HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM
Nội san linh đạo đan tu
… ĐẾN HỘI DÒNG
j
XITÔ THÁNH GIA
k
VÀ HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Số 23, tháng 7 năm 2018
LỜI NGỎ
Kính thưa quý độc giả!
Sau khi đáp chuyến tầu nhanh tới ‘nhà ga’ Phước Sơn – Quảng Trị (HGCN số 22 – Lời ngỏ), chúng ta đã được chứng kiến những dấu tích còn lại của một biến cố quan trọng diễn ra đúng ngày 15-08-1918 và tồn tại ở nơi đó cho đến khoảng cuối năm 1953. Một biến cố tuy không được chuẩn bị tốt nhất về những điều kiện vật chất, nhưng nó đã để lại một dấu ấn thật khó phai nhòa, một dấu ấn mà sau gần một thế kỷ vẫn còn in rõ nét mười mươi những kỷ niệm đẹp. Đẹp đến nỗi trong suốt 100 năm qua, cứ mỗi lần nghĩ đến hay nhắc tới là ‘người ta’ lại muốn quay về ‘chốn xưa ấy’ để sống lại những thời khắc, để ôn lại những kỷ niệm ngập tràn ý nghĩa của một con người, của những con người, của những thế hệ con người… Tuy vẫn biết đó là điều không thể vào lúc này!…
Điều đó là không thể bởi vì như ai đó đã chia sẻ kinh nghiệm rằng ‘không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông’. Thời gian vốn là một dòng chảy. Thời gian không bao giờ quay trở lại. Vậy thì vấn đề quan trọng không phải là quay trở lại với những khoảng thời gian đã trôi qua trong quá khứ, cho dù nó rất đẹp; vấn đề quan trọng cũng không phải là quay về với một nơi chốn địa lý nào, cho dù nó thơ mộng, cho dù nó có để lại những dấu ấn ấn tượng đến mấy… Tất cả đã là quá khứ!
Bởi đó, cách duy nhất và tốt nhất chúng ta có thể làm và cần phải làm là nhìn lại quá khứ không phải để tận hưởng những kỷ niệm đẹp hay hối tiếc về những sai lầm,… nhưng là để sống hiện tại và vươn tới tương lai với tất cả trách nhiệm và tràn đầy sức sáng tạo của Chúa Thánh Thần, Đấng vẫn luôn hiện diện trong và điều khiển lịch sử. Đó là nội dung của các bài viết trong tập Nội san HGCN số 23 này muốn gửi tới quý độc giả xa gần, đặc biệt là các nam nữ Đan sĩ Xitô Thánh Gia, con cái của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận.
Những bài viết trong tập Nội san số 23 này tuy còn rất đơn sơ về văn phong, nghèo nàn về sử liệu cũng như nội dung, nhưng đây thực sự là những kinh nghiệm và xác tín xuất phát từ tấm lòng con thảo – của chính các tác giả hay của những anh chị em mà các tác giả đã thu lượm được, thuộc nhiều thế hệ và nhiều trình độ khác nhau – thành kính dâng về Cha Tổ Phụ Henri Denis Biển Đức Thuận và qua ngài dâng lên Thiên Chúa tình thương. Người là Vị Thiên Chúa sáng tạo, quan phòng và an bài mọi sự thật khôn ngoan: quá khứ, hiện tại và tương lai đều thuộc về Người. Xin Người tiếp tục chúc lành và gìn giữ Giáo Hội và thế giới, đặc biệt cho chúng ta, những người đang thiết tha dõi theo bước chân của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận trong ơn gọi Xitô Thánh Gia do ngài gầy dựng.
Để tiếp theo số 22: ‘Từ Cội Nguồn Phước Sơn – Quảng Trị…’, cũng là để kết thúc cho loạt bài viết về các chủ đề trong chu kỳ 3 năm (2016-2018) chuẩn bị mừng Bách Chu Niên kỷ niệm ngày lập Dòng, tập Nội san số 23 này có chủ đề: ‘… Đến Hội Dòng Xitô Thánh Gia – Và Hướng Tới Tương Lai’ xin được ra mắt quý độc giả.
Ước mong sẽ nhận được nhiều sự thông cảm và đóng góp xây dựng của quý vị để tập Nội san HGCN của Hội Dòng sẽ ngày càng được hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cám ơn.
Ban Biên Tập
MỤC LỤC
- NHÌN LẠI QUÁ KHỨ…
(Tác giả: Fr. Mauro – Giuse Lepori _Tổng Viện Phụ dòng Xitô) - TỪ GIÊRUSALEM…
(Tác giả: FM. Gioan Baotixita Nguyễn Tiến Dũng ) - Giúp đọc lại văn kiện: CHIỀU KÍCH CHIÊM NIỆM CỦA ĐỜI TU
(Tác giả: FM. Dominico Phạm Văn Hiền ) - THÁNH BERNARD & SỰ PHÁT TRIỂN CỦA HỘI DÒNG XITÔ THÁNH GIA
(Tác giả: FM. Martino Phạm Thanh Toàn) - THÁNH GIA NAZARET…
(Tác giả: Duyên Thập Tự) - MỘT DÒNG SÔNG CHẢY RA BAO NHÁNH …
(Tác giả: Sr.M. Gioan B. & Sr.M. Phanxico Fatima ) - TẦM VÓC VIÊN MÃN
(Tác giả: TGM Giuse Ngô Quang Kiệt) - THÁCH ĐỐ CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
(Tác giả: Lương Khê ) - TỪ LỜI THƯA VÂNG…
(Tác giả: Vạn Bích Tâm) - PHÁT TRIỂN VÀ BÁM RỄ
(Tác giả: FM. Théophane Vénard) - ĐI CHUNG MỘT CON ĐƯỜNG
(Tác giả: FM. G. Vianney Hoàng Văn Sáng) - TRONG VÒNG TAY YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA
(Tác giả: Cát Bụi_PH) - VƯỢT KHÓ
(Tác giả: FM. Philiphê Ngô Đình Phán) - “LẬP TRÌNH” TRONG ĐỜI SỐNG ĐAN TU
(Tác giả: FM. Micae Thái Thiên) - THÀNH CÔNG
(Tác giả: FM.Benado Phạm Thanh Bình) - PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VÀ QUÂN BÌNH
(Tác giả: FM. Vincent-Liêm Trần Văn Hoà) - DU PERE DENIS THUAN
(Tác giả: Cha Jean Baptiste ETCHARREN (Hoàng Trung, MEP.)) - NHẬT KÝ PHƯỚC SƠN KHẤN DÒNG XITÔ
- EPPHATA
(Tác giả: Fr. Mauro – Giuse Lepori _Tổng Viện Phụ dòng Xitô) - KINH CẦU CHO NGƯỜI DÂN VIỆT NAM ĐƯỢC NHẬN BIẾT CHÚA
(Cha Henri Denis Biển Đức Thuận soạn)
- KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN
- Bài hát : NIỀM VUI MÊNH MANG
(Sáng tác: Mai Thiện)
NHÌN LẠI QUÁ KHỨ
VỚI TÂM TÌNH TẠ ƠN VÀ TRÁCH NHIỆM
Sứ điệp của Đức Tổng Phụ Dòng Xitô
gửi các nam nữ Đan sĩ Hội Dòng Thánh Gia
(Nhân dịp Năm Thánh mừng Bách Chu Niên thành lập Dòng)
Fr. Mauro – Giuse Lepori _Tổng Viện Phụ dòng Xitô.
Chúng ta đang trong Năm Thánh mừng Bách Chu Niên ngày thành lập Dòng Đức Bà An Nam (tiền thân của Hội Dòng Xitô Thánh Gia) – một Hội Dòng mà hôm nay đang đơm bông kết trái rất dồi dào. Đây hẳn thật là một cơ hội đặc biệt để cảm tạ Thiên Chúa, bởi vì tất cả những gì chúng ta có được trong suốt 100 năm qua đều là công trình của Người, công trình của Chúa Thánh Thần.
Quả thật, dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Dòng Đức Bà An Nam trong năm nay (1918-2018) sẽ cho phép và mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng một ‘cây cổ thụ’ với cành lá xum xuê, hoa quả trĩu nặng; đồng thời dịp mừng này cũng gợi lên trong chúng ta lòng khát khao truy tìm căn nguyên của Hạt Giống mà từ đó đã nẩy mầm và phát triển thành một ‘cây cao lớn’ như chúng ta đang chứng kiến trước mắt mình. Giáo Hội là Thân Mình của Con Thiên Chúa làm người, đang sống, đang tăng trưởng từng ngày cho đến tận thế, xuyên qua các thời kỳ và các nền văn hóa trên thế gới. Hẳn thật, Hạt Giống Ngôi Lời Thiên Chúa đã hiện diện cách sung mãn trong thời gian và không gian của nhân loại chúng ta; Hạt Giống ấy đã nảy mầm và phát triển mạnh mẽ trên mảnh đất khiêm hạ và vâng phục là cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Và cứ như thế, tất cả mọi khởi đầu mới trong Giáo Hội vẫn luôn có thể diễn ra ngang qua trung gian của một ‘ai đó’ sẵn sàng dâng hiến cho Thiên Chúa một thửa đất màu mỡ với lòng khiêm tốn và tin tưởng. Nghĩa là mỗi khi có điều gì to lớn và xinh đẹp được phát sinh trong Giáo Hội, thì điều ấy sẽ chỉ xảy ra khi Chúa Thánh Thần đã tìm gặp được một tâm hồn khiêm tốn và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, dám thưa “Xin Vâng” như Đức Maria đã từng làm: “Này tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi theo lời Sứ Thần nói” (Lc 1,38).
‘Cây đại thụ’ là sự hiện diện của Dòng Xitô và Hội Dòng Thánh Gia tại Việt Nam cũng đã được sinh ra và lớn lên từ Hạt Giống nguyên thủy ấy. Ngay cả khi Hạt Giống này đã trở thành ‘cây cao lớn’, thì từ bên trong vẫn luôn tồn tại một phần bí ẩn nhất định nào đó. Tuy vậy, căn nguyên của những công trình do Thiên Chúa thực hiện sẽ không bao giờ bị rơi vào quên lãng; trái lại, nó giống như một nguồn suối luôn tuôn chảy, luôn sống động, luôn sản sinh cái mới và tái tạo tất cả những gì từ Hạt Giống Ngôi Lời đã được gieo vãi lúc khởi đầu, và cứ thế mà tiếp tục tăng triển thêm mãi. Vì những lý do này, chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn về nguồn cội của mình, để cho những gì đang tồn tại và tăng trưởng ngày hôm nay, vẫn luôn mãi sống còn, sống động, và nhất là để cho những gì chúng ta đang sống, đang chiêm ngưỡng trong hiện tại vẫn mãi mãi là công trình của Thiên Chúa. Tiếc thay, kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng những công trình do Thiên Chúa thực hiện trong Giáo Hội và trong thế giới đang có nguy cơ bị tiếm quyền. Bởi vì, con người luôn có khuynh hướng muốn thay thế Thiên Chúa làm chủ những công trình của Người; họ tự cho mình là người ‘sáng tạo ra’ tất cả những điều mà thực tế chính Thiên Chúa mới là người thực hiện.
Thánh Biển Đức đã từng có nhận thức rất rõ ràng về điều bí nhiệm này. Đó là lý do vì sao ngài luôn mong muốn cho các giờ Thần Vụ của cộng đoàn phải được gọi là ‘Việc Chúa’ (Opus Dei); và trong mỗi giờ cầu nguyện, ngài còn muốn các đan sĩ phải luôn làm mới lại nhận thức rằng toàn thể ơn gọi của chúng ta cốt ở lời thưa “Xin Vâng” trong từng ‘công việc của Chúa’. Bởi vậy, thánh Biển Đức xác tín rằng tất cả những việc chúng ta làm, những gì chúng ta sống đều phải cắm rễ sâu trong cầu nguyện và trong ân ban của Chúa Thánh Thần. Quả thật giống như nơi Đức Maria, Chúa Thánh Thần cũng đang làm cho toàn thể nhân loại chúng ta trở thành nơi chốn thích hợp để cho Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể.
Chính vì thế, Thánh Biển Đức rất thích nhấn mạnh đến sự khiêm hạ, bởi theo ngài, lòng khiêm nhường luôn là thửa đất tốt nhất để cho Thiên Chúa tiếp tục gieo vãi Hạt Giống của Người nơi chúng ta và xuyên qua chúng ta, mọi người sẽ thấy được sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô.
Vì vậy, khi cử hành Năm Thánh mừng Bách Chu Niên, khi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa như Đức Maria đã làm qua bài ca tạ ơn Magnificat về các công trình vĩ đại mà Người đã thực hiện (x. Lc 1,49), sẽ là một dịp đặc biệt khơi lên trong chúng ta ao ước biết tận dụng niềm vui này để quay trở lại với nguồn cội của mình; để tái khám phá ra nơi đó sự khởi đầu khiêm tốn và đầy tín thác. Chính từ sự khiêm hạ và phó thác ấy đã là cơ hội cho Thiên Chúa thực hiện tất cả những điều Người muốn. Vì thế, trong Năm Thánh mừng Bách Chu Niên này, chúng ta cần tái khám phá nơi Đấng Sáng Lập – Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – đời sống ơn gọi Xitô tại Việt Nam của ngài; để một lần nữa nhận ra đức tin của ngài, nhận ra cách thức ngài đã sẵn sàng thuận theo tác động của Chúa Thánh Thần. Quả thật, chính nhờ sự khiêm tốn và lòng tin tưởng phó thác tuyệt vời của Cha Biển Đức Thuận mà Thiên Chúa đã thực hiện tất cả công trình của Người như chúng ta đang có hôm nay. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm lại linh đạo của ngài, lời cầu nguyện của ngài, việc dâng hiến của ngài để trung thành bước theo con đường mà Chúa Thánh Thần đã dùng ngài khai mở cho chúng ta cách đây đúng 100 năm. Cũng như Giáo Hội vẫn luôn tìm kiếm những gương mặt hiền hậu và trái tim nhân ái của các vị thánh để học đòi bắt chước nơi các ngài, cũng như nơi chính Chúa Giêsu và nơi Đức Trinh Nữ Maria. Chính theo cách này, Thiên Chúa mới có thể thực hiện những công trình vĩ đại cho Danh Ngài cả sáng và cho ơn cứu độ của mỗi người chúng ta.
Đặc sủng của Cha Biển Đức Thuận không chỉ dừng lại nơi bản thân ngài. Nếu ngày hôm nay chúng ta đang thấy trước mắt có vô vàn hoa thơm trái ngọt phát sinh từ đặc sủng của ngài, thì có nghĩa rằng ngọn lửa mà ngài thắp lên cách đây một thế kỷ, đã bừng cháy và đang chiếu sáng; đồng thời cũng có nghĩa rằng lời thưa “xin vâng” của Cha Biển Đức Thuận trước tác động của Chúa Thánh Thần cách đây 100 năm cũng đã và đang được lan truyền từ người này tới người khác, từ tâm hồn này đến tâm hồn nọ, từ cộng đoàn này sang cộng đoàn kia. Hẳn thật, cũng như Cha Henri Denis Biển Đức Thuận đã từng làm cho ngọn lửa của Thánh Tổ Biển Đức, của các Đấng Sáng Lập Dòng Xitô và của các Thánh trong Toàn Dòng lan tỏa sang tới Việt Nam, thì mỗi ơn gọi được sinh ra, mỗi tiếng thưa “xin vâng” được các nam nữ Đan sĩ Thánh Gia cất lên trong suốt 100 năm qua, cũng đã và đang lan truyền sức nóng tới nhiều nơi và nhiều người.
Từ đó chúng ta cần phải nhận ra rằng trong một thế kỷ qua, đã có biết bao nhiêu tiếng “xin vâng” tuyệt vời được cất lên và đang quang tỏa khắp nơi, qua việc tử đạo, qua những đau khổ và qua sự tù đày vì đức tin nơi nhiều anh chị em xung quanh chúng ta. Đây cũng là những nguồn mạch luôn cần được khơi thông; và ngay cả chính nơi những ngọn lửa sống động đang bốc cháy ấy, chúng ta vẫn luôn cần tái nhen nhóm lên thêm để tăng cường sức nóng của lòng nhiệt thành và gia tăng nguồn sáng cho ơn gọi của mỗi chúng ta hôm nay. Thông thường, ngọn lửa tình yêu đã được thắp lên và đang lan truyền tới nhiều nơi nhờ những anh chị em đã sống rất khiêm tốn và ẩn dật. Họ là những anh chị em sống trong thinh lặng và dâng hiến chính bản thân mình cách âm thầm, đơn sơ nhưng không kém phần quyết liệt; có thể nói, chính họ đã gìn giữ và bảo tồn sự tinh tuyền cho mạch suối ban đầu luôn mãi trong lành để chúng ta được tưới mát và được nuôi sống như ngày hôm nay. Vì thế, chúng ta cần phải nghĩ đến họ, cần phải tìm kiếm, quan tâm và chăm sóc họ với lòng biết ơn, nếu chúng ta muốn mừng kỷ niệm Bách Chu Niên này với niềm vui và trách nhiệm.
Như thế, việc mừng Bách Chu Niên năm nay không chỉ là một biến cố quan trọng đối với riêng Hội Dòng Thánh Gia và các anh chị em Đan sĩ Việt Nam; nhưng nó cũng rất quan trọng và có ý nghĩa không kém đối với Toàn Dòng Xitô, cũng như toàn thể Đại Gia đình Đan tu. Bởi vì cuộc ‘phiêu lưu’ vĩ đại của Tu Trào Đan Tu tại Việt Nam đã và đang được trao lại cho Toàn Dòng, để Toàn Dòng chúng ta tái khám phá sự tươi mới của đặc sủng Xitô trong thế giới hiện tại. Cha Henri Denis Biển Đức Thuận đã hiểu ra rằng ngọn lửa của lòng yêu mến Chúa Kitô mà cha đã mang tới Đông Dương – với tư cách một nhà truyền giáo – và chính từ Đông Dương này ngọn lửa ấy như được kích thích và tiếp thêm nhiên liệu để cháy bừng lên thêm mãi, nhờ được nuôi dưỡng bởi một nền văn hóa tâm linh sâu sắc và tinh thần gia đình sâu đậm của con người Việt Nam.
Tất cả chúng ta cần phải tìm về nguồn cội của đặc sủng Xitô qua việc dõi theo cách thức Chúa Thánh Thần đang làm mới lại đặc sủng này trong thời đại hôm nay. Vì thế, việc mừng Bách Chu Niên của Hội Dòng Thánh Gia lúc này, không phải là mừng kỷ niệm một thực tại già cỗi đã xảy ra 100 năm trước, nhưng là mừng ‘sức trẻ’ mà Toàn Dòng Xitô đang có được từ gần một thế kỷ nay, cho dù Dòng của chúng ta đã có gần 1.000 năm tuổi (1098). Bởi vậy, dịp Năm Thánh của Hội Dòng Thánh Gia tại Việt Nam là một niềm vui lớn thức tỉnh tinh thần trách nhiệm nơi tất cả các Đan sĩ Toàn Dòng Xitô, trong ơn gọi mà chúng ta đang được trao tặng!
TỪ GIÊRUSALEM
CHO ĐẾN TẬN CÙNG TRÁI ĐẤT
(Cv 1,7-8)
FM. Gioan Baotixita Nguyễn Tiến Dũng
Trong buổi gặp gỡ cuối cùng trước khi về trời – được ghi lại trong sách Công vụ Tông Đồ – Đức Giêsu đã trả lời một số câu hỏi của Nhóm 12 Tông Đồ và các môn đệ về vương quốc tương lai của Ngài rằng: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất[1]” (Cv 1,7-8). Trong câu trả lời chứa đầy tấm lòng ân cần thân thiện, nhưng cũng rất thẳng thắn chân thành này, Đức Giêsu đã muốn trao lại cho các ngài một lời hứa và một lệnh truyền.
Lời hứa rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em”. Nói cách khác, trong lời hứa ban Thánh Thần cho Nhóm 12 Tông Đồ và các môn đệ, Đức Giêsu đã khẳng định rằng việc Ngài về trời không phải là một cuộc giã từ hay chia ly, nhưng chính là bước chuyển tiếp trong công trình cứu độ của Ngài và đồng thời cũng là giai đoạn ‘chuẩn bị gần’ cho một cuộc đoàn tụ lâu dài, bền vững và toàn diện hơn, đó là cuộc đoàn tụ giữa Chúa Thánh Thần và các môn đệ (Giáo Hội).
Đàng khác, câu trả lời của Đức Giêsu còn chất chứa một lệnh truyền rất đỗi khẩn thiết: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giu-đê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. Nghĩa là từ đây, việc công bố, loan truyền và làm chứng cho biến cố Con Thiên Chúa nhập thể, chịu chết, sống lại và lên trời, không còn là việc riêng của cá nhân Đức Giêsu nhưng là công việc của toàn thể Nhóm 12 Tông Đồ và các môn đệ của Ngài, những người đã được đích thân Ngài tuyển chọn và huấn luyện trong thời gian còn tại thế. Và để các ông thực hiện được công việc trọng đại này, Chúa Cha đã sai Thánh Thần đến hướng dẫn, ban sức mạnh và tiếp tục đồng hành với các ông cho đến ngày tận thế. Chính vì lý do này mà chúng ta có thể quả quyết rằng thời kỳ từ khi Đức Giêsu về trời cho đến khi Tin Mừng Phục Sinh được lan truyền ‘cho tới tận cùng trái đất’ là thời kỳ của Chúa Thánh Thần.
Chúng ta sẽ cùng nhau nhìn về những diễn biến trong Giáo Hội, đặc biệt Giáo Hội thời sơ khai, để khám phá ra chương trình quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa dành cho Giáo Hội nói riêng và thế giới nói chung, được thực hiện trong Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng cứu độ con người và vũ trụ.
Cách riêng, đối với các Đan sĩ Xitô Thánh Gia trong thời điểm hồng ân mừng Bách Chu Niên lập Dòng, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong Giáo Hội và thế giới, đặc biệt trong Hội Dòng Xitô Thánh Gia suốt một thế kỷ qua. Từ một ‘cộng đoàn tiên khởi’ (Dòng Đức Bà An Nam) chỉ có hai thành viên với đôi quang gánh gọn nhẹ trên vai, phải đối diện với biết bao khó khăn thử thách từ nhiều phía, nơi rừng sâu Phước Sơn – Quảng Trị; thế nhưng đến hôm nay, sau 100 năm đã phát triển thành ‘cây đại thụ’ – như lời Đức Tổng Phụ Dòng Xitô nói trong ‘Sứ điệp gửi cho các nam nữ Đan sĩ Xitô Thánh Gia nhân dịp Năm Thánh mừng Bách Chu Niên lập Dòng’ – đang lan rộng và tỏa bóng mát không chỉ gần khắp cả ba miền trên mảnh đất hình chữ ‘S’ này mà còn đang tiếp tục lan rộng ‘cho tới chân trời góc biển’…
1- Tin Mừng bắt đầu tại Giêrusalem
Sau khi Đức Giêsu về trời, các Tông Đồ và môn đệ của Ngài rất đỗi lo lắng về số phận và tương lai dường như còn rất bất định của các ngài, bởi vì những gì đang diễn ra trước mắt họ quá khác với những toan tính của các ông khi quyết định bước theo Thầy Giêsu lúc còn sinh thời. Tuy nhiên, điều may mắn đã xảy ra cho các ngài là mặc dù có những lo lắng, những sợ hãi, nhưng lòng tin vào lời hứa của Thầy đã không biến mất, các ngài tiếp tục ở lại Giêrusalem để chờ đón nhận Thánh Thần mà Thầy đã căn dặn: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).
Thực tế đã cho thấy rằng ngay sau khi nhận được Thánh Thần, các Tông Đồ liền trở nên khôn ngoan và can đảm khác thường. Các ngài lập tức rời khỏi ‘gian phòng đóng kín’ mà trước đây các ngài tự giam mình trong đó vì sợ hãi, để bắt đầu rao giảng và làm chứng cho Chúa Phục Sinh và làm Phép Rửa cho nhiều người. Nói cách khác, chính trong biến cố Ngũ Tuần đặc biệt này, Giáo Hội được khai sinh tại Giêrusalem không do ý muốn của con người, nhưng do bởi sức mạnh và quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Tác giả sách Công vụ Tông Đồ kể tiếp: “Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Do–thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2,5-8).
Bản văn này ghi nhận thêm vài chi tiết thú vị khi cho biết thành phần của Cộng đoàn Kitô Hữu Tiên Khởi bao gồm những người Do Thái tin vào Đức Giêsu đang sống trong lãnh thổ Palestina và cả những vùng khác, cụ thể như sau: Nhóm 12 Tông Đồ là những người Do Thái chính gốc và có cả những người Do Thái sùng đạo đang sinh sống ở các vùng khác về Giêrusalem dự Lễ Ngũ Tuần năm ấy. Cuộc sống và những sinh hoạt của Cộng đoàn Giáo Hội Thời Đầu[2] này cũng được mô tả rất chi tiết với những hình ảnh thật sinh động và đáng khích lệ, tác giả kể tiếp: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47).
Thật vậy, trong thời kỳ đầu này, các sinh hoạt của Cộng đoàn Giáo Hội Sơ Khai tuy vẫn còn gắn bó với những sinh hoạt của Do Thái truyền thống, nhưng họ cũng đã có những hoạt động riêng, thậm chí còn khác biệt so với trước. Chẳng hạn, các kitô hữu vẫn lên đền thờ cầu nguyện như những tín hữu Do Thái sùng đạo, sau đó họ còn tham gia ‘Lễ Bẻ Bánh’ và nhất là họ góp mọi tài sản làm của chung, nên không ai trong họ phải túng thiếu. Những người mới tin vào Đức Giêsu đã chăm chỉ học giáo lý do các Tông Đồ giảng dạy, chuyên cần cầu nguyện, hiệp thông với nhau và vui sống trong tinh thần bác ái huynh đệ. Điều đáng nói là sự liên đới giữa các Kitô hữu thời đầu này hoàn toàn có tính hồn nhiên và tự nguyện. Chính vì vậy, tác giả sách Công vụ Tông Đồ kết luận rằng kiểu sống của họ đã lôi cuốn nhiều người và số tín hữu theo Đức Giêsu mỗi ngày một thêm đông số.
Khi con số các tín hữu đã gia tăng, các Tông Đồ chọn thêm các ‘Phó tế’ để cộng tác trong việc phục vụ bàn thờ và chăm sóc người nghèo của Cộng đoàn. Trong nghi thức tuyển chọn những người cộng tác này, các Tông Đồ đã đặt tay trao ban Thánh Thần cho các ứng viên mới, chính nhờ nghi thức này mà công việc của các ‘cộng tác viên’ mới đã tỏ ra rất hiệu quả (x. Cv 6-8). Điều đặc biệt đáng nói ở đây là trong số những người cộng tác mới được tuyển chọn này đã xuất hiện những thành phần ngoài Do Thái giáo. Một trong bảy Phó tế này có Stephano là người gốc Hylạp. Stephano được trao trách nhiệm phục vụ những nhóm người Do Thái gốc Hylạp[3], đặc biệt là những người nghèo như nhóm các bà góa, vì họ ít được quan tâm chăm sóc.
Với sự xuất hiện của Stephano và những đồng bào Do Thái gốc Hylạp này, con số cộng đoàn những người tin vào Đức Kitô bắt đầu phát triển ra khỏi phạm vi của Do Thái giáo và cũng lan tràn ra tới ngoại thành Giêrusalem. Lòng tin vào Đức Giêsu Kitô đã được lan truyền đi nhiều nơi, đến với những người không phải là Do Thái, đến với những thành không phải là Giêrusalem.
Cái chết của Phó tế Stephano mở đầu cho cuộc bách hại, các Kitô hữu gốc Hylạp phải phân tán đi khắp nơi. Biến cố này cũng đã mở ra một giai đoạn mới: “Những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo Lời Chúa” (Cv 8,4). Tuy nhiên, sự kiện Stephano cho ta thấy hai điều đáng chú ý, thứ nhất là tính cách độc lập và kiện toàn của Kitô giáo đối với Do Thái giáo; thứ hai là sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa đã làm cho cuộc phân tán này trở thành cơ hội cho các Kitô hữu đem hạt giống Tin Mừng đến gieo vãi khắp nơi (x. Cv 11,19-21).
Quả thật với biến cố này, ‘Giáo Hội Chúa Kitô’ được chính thức ra đời và nhanh chóng lan truyền rộng rãi. Tất cả các thành viên mới của Giáo Hội đều trở nên cản đảm nhờ đã nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha đã ban cho họ theo lời Đức Giêsu căn dặn, để họ chính thức trở thành chứng nhân cho Người từ Giêrusalem, Samari và cho đến tận cùng trái đất.
2- Tin Mừng lan tỏa tới Antiokia và các vùng phụ cận
Những chương đầu của sách Công vụ Tông Đồ tường thuật cho chúng ta thấy sự khởi đầu của Giáo Hội Chúa Kitô tại Giêrusalem với Phêrô là thủ lãnh. Trong phần tiếp theo, tác giả sách Công vụ Tông Đồ tiếp tục cho thấy sự lan tràn nhanh chóng của Giáo Hội dưới tác động của Chúa Thánh Thần: “Ông Phêrô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Bấy giờ ông Phêrô nói rằng: ‘Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?’ Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô. Sau đó họ xin ông ở lại ít ngày” (Cv 10,44-48).
Câu chuyện này mở ra cho Giáo Hội thời đầu và cũng cho các kitô hữu ngày hôm nay thấy rõ và xác tín hơn về ý định của Thiên Chúa là ‘cứu độ mọi người’; đồng thời, cũng cho thấy những hoạt động phong phú của Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn Giáo Hội thi hành sứ vụ như thế nào: ‘Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?’. Đọc tiếp tập ‘Nhật Ký Của Hội Thánh Thuở Ban Đầu’[4] chúng ta thấy rằng hơn phân nửa còn lại của cuốn sách được tác giả dành để mô tả những sinh hoạt và sự bành trướng của Giáo Hội tại một số thành phố khác, đặc biệt là tại Antiokia và với một nhân vật nổi bật: Phaolô thành Tarso.
Thật vậy, sau cái chết của Phó tế Stephano, các kitô hữu buộc phải rời bỏ Giêrusalem vì cuộc bách hại ngày càng trở nên khốc liệt hơn, họ bị/được ném vào môi trường đặc biệt: giữa các các dân ngoại. Trước hoàn cảnh đó, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nói cho người dân ngoại – nơi mình buộc phải tới ẩn náu – biết điều làm họ quan tâm nhất chính là quyền năng của Thiên Chúa biểu lộ lớn lao, nên đã có rất nhiều người gia nhập Giáo Hội, tác giả sách Công vụ Tông Đồ ghi lại rằng: “Những người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Têphanô, đi đến tận miền Phênixi, đảo Sýp và thành Antiôkhia. Họ không rao giảng lời Chúa cho ai ngoài người Do Thái. Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Sýp và Kyrênê; những người này, khi đến Antiôkhia, đã giảng cho cả người Hylạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ. Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa” (Cv 11,19-21). Có thể nói rằng cái chết của Stephano là một sự đe dọa nặng nề và là khởi đầu cho cuộc bách hại khốc liệt nhắm vào các tín hữu Chúa Kitô; nhưng đàng khác, cái chết của vị Phó tế tiên khởi này cũng là lời chứng hùng hồn cho một niềm tin mới và mạnh mẽ vào Đức Giêsu Tử nạn và Phục sinh; đồng thời cũng là nguyên cớ và động lực cho một cuộc truyền giáo vĩ đại và hiệu quả khôn lường đang từng bước được tiến hành. Nhờ vậy các cộng đoàn nhỏ đã bắt đầu được khai sinh tại nhiều nơi trong các vùng Giudea, Samaria và nhất là Antiokia (x. Cv 11,19-21). Có người đã cho rằng Giáo Hội Chúa Kitô Thời Đầu này là ‘Câu chuyện cổ tích của hai thành phố: Giêrusalem và Antiokia’.
Từ đây, tất cả các cuộc hành trình truyền giáo kỳ diệu của Phaolô đều xuất phát từ thành Antiokia, chứ không phải từ Giêrusalem. Antiokia trở thành trung tâm mới của Giáo Hội để mang Tin Mừng Chúa Kitô tới khắp vùng phụ cận và sau đó là đến ‘tận cùng trái đất’. Chính tại Antiokia này – chứ không phải ở Giêrusalem – các môn đệ của Chúa Kitô được đặt cho một tên mới, họ được gọi là “kitô hữu” (x. Cv 11,26).
Cứ như thế, Giáo Hội tiếp tục phát triển theo hướng tách ra khỏi Do Thái giáo; Tin Mừng Chúa Kitô tiếp tục lan rộng không ngừng tới nhiều vùng khác nữa. Bài giảng của Stephano trong sách Công vụ nêu lên tính cách tạm thời của Do Thái giáo (x. Cv 7). Do Thái giáo phải nhường chỗ cho tôn giáo mới do Đức Giêsu Kitô thiết lập, một tôn giáo không còn bị giới hạn trong một quốc gia hay một đền thờ nào cả. Tuy nhiên, Stephano đã phải trả giá cho sự thật này bằng chính mạng sống: ông đã bị ném đá cho đến chết (x. Cv 7,55tt). Nhưng chính cái chết của Stephano đã trở thành ‘nguyên cớ’ cho sự lan tràn của Tin Mừng.
3– Tin Mừng tiếp tục lan rộng cho tới tận cùng trái đất
Biến cố Ngũ Tuần diễn ra ít lâu sau khi Đức Giêsu về trời đã chính thức khai sinh Giáo Hội. Cũng từ đó, Giáo Hội đón nhận sứ mạng tiếp tục rao truyền công trình cứu độ (Tin Mừng) mà Đức Giêsu đã khai mở. Chính Đức Giêsu đã từng nói lúc còn tại thế rằng: “‘Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó’” (Lc 4,43).
Thật vậy, Giáo Hội luôn được sai đi rao giảng Tin Mừng ‘cho đến tận cùng trái đất’ và ‘cho đến ngày Người lại đến lần thứ hai trong vinh quang’. Trải qua 2.000 năm, công trình Đức Giêsu trao cho Giáo Hội đang được thực hiện cách tốt nhất cho dù có/đã trải qua không ít thử thách, bách hại, thậm chí có những lúc tưởng chừng như sẽ bị tan rã.
