THƯA THẦY, XIN CHO CON NHÌN THẤY ĐƯỢC
Dt 5,1-6; Mc 10,46-52
Câu nói của anh mù: “Thưa thầy, xin cho con nhìn thấy được” được hiểu theo hai nghĩa: trước tiên là thấy bằng thị giác, thứ đến là thấy bằng đức tin. Có đau mắt chúng ta mới cảm thương người mù, mới cảm thấy ánh sáng thể lý là cần thiết đến chừng nào. Hơn cả ánh sáng thể lý, ánh sáng đức tin rất cần thiết cho con người. Lời Chúa hôm nay trình bày cho ta thấy rõ điều đó.
1. Đức tin của người mù
Người mù trong bài Tin Mừng mà Thánh sử Maccô thuật lại hôm nay, với đôi mắt thể xác, anh ta không thể nhìn thấy Đức Giêsu đang đi ngang qua. Nhưng với trực giác đức tin, anh ta đã nhận ra Đức Giêsu chính là Con vua Đavít, Đấng có quyền năng chữa khỏi bệnh mù lòa và cho anh được nhìn thấy, nên anh đã kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Những người xung quanh nghe thấy thì “quát nạt bảo anh ta im đi”. Nhưng, anh ta lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giêsu nghe thấy và chạnh lòng thương. Người bảo: “Gọi anh ta lại đây!”. Nghe Đức Giêsu gọi, “anh mù liền vất bỏ áo choàng, đứng dậy mà đến với Đức Giêsu”. Đức Giêsu không những chỉ gọi anh ta lại, nhưng Người còn bắt đầu gợi chuyện: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho con nhìn thấy được”. Tại sao Đức Giêsu lại hỏi như thế khi Người đã nghe thấu và biết rõ điều anh ta muốn? Chúa đặt câu hỏi ấy là cơ hội cho anh ta nói lên ước muốn của mình. Thật ra, Người muốn được nghe anh mù xác tín niềm tin của anh một lần nữa. Đồng thời, Người cũng muốn khơi lên lòng khao khát được nhìn thấy của anh một cách mãnh liệt hơn. Quả thật, sau khi được chữa lành, anh đã thay đổi toàn bộ con người của anh: “Anh nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”. Như vậy, lòng tin của anh không những đã cứu anh khỏi căn bệnh mù lòa thể thể lý, mà còn soi sáng để anh đi theo Đức Giêsu. Theo Đức Giêsu có nghĩa là làm môn đệ của Người.
2. Đức tin của đám đông
Đám đông dân chúng là những người cùng với Đức Giêsu và các môn đệ đi ra từ thành Giêrikhô. Họ là những người may mắn có đôi mắt thể lý sáng thấy đường và nhìn thấy Đức Giêsu để đi theo Người. Thế nhưng, cặp mắt đức tin của họ lại bị mù. Họ không nhận ra Đức Giêsu là ai. Thật ra, họ đi theo chỉ vì tò mò hay hiếu kỳ hoặc thấy người ta đi theo thì mình cũng theo. Họ không nhận ra Đức Giêsu là Con vua Đavít và có quyền năng chữa bệnh. Họ cũng không nhận ra Đức Giêsu là “Vị Thượng Tế luôn cảm thông với những nỗi khổ của con người” (Bài đọc II), cho nên họ mới ngăn cản và “quát nạt bảo anh ta im đi”. Thái độ của đám đông như muốn nhấn chìm tiếng kêu lạc lõng và dập tắt niềm hy vọng của anh mù. Tuy nhiên, khi thấy Đức Giêsu đứng lại và nghe Người bảo gọi anh ta đến. Bấy giờ, họ đã thay đổi cách nhìn và nói với anh mù một cách nhẹ nhàng: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Như vậy, nhờ đức tin của anh mù mà đức tin của họ cũng dần được mở ra.
3. Đức tin của mỗi người chúng ta
Chúng ta là những kitô hữu, là những người sống đời thánh hiến, là những người đang đi theo Chúa, là những người đã lãnh nhận đức tin qua bí tích rửa tội. Hơn thế nữa, có lẽ chúng ta là những người có cặp mắt thể lý vẫn sáng, nhưng có thể cặp mắt đức tin của chúng ta bị mù. Chúng ta mù khi không nhìn thấy sự hiện diện của Chúa nơi anh chị em mình, không nhìn thấy những nỗi khốn khổ nơi tha nhân, không yêu thương tha nhân như Chúa dạy… Điều này thánh Gioan đã khẳng định rất rõ khi nói rằng: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng… vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1 Ga 2,9-11).
Ngày hôm nay, Đức Giêsu cũng đang hỏi mỗi người chúng ta: “Con muốn Ta làm gì cho con?” Như anh mù Batimê cần được Chúa chữa lành căn bệnh mù lòa thể lý. Chúng ta cũng cần được Chúa chữa lành căn bệnh tâm linh: “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con và cho cặp mắt đức tin của con được nhìn thấy”, để con trở thành môn đệ đích thực của Đức Giêsu. Muốn có được điều đó, chúng ta cần phải nhận ra tình thương của Thiên Chúa được biểu lộ cách trọn vẹn qua Đức Giêsu – Con Thiên Chúa làm người. Đức Giêsu chính là Vị Thượng Tế muôn đời, Người luôn yêu thương, cảm thông và thấy được nỗi khổ của con người. Vậy chúng ta cũng phải nên giống như Người để nhìn ra Thiên Chúa trong con người Giêsu và nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện nơi anh chị em mình, hầu có thể đồng cảm với tất cả những ai đang đau khổ.
M. Mai Liên, Phước Thiên