III– Đan Tu Biển Đức thời hậu Thánh Biển Đức và sự ra đời của Dòng Cluny
Sau khi qua đời năm 547, ảnh hưởng của Thánh Biển Đức và đời sống Đan tu Biển Đức tiếp tục lan rộng khắp Âu Châu, nhờ vậy các đan viện liên tục được thành lập tại nhiều nơi. Tuy nhiên, khi ảnh hưởng của Đan tu Biển Đức lan rộng thì cũng là lúc nhu cầu tham gia các hoạt động bên ngoài nội vi đan viện cũng gia tăng. Nhiều khi chính các giáo hoàng đề nghị các đan sĩ tham gia vào các cuộc truyền giáo tại nhiều quốc gia trong khắp Âu Châu.
1-Đan sĩ Biển Đức đi truyền giáo (VI-VIII)
* Thánh Giáo hoàng Gregorio Cả
Nói về việc các Đan sĩ Biển Đức đi truyền giáo, trước tiên phải kể đến Thánh Giáo hoàng Gregorio Cả. Gregorio sinh tại Roma trong một gia đình đạo hạnh và được học hành chu đáo bậc nhất thời bấy giờ. Vì vậy, ngài trở thành quan chấp chính vào khoảng năm 573 và hoàn thành nhiệm vụ này trong vòng hai năm. Sau đó, Gregorio nhận thấy mình có ơn gọi sống đời đan tu ẩn dật. Năm 579, Đức Giáo hoàng Pélage II gửi Gregorio sang Constantinople với vai trò đặc sứ. Khi trở về, Gregorio mang theo nếp sống thanh tịnh của đời sống đan tu chiêm niệm.
Năm 590, Gregorio được bầu chọn làm giáo hoàng. Đức Tân Giáo hoàng Gregorio có quan niệm cởi mở về đời sống đan tu và thông hiểu các Giáo phụ Đông Phương cũng như thấm nhuần suy tư của Gioan Cassiano bên Tây Phương.
Đối với Gregorio, lý tưởng Thánh Biển Đức được coi như phù hợp với nhất cho con đường nên thánh, nhất là sự vâng phục đến từ Luật Biển Đức. Vâng phục để chống lại tính kiêu ngạo là cội nguồn mọi sự xấu xa. Theo ngài, vâng phục giúp con người sẵn sàng đón nhận ân sủng và dễ dàng trở về với Thiên Chúa. Ngược lại, sự bất tuân của nguyên tổ Adam và Eva, đưa ông bà xa lìa Thiên Chúa.
Nhờ những đóng góp của Đức Giáo hoàng Gregorio, đời sống đan tu theo linh đạo Biển Đức được phát triển sâu rộng tại Âu Châu. Ngài cũng là người gửi các đan sĩ đi truyền giáo nhiều nhất, đặc biệt là đến nước Anh. Nhờ công việc này, các Toà Giám mục Cantorbery, London và Rochester được thành lập, cũng như các đan viện lớn ở Anh được xây dựng.
* Thánh Bonifacio
Bonifacio (678-754 – tên thật là Windrid) sinh tại Wessex, Tây Nam nước Anh và lớn lên trong một Đan viện Biển Đức. Ban đầu, Bonifacio đi rao giảng Tin Mừng cho người Frisons (bộ tộc miền Bắc Hoà Lan), sau đó đến vùng Hesse và Thuringe, ngài đã đưa hàng ngàn người Đức gia nhập Kitô giáo.
Năm 722, Bonifacio được tấn phong giám mục. Sau đó ít lâu, từ năm 725-735, cùng với Willibrord, Bonifacio thành lập một số đan viện tại Thuringe, Bavière và Frise.
Năm 732 ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục và ngài đã thành lập nhiều giáo phận, đặc biệt ở Đức. Vì thế, về sau ngài được mang danh hiệu là Tông đồ nước Đức.
Một đồ đệ của ngài tên là Sturm đã thành lập Đan viện Fulda, năm 744. Đến thời Trung Cổ, Fulda là một trung tâm đan tu thực thụ. Thánh Bonifacio muốn biến Fulda thành nơi xuất phát và nâng đỡ việc truyền giáo cho người Saxons (Anh). Bonifacio qua đời và được chôn cất tại Đan viện Fulda.