Nói cách khác, Giáo Hội được khai sinh từ biến cố Ngũ Tuần hôm ấy, mãi mãi là Giáo Hội truyền giáo cho đến ngày cuối cùng của thế giới, cho tới khi Tin Mừng Phục Sinh hiện diện/lan tỏa đến khắp tận cùng thế giới. Lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh luôn cần được thi hành cách triệt để và khẩn trương: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. Quả thật, trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, lệnh truyền này không ngừng được lặp lại nhiều lần dưới nhiều cách thức khác nhau phù hợp với từng thời kỳ và từng hoàn cảnh riêng biệt: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
Lệnh truyền của Đức Giêsu mang tính triệt để bởi vì nó được trao gửi đến tất cả mọi người và không một kitô nữu nào, không một môn đệ nào được chuẩn miễn khỏi phải thi hành sứ vụ trọng đại và khẩn thiết này. Lệnh truyền của Đức Giêsu cũng triệt để vì không được giới hạn bởi một nơi chốn hay một đối tượng cụ thể nào. Thánh Phaolô, vị Tông Đồ Dân Ngoại đã khẳng định điều này khi viết cho môn đệ Timothê, cũng là con yêu dấu của ngài: “Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,3-4). Tính triệt để trong lệnh truyền của Đức Giêsu còn được thể hiện nơi cái giá mà người môn đệ phải trả: “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9,47-49); Triệt để còn thể hiện nơi thứ vị ưu tiên mà người môn đệ phải cân nhắc: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,3).
Lệnh truyền của Đức Giêsu còn mang tính khẩn thiết đến mức phải thi hành ngay tức khắc và không bao giờ được phép trì hoãn, bởi vì: “Người nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần’. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Sau này khi đã cảm nhận được tính triệt để và khẩn trương của sứ điệp Tin Mừng, vị ‘Tông Đồ Dân Ngoại’ là Thánh Phaolô đã phải thốt lên trước những người Corintô rằng: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9,16).
Với tính triệt để và khẩn thiết ấy, suốt 2.000 năm qua Giáo Hội đã thi hành sứ vụ này một cách không mệt mỏi trong niềm tin vào lời hứa của Đức Giêsu: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).
*Tin Mừng luôn hướng về ‘tận cùng trái đất’ theo lệnh truyền của Chúa[5]
Kể từ khi Đức Giêsu Kitô về trời, Giáo Hội tiếp tục công trình của Ngài cho đến ngày Ngài trở lại lần thứ hai (Quang lâm). Chúng ta thử vắn tắt ghi lại vài cột mốc trong lịch sử thi hành sứ vụ của Giáo Hội 2.000 năm qua khi tạm chia thành hai giai đoạn sau đây:
1/Ngàn năm đầu tiên
– Ba thế kỷ đầu tiên được ghi dấu bởi thử thách và bách hại. Bước đầu gian khổ báo trước mùa màng bội thu, như khẳng định của Giáo phụ Tertulianô: “Máu các chứng nhân tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”.
– Năm 313, với chiếu chỉ Milan công nhận Kitô giáo là tôn giáo hợp pháp, tên tuổi Hoàng đế Constantinô gắn liền với giai đoạn tự do và lớn mạnh rất nhanh của Giáo Hội trong đế quốc của Constantinô.
– Từ thế kỷ V, nhờ uy tín của các giám mục, nhờ đóng góp của các đan sĩ trong việc tổ chức nâng cao đời sống đạo đức, vật chất, văn hoá, xã hội… dân chúng dần dần xin gia nhập Giáo Hội. Giáo Hội vượt ra khỏi ranh giới đế quốc Roma, cảm hóa các sắc dân ở Âu Châu.
– Tin Mừng đến với các sắc dân thuộc Nước Đức vào khoảng thế kỷ V đến thế kỷ VIII và dân Slaves từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI.
2/Ngàn năm tiếp theo
Ngàn năm thứ hai của Giáo Hội là một bức tranh đan xen ánh sáng và bóng tối, tích cực và tiêu cực:
– Phong trào canh tân phát xuất từ Đan viện Cluny (Pháp) đem lại mùa xuân mới cho Giáo Hội.
– Ngàn năm thứ hai bắt đầu bằng một biến cố chia rẽ đáng tiếc dẫn đến ly khai của Chính Thống Giáo với Công Giáo vào năm 1054, Đông Phương và Tây Phương không còn hiệp nhất nữa.
– Sự đe dọa của Hồi Giáo dẫn đến việc thành lập Đạo Binh Thánh Giá để chiếm lại Đất Thánh và thành Giêrusalem[6].
– Hai thế kỷ XII và XIII là thời cực thịnh của Giáo Hội Tây Phương. Các dòng tu, đặc biệt là Xitô, Đaminh và Phanxicô đã đem lại sinh khí mới cho Giáo Hội trong việc nâng cao đời sống đạo đức và luân lý cho các tín hữu. Các dòng tu đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt đạo đức, văn hóa, trí thức, cách riêng là lãnh vực thiêng liêng và triết học.
– Thế kỷ XIII là thời gian khủng hoảng vì bè rối và Tòa Án Pháp Đình của Giáo Hội đã phạm nhiều sai lầm.
– Thế kỷ XIV là thời kỳ đen tối vì cuộc đại ly khai ở Tây Phương 1378-1415, phân rẽ giữa Roma và Avignon gây ra hỗn loạn – thời có hai giáo hoàng tại vị.
– Cuộc cải cách của Luther dẫn đến ly giáo ngày 03-01-1521 – Thệ Phản Tin Lành.
– Vua Henri VIII và cuộc ly giáo 1533 ở nước Anh.
– Công đồng Tridentino 1545-1563 đáp ứng đòi hỏi canh tân nội bộ Giáo Hội về tín lý, bí tích và kỷ luật.
– Thế kỷ XV-XVII: giai đoạn truyền giáo dưới ‘Quyền Bảo Trợ’ của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, từ năm 1493 Tòa Thánh trao cho các vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha điều khiển việc truyền giáo. Giáo Hội mở rộng tầm nhìn, vượt ra ngoài Âu Châu, đem Tin Mừng đến mọi dân tộc.
– Ngày 09-09-1659 là một ngày đáng ghi nhớ đối với Giáo Hội Việt Nam: Đức Thánh Cha Alexandro VII thiết lập hai giáo phận: Đàng Trong (Đức cha Lambert de la Motte) và Đàng Ngoài (Đức cha François Pallu).
– Do những lạm dụng và bất tiện của ‘Quyền Bảo Trợ’, năm 1622 Tòa Thánh thiết lập ‘Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin’ để chấn chỉnh và hướng dẫn, trực tiếp nắm quyền và điều hành, giúp cho việc truyền giáo đạt được nhiều thành quả mới.
– Cuộc Cách Mạng Pháp (1789) mở màn cho bước ‘tục hóa’ Giáo Hội: tước bỏ những quyền của Giáo Hội trong lãnh vực trần thế, gây nhiều khó khăn cho Giáo Hội, nhưng cũng giúp cho Giáo Hội ý thức về bản chất của mình.
– Công đồng Vaticano I năm 1870 xác định về ơn bất khả ngộ của giáo hoàng.
– Trong thế kỷ cuối cùng, với Công đồng Vaticano II, Giáo Hội bước vào con đường mới, đồng hành với con người và thế giới, thích nghi với những biến đổi không ngừng của xã hội.
– Ngày 24-11-1960, Đức Thánh cha Gioan XXIII thiết lập Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam.
3/Ngàn năm thứ ba – Giáo Hội tiến bước trong niềm tin
– Giáo Hội đã trải qua nhiều thăng trầm, những chặng đường sáng ngời xen lẫn với đen tối suy sụp. Giáo Hội vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển vì đã được phát sinh từ Chúa Giêsu Kitô và được Chúa Thánh Thần không ngừng dẫn dắt.
– Bước qua ngàn năm thứ ba này, Giáo Hội vẫn tiếp tục tiến bước trong niềm tin rằng: “Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) và Chúa Thanh Thần sẽ đồng hành và hướng dẫn Giáo Hội như Đức Giêsu đã hứa: “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).
4- Tin Mừng và ơn gọi Tông đồ
Để thực hiện công trình cứu độ, Đức Giêsu cần những cộng tác viên xuyên suốt mọi thời đại. Khởi đi từ Nhóm 12 do chính Ngài đích thân tuyển chọn. Sau đó, các Tông Đồ đã tiếp tục tuyển chọn thêm bảy Phó tế,… và cứ như thế, con số những người cộng tác và các kitô hữu ngày càng gia tăng.
4.1. Ơn gọi Tông đồ thời đầu của Giáo Hội
Như đã thấy trên đây, chính Đức Giêsu đã chọn Nhóm 12 Tông Đồ và 72 môn đệ để cộng tác và tiếp nối chương trình Chúa Cha đã trao phó cho Ngài và chính Ngài cũng sẽ trao lại cho các môn đệ: như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em…(x. Ga 20,21). Tuy nhiên, chúng tôi chỉ muốn nhắc tới trong bài này ơn gọi đặc biệt của thánh Phaolô như là một bước ngoặt quan trọng trong giai đoạn khởi đầu này và sự kiện này đã có một âm vang vô cùng to lớn trong thế giới dân ngoại cho đến hôm nay.
*Ơn gọi của Phaolô
Sự đặc biệt trong ơn gọi của Phaolô được thể hiện ngay trong con người của ngài: cá tính, quá khứ, sứ vụ đặc thù và nổi trội so với phần còn lại trong số các Tông đồ khác. Vì vậy, có lẽ sẽ rất ý nghĩa nếu chúng ta nhắc đến ơn gọi đặc biệt của Phaolô cho sứ mệnh ‘đến tận cùng trái đất’ của Tin Mừng cứu độ, trong đó có chúng ta đây vốn là thành phần thuộc Dân ngoại mà Phaolô được giao trọng trách rao giảng cho.
Truyền thống Giáo Hội quen gọi biến cố ngã ngựa của Saolô[7] trước cổng thành Đamas được ghi lại trong sách Công vụ Tông Đồ chương IX và những diễn biến sau đó là cuộc ‘trở lại của thánh Phaolô’. Nhưng trong tất cả các trình thuật do chính Phaolô kể về biến cố trọng đại này – trong các thư của ngài – thì không một lần nào Phaolô dùng kiểu nói ‘trở lại’. Theo vị Tông Đồ Dân Ngoại, ơn gọi của ngài đã được chính Thiên Chúa tuyển chọn và chuẩn bị từ khi còn trong dạ mẹ… như lời quả quyết của chính Đấng tuyển chọn Saolô bày tỏ với Khanania được ghi lại trong sách Công vụ Tông Đồ: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ítraen. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta” (Cv 9,15-16). Chúa Giêsu Phục sinh nhất quyết chọn Saolô bất chấp những nghi ngại của Khanania và Nhóm 12 Tông Đồ; bất chấp những ‘xầm xì’ của đám đông về quá khứ ‘thiếu trong sáng’ của Saolô: “Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho các thánh Chúa tại Giêrusalem. Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa” (Cv 9,14).
Nghĩa là theo Phaolô, từ khi còn trong dạ mẹ, đến khi được chào đời, cả khi chuẩn bị tương lai bằng việc đào luyện phổ thông và chuyên biệt – Phaolô đã theo học ‘Luật Môsê và Các Ngôn Sứ’[8] với một vị thầy Pharisêu dang tiếng là Gamaliel với mong ước sẽ trở thành một Pharisêu nhiệt thành và trung thành tuyệt đối với ‘Truyền Thống Cha Ông’ – thì ngài vẫn luôn bước đi trong kế hoạch tuyển chọn và chuẩn bị của Thiên Chúa. Thiên Chúa chuẩn bị như thế theo cách của Ngài, cho công việc phù hợp trong tương lai sẽ trở thành ‘Tông Đồ Dân Ngoại’. Điều này sẽ được minh chứng thật rõ ràng sau này khi Phaolô dùng những kiến thức, những hiểu biết ấy phục vụ cho công việc rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu cách thuyết phục và hiệu quả nhất (x. Cv 15,1tt).
Vì vậy, thay vì dùng kiểu nói ‘trở lại’, thánh Phaolô thích dùng những cách nói chính xác hơn để diễn tả ơn gọi đặc biệt của Ngài. Chẳng hạn, trong thư gửi tín hữu Galata, Phaolô kể rằng: “Thật vậy, thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải. Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Dothái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Dothái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông. Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giêrusalem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ảrập, rồi lại trở về Đamát” (Gl 1,11-17).
Rõ ràng thánh Phaolô chưa bao giờ nhìn nhận ngài được ơn ‘trở lại’ nếu hiểu đó là sự trở lại từ một cuộc sống xấu xa trác táng, trụi lạc, phóng đãng,…và quả thật với tư cách là một tín hữu Do Thái giáo sùng đạo, trong cuộc sống của mình Phaolô đã không hề mảy may có ý tưởng hay thái độ chống lại lòng tin vào Thiên Chúa của truyền thống Do Thái. Ngay cả khi tình nguyện xin chứng chỉ từ vị Thượng tế để đi bắt giam các kitô hữu, Phaolô cũng tin rằng mình đang làm ‘cho Chúa và vì Chúa’(!). Đó là lý do tại sao mỗi khi kể về ơn gọi của mình, Phaolô thích dùng những kiểu nói như ngài xác tín để diễn tả lòng tin của Ngài vào Thiên Chúa của Cha Ông. Cũng chính Vị Thiên Chúa này – qua Đức Giêsu Khổ nạn và Phục sinh – đã ‘đoái thương mạc khải Con của Người’, ‘đã chọn’ ‘đã kêu gọi’ ‘đã dành riêng’ Phaolô từ trong lòng mẹ để thực hiện công trình của Người, tức là: “loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại”.
Tuy nhiên, có điều gì thú vị cần được ghi nhận ở đây, bởi vì ngay sau khi Phaolô được Thiên Chúa đoái thương mạc khải, thì ông có vẻ như đã bị ‘lạc mất’, các tín hữu ở đây dường như không quan tâm đến sự kiện này, duy chỉ có Barnaba là người đã phát hiện và giải quyết vấn đề, nên ông liền trẩy đi Tarsô tìm Saolô. Khi gặp thấy Saolô ở Tarso, hai người cùng trở lại Antiokia, cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người (x. Cv 11,25-26). Có người đã ‘cả gan’ đặt ra giả thuyết rằng giả như không có Barnaba, Phaolô có thể bị chìm vào quên lãng suốt đời! Và nếu như thế, chúng ta thử tưởng tượng xem thế giới sẽ mất mát ra sao nếu Saolô không được khám phá!
Thật may mắn đó chỉ là một giả thiết, mãi mãi chỉ là giả thiết. Thiên Chúa có chương trình của Người rất rõ ràng và khôn ngoan trên từng cá nhân, từng con người, từng hoàn cảnh cụ thể. Mỗi chúng ta cũng vậy, chính Thiên Chúa đang có một kế hoạch rất cụ thể và chi tiết đối với cá nhân trong chương trình cứu độ của Người. Điều quan trọng là cũng như Phaolô, chúng ta cần nhận ra ơn gọi đặc thù của mình và kiên trì theo đuổi trong sự tin tưởng phó thác tuyệt đối vào kế hoạch của Thiên Chúa, bởi vì cũng như Phaolô, chúng ta cần xác tín điều chính Phaolô đã xác tín: “Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.’ Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,9-10).
4.2. Tin Mừng và ơn gọi Tông đồ ngày nay
Ngày nay, ơn gọi Tông đồ vẫn khẩn thiết không kém so với thời Giáo Hội Sơ Khai, bởi vì những nỗ lực, những thành công, lòng nhiệt thành tông đồ trong quá khứ sẽ là kinh nghiệm và là động lực cho người Tông đồ ngày hôm nay.
Thật vậy, thành quả vẻ vang việc loan báo Tin Mừng Chúa Phục sinh của các Tông đồ trong quá khứ không chỉ là ‘con số’ các kitô hữu…, nhưng là ‘động lực dây chuyền’ thúc đẩy chúng ta theo chân các ngài, tiếp nối công trình các ngài đã khởi sự và khẩn trương ‘lên đường’ rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ như lệnh truyền của Thầy Chí Thánh mà các Tin Mừng kể lại (x. Mt 28,19; Mc 16,15).
Trong đoạn trích trên đây từ sách Công vụ Tông Đồ (Cv 1,6-8) cho chúng ta thấy rằng khi các môn đệ hỏi Đức Giêsu về thời giờ và kỳ hạn khôi phục vương quốc Israel, thì Ngài lại trả lời bằng cách nhắc lại sứ vụ “làm chứng cho Tin Mừng”. Qua câu trả lời ấy, Chúa Giêsu như muốn nói với các môn đệ điều này: đừng lưu tâm đến vương quốc hay triều đại… sẽ đến khi nào hay cách nào… điều duy nhất các ông phải quan tâm là làm sao cho Tin Mừng của Chúa phải lan tỏa ‘từ Giêrusalem… cho tới tận cùng trái đất’.
Ý thức được điều này, các sứ giả loan báo Tin Mừng ngày xưa cũng như ngày nay đã gấp rút lên đường. Chẳng vậy mà, ngay sau lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), thánh sử Marco đã viết tiếp: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,19-20). Cách mô tả của thánh sử Marcô thật tuyệt vời: khi Thầy ‘lên trời’ cũng là thời khắc các môn đệ của Ngài ‘lên đường’ thi hành sứ vụ Thầy trao phó. Một hình ảnh thật đẹp, thể hiện một sự liên tục có chủ ý giữa lệnh truyền của Thầy và sự mau mắn của người môn đệ thi hành mệnh lệnh.
Trải qua 2.000 năm lịch sử, Giáo Hội Chúa Kitô vẫn luôn trung thành và hăng say thi hành bổn phận và cũng là vinh dự rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa. Trong phần cuối của bài viết này, chúng tôi muốn nhắc tới hình ảnh của một vị Thừa sai, cũng là Đấng Sáng lập đời sống Đan tu Xitô trên Đất Nước Việt Nam thân yêu, nhân dịp kỷ niệm 100 khai sinh của Dòng, đó là Cha Henri Denis Biển Đức Thuận.
Thật vậy, Cha Biển Đức Thuận vốn là một nhà Truyền giáo nhiệt thành của Hội Thừa Sai Paris, được coi là người tiếp bước cách đặc biệt của thánh Phaolô. Xét về phương diện lòng nhiệt thành đem Tin Mừng đến cho Dân ngoại, Cha Henri Denis Biển Đức Thuận cũng còn nung nấu một thao thức lớn hơn nữa, đó là mong muốn cho người dân Việt Nam và Đông Dương được nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa. Dòng Đức Bà Annam – nay là Hội Dòng Xitô Thánh Gia là thành tựu của thao thức đó. Nối kết công trình của Cha Biển Đức Thuận với Thánh Phaolô như thế sẽ giúp cho người tín hữu kitô, đặc biệt là các Đan sĩ Xitô Thánh Gia thấy được phần nào tình thương quan phòng của Thiên Chúa trong lịch sử Giáo Hội của Ngài và xác tín hơn nữa vai trò đặc biệt của mình trong việc thực thi lệnh truyền của Đức Giêsu là rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa đến ‘tận cùng trái đất’.
-Nếu ngày xưa Phaolô và Barnaba lên đường từ Antiokia và đã hướng tới Phương Tây[9] (Âu Châu) để rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng… thì vào đầu thế kỷ XX vừa qua, cũng đã có những vị thừa sai lên đường từ Cảng Marseille (Nước Pháp) – trong số đó có vị Linh mục Thừa sai trẻ tuổi, Cha Henri Denis – hướng tới Phương Đông (Đông Dương) để đem Tin Mừng Chúa Kitô đến với người dân vùng này, đặc biệt là Việt Nam. Một đất nước vốn có một nền văn hóa tâm linh sâu sắc và tinh thần gia đình sâu đậm[10] như cách đánh giá của Đức Tổng Phụ Dòng Xitô trong sứ điệp gửi cho các nam nữ Đan sĩ Xitô Thánh Gia, dịp mừng Bách Chu Niên trong năm 2018 này.
-Nếu ngày xưa Phaolô được kêu gọi cho một sứ vụ đặc biệt: Đem Tin Mừng đến với Dân ngoại và Thánh Nhân đã hăng say, hy sinh, ‘đồng lao cộng khổ’ như thế nào để cho sứ vụ ấy đạt được những thành quả tuyệt vời…; thì ngày nay, Cha Henri Denis Biển Đức Thuận và con cái của ngài cũng đã và đang tiếp bước trên cùng một con đường rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống đan tu ‘cho những người chưa nhân biết Chúa’.
-Nếu ngày xưa Phaolô đã phải đối diện với muôn vàn khó khăn thử thách từ nhiều phía: hoàn cảnh túng thiếu, những hiểu lầm nghi kỵ từ những thành phần đối nghịch – đôi khi từ ngay cả những người trong ‘hàng ngũ tông đồ’, thì Cha Biển Đức Thuận cũng đã trải qua nhiều khó khăn thử thách từ hoàn cảnh gia đình, từ việc thích nghi với môi trường Á Châu, những hiểu lầm từ nhiều phía, ngay cả từ các Đấng bản quyền của ngài, nhất là trong những ngày đầu mới lập Dòng… Thế nhưng cũng như thánh Phaolô, Cha Biển Đức Thuận đã một bề tin tưởng cậy trông phó thác vào chương trình mà Cha trên trời chuẩn bị cho ngài và vì vậy ngài đã vượt qua nhờ Đấng ban sức mạnh cho ngài, để rồi ngài cũng nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,12-13).
Chính với niềm xác tín đó mà Cha Biển Đức Thuận đã trải qua và hoàn thành sứ vụ của ngài một cách xuất sắc, từ nhiệm vụ của một Cha sở, một Giáo sư Chủng viện, cho đến một Đan sĩ Chiêm niệm; nhất là nhiệm vụ nặng nề của người khai sinh đời Đan tu Chiêm niệm cho người Việt Nam như được kể trong cuốn Hạnh Tích Cha Benoît.
Tạm kết
Qua Lễ Ngũ Tuần, dưới hình lưỡi lửa, Chúa Thánh Thần đã đi vào nội tâm của các Tông Đồ thời đầu, thì Ngài cũng đang đi vào lòng những người Tông đồ hôm nay. Đây vừa là một cuộc thanh luyện, vừa là một sự xức dầu, nhờ đó người tông đồ được đổi mới hoàn toàn. Quả thật, trước khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ vẫn luôn phải ở lại trong ‘phòng kín’ với tâm trạng hoang mang, hoài nghi, lo sợ… Các ngài vẫn nhát đảm, vẫn rụt rè, trong lòng vẫn chất chứa những ý tưởng trần tục, vụ lợi và tầm thường, như những con người bình thường ít học, chậm hiểu, tranh dành, ganh tỵ…, nhưng sau khi nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, khi để cho Chúa Thánh Thần thi hành sứ vụ thánh hóa và biến đổi con người mình, các ngài đã được ‘thay mới’ hoàn toàn. Điển hình là trường hợp của Nhóm 12 và Tông đồ Phaolô. Trước kia Phaolô bắt bớ các môn đệ của Chúa: “Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm những đe dọa và giết chóc đối với các môn đệ Chúa” (Cv 9,1). Nhưng khi được Chúa Giêsu Phục sinh kêu gọi và được Khanania đặt tay để lãnh nhận Thánh Thần, Phaolô đã mạnh mẽ, khôn ngoan hẳn lên, đến nỗi ngài đã công khai rao giảng khắp nơi và thu phục được nhiều tâm hồn Dân ngoại về cho Chúa và thành lập nhiều cộng đoàn tại những nơi ngài đặt chân tới rao giảng và làm chứng. Cũng như tất cả các Tông Đồ khác, Phaolô cũng trở nên mạnh mẽ không kém, ngài dám đối đầu với mọi thế lực thù nghịch, dám hy sinh cả mạng sống để rao giảng và làm chứng cho Đức Kitô Khổ nạn và Phục sinh.
Công trình của Chúa Thánh Thần đã được khởi đầu nơi các Tông Đồ thời đầu và nơi Phaolô cũng luôn tiếp diễn trong tâm hồn của các kitô hữu mọi thời và mọi nơi. Chính Thánh Thần đó đã tác động nơi tâm hồn Cha Biển Đức Thuận trong từng đường đi nước bước của ngài. Cũng chính Thánh Thần đó đang tác động và biến đổi các Đan sĩ Xitô Thánh Gia để họ sống xứng đáng ơn gọi làm con và làm môn đệ của Thiên Chúa. “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ của Đức Giêsu và toàn thể nhân loại đạt tới chân lý vẹn toàn (x. Ga 16,13).
Chúa Thánh Thần là sự sống của Giáo Hội; Chúa Thánh Thần là Đấng tốt lành phát sinh những hoa trái tươi tốt. Những hoa trái ấy là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,22-23). Niềm vui, tình yêu và bình an là những món quà vô giá Chúa Thánh Thần trao tặng cho nhân loại cũng như cho mỗi người chúng ta. Giáo Hội do Chúa Phục sinh thiết lập và được ‘khai sinh’ trong biến cố Ngũ Tuần năm xưa, luôn tồn tại nhờ sự hiện diện của Ngài và nhờ ơn huệ dồi dào của Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là “linh hồn”, là sức sống của Giáo Hội và vì thế, Giáo Hội sẽ không thể sống và hoạt động, không thể chu toàn sứ mạng loan báo và làm chứng cho Tin Mừng Phục sinh trong hoàn cảnh sống của mình mà không có Chúa Thánh Thần. Quả thật, vì Tin Mừng Phục sinh của Đức Giêsu liên hệ trực tiếp đến tất cả nhân loại, ơn Chúa Thánh Thần cho phép Giáo Hội đáp trả lời mời gọi của Chúa Phục Sinh: trở nên những chứng nhân của Ngài “cho đến tận cùng trái đất”.
Cũng như các Tông Đồ, các kitô hữu mọi thời được mời gọi không được ‘đóng kín’ nơi bản thân mình như người đứng bên lề cuộc sống và ở bên lề thế giới, trái lại phải là những thành viên của thế giới, có bổn phận loan báo Tin Mừng cứu độ và bình an một cách mạch lạc và tự do cho thế giới mình đang sống. Bổn phận này được đặc biệt nhắc đến trong Công đồng Vaticano II về vai trò của người giáo dân, cũng như trong Tông huấn về ‘Ơn gọi và sứ mệnh của người giáo dân trong Giáo Hội và giữa trần thế’[11].
Các Kitô hữu thời Giáo Hội Sơ Khai đã ngoan ngoãn lắng nghe và để cho Chúa Thánh Thần qui tụ và hướng dẫn thành một cộng đoàn chứng nhân, một cộng đoàn mà tất cả mọi thành viên chỉ có ‘một lòng một tâm hồn’, nhờ đó Tin Mừng của Chúa đã nhanh chóng lan rộng ‘từ Giêrusalem đến tận cùng trái đất’. Ngày hôm nay, các thành viên của Hội Dòng Xitô Thánh Gia, những người đang thừa hưởng di sản của Chúa Thánh Thần ban qua Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, chúng ta có trách nhiệm và cũng là niềm vui khi làm cho Tin Mừng cứu độ và bình an của Chúa tiếp tục được nhân thừa và lan rộng – cả về số lượng và chất lượng – tới khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam, Đông Nam Á và nhiều nơi khác trên thế giới, ngang qua sự hiện diện của của các Đan sĩ và các Cộng đoàn Xitô Thánh Gia luôn ‘một lòng một ý’ và nhất tâm tìm kiếm Thiên Chúa trên và trong tất cả mọi sự bằng chính niềm vui của Tin Mừng.
[1] Những chỗ đánh đậm một số trích dẫn Kinh Thánh dùng trong bài này là do ý hướng muốn nhấn mạnh theo tác giả bài viết.
[2] Các kiểu nói ‘Cộng đoàn Giáo Hội Thời Đầu’ hay ‘Cộng đoàn Kitô Hữu Tiên Khởi’,… được dùng trong bài này để nói về nhóm những người tin vào Đức Giêsu ngang qua lời rao giảng của các Tông Đồ tại Giêrusalem từ sau biến cố Ngũ Tuần năm ấy và cũng có thể là các cộng đoàn kitô hữu sau đó ở những vùng phụ cận.
[3] Cụm từ ‘Người Do Thái gốc Hylạp’ được dùng để chỉ những người Do Thái sinh trưởng ngoài xứ Palestina, sống theo văn hóa Hylạp và nói tiếng Hylạp, hay còn gọi là những người ‘Hy hóa’.
[4]Nhiều tác giả đã dùng kiểu nói như thế khi đề cập đến sách Công vụ Tông Đồ, http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/tusachgiaolygp/GiaoAnKinhThanhIII/ Bai01.htm
[5] Sưu tầm từ http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaoluat/tusachgiaolygp/LichSuOnCuuDo/Chuong8.htm
[6] Có thể kể đến 7 cuộc Thập Tự Chinh: 1096-1099, 1147-1149, 1189-1197, 1202-1204, 1228-1229, 1248-1254, 1268-1291, như là những kinh nghiệm cả tích cực và tích cực cho Giáo Hội. Những cuộc Thập Tự Chinh đem lại nhiều thất bại và tai tiếng. Vì các thế lực chính trị đã lợi dụng tính chất tôn giáo để thực hiện những mưu đồ trục lợi của mình: dùng chiến tranh để cướp đoạt tài nguyên và mở rộng thị trường ở vùng Trung-Cận-Đông.
[7] Saolô hay Saul là tên của thánh Phaolô trước khi được Đức Kitô Phục sinh gọi ngài làm Tông đồ cho Dân ngoại, sau này đổi thành Phaolô (x. Cv 13,9).
[8] Kiểu nói này ám chỉ toàn bộ Kinh Thánh của người Dothái (Cựu Ước của Kitô giáo ngày nay).
[9] Quan sát các chuyến truyền giáo của Phaolô trên bản đồ được in trong cuốn ‘Kinh Thánh Tân Ước’ khổ lớn, giúp chúng ta nhận ra rằng các hành trình truyền giáo của Barnaba và Phaolô đi theo hướng Tây này – hướng tới Roma – Âu Châu.
[10] x. Đức Tổng Phụ Dòng Xitô Mauro-Giuseppe Lepori, Sứ điệp gửi cho các nam nữ Đan sĩ Xitô Thánh Gia, dịp mừng Bách Chu Niên năm 2018, HGCN số 23.
[11] x. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn về Ơn gọi và sứ mệnh của người giáo dân trong Giáo Hội và giữa trần thế (Christideles laici), đề ngày 30/12/1998.
GIÚP ĐỌC LẠI VĂN KIỆN:
CHIỀU KÍCH CHIÊM NIỆM CỦA ĐỜI TU
FM. Dominico Phạm Văn Hiền
Đây là văn kiện, do Thánh bộ Dòng tu và Tu hội đời công bố ngày 12 tháng 08 năm 1980, như kết quả của khóa họp khoáng đại của Bộ này từ ngày 4 đến 7 tháng 03 năm l980.
Bộ đã xác định mục tiêu là cống hiến một bản tóm lược những hướng dẫn cụ thể và có tính đào tạo, theo hai hướng sau đây: khích lệ sự hòa hợp giữa nội tâm và hoạt động trong các hội dòng được gọi là sống đời hoạt động, đồng thời cổ võ sức sống và sự canh tân nơi các hội dòng chuyên về chiêm niệm.
Như thế, văn kiện muốn xóa đi ngộ nhận rằng: chiều kích chiêm niệm chỉ dành cho các dòng chiêm niệm. Thật ra chiêm niệm không gì khác hơn là đi vào nội tâm để thông hiệp với Thiên Chúa, một sự thông hiệp được Chúa Giêsu sánh ví như cành nho dính kết với cây nho. Cành nho không dính kết với cây nho làm sao sống được? (Ga 15,4-5).
Văn kiện được chia làm ba phần:
I.Phác họa chiều kích chiêm niệm
II.Những đường hướng cho các hội dòng hoạt động.
III.Những đường hướng cho các hội dòng chiêm niệm.
I.PHÁC HỌA CHIỀU KÍCH CHIÊM NIỆM
Chiều kích chiêm niệm là gì?
Xét về cơ bản, chiều kích chiêm niệm là một thực tại ân sủng, qua đó Chúa Thánh Thần cho tín hữu nhận biết Chúa Cha (Ga 14,8), cảm nghiệm được chiều sâu của Thiên Chúa (1Cr 2,10), và hiệp thông với Ba Ngôi cực thánh (1Ga 1,1-3).
Về phía con người, chiều kích chiêm niệm là một sự đáp trả mang tính đối thần bằng đức tin, đức cậy, đức mến. Nhờ đó người tín hữu đón nhận mặc khải và sự hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô và Thánh Thần. Hoặc nói cách vắn gọn, theo Chân Phước Giáo hoàng Phaolô VI, đó là “cố gắng hướng tầm mắt và cõi lòng về Thiên Chúa” (elevatio mentis ad Deum).
Nỗ lực này được bộc lộ trong việc lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, trong việc tôn thờ Bí tích Thánh Thể và lãnh nhận các bí tích, cũng như trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và thánh ý Người, nơi các biến cố thường nhật và nơi việc phục vụ tha nhân.
Nơi các tu sĩ, chiều kích chiêm niệm vừa làm nảy sinh thái độ khiêm tốn tôn thờ Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện nơi con người và nơi mọi biến cố, vừa mang lại nguồn suối bình an trong mọi môi trường hoạt động tông đồ.
Suy tư trên đây, theo Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, mang đến cho các tu sĩ một sự khích lệ quý báu, khả dĩ giúp họ trung kiên làm chứng cho tính ưu việt của mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa (Thông điệp gửi cho khóa họp khoáng đại này).
Văn kiện này được gửi tới ai ? Thưa, độc giả của văn kiện này trước hết là những người tận hiến cho Thiên Chúa, bất kể trong đời tu hoạt động hay chiêm niệm. Văn kiện cũng nhắm tới các hình thức tu hành mới, trong đó khát vọng chiêm niệm được đề cao. Mong rằng qua văn kiện đây, Thánh Bộ này cố gắng soi sáng cho diện mạo chiêm niệm của đời tu ngày càng sáng tỏ hơn khi hiệp thông với Giáo Hội, nhằm phục vụ cộng đồng Dân Chúa.
II.NHỮNG ĐƯỜNG HƯỚNG CHO CÁC HỘI DÒNG HOẠT ĐỘNG
A.Hoạt động và chiêm niệm thấm nhập lẫn nhau
Hoạt động nào ?
