Benedictô XVI ca ngợi về một chứng nhân sống động của thời đại chúng ta đó là Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: Có niềm hy vọng nào mạnh mẽ hơn, xác tín hơn và người hơn niềm hy vọng của tù nhân Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Có giảng dạy của giáo triều nào tràn ngập sức sống đức tin hơn một giảng dạy về hy vọng được viết từ ngục tù? Có bức thư luân lưu của một giám mục nào ngập tràn đức tin và đức cậy hơn lời khuyên nhủ của cố Tổng giám mục hiệu tòa Vadesi này[9]? Niềm hy vọng này không dựa trên những số liệu thống kê hay những thành tích, nhưng dựa trên Đấng mà chúng ta đặt niềm tin nơi Ngài (x.2Tm 1,2), Đấng mà nơi Ngài “không có gì là không thể” (Lc1,37). Niềm hy vọng cho phép đời sống thánh hiến tiếp nối viết nên lịch sử tuyệt vời của nó trong tương lai. Chính vì niềm hy vọng ấy mà biết bao nam nữ tu sỹ sẵn sàng từ bỏ mọi sự: che đi mái tóc óng mượt bằng lúp vải đậm màu, đón nhận chiếc áo dòng thùng thình với mầu vải đơn sơ thay vì khoác vào người những chiếc váy lộng lẫy, sang trọng. Từ bỏ những cuộc vui chơi với bạn bè, những nụ hôn nồng nàn bên người yêu, để sống trong bầu khí cô tịnh của tu viện…và còn bao nhiêu thứ mà người tu sĩ đã từ bỏ để sống trọn vẹn mối tình với Chúa trong đời tu bằng một cuộc sống giản dị, âm thầm. Vì“Chúa Giêsu là tình yêu thứ nhất và độc nhất”[10] của người tu sĩ. Quả thật nếu không có niềm hy vọng vào Chúa và vào sự sống mai sau thì người ta không thể nào hiểu nổi. Nhờ đó, người tu sỹ “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình” (1 Pr 3,15).

 

Tạm kết

         Như vậy, “niềm vui trong đời thánh hiến” chính là sống niềm vui tin mừng bằng chứng tá cuộc sống đượm chất yêu thương với một niềm hy vọng tràn trề. Đức Phanxico tha thiết mời gọi con cái mình “Phải làm sao cho chính cuộc đời của anh chị em trở thành tiếng nói, cuộc đời chiếu tỏa niềm vui và vẻ đẹp của việc sống Tin mừng và của việc đi theo Đức Kitô”[11]. Làm sao người tu sỹ phải trao ban niềm vui và hy vọng ấy cho họ. Bởi vì “Cả thế giới chờ đợi chúng ta, họ là những người đã mất hết hy vọng, gia đình gặp khó khăn phải rời bỏ con cái, người trẻ không có tương lai, người già bệnh tật và bị bỏ rơi, những người giàu có về vật chất nhưng thiếu thốn tinh thần…tất cả đều đang tìm kiếm mục đích sống và  khao khát Thiên Chúa”. Chúng ta hãy “quan tâm đến nhu cầu của thế giới và nghe theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta làm được như thế thì năm đời sống thánh hiến này sẽ thực sự “Kairos”, năm dạt dào hồng ân của Thiên Chúa, năm của sự biến đổi[12]. Năm của niềm vui và hy vọng ắp đầy. Khi đó ta có thể thưa lên với Chúa: “Đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv 22).

 

 M. Vinh Sơn Nguyễn thị Chung

 

 

[1] Pr. Lê Hoàng Nam, SJ – Niềm vui đời thánh hiến

[2] X. Hương Thơ Trầm

[3] Đức Phaolô VI, Evangelii nuntiandi, số 74-75.

[4] Đức Phanxico, Evanggelii Gaudium số 1

[5] Đức Phanxico, Tông thư năm đời sống thánh hiến.

[6] Đức Phanxico, Evanggelii Gaudium phần II, số 4

[7] Đức Phanxico, Tông thư năm đời Sống thánh hiến

[8] X. Lm. Thái Nguyên – mùa vọng của Thiên Chúa và con người

[9] Đức Benendicto XVI, Thông Điệp Spe Salvi số 5

[10] Ibd

[11] Đức Phanxico, Tông thư năm đời sống thánh hiến. Phần II số 1

[12] Đức Phanxico, Tông thư năm đời sống thánh hiến.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ 6 Tuần Thánh

Đi đàng thánh giá: Vì yêu, Chúa đã chấp nhận trở nên đồng phận với loài người yếu đuối, mỏng giòn, nghèo khó, để rồi...

Thứ 5 Tuần Thánh

TAM NHẬT THÁNH “ Đây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,...

Đây nén hương xuân, nén hương ân tình …

CHƯƠNG TRÌNH VUI XUÂN NGÀY MÙNG 2 TẾT QUÝ MÃO  2023 TRONG TINH THẦN HIỆP HÀNH “Đây nén hương xuân, nén hương ân tình, nén hương thành...

Nhịp đập thể thao

NHỊP ĐẬP THỂ THAO Ngay từ giây phút khởi đầu, nhịp đập thể thao đón xuân của Cộng Đoàn Vĩnh Phước chúng ta được khai...

Đôi lời chuyện vãn đầu xuân ….

ĐÔI LỜI CHUYỆN VÃN ĐẦU NĂM…       “Mùa xuân sang ta chúc nhau, bao ước muốn bao hy vọng, cùng rủ nhau mau bay về… về...

Mừng Thượng thọ Cửu tuần chị M. Têrêsa Avila Lưu Thị Nhàn

Mừng Thượng thọ Cửu tuần chị Maria Têrêsa Avila Lưu Thị Nhàn Tuổi già là ân phúc Chúa ban không chỉ riêng cho bản thân...

Kỷ yếu 50 Năm Hồng Ân Đan Viện Vĩnh Phước

XIN CLICK VÀO ĐÂY ĐỂ XEM NỘI DUNG KỶ YẾU