“CHÚA GIÊSU ĐÃ CHIẾN THẮNG TỬ THẦN, NGƯỜI ĐÃ PHỤC SINH”
(Ga 20,1-9)
Vp. Bảo Tịnh, Phước Lý
Chúa Giêsu đã phục sinh. Đó là trọng tâm của sứ điệp tin mừng theo Ga 20,1-9. Qua bài Tin Mừng này, xin chia sẻ 2 điểm:
- Ý nghĩa bản văn Ga 20,1-9
Việc ‘Chúa Giêsu đã sống lại’, cả bốn Thánh sử đều tường thuật. Nhưng trình thuật Gioan hoàn toàn khác với trình thuật Matthêu. Matthêu thuật lại ‘Sự phục sinh của Chúa Giêsu’ trong khung cảnh Thần hiện, ngôn từ mang tính khải huyền và tính cánh chung: ‘Đất rung chuyển dữ dội, Thiên thần Chúa từ trời xuống, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi’ (Mt 28,2-4) làm cho sự phục sinh của Chúa Giêsu thật huyền diệu, ngoài sức tượng tưởng của con người. Còn Gioan nhìn biến cố này, dưới nhãn quan của một con người có tư duy và nhận thức trước những hiện tượng khách quan, dựa trên những cái ‘có’:
- có nhân chứng là Bà Maria Macdala,
- có bằng chứng là ngôi mộ trống và khăn liệm được xếp gọn gàng,
- có người kiểm chứng là hai môn đệ.
Từ những thực tại khách quan này, trình thuật Gioan về ‘Chúa phục sinh’ không những soi sáng trí hiểu mà còn củng cố đức tin của các môn đệ. Những sự kiện khách quan ‘ngôi mộ trống, khăn liệm được xếp gọn gàng’, xuyên qua nhận thức tư duy của con người, đưa đến những cảnh giới siêu nhiên cách tiệm tiến, dọi sáng niềm tin: ‘Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết, theo Kinh Thánh’. Khi đức tin vượt quá sự hiểu biết của con người, thì những sự kiện lịch sử được con người chiêm nghiệm lại, có đức tin hỗ trợ soi sáng, con người không còn nghi ngờ nữa, nhưng xác tín.
Những hiện tượng khách quan mang tính suy lý này, cũng phản ánh những ẩn dụ thần học qui Kitô trong trình thuật Gioan.
- Nêu vài ẩn dụ thần học trong Ga 20,1-9:
Diễn ngữ ‘sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối’ trong trình thuật Gioan. Matthêu dùng diễn ngữ ‘trời vừa ló rạng’. Marco nói: ‘lúc mặt trời hé mọc’. Luca viết ‘vừa tảng sáng’. Những diễn ngữ này, cho thấy hai nhịp thời gian, cái vừa qua và cái sắp đến, làm sáng lên hai ẩn dụ thần học: Thần học thiêng liêng và Kitô.
°Thần học thiêng liêng: phản ánh qua cụm từ ‘trời tối’. Trời tối, theo quan niệm Kinh Thánh, là thế giới của sự dữ, của u mê và sự chết; nhưng ở đây Gioan muốn nói đến tâm trí của con người vẫn còn chìm đắm trong u mê tăm tối, chưa nhận ra Chúa đã sống lại. Điển hình là bà Maria Macdala.
° Thần học Kitô: phản ảnh qua diễn ngữ ‘sáng sớm’ hay ‘Trời vừa ló rạng’ hay ‘mặt trời hé mọc’. Rõ ràng ở đây Gioan muốn mặc khải cho mọi người biết: ‘Chúa Kitô mặt trời công chính đã phục sinh’. Ngài là ánh sáng xua tan sự tăm tối thế gian. Ánh Sáng Chúa Kitô, mà mọi tín hữu trên khắp địa cầu đã ca khen và thờ lạy ở đêm vọng phục sinh.
° Sự kiện ‘ngôi mộ trống, băng vải và khăn liệm được xếp gọn gàng’ phản ảnh nền thần học cứu độ, ngầm hiểu qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Mầu nhiệm sự chết là hình ảnh ‘ngôi mộ’, nhưng sự chết được chuyển biến qua hiện tượng ‘mộ trống, băng vải và khăn liệm được xếp gọn gàng’, phản ảnh mầu nhiệm sự sống, sự phục sinh của Người.
Băng vải và khăn liệm trong văn chương Do Thái giáo, là những đồ dùng dành cho người chết, mang ý nghĩa ẩn dụ được hiểu là quyền lực tử thần đã trói buộc con người. Nhưng ‘băng vải và khăn liệm’ được xếp gọn gàng, lại nói lên chân lý của sự sống của một người đang sống. Dụng ý của Gioan ở đây muốn loan báo sứ điệp ‘Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, Người đã phục sinh’.
Chúa Kitô đã sống lại. Thập giá không còn là dấu hiệu của nhục nhã, nhưng là biểu tượng của vinh quang. Cái chết không còn là ngõ cụt mà là cánh cửa mở ra đưa chúng ta về đời sống mới, đời sống vinh quang bên Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô. Đó là niềm tin và hy vọng của chúng ta.