Đối với tu sĩ, hạn từ ‘hoạt động’ phải hiểu về “hoạt động tông đồ và bác ái” (DT 8). Các hoạt động này được coi như các tác vụ thánh, bởi lẽ được Giáo Hội ủy thác và được thực hiện nhân danh Giáo Hội.
Đặc điểm của hoạt động này là được thúc đẩy bởi đức mến, trào tràn từ đền thánh thâm sâu của nhân vị; nơi đó có sự hiệp nhất giữa chiêm niệm và hoạt động. Tu sĩ luôn ý thức rằng khi hoạt động tông đồ và làm việc bác ái, là họ tham dự vào sứ mạng của Đức Kitô và Giáo Hội, sứ mạng ấy bắt nguồn từ Chúa Cha và đòi hỏi triền miên đối thoại với Ngài, tức cầu nguyện. Mối nguy luôn đe dọa người tông đồ là để cho mình bị chi phối bởi các hoạt động vì Chúa tới mức lãng quên cả chính Chúa, nguồn của mọi hoạt động.
Chiều kích chiêm niệm hiện rõ trong lãnh vực nào? Thưa, trong kinh nguyện canh tân, trong việc tông đồ và bác ái.
Trước hết trong kinh nguyện: Thánh Bộ phân chia cầu nguyện làm hai cấp:
Đối với những nam nữ tu sĩ đã đạt tới một mức độ cao, về sức sống và cường độ trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô. Tầm nhìn của họ một khi được mở rộng đến những thực tại của thế giới và lịch sử, thì kinh nguyện của họ trở thành việc nhìn nhận, thờ lạy và liên lỷ ngợi khen sự Thiên Chúa, Đấng hiện diện trong vũ trụ và trong lịch sử, như âm vang của một đời sống liên đới với tha nhân, đặc biệt những người bất hạnh.
Ở cấp độ thứ hai, đối với những người thánh hiến nói chung, thiết nghĩ cần có những thời khắc hằng ngày và hằng tuần dành cho việc cầu nguyện, cá nhân hay cộng đoàn, được tổ chức cách chu đáo và kéo dài cách thích hợp. Việc cầu nguyện cũng cần được bổ túc bằng sự hồi tâm đặc biệt hằng tháng và hằng năm.
Trong hoạt động tông đồ và bác ái
Tự bản chất hoạt động tông đồ và bác ái hàm chứa chiều kích chiêm niệm, vì không thông hiệp với Thiên Chúa, thì làm gì có nghị lực và tình yêu để chu toàn, nhân danh Thiên Chúa và Hội Thánh?[1]. Hẳn thật với việc tuyên hứa các Lời khuyên Phúc âm: vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh, nam nữ tu sĩ đã tham gia vào sứ mạng của Đức Kitô, sứ mạng mà họ tiếp nối trong lịch sử nhân danh Ngài.
B. Đổi mới quan tâm đến đời sống trong Thánh Thần
Đời sống trong Thánh Thần là đời sống nội tâm, chan hòa tình yêu Thiên Chúa, do Ngài tràn đổ vào lòng mỗi kitô hữu (x.Rm 5,5).
Để làm tăng trưởng đời sống trong Thần Khí, Thánh Bộ đề xuất những hướng dẫn liên quan đến các phương thế thích hợp nhất, khả dĩ làm nổi bật tương quan giữa chiêm niệm và hoạt động. Đó là Lời Chúa, Thánh Thể, Bí tích Sám hối, các giờ kinh Phụng vụ, lòng tôn sùng Đức Maria và việc thực hành khổ chế.
Lời Chúa
Lắng nghe và suy niệm Lời Chúa là tiếp xúc thường nhật với kiến thức siêu việt về Đức Kitô[2]. Công đồng Vaticano II khuyến khích ta học hỏi khoa học siêu việt này[3]. Tuy nhiên, Lời Chúa là của ăn mang lại niềm vui và sự bồi dưỡng tâm hồn (x. Gr 15,16). Một khi xác tín như thế, Thánh Bộ khuyên ta cống hiến một thời giờ dài hơn cho việc tâm nguyện Lời Chúa.
Thánh Thể
Thánh Thể giữ vị trí trung tâm của đời tông đồ. Việc cử hành Thánh Thể và tham gia tích cực vào việc cử hành này, tạo thành tâm điểm thiết yếu, và cổ võ chiều kích chiêm niệm của mọi cộng đoàn tu sĩ. Do đó các tu sĩ linh mục phải dành chỗ ưu tiên cho việc dâng Thánh lễ mỗi ngày. Còn các tu sĩ nam nữ khác, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, hằng ngày phải tích cực tham dự Thánh lễ và lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong cùng một hy lễ đó[4]. Hơn nữa, vì được quy tụ nhân danh Chúa, các tu sĩ nên quy tụ một cách hữu hình trong cùng một nhà nguyện, nơi có Thánh Thể Chúa Giêsu hiện diện.
Lãnh nhận Bí tích Giao Hòa với lòng sám hối
Trong phép rửa, mọi tín hữu đã nhận được hồng ân hoán cải: từ bỏ ma quỉ, thế gian, xác thịt. Họ phải kiên trì phát triển hồng ân này qua việc lãnh nhận đều đặn và cách xứng hợp Bí tích Giao Hòa. Ngoài ra, để nói lên chiều kích Giáo Hội và huynh đệ của việc cử hành bí tích này, nên tổ chức nghi thức sám hối chung cho cộng đoàn.
Nhằm phát triển chiều kích chiêm niệm trong đời sống thiêng liêng, việc linh hướng cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, các vị linh hướng phải triệt để tôn trọng sự tự do lương tâm của người được hướng dẫn.
Đối với sự hoán cải theo Tin Mừng trong đời sống hằng ngày, thì việc quảng đại khổ chế luôn là một điều không thể thiếu đối với chiều kích chiêm niệm. Vì thế, các cộng đoàn tu sĩ phải xuất hiện trong Giáo Hội không những như cộng đoàn cầu nguyện, mà còn như những cộng đoàn sám hối. Việc sám hối này không chỉ ở trong lòng và mang tính cá nhân, mà còn phải bộc lộ ra bên ngoài[5]. Bằng cách đó, các tu sĩ làm chứng cho mối liên hệ nhiệm mầu giữa từ bỏ và an vui, giữa hy sinh và rộng mở, giữa kỷ luật và tự do. Nên nhớ rằng việc tăng trưởng chiều kích chiêm niệm không thể đi đôi với việc sử dụng cách bất cẩn và bừa bãi những phương tiện truyền thông. Ngược lại, đối với những ai thực tâm đi tìm Thiên Chúa cần kiến tạo những khu vực và thời gian thinh lặng cho bản thân và cho cộng đoàn.
Các giờ Kinh Phụng vụ
Các giờ Kinh Phụng vụ là kinh nguyện công cộng của Hội Thánh có mục đích thánh hóa ngày sống của hàng giáo sĩ và tu sĩ. Nếu họ chú tâm và trung thành với việc này, chắc chắn chiều kích chiêm niệm của đời sống họ tìm được nguồn cảm hứng và bồi dưỡng liên tục. Thật đáng khuyến khích nếu các tín hữu cùng tham dự các giờ kinh phụng vụ này.
Đức Trinh Nữ Maria
Đức Maria là Mẹ và gương mẫu chiêm niệm của các tông đồ sống đời thánh hiến, bởi Mẹ là Trinh Nữ biết lắng nghe và cầu nguyện. Về điểm này, cần ghi lại đây sứ điệp của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi khóa họp này: “Đời sống chiêm niệm của các tu sĩ sẽ bất toàn, nếu không hướng tới tình con thảo đối với Mẹ của Giáo Hội và của các tâm hồn thánh hiến. Tình yêu đối với Đức Trinh Nữ Maria cần được diễn tả qua việc mừng các lễ kính Mẹ, đặc biệt qua việc lần chuỗi Mân Côi…”
C.Linh hoạt cộng đoàn
Cộng đoàn tu sĩ là gia đình được quy tụ nhân danh Chúa[6], nên tự bản chất của nó, chứng nghiệm về Thiên Chúa phải đạt được mức độ sung mãn. Sự sung mãn ấy lan tỏa ra trong nếp sống huynh đệ như cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi: Họ chỉ có một lòng và một hồn sống (x. Cv 2,42; 4,32). Sự tiếp nhận nhau trong tình bác ái góp phần tạo một môi trường giúp các thành viên tăng tiến trong đời sống nội tâm.
Chính vì mục tiêu ấy, cần có một nơi thờ phượng (nhà nguyện) ngay trong cộng đoàn. Nơi đó, mọi người sẽ cùng gặp gỡ Thiên Chúa, nguồn mạch tình yêu huynh đệ (x. 1Ga 4,7). Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể được kính cẩn tôn thờ, sẽ trở thành biểu tượng sống động của sự hiệp thông cộng đoàn.
Bề trên cộng đoàn sẽ đóng vai trò quan trọng. Các ngài phải cổ võ đời sống thiêng liêng và mục vụ của cộng đoàn. Do đó, các ngài không quá bận tâm những công việc thuần túy hành chánh; trái lại phải đặt lên hàng đầu bổn phận làm tăng trưởng đời sống thiêng liêng lẫn tông đồ của anh em.
D.Chiều kích chiêm niệm trong việc huấn luyện đời tu
Việc huấn luyện này bao gồm nhiều mặt: chiêm niệm, Giáo Hội, đặc sủng, trí thức.
1/ Chiêm niệm: Việc huấn luyện đời tu qua các giai đoạn, sơ khởi hay liên tục, nhằm mục đích duy nhất này là giúp tu sĩ có kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa. Phải làm sao cho họ thủ đắc khả năng vun trồng đời sống trong Chúa Thánh Thần bằng cách làm cho hoạt động và nội tâm thấm nhập vào nhau.
2/ Giáo Hội: Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy: “Với ơn gọi của chúng con, chúng con sống cho Giáo Hội phổ quát…nhưng đồng thời biết thích ứng vào các Giáo Hội địa phương trong việc hợp tác xây dựng đời sống thiêng liêng của Giáo Hội này”.
3/ Đặc sủng hay căn tính của Dòng: Nắm vững căn tính của Hội Dòng mình là một trong những yếu tố thiết yếu của việc huấn luyện chiều kích chiêm niệm. Hẳn thật, các đấng lập dòng đã được đun đẩy bởi ân sủng Chúa Thánh Thần. Tìm về nguồn suối ân sủng nguyên thủy này để cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa đối với Hội Dòng mình quả là một điều cấp thiết và quan trọng.
4/ Huấn luyện trí thức vững chắc: Để có một đời sống cầu nguyện và chiêm niệm phong phú và quân bình, cần có một chương trình huấn luyện trí thức vững chắc, thích hợp với ơn gọi và sứ mạng của Dòng mình. Tuy nhiên việc học không nhằm thể hiện chính mình cách ích kỷ hầu đạt được những mục tiêu cá nhân, nhưng trên hết, để có thể đáp ứng những yêu sách của kế hoạch tông đồ trong Hội Dòng và trong Giáo Hội.
E.Cổ võ chiều kích chiêm niệm trong các Giáo hội địa phương
Nhiệm vụ hàng đầu của Giám mục Giáo phận là giúp các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của mình nên thánh, tùy theo ơn gọi của họ[7]. Sau đây là một vài đề nghị cụ thể:
- Đức Giám mục nâng đỡ về mặt thiêng liêng cho những cộng đoàn đã được thiết lập trong giáo phận ngài.
- Ngài làm cho sự hợp nhất giữa giáo sĩ và tu sĩ đạt kết quả mau mắn hơn.
- Ngài chuẩn bị những linh mục có khả năng để đồng hành và nâng đỡ đời sống thiêng liêng và tông đồ cho các nam nữ tu sĩ, phù hợp với căn tính dòng họ.
- Ngài cử các cha linh hướng và giải tội có khả năng về đời sống thiêng liêng cho các nữ tu. Để chuẩn bị cho vai trò thiêng liêng này, thiết tưởng ngay trong chủng viện đã cần có những môn học liên quan đến đời sống thánh hiến.
- Về phần các dòng tu trong giáo phận, trong mức độ có thể nên chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng của mình cho các giáo sĩ, qua các khóa tĩnh huấn hay gặp gỡ cầu nguyện. Các tu viện phải luôn sẵn sàng đón tiếp các linh mục triều, khi các ngài có nhu cầu đến kín múc trong chiêm niệm sức mạnh và sự nâng đỡ cho việc tông đồ của mình.
III. NHỮNG ĐƯỜNG HƯỚNG CHO CÁC HỘI DÒNG CHIÊM NIỆM
Văn kiện này muốn đề cao chiều hướng chiêm niệm trong đời thánh hiến, vì xác tín rằng đây là yếu tố cấu thành ơn gọi tông đồ Kitô giáo (x. Mc 3,14). Thế nên Thánh Bộ qua khóa họp này, một lần nữa, đặc biệt vui mừng nói lên lòng quý chuộng và biết ơn sâu sắc đối với các hội dòng chiêm niệm.
Chính Hội Thánh, tự bản tính, vừa nhiệt thành hoạt động, vừa hiến mình cho chiêm niệm. Chiệm niệm, do đó cũng là mục tiêu mà mọi hoạt động Giáo Hội phải hướng tới[8]. Ý thức về chức năng ân sủng này của các Hội Dòng chiêm niệm, Giáo Hội khuyến khích họ tiếp tục góp phần vào việc mở Nước Chúa ở trần gian.
Trước hết họ phải gìn giữ và nuôi dưỡng di sản thiêng liêng của đời tu chiêm niệm, một di sản mà biết bao người thiện chí đang kiếm tìm trong thế giới hôm nay. Điều này nói lên tính thời sự của đời sống chuyên về chiêm niệm. Công đồng Vatican II có lý khi xác quyết: “Cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết tới đâu, thì các Hội Dòng chiêm niệm vẫn phải luôn giữ địa vị cao quý trong nhiệm thể Đức Kitô. Thực vậy, họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng thiện hảo, làm vẻ vang Dân Thiên Chúa, nhờ những hoa trái thánh thiện dồi dào, và lấy gương lành lôi cuốn, làm cho dân Chúa thêm lớn mạnh bằng những việc tông đồ âm thầm mà phong phú”[9].
Thứ đến, các Hội Dòng chiêm niệm nên ý thức về “mầu nhiệm tông đồ” của mình. Nói rõ hơn, Đời sống chiêm niệm tự căn bản cũng là một việc tông đồ, bởi vì đó là lối sống thuộc về Giáo Hội, nhằm thể hiện sự hiệp thông với Giáo Hội và để chu toàn sứ mạng trọng yếu của Giáo Hội, là chuyên lo làm đẹp lòng Chúa, như Hôn thê thuộc về Lang quân (x. 1Cr 7,32). Tuy nhiên họ cũng có thể mở rộng vòng tay đón nhận những kinh nghiệm mới, chẳng hạn giúp đỡ và tham gia vào kinh nguyện và đời sống thiêng liêng của những người sống bên ngoài. Dĩ nhiên họ vẫn trung thành với tinh thần riêng và truyền thống của mỗi gia đình dòng tu, như luật nội vi và các quy định khác của Giáo luật[10].
Nhu cầu huấn luyện thích đáng
Nếu trong phần II, khóa họp của Thánh Bộ đã nhấn mạnh việc huấn luyện trong các dòng hoạt động, thì đối với các dòng chuyên về chiêm niệm, việc huấn luyện lại càng quan trọng và cấp thiết hơn.
Trước hết phải đặt sự huấn luyện về “linh đạo sa mạc” và khổ chế trên nền tảng Thánh Kinh, Giáo phụ, Phụng vụ, Thần học và Tu đức. Để việc huấn luyện này được nghiêm túc và mang lại kết quả mong muốn, cần chuẩn bị cho các nhà huấn luyện nam, nữ có đầy đủ khả năng trong công tác này.
Đối với các đan viện lẻ loi, thiếu phương tiện đào tạo, cần sự giúp đỡ đặc biệt trong lãnh vực này. Ở đây Thánh Bộ lưu ý cách riêng các đan viện ở tại các vùng xa xôi thuộc Bộ Đông Phương và Bộ Loan Báo Tin Mừng. Sự hợp tác hỗ tương liên bộ sẽ mang lại nhiều hoa trái cho đời chiêm niệm địa phương.
Thánh Bộ mong rằng các Đấng Bản Quyền địa phương đặc biệt quan tâm lo lắng cho các dòng chiêm niệm, để làm sao sự hiện diện và sứ mạng của các đan viện đó trong các Giáo Hội địa phương thực sự trở thành ân huệ, phản ảnh các đoàn sủng đa diện, nhằm phục vụ toàn thể Dân Chúa.
Cuối cùng khóa họp của Thánh Bộ muốn bày tỏ sự quý chuộng đối với các nữ đan viện có nội vi giáo hoàng. Nội vi giáo hoàng hẳn thật có mục đích nói lên tính “xa lìa thế gian” của đời chiêm niệm, một đời sống “đi tìm Chúa trong cô tịch”.
Tuy nhiên các đan viện này cũng được Công Đồng Vatican II khuyên mời “hãy canh tân thích đáng luật lệ cho phù hợp với những điều kiện riêng biệt về thời gian và nơi chốn”[11].
Nhận định & Kết luận
Chúng ta vui mừng vì chiều kích chiêm niệm của đời tu được nhấn mạnh trong văn kiện này. Chúng ta tin chắc rằng cuộc sống đan tu, tự bản chất là chiêm niệm, vẫn mang tính thời sự trong Cộng đồng Dân Chúa ở thiên niên kỷ III.
Qua văn kiện này, chiều kích chiêm niệm được xác định rõ ràng hơn bao giờ hết. Đời tu được định nghĩa như một sequela Christi, đi theo Chúa Kitô. Đi theo cũng đồng nghĩa mang lấy những tâm tình của Ngài (x. Pl 2,5), là sống thông hiệp với Ngài, để qua Ngài, ta thông hiệp với Chúa Cha trong Thánh Thần (x. 1Ga 1,3).
Văn kiện này dành phần lớn (phần II) để đề cập chiều kích chiêm niệm nơi các Hội Dòng hoạt động. Phải chăng khuynh hướng duy hoạt động và duy thực dụng của thế giới hôm nay đã ảnh hưởng phần nào trên công cuộc mở Nước Chúa. Khóa họp đã có nhận xét rất chính xác: “Các tu sĩ bị cuốn hút bởi các công việc vì Chúa mà quên lãng chính Chúa”.
Sau gần hai mươi năm áp dụng giáo huấn của Công Đồng Vatican II về việc thích nghi đời tu, Thánh Bộ ghi nhận những sáng kiến tích cực và đầy sáng tạo của các dòng tu. Tuy nhiên vì tính yếu đuối nhân loại, Thánh Bộ thấy xuất hiện đó đây những mặt tiêu cực cần chỉnh sửa chẳng hạn về đời sống phụng vụ, về nếp sống cộng đoàn, nhất là về đời sống nội tâm. Do đó, Thánh Bộ khuyên mọi tu sĩ hãy nhiệt thành tham gia nếp sống chung, các giờ phụng vụ chung, đặc biệt Thánh lễ mỗi ngày.
Thiết nghĩ chúng ta, tu sĩ hoạt động hay chiêm niệm, cần ghi tâm khắc cốt lời sau đây: “Chiều kích chiêm niệm thực sự là bí quyết để canh tân tất cả đời sống tu trì; chiều kích chiêm niệm đổi mới toàn diện hành trình theo Đức Kitô, vì một khi có kinh nghiệm về Đức Kitô, tu sĩ mới có thể trở thành chứng nhân đích thực cho Người, trong tư thế của một người đã NGHE Người, đã NHÌN tận mắt, đã CHÊM NGƯỠNG và ĐỤNG CHẠM tới Người (x. 1Ga 1,1). Người tu sĩ càng mở rộng đón nhận chiều kích chiêm niệm bao nhiêu, càng lưu tâm đến những đòi hỏi Nước Trời bấy nhiêu” (số 30).
Hội Dòng Xitô Thánh Gia cần tái khám phá giá trị chiều kích chiêm niệm của Dòng mình. Chính Đấng sáng lập của chúng ta ngay khi còn là một vị thừa sai ở giáo phận Huế, đã khẳng định trong một bức thư gửi Đức Cha J.Allys, rằng đời tu chiêm niêm không phải là chuyện đời xưa. Lịch sử bách niên của Hội Dòng Xitô Thánh Gia chứng minh điều đó. Dĩ nhiên lác đác đó đây cũng có những thành viên thích “tu động” hơn “tu chiêm” trong cô vắng tĩnh mịch. Văn kiện này sẽ là một tiếng chuông vừa cảnh tỉnh vừa khích lệ những đan sĩ thực tâm đi TÌM CHÚA !
[1] GH 44.
[2] x. DT 6.
[3] x. MK 25.
[4] x. PV 55.
[5] x. PV 110.
[6] x. DT 15.
[7] x. GM 15.
[8] x. PV 2.
[9] DT 7.
[10] x. LH 25.
[11] DT 16.
THÁNH BERNARD
& SỰ PHÁT TRIỂN
CỦA HỘI DÒNG XITÔ THÁNH GIA
FM. Martino Phạm Thanh Toàn
Vấn đề
Những điều trổi vượt đã hiển nhiên nơi thánh Bernard làm cho chúng ta ngạc nhiên và thán phục. Tầm ảnh hưởng cá nhân đã rất lớn từ khi vào Dòng Xitô, bằng chứng là đã có khả năng thu phục ba mươi tâm hồn vào Dòng một lúc cùng với mình. Tầm ảnh hưởng cá nhân trong Giáo Hội khi làm trung gian hòa giải những tranh chấp nội bộ; nhà giảng thuyết lừng danh, thậm chí rao giảng cuộc thánh chiến… Còn trong Dòng Xitô, ngay lúc sinh thời, thánh Bernard đã chứng kiến sự phát triển cực thịnh của Xitô với 343 đan viện, và riêng nhánh Clairvaux do Ngài đứng đầu con số cũng đã lên đến 165 đan viện.
Hội Dòng Xitô Thánh Gia vừa tròn trăm tuổi. Sự nghiệp của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đạt đến đỉnh cao nơi 12 đan viện với gần 1.200 đan sĩ, chiếm một nửa số thành viên của toàn Dòng Xitô hiện nay.
Vấn đề đặt ra là những yếu tố nào làm cho Dòng Xitô thời Cha Thánh Bernard phát triển cực thịnh? Và tuy không thể so sánh nhưng cũng tự hỏi cùng một câu hỏi đối với sự phát triển của Hội Dòng Xitô Thánh Gia?
Trong bài viết này xin mạo muội phân tích vài yếu tố nền tảng làm phát triển đời sống đan tu Xitô của Cha Thánh Bernard: việc giáo dục tri thức (la discipline intellectuelle) và lòng đạo đức (hay tu đức) được cụ thể trong lối sống khiêm nhường và kỷ luật[1]. Âu đó cũng chính là những yếu tố đối trọng khả dĩ phát triển đời sống Đan tu Xitô Thánh Gia trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
1.Giáo dục tri thức
Như chúng ta đã biết, thân phận con người, ngoại trừ những “thần đồng”, đều phải được giáo dục, huấn luyện và không ngừng trau dồi những kỹ năng để làm người. Thánh Phụ Bernard của chúng ta không phải là một thần đồng; ngài đã được hấp thụ một nền giáo dục chu đáo tiệm tiến từ môi trường gia đình, học đường cho đến môi trường đan tu.
“Cứ xem quả thì biết cây” (Lc 6,44). Một nhân cách lớn như Thánh Phụ Bernard cũng đã phản ánh một nền giáo dục của gia đình ngài. Sinh vào khoảng năm 1090. Cha ngài là một bá tước trong vùng, nhiều đất đai và được coi là trung lưu thời đó. Là con thứ ba trong bảy anh chị em, Thánh Bernard mồ côi mẹ lúc 17 tuổi. Nhưng từ khi lên 10, ngài đã được gửi theo học tại trường Saint-Vorles vùng Chatillon-sur-Seine. Chỉ theo học đến Trivium, (premier cycle) mà ngài đã thủ đắc sâu sắc ngành văn chương, văn phạm, hùng biện và biện chứng với các nhân vật nổi tiếng như Horace, Juvenal, nhất là Ciceron và Virgile như chuẩn mực văn chương thời bấy giờ, đặc biệt về Kinh Thánh và Giáo phụ. Từ khi mồ côi mẹ, cậu Bernard có lẽ cũng như các thanh thiếu niên thời đó, đang ở tuổi tìm lối bước vào đời.
Với vốn liếng đời sống đạo đức và tri thức xuất chúng của mình, vào năm 22 tuổi (1112) thánh nhân cùng với 30 người thân thuộc và bạn bè bước vào ngõ rẽ mới: dấn thân vào đời sống Đan tu Xitô vừa mới thành lập ít lâu. Từ đây khởi đầu một giai đoạn giáo dục tri thức mới.
Có một sự tương hợp rất đặc biệt giữa thánh Bernard và Dòng Mới (Novum Monasterium). Trong khi linh đạo nguyên thủy của Dòng Xitô là trung thành giữ luật Cha Thánh Biển Đức, xây dựng một cộng đoàn sống cô tịch, nghèo khó và đơn giản, tất cả chỉ vì tình yêu Chúa Kitô mà thôi[2], thì đối với thánh Bernard, như cá gặp nước, từ đây ngài hít thở bầu khí đậm đặc của lối sống khổ hạnh và nhất tâm phụng sự Chúa trong lối sống mới này. Nói cách khác, thánh Bernard đã được nhào nặn sự hiểu biết thâm sâu của mình trong môi trường giáo dục đan tu, cách riêng giáo dục tri thức một cách nghiêm túc. Giáo huấn của các Viện Phụ Tiên Khởi của Xitô đã được lưu truyền trong các tài liệu của Xitô nguyên thủy, nhất là trong Văn liệu nhỏ (Exordium parvum).
Trước tiên, tinh thần triệt để giữ Luật Thánh Phụ Biển Đức thể hiện trong thái độ của các đan sĩ muốn đặt mình dưới sự bảo vệ của Luật. Nói theo ngôn ngữ chúng ta ngày nay: giữ luật thì luật giữ mình; có điều là tinh thần triệt để ấy rất nổi cộm đến nỗi các Đan sĩ Xitô nguyên thủy xác tín rằng, nhờ ơn Chúa, họ sẽ không còn lỗi Luật dòng nữa, sống nhiệm nhặt và nghiêm khắc hơn, loại bỏ tất cả những gì xâm hại đến sự thuần khiết của Luật này.
Thứ đến, sự cô tịch là môi trường, là khung đời sống để giữ Luật cách nghiêm minh. Bảo tồn sự cô tịch này cũng là xây dựng sự quies monastica (thinh lặng đan tu) vốn thực sự cần thiết để hướng tới đời sống chiêm niệm. Trong Exordium Parvum (Văn liệu nhỏ), lưu giữ toàn văn Sắc lệnh miễn trừ của Đức Thánh cha Pascal đối với Dòng Xitô vào thời Cha Thánh Alberico, có nhắc đến nét son của Dòng (chương XIV,9): để xứng đáng với ân huệ này, các đan sĩ hãy cố gắng trau dồi tình yêu và lòng kính sợ Chúa; vì thế, càng xa lánh sự ồn ào của thế gian và những sự xa hoa của nó, các đan sĩ sẽ càng muốn đẹp lòng Chúa hơn với cả lòng trí của mình.
Sau cùng, một nếp sống nghèo khó và đơn giản vì tình yêu Đức Kitô cũng được theo đuổi cách triệt để. Theo gương Đức Kitô nghèo khó không những trong tinh thần mà cả bề ngoài để trở nên chiến binh Chúa Kitô trong cuộc chiến thiêng liêng của Ngài. Sống nghèo khó đơn giản là cách khám phá các kho tàng nhân đức. Lối sống nghèo khó ấy của Xitô còn thể hiện cả trong phụng vụ nữa.
Tóm lại, chỉ sau ít năm vào Dòng, thánh Bernard đã thực sự là một Đan sĩ Xitô kiểu mẫu. Chính Linh đạo Xitô đã nhào nặn nên một Bernard với trí thức của con người toàn diện, con người thánh thiện, đến nỗi tầm ảnh hưởng của ngài làm chúng ta ngạc nhiên, và chính đời sống thánh thiện của ngài làm cho Dòng Xitô phát triển.
2.Yếu tố đặc thù của Thánh Bernard làm cho Dòng Xitô phát triển: sự thánh thiện
Như chúng ta biết, thánh Bernard không phải là Đấng sáng lập Dòng Xitô, không thay đổi bất cứ điều gì từ các văn liệu đến tinh thần dòng, nhưng ngài lại là tác giả sự phát triển của Dòng Xitô và là bậc thầy linh đạo của Dòng. Sinh thời, Dòng Xitô phát triển cực thịnh phần lớn nhờ vào hương thơm thánh thiện của ngài.
Thật vậy, qua các văn liệu cho thấy trong suốt thời gian làm viện phụ, sự cuốn hút của Bernard đã lên cao trào. Hơn nữa, ngài được ban cho ơn biện phân sắc bén để hỗ trợ lời giảng như thể ngài là người có uy quyền và thông minh trổi vượt trên người khác. Cách riêng, giáo huấn của ngài đối với anh em trong dòng. Ngài giáo huấn trước rồi mới ghi lại thành sách sau để chúng ta tiếp cận. Bên cạnh đó, ngài đã đào tạo nhiều thế hệ bậc thầy cũng như làm cho con số các đan sĩ của toàn Dòng Xitô gia tăng.
Những công trình đồ sộ tuy đã nói lên nhiều tầm ảnh hưởng của thánh nhân đối với sự phát triển của Dòng, nhưng sẽ rất khiếm khuyết khi quên rằng khả năng làm thấm nhập giáo huấn của mình vào đời sống các tâm hồn mới là chính yếu. Thánh Bernard đã thực hiện được điều này. Các tài liệu văn bản và các trường phái linh đạo của thánh Bernard cho phép chúng ta hiểu điều này.
Đã có rất nhiều tác phẩm được xuất bản với danh nghĩa thánh Bernard. Phải chăng đây có sự không ngay lành cố tình khi muốn dùng danh nghĩa nổi tiếng của thánh nhân để bảo hộ cho tác phẩm của mình? Không hẳn như vậy. Khi soạn thảo hay biên tập các tác phẩm xem có phải đích thực của thánh nhân không, thấy rằng các tác giả đều chân nhận thánh Bernard là bậc thầy đời sống của chính họ và các chủ đề đều là những vấn đề chiêm niệm. Ngoài ra, bên cạnh những bản văn đích thực còn có những cuốn sách “ngoại thư” suy niệm cuộc đời, sự khổ nạn của Chúa Kitô, suy gẫm sự đau đớn của Đức Mẹ… đều là hoa trái do hoạt động của thánh nhân mang lại[3].
Đời sống thánh thiện của thánh Bernard còn được minh chứng trong chính Trường phái Linh đạo Xitô do ngài thiết lập. Trường phái này được giới hạn trong thế hệ văn chương thế kỷ XII và XIII vào một nhóm tác giả có tên là Trường phái Clairvaux (Claravaliens). Trong trường phái này, thánh Bernard là đầu tàu và là người gợi hứng cho sự hình thành những suy tư về tình yêu và chú giải theo nghĩa luân lý về sách Diễm Ca. Viện phụ Guillaume của Đan viện Saint Thierry đồng liêu cũng là môn đệ của thánh Bernard được xếp hàng đầu về chủ đề này. Thánh Aelred, Viện phụ Rievaux, Dom Wilmart, thánh Guerric Viện phụ Igny, thánh Isaac Viện phụ Đan viện Sao Sáng đều là những tác giả thiêng liêng dưới tầm ảnh hưởng của thánh Bernard. Trường phái Thư từ (Les Correspondants), trường phái Phanxicô, trường phái Pháp sau này có thể nói đã làm nổi bật tầm ảnh hưởng của thánh Bernard.
Như vậy, đời sống thánh thiện có tác động dây chuyền của thánh Bernard qua chứng từ của các trường phái Linh đạo Xitô đã làm cho Dòng phát triển sâu rộng và bền vững.
Một chiều kích khác, tuy ít được để ý nhưng dường như lại là hồn của sự phát triển bền vững đời sống đan tu trong Giáo Hội: đó là đời sống thần bí. Nói cách khác, không chỉ thánh Bernard, các thánh là chứng nhân sự thân mật với Chúa, mà sự thân mật ấy trong mức độ Chúa cho, chúng ta gọi là thần bí. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa không gì khác hơn là tương quan huyền nhiệm giữa con người với Thiên Chúa của mình.
Trong khảo luận về các cấp độ của tình yêu, tuy không phải là khám phá của ngài – thánh Bernard đã bàn về điều này – nhưng trường phái của ngài trong bối cảnh đời sống Đan tu Xitô, thánh Bernard làm nổi rõ lên “sự kín nhiệm” của đời sống này. Các đan sĩ sẽ phải thanh luyện mình cách tiệm tiến cũng như phối hợp hài hòa các cấp độ tình yêu của mình để đạt được đỉnh cao là “yêu mình vì Chúa”, là tình yêu Agapê, là tình bạn có khả năng hiến thân cho nhau: không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình, thánh Gioan đã nói như thế (x. Ga 15,13). Chúng ta đều biết và công nhận thánh Bernard cũng là một nhà truyền giáo đại tài, làm cho Dòng phát triển đã đành, những cuộc hòa giải hết sức khó khăn như vụ việc hai giáo hoàng trong Giáo Hội lúc đó (năm 1130 hai giáo hoàng được bầu cùng lúc: Innocent II và Anaclet II). Những gì được xem là thành công của ngài đều xuất phát từ tương quan thần bí với Thiên Chúa: ngài sống đời cầu nguyện sâu thẳm.
Cho đến hôm nay, có lẽ vẫn không ai dám so sánh sự phát triển của Dòng Xitô do ảnh hưởng của thánh Bernard với sự lớn mạnh của Hội Dòng Thánh Gia tại Việt Nam nhờ vào ảnh hưởng của Cha Tổ Phụ Henri Denis Biển Đức Thuận, cho dù ngài là vị sáng lập và là đối trọng chính yếu đã gieo trồng, xây đắp và làm cho phát triển đời sống đan tu tại Việt Nam. Bởi vì, thời của thánh Bernard đã là quá khứ, bản thân Cha Biển Đức Thuận cũng đã ‘thành người thiên cổ’, thời thế cũng đã thay đổi quá nhiều!
