THEO SÁT ĐỨC GIÊSU TRÊN CON ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG
Suy niệm Chúa Nhật Lễ Lá: Mt 26,14–27
Gregorio – An Phước
Sự kiện Đức Giêsu bị người Do Thái nộp cho quan tổng trấn Philatô, mà chúng ta nghe trong trang Tin Mừng hôm nay, sự kiện ấy sau này đã gây nên một sự hiểu lầm giữa người Công Giáo và người Do Thái. Lý do đưa đến sự hiểu lầm, vì người Công Giáo thời Trung Cổ cho rằng: Nguyên nhân đưa đến cái chết của Chúa Giêsu là do Người Do Thái. Chính vì thế, người Công Giáo lúc đó, họ rất căm ghét người Do Thái, và đã có một thời họ tìm cách giết những người Do Thái, vì họ cho rằng, làm như thế để trả thù cho Đức Giêsu Chúa của họ.
Còn chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta cũng là những người Công Giáo. Vậy khi nghe qua bài thương khó, chúng ta có suy nghĩ gì? Chắc chắn, chúng ta không dừng lại ở câu chuyện lịch sử để rồi chúng ta trách móc người Do Thái sao lại quá ác tâm với Chúa Giêsu như thế, nhưng qua trình thuật về cuộc thương khó ấy, để rồi giúp chúng ta tiến sâu hơn vào Mầu Nhiệm Đức Tin.
Tiến sâu hơn vào Mầu Nhiệm Đức Tin là chúng ta tin rằng: đau khổ, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô là chương trình của Thiên Chúa, chứ không phải chương trình của con người. Thiên Chúa muốn cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô phải chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh, để rồi mang lại ơn cứu độ cho con người, phục hồi cho con người quyền làm con Thiên Chúa, đồng thời cũng để dạy cho con người bài học yêu thương.
Vì trong yêu thương, chúng ta sẽ học được cách yêu người như Chúa yêu. Yêu người như Chúa yêu, nghĩa là yêu vô vị lợi. Tình yêu vô vị lợi khác với tình yêu vị lợi: Trong tình yêu vị lợi, ta yêu thương người đó vì người đó có lợi cho ta. Nhưng đối với tình yêu vô vị lợi, là yêu không phải vì lợi ích cho bản thân mình, nhưng vì lợi ích cho kẻ khác. Đây là thứ tình yêu được thể hiện qua sự phục vụ và hy sinh mà Đức Giêsu đã không ngừng sống và dạy cho các môn đệ của Ngài.
Cho nên, học yêu như Chúa yêu, là chúng ta phải yêu người như chính mình. Luật mến Chúa và yêu người xem ra rất đơn giản và dễ dàng, nhưng thực hành thì lại khó. Điều này ai trong chúng ta cũng kinh nghiệm, yêu mến Chúa là Đấng vô hình thì dễ, nhưng để yêu tha nhân thì không đơn giản chút nào.
Thế giới hôm nay đói khát tình yêu và cần đến tình yêu, chúng ta là những môn đệ của Chúa, thì chúng ta phải là chứng nhân cho tình yêu. Nghĩa là Yêu như Chúa đã yêu. Tuy nhiên, khi quyết tâm sống yêu như Chúa đã yêu, thì chúng ta không thể không sống tinh thần tha thứ, vì yêu thương là tha thứ, là phục vụ, là dâng hiến.
Tuy nhiên, không ai là người hoàn hảo, chúng ta cũng sai phạm, cũng lỗi lầm, và cũng đã từng làm cho người khác đau khổ, và chúng ta cũng mong được người khác tha thứ cho mình, thì đến lượt mình, mình cũng phải biết tha thứ cho kẻ khác. Trong bài thương khó, Chúa Giêsu đã tha thứ cho Giuđa là kẻ nộp Ngài, tha thứ cho Phêrô là kẻ chối Ngài, và cuối cùng tha thứ cho kẻ hại mình…Cách tha thứ của Chúa không phải 7 lần, nhưng bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha mãi mãi. Vì càng tha thứ, chúng ta càng được thứ tha. Càng được thứ tha, chúng ta càng dễ cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa.
Với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, chúng ta tưởng niệm Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông, với nhành lá phất cao “Hoan hô con Vua Đavít”, nhìn bên ngoài có vẻ như một cuộc toàn thắng vang dội. Nhưng thực ra, đây là một cuộc mở màn thương khó cho giai đoạn bi thương nhất của cuộc đời Chúa Giêsu.
Khi chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa, mỗi người hãy tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi có còn tin thật Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hay không, và tôi sẽ phải làm gì để tuyên xưng và diễn tả đức tin ấy trong cuộc sống hiện tại của tôi? Cầu chúc cho tất cả anh chị em có những ngày Tuần Thánh thật sốt sắng, theo sát Đức Giêsu trên con đường yêu thương, và tha thứ để chiêm ngắm về một tình yêu đến cùng mà Chúa dành cho mỗi người chúng ta.