Những ảnh hưởng và đóng góp của Tu trào Đan tu Biển Đức không dừng lại trong nội bộ Giáo Hội, nhưng đã gây được tiếng vang cả bên ngoài xã hội đương thời. Tuy nhiên, khi đan tu được giáo quyền và thế quyền trọng dụng, thì đồng thời đan sĩ cũng sẽ phải chịu nhiều sự lạm dụng. Do đó, nếp sống đan tu trong các đan viện xuống dốc.
2-Một vài cuộc cải tổ về nếp sống Đan tu Biển Đức thời hậu Thánh Biển Đức
Để chấn hưng nếp sống đan tu nguyên thuỷ, trong lịch sử Tu Trào Đan tu đã ghi lại ba cuộc cải tổ lớn:
2.1. Cuộc cải tổ do Benoît d’Aniane khởi xướng (năm 821)
Benoît d’Aniane là con người ‘triệt để’. Với ngài, Tu Luật Thánh Biển Đức chỉ dành cho người mới tập tu (khai tâm), nên đan sĩ phải đi xa hơn những gì Tu Luật này đòi hỏi. Vì thế, ngoài Tu Luật Biển Đức, ngài còn thu thập nhiều bộ luật khác. Ngài biên soạn cuốn ‘Bản Đối Chiếu Các Tu Luật’. Ngài chủ trương trung ương tập quyền (điều này hoàn toàn trái ngược với tinh thần Biển Đức).
Đường lối cải tổ của ngài là rút lui vào trong nội vi đan viện và xa lánh hoàn toàn thế gian. Coi việc cầu nguyện và thần vụ hầu như là việc duy nhất của đời đan tu. Loại bỏ việc lao động đồng áng trong thời khoá biểu của đan sĩ. Cấm mở trường học trong đan viện. Benoît d’Aniane làm cuộc cải tổ với sự hỗ trợ của Hoàng đế Charlemagne, chứ không phải của các viện phụ trong dòng. Do đó, khi đế quốc tan rã, công cuộc cải tổ của ngài cũng tiêu tan ngay sau đó.
2.2. Cuộc cải tổ do Đan Viện Cluny (Pháp) khởi xướng (năm 910)
Lúc bấy giờ Tu trào Đan tu ở Tây Phương do Thánh Biển Đức thiết lập mấy thế kỷ trước (VI) đang rất mòn mỏi vì một số lý do: 1/. Những điều kiện bất ổn về chính trị và xã hội gây ra bởi những cuộc xâm chiếm và tàn phá liên tục của đám dân không thuộc về cơ cấu Âu Châu, tình trạng nghèo khổ tràn lan, và nhất là việc lệ thuộc của các viện phụ vào những ‘ông hoàng’ địa phương. Những người này có toàn quyền cai trị và quyết định mọi sự, kể cả tôn giáo, trong lãnh địa thuộc thẩm quyền họ. 2/. Bên trong Giáo Hội cũng có sự xuống cấp trầm trọng của các thành phần dân Chúa, chẳng hạn vấn đề ‘buôn thần bán thánh’, tức là việc muốn chiếm các địa vị mục vụ được thù lao cao hơn, đời sống vô luân của hàng giáo sĩ… Trong bối cảnh như thế, Cluny xuất hiện như hồn sống cho một cuộc canh tân sâu xa đời sống đan tu, nhằm đưa đời sống đan tu Biển Đức trở về với ơn linh hứng ban đầu.
* Công cuộc cải tổ
Để thực hiện được cuộc canh tân này, Công tước Aquitaine đã dâng cúng một phần đất với ước mong lập một đan viện theo sát tinh thần của Tu Luật Biển Đức. Năm 910, một đan viện chính thức được thành lập và Viện phụ Bernone, người đang làm tu viện trưởng hai Đan viện Biển Đức ở Baume và Gigny tại Cluny miền Bourgogne (Pháp), được mời đến lãnh đạo đan viện mới này. Đó chính là cái nôi của Dòng Cluny sau này.