Vì vậy, chúng ta không nên quá lạm dụng những dữ kiện lịch sử (sự thánh thiện, tri thức, tài khéo, thành công,…của các ngài) để minh chứng sự phát triển của ơn gọi Đan tu Xitô do ảnh hưởng siêu vời của các ngài. Mục đích chúng ta nhắm đến bây giờ chính là với tư cách con cái và là những người kế thừa…chúng ta phải làm gì, có trách nhiệm thế nào đối với sự phát triển của Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Hội Dòng mà hôm nay đang kỷ niệm 100 năm hiện diện trên Đất Việt.
3.Viễn ảnh phát triển của Hội Dòng Xitô Thánh Gia
Ngày nay, các Đan sĩ Xitô Thánh Gia, con cái của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin. Sự bùng nổ thông tin này vốn bị xem là rất đối nghịch với lối sống đan tu truyền thống trong Giáo Hội, từ cổ đại cho đến đương đại. Vậy, những yếu tố nào sẽ làm lực đối trọng để Hội Dòng Xitô Thánh Gia phát triển một cách lành mạnh trong bối cảnh hiện nay? Nói cách khác, trong môi trường “lũ lụt” thông tin do nhiều phương tiện truyền thông mang đến, lại là những phương tiện truyền thông rất hiện đại, làm cho đan sĩ chúng ta ngày nay dễ dàng ngụp lặn trong sự ồn ào của thế giới, cho dù vẫn sống trong nội vi đan viện một cách bình thường. Vậy, chân dung đan sĩ thời nay sẽ được phác họa như thế nào, ít nhất cho đến lúc này, trong khi mừng Bách Chu Niên thành lập Dòng Xitô tại Việt Nam?
Thiết tưởng giáo huấn của Đức Thánh cha Phanxicô trong Tông huấn Hãy vui lên và Nhảy mừng lên (Gaudete et Exsultate) cho chúng ta một định hướng thật rõ ràng: “Với thời gian trôi qua, nhiều người đã nhận ra rằng không phải kiến thức làm cho chúng ta nên tốt hơn hay biến ta thành những vị thánh, nhưng chính là chất lượng đời sống của mình”[4]. Với giáo huấn này của Đức Thánh cha Phanxicô, chúng tôi mạnh dạn nhắc lại những nguyên lý nền tảng bất biến làm phát triển Hội Thánh cho dù thời gian có thiên biến vạn hóa. Đó là giáo dục tri thức (discipline intellectuelle) và đời sống thánh thiện (la vie de sainteté). Câu trích dẫn Tông huấn trên đây của Đức Thánh cha Phanxicô không hề hàm ý coi thường việc trau dồi kiến thức, trái lại khi nói “chất lượng cuộc sống” thì luôn giả thiết một tri thức khả dĩ để nhận biết chất lượng của cuộc sống mình. Tri thức đó, theo cách hiểu nôm na là kiến thức thủ đắc đã được “tiêu hóa”, nó có khả năng hướng tới một đời sống thánh thiện.
Để đào tạo các Đan sĩ của mình, Hội Dòng Thánh Gia cũng đã tuân thủ nghiêm mật những qui chế đào tạo đời tu do Hiến Pháp qui định và những chỉ thị quan trọng của Giáo Hội trong việc đào tạo linh mục,… tiệm tiến qua các giai đoạn nhất định. Vậy thì đâu cần bàn đến việc giáo dục tri thức nữa? Về nguyên tắc thì đúng như vậy. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể khách quan của xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, chúng ta đều biết rằng giáo dục gia đình và giáo dục học đường không tương hợp với kỳ vọng của giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ, vì giáo huấn ấy giả thiết sự nhận thức của một người đã có một nền giáo dục phổ quát. Chẳng hạn, việc khai tâm triết sử cho học sinh, sinh viên tại Việt Nam là một điều xa xỉ, triết học Marx – Lênin là số một và duy nhất!
Đời sống đan tu nói chung, nhất là trong một đan viện tự trị, và đó cũng là quan niệm của Thánh Biển Đức khi nói: viện phụ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về những người đã được ủy thác cho mình[5]. Viện phụ với sự hỗ trợ của Hội Đồng Cố Vấn và Hội Đồng Đan Viện có trách nhiệm đề ra những phương án cụ thể cho việc giáo dục tri thức của cộng đoàn mình. Ngoài những yếu tố không thể giản lược như giáo dục phổ thông, các môn học bắt buộc của Giáo Luật đối với các giai đoạn huấn luyện đời tu, chương trình đào tạo linh mục, còn phải lưu ý đặc biệt đến thường huấn hàng năm, những buổi thuyết trình chuyên đề do chuyên viên hay chính anh em linh mục trong Dòng đảm nhận… Nhưng trên hết, mỗi đan sĩ sẽ là người đào tạo chính mình, sao cho “tứ oai nghi” của mình ra một thầy dòng. Đi, đứng, nằm, ngồi, học ăn, học nói, học gói học mở,…tất cả đều nằm trong giáo dục tri thức của một con người, để họ biết sống hài hòa với chính mình và với mọi người hầu đạt đến tầm vóc của con người toàn diện. Đó cũng là giáo huấn của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận: “Chúng ta đã biết, làm nên một thầy dòng thật, nên một thầy dòng thánh không phải dễ đâu (…). Song chắc hơn cả là giữ Luật Dòng cho kỹ, giữ cho trọn trong các sự nhỏ mọn cũng như trong những điều trọng. Như giữ con mắt mà giữ khéo cho ra tự nhiên, chớ giữ cách chau mày nhăn mặt quạu cọ kẻo khó coi. Giữ chân tay cho nết na. Giữ cách đi đứng cho nghiêm trang, cho ra một thầy dòng. Hãy yêu mến tôn kính bề trên, hãy kính yêu anh em. Điều khó hơn hết là bỏ ý riêng chúng ta mà kết hiệp cùng Chúa, chịu khó hãm mình đền tội, cho được cộng tác với Chúa trong việc cứu rỗi linh hồn người ta”[6].
Nói đến giáo dục tri thức là nói đến kỷ luật (discipline). Chương trình đào tạo được thành toàn nơi một con người ở mức viên mãn nhất tùy thuộc vào yếu tố kỷ luật. Chúng ta đã nghe nói đến tinh thần kỷ luật, đến môi trường kỷ luật (trường học) và những biện pháp kỷ luật. Những ai thích giáo dục bằng sự tự do, nghĩa là trao cho người thụ huấn quản lý và sử dụng tự do của mình, thì người đó, hơn ai hết đã thấu triệt tinh thần kỷ luật thực sự, bởi lẽ giáo dục một con người là làm cho người ấy thực sự tự do sống cuộc đời của mình như bản chất và mục đích mà Thiên Chúa đã nhắm tới ngay từ đầu. Theo nghĩa này, cả người huấn luyện và thụ huấn đều đạt được ý thức tự giác cao: chấp nhận kỷ luật với tinh thần tự do nhất. Khi nào người ta thực sự tự do sống cuộc đời của mình, chừng đó mới có khả năng thi hành sứ vụ. Sứ vụ của những người sống đời đan tu chiêm niệm là: “Hằng tìm Chúa, nói khó với Chúa, chuyện vãn với Chúa, kết hiệp với Chúa”[7]. Nói cách khác, thi hành sứ vụ đan tu khi thanh luyện tương quan của ta với vạn vật sao cho đạt đến cuộc sống thân mật với Tạo Hóa với một chất lượng thượng thặng, chất lượng thượng thặng nhất mà chúng ta nhắm tới chính là đời sống thánh thiện.
Tóm lại, việc tôn vinh các thánh trong Giáo Hội nói lên lòng biết ơn các ngài đã dấn thân xây dựng cơ đồ Hội Thánh bằng chứng tá là chính máu và trọn vẹn cuộc sống của mình. Suy tư về Thánh Phụ Bernard của Dòng Xitô, như chúng ta vừa gợi nhớ, không phải để “kính nhi viễn chi”, chiêm ngưỡng từ xa các nhân đức anh hùng của ngài. Nếu như thánh nhân là “tác giả” sự phát triển của Dòng Xitô Nguyên Thủy xuyên qua các nhân đức nổi bật của ngài: trau dồi con người toàn diện và triệt để sống thánh thiện, mỗi thành viên Hội Dòng Thánh Gia chúng ta hôm nay có lẽ không thể làm gì khác hơn “linh đạo” của ngài để phát triển Hội Dòng. Chỉ có điều là ngày nay những thách đố có vẻ khốc liệt hơn.
Bởi vậy, để duy trì và phát triển những tinh hoa truyền thống của ơn gọi đan tu chiêm niệm, các Đan sĩ Thánh Gia chúng ta cần đề cao cảnh giác để không bị lôi cuốn vào các luồng thông tin vô bổ đến từ các phương tiện truyền thông hiện đại. Đồng thời các đan sĩ cũng hãy làm dậy lên tinh thần sám hối, nuôi dưỡng lòng khao khát tìm kiếm Thiên Chúa trên tất cả mọi sự, như Thánh Biển Đức đã từng nhắc nhở: Đan sĩ là người nhất tâm tìm kiếm và phụng sự một mình Thiên Chúa, Đan sĩ là người không lấy gì làm hơn tình yêu Chúa Kitô[8].
Để thực hiện được điều này, trước hết các đan sĩ cần phải được giáo dục cách toàn diện, trong đó việc giáo dục tri thức được coi như là lực đối trọng làm phát triển đời sống đan tu nói chung và Đan tu Xitô Thánh Gia nói riêng trong đệ tam thiên niên kỷ này. Có như thế thì việc mừng kỷ niệm Bách Chu Niên năm nay của Hội Dòng sẽ là một biến cố tràn đầy ý nghĩa không chỉ cho các Đan sĩ Thánh Gia mà còn cho tất cả mọi tâm hồn thành tâm thiện chí kiếm tìm Thiên Chúa.
[1] x. TL 7,9.
[2] Trong bài viết này chúng tôi sử dụng phần lớn tài liệu trong cuốn Spiritualité cistercienne – Histoire et doctrine, Paris, Beauchesne, 1998. Đoạn tham khảo trên đây, xem Edmond Mikkers, “Robert de Molesme”, trang 432 và 437-439: tóm lược nội dung của Văn liệu nhỏ (Exordium parvum E.P).
[3] Có khoảng 120 đầu sách mang dấu ấn của thánh Bernard, cho thấy lòng sùng mộ của tín hữu cũng như ảnh hưởng đời sống thánh thiện sâu xa của Thánh Bernard. (x. Sđd. tr.94).
[4] ĐTC. Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 47.
[5] x. TL 2,37.
[6] DN, số 135.
[7] DN, số 141.
[8] x. TL 4,21.
THÁNH GIA NAZARET:
CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN
ĐỊNH HƯỚNG CHO HỘI DÒNG TƯƠNG LAI
Duyên Thập Tự
Trong cuộc thanh tra dòng Đức Bà Việt Nam, cũng gọi là Phước Sơn, được Viện phụ Andre Drillon, bề trên Đan viện Lérins và đặc phái viên của Tổng Hội Xitô, thực hiện, vấn đề danh hiệu của hội dòng tương lai được đặt ra. Chúng ta hãy nghe tác giả cuốn Hạnh Tích Cha Henri Denis (Cố Thuận) thuật lại sự kiện này.
“Buổi chiều hôm ấy, ngài hội anh em cho biết cuộc thanh tra đã kết liễu. Nhưng còn một điểm nữa là lấy tước hiệu nào để đặt tên cho chi dòng Đức Bà mới này. Vì sau khi nhập Xitô, dòng sẽ được đứng riêng thành một chi dòng. Ví dụ nay ta gọi là nhà dòng Đức Bà Việt Nam, thì sau đứng riêng, chi dòng sẽ nhận tên nào? Cả cộng đồng ai nấy hớn hở đua nhau góp ý kiến: nào là chi dòng Đức Mẹ Vô Nhiêm Nguyên Tội, nào là chi dòng Đức Bà Cực Thanh Cực Tịnh, Đức Bà Chỉ Bảo đàng Lành, Đức Bà là Mẹ Đức Chúa Trời. Sau khi cả cộng đồng đã đề nghị rồi, đến lượt cha lên tiếng. Ngài nói tước hiệu Đức Bà là Mẹ Đức Chúa Trời thật hay lắm, vì Toà Thánh ban sắc lập dòng chính ngày lễ ấy (11.10), song cha tưởng có tước hiệu khác hạp hơn, dòng chúng ta không đi giảng, không đi dạy, không làm việc phước thiện cho đồng bào như giúp kẻ liệt, coi nhà thương chẳng hạn, chúng ta chỉ ở trong nhà chuyên môn đọc kinh cầu nguyện cho người ngoại giáo, noi gương Ba Đấng ở Nazareth xưa, nên ta nhận tước hiệu Chi Dòng Thánh Gia là hơn cả. Cộng đồng hoan hô ý tưởng cao thượng! Chúng con rất đồng ý. Đồng thời ngài cho biết đức Thanh Tra rất hài lòng về chúng tôi, nhưng còn đệ nạp Bề Trên Cả và chờ đại hội quyết định.”
Nhân dịp Nội San Hạt Giống Chiêm Niệm dành số 23 để đề cập đến Hội Dòng, tôi xin được mạn phép chia sẻ một vài suy nghĩ về việc Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận và thế hệ đầu tiên đã chọn Thánh Gia như là định hướng cho Hội Dòng (ngày xưa còn gọi là Chi Dòng). Về linh đạo Thánh Gia Nazareth, chúng ta đã biết khá rõ nhờ các bài viết hay những bài thuyết trình. Và ý hướng của Cha Tổ Phụ cũng đã minh nhiên như trình thuật trên kia. Tôi chỉ xin maọ muội nêu lên một vài điểm trong mối tương giao giữa Thánh Gia Nazareth và Hội Dòng Xitô Thánh Gia. Trước hết, Thánh Gia bao gồm những con người được kêu gọi. Tiếp đến, những con người đó cùng thi hành thánh ý Thiên Chúa. Cuối cùng, Thánh Gia mang trong mình sứ vụ cứu độ.
1.THÁNH GIA: NHỮNG CON NGƯỜI ĐƯỢC KÊU GỌI
Một hình ảnh Thánh Gia Nazareth trở nên quen thuộc với chúng ta, đó là một gia đình gồm ba người đang lao động. Thánh Giuse đang cưa, đục thanh gỗ. Mẹ Maria thì may vá. Còn Chúa Giêsu bên cạnh Thánh Giuse để giúp công việc. Đây là một trong những hình vẽ phổ biến trong toàn Giáo Hội. Thánh Gia Nazareth là một gia đình đang âm thầm lao động, trong yêu thương, cầu nguyện và bình an. Chắc chắn đó là bầu khí của Thánh Gia Nazareth. Nhưng, nhưng theo thiển ý của tôi, hình ảnh đó là hoạt cảnh sau của giai đoạn đầu rất quan trọng, nếu không muốn nói là mang tính quyết định. Giai đoạn đầu tiên, đó là được kêu gọi. Thánh Gia Nazareth phải là một gia đình mà mỗi thành viên đã được Thiên Chúa kêu gọi.
Trước hết, Chúa Giêsu. Chúng ta không biết Chúa Cha đã kêu gọi Con của Người như thế nào, lúc nào. Nhưng có một điều chắc chắn là Người đã kêu gọi Con Một nhập thể, đến trần gian, sống trong một gia đình nhân loại. Lời mời gọi của Chúa Cha đến với Ngôi Hai – nếu chúng ta có thể nói được như vậy – phát xuất từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một” (Ga 3,16a). Đây là lời kêu gọi quan trọng nhất mang tính quyết định cho tất cả những gì xảy ra sau này. Chúng ta đặt giả thuyết: nếu không có lời mời gọi mà Chúa Cha nói với Chúa Con, thì sẽ chẳng bao giờ có Thánh Gia Nazareth. Thánh Gia Nazareth là hoa trái của Lời Yêu Thương Chúa Cha gửi đến với Con Một của Người. Như vậy, chúng ta nhận ra cái “hồn”, cái “cao quí”, điều “giầu sang vô biên” của Thánh Gia Nazareth. Giá trị của Thánh Gia Nazareth phát xuất từ Thiên Chúa, từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời mời gọi của Thiên Chúa Cha, sự sẵn sàng đáp lời của Chúa Con và quyền năng của Chúa Thánh Thần vào cuộc: tất cả đã hình thành nên một tuyệt tác là Thánh Gia Nazareth.
Tiếp đến là Mẹ Maria. Chúng ta đã thuộc lòng trình thuật Truyền Tin được thánh sử Luca viết trong Tin Mừng thời thơ ấu của Chúa Giêsu (x. Lc 1,26-38). Trong cuộc gặp gỡ với Sứ Thần Gabriel, những lời đối thoại giữa Sứ Thần và Đức Trinh Nữ, diễn tả một điều vừa ấn kín vừa mang tính quyết định: đó là lời mời gọi của Thiên Chúa. “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạn một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao… Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa…” Lời mời gọi của Thiên Chúa như một đề nghị với Đức Trinh Nữ Maria nhưng đã là một quyết định về phía Thiên Chúa. Và Mẹ Maria đã chấp nhận sáng kiến này của Thiên Chúa. Thánh Gia Nazareth đã được thành hình bởi quyết định của Thiên Chúa chứ không phải của con người. Nếu có sự cộng tác của con người, thì đó là việc làm cho quyết định đó được hiện thực một cách dễ dàng. Điều quan trọng vẫn là quyết định. Thiên Chúa quyết định, và cả Ba Ngôi Thiên Chúa vào cuộc để thực hiện. Như vậy, Thánh Gia Nazareth là công trình của Thiên Chúa, công trình của lời mời gọi của Thiên Chúa.
Và cuối cùng là Thánh Giuse. Trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, “bà Maria đã thành hôn với ông Giuse” (Mt 1,18). Đây là ý định và sinh hoạt bình thường của những người trưởng thành trong một xã hội. Đó là thành lập một gia đình như bao gia đình khác. Nhưng vì có tiếng mời gọi đặc biệt của Thiên Chúa đến với bà Maria và quyết định của Thiên Chúa được hiện thực, nên gia đình tương lai, bình thường này, sẽ mang một tầm vóc khác, lớn hơn nhiều. Chính vì thế, mà thánh Giuse choáng váng và tìm cách ra đi, rút lui. Thiên Chúa lại phải mời gọi ngài – dù qua giấc mộng – “này ông Giuse, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21). Thánh Giuse đã làm như Thiên Chúa truyền, và đón nhận bà Maria và thai nhi. Thánh Gia Nazareth được hình thành. Đây không chỉ là một gia đình như bao gia đình khác bao gồm các thành viên như cha mẹ con cái. Nhưng đây là gia đình được thành lập và qui tụ bởi chính lời mời gọi đặc biệt của Thiên Chúa. Lời mời gọi này là “mẫu số chung” của các thành viên Thánh Gia Nazareth. Lời mời gọi của Thiên Chúa là nền tảng và là điều nối kết giữa Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse.
Khi nhận danh hiệu Thánh Gia cho Hội Dòng tương lai, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận và thế hệ các môn sinh đầu tiên đã đưa ra một định hướng quan trọng, làm nền tảng cho cuộc sống và sinh hoạt của các thành viên của Hội Dòng.
Tôi thiết nghĩ, điều quan trọng đầu tiên cần xác tín, đó là chúng ta được chính Thiên Chúa kêu gọi. Nói lên điều đó, có lẽ dư thừa? Vì tất cả chúng ta đã được Thiên Chúa mời gọi và đang sống trong ơn gọi đan tu Xitô Thánh Gia. Đương nhiên là thế. Nhưng điều đó có thực sự tác động trên ý thức và hành động của chúng ta? Chúng ta nhìn Hội Dòng của mình với con mắt nào?
Cha Tổ Phụ chúng ta đã khuyên các môn sinh thế hệ thứ nhất – và cả chúng ta ngày nay – là phải có ký ức tốt về việc Thiên Chúa kêu gọi mình, luôn có tâm tình cảm tạ và sống làm sao cho xứng với ơn gọi đã nhận. Điều này cho chúng ta có thể tưởng tượng như nhìn thấy tâm hồn của Thánh Gia Nazareth. Các ngài hình thành một gia đình thánh thiện – một sự thánh thiện bản thể -, nghĩa là Thiên Chúa kêu gọi các ngài sống trong một định hướng thánh thiện. Như bao gia đình khác, nhưng không như các gia đình khác. Nơi các ngài, Thiên Chúa là tất cả và là trung tâm của tư tưởng và hành động. Thiên Chúa là điểm qui chiếu duy nhất của Thánh Gia Nazareth.
Nếu mỗi thành viên trong Hội Dòng luôn trân quí ơn gọi của mình và sống thật xứng đáng với tư cách một đan sĩ thật và thánh, thì Hội Dòng của chúng ta cũng được nhìn nhận như một gia bảo được Thiên Chúa trao ban. Nói cách khác, sự thánh thiện cá nhân sẽ có tính cộng hưởng và làm nên một sự thánh thiện mang tính Hội Dòng. Tôi thiết nghĩ, khi Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận chọn Thánh Gia Nazareth làm định hướng cho Hội Dòng tương lai – mà bây giơ đã hình thành cho chúng ta -, ngài muốn có một Hội Dòng thánh thiện theo chính mô hình của Thánh Gia Nazareth.
Như tôi vừa trình bày trên, lời mời gọi của Thiên Chúa, ơn gọi Thiên Chúa ban nhưng không, trở thành nền tảng của Thánh Gia Nazareth cũng như Hội Dòng Xitô Thánh Gia; nhưng về phía con người, đâu là điểm nhấn quan trọng của gia đình đó, của Hội Dòng này?
2.THÁNH GIA: MỘT GIA ĐÌNH CÙNG THI HÀNH THÁNH Ý THIÊN CHÚA
Để có thể nhận ra yếu tố thiết yếu này, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm từng thành viên trong Thánh Gia Nazareth.
Trước hết, Chúa Giêsu. Tôi không có ý định làm một cuộc khảo cứu chi tiết và toàn diện về việc Chúa Giêsu thi hành thánh ý Chúa Cha. Điều đó vượt qua giới hạn của bài viết này. Tôi chỉ xin nêu lên một câu làm định hướng cho cuộc đời của Chúa Giêsu. Tác giả thư Do Thái đã viết:
“Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).
Đây là lời đáp nền tảng của Chúa Con đối với Chúa Cha khi Chúa Cha mời gọi Ngài nhập thể với cuộc sống trên trần gian. Khi nói lên những lời này – lời có thể diễn đạt cô động bằng từ “fiat”. Thật vậy, Chúa Giêsu đã nhận ra giá trị của quà tặng Thiên Chúa trao ban, là thân xác này, để qua thân xác này – cùng với linh hồn và thần tính – đã trở thành lễ vật cao trọng nhất, lễ vật diễn tả sự tuân phục và thi hành thánh ý của Chúa Cha. Cũng chính nhờ thân xác này mà Ngôi Lời đã có thể sống và sinh hoạt như một con người thật sự, trong một gia đình. Như vậy, Thánh Ý Chúa Cha là định hướng của cuộc đời Chúa Giêsu và cũng là bầu khí của chính Thánh Gia Nazareth.
Tiếp đến là Mẹ Maria và Thánh Giuse. Chúng ta đã biết rõ thái độ của các ngài như thế nào khi đọc được ý định của Thiên Chúa Cha qua những biến cố xảy ra. Tiếng “fiat” mà Mẹ Maria thưa với Sứ Thần Gabriel không chỉ trong khoảng khắc truyền tin mà xuyên suốt cả cuộc đời. Thánh Giuse luôn mau mắn thực thi ý muốn của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh khác nhau. Như vậy, Thánh Gia Nazareth là không gian thấm đượm thánh ý Chúa Cha. Nơi đây, chúng ta thấy sự tương tác của việc tuân phục và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Nghĩa là có một sự lưu chuyển tinh thần tuân phục giữa các thành viên, và mỗi thành viên khi trao ban thì cũng đồng thời đón nhận sức mạnh và kiên vững. Thánh Gia Nazareth ngày càng được lớn lên trong định hướng của Thiên Chúa. Những biến cố Chúa Giêsu ở lại Giê-ru-sa-lem khi gia đình trẩy lễ là một mình chứng điều gì đang hướng dẫn gia đình này.
Khi chọn Thánh Gia Nazareth làm định hướng của Hội Dòng tương lai, Cha Tổ Phụ chắc đã nhắm tới mục tiêu trên. Thật vậy, cuộc đời của cha là một cuộc đời luôn chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Chính tên gọi Việt Nam của ngài, “THUẬN”, đã diễn tả hướng đi của cả cuộc sống khi nhập thế tại Việt Nam. Những biến cố lớn nhỏ xảy ra, ngay cả khi gặp “ông thần lạnh”, “ông thần phong”… đều trở thành cơ hội để “hoan hô Chúa”. Khi sắp về với Chúa, ngài đã để lại một định hướng, không những cho các môn sinh đang sống với ngài, mà cả cho những thế hệ tương lai: “Vậy, trong chúng con chớ có ai buồn, chớ có áy náy lo sợ. Một đi chung cùng nhau vui vẻ theo Thánh Ý Cha chúng ta”.
“Một đi chung cùng nhau vui vẻ theo Thánh ý Cha chúng ta”: đây là định hướng của Hội dòng chúng ta. Việc đi chung cùng nhau có thể sẽ dễ thực hiện khi cùng sống chung dưới một mái nhà đan viện, cùng một khung cảnh, nếp sống và những gì hình thành nên bộ khung của đời tu. Nhưng, có thể sẽ khó khăn, tế nhị hơn, khi địa dư thay đổi, hoàn cảnh biến chuyển và não trạng cũng khác biệt. Những thay đổi bên ngoài cũng có thể đưa dẫn đến những thay đổi bên trong, vì cần phải thích ứng. Chính vì thế, để bảo tồn và phát huy gia sản Cha Tổ Phụ để lại, cần phải nắm rõ định hướng của ngài khi chọn Thánh Gia Nazareth làm gương mẫu sống động. Điều gì cần phải đặt lên trên tất cả? Không phải là ý muốn của con người, ngay cả ý định tốt lành nhất, nhưng là ý muốn của Thiên Chúa. Nghĩa là cần phải đọc ra, hiểu ra và sống trung thực điều gì Thiên Chúa muốn cho Hội Dòng xuyên qua những đổi thay thăng trầm của lịch sử? Thánh Gia Nazareth đã hiện diện trong một lúc nào đó của lịch sử, và rồi các thành viên của Thánh Gia đó cũng ra đi khỏi trần gian mà về với Thiên Chúa. Nhưng dấu ấn của Thánh Gia Nazareth vẫn còn đó. Tinh thần Thánh Gia Nazareth vẫn còn đó. Linh đạo Thánh Gia Nazareth vẫn sống động. Cha Tổ Phụ khuyên: “vui vẻ theo Thánh ý Cha chúng ta”. Thái độ vui vẻ là bầu khí của Hội Dòng. Thánh Gia Nazareth là một gia đình chu toàn ý muốn của Thiên Chúa Cha một cách vui vẻ, dù trong hoàn cảnh éo le bên ngoài. Vui vẻ là sức sống bên trong, là thái độ nội tâm của người hài lòng với Thiên Chúa, với ý muốn của Thiên Chúa. Trong sự phát triển của Hội Dòng, ánh sáng và bóng tối đan chen nhau. Hành trình phát triển luôn mang trong mình sự thăng tiến cũng như cả sự thoái lui. Ở đây, không những dưới khía cạnh cá nhân, mà hơn nữa, trong phạm vi các cộng đoàn trong Hội Dòng. Vẫn có đó những băn khoăn, những lo âu, cả những buồn sầu, nhưng định hướng của Thánh Gia Nazareth, “vui vẻ thi hành Thánh Ý Cha chúng ta”, mời gọi chúng ta mở rộng lòng cho điều gì lớn hơn lòng mỗi người, lớn hơn cộng đoàn, lớn hơn Hội Dòng.
2.THÁNH GIA: MỘT CỘNG ĐOÀN MANG CHIỀU KÍCH CỨU ĐỘ
Trong Thánh Gia Nazareth, có một trung tâm, đó là Chúa Giêsu. Ngài là Đấng mà Thiên Chúa Cha trao cho nhân loại qua trung gian Đức Trinh Nữ Maria. Thánh Giuse được phúc tham dự vào công cuộc này trong thời gian đầu của công trình cứu độ được thực hiện bởi Chúa Giêsu. Vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu, nên gia đình này mới trở thành Thánh Gia Nazareth. Nơi đây có sự hiện diện của Đấng Cứu Độ, nên Thánh Gia Nazareth cũng mang chiều kích cứu độ. Nghĩa là Thánh Gia Nazareth mang một điều gì đó lớn hơn chính gia đình mình: ơn cứu độ cho toàn nhân loại. Chúng ta thử hỏi: vậy đâu là những cách thế mà Thánh Gia Nazareth mang chiều kích cứu độ? Tôi thiết nghĩ, có một số diễn tả chiều kích đó.
– Ngoài những điều căn bản được đề cập trên kia, trước hết, chúng ta nhắc đến Tình Yêu Thương ngay trong gia đình này. Có lẽ chúng ta không cần phân tích nhiều để có thể nhận ra bầu khí yêu thương, bình an nơi Thánh Gia Nazareth. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, thì bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa thì nơi đó có tình yêu. Chúng ta vẫn thường hát “đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời”. Cũng có thể đổi ngược lại các mệnh đề, thì cũng luôn đúng. Và những ai sống cận kề trung tâm tình yêu đó, thì cũng được hấp thụ nhiệt năng của tình yêu. Mẹ Maria và Thánh Giuse là những người thân cận nhất của Chúa Giêsu, hơn ai hết, các ngài nhận được tình yêu nhiều nhất và cũng diễn tả tình yêu nhiều nhất. Chính tình yêu trong Thánh Gia Nazareth đã mang chiều kích cứu độ, vì tình yêu và cứu độ luôn song hành. Nơi đâu có tình yêu tinh tuyền, chân thực, nơi đó có dấu chỉ ơn cứu độ.
– Tình yêu đó của Thánh Gia Nazareth được thể hiện trong sự chiêm niệm và cầu nguyện. Bầu khí yêu thương của Thánh Gia Nazareth được nuôi dưỡng bởi cầu nguyện và chiêm niệm. Tình yêu nơi Thánh Gia Nazareth được thăng hoa đến tận những chiều dài rộng cao sâu của chiêm niệm và cầu nguyện. Nghĩa là đưa đến sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa Cha, trong Thần Khí. Đây là một tương giao mang tính cứu độ. Nghĩa là khi chiêm ngắm Dung Nhan Thiên Chúa, Thánh Gia Nazareth đồng thời nhìn ra khuôn mặt thật của nhân loại đang cần ơn cứu độ. Thánh Gia Nazareth có cầu nguyện cho nhân loại nhận ra và đón nhận ơn cứu độ sẽ được thực hiện nơi Chúa Giêsu? Tôi tin là có. Vì những ai đã chìm sâu vào chiêm niệm Thiên Chúa, thì cũng mở rộng ánh nhìn đến nhân loại. Như vậy, chiều kích cứu độ nơi Thánh Gia Nazareth mang tính huyền nhiệm.
– Một cách thể hiện tình yêu mang chiều kích cứu độ nơi Thánh Gia Nazareth là cuộc sống lao động trong khiêm hạ. Khi chiêm ngắm Thánh Gia Nazareth, người ta thường nghĩ đến một gia đình lao động và cuộc sống đơn sơ khiêm hạ. Những bài thánh ca về Thánh Gia Nazareth diễn tả điều này. Thánh Gia Nazareth lao động để sống và tồn tại. Nhưng sống và tồn tại để làm gì, đó mới là quan trọng. Thánh Gia Nazareth hướng tới một điều duy nhất, đó là ơn cứu độ được thực hiện bởi Chúa Giêsu. Thánh Giuse lao động, Mẹ Maria lao động, Chúa Giêsu lao động, là để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa vào trong lòng cuộc sống con người. Ơn cứu độ không phải là điều gì xa lạ với con người, nhưng là điều căn cốt và thân thiết với cuộc sống nhân sinh. Chính vì thế, Thiên Chúa nhập thể trong trần gian, sống cuộc đời của con người, nên giống mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Đây là chiều kích kín nhiệm của ơn cứu độ. Và đây cũng là sứ vụ mang dấu ấn ẩn khuất trước mặt người đời, nhưng thật phong nhiêu và hữu hiệu.
Một vài cách thể hiện vừa được đề cập tới cho phép cá nhân tôi hiểu hơn một chút định hướng mà Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận nhắm tới khi chọn danh hiệu Thánh Gia Nazareth cho hội dòng tương lai. Hội Dòng Xitô Thánh Gia đã được thành hình, nghĩa là đạt tới mong ước của Đấng Tổ Phụ. Nhưng định hướng còn được phát huy mạnh mẽ không?
Như Thánh Gia Nazareth không dừng lại nơi mình như là một điểm tham chiếu, nhưng là ơn cứu độ. Nghĩa là Thánh Gia Nazareth mở ra cho điều gì đó lớn hơn. Cũng vậy, khi chọn tước hiệu Thánh Gia, tôi tin rằng Cha Tổ Phụ muốn hướng các thành viên của hội dòng tương lai luôn mang trong lòng với tất cả sự khao khát nồng cháy, đó là ơn cứu độ của mọi người, đặc biệt những anh chị em chưa nhận biết Chúa, như ngài đã minh nhiên xác định trong lời ngài nói mà tôi trích ngày từ đầu bài viết. Đối với chúng ta ngày nay, định hướng đó còn là một sức mạnh để sống sứ vụ cứu độ trong ơn gọi Đan Tu Xitô Thánh Gia? Những cách thức và những phương thế mà Cha Tổ Phụ mà cá nhân ngài đã thực hành và truyền lại cho chúng ta như một gia bảo, chúng ta, ngày nay, còn xác tín mạnh mẽ và hiện thực trong cuộc sống hằng ngày không? Hội Dòng chúng ta chỉ thực sự là Hội Dòng Xitô Thánh Gia nếu còn mang trong mình chiều kích cứu độ và sứ vụ là mở ra cho ơn cứu độ của những người chưa nhận biết Chúa.
