TRI ÂN CẢM TẠ
Ân Tâm – Cộng đoàn Phước Vĩnh
“Uống nước nhớ nguồn”. “Ăn quả nhớ kẻ trông cây”. “Chim có tổ, suối có nguồn”… Những câu ca dao, tục ngữ của Việt Nam nói về đạo lý, về lòng biết ơn đấng sinh thành, những người đã thi ân cho chúng ta. Không chỉ riêng người Việt, nhưng toàn thế giới đều tôn trọng những đạo lý này. Bởi thế nên có những ngày lễ như: Ngày ghi ơn, ngày của cha, ngày của mẹ… Đạo lý này là sự đòi buộc mọi người. Tuy nhiên đế có sự thi hành với tất cả sự tự do cần có một sự hiểu biết cần thiết. Vậy tại sao con người phải biết ơn tiền nhân, nhớ về nguồn cội?
Mỗi một người sinh ra, hiện hữu trên cõi đời, đó không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên. Nhưng đó là công trình của tiền nhân, ông bà, cha mẹ và đương nhiên là của Thiên Chúa. Nếu chim có tổ để nó nhớ về, suối có nguồn và từ nguồn đó nước chảy ra thì con người đương nhiên phải nhớ về nguồn cội của mình với tất cả lòng biết ơn. Và sách huấn ca đã viết: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông chúng ta qua các thế hệ. Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng”. (Hc 44,1,10). Làm thế nào để công đức của các ngài không chìm vào quên lãng?
Người việt có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Câu nói được hiểu nôm nà là người đi sau phải có trách nhiệm kế thừa và phát huy mối phúc của người đi trước. Điều này được thánh Phao-lô cụ thể hóa thành nghĩa vụ cho từng thế hệ. “Thưa anh, kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”(Ep 6, 1-4). Để làm được như vậy, thánh tông đồ tiếp rằng: “ Anh em hãy tỉnh thức và chuyên cần cầu nguyện” (Ep 6,18).
Phải tỉnh thức cầu nguyện vì cuộc sống vẫn trình chiếu nhiều cảnh đau lòng trước mắt chúng ta. Con cái đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, nhiều ông cụ, bà cụ bơ vơ lang thang vì con cái bất hiếu. Đáng lo ngại hơn vẫn là ý thức hệ và văn hóa thực dụng, điều đã đẩy người già đến chỗ như những đồ hết hạn sử dụng…. Những điều này không chỉ ngày hôm nay mới có nhưng đã có từ thời của Đức Giê-su, khi Ngài nói về những người Pha-ri-sêu: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Qủa thế, Thiên Chúa dạy: Người phải thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông lại bảo rằng: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.’ Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.(Mt 15, 2-6). Trước thảm cảnh của xã hội ngày xưa cũng như ngày nay, chúng ta cần làm gì?
Triết gia Socrat nói rằng: “Biết đúng làm đúng”. Ông hơi lạc quan trong vấn đề này. Vì nhiều khi con người biết đúng nhưng vẫn làm sai. Tuy nhiên chúng ta dừng lại ở điểm cốt yếu trong câu nói của ông: “Tư tưởng hướng dẫn hành động”. Vậy để thay đổi một thảm cảnh được hướng dẫn với một nền văn hóa tiêu thụ, ý thức hệ thực dụng, điều trước tiên là cần thay đổi não trạng. Thay đổi như thế nào?
Chúng ta cần ghi nhận, tuổi già là một hồng ân, một ân huệ. Chỉ khi chúng ta nhìn những người già là những ân huệ chúng ta mới có thể tôn trọng, phụng dưỡng một cách chính đáng. Hơn nữa, người già là kí ức của mỗi người chúng ta. Tại sao lại như vậy? Vì mỗi người đều là sản phẩm của một nền văn hóa, truyền thống và nhiều yếu tố của quá khứ. Vậy mà người già chính là những người đã góp phần làm nên những yếu tố đó. Một người không tôn trọng quá khứ cũng sẽ không có tương lại. Từ đó cho thấy tôn trọng người già cũng là để sống một tương lai tốt đẹp. Cuối cùng, chúng ta không bao giờ được quên truyền thống, đạo lý tốt đẹp của tiền nhân: Uống nước nhớ nguồn.
Uống nước nhớ nguồn cũng nhắc nhở chúng ta về một nguồn cội sâu xa hơn. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, con người đã được Thiên Chúa tạo dựng. Vậy con người không chỉ có nghĩa vụ thảo kính cha mẹ trần thế, nhưng con người cần nhớ về nguồn gốc sâu xa của mình là Thiên Chúa với tất cả lòng biết ơn, tri ân và cảm tạ. Tri ân cảm tạ với Thiên Chúa chính là làm chứng cho Ngài. Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế cách tốt nhất để làm chứng cho Thiên Chúa là sống ơn gọi tình yêu.