Việc canh tân đời sống đan tu ở Cluny này đã có được một sự khởi đầu khá thuận lợi. Vì vậy, sự xuất hiện của Dòng Cluny trên phần đất do Công tước Aquitaine dâng cúng (và chẳng mấy lâu cũng đã có nhiều đan viện mới được lập ở nơi khác) đã nhanh chóng chấm dứt mọi sự can thiệp của thế quyền vào nội bộ đan viện, như: việc bầu viện phụ, tổ chức độc lập với các ông hoàng và độc lập ngay cả với các giám mục. Chỉ trong vòng gần một thế kỷ, Cluny trở nên ‘một vương quốc đan tu’ hùng mạnh và được đặt dưới quyền trực tiếp của giáo hoàng. Sau Bernone, cuộc cải tổ vẫn được tiếp tục và kéo dài trên 200 năm nữa bởi nhiều vị viện phụ nổi tiếng tài đức, trong đó có các vị thánh: Odon (+942), Maieul (+994), Odilon (+1049), Hugue (+1109).
Nhờ những viện phụ tài đức này, Cluny góp phần rất lớn vào việc canh tân các đan viện khác đã hiện diện diện trước trong vùng lân cận tại Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha, dần dần cũng xin sát nhập trọn vẹn hay từng phần vào Cluny. Vì vậy, các Đan viện thuộc Cluny nhanh chóng có mặt trên khắp Châu Âu. Vào đầu thế kỷ XII, Cluny có tới 120 đan viện với số đan sĩ ước chừng 10.000 người.
Những canh tân tiêu biểu của Cluny chủ yếu tập trung vào việc tuân giữ Luật Biển Đức với một số thích nghi đã được các vị cải cách trước đó khởi xướng. Trên hết, là tái xác định vai trò chính yếu của phụng vụ trong đời sống Kitô giáo. Các đan sĩ ở Cluny yêu mến, trân trọng và lưu tâm tới việc cử hành Thần Vụ. Các ngài xác tín rằng phụng vụ là cùng tham gia với ‘Ca triều Thiên quốc’ ca ngợi Thiên Chúa. Để ca ngợi liên tục, các đan sĩ trong đan viện chia làm ba nhóm và thay phiên nhau cử hành phụng vụ. Việc hát các thánh thi, thánh ca, những cuộc rước kiệu, các lễ nghi cũng sốt sắng và trang nghiêm hơn, nhất là việc cử hành Thánh Lễ cũng được thực hiện cách long trọng. Cluny còn cổ võ thánh nhạc, làm phong phú lịch phụng vụ với những cử hành đặc biệt, chẳng hạn như việc tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời vào đầu tháng 11, đề cao việc tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria.
Các Đan sĩ Cluny cảm thấy họ có trách nhiệm trong việc chuyển cầu cho người sống và kẻ chết, vì rất nhiều tín hữu mong ước các đan sĩ hằng nhớ đến họ khi cầu nguyện. Hơn nữa, chính vì mục đích chuyển cầu cho các tín hữu mà William ‘Con người Đạo hạnh’ đã mong muốn Đan viện Cluny được thành lập. Trong văn kiện chứng thực cho việc thành lập Cluny, chúng ta đọc thấy rằng: “ Với tặng vật này, tôi muốn xây dựng một đan viện cho các tu sĩ ở Cluny để tôn kính Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và các đan sĩ qui tụ lại ở đó phải sống theo Luật của Thánh Biển Đức(…) và nó phải là một nơi an toàn và kính cẩn cho việc cầu nguyện để mọi người được thường xuyên lui tới khấn hứa và khẩn nguyện”.
Để thức tỉnh và nuôi dưỡng bầu khí cầu nguyện như thế, luật Cluny nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thinh lặng, một kỷ luật được các Đan sĩ Cluny rất trân trọng và sẵn sàng tuân giữ. Vì vậy, Đan viện Cluny đã nhanh chóng được tiếng là thánh đức, nên nhiều cộng đồng đan tu khác tỏ ra muốn theo những thực hành của Cluny.
Kiến trúc và nghệ thuật thánh cũng được Cluny quan tâm đặc biệt nhằm tăng thêm vẻ đẹp và sự uy nghiêm cho việc phụng tự. Cluny xây dựng những ngôi thánh đường nguy nga theo kiểu kiến trúc roman, trong đó được bố cục, trang trí tranh ảnh biểu hiện như ‘Thánh điện Thiên Quốc’. Cũng nhờ Cluny mà về sau kiến trúc roman được phát triển và nghệ thuật thánh được chú trọng đặc biệt trong Giáo Hội. Ngoài ra, Cluny còn tích cực ủng hộ quyền giáo hoàng, cung cấp nhân sự cho hàng giáo phẩm, quảng đại trong việc bác ái với người nghèo và khách vãng lai. Cluny cũng là trung tâm thiêng liêng mẫu mực.