THAY LỜI KẾT: MỘT ƯỚC MONG
Trong dịp kỷ niệm Bách Chu Niên ngày Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận lập dòng, tôi thường nghĩ tới một hình ảnh nơi ngài, đó là “Người Gieo Trồng Ân Phúc”. Nhìn lại đời sống của ngài, tôi nhận ra cuộc sống đó là dành cho người khác. Không có gì dành cho bản thân. Từ ngày gia nhập tiểu chủng viện Boulogne, rồi đại chủng viện Thánh Thomas, Giáo phận Arras, cuối cùng là Hội Thừa Sai Paris, đới sống ngài được định hướng cho điều gì ngày càng lớn hơn; và một khi “điều lớn hơn” đó được phát triển trong tâm hồn, thì bản thân cũng dần nhỏ bé đi.
Khi tới Việt Nam, với những giai đoạn khác nhau, hoạt động tông đồ với những sứ vụ khác biệt, ngài thực hiện hoài mong “gieo trồng ân phúc”. Khi sống đời đan tu chiêm niệm, hiện thực nếp sống ẩn kín của một thầy dòng contemplativi, ngài còn muốn mạnh mẽ hơn trong việc gieo trồng ân phúc. Rồi khi định hướng cho hội dòng tương lai, ngài muốn hội dòng đó noi gương Thánh Gia Nazareth, nơi ân phúc được gieo trồng để rồi gieo trồng ân phúc. Thánh Gia Nazareth không sống cho chính mình, nhưng cho Thiên Chúa và ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn của Thiên Chúa là gì, nếu không phải là ơn cứu độ nhân loại. Hạnh phúc của Thánh Gia Nazareth là mọi người được đón nhận Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ và Tin Mừng bình an. Thánh Gia Nazareth là nơi của ân phúc.
Ân phúc đó, chính là Chúa Giêsu. Đó là định hướng đời của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận và cũng là định hướng của Hội Dòng chúng ta. Chúng ta hãy là những người gieo trồng ân phúc. Hãy là một Hội Dòng gieo trồng ân phúc: gieo trồng Chúa Giêsu trên quê hương Việt Nam, nơi đồng bào chúng ta, và còn mở rộng hơn nữa, cho mọi người. Đó là lý hữu của Hội Dòng chúng ta. Đó là định hướng của Hội Dòng chúng ta. Ước mong sao GIA BẢO này không những được bảo tồn mà còn được phát huy mạnh mẽ, với lòng khao khát khôn nguôi và nhiệt tâm ngày càng mãnh liệt hơn!
MỘT DÒNG SÔNG CHẢY RA BAO NHÁNH
ĐEM NIỀM VUI
CHO THÀNH CỦA CHÚA TRỜI
(Tv 46,5)
Sr.M. Gioan B. & Sr.M. Phanxico Fatima
Đọc lại Thánh Vịnh 46 này trong dịp Hội Dòng Xitô Thánh Gia mừng Bách Chu Niên ngày Cha Tổ Phụ Henri Denis Biển Đức Thuận lập Dòng trên núi Phước Sơn bên dòng sông Bến Hải trong xanh là một điều rất ý nghĩa và thú vị. Ý nghĩa và thú vị bởi vì từ cội nguồn Phước Sơn ấy dòng chảy của ân huệ Thánh Thần Thiên Chúa xuyên qua ơn gọi chiêm tu- sau 100 năm thành lập – đang tuôn chảy dạt dào qua các đan viện mới được thiết lập trên khắp lãnh thổ hình chữ “S” của Việt Nam và còn lan rộng tới những vùng đất khác của trái đất này (Á, Âu, Mỹ).
Chúng tôi sẽ trình bày đề tài này theo chiều hướng của dòng chảy ân sủng xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài thông truyền sức sống xuyên qua muôn dân muôn nước đến với từng người. Sau đó sẽ hướng đề tài này soi chiếu cho hoàn cảnh thực tế của Hội Dòng Xitô Thánh Gia và các Đan sĩ Hội Dòng này.
I.Căn nguyên của vạn vật là Thiên Chúa
1.Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng
Ý tưởng của Thánh Vịnh 46 trên đây cho chúng ta có một xác tín sâu xa về cội nguồn của mình là từ Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và quan phòng muôn vật muôn loài trong vũ trụ. Quả thật, khi được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô trống rỗng và chúc phúc, con người và vạn vật tiếp tục phát triển không ngừng như để thực hiện hóa lời chúc lành, cũng là lệnh truyền của chính Thiên Chúa: “Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất” (St 1,22.28; 9,1.7; 35,11).
Hình ảnh một dòng sông trong lành tuôn chảy dạt dào, tưới mát cho con người và mọi sinh vật (sống) trong Vườn Địa Đàng năm xưa được sách Sáng Thế ghi lại, đã làm nổi rõ ý định sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa đối với vũ trụ và con người. Con sông có 4 nhánh mỗi nhánh được ấn định chảy tới tưới mát cho những vùng đất nhất định, nhưng tất cả đều có chung một nguồn, nhắm tới một mục đích là đem sức sống cho con người và vạn vật theo lệnh truyền của Đấng tạo thành tất cả.
Dòng sông sự sống của Thiên Chúa được ngôn sứ Êdêkien miêu tả: “Nước này sẽ về miền đất phía đông, xuống vùng Avara, rồi đổ ra Biển Chết và làm cho nước biển hóa lành. Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy đến đâu thì nó chữa lành, sông này chảy đến đâu thì ở đó có sự sống. Sẽ có nhiều ngư phủ sinh sống ở trên bờ. Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: Mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ Thánh Địa. Trái dùng làm lương thực, còn lá để làm thuốc” (Ed 47,6-9.12).
Dòng sông này chẳng bao giờ cạn, nhưng còn chảy mãi với thời gian, làm phát sinh sự sống cho muôn người. “Con sông vô tận làm hoan hỉ Thành Đô Thiên Chúa”. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu chính là nguồn suối khôn dò khôn thấu, nguồn suối vô cùng vô tận đem ơn cứu độ, sự sống cho muôn người.
“Khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người
Sinh vào đời bởi Mẹ Đồng Trinh
Nước sông Người đã biến thành
Nước ơn phép rửa tái sinh nhiệm mầu”[1].
“Chúa Giêsu Kitô, Đấng ngự đến cứu độ chúng ta, Người đã xuống sông chịu Phép rửa và đổ máu đào trên thập giá” (Tx.Thánh ca Tin Mừng Kinh Sáng ngày mùng 06 tháng 01). Ngài đã trở thành con của loài người qua lòng Đức Trinh Nữ Maria để chia sẻ thân phận con người. Điều này cũng nói với chúng ta rằng khi Chúa Giêsu dìm mình xuống dòng nước Giođan, thánh hóa dòng nước cũng là lúc Ngài hoàn toàn vâng phục ý Cha, được Cha long trọng tuyên bố: “Đây là Con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17). Ngài đã trở nên nguồn nước cứu độ.
Thiên Chúa dùng nước để thanh tẩy, chữa trị loài người hư hỏng và rửa chúng ta sạch tội lỗi trong máu của Đức Kitô, được trở nên tinh tuyền, làm con Thiên Chúa. Như vậy, Đức Giêsu nguồn nước Hằng Sống từ trời cao khi tuôn đổ vào cuộc đời này, đã biến đổi vạn vật, biến đổi phận người như những dòng sông chan chứa ân thánh cứu độ tuôn tràn đến muôn loài, ban cho chúng ta một phép rửa máu, nước và Thánh Thần. Nói cách khác, qua Chúa Giêsu nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, Nguồn Suối ân sủng cứu độ đã tuôn chảy vào cuộc đời mỗi người, để từ Nguồn Suối này mọi nhánh sông đều được chuyển tải nước sự sống, có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời mình, có sức mạnh của Ơn Thánh để luôn sống đẹp ý Chúa.
2.Bổn phận chăm sóc và canh giữ
Xưa kia, khi dìm mình xuống dòng sông Giođan Chúa Giêsu đã thánh hóa dòng nước nên tinh sạch – dòng nước cứu độ. Nay cuộc đời mỗi người là một dòng sông để cho Chúa Giêsu thánh hóa, dòng sông đầy tràn nước tình yêu của Thiên Chúa, rồi tuôn chảy sự sống cho mọi người và vạn vật chung quanh. Điều này được chứng thực bởi chính Lời Chúa Giêsu đã nói: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7,38-39).
Khi mỗi người từ trong tâm hồn đã được tuôn chảy dòng nước sự sống, dòng nước yêu thương đến với mọi người mọi vật xung quanh, cũng là lúc họ đang lưu chuyển sự sống của Đức Kitô đến với tha nhân. Nói cách khác, chính họ đang mang dòng nước cứu độ của Đức Kitô nơi dòng sông cuộc đời mình, trải dài từ quá khứ hiện tại đến tương lai. Trong cuộc đời, ai cũng có và cũng cần một dòng sông thiêng liêng, dòng sông đưa lối cho cuộc hành trình về bến yêu và nhìn vào dòng sông đức tin này để đi về tận nguồn là Thiên Chúa.
Qua Đức Kitô, chúng ta được khai mở dòng nước Đức Tin, hiện diện ở một thời điểm nào đó trong thời gian. Một trăm năm trước, Thiên Chúa đã khai mở dòng sông Đức Tin này nơi Cha Tổ Phụ Henri Denis Biển Đức Thuận.
“Chúa khơi nguồn suối tuôn thác đổ,
Giữa núi đồi lượn khúc quanh co.
Đem nước uống cho loài dã thú,
Bầy ngựa hoang đang khát được thỏa thuê.
Bên dòng suối, chim trời làm tổ
Dưới lá cành cất giọng líu lo.
Từ cao thẳm Chúa đổ mưa xuống núi,
Đất chứa chan phước lộc của Người.
Người xẻ đá giữa sa mạc hoang vu
Khiến nước tuôn tràn cho dân được uống”
(Tv 104,10-13).
Và qua những trang sử về cuộc đời Cha Tổ Phụ, chúng ta nhận thấy ngài đã sống tâm tình của tác giả Thánh Vịnh 42:
“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong
Hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa!”
(Tv 42,2).
Cuộc hành trình thiêng liêng tìm kiếm Thiên Chúa cách liên lỉ, không mệt mỏi của Cha Tổ Phụ đã được Thiên Chúa chúc phúc và cho cha gặp được dòng sông sự sống. Cha đã được Thiên Chúa dìm sâu vào trong dòng nước ân sủng, trải nghiệm được Thiên Chúa, nếm hưởng sự bình an và dịu ngọt của Thiên Chúa. Vì thế, cha luôn bén rễ sâu trong cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Chúa. Có một sự họa lại gương mẫu của Chúa Giêsu nơi Cha Tổ Phụ, một con người luôn sống thuận theo ý Chúa trong tâm tưởng, lời nói, việc làm. Hơn nữa, lòng khao khát Thiên Chúa khôn nguôi đó thúc bách Cha Tổ Phụ kính yêu khơi dòng chảy cho đời sống Đan tu Xitô tại Việt Nam, với tên gọi Dòng Đức Bà An Nam. Dòng sông vẫn trôi chảy theo nhịp sống từng ngày của các cha anh qua bao thế hệ, vẫn kiên trung âm thầm trọn đời hiến dâng giữa những bước thăng trầm của cuộc sống; lúc an vui hay gian khổ chỉ sống cho tình yêu Thiên Chúa. Dù đời đan tu hôm nay có thể không còn sống khổ cực nhiệm nhặt như xưa, nhưng tinh thần khổ chế, hy sinh cầu nguyện, vâng phục vẫn là những yếu tố nền tảng của đời Đan tu Xitô Thánh Gia. Ngày lại ngày luôn được khởi đầu bằng sức sống nơi Bàn Tiệc Thánh, hòa quyện tâm hồn nên một trong tiếng hát lời kinh, suy niệm Lời Chúa, và trong những công việc lao tác thường ngày, học hành, vui chơi, giải trí, ăn uống, ngủ nghỉ, tất cả là những giọt nước trong làm nên dòng sông chiêm tu.
Như dòng nước vơi đầy, bốn mùa cho đất phì nhiêu, cho cây trồng sinh trái ngọt. Và ngày nay qua dòng sông cuộc đời Cha Tổ Phụ, Thiên Chúa đã khai mở bao nhánh sông mới nơi tâm hồn của con cái ngài nơi các Đan viện Xitô Thánh Gia.
II.Hội Dòng Xitô Thánh Gia “trong dòng chảy thánh ân”
1.Hội dòng Xitô Thánh gia tiếp nhận nguồn và khơi thông
Dòng Đức Bà An Nam bé nhỏ ngày nào, nay đã phát triển vững mạnh thành Hội Dòng Xitô Thánh Gia với hơn 1.200 thành viên. Đây thực sự là ân huệ lớn lao Chúa ban cho Giáo Hội của Người.
“Bốn mùa Chúa đổ hồng ân,
Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi”
(Tv 65,12).
Dòng chảy thánh ân được Thiên Chúa khơi thông qua Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, đang được hậu duệ kế thừa và phát huy những tinh hoa qua Tu Luật, Hiến Pháp, Thói Lệ cùng các truyền thống tốt đẹp. Cũng từ dòng chảy thánh ân này vọng lên tiếng reo vang của bao thế hệ cha anh trong Hội Dòng đã khuất hay còn tại thế: Alleluia ! Alleluia!
Là Đan sĩ Xitô Thánh Gia hôm nay, mỗi người chúng ta có cảm thấy tâm hồn chan chứa một niềm vui vì được thuộc về dòng sông thánh ân, để ngày lại ngày ngân nga khúc nhạc mừng, để sống và làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.
“Như dòng sông chảy ra bao nhánh
Đem niềm vui cho thành của Chúa Trời”
(Tv 46,5).
Chúng ta, những người đang được hưởng nguồn nước thánh thiêng, mới cảm thấy thấm thía tư tưởng tuyệt vời của ngôn sứ Giêrêmia:
Hạnh phúc thay người tin cậy Chúa, Và Chúa là nơi họ ẩn nương Họ như cây mọc bên bờ suối, Rễ vươn dài đến dòng nước mát trong. Và không sợ khi mùa hè tới, Lá trên cảnh luôn mãi tươi xanh Không lo chi hạn hán Chẳng ngừng đơm hoa kết trái” (Gr 17,7-8).
“Uống nước nhớ nguồn” không phải tự nhiên ta được thưởng thức dòng nước mát trong dịu ngọt; nhưng đó là kết quả của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, là kết tinh lòng khao khát các linh hồn của bao thế hệ cha anh. Chúng ta có quyền thừa hưởng và có nghĩa vụ tiếp nối sản sinh ra những hoa trái thiêng liêng cho hậu thế. Chúng ta không chỉ uống nước một mình nhưng phải đưa những ai đang khát đến dòng nước. Chúng ta không chỉ là cây trồng bên bờ suối nhưng hãy thanh tẩy con người để được biến tan trong dòng nước tình yêu, hoàn toàn biến đổi trong Thiên Chúa, tan chảy trong Thiên Chúa, trở nên những nhánh sông nối dài của dòng sông bất tận.
Từ dòng sông ban đầu, được Thiên Chúa qua Cha Tổ Phụ đã tràn chảy qua thời gian tạo nên sức sống mãnh liệt của dòng chảy, nơi những thửa vườn Đan tu Xitô Thánh Gia cây cao trĩu quả. Qua bao biến cố thăng trầm, các Đan sĩ Hội Dòng Xitô Thánh Gia vẫn năng động tiếp bước và tràn đầy sức sống trong mọi sinh hoạt của đời Đan tu nơi 12 Đan viện tự trị: Đan viện Phước Sơn, Đan viện Châu Sơn Nho Quan, Đan viện Châu Sơn Đơn Dương, Đan viện Phước Lý, Đan viện Châu Thủy, Đan viện Thiên Phước, Đan viện Phước Vĩnh, Đan viện An Phước, Đan viện Orsonnens (Thụy Sĩ), Đan viện Vĩnh Phước, Đan viện Phước Hải, Đan viện Phước Thiên, và các Đan viện đơn lập, cùng các cộng đoàn nhỏ có mặt ở khắp nơi Á, Âu, Mỹ. Đây là nhà Chúa, là những dòng sông thiêng nuôi dưỡng bồi đắp cho bao tâm hồn thiện chí đi tìm Chúa. Bởi từ trong sâu thẳm cõi lòng, họ đã nhận ra lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa và quảng đại đáp lại. Họ là những người muốn tìm về nguồn lý tưởng Đan tu, sống đời nội tâm, đơn sơ, khiêm hạ và vâng phục theo gương Đức Kitô. Dù sống trong thinh lặng cầu nguyện, cử hành Thần Vụ, Thánh Lễ, Lectio Divina, học hỏi Lời Chúa hay học hành lao động, hồn sống của đan sĩ vẫn là kết hiệp với Đức Kitô dâng lời ca ngợi Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, đan sĩ mở rộng tâm hồn để Nguồn Suối Thánh Linh tuôn chảy làm sáng lên một đời sống thuộc về Thiên Chúa, hết sức phong phú và sống động trong một bầu khí thánh thiêng nơi khung cảnh thanh tịnh và cô tịch của đan viện.
2.Đời sống chiêm niệm tưới mát và nuôi dưỡng
Tại vùng Đất Thánh, con sông lớn Giođan hằng dẫn nước từ phía đông Giêrusalem xuống vùng thấp nhất thế giới là Biển Chết làm cho nước ở đây hoá lành và sự sống ‘reo lên’ trong vùng sa mạc cằn cỗi. Còn trong tâm hồn chúng ta, Đan sĩ Hội Dòng Xitô Thánh Gia, nơi nào là nơi sâu thẳm nhất và con sông nào giúp nó hóa lành?
Chúa Giêsu vẫn là nguồn sống sung mãn cho chúng ta. Từ trên đồi Golgotha, Người đã đổ máu và nước từ cạnh sườn như dòng sông ân sủng chảy qua sa mạc cuộc đời, xuống vực sâu nhất trong tâm hồn ta, thấm đẫm cuộc sống ta cũng như muôn vật muôn loài. Đối với người ngoài, nhìn vào đan viện, họ thấy đời sống đan sĩ xem ra có vẻ nhàm chán đơn điệu, ngày lại ngày được lặp đi lặp lại theo một giờ giấc nhất định, xem ra chẳng giúp ích gì cho ai hay cho xã hội! Họ không hiểu rằng lý tưởng của đan sĩ là được kết hiệp thâm sâu với Chúa trong tình yêu thuần khiết; từ đó hâm nóng và truyền sinh lực cho một thế giới nguội lạnh và vô cảm. Nơi đây là chọn hạnh phúc và bình an của những tâm hồn khát khao tìm Chúa và gặp Chúa với tinh thần đơn sơ trong sáng. Đan sĩ dành thời giờ học hỏi, suy niệm Lời Chúa (Lectio Divina) như nguồn suối ân thiêng tuôn tràn sung mãn dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong Linh đạo Đan tu và điểm đến chính là tình yêu Thiên Chúa.
Đức Thánh cha Phanxicô trong Tông hiến Tìm Kiếm Tôn Nhan Thiên Chúa số 19, đã nhắn nhủ các đan sĩ: “Chính các con được mời gọi biến Lời Chúa trở nên lương thực nuôi đời sống chiêm niệm và đời sống hằng ngày của các con, nhờ đó các con có thể chia sẻ kinh nghiệm biến đổi của Lời Chúa với linh mục, tu sĩ các dòng, với giáo dân. Các con hãy xem việc chia sẻ này như một sứ mạng đích thực của các con trong lòng Giáo Hội”.
Và ngài nói tiếp trong số 16: “Việc cầu nguyện là cốt tuỷ của đời sống chiêm niệm. Qua việc cầu nguyện, trong cầu nguyện, các con giữ vai trò hết sức quan trọng trong Giáo Hội. Các con cầu xin và chuyển cầu cho nhiều anh chị em… Các con như những người mang kẻ liệt đến với Chúa để họ được chữa lành (x. Mc 2,2-12). Qua lời cầu nguyện liên lỉ ngày đêm, các con mang đến trước Thiên Nhan Chúa, đời sống của biết bao anh chị em vì những lý do khác nhau không đến được với Chúa, để trải nghiệm lòng thương xót và chữa lành của Chúa, ngay cả khi Người kiên nhẫn chờ đợi để ban ơn chữa lành cho họ. Bằng lời cầu nguyện, các con có thể chữa lành vết thương của nhiều người”.
Tuyên Ngôn và Hiến Pháp của Hội Dòng Xitô Thánh Gia số 33 minh định: “Đan Sĩ Thánh Gia mặc dù sống cô tịch và thầm lặng, nhưng còn phải sống theo chiều hướng của Giáo Hội, cùng chia sẻ niềm hy vọng chính đáng, cũng như nhưng lo âu khắc khoải của nhân loại trên đường tìm về cánh chung”. Đan sĩ không thuộc về thế gian nhưng vẫn sống trong thế gian”.
Như vậy, với một con tim tế nhị, nhạy bén đan sĩ đang khi cầu nguyện, trải nghiệm nơi tâm hồn cuộc gặp gỡ thiêng liêng ‘Như Thấy Đấng Vô Hình’, đồng thời cũng gặp gỡ, dàn trải nhu cầu vui buồn hạnh phúc khổ đau của tha nhân trước tôn nhan Đấng là tất cả cho mọi người.
Còn Cha Tổ Phụ Henri Denis dạy rằng: “Một thầy dòng cầu nguyện thánh thì làm ích cho Hội Thánh cả thể”.
“Chúng tôi phải nên thầy dòng thật, bằng không chỉ là phỉnh dối người ta. Họ gửi thư xin chúng tôi cầu nguyện, họ tưởng chúng tôi là những người nhân đức lắm, toàn là những ông thánh, ông thánh hết”[2].
Chính Cha Tổ Phụ đã nung nấu khát vọng này và mong muốn con cái mình sống thiết thực đặc sủng Đan tu, theo tinh thần và trí ý khi lập dòng: chuyên lo cầu nguyện cho người chưa nhận biết Chúa bằng đời sống cầu nguyện và hoan hỉ hy sinh[3], để trở nên đan sĩ thật, đan sĩ thánh. Đan sĩ Xitô Thánh Gia còn là anh em của nhau trong cùng một ơn gọi, chia sẻ một nếp sống yêu thương, cùng nhau tìm kiếm và phụng sự Thiên Chúa trong trường học Đức Ái.
Bên cạnh đó là tinh thần hiếu khách: hết tình tiếp đón, phục vụ khách như Đức Kitô nhưng không vì thế mà để mình bị lôi cuốn vào dòng chảy thế tục.
Tóm lại, một đời sống đan tu quân bình, giúp Đan sĩ Xitô Thánh Gia tiến tới trong dòng chảy của Giáo Hội, xã hội. Dìm mình trong dòng nước thánh ân, giúp đan sĩ canh tân và đổi mới mỗi ngày theo tinh thần trí ý của Đấng Sáng Lập chỉ sống cho một mình Chúa, thuộc trọn về Chúa, được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, để cho “tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (1Cr 5,14). Và giữa những phong ba bão táp của biển đời, dòng nước thánh ân của tình yêu Thiên Chúa vẫn mãi là nơi chốn bình yên của đan sĩ.
Trong “bầu khí bức xạ” như hiện nay, dòng người đổ xô đi tìm của cải vật chất cơm áo, gạo tiền, sự nghiệp danh vọng như chiếc gánh đè nặng trên vai con người. Chúng khiến nhiều tâm hồn mệt mỏi và muốn tìm đến một chốn bình an hít thở ‘hương gió’ thiêng liêng và có ai đó từ trong sâu thẳm tâm hồn tăng sức, nghị lực cho họ trên đường đời. Họ như người lữ khách trong sa mạc, ai có thể giúp họ tìm được suối nước mát trong? Đan sĩ chúng ta, những người đang sống trong dòng nước thánh ân hãy ôm ấp những nhu cầu thiết thực của mọi người mà dâng lên Thiên Chúa. Nhưng làm sao để qua chúng ta, Thiên Chúa khơi nguồn dòng nước Giêsu chảy đến tưới mát, nuôi dưỡng các tâm hồn?
Nếu chúng ta thuộc trọn về Chúa, xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương là chúng ta đang chìm sâu trong dòng sông lớn với mạch nước nguồn là Chúa Giêsu. Dòng sông tươi mát và mang lại hương vị ngọt ngào cho cuộc sống; dòng nước êm đềm, bình an như nước trong dạ mẹ bảo vệ bào thai bé nhỏ suốt chín tháng mười ngày. Tuy nhiên song song với tốc độ phát triển không ngừng của xã hội, dù muốn hay không, nhiều yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đang tác động đến cộng đoàn đan tu chiêm niệm, đan sĩ cũng có thể bị cuốn vào vòng xoáy của danh lợi thú. Đứng trước thực trạng này, các đan sĩ cần tiến hành cuộc vượt thoát thiêng liêng của linh hồn ra khỏi ngọn sóng của tham sân si để lội ngược dòng trần thế, nhờ sức mạnh của Thánh Linh và trở về với mối tình đầu tiên giữa ta với Chúa.
Từ dòng chảy ban đầu được Thiên Chúa khơi nguồn qua Cha Tổ Phụ, tuy nhỏ bé nhưng mạnh mẽ trong ơn thánh, trong đức tin và đức cậy đã trải dài theo dòng lịch sử của Hội Dòng Xitô Thánh Gia qua một thế kỷ. Hiện tại, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, anh chị em Đan sĩ Xitô Thánh Gia cùng nhau bước đi trong tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa, cùng nhau nỗ lực sống đời đan tu, cùng nhau thao thức trăn trở với khát vọng của Cha Tổ Phụ khi lập dòng. Và cùng hướng về tương lai với những trang sử mới đầy tràn hy vọng của những người con theo bước Cha Tổ Phụ luôn thuận theo ý Chúa, tìm vinh danh Chúa, sống cho Giáo Hội và các linh hồn. Tận hiến cuộc đời cho Chúa trong nếp sống đan tu chiêm niệm dưới sự bảo trợ của Thánh Gia Thất.
Chúng con tạ ơn Thiên Chúa hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Xin phó thác cho tình thương quan phòng của Người, tin rằng những gì Người đã khởi sự, chính Người sẽ viên thành trong thánh ý và quyền năng. Dòng sông Đan tu Xitô Thánh Gia sẽ tiếp tục chảy, chảy mãi đến đại dương Tình Yêu Thiên Chúa.
[1] Thánh thi Kinh Chiều Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa
[2] DN, số 134
[3] x. TN, số 33
TẦM VÓC VIÊN MÃN
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
“Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho. Vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người. Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn. Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,1-16 ).
Nhân loại được sinh ra để sống hợp nhất. Đó là ơn gọi của con người. Thánh Phaolô đã diễn tả ơn gọi này bằng những suy tư thần học sâu xa và đẹp đẽ trong nhiều đoạn văn. Thư gởi tín hữu Êphêsô 4,1-16 là tiêu biểu. Ta hãy tìm hiểu đoạn văn này.
I.SỐNG ƠN GỌI LÀM CON THIÊN CHÚA
Đời sống con người có một mục tiêu, đó là ơn gọi Thiên Chúa đặt trong mỗi con người. Ơn gọi đầu tiên là sống hợp nhất.
1.Hợp nhất
Ta phải hợp nhất vì có cùng nguồn gốc. Thánh Phaolô đưa hợp nhất về căn cội sâu xa nhất là sự sống. Chúng ta là một, vì được sinh ra từ cùng một nguồn gốc duy nhất: “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,5-6). Nguồn gốc này có một lịch sử kép: sáng tạo và tái tạo.
Trong sáng tạo, Thiên Chúa đưa ta từ hư vô vào hiện hữu, đến sự sống. Thiên Chúa đã sinh ra chúng ta nên Thiên Chúa là Cha chúng ta. Cha là người ban tình yêu và sự sống. Sự sống là món quà quý nhất. Không có sự sống thì chẳng có gì cả. Có sự sống là có tất cả. Tất cả mọi sự sống trên đời đều phát xuất từ Chúa Cha. Nên mọi người có cùng một Cha. Đó là nguồn gốc cao quý và tuyệt đối cần thiết.
Nhưng con người tội lỗi đánh mất sự sống, vì thế cần đến sự tái tạo. Thiên Chúa một lần nữa ra tay, Ngài gửi Con Một yêu quý đến tái tạo con người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (Ga 3,16). Chúa Giêsu Kitô chịu khổ nạn và phục sinh khai mào sáng tạo mới. Tái tạo con người. Ta được tái sinh trong Bí tích Thánh Tẩy. Được dìm xuống trong dòng nước thánh thiện, ta cùng chết và cùng sống lại với Chúa Kitô Phục Sinh. Và kỳ diệu thay ta được tháp nhập vào nhiệm thể Chúa Kitô. Một sự sống mới. Một con người mới. Một định mệnh mới.
Cùng một nguồn gốc trong sáng tạo và tái tạo, chúng ta là con cùng một Cha. Đó là nguồn gốc của sự hợp nhất. Thánh Phaolô còn đi xa hơn trong sự hợp nhất khi cho biết chúng ta cùng thuộc về nhiệm thể Chúa Kitô. Thật là một nguồn gốc hợp nhất sâu xa. Không chỉ là một gia đình chúng ta còn là một thân thể. Còn gì thân thiết và sâu xa hơn. Các chi thể trong một thân thể là một hợp nhất nhưng không đồng nhất, trái lại rất đa dạng. Đó chính là điểm đặc sắc của thánh Phaolô.
2.Đa dạng
Tuy cùng được sáng tạo và tái tạo nhưng mỗi người nhận được ân sủng khác nhau. Thánh Phaolô liệt kê rất nhiều ân sủng phong phú: “Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Chúa Kitô” (Ep 4,11-12).
Thư Êphêsô chỉ liệt kê một vài tác vụ đặc thù như Tông Đồ, ngôn sứ. Còn lại là ơn gọi phổ quát dành cho mọi người, như “loan báo Tin Mừng” và nhất là “coi sóc và dạy dỗ”. Như thế ơn Chúa ban cho mỗi người mỗi khác, và tất cả tạo thành dân thánh. Toàn thể dân thánh đều phải xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô.
Đoạn này tương tự 1Cr 12,27: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận”. Thánh Phaolô dùng hình ảnh thân thể để diễn tả sự phong phú của các tác vụ trong Hội Thánh và sự đa dạng của ơn gọi con người. Thân thể là một. Nhưng chi thể có nhiều. Chi thể có nhiều nhưng chỉ là một thân thể. “Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một” (1Cr 12,18-20). Các chi thể đều ảnh hưởng tới nhau. Răng đau làm cho cả cơ thể cũng đau đớn. Tai nghe tiếng động có thể gây ớn lạnh toàn thân. Cũng thế một thân thể muốn có hiệu quả thì các chi thể phải hợp nhất với nhau. Chẳng hạn khi chơi bóng đá mắt phải theo dõi đường bóng và vị trí đồng đội cũng như đối thủ, tai phải nghe sức bóng đi, óc phải phán đoán để ra lệnh cho chân chạy hướng nào, tay phải làm gì để cản trở đối phương, miệng phải kêu gọi đồng đội thế nào… Để các chi thể phát huy tối đa năng lực, chúng cần phải được rèn luyện để phát triển tới mức trưởng thành viên mãn.
3.Viên mãn
Trong nhiệm vụ xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô mọi phần chi thể đều phải phát triển. Không chỉ phát triển mà còn phát triển đến mức viên mãn.
Viên mãn trong thành phần. Mỗi người được Chúa dựng nên là duy nhất và độc đáo. Mỗi người đều được mời gọi nên hoàn thiện “như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Mỗi người có một con đường riêng. Như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI quả quyết: “Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường đến với Chúa…”[1]. Chính vì thế mà mỗi vị thánh đều có nét đặc sắc riêng. Vì mỗi người đều được mời gọi nên giống Chúa Giêsu Kitô, phát triển toàn diện như Chúa Giêsu: “Ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40). Khi mỗi người đạt tới tầm vóc viên mãn, cũng đóng góp vào công cuộc viên mãn trong toàn thể.
Viên mãn trong toàn thể. Nếu mỗi phần chi thể trưởng thành viên mãn, toàn thân thể cũng trưởng thành viên mãn. Vì Chúa Kitô đã “lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn”. Toàn vũ trụ đã trở nên nhiệm thể của Chúa, nên phải được phát triển tới tầm vóc viên mãn. Đóng góp vào việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô là nhiệm vụ của chúng ta.
Ở đây ta có thể thấy viễn kiến của cha Pièrre Teilhard de Chardin. Ngài nhìn toàn thể vũ trụ như một cuộc biến bản thể. Do lời Chúa phán: “Này là Mình Thầy”, hiệu lực lan tràn tới toàn thể vũ trụ và biến thành Mình Thánh Chúa: “Khi, nhờ Linh mục, ngài phán rằng:“Này Là Mình Thầy”, thì những lời này vượt quá tấm bánh vừa được truyền phép: những lời đó làm phát sinh toàn thể Nhiệm Thể. Vượt quá việc tấm bánh bị biến bản thể, hành động của Linh mục tràn lan tới cả vũ trụ (…)”[2].
Trong buổi kinh chiều ngày 24-7-2009 tại Aosta, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói: “Vai trò của chức linh mục là truyền phép thế giới để nó trở nên bánh thánh sống động… Đó cũng là cái nhìn vĩ đại của Teilhard de Chardin: vũ trụ trở thành bánh thánh sống động”[3]. Vũ trụ chỉ đạt tới tầm vóc viên mãn khi trở thành nhiệm thể Chúa Kitô. Trong Chúa Kitô mọi sự nên một.
4.Trong Chúa Kitô
Thật lạ lùng. Các chi thể rất nhiều và phức tạp, được mời gọi phát triển đến tầm vóc trưởng thành, viên mãn của Chúa Kitô. Nhưng khi phát triển đến mức thập toàn, chúng không cách biệt mà lại gần gũi với nhau, không chia rẽ nhưng lại hợp nhất với nhau.
Vì khi đạt tới mức trưởng thành mọi thành phần trở nên vững vàng trong Chúa. Như thánh Phaolô nói: “Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường” (Ep 4,14). Chia rẽ chỉ hoành hành khi tâm hồn ngây thơ, nhận thức non nớt. Nhưng khi con người đã đạt tới mức trưởng thành, những khác biệt phát triển đến mức viên mãn lại đi đến hợp nhất. Vì đã đạt tới Chúa Kitô.
Đạt tới mức trưởng thành là đạt tới Chúa Kitô. Bấy giờ chính Chúa Kitô ở trong mỗi người và toàn thể nhiệm thể của Người. Như thánh Phêrô có thể nói: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Chúa Giêsu Kitô người Nazareth, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3,6). Và như thánh Phaolô mạnh dạn khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 3,19b-20).