Cuộc cải cách của Cluny đã có những tác dụng tích cực chẳng những nơi việc thanh tẩy và làm tái bừng lên đời sống đan tu, mà còn trong đời sống của Giáo Hội hoàn vũ nữa.
Nhiều viện phụ ở Cluny đã trở thành giám mục, một số trong họ còn được bầu làm giáo hoàng, đều là những nhân vật thủ vai chính trong hoạt động canh tân thiêng liêng. Kết quả là đời sống độc thân của các linh mục đã được quí trọng, tính siêu thoát, thanh liêm trong việc tuyển chọn và thuyên chuyển các giáo sĩ trong Giáo Hội.
Môi trường lao động của Cluny không phải đồng ruộng mà là trường học, nơi hành hương, các lớp giáo lý. Sự đóng góp của Cluny cho nền văn hoá là sao chép các thủ bản Kinh Thánh và sách các Giáo phụ.
Ngoài ra, xã hội cũng được hưởng lợi lớn từ những cải cách của Cluny. Khi các đan viện Cluny đã có được của cải dồi dào, thì họ chuyên chú hơn tới những lợi ích xã hội, góp phần vào việc phát triển kinh tế. Các Đan sĩ Cluny sống nghèo và có điều kiện thực thi đức bác ái đối với người nghèo. Khách qua đường và những người hành hương thiếu thốn, đều được các Đan sĩ Cluny rộng tay tiếp đón và giúp đỡ theo hoàn cảnh của họ.
Đóng góp quan trọng và đặc trưng của Cluny cho văn minh thời Trung Cổ ở Âu Châu là cổ võ và nhìn nhận một cách minh nhiên hơn bao giờ hết, hai yếu tố thiết yếu cho việc thiết lập xã hội, đó là giá trị của con người và sự thiện căn bản của hoà bình. Bên cạnh việc lao động chân tay, còn có những hoạt động tiêu biểu về văn hoá của trào lưu đan tu thời Trung Cổ, như mở trường dạy trẻ em, lập các thư viện và các phòng sao chép sách vở.
Ý tưởng tốt lành ngay từ đầu của Cluny là xác định tầm quan trọng của phụng vụ theo tinh thần Tu Luật Biển Đức thì thật đáng trân trọng và những nỗ lực của Cluny đã đóng góp vô cùng to lớn cho Giáo Hội và văn minh Âu Châu trong nhiều thế kỷ.
Thế nhưng, phải chăng vì “quá” chú trọng việc phụng vụ trong nỗ lực muốn hoạ lại ‘ca toà thiên quốc’ mà về sau chủ trương ấy lại dẫn đến tình trạng ngày càng đi quá xa với trọng tâm của phụng vụ là tôn thờ và gặp gỡ Thiên Chúa của từng cá nhân, từng tâm hồn. Thực tế những năm sau đó cho thấy rằng có vẻ như Cluny chỉ quan tâm đến những hình thức bên ngoài của phụng vụ, như xây dựng và trang trí thánh đường, tổ chức ca toà, nghi thức rước kiệu…mà lãng quên điều cốt lõi của phụng vụ là thiết lập tương quan cá nhân và sống động giữa con người với Thiên Chúa.
3-Dòng Biển Đức ngày nay
Sau các cuộc cải tổ vào những thời kỳ khác nhau, nhờ ơn Chúa và lời cầu bầu của Thánh Phụ, các Đan sĩ Biển Đức vẫn duy trì được truyền thống lâu đời của Dòng, đồng thời cũng biết cách thích nghi với những hoàn cảnh lịch sử, để tiếp tục tồn tại và phát triển trong chương trình thánh ý Thiên Chúa.
Theo thống kê năm 2008, Dòng Biển Đức hiện có 20 hội dòng với 354 đan viện (gồm cả Đan Phụ Viện và Đan Trưởng Viện) hiện diện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Số đan sĩ nam là 7.508, trong đó có 4.115 linh mục (ngoài ra còn có các nữ đan sĩ). Ngoài 20 hội dòng nói trên, Dòng Biển Đức còn có 5 đan viện trực thuộc với 95 đan sĩ, trong đó có 56 linh mục.