Khi đã đạt tới Chúa Kitô, tất cả trở nên hợp nhất, nên một, vì tất cả đã thuộc về nhiệm thể Chúa Kitô. Đó là điều Cha Teilhard de Chardin đã thị kiến và suốt đời mong ước. Như lời ngài nguyện cầu: “Chúa ơi,… Vũ Trụ đã có được cơ thể và diện mạo trong Chúa…Các tạo vật không chỉ liên đới chặt chẽ với nhau đến nỗi không tạo vật nào có thể hiện hữu riêng lẻ mà không nhờ các tạo vật khác để bao bọc mà chúng con phải lệ thuộc quyết liệt vào cùng một trung tâm thực hữu”[4]. Toàn thể vũ trụ trở nên một cơ thể. Đó là nhiệm thể Chúa Kitô Vũ Trụ. Đó chính là điểm tóm tắt lý thuyết của Cha Pièrre Teilhard de Chardin: “Tất cả những gì thăng hoa đều đồng qui hội tụ. Điểm hội tụ là Omega, là Chúa Kitô: Mỗi phần tử sẽ tìm thấy cùng lúc với Vũ trụ, sự hoàn tất của mình. Vũ trụ đang hoàn tất trong một tổng hợp các tâm điểm, hoàn toàn đúng theo các quy luật của sự Hợp nhất. Chúa – đó là Tâm điểm của các tâm điểm”[5].
Tất cả hợp nhất nên một. Tất cả trở thành các chi thể của Chúa Kitô. Và chính Chúa Kitô là Đầu. “Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình” (Ep 4,16).
II.SỐNG ƠN GỌI ĐAN SĨ XITÔ THÁNH GIA TẠI VIỆT NAM
Ta thấy điều tương tự trong Hội dòng Xitô Thánh gia tại Việt Nam. Trước hết là ơn gọi hợp nhất.
1.Hợp nhất
Hiện nay, Hội dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Từ cội rễ Phước Sơn đã sinh ra nhiều nhà: gồm 12 đan viện. Có nhánh nam và nhánh nữ. Nhưng tất cả đều hợp nhất. Vì phát sinh cùng một nguồn gốc. Như con người có nguồn gốc ở nơi Thiên Chúa, đan sĩ Xitô Việt Nam có cùng nguồn gốc sâu xa đến ba lần. Cùng tuân thủ Tu luật Thánh Phụ Biển Đức. Cùng tuân thủ Hiến Pháp dòng Xitô thế giới. Và cùng có một người Cha riêng cho Việt Nam là Cha Biển Đức Thuận. Nếu con người nói chung được tái tạo trong phép rửa tội, thì Đan sĩ Xitô có lời khấn dòng. Khấn dòng là khẳng định lại ơn gọi trong Bí tích Rửa Tội. Đó là một cuộc tái sinh. Như lời Cha Tổ Phụ: “Chúng tôi hãy năng nhớ lại mà cám ơn Chúa, vì Chúa đã thương gọi chúng tôi vô Dòng này. Thật là một ơn rất trọng. Các thánh nói, trừ ơn được chịu phép Rửa tội ra, không có ơn nào quí trọng bằng ơn thiên triệu này, đáng kể là chịu phép Rửa tội lần hai, vì ơn vào Dòng thì tóm lại hết các ơn thay thảy”[6]. Vì cùng được tái sinh trong đời sống mới nên các đan sĩ có cùng nguồn gốc để hợp nhất. Hơn nữa khi vào dòng, đan sĩ đã từ bỏ gia đình, nhận nhà dòng làm gia đình mới, gia đình của những người lắng nghe và tuân giữ lời Chúa, vì thế sống hợp nhất với nhau như anh em một nhà. Tuy hợp nhất nhưng đa dạng.
2.Đa dạng
Tuy cùng là Xitô, nhưng mỗi đan viện đều có những nét đặc thù. Có đặc thù về lịch sử: nhà lập trước, nhà lập sau. Có đặc thù về địa lý: nhà trên núi, nhà dưới biển, nhà miền Bắc, nhà miền Trung, nhà miền Nam. Có đặc thù về giới tính: nhà nam, nhà nữ. Có đặc thù về độ tuổi: nhà Châu Sơn Bắc đa phần là trẻ… Ngay Hội Dòng Xitô Thánh gia cũng có nét đặc thù so với các Hội dòng khác trên thế giới. Đó là điều Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã tiên liệu khi muốn lập một dòng riêng cho người Việt Nam, sống theo linh đạo gia đình Thánh Gia, theo tinh thần và phong cách Việt Nam. Những nét đặc thù là những độc đáo làm nên vẻ đẹp đa dạng phong phú của Hội dòng, của Giáo hội. Công đồng Vaticanô II dạy: “…Mọi người phải cố gắng tìm cách, để thực sự thích nghi với những hoàn cảnh địa phương”[7]. Thích nghi với địa phương đó là sống theo hoàn cảnh tạo nên nét độc đáo riêng cho mỗi nhà. Ngay trong từng nhà cũng có nhiều thành viên. Mỗi người mỗi năng lực thể xác, tinh thần khác nhau. Cần trân trọng và giúp mỗi người, mỗi nhà phát huy tối đa những đặc sắc Chúa ban. Như thế mỗi cộng đoàn và tất cả các cộng đoàn sẽ trở thành một vườn hoa trăm hương ngàn sắc khoe tươi.
3.Viên mãn
Tuy có những khác biệt nhưng mỗi người đều phải đạt tới mục đích cuối cùng là nên thánh. Mỗi người có một cách nên thánh riêng. Nhưng đều phải đạt tới Chúa. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu nên thánh bằng con đường bé nhỏ. Thánh nữ Têrêxa Calcutta nên thánh bằng phục vụ người nghèo. Thánh Phanxicô Xaviê nên thánh bằng yêu mến các linh hồn… Cũng vậy tuy mỗi người là một độc đáo khác biệt, mỗi nhà có những đặc thù, nhưng trong những đặc thù, khác biệt phải đạt tới Chúa là nên thánh. Đó chính là mục đích của nhà dòng. Vào nhà dòng không có mục đích nào khác ngoài việc nên thánh. Trong các nhà trường, kẻ vào đó chính ý là học hành, cũng có đi đàng nhân đức, song cốt ý cho được học hành. Vào (nhà dòng) đây không phải có ý ấy. Mà cũng không phải vào đây cho đặng làm vườn, làm ruộng. Một có ý vào đây cho được nên thánh mà thôi[8]. Vì thế Cha Tổ Phụ dạy con cái phải nên thầy dòng thật[9], nghĩa là phải là thầy dòng thánh[10]. Luật dòng không nhằm áp chế, nhưng chỉ nhằm giúp ta nên thánh. Vì thế muốn nên thánh chỉ cần giữ luật dòng. Đó là điều Cha Tổ Phụ hằng nhắc nhủ chúng ta[11]. Cuộc nên thánh đạt đến viên mãn khi ta nên một với Chúa Giêsu. Khi ấy đan sĩ trở nên hiện thân của Chúa Giêsu. Vì thế, Cha Tổ Phụ khuyên dạy chúng ta: Phương thế giúp chúng ta nên thầy dòng và để kết hiệp với Chúa ấy là tưởng nhớ Chúa hằng ở kế bên chúng ta luôn ngày luôn đêm. Vậy, trong mọi việc chúng ta làm hằng ngày, hãy chăm chỉ coi Chúa Giêsu làm thế nào, thì ra sức soi gương. Chúa Giêsu đọc kinh thế nào? Người đứng ngồi cách nào? Lúc đọc “Vinh danh” Người cúi đầu thế nào? Người nguyện gẫm ra sao? – Hãy xét từng việc từ mai tới tối như vậy, ai theo phận nấy. Hãy làm như Chúa Giêsu ở kế bên, và làm một cách rất tử tế, trọn hảo… Nếu cả Nhà Dòng chúng ta ai nấy cứ chăm lo làm như vậy, thật là tốt lành biết mấy! Người ta trông vào thì thấy Giêsu, Giêsu thay thảy[12].
4.Trong Chúa Kitô
Khi mỗi đan sĩ phát triển năng lực riêng mình đến mức tối đa để đạt tới Chúa thì toàn thể đan viện sẽ nên hợp nhất. Cũng thế khi mỗi đan viện phát triển những nét đặc thù của mình đến mức đến mức tối đa, cả Hội Dòng sẽ nên hợp nhất. Khi cả Hội Dòng hợp nhất chúng ta sẽ trở thành những chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô. Hòa vào sự hợp nhất của Giáo Hội, của thế giới, và của cả vũ trụ. Tất cả vươn tới Chúa Kitô sẽ sống trong sự thật và tình bác ái. Vì Chúa Kitô là Đầu điều khiển tất cả, hòa hợp tất cả và làm viên mãn tất cả. Như lời thư Êphêsô: “Chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau…làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái”.
Chúng ta đang kỷ niệm Bách Chu Niên Cha Tổ Phụ lập Dòng. Hội dòng đã phát triển về nhiều phương diện. Nhưng phương diện phát triển quan trọng nhất chính là vươn tới Chúa Kitô. Đó chính là ơn gọi hợp nhất ở mức viên mãn. Từ cội rễ Phước Sơn, cây Xitô Thánh Gia Việt Nam đã lớn lên, có nhiều lá nhiều cành, nhiều hoa nhiều quả. Tất cả đã vươn ra khắp đất nước và đang vươn ra thế giới với những đặc thù. Hãy ra đi. Hãy sinh hoa kết quả. Hãy trưởng thành tới tầm vóc viên mãn, ta sẽ lại hội tụ trong Chúa Kitô. Đúng như viễn kiến của Cha Teilhard de Chardin: Tất cả những gì thăng hoa sẽ đồng qui hội tụ.
[1] Đức Thánh cha Biển Đức XVI, Muối cho đời, Phong trào Giáo dân Hải ngoại 2006, tr. 34
[2] P. Teilhard De Chardin, Hymne de l’univers, Édit. du Seuil 1961, p. 16
[3] Đức Thánh cha Biển Đức XVI, Diễn từ tại Aosta ngày 24-7-2009, http://www. simonhoadalat.com 09-09-2009.
[4] P. Teilhard De Chardin, sđd, tr. 25.
[5] P. Teilhard De Chardin, Le phénomène humain, Édit. du Seuil 1956, tr. 204.
[6] DN, số 133.
[7] Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo, Nxb. Tôn Giáo 2012, số 18.
[8] x. DN, số 138.
[9] x. DN, số 134.
[10] x. DN, số 135.
[11] x. DN, số 137.
[12] x. DN, số 136.
THÁCH ĐỐ CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
Lương Khê
Con người ngày nay được sống trong một thế giới phát triển vượt bậc. Đây là một dấu hiệu đáng mừng vì nó mở ra cho nhân loại một chân trời mới đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, sự phát triển toàn cầu cũng làm cho không ít người băn khoăn về sự mai một của các giá trị truyền thống. Trong lãnh vực Tôn Giáo, sự phát triển ấy đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều Tôn Giáo, nhất là đối với những tu sĩ. Những người sống đời chiêm niệm trong Kitô Giáo cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng của xã hội. Ở một số giai đoạn, các tu sĩ đã cố gắng kháng cự lại tác nhân ngoại cảnh của lịch sử và bối cảnh họ đang sống với thành công lớn lao. Ngược lại, vào những thời điểm khác, đời đan tu lại gây ảnh hưởng đáng kể trên những phát triển xã hội. Đó là sự tác động qua lại, chưa có và cũng chẳng bao giờ có chuyện biệt lập hoàn toàn với thế giới. Theo thần học gia Jose Cristi Rey: “trong thời đại của chúng ta, những hình thức sống đời Kitô hữu khác nhau và ngay chính đời sống tu trì không thể nào được hiểu tách rời khỏi lịch sử thế giới, tách rời khỏi nhân loại”[1]. Thế nhưng, làm sao để đời tu không bị “tiêm nhiễm” bởi các tác động của xã hội? Thiết nghĩ, “gạn đục khơi trong” là một việc làm cần thiết để giữ lấy linh đạo của các dòng tu. Nhất là đối với đời sống đan tu, vì sự phát triển của thế giới đang thách thức căn tính ơn gọi chiêm niệm của họ.
1.Một thoáng hiện sinh
“Nhân loại hiện nay đang sống trong một giai đoạn mới trên dòng lịch sử, trong đó những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng khắp toàn thế giới”[2]. Nhận định đó của Công đồng Vaticano II cách đây hơn 50 năm vẫn luôn đúng về sự phát triển của nhân loại hiện nay. Thật là khó để có một sự mô tả toàn diện và đầy đủ về những thay đổi, tuy nhiên chúng ta hãy thử phác họa những đường nét chính, qua đó nhận ra những thay đổi luôn tác động đến đời tu mà đôi khi ta chưa nhận thấy. Chúng ta sẽ cố gắng phân tích sự thay đổi trên một vài khía cạnh kinh tế – xã hội, hệ thống tư tưởng triết học và tôn giáo.
1.1Sự phát triển kinh tế ảnh hưởng xã hội
“Kinh tế thị trường” là vấn đề đầu tiên chúng ta có thể suy nghĩ đến, từ chủ đề này mà xã hội và toàn thế giới được khoác lên một diện mạo hoàn toàn mới so với trước kia. Kinh tế thị trường đã biến xã hội hiện nay thành xã hội lợi nhuận, tiêu thụ, hưởng thụ, toàn cầu hóa, tiếp thị, quảng cáo…[3]. Những ích lợi của tiến bộ về khoa học kỹ thuật không ngừng cung ứng cho nhân loại một đời sống sung túc và tiện nghi hơn, chúng ta phải công nhận như thế. Nhưng “tiến bộ cũng có thể đưa đến phá hoại”[4] khi lợi nhuận, tính hưởng thụ trở thành tiêu chuẩn của mọi chọn lựa, cả trong lãnh vực vật chất, tâm linh và tôn giáo, người ta sẽ chọn tiền tài, địa vị…mà coi thường các giá trị tinh thần, tâm linh và ngay cả loại trừ tôn giáo là một hệ quả khó tránh. Hàng loạt các ảnh hưởng mà kinh tế hiện nay đang tác động đến xã hội đã được Công đồng Vaticano II miêu tả cách rõ ràng, ví dụ như: dù dồi dào của cải, khả năng và quyền lực kinh tế nhưng nhân loại vẫn còn nhiều người khốn cực, vì đói ăn và nghèo khổ, thất học…[5]. Khi xã hội được kiến tạo bởi nền kinh tế kỹ nghệ nó cũng làm “thay đổi tận gốc rễ những quan niệm và hoàn cảnh đã có từ lâu trong đời sống xã hội”[6]. Như vậy, sự thay đổi cơ bản là thay đổi về hoạt động kinh tế, nó chi phối hầu như toàn bộ đời sống con người mà tác động gần chính là tạo nên xã hội hưởng thụ, cá nhân chủ nghĩa, chắc hẳn đây là một vấn đề thách thức cho việc sống các giá trị Tin Mừng. Bởi lẽ khi con người thích sự thoải mái, tiện nghi sẽ trở nên ngại cố gắng và ngại hy sinh. Chính trong bầu khí hưởng thụ mà chủ nghĩa cá nhân với quan điểm về tự do lệch lạc được đề cao và phát triển. Cái tôi trở thành tiêu chuẩn của tự do: tự do là được làm điều mình thích! Thế giới hôm nay dường như coi trọng tự do như một giá trị gần như tuyệt đối trên cả sự thật[7]. “Ngày nay người ta dễ lẫn lộn giữa sự tự do đích thực và tư tưởng cho là mỗi người có thể phán quyết thế nào tùy ý, như thể ngoài cá nhân chẳng còn đâu là chân lý, giá trị và nguyên tắc định hướng cuộc đời, người ta xem như thể mọi thứ đều như nhau, và mọi sự đều phải được phép”[8]. Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã lên tiếng: “Mối nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân và nguy cơ sống ích kỷ vẫn đáng lưu ý”[9]. Tất cả những hệ quả đó chỉ là một trong những hậu quả rõ ràng nhất của một nền kinh tế thị trường bất công[10].
1.2. Sự phát triển của tri thức làm thay đổi tư duy con người
Trong mục đích tìm hiểu những ảnh hưởng của thế giới đương đại đang tác động đến con người, chúng ta thấy, ngoài sự chi phối mạnh mẽ của kinh tế thì uy lực của các trào lưu tư tưởng phải được kể là sức mạnh ngấm ngầm điều khiển nhân loại. Suốt dòng lịch sử triết học, từ các triết gia, các trường phái tư tưởng đã đóng góp cho nhân loại rất nhiều điều, giá trị bền vững của triết học vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên, chúng ta không loại bỏ những khả năng gây “ô nhiễm” môi trường nhận thức mà những trào lưu tư tưởng gây ra cho con người. Xét về mặt thời gian trong cái nhìn xuyên suốt lịch sử thì chúng ta đang trong thời kỳ “hậu hiện đại – post-modernité”. Dù các triết gia và các học giả vẫn chưa nhất trí về khái niệm này[11], nhưng chúng ta vẫn có thể tạm chấp nhận những đặc điểm nổi bật dưới cách phân tích triết học. Tư tưởng hiện đại đã thống trị văn hóa Tây Phương cho đến cuối thế kỷ XIX, nhưng từ cuối thế kỷ XIX cho đến giữa thế kỷ XX có rất nhiều nhân tố khác nhau hợp lưu ảnh hưởng đã tác động và làm thay đổi tận căn cách suy nghĩ của con người hiện nay, tạo nên bước chuyển tiếp từ thời kỳ của một văn hóa hiện đại sang nền văn hóa hậu hiện đại[12].
Chung quy đặc tính trọng tâm của tư duy hậu hiện đại là kinh nghiệm về sự đa nguyên, sự gián đoạn và riêng biệt nếu không muốn nói là rời rạc, mà hệ quả của tư duy đó là “thuyết tương đối” – đặt vấn đề về các giá trị. Như Bonhoeffer quan điểm: thời đại chúng ta có sự suy đồi, không theo nghĩa chối bỏ các giá trị mà đúng hơn là sự dửng dưng với các giá trị[13]. Và chắc chắn đây là một thách thức cho việc giáo dục. “Sự mở rộng tâm linh đối với những khả thể trải nghiệm chủ quan” có thể được hiểu: Kinh nghiệm tôn giáo bị đẩy lùi vào cõi riêng tư. Đạo đức trở nên chuyện riêng chỉ liên hệ đến lương tâm của mỗi cá nhân. Mỗi người có xác tín đạo đức riêng theo như mình muốn, miễn là đừng xen vào chuyện riêng tư của người khác: không ai được áp đặt quan niệm đạo đức của mình trên người khác kể cả con cái trong gia đình. Lao động, chính trị, kinh tế từ lâu rồi xa lạ với tôn giáo. Niềm tin tôn giáo là chuyện riêng tư không ảnh hưởng gì đến cuộc đời! “Thiên Chúa nếu có chẳng liên quan gì đến chúng tôi!”[14].
Trong những đặc tính của tôn giáo hậu hiện đại nói chung, Kitô Giáo nói riêng, nhất là Công Giáo cũng khó tránh khỏi những “cơn gió độc”. Theo Niên giám Tòa Thánh 2017, sỉ số Công Giáo thế giới đã vượt quá 1,28 tỷ người[15] – một con số khả quan. Tuy nhiên “tình trạng đức tin và thực hành tôn giáo suy yếu trong một số xã hội”[16]. Não trạng thời hậu hiện đại như chúng ta vừa xem xét trên kia ảnh hưởng trực tiếp đến Giáo Hội, trong đó phẩm chất đời sống đức tin là khía cạnh bị tác động quyết liệt nhất. Đức Thánh cha Phanxico đã trích dẫn nhận định:“cái nghèo lớn nhất trong số những cái nghèo của nền văn hóa hiện nay là sự cô đơn, kết quả của tình trạng vắng bóng Thiên Chúa trong đời sống con người và tình trạng mong manh của các mối quan hệ”[17].
Tất cả những thay đổi của thế giới từ những tác động của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường đến sự tiêm nhiễm những trào lưu tư tưởng đã ảnh hưởng đến nhân loại và Giáo Hội. Như nhận xét của Đức Thánh cha Bênêdictô XVI: “Biết bao nhiêu là chiều gió chủ nghĩa chúng ta đã từng biết đến trong mấy thập niên qua! Biết bao nhiêu là trào lưu ý hệ! Biết bao nhiêu là trường phái tư tưởng! Con tàu nhỏ bé mang các tư tưởng của nhiều Kitô hữu thường bị xô lấn bởi những cơn sóng này, hất từ cực đoan này sang cực đoan kia: từ chủ nghĩa Marxít đến chủ nghĩa tự do (liberalism), thậm chí đến chủ nghĩa duy tự do (libertarianism); từ chủ nghĩa tập thể (collectivism) đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan (radical individualism); từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa tôn giáo mập mờ bí hiểm (vague religious mysticism); từ chủ nghĩa ngộ thức (agnosticism) đến chủ nghĩa hòa đồng (syncretism) v.v. Ngày nào cũng có những thứ giáo phái mới, khiến cho những lời của Thánh Phaolô nói trở thành sự thật về việc con người bị lừa đảo và cái tinh quái làm cho con người bị lầm lạc. Có một đức tin minh tường, theo Kinh Tin Kính của Giáo Hội, thường được gán cho là chủ nghĩa thủ cựu (fundamentalism). Khi chủ nghĩa tương đối (relativism), nói cách khác, khi để cho mình ‘bị xô đẩy theo chiều gió chủ nghĩa’ được cho là thái độ duy nhất thích hợp với thời đại tân tiến, thì đó là lúc cái độc đoán của chủ nghĩa tương đối được hình thành, một chủ nghĩa cho rằng không có gì là tuyệt đối và là một chủ nghĩa chỉ căn cứ vào duy bản thân mình và những gì nó ước muốn”[18].
Bức tranh xã hội chúng ta vừa phác họa không những đang đe dọa căn tính ơn gọi chiêm niệm mà nó còn là thách đố cho những ai muốn gìn giữ và phát triển các giá trị truyền thống đan tu. Làm thế nào để “Men” Tin Mừng chúng ta đã lãnh nhận không bị thế giới làm biến đổi mất căn tính? Chúng ta có thể xây dựng một nền Linh Đạo Đan Tu giữa một thế giới phát triển?
2.Thách đố của sự phát triển và vấn đề gạn đục khơi trong ơn gọi chiêm niệm
Thánh Biển Đức, một con người say mê Kinh Thánh, đã tìm thấy ở đó một lối đi thích hợp cho những tâm hồn thiện chí muốn gặp gỡ Chúa trong nơi cô tịch, đó là con đường của đức ái. Trải qua dòng lịch sử lâu dài, ơn gọi Biển Đức vẫn không ngừng tồn tại và phát triển cho đến hôm nay. Điều đó cho thấy nguồn mạch Tin Mừng đã thấm đẫm trong ơn gọi này. Tuy nhiên, để giữ gìn và phát triển ơn gọi chiêm niệm trong thời đại này mà không làm mất căn tính đan tu là một điều không dễ. Xã hội phát triển, con người sống trong một môi trường ồn ào trái với sự thinh lặng của đan tu; lượng thông tin quá tải ảnh hưởng đến lời khấn canh tân; nhu cầu hưởng thụ trái với lời khấn Khó Nghèo và Khiết Tịnh; tự do cá nhân chống lại đức Vâng Phục… là những chướng ngại, là những thách đố mà các đan sĩ phải vượt qua. Một đời sống đan tu dù trong hiện đại cũng phải bảo đảm được những căn tính của nó. Vậy đâu là biện pháp? Dưới đây ta thử phác họa một vài tiêu chí của đan sĩ và đan viện trong thời đại chúng ta.
Đối với xã hội, dù sống trong một xã hội phát triển, nhưng con người ngày nay đang khát khao một điều gì đó thiêng liêng, sâu lắng, những thực tại và chân lý trường tồn, vĩnh cửu chứ không phải là những giá trị vật chất bọt bèo… Thực tế cho thấy, càng ngày càng có nhiều tâm hồn, nhất là thanh niên nam nữ tìm về những nơi cô tịch và thanh vắng của các đan viện hay thiền viện để được đắm mình trong một bầu khí thinh lặng thánh thiêng, tràn đầy sức sống cho tâm hồn được bình an, tịnh lạc. Xã hội càng biến động sôi sục bao nhiêu thì nhu cầu tâm linh càng lớn, khát vọng tìm về nguồn suối bình an, hạnh phúc tuyệt đối càng cao. Thiết nghĩ, môi trường đan viện là một yếu tố cần thiết, phải là nơi để cho người ta tìm đến để được sự bình an và an ủi. Muốn vậy, trước hết đan viện phải là đan viện thực sự. Với một cơ cấu tổ chức hợp lý trong đan viện, đan sĩ cần được cung cấp các phương tiện cần để phát triển tài năng của mình phục vụ cộng đoàn, mưu ích cho Giáo Hội và xã hội. Với khẩu hiệu: “Cầu nguyện và Lao động – Ora et Labora”. Các đan sĩ không những được huấn luyện về đời sống thiêng liêng mà còn được đào luyện cả về nhân bản, tâm lý và thể lý nữa. Nhờ lao động trí óc và chân tay như vậy, đan sĩ xây dựng được một đời sống quân bình về thân xác lẫn tâm hồn. Chính môi trường đan viện chiêm niệm đó, sẽ góp phần làm cân bằng lại nhịp sống lộn xộn của xã hội hôm nay và là động lực, là phương thuốc để chữa trị những căn bệnh của thời đại. Đó là chưa nói đến đời sống chứng nhân, tuy âm thầm mà anh dũng của các đan sĩ. Sự hiện diện của họ sẽ là lời loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất, là dấu chỉ cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa trần gian.
Đối với đan sĩ, đan viện phải là nơi để họ gặp gỡ được Thiên Chúa. Trong cộng đoàn, đôi khi đan sĩ cũng cần đi tìm sự trọn lành một cách riêng tư. Cộng đoàn là môi trường giúp đan sĩ tìm Chúa. Và đan viện cũng được quan niệm như là“nhà Chúa” (domus Dei), “trường học phục vụ Chúa”[19]. Vì thế, đan viện là môi trường giúp đan sĩ sống kết hợp với Chúa cách riêng tư. Cảnh cô tịch đan tu, sự thinh lặng cá nhân, sự cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng và lao tác là những phương thế chuẩn bị cho linh hồn được kết hợp với Thiên Chúa. “Solo Deo” là châm ngôn mà Thánh Biển Đức muốn con cái mình phải đạt đến trong cộng đoàn. Trên đường tiến đức, đan sinh phải chấp nhận sự hướng dẫn của viện phụ. Viện phụ vừa là cha, thầy giáo, y sĩ và thẩm phán. Con đường mà đan sĩ phải trải qua để đạt tới Thiên Chúa là con đường khiêm hạ[20] và vâng phục[21]. Sự khiêm hạ sẽ ngăn cản được tu sĩ mải mê với chính mình mà quên đi thực tại của Thiên Chúa. Nó làm đan sĩ thoát khỏi ý muốn riêng để tìm gặp lại chính mình trong Thiên Chúa hằng sống. Lời tuyên hứa không phải là một thứ hợp đồng (khế ước) giữa đan sĩ với viện phụ, nhưng là một giao ước huyền nhiệm với Đức Kitô, sự dâng hiến trọn đời cho Chúa. Sự vững bền bó buộc đan sĩ phải trung thành với đời sống kỷ luật, với cộng đoàn và với đan viện[22]. Tất cả những điều ấy sẽ giải thoát đan sĩ khỏi những ảo tưởng và những dự phóng ích kỷ để họ đạt tới tự do của con cái Thiên Chúa, họ sẽ cảm nếm được niềm vui và hạnh phúc trong ơn gọi. Bấy giờ trong thinh lặng, đan sĩ được mời gọi hiệp nhất với Thiên Chúa, như sắt trong lửa và cùng biến đổi trong Ánh Sáng của Thiên Chúa. Như thế, cộng đoàn đan viện là môi trường lý tưởng giúp đan sĩ thể hiện đức mến cách riêng tư. Ở đó, lòng mến Chúa được đặt làm trọng tâm, Tu Luật, viện phụ hay môi trường cộng đoàn chỉ là những phương thế giúp đan sĩ vươn lên gặp gỡ Thiên Chúa.
Như vậy, sống trong một thế giới phát triển không thể không có sự thích nghi và tác động qua lại. Nhưng, không được thay đổi căn tính của ơn gọi đan tu. Đặc biệt ngày nay, trong quan niệm của một số người vẫn xem ơn gọi chiêm niệm đan tu như một sự “xuất thế” toàn diện. Giáo Hội đặc biệt ngưỡng mộ đan tu chiêm niệm không dựa trên sự hình thành lâu đời, mà là những giá trị thánh thiêng thanh cao, bất biến, một sự sống luôn trẻ trung, trào tràn và lưu chuyển trong lòng Giáo Hội. Giáo Hội đánh giá cao đời đan tu chiêm niệm vì “căn bản chiều kích chiêm niệm là một thực tại ân sủng”, làm cho con người nhận biết Thiên Chúa và cảm nghiệm được chiều sâu thẳm của Người[23].
Tóm lại, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ơn gọi đan tu không thể tránh khỏi những ảnh hưởng của xã hội. Nền kinh tế phát triển đưa con người lên một tầm cao mới với những phương tiện giúp con người sung túc hơn. Tuy nhiên, hậu quả của sự phát triển cũng có thể làm cho con người trở nên hoang mang và có khi làm cho mất phương hướng, không tìm thấy lẽ sống. Nếu xã hội trở nên ồn ào, và con người sống không có lý tưởng, lượng thông tin qúa tải…sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp lên các cộng đoàn đan tu và các đan sĩ. Cuộc sống thay đổi từng ngày, làm sao đan sĩ có thể giữ lấy những truyền thống đang bị mai một? Đó là những thách đố! Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bi quan, vì lịch sử các nước Tây Phương đã cho ta câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta không được chạy theo những giá trị của thời đại nhưng phải bám vào mạch sống của Tin Mừng. Bởi vì, hơn bao giờ hết, con người ngày nay đang khát khao một điều gì đó linh thiêng, cao cả, mà chỉ có “Thực tại vô hình” mới đáp ứng được. Xã hội càng biến động sôi sục bao nhiêu thì nhu cầu tâm linh càng lớn, khát vọng tìm về nguồn suối bình an càng cao. Điều đó chứng minh rằng, Linh Đạo Đan Tu Biển Đức luôn luôn thích ứng và có giá trị cho con người ngày nay. Chính vì vậy, trong Tông huấn gửi Giáo Hội Tại Á Châu, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyên nên mở rộng các đan viện chiêm niệm nơi những vùng đất truyền giáo mới. Vì hình thức truyền giáo đan tu là chứng tá mạnh mẽ nhất. Trong số 23, Tông huấn viết:“Việc truyền giáo là hành động chiêm niệm và là sự chiêm niệm hoạt động. Do đó, một nhà truyền giáo mà không có kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa qua kinh nguyện và chiêm niệm, thì sẽ có ít ảnh hưởng thiêng liêng hay thành công về mặt truyền giáo”. Tông huấn còn nhấn mạnh thêm: “Tại Á Châu, tương lai của việc truyền giáo tùy thuộc phần lớn vào đời sống chiêm niệm”[24].
[1] JOSE CRISTI REY, Say Mê Đức Giêsu – Say Mê Con Người, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM 2016, tr. 89.
[2] GS 4.
[3] x. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đào Tạo Linh Mục – Định hướng và Chỉ dẫn, số 8, Nxb. Tôn Giáo 2012, tr. 64.
[4] ĐGH Bênêđictô XVI, Ánh Sáng Thế Gian, tr. 64.
[5] x. GS 4.
[6] x. GS 6.
[7] EQUIPES NOTRE DAME, Tình Yêu Hôn Nhân, Nxb. Tôn Giáo, tr. 5.
[8] ĐTC PHANXICO, Tông huấn Niềm Vui Của Tình Yêu, số 34, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2016, tr. 35.
[9] THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI, Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong giáo hội và trong thế giới ngày này, tại liệu chuận bị (Lineamenta), số 9.
[10] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp ngày 01/01/1990.
[11] x. LUY NGUYỄN, Phải chăng hậu hiện đại là một văn hóa hiện đại chưa hoàn tất hay là một hiện đại đã bị vượt qua? Bản tin Hiệp thông, Hội đồng GMVN, số 73, Chú thích số 2, tr. 230.
[12] Sđd, tr. 217.
[13] x. Sđd, tr. 220.
[14]EQUIPES NOTRE-DAME-ITALI, Tình Yêu Hôn Nhân, Nxb. Phương Đông, tr. 6.
[15] NIÊN GIÁM TÒA THÁNH 2017, https://phanxico.vn/2017/04/07/dan-so-cong-giao-toan-cau-vuot-qua-1-28-ty-nguoi/
[16] ĐTC PHANXICO, Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, số 43, Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 44.
[17] ĐTC PHANXICO, Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương, số 43, Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 44.
[18] ĐHY JOSEPTH RATZINGER, Bài giảng khai mạc Mật nghị bầu Giáo hoàng 2005.
[19] schola servitii divini, TL, lời mở.
[20] x. TL 7.
[21] x. TL 5.
[22] x. TL 68,1-2.4-5.
[23] x. Trích ý từ bài viết: Ơn gọi chiêm niệm, tác giả Hiền Lâm đăng trên www. Danvienphuocly.com.
[24] Tông huấn Giáo Hội Tại Á Châu, năm 2000, số 23.
TỪ LỜI THƯA VÂNG CỦA MẸ MARIA
– CHA BIỂN ĐỨC THUẬN
–ĐẾN LỜI THƯA VÂNG TRONG ĐỜI ĐAN TU
Vạn Bích Tâm
Sống trong một thời đại nào cũng vậy, hai chữ “xin vâng” luôn được coi là thiêng liêng cao quý, nó cũng là một thực tại luôn được trải rộng trên mọi phương diện của cuộc sống nhân sinh. Có thể nói, từ gia đình cho đến các cộng đoàn tôn giáo và xã hội nói chung đều cần đến lời thưa “xin vâng” mới có thể bảo đảm trật tự chung và mang lại hạnh phúc cho con người. Nhìn chung, phần lớn người ta cho rằng, đó là một thực tại quan trọng và hết sức cần thiết, nhưng trong thực tế, không phải hết mọi người đều đồng một quan điểm. Nhưng đối với một số người, có lẽ, rào cản lớn nhất của lời thưa “xin vâng” đó là tự do.
Nơi vườn địa đàng năm xưa, Adong và Evà muốn được tự do nên đã không vâng phục Thiên Chúa, nên loài người phải gánh lấy những hệ lụy khôn lường, mất đi sự thanh khiết, mất hạnh phúc và đáng sợ nhất là mất đi sự sống đời đời. Thế nhưng, vì yêu thương, Thiên Chúa đã không bỏ mặc con người bơ vơ và chìm đắm trong sai lầm, nên Ngài đã ban cho nhân loại một người mẹ là Đức Trinh Nữ Maria, nhờ lời thưa “Xin Vâng” của Đức Maria mà nhận loại được sống[1]. Giáo Hội đã nói về giá trị lời thưa “Xin Vâng” của Đức Maria như sau: “Sự trói buộc do sự bất tuân của Evà đã được đức tuân phục của Mẹ Maria mở ra; điều mà Evà cột lại do sự vô tín thì Mẹ Maria đã tháo cởi do Đức Tin của Mẹ”[2].
Thật vậy, do sự bất tuân của “người nữ đầu tiên” mà cửa Thiên đàng đóng lại. Thì nhờ lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ Maria – Evà Mới mà nhân loại nhận được ơn cứu độ. Thánh Irênê đã viết: “Do sự tuân phục của mình, Mẹ đã trở thành nguyên nhân ơn cứu độ cho bản thân Mẹ và cho toàn thể nhân loại”. Và cùng với Thánh Irênê còn có các thánh Giáo Phụ khác cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Ðức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin”[3].
Với đề tài: “TỪ LỜI THƯA VÂNG CỦA MẸ MARIA – CHA BIỂN ĐỨC THUẬN – ĐẾN LỜI THƯA VÂNG TRONG ĐỜI SỐNG ĐAN TU”, người viết sẽ không giải thích ý nghĩa và phân tích chi tiết hết các ý nghĩa của bài viết được; cũng không trình bày dưới nhãn quan Thánh Mẫu Học. Nhưng với khả năng ít ỏi vốn có, người viết muốn trình bày ba điểm: lời thưa “Xin Vâng” của Đức Maria, tiếng thưa “Xin Vâng” của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận và lời thưa “xin vâng” trong đời sống đan tu.
1.Lời thưa “Xin Vâng” trong cuộc đời Đức Maria
Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria và Ngài đã sai Thiên Thần Gabriel đến thưa cùng Đức Maria về kế hoạch của Chúa. Trước lời mời gọi yêu thương đó, Mẹ đã thưa “Xin Vâng” với trọn con tim của mình, với một sự tự do nội tâm và xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa. Lời thưa “Xin Vâng” ấy như muốn nói lên sự đón nhận hoàn toàn điều mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Mẹ cho công cuộc cứu độ của Ngài: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói” (Lc 1,38). Phải chăng lời thưa xin vâng của Đức Maria đã làm nên cả một khởi đầu trọn hảo cho kỷ nguyên mới – kỷ nguyên ơn Cứu độ và cuộc giáng lâm của Ngôi Lời Thiên Chúa. Điều này đã được Thánh Bernard trình bày trong một bài giảng:“Ôi lạy Mẹ, Mẹ là đấng cứu chuộc chúng con. Vì khi Mẹ thưa xin vâng, lập tức chúng con được giải thoát. Toàn thể địa cầu trông đợi lời xin vâng của Mẹ. Lời ấy sinh ra Ngôi Lời Hằng Hữu”[4].
Mẹ đã không đóng khung lời “Xin Vâng” như một kỷ niệm đẹp trong ngày truyền tin; nhưng lời thưa “Xin Vâng” đã song hành với Mẹ suốt cả cuộc đời qua các biến cố vui cũng như buồn trong suốt hành trình Đức Tin của Mẹ[5a]. Đức tin của Mẹ Maria vững vàng trong “cái bấp bênh mà sứ điệp của Thiên Thần Chúa mang tới. Đức tin của Mẹ đứng vững cả khi sắp sinh con mà không kiếm được chỗ trú ngụ trừ ra cái chuồng bò. Đức tin của Mẹ đứng vững trước lời tiên báo khủng khiếp của cụ già Simêon. Đức tin của Mẹ vẫn vững vàng trong chuyến lưu đày sang Ai Cập và đức tin ấy mạnh mẽ khi Mẹ và Thánh Giuse tìm thấy Chúa trong Đền Thờ. Đức tin của Mẹ vẫn không chao đảo khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai và phải đương đầu với sự cứng lòng tin và những mối đe dọa”[5].
Đặc biệt, Mẹ đã sống trọn lời “Xin Vâng” để được cộng tác với Đức Giêsu trên đường khổ giá và kiên cường đứng dưới chân thập giá khi Chúa trút hơi thở cuối cùng. Mặc dù Mẹ tận mắt chứng kiến con mình quằn quại đau đớn, khi phải tê tái im lặng nhìn con bị người khác sỉ nhục, chế diễu, hành hạ, chết mà không một tấm áo che thân, trần trụi trên cây thập giá. Thế nhưng, Mẹ Maria không hề gục ngã, không khóc lóc vật vã, không quay lại mắng chửi quân lính và dân chúng. Nhưng Mẹ vẫn im lặng. Mẹ im lặng để đón nhận thánh ý Thiên Chúa, và Mẹ im lặng để nhớ lại lời tiên tri của cụ già Simêon ngày nào trong đền thờ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà” (x. Lc 2,35). Hơn thế nữa, Mẹ Maria đã hiệp nhất với hy tế của con mình, cách nhìn đó được diễn tả thật chính xác, giản dị và trang trọng trong một bản văn Công đồng Vatican II: “Đức Trinh Nữ trung thành hiệp nhất với con cho đến bên cây Thập giá là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng ở đó. Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy tế của con, với một tấm lòng của một người mẹ hết lòng ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng dạ mình sinh ra”[6].
Nhờ sự can đảm, tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa mà qua lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ, chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Phải chăng qua lời thưa “Xin Vâng” của Đức Maria chúng ta cũng đọc thấy trong đó hình ảnh của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận kính yêu của chúng ta.
2.Lời thưa “Xin Vâng” trong cuộc đời Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận
Đọc lại lịch sử và qua đời sống của Cha Biển Đức Thuận chúng ta nhận thấy điểm tương đồng nơi Cha Biển Đức Thuận và Mẹ Maria. Như Đức Maria đã thưa tiếng “Xin Vâng” trong ngày truyền tin và lời thưa “Xin Vâng” trọn vẹn nhất khi Mẹ đứng dưới chân thánh giá để chứng kiến cái chết của Đức Giêsu con Mẹ[7]. Và hơn thế nữa, khi Mẹ thưa “Xin Vâng” là lúc Mẹ dám dấn bước vào cuộc mạo hiểm. Cũng vậy, lời thưa “Xin Vâng” của Cha Biển Đức Thuận trước lời mời gọi của Thiên Chúa cũng rất mạo hiểm. Mạo hiểm đó được thể hiện rõ khi ngài dám rời khỏi quê hương để sang Việt Nam truyền giáo lúc tuổi mới ngoài đôi mươi. Ngài đã phải đối diện và vượt qua bao cay đắng và thử thách. Từ khi Cha rời khỏi quê hương Pháp Quốc để sang Việt Nam, Cha đã phải đối diện với nhiều thử thách. Trước tiên, phải nói đến những khó khăn thời buổi ban đầu hoạt động của vị thừa sai trên đất Việt: nào là thiếu thốn về vật chất, nào là thử thách vì bệnh, nào là môi trường, văn hóa, phong tục tập quán, nào là khí hậu khắc nghiệt… nhất là vấn đề ngôn ngữ. Đối với một vị thừa sai gốc Pháp ở giữa những giáo dân Việt Nam, những cuộc gặp gỡ, những lúc chuyện vãn, thật không dễ dàng chút nào, nhất là hiểu được văn hóa của dân Việt thì khó khăn hơn biết mấy? Liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ của người dân bản địa – cụ thể ở đây là tiếng Việt – trong tập sách Christiane d’ Ainval kể lại nhận xét của nhiều người Pháp như sau: “Thực vậy, rất hiếm người Pháp khắc phục được rào cản ngôn ngữ: nhiều người không bao giờ vượt qua được chướng ngại này, dù họ đã cư ngụ lâu ngày tại Việt Nam và đã có nhiều cố gắng. Trái lại người Việt học tiếng Pháp khá dễ dàng, hơn nữa tiếng Pháp còn bị buộc phải dạy trong các trường Tiểu học và Trung học”[8].
Mặc dù Cha Biển Đức Thuận phải đối diện với nhiều thử thách khó khăn nhất là vấn đề ngôn ngữ, nhưng vì yêu Chúa, yêu lý tưởng truyền giáo, yêu dân tộc Việt Nam của Cha và “trong lòng Cha khao khát mãnh liệt việc truyền giáo nên ngài đã miệt mài học ngày học đêm tiếng Việt với sự nôn nóng mong được rao giảng Phúc Âm”[9].
Thứ đến, phải nói những thử thách khi lập dòng: chỉ với một hành trang ít ỏi, một gánh còn nhẹ, nhưng Cha Biển Đức Thuận vẫn dấn thân khởi sự. Khó khăn không phải chỉ dừng lại ở đây, nhưng vẫn như người bạn cùng đồng hành, ta hãy nghe cha kể: căn nhà đẹp nhất của chúng con đã thành mồi cho thần lửa, hoa mầu trồng tỉa thì heo ri thu hoạch trước, gia súc được chăn nuôi, đôi lúc cọp, beo vào vồ ăn mất[10].
Thật vậy, để sống trọn cuộc đời trên đất nước Việt Nam luôn là thách đố đối với người Pháp, cần phải có một nghị lực vững vàng và một sự từ bỏ triệt để. Rời bỏ quê cha đất tổ để đến định cư luôn nơi một đất nước xa lạ đòi hỏi vị thừa sai có một niềm tin sắt đá. Để bền bỉ cho tới cùng trên mảnh đất An-Nam chắc hẳn Cha Biển Đức Thuận cũng phải kiên trì chịu đựng rất nhiều.
Lời thưa “Xin Vâng” nào cũng phải trả giá, mỗi người mỗi kiểu, mỗi bậc sống mỗi khác, mỗi cấp bậc cũng khác nữa. Nếu Đức Maria không thưa lời “Xin Vâng” thì nhân loại chúng ta sẽ như thế nào? Chúng ta có được cứu không? Nếu Cha Biển Đức Thuận không thưa “Xin Vâng” liệu hôm nay Việt Nam có một Hội Dòng Xitô Thánh Gia không? Vậy lời thưa “xin vâng” của đan sĩ sẽ để lại cho cộng đoàn, Hội Dòng, Giáo Hội điều gì?
3.Lời thưa “Xin Vâng” trong đời sống đan tu
Những điều cao trọng Chúa đã thực hiện nơi Đức Mẹ thì Ngài cũng sẽ thực hiện nơi chúng ta, tùy theo hoàn cảnh và ơn gọi của mỗi người. Như Đức Maria và Cha Biển Đức Thuận mỗi người cũng hãy để cho Chúa toàn quyền sử dụng cuộc đời mình theo thánh ý Ngài. Đức Maria và Cha Biển Đức Thuận đã thưa “xin vâng” theo ý Chúa, như họa lại lời thưa vâng của Chúa Giêsu trước thánh ý Chúa Cha và hoàn tất công trình của Người (x. Ga 4,34). Vậy, bước theo Đức Kitô chính là tiếp tục thực hiện ý Chúa Cha trong cuộc đời mình: nghĩa là cố gắng làm những gì mà Đức Kitô sẽ làm nếu như Ngài sống trong hoàn cảnh hiện tại của ta. Xác quyết rằng cả đời ta là để thực hiện chương trình mà Ngài đã dự định cho ta, và đó là lẽ sống của đời ta. Vì thế, khi thưa “xin vâng” không phải là để hoàn thiện con người của mình, mà là tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô trong thế giới hôm nay. Nhờ lời thưa “xin vâng” của chúng ta hôm nay, Đức Kitô tiếp tục hành động để loan báo Nước Trời và làm cho nước đó được thể hiện[11].
Lời thưa “Xin Vâng” trong đời sống đan tu không phải là một phương thế để tập sống khổ hạnh, cũng không phải là lý do để các bề trên dựa vào đó mà buộc bề dưới làm theo, cũng không phải chỉ để tạo nên trật tự chung, nhưng sâu xa hơn nhiều. Nó nằm trên bình diện liên hệ trực tiếp giữa Thiên Chúa và con người. Đan sĩ sống “Xin Vâng” là làm cho mình “nối dài sự hiện diện và sứ mạng của Đức Kitô giữa trần gian” (x. Ep 4,11-13), và lời thưa “xin vâng” đó phải được thực hiện trong Luật lệ, Hiến Pháp; khuôn khổ của cộng đoàn, bởi vì cả cộng đoàn cũng như từng phần tử của cộng đoàn cũng đều là sự hiện diện của Chúa ở giữa trần gian. Thực ra, trong đời tu, mọi người đều thưa xin vâng. Bề trên cũng phải thưa xin vâng như bề dưới, kẻ nắm quyền cũng phải thưa xin vâng như người thuộc quyền. Mọi người đều phục vụ và đều thưa xin vâng: xin vâng kẻ phục vụ với quyền bính, và xin vâng kẻ phục vụ không có quyền bính, bởi vì người ra lệnh cũng như kẻ thi hành lệnh đều nhắm tới ý Chúa.
Quả thật, Mẹ Maria và Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận chẳng thể nào hiểu hết những gì các ngài thưa “Xin Vâng”, nhưng vì tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa các ngài đã đón nhận tất cả, lấy ý Chúa làm ý mình. Trong Chúa Giêsu, chúng ta nối tiếp tiếng “Xin Vâng” của các Ngài để chương trình tình yêu của Thiên Chúa được hoàn tất trong đời sống thánh hiến của chúng ta.
Thay lời kết
Chúng ta có thể nói rằng, cuộc đời Mẹ Maria và Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận là một chuỗi những biến cố và các Ngài đã sống các biến cố ấy bằng một đức tin kiên cường. Mặc dù lắm lúc các Ngài cũng lần mò trong đêm tối đức tin, cũng bối rối, cũng hoang mang… Nhưng các ngài đã vượt qua được nhờ biết gắn kết đời mình với Chúa Giêsu, biết để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt, biết lắng nghe và để cho Thiên Chúa hoàn thành kế hoạch của Ngài trên cuộc đời mình[12].
Phần chúng ta, chúng ta có bổn phận xét mình lại xem, có khi nào chúng ta biết thưa “Xin Vâng” với Chúa khi Ngài ngỏ lời với chúng ta qua các biến cố lớn nhỏ hằng ngày không? Có khi nào chúng ta thưa “xin vâng” khi biết rằng sóng gió cuộc đời gần như vùi dập và nhấn chìm chúng ta không? Chúng ta có để cho Thiên Chúa hướng dẫn cuộc đời mình hay chúng ta luôn đi bước trước ý định của Thiên Chúa?[13].
Thực ra, nhược điểm của con người là thích làm theo ý riêng, thích được người khác ca tụng trong công việc, đôi khi trong cả việc lành thánh, việc đạo đức. Chúng ta có thể phớt lờ sự góp ý, hướng dẫn, mời gọi nhắc nhở của các bậc bề trên, của những người chung sống với nhau trong cộng đoàn. Ta cho mình là có tài, có đức, có khả năng… Vì thế, chúng ta thường thực hiện công việc, lời nói và cách hành xử của ta theo ý riêng. Tuy trước mắt mình cảm thấy và cho rằng chúng ta thành công, làm được những việc vĩ đại đen lại lợi ích cho nhiều người. Nhưng ta có cảm nhận được nỗi buồn của các bậc bề trên khi ta thiếu lời thưa “xin vâng” không?
Mỗi chúng ta cũng cần ý thức rằng lời thưa “xin vâng” không chỉ thốt ra một lần là đủ, mà nó còn phải là lời đáp trả không ngừng trong từng ngày sống, hôm qua, hôm nay và trong suốt cuộc đời dâng hiến của chúng ta. Hơn thế nữa, cùng với lời thưa “xin vâng” ấy là cả một quá trình dấn thân, một sự từ bỏ liên lỉ mà bất cứ một người môn đệ nào theo Chúa cũng phải sẵn sàng đón nhận[14].
Trên bước đường theo Chúa có những đoạn đường lúc thẳng lúc lại cong, có những đoạn nhỏ hẹp và khúc khuỷu, cũng có cả những mùi khổ đau, của cô đơn và lạnh giá…bên cạnh đó, cũng có những niềm vui, hạnh phúc,… Những điều ấy như một phần tất yếu và làm nên hương vị của cuộc sống thánh hiến. Và những nẻo đường ấy, những lối đi ấy có thể vượt qua được với những ai có lòng tin, với những người sẵn sàng cất lên tiếng “xin vâng”. “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10, 7).
[1] x. Anton Lương Văn Liêm, ĐỨC MARIA MẪU GƯƠNG VÂNG PHỤC
http://tinmung.net/DocGia/_Maria/2011/08/Duc-Maria-mau-guong-vang-phuc.htm
[2] Công đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium số 56.
[3] St. Iréné de Lyon: Adv. Haer. III.22.4: PG 7.959 A; Harvey, 2, 123.
[4] x. Thánh Bernard, trình bày trong một bài giảng.
[5] Đức Hồng Y James Hickey, Trích bài giảng tĩnh tâm.
[6] Công đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium số 58.
[7] x. Đức Hồng Y James Cardinal Hickey, Đức Maria dưới cây thánh giá, Đức Giang dịch. tr 20, năm 1988.
[8] x. C.d’AINVAL, Les belles heures de l’Indochine francaise, Perrin, Paris, 2001, p.113.
[9] Đức Emanuel, Hạnh Tích Cha Biển Đức Thuận, tr 42.
[10] x. Di Ngôn số 38; 76.
[11] x. Kim Dương. Mẹ Thiên Chúa, tr 36, năm 1995.
[13] x. Đức Maria sống đức tin trong mọi biến cốhttp://donghiensi.net/duc-maria-song-duc-tin-trong-moi-bien-co.html
[14] x. Lòng tin của Đức Maria http://subbienhoa.com/s/long-tin-cua-duc-maria-657483.html
PHÁT TRIỂN VÀ BÁM RỄ
FM. Théophane Vénard
Ngoài những ý nghĩa khác, mừng 100 năm hồng ân lập dòng còn ấp ủ cả một niềm tin và niềm hy vọng về sự phát triển mạnh mẽ của Hội Dòng trong tương lai. Dẫu biết rằng: tương lai thuộc về Thiên Chúa, nhưng tương lai đó cũng là một sứ mệnh nội tại nơi ơn gọi của Hội Dòng Thánh Gia tại Việt Nam và của các đan sĩ. Sứ mệnh phải “phát triển” là con đường sống, là yếu tố mang tính quyết định cho sự tồn vong của Hội Dòng. Nhưng để phát triển, cần phải bám rễ. “Phát triển” đi liền với “bám rễ” luôn liên kết với hình ảnh nông nghiệp: cây và đất. Cây chỉ phát triển với điều kiện bám chặt vào đất, đâm rễ và hút lấy nhựa sống. Đất cần cho cây; cây cần có đất, đất không thuộc về cây mà chỉ có sự sống của đất là của cây. Như thế, “bám rễ” là điều kiện cần; một sự cần thiết tối thiểu, nhưng lại là tiên quyết cho việc phát triển.Từ đây, “bám rễ” không chỉ là một điều kiện cần mà còn là quyết ý của một mệnh lệnh: “muốn phát triển, phải bám rễ”.
Trong đời sống tu, ý tưởng “bám rễ” thường đi liền với việc trung thành với trí ý và căn tính của đấng sáng lập, là ý tưởng đã được Công đồng Vaticano II đề cập đến trong Sắc lệnh “Đức Ái Hoàn Hảo”. Ở đây, chúng tôi muốn trình bày “bám rễ” như là sống mối tương quan với Chúa Giêsu.
1.Cần bám rễ?
Cần bám rễ là một điều hết sức tự nhiên, không thể phủ nhận được. Thế nhưng trong đời tu, tu sĩ cần bám rễ vào đâu? Thưa: vào Đức Kitô, vì “tâm điểm của đời tu là mối tương quan tình yêu cá vị của từng người với Đức Kitô”[1]. Tuơng quan tình yêu cũng là tương quan sự sống (x. 1Ga 4,8), luôn có nhu cầu “ở trong” và “ở với”( x. Ga 14,24; 15,4) để hoàn toàn nên một cho nhau, cùng nhau và với nhau. Khi tuyên khấn ba lời khuyên phúc âm, tu sĩ thực sự đi vào giao ước của tình yêu và sống mối cam kết tình yêu sâu xa với Đức Kitô. Mối cam kết này sẽ in dấu tình yêu của Đức Kitô trong trái tim mỗi người được thánh hiến. Đó là tình yêu cứu chuộc, mang đến một sự tự do thực sự[2]. Vì thế, bám rễ vào Đức Kitô là một điều khẩn thiết trong mối tương giao tuyệt hảo này.
Điều khẩn thiết nhưng bị người ta lãng quên và đôi khi sợ nhắc đến. Thánh Bộ “Đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ” đã nêu lên thực trạng này nơi Huấn thị: “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô”. Huấn thị đã khẳng định một sự thật không thể ngờ: đời tu đi theo Đức Kitô mà lại bỏ quên chính Đức Kitô. Đức Kitô không được nhắc đến hay ít được nhắc đến trong cuộc sống cá vị, trong đời sống cộng đoàn và trong sứ vụ. Một trong những nguyên nhân khiến Đức Kitô bị lãng quên không gì khác hơn là thái độ duy công việc, tách rời thánh hiến với đoàn sủng; đề cao đoàn sủng quá mức, quên hẳn khía cạnh tận hiến.
Một thực tế không thể phủ nhận là đời tu đang có những thách đố dễ có nguy cơ bị tục hoá[3]. Những khuynh hướng: tự do, cá nhân, hưởng thụ, thực dụng và tương đối đã len lỏi vào nếp sống của cộng đoàn[4]. Những khuynh hướng này tạo nên một nền văn hoá “vị lợi và kỹ trị” khiến cho cả bề trên, lẫn anh chị em thấy cần phải làm việc và làm việc để có một kết quả như ý của mình. Từ đó, dễ dàng rơi vào xu hướng sống của nền văn hoá thời đại mà người ta gọi là “hypertasking”, nghĩa là tranh thủ. Tu sĩ “tranh thủ” để thời giờ dành cho Chúa chỉ còn là thời giờ luân lý, thời giờ của bổn phận, và rơi vào cạm bẫy: làm việc theo chức năng. Tham dự Thánh lễ, giờ kinh Phụng vụ, tham gia các sinh hoạt của cộng đoàn hay cộng đồng…đơn giản chỉ là những việc mà chúng ta phải làm. Dần dà, theo Cha Quirico, các tu sĩ sẽ đi vào đường mòn của lối sống công chức, đánh mất chiều kích thiêng liêng[5].
Chính vì thế, theo thánh bộ “đời sống thánh hiến và tu đoàn tông đồ” có một hiện tượng là duy hoạt động, ưu tiên hiệu quả công việc hơn là con người. Điều đó làm cho “tình trạng các dự phóng riêng tư chiếm ưu thế hơn các dự phóng của cộng đoàn có thể xói mòn sự hiệp thông của tình huynh đệ”[6]. Người ta đánh giá nhau dựa trên kết quả và sự hữu hiệu của nó, khiến cho tương quan liên vị giữa các thành viên dễ biến thành tương quan kinh tế, tương quan công việc, đặc biệt là tương quan chức năng. Bên cạnh đó, “các cám dỗ tìm kiếm hiệu năng và duy hoạt động, có nguy cơ làm lu mờ tính độc đáo của Tin Mừng và làm suy yếu các động cơ thiêng liêng”[7].
Hiện tượng thứ hai là sự quan tâm thái quá về đời sống kinh tế và sự an toàn, tiện nghi của cuộc sống khiến cho phần lớn dự án của cộng đoàn không nhằm tới nhiệm cục cứu chuộc. Thế mà, theo thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Nếu, theo truyền thống, sự tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm tập trung vào ba điểm khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, thì tập tục này dường như muốn đề cao, một cách rõ ràng, tầm quan trọng của chúng là những yếu tố chìa khoá, một cách nào đó “tóm gọn” tất cả nhiệm cục cứu chuộc”[8]. Điều gì sẽ xảy ra? Thay vì linh hoạt và nhắc nhở lý do hiện hữu của đời sống thánh hiến, hỗ trợ nhau sống trung thành, không ngừng đổi mới theo lời mời gọi của Thần Khí, cộng đoàn đã để phần lớn thời gian cho những dự án kinh tài. Thay vì thêm nhiều chương trình huấn luyện đời sống tâm linh và tạo khung cảnh thích hợp triển nở đời tu, cộng đoàn quá bận tâm vào những chương trình khuếch trương rập theo khuôn mẫu của thế gian.
Từ đó, có cảm tưởng: đời sống cầu nguyện suy yếu. Các giờ kinh Phụng vụ trở thành nhịp điệu “đưa võng” diễn ra đều đặn từ ngày này qua ngày khác. Ý thức việc tạo nên sự thinh lặng nội tâm và khung cảnh thinh lặng ít được đề cập đến trong các buổi gặp gỡ cộng đoàn, và ngay cả khi giúp các tu sinh thẩm định ơn gọi thì việc sống đời sống nội tâm và khung cảnh thinh lặng rất ít được nhắc đến. Tại sao? Vì ta đánh mất tình yêu thủa ban đầu (x. Kh 2,4).
2.Bám rễ là tìm lại tình yêu thủa ban đầu
Theo nhận định của Thánh Bộ “Đời sống thánh hiến và tu đoàn tông đồ” trong Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô”: cuộc khủng hoảng đời tu hiện nay xuất phát từ việc xa rời tâm điểm của đời tu là tình yêu, nên cần phải trở về lại với trọng tâm, “là tìm lại một lần nữa tình yêu ban đầu của ta, tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên đi theo người. Bước đầu là tình yêu Thiên Chúa. Bước tiếp là sự đáp trả đầy lòng yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa”[9].
Như vậy, việc tu sĩ cần phải thực hiện là kéo tình yêu trở lại trung tâm của đời sống tu. Điều kiện để đưa tình yêu trở về trọng tâm đời tu không gì khác hơn là gặp được Đức Kitô một cách hiện sinh, để có thể sống mối tương quan tình yêu cá vị với Ngài. Thế mà, Đức Kitô là gì trong cộng đoàn của tôi?
Ngài là trung tâm của cộng đoàn, vì không phải ta chọn Ngài nhưng chính Ngài đã chọn ta (x. Ga 15,16). Ngài chọn ta để trở nên bạn hữu của Ngài: “Thầy không gọi các con là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,15). Nên để kéo tình yêu trở lại trung tâm của cộng đoàn, điều khẩn thiết là Đức Kitô phải là trung tâm, nghĩa là chính tình yêu của Ngài là khởi điểm cho mọi đường hướng, kế hoạch và quyết định của cộng đoàn.
Để Đức Kitô là trung tâm, trước hết, tu sĩ phải quy phục hoàn toàn Ngài bằng cách khước từ tham vọng biến mình thành trung tâm. Hai tham vọng được xem là nguy hiểm: đó là quyền lực và danh vọng. Quyền lực và danh vọng ở đâu cũng có, vì thế gian ở ngay trong ta, cho dù ta có trốn ở giữa ốc đảo thì hai tham vọng này vẫn tồn tại. Cộng đoàn tu trì vừa là thực tại thiêng liêng, vừa là cơ cấu hữu hình. Do đó, sống đời tu, dầu được mời gọi để “nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”, nhưng không phải là không cần chiến đấu với quyền lực và danh vọng. Một khi quyền lực và danh vọng bị kìm hãm, Đức Kitô sẽ là trung tâm; nếu ngược lại, cộng đoàn có nguy cơ trở nên tầm thường.
Lịch sử thăng trầm của các dòng tu tuỳ thuộc vào sự quy phục Thiên Chúa hay sự thống trị do tham vọng của con người. Ta chỉ có thể quy phục Thiên Chúa khi thống trị được tham vọng. Làm sao có thể thống trị được nó? Với sức con người có lẽ là điều không tưởng, vì các tôn giáo đã đưa ra những phương pháp khả dĩ nhất, nhưng vẫn không thể diệt. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể giúp ta, bằng chứng là Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết, sự tội và các quyền lực của ma quỉ. Dẫu là thế, thực tế nơi ta không bao giờ hoàn toàn được như vậy, vì “Điều tôi muốn, tôi lại không làm. Điều tôi không muốn, tôi lại làm” (Rm 7,15). Ta vẫn còn bị chi phối bởi tội bao lâu còn trong thân xác phàm nhân này.
Bởi đó, để Đức Giêsu thực sự là trung tâm của cộng đoàn, cần phải nhận ra được tình yêu của Ngài như xác quyết của thánh Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5,14-15). Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được tình yêu của Đức Kitô, nên mọi hoạt động của ngài đều quy chiếu về Đức Kitô: “Dù ăn, dù uống hay làm bất cứ việc gì anh em hãy làm nhân danh Chúa Kitô” (1Cr 10,31), đến nỗi cuộc đời của thánh nhân có thể tóm gọn trong hai chữ “Đức Kitô”: “Sống đối với tôi là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Làm sao ta có thể cảm nhận được như thánh Phaolô? Hãy cố gắng tạo nên một đốm sáng, Chúa là ánh sáng sẽ biến tia sáng thành một vầng sáng; cố gắng thắp lên ngọn lửa nhỏ của tình yêu, Chúa Thánh Thần sẽ đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng ta (x. Rm 5,5) để ánh lửa nhỏ tình yêu của ta được lan toả. Tình yêu lan toả như tình yêu cứu chuộc của Chúa Giêsu. Tình yêu đó chính là sứ vụ mà các tu sĩ thực hiện trên chính con đường của Chúa Giêsu đã đi. Riêng đối với đan sĩ là bắt chước một Đức Giêsu cầu nguyện và sống trước thực tại trên trời như lời mời gọi của Công đồng Vaticano II. Thực tại đó là tình yêu thương huynh đệ trong cộng đoàn.
Sống hai điều này trong thời đại công nghệ 4.0 thật khó. Thời giờ dành cho cầu nguyện tưởng là nhiều, nhưng lại rất thiếu. Thiếu không phải không có quỹ thời gian mà là khả năng để hướng về Chúa. Ngày xưa, các tu sĩ có rất ít phương tiện để giải trí; ngày nay, báo chí không phải là báo giấy, mà báo điện tử, Youtube với đủ chương trình, đủ mọi lãnh vực. Xưa, thú tiêu khiển chỉ đơn giản là những trò chơi vận động, thì ngày nay, nào là game, các chương trình giải trí có nguy cơ làm cho con người rơi vào tình trạng nghiện. Bên cạnh đó, nhu cầu học hành, trau dồi kiến thức, nhu cầu thông tin tiêu tốn thời gian rất nhiều, nhất là đối với những ai việc học trở thành đam mê… Những điều mới mẻ đó thêm vào những khuynh hướng mới của thời đại như khuynh hướng cá nhân, tiêu thụ, hưởng thụ… hình thành nên những tu sĩ sống nhanh, sống vội, thích hưởng thụ và có xu hướng ích kỷ, lúc nào cũng bận rộn với những dự án cá nhân. Nên thời gian dành cho nhau không có, thời giờ cầu nguyện rất ít, mà lại kém chất lượng vì bị phân tán, khó tĩnh lặng. Thực tế này khiến tu sĩ có cái đầu rất lớn mà trái tim lại quá nhỏ. Quá nhỏ đến nỗi Giáo Hội lên tiếng, xã hội báo động: căn bệnh vô cảm phát triển nhanh chóng với cấp số nhân. Thử hỏi tình yêu với Chúa, tình huynh đệ với anh chị em sẽ như thế nào?
Câu trả lời, ai cũng có thể nhận ra. Điều cần phải làm, đan sĩ nào cũng nghĩ tới. Đó là trau dồi chất lượng cầu nguyện; dành thời giờ cho Chúa và cho nhau. Thực hiện điều này cần phải có một quyết tâm được gói gọn trong hai chữ “từ bỏ”. Nếu ta giống như chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng, chỉ nhận ra Chúa là Cha nhân lành và nhận ra mình có nhu cầu để nên trọn lành mà không dám từ bỏ, thì không bao giờ ta có thể bám rễ để tìm lại tình yêu ban đầu được. Người thanh niên thiếu một điều là “từ bỏ” để đi theo Chúa, ta phải cần hai chữ “từ bỏ” để có được tình yêu cứu chuộc của Chúa Giêsu. Hành động này xem ra đơn giản mà khiến ta lưỡng lự để nói với Chúa: con muốn từ bỏ tất cả để có Chúa. Nếu ta lưỡng lự, ta sẽ là gì, đời tu sẽ thế nào?
3.Bám rễ là họa lại cuộc sống của Đức Kitô
Nếu lưỡng lự, ta sẽ không phát triển được, đời tu sẽ trở thành tầm thường, vì bám rễ là điều kiện và cũng là mệnh lệnh mang tính nội tại. Đã là cây đương nhiên phải bám rễ; nếu không đâm rễ thì đó là cây chết, chứ không phải cây sống. Đời tu phải “bám rễ” vào Đức Kitô không phải chỉ là chuyện đương nhiên theo luận lý, nó còn là sự thật xét theo thực tại. Sự thật vì đời tu là “đi theo sát Đức Kitô” và “nên đồng hình đồng dạng với Ngài”[10], nên không có chất “Kitô” không còn có đời thánh hiến tu trì. Chất “Kitô” cần phải được phát triển để đạt đến mức hoàn thiện. Mức hoàn thiện đời tu hướng đến không gì khác hơn là Đức Ái hoàn hảo. Đạt tới Đức Ái hoàn hảo, tự mình là điều bất khả thi với con người, nhưng sẽ khả thi nếu bám rễ vào Đức Kitô.
Đời tu “bám rễ” vào Đức Kitô ngoài khía cạnh được nuôi dưỡng bằng sự sống, còn là “đi theo Đức Kitô” để trở nên “đồng hình đồng dạng với Ngài”. Đi theo là muốn họa lại nếp sống của Ngài, nếp sống hoàn toàn để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân là điều bất khả thi trong thân phận con người. Bởi lẽ, con người có nhu cầu, nên lệ thuộc là điều tất yếu. Con người luôn bị cản trở để tự do “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12,30). Họ cần phải họa lại nếp sống Chúa Kitô.
Thế mà, Chúa Giêsu luôn lấy thánh ý Chúa Cha làm trọng, đặt lên trên hết. Ngài hoàn toàn tuân theo ý của Cha đến nỗi ý của Chúa Cha là lương thực hàng ngày của Ngài: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Ngài tuân hành ý của Cha để làm vui thoả lòng Cha và điều đó mang lại cho Ngài niềm vui: “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8,28-29). Chúa Giêsu đã thực thi ý của Cha cho đến chết, chết trên thập giá. Chính việc bị treo lên, Chúa Giêsu vén mở tình yêu vô cùng của Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến đỗi ban Con Một của Người” (Ga 3,16). Cũng chính lúc đó, tình yêu đạt tới đỉnh điểm, và nhiệm cục cứu chuộc được thành toàn, theo nghĩa tình yêu của Cha được mạc khải trọn vẹn và con người được đón nhận tròn đầy hồng ân cứu chuộc. Đời tu đi theo Đức Kitô nên cũng chỉ có thể đạt tới mức phát triển trọn vẹn khi làm trọn thánh ý của Chúa Cha vì yêu mến Người như Đức Kitô đã yêu.
Để thi hành công việc của Chúa Cha, cả cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu là tìm kiếm ý của Chúa Cha: “Tôi tự trời mà xuống, không phải làm theo ý tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Làm theo ý Cha là luôn vâng theo. Trong tiếng Latin, “vâng phục” bắt nguồn từ obedire, nghĩa là lắng nghe. Động từ này được hình thành từ hai chữ ob – tiền tố theo ý nghĩa nhấn mạnh và audire – lắng nghe. Do đó, vâng phục có nghĩa là lắng nghe một cách chăm chú, nên nó hàm chứa một tương quan liên vị, ít nhất là có hai vị: truyền lệnh hay truyền tin; và bên kia là nhận lệnh hay nhận tin. Một khi có truyền lệnh và nhận lệnh, tức là cần đến chức năng của trí năng và ý muốn của cả hai. Như vậy, việc thực thi ý Cha của Chúa Giêsu phát xuất từ một sự hiểu biết rõ ràng và quyết ý của một tự do, mà ở đây là tự do của tình yêu. Trong tình yêu, khi ở mức độ cao, ta thường lấy ý muốn của đối tượng làm trọng và luôn mong muốn được biết ý của người yêu để làm vui lòng họ. Chúa Giêsu yêu Cha hết lòng, Ngài luôn tìm kiếm ý của Cha và thực thi, nên Ngài đã được Thiên Chúa siêu tôn (x. Pl 2,9). Tu sĩ bước theo Chúa Giêsu, cần phải luyện cho mình khả năng biết lắng nghe. Ta lắng nghe tiếng Chúa trong Lời của Ngài một cách chăm chú để mang ra thực hành; lắng nghe trong Thánh Luật, nơi Giáo Hội, huấn quyền, các bề trên hợp pháp, qua dấu chỉ của thời đại. Lắng nghe vì nhiệm cục cứu chuộc để biến chúng ta thành những con người hoàn toàn tự do để yêu thương như Chúa Giêsu. Đó là con người giúp ta phát triển đến mức vẹn toàn của Đức Ái.
Chúa Giêsu hằng tìm kiếm thánh ý của Cha. Thế mà, thánh ý của Chúa Cha là muốn cho mọi người được ơn cứu độ (x. 1Tm 2,4) và Chúa Giêsu đến để thực thi thánh ý này. Thực thi thánh ý là chu toàn sứ mệnh mà Chúa Cha muốn Chúa Con thực hiện. Sứ mệnh đó Chúa đã hoàn thành trọn vẹn nơi cái chết trên thập giá: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19,30). “Đã hoàn tất” tiếng vang kết thúc của sứ vụ Chúa Cha trao; “Đã hoàn tất” cũng là sự trọn hảo của một sứ vụ và là sự khẳng định: Chúa Giêsu hoàn toàn tự do yêu thương khi thực hiện sứ vụ mà Ngài nhận lãnh. Họa lại cuộc sống của Chúa Giêsu, tu sĩ cũng được mời gọi “hoàn tất” sứ vụ yêu thương của Ngài, nên không thể có thái độ nửa vời trong cuộc sống hiến dâng; trái lại, phải “đi đến cùng” và “cho đến chết” như Chúa Giêsu, là bám rễ thật sâu, thật chắc vào đất, nghĩa là trung thành với tinh thần và trí ý của Đấng sáng lập.
Tạm kết
Bám rễ là ước mong của tất cả mọi người dầu ở bất cứ vị trí nào, vì tất cả cần phải phát triển. Ai cũng biết điều đó, nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể phát triển tốt như nhau. Một phần vì khả năng; phần lớn là do vô minh. Vì vô minh mà nhầm lẫn giữa chính và tuỳ. Tưởng chính là tuỳ, tưởng tuỳ là chính. Và, vì thế mà phát triển không tốt.
Đời sống tu hiện tại đang rơi vào tình trạng này. Do đó, Thánh Bộ “Đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ” mới lên tiếng và mời gọi “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô”. Ta phải xuất phát lại từ trọng điểm là Đức Kitô, “là một lần nữa tìm lại tình yêu thủa ban đầu”. Tình yêu đã lôi cuốn ta và đang chờ đợi để tiếp bước cho ta tiến nhanh, tiến mạnh trong hành trình theo Đức Kitô. Tình yêu đó cũng đang chờ đợi ta thực hiện một cuộc tìm kiếm lại để Thiên Chúa đặt vào trái tim ta chính tình yêu ở trong trái tim Con của Ngài. Ta đã sẵn sàng chưa? Hãy xuất phát lại từ Đức Kitô. Hãy bám rễ vào Đức Kitô.
[1] Quirico T. Pedrecosa, Tình Yêu Là Sứ Vụ, Nxb. Tôn Giáo, năm 2012, tr. 3.
[2] x. Tông huấn “Hồng Ân Cứu Chuộc”.
[3] Thánh Bộ Đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ, Huấn thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, phần II.
[4] TGM Ngô Quang Kiệt, Tân Phúc Âm Hoá với Đức Thánh Cha Phanxico, tr. 25-43.
[5] x. Quirico T. Pedrecosa, Tình yêu là sứ vụ, Nxb. Tôn Giáo, năm 2012, tr. 17-21.
[6] Thánh Bộ Đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ, Huấn thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, phần II, số 12.
[7] Sđd, số 12.
[8] Tông huấn “Hồng ân cứu độ” số 9.
[9] Thánh Bộ Đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ, Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, phần II, số 22.
[10] x. Vita Concecrata, số 15, 16.
ĐI CHUNG MỘT CON ĐƯỜNG
(Tình huynh đệ trong cộng đoàn)
FM. G. Vianney Hoàng Văn Sáng
Nói đến cộng đoàn là nói đến một tập thể, một nhóm người, một khối bao gồm nhiều thành viên. Tất cả những thành viên đó liên kết với nhau, cùng chung sống, cùng một cách thể hiện; hay nói theo ngôn ngữ của Cha Biển Đức Thuận là cùng chung một con đường, cùng chung một ơn gọi, cùng chung một lý tưởng. Nhưng làm sao để các thành viên trong cộng đoàn đó sống tốt lý tưởng, để cùng chung bước trên một con đường, hầu tiến về cùng đích được. Điều này đòi hỏi các thành viên trong cộng đoàn đó phải có một tình huynh đệ chân thành. Muốn được như vậy thì các thành viên trong cộng đoàn đó phải có một mối tương quan tốt, luôn biết hướng về người khác để từ đó các thành viên có cơ hội tiếp nhận những cái khác biệt của mình nơi người khác, qua đó họ biết học lắng nghe, đồng thời học biết nhận cách mở lòng mình để đón nhận, cảm thông và tôn trọng. Vì, mọi người cần đến nhau để sống và triển nở trong tình yêu. Hay nói như Thánh Phaolô: “Chúng ta liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 13,5). Tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn là một tương quan hai chiều luôn có sự ảnh hưởng mang tính cách hỗ tương cho nhau. Từ đó ta có bình an giữa mình với người khác, cuộc sống trở nên hài hòa, phát triển và liên đới với nhau hơn.
Nhưng để tạo được mối tương quan tốt trong cộng đoàn, các thành viên cần biết gặp gỡ, trao đổi lẫn nhau, sống khiêm tốn, và biết thực hiện một bước “nhảy” ra khỏi chính mình mặc dù “tôi vẫn là tôi”. Nhưng đặc biệt hơn đó là: các thành viên phải biết tin tưởng nhau và nhạy cảm trước nhu cầu của nhau.
I.Tạo các mối tương quan
Các thành viên phải tạo được mối tương quan đồng cảm với anh chị em mình. Vì, tình yêu huynh đệ lớn mạnh được là nhờ các thành viên trong cộng đoàn biết quan tâm tới nhau. Nhưng để tạo được mối tương tốt, các thành viên phải hiệp thông và hợp tác với nhau trong việc xây dựng mối tương quan đó. Đặc biệt các thành viên phải biết yêu thương lẫn nhau, sống cởi mở. Muốn làm được như thế, các thành viên trong cộng đoàn cần phải biết đón nhận nhau trong tình yêu.
1.Đón nhận nhau
Trước hết, trong mỗi người luôn tồn tại một phẩm giá bất khả xâm phạm, mà chính bản thân người đó và tất cả những người khác phải chấp nhận vô điều kiện. Vì khi, đứng trước một con người, không ai có quyền cưỡng bức họ hành động ngược với lương tâm và xác tín riêng của họ. Vì, con người có một phẩm giá và một quyền tối thượng đòi hỏi phải được tôn trọng một cách vô điều kiện và phải được đối xử như một nhân vị.[1] Trên thực tế, chúng ta thường nhìn người khác bằng quan niệm và thành kiến của riêng ta và dễ có xu hướng bắt người khác suy nghĩ theo lối nhìn của mình. Tệ hơn, chúng ta thường lấy bản thân mình làm thước đo, làm tiêu chuẩn để đánh giá người khác. Do đó, để tiến đến đón nhận và yêu thương tha nhân, trước hết ta phải tôn trọng mỗi người như một nhân vị cá biệt, độc đáo, bất khả xâm phạm.
Yêu là chấp nhận sự khác biệt. Một người yêu thương đích thực luôn tôn trọng, và còn phải biết khuyến khích sự khác biệt và tính độc đáo của người mình yêu. Vì, mỗi người là một “tác phẩm” có một không hai mà người khác chỉ có quyền chiêm ngưỡng chứ không có quyền xét đoán hay lên án. Tuy nhiên, chấp nhận sự khác biệt mới “chỉ là điều kiện sơ đẳng của mối giao tiếp giữa người và người[2]. Còn một điều kiện cao hơn nữa đó là; chúng ta được mời gọi đến với nhau như chúng ta “là” để sống giao ước bản thân hầu kiến tạo và phát huy tính đa dạng và phong phú được tạo nên từ chính những khác biệt của mỗi người.
Trước hết, chúng ta chỉ thực sự gặp gỡ tha nhân khi nhìn nhận tha nhân như những con người bình đẳng, có tự do và trách nhiệm. Nhìn nhận tha nhân là một ngôi vị tự do, khi tôi đến với họ tôi không được đòi hỏi nhưng chỉ chờ đợi và hy vọng vào câu trả lời của họ. Đánh mất sự tự do và tự nguyện trong việc trao ban và đón nhận, giao ước chỉ còn là một sự “thuận mua vừa bán” theo qui luật của sự vật. Sống giao ước bản thân bao hàm một hành vi tự nguyện dấn thân của tôi và một sự đáp trả tự do của tha nhân. Dấn thân tức là sẵn sàng, quên mình để đi bước trước đến với tha nhân, dám liều để thực hiện một cuộc thử nghiệm mới. Dấn thân sâu vào các mối tương quan không bảo đảm hoàn toàn sự thành công nhưng đó là điều cốt yếu đối với những ai muốn sống cuộc sống yêu thương.
Thứ đến, sống giao ước bản thân là đi vào cuộc gặp gỡ con người thật của nhau, dám sống với khuyết điểm của mình cũng như của tha nhân, và sẵn sàng đón nhận trọn vẹn con người của tha nhân. Đến với nhau như chúng ta là, đó là điều kiện tiên quyết để có thể thiết lập mối giao hảo thực sự giữa người với người. Thế nhưng, trong cuộc sống, đặc biệt là trong cộng đoàn một số thành viên ít khi sống thật với con người của mình. Nhiều khi họ không bao giờ tự cho phép mình tỏ ra là một con người yếu đuối với những hạn chế và khuyết điểm, trái lại, luôn khoác cho mình một cái mặt nạ “hoàn hảo”.
Chấp nhận sự yếu đuối của mình và của người khác là đi ngược lại với tính tự mãn và cố chấp. Đó cũng không phải là một sự chấp nhận buông xuôi, vô vọng. Điều quan trọng ở đây là chúng ta dám chấp nhận sự thật, không ảo tưởng. Chúng ta có thể lớn lên từ chính sự thật, chứ không phải từ những ảo tưởng chúng ta muốn hay người khác áp đặt cho chúng ta. Chỉ khi chúng ta ý thức sự thật về mình và về người khác với tất cả sự phong phú và nghèo nàn của mỗi người, thì chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng một cộng đoàn. Sức mạnh cuộc sống sẽ tuôn trào từ chính thực tại chúng ta là ai.[3] Mỗi khi dám sống với khuyết điểm của mình, chúng ta dễ dàng chấp nhận những hạn chế của tha nhân và thực sự đón nhận họ một cách vô điều kiện. Một mối tương giao đúng nghĩa phải được thiết lập bởi những con người thật, chứ không phải bởi những cái mặt nạ.
2.Thuộc về
Khi mỗi thành viên biết đón nhận nhau trong yêu thương, thì họ sẽ cảm thấy mình thuộc về một gia đình đúng nghĩa. Khi đó họ sẽ cố gắng xây dựng cộng đoàn mình để mỗi ngày mỗi thành viên được hòa thuận hơn. Nhờ đó, các thành viên trong cộng đoàn sẽ được bình an.
Khi các thành viên ý thức được mình thuộc về cộng đoàn, thì họ sẽ nhiệt tâm xây dựng và làm cho cộng đoàn phát triển, nếu không họ sẽ sống kiểu “sống chết mặc bay”, không có tương quan. Khi họ ý thức được mình thuộc về cộng đoàn, thì chính nơi đây họ sẽ tìm gặp được “đất sống” và tìm được căn tính của họ. Như thế, cá tính của con người sẽ được chữa trị và nội tâm của người đó sẽ được thống nhất, khi đó cảm thức thuộc về sẽ mãnh liệt hơn.
Hơn nữa ý thức mình thuộc về một cộng đoàn nào đó, người ta mới có động lực để giúp họ sống tốt và biết xây dựng cộng đoàn của mình ngày một tốt hơn. Nhờ đó, mỗi thành viên sẽ biết giúp đỡ nhau cùng tiến bước trên con đường lý tưởng mà mỗi người đã chọn. Khi cảm thức thuộc về được xây dựng, con người đó sẽ có được một cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, họ có một cảm thức nội tâm thâm sâu với Chúa. Từ đó các thành viên sẽ sống cởi mở và biết chia sẻ cho nhau hơn.
Vì, tính chất của yếu tố thuộc về là để tiến triển. Nên, khi các thành viên cảm thấy mình không được tiến triển trong tình yêu họ có thể rút lui. Nhưng không phải vì lý do cộng đoàn gặp khó khăn, hay không hợp với vị hữu trách. Vì cộng đoàn khó khăn trong hoàn cảnh xã hội là liều thuốc để Thiên Chúa tôi luyện các chứng nhân của Ngài, hay vị hữu trách không hợp thì cũng chỉ trong một thời gian nhất định và điều đó không phải là yếu tố quyết định cho sự phát triển cộng đoàn.
Vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên mỗi người trong cộng đoàn của bạn là một thế giới kinh nghiệm độc nhất vô nhị. Vì thế, các thành viên trong cộng đoàn mang trong mình những trang sử đời mình với nhiều dấu ấn của không gian và thời gian, của những kỷ niệm hồng và cả những vết thương lòng không ai giống ai. Do đó, để xây dựng một cộng đoàn lớn mạnh, trước hết mỗi cá nhân cần đón nhận người khác với lòng tôn trọng, lắng nghe để thấu hiểu và yêu thương. Muốn được như thế, mỗi người phải ý thức mình thuộc về cộng đoàn này thì mới xây dựng mối tương quan tốt đẹp được. Để mỗi người có thể đón nhận nhau trong yêu thương. Mỗi thành viên trong cộng đoàn phải biết mở lòng mình ra, không khép kín cũng như e ấp che đậy cái tốt cũng như các khuyết điểm của mình.
3.Cởi mở
Đặc tính căn bản của một cộng đoàn có tính thuộc về chính là cách sống cởi mở. Khi các thành viên trong cộng đoàn sống cởi mở sẽ biết đón nhận nhau và biết lắng nghe Thiên Chúa, vũ trụ và tha nhân. Vì sống cởi mở là một trong những yếu tố giúp ta tạo được mối tương quan tốt đẹp.
Sống cởi mở là tin tưởng ở nhau. Một cộng đoàn mà các thành viên biết mở lòng ra để đón nhận nhau, đó là một cộng đoàn biết yêu thương chân thành nhất. Sống cởi mở còn là điều kiện biết đến và sống gần gũi nhau hơn. Đây cũng là điều kiện để mỗi người đối thoại, để tìm ra điểm chung nhờ đó yêu thương nhau chân thành. Khi đó chúng ta sẽ hiểu được tính cách của nhau, cũng như nhận ra được những khuyết điểm của mình và người khác, nhờ đó ta yêu thương nhau hơn. Cởi mở cũng là cách để ta biết đón nhận những yếu đuối của mình cũng như tha nhân, nhờ đó ta biết chấp nhận những giới hạn của mình và tha nhân.
Vì yêu thương là để cho người khác đến với mình, đồng thời nhờ đó, ta có được lòng thương cảm để đến với họ. Nhưng để thực hiện được điều này thì mỗi người phải biết mở lòng mình ra để đến với nhau. Nếu không có sự cởi mở, chúng ta khó lòng đến với nhau một cách chân thành được, và cũng khó mà yêu thương thật lòng được.
Trong một cộng đoàn mà các thành viên không biết sống cởi mở, không trải mình ra với nhau, đó là một cộng đoàn khép kín, đời sống đó sẽ trở nên chật hẹp. Như thế, các thành viên trong cộng đoàn không có sự bình an, vì đó chỉ là nơi gồm những người tập họp lại để sống, ai lo việc người ấy. Đây có thể ví được như là một nhóm người chứ không phải là một cộng đoàn.
4.Tin tưởng
Nếu một cộng đoàn không tin tưởng nhau, thì đời sống của cộng đoàn đó rất là nặng nề. Vì, cộng đoàn là nơi gồm những con người yêu thương nhau tha thiết và đang cùng nhau hướng tới một niềm hy vọng. Chính điều này mang đến một bầu khí đặc biệt của niềm vui và sự đón nhận, là những yếu tố làm nên căn tính của một cộng đoàn đích thực.[4]“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32).
Trong sự tin tưởng cũng có thử thách và đau khổ, nhưng chính thử thách và đau khổ đó làm cho lòng tin tưởng tha thứ của chúng ta mới thực sự là tha thứ tin tưởng trong tình yêu. Khi đã vượt qua những gian khổ, cộng đoàn sẽ được vững chắc và không lay chuyển vì cộng đoàn có lòng tin tưởng được lớn mạnh qua gian khổ. Khi chúng ta nhận ra anh chị em mình là một hồng ân Thiên Chúa ban cho mình thì niềm tin tưởng của chúng ta sẽ được vững chắc.
Lòng tin tưởng được xây dựng trên niềm tin vào Thiên Chúa. Vì khi chúng ta tin tưởng và nhìn nhận người khác thì sẽ dễ dàng tin tưởng vào bản thân mình. Chúng ta đã khám phá ra rằng anh chị em mình luôn yêu thương và tin tưởng mình. Đồng thời làm thế nào để chúng ta xác tín được rằng dẫu mình yếu đuối nhưng vẫn luôn được yêu thương, nên chúng ta cũng phải có khả năng yêu thương. Khi đó lòng tin tưởng sẽ được triển nở trong cộng đoàn, vì yêu thương là bước khởi đầu giúp ta tin tưởng lẫn nhau. Khi đó bản thân khám phá ra Thiên Chúa và tha nhân tin tưởng vào mình hơn.
Khi chúng ta có lòng tin tưởng nhau, chúng ta khám phá ra trong cộng đoàn là nơi giúp ta kiếm tìm hạnh phúc. Chính khi đó chúng ta được tự do. Vì bấy giờ người ta không còn sống những ước muốn của tha nhân, hoặc theo một nhân vật “thần tượng” nào đó, nhưng sống từ lời mời gọi sâu thẳm nơi bản thân. Đồng thời từ đó ta có thể yêu mến mình, và tha nhân đúng như thực trạng của mình và của tha nhân chứ không phải như thực trạng ta muốn.
5.Biết nhạy cảm
Nhạy cảm là một yếu tố quan trọng giúp chúng ta biết được ý muốn của người khác, nhờ đó làm cho đời sống cộng đoàn được vui tươi hơn. Đồng thời nhạy cảm giúp ta biết được những điều mà theo bản tính tự nhiên mình khó nói, nhờ đó ta dễ dàng cảm thông với anh chị em mình. Nhạy cảm còn là một phương thế giúp chúng ta có trực giác để xây dựng sự yêu thương trong cộng đoàn.
Nhưng để có được sự nhạy cảm mỗi thành viên trong cộng đoàn đừng đeo “mặt nạ”, đừng tìm cách tạo rào chắn, phòng vệ với cộng đoàn. Hãy là mình trong sự trung thực, tin yêu, cởi mở để đón nhận người khác, yêu thương nhau để tha thứ và thông cảm trong cuộc sống. Biết nhạy cảm đặt mình trong hoàn cảnh của anh chị em để dễ dàng cảm thông và quan tâm đến họ.
Từ sự nhạy cảm mỏng dòn của bản thân, ta mới hiểu và chấp nhận người khác như chính mình. Những căng thẳng, bất bình, tự ái, chán nản chỉ là những phản ứng bình thường trong sự giao tiếp. Tuy nhiên, cũng không bình thường hóa mọi vấn đề đúng với sự việc và ý nghĩa của nó. Có thể đó là một sự trốn tránh, một thái độ bất cần, hay một tâm trạng bình an giả tạo, không có lối thoát.
Trên đây là một số điểm có thể giúp mỗi thành viên tạo được mối tương quan tốt để sống tình huynh đệ trong cộng đoàn mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng; sống trong cộng đoàn, bao gồm nhiều người ‘bá nhân bá tánh’. Vì thế, cũng cần những phương thế để giúp ta tạo được mối tương quan tốt đẹp. Vậy, đâu là phương thế giúp ta sống tương quan với anh chị em mình?
II.Các phương thế giúp kiến tạo tối tương quan
Sống trong cộng đoàn bao gồm mỗi người mỗi cá tính khác biệt. Vậy làm sao để tạo được mối tương quan tốt hay nói cách khác làm sao để mình có thể dẹp bỏ những bất hòa? Sau đây xin được trình bày sơ lược một số phương thế để phần nào giúp sống tốt tương quan nhờ đó tình huynh đệ trong cộng đoàn được tốt đẹp hơn.
1.Có tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương tha thứ
Trong đời sống cộng đoàn, nếu chúng ta không để ý thì rất dễ xảy ra tình trạng xét đoán và kết án kẻ khác. Chúng ta có thể giam hãm họ lại trong các phạm trù: “anh, chị phải là thế này hay thế kia”. Làm như vậy là chúng ta khước từ khả năng lớn lên của họ. Vì, cộng đoàn nào cũng được hình thành bởi những con người có cả mặt tốt lẫn mặt xấu, nhưng dám chấp nhận và tha thứ cho nhau, đó mới là cộng đoàn hoàn hảo. Vì khi biết tha thứ cho nhau là ta cũng biết tha thứ và chấp nhận sự yếu đuối của mình. Đó không phải là một sự chấp nhận theo kiểu buông xuôi, vô vọng. Điều quan trọng ở đây là chúng ta dám chấp nhận sự thật, không ảo tưởng.
Mặt khác, vì cộng đoàn là nơi dễ gây ra sự xét đoán và kết án người khác, nên chúng ta cần phải biết học yêu thương tha thứ nhiều hơn, để đánh bật những ý định xét đoán và kết án ra khỏi tâm trí mình. Vì, khi biết chấp nhận những lầm lỗi của người khác và được xây dựng trong yêu thương, mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống của các thành viên đều cảm thấy nhẹ nhàng, cho dù thỉnh thoảng vẫn có thể xuất hiện những “cơn bão” không báo trước. Để cảm nhận được ánh mắt yêu thương dễ mến nơi anh chị em trong cộng đoàn, mỗi người phải tập luyện và dưỡng nuôi bằng trái tim, mở rộng tấm lòng, sẵn sàng bao dung tha thứ, quảng đại và bỏ qua những thiếu sót cho nhau. Đôi khi những biểu cảm nho nhỏ lại là những phương thuốc diệu kỳ biến đổi thực tại, nếu như mọi người điều có cùng một tình yêu. Hay nói như Đức Giáo hoàng Phanxicô: Biết yêu mến những chi tiết nhỏ của tình yêu như; cám ơn, xin lỗi, làm ơn…, mới biết chăm sóc lẫn nhau, nhờ đó ta mới có thể biết nhạy cảm trước các nhu cầu của nhau.[5]
Trong đời sống cộng đoàn, nếu không có lòng bao dung tha thứ hiện diện nơi mỗi cá nhân, thì chắc chắn không thể xây dựng nên một cộng đoàn duy nhất trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Do đó, để tình huynh đệ được gắn kết với nhau thì đòi hỏi mỗi cá nhân phải có một tấm lòng bao dung, luôn tha thứ, vì Đức Kitô dạy: “Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,37b).
Phải có lòng tha thứ một cách thật lòng. Vì, gian dối, xảo trá là phá hoại đời sống huynh đệ trong cộng đoàn. Do vậy, anh em sống đời cộng tu luôn luôn thật lòng với nhau và giúp nhau tiến bước. Đây cũng là sứ vụ của các cộng đoàn tu trì, vì: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Điều này chính Đức Giêsu cũng đã dạy các môn đệ, và Ngài cũng mời gọi tất cả chúng ta thi hành điều đó để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa ở trần gian này, mà cộng đoàn được thiết lập là thi hành sứ vụ này. Nhưng để yêu thương được thì chúng ta phải biết lắng nghe và đối thoại để tìm ra những cái hay cái dở của mình cũng như của anh chị em mình, nhờ đó tình yêu của ta có cơ sở vững chắc hơn.
2.Biết lắng nghe – đối thoại
Biết lắng nghe, đón nhận và xây dựng, sẽ tạo cho mỗi người thấy được giá trị của mình trong cộng đoàn, là dịp tốt để người khác bộc lộ con người mình trong tình yêu và tự do.
Tính dân chủ là điều kiện tốt làm nảy sinh và duy trì đối thoại trong cộng đoàn, nhờ đó các thành viên hiểu, thông cảm, yêu thương và san sẻ những gánh nặng bằng những cuộc đối thoại. Vì con người là một hữu thể tương quan, và nhu cầu thâm sâu nhất của con người là yêu và được yêu, hiểu biết và được hiểu biết. Để nhu cầu đó được đáp ứng một cách thỏa đáng cần có sự chia sẻ và cảm thông chân thành giữa người với người. Sự chia sẻ đúng nghĩa phải là lời bày tỏ tâm tư chân thành từ tận đáy lòng. Đây chính là lúc ta mở lòng ra với người khác để cùng cảm thông chia sẻ. Vì lời chia sẻ phát xuất từ con tim nên cần được lắng nghe bằng cả tấm lòng.
Trên thực tế để lắng nghe và thật sự thấu hiểu một con người là một thách đố lớn. Trước hết, không dễ gì người ta có thể bày tỏ những kinh nghiệm sâu xa trong cuộc đời của họ, bởi vì, “khi tôi chia sẻ những cảm nghiệm của tôi chính là lúc tôi bộc lộ tâm hồn mình cho người khác. Khi tôi nói cho bạn về quá khứ của tôi hay là những tình cảm hiện thời tôi có thì đó chính là cách tôi nói cho bạn biết tôi là ai, bởi tôi đã nói cho bạn biết cách mà tôi kinh nghiệm cuộc sống. Trong mức độ nào đó, tôi đang cho bạn thấy một phần bản chất thực của tôi”[6]. Và khi một ai bộc lộ tâm hồn mình cho người khác là họ đã dám liều, bởi vì sự chia sẻ của họ có thể không được lắng nghe, thậm chí bị phản đối hay chê cười. Về phía người nghe, chúng ta sẽ chẳng khó khăn gì khi nghe một người khác trình bày một tư tưởng. Nhưng sẽ khó khăn cho chúng ta khi lắng nghe những tâm tình sâu lắng nhất của một người, nghĩa là lắng nghe và đón nhận cả con người thực của họ. Mỗi con người là một thế giới kinh nghiệm độc nhất vô nhị mà ta chưa thể hiểu thấu được, nên khi lắng nghe ta cần trao cho người ấy một tâm hồn tươi mới để cũng có thể đón nhận những kinh nghiệm mới. Được lắng nghe bằng một tình yêu chân thành và thái độ ân cần, người khác sẽ chia sẻ một cách thoải mái và chân tình hơn, đặc biệt khi họ cảm nhận được sự kính trọng sâu xa trong cách lắng nghe của ta. Điều này có thể được gọi là “sự lắng nghe sáng tạo”, vì nó làm phong phú cho cả người nghe lẫn người nói.
Từ việc lắng nghe đến sự thấu cảm là cả một chặng đường dài vì mỗi người là một thế giới khác biệt. Để vượt qua những khác biệt quá lớn giữa mình với tha nhân, ngoài việc ân cần lắng nghe với cả con tim chân thành, chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh, địa vị, tập quán, văn hóa và sự hiểu biết của họ. Làm được như thế, ta có thể hòa mình vào được trong thế giới kinh nghiệm của người nói một cách sống động hơn, và dĩ nhiên, chúng ta dễ nghe được âm thanh người ấy đã nghe, cảm được những gì người ấy đang cảm. Đó chính là những món quà, những hồng ân của cuộc sống mà không một thế lực nào có thể mang lại cho ta được.
Ta phải cầu xin Chúa để có được một trái tim biết lắng nghe những lời chia sẻ của anh em ta, hầu có thể chia sẻ gánh nặng của họ; bởi chính họ đang thấp thỏm lo âu, hay gánh nặng của họ đã khiến cho họ không còn đáng yêu nữa. Khi ta biết lắng nghe những chia sẻ của anh em ta, là ta đã giúp họ vượt ra khỏi mọi thử thách mà họ đang gánh chịu bấy lâu nay. Ta đã giúp họ trút bỏ được gánh nặng để họ cùng ta vững bước trên con đường trọn lành.
3.Nhẫn Nại
Chúng ta được Chúa quy tụ lại từ nhiều vùng miền, nhiều quan niệm và văn hóa khác nhau. Vì thế, có thể nói là mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi hoa… Nên khi sống chung có người tiến triển nhanh hay chậm tùy tính cách và cách nhận thức riêng của họ. Để hiểu và hòa thuận, chúng ta cần có thời gian nên nhẫn nại chờ đợi là yếu tố cần thiết trong đời sống cộng đoàn.
Trong cuộc sống chung, có khi anh chị em mình bước chậm hơn hoặc nhanh hơn, có khi là “lượn gió bắt bướm”… làm cho cuộc hành trình của cộng đoàn có vẻ như chậm lại, có khi bị xáo trộn, chúng ta hãy biết nhẫn nại. Việc thay đổi một con người là một công trình dài hơi. Nên chúng ta phải có lòng thương xót; thương xót anh chị em, cũng như thương xót chính mình. Khi đó chúng ta sẽ mở rộng lối cho việc chấp nhận, yêu thương mình và người khác.
Trong lúc nhẫn nại, chúng ta cũng có thể gặp nghịch cảnh là: lòng nhẫn nại của ta không đủ lớn, có khi do người khác gây khó dễ cho lòng nhẫn nại của ta. Khi đó chúng ta hãy cố gắng trung thực, để thấy các ưu điểm của người khác. Rồi một ngày kia chính Chúa Thánh Thần sẽ đến giải thoát ta khỏi rào chắn ác cảm của ta về họ. Chúa đòi buộc ta mỗi ngày phải có những nỗ lực mới và Ngài còn hứa: “Ơn Ta đủ cho con, vì quyền năng Ta được bày tỏ trong sự yếu đuối của con” (2Cr 12,9).
Cộng đoàn là được xây dựng trên tình yêu, tình yêu lại được xây dựng trên lòng tin tưởng và lòng trông cậy; hai điều này sẽ giúp cho cộng đoàn được triển nở. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu thực sự là mẫu gương cho sự nhẫn nại này, khi Chị không ngừng cầu nguyện và tha thứ cho người ghét mình.
4.Hiệp nhất
Để cộng đoàn giảm bớt sự căng thẳng và xung đột, mỗi thành viên cần có sự hiệp thông từ chính nội tâm của mình. Muốn có được điều đó, tình hiệp thông phải được xây dựng trên tình thương yêu. Tình thương yêu đó chính là nhận biết rằng chúng ta là một thân thể duy nhất, một dân duy nhất được Thiên Chúa mời gọi để xây dựng và làm chứng cho tình yêu thương và bình an của Ngài nơi trần gian.
Nếu mỗi người cứ loay hoay trong những thất vọng chán chường, những nỗi đau của riêng mình thì sẽ tác động ảnh hưởng rất lớn cho những thành viên khác. Vì thế, cộng đoàn không chỉ sống cho riêng mình, nhưng phải được loan truyền tình yêu như một ánh lửa tỏa sáng, không bị dập tắt. Do đó, cộng đoàn muốn lớn lên thì cộng đoàn đó phải luôn có sự hiệp nhất, đi tìm sự hiệp nhất trong yêu thương và mở ra trao ban với mọi người để cũng mở ra với thế giới.
Trong sự hiệp nhất, các thành viên còn phải tôn trọng giờ giấc của tha nhân, nhất là phải giữ đức công bằng, tôn trọng quyền lợi người khác. Đồng thời các thành viên trong cộng đoàn đừng để ai bị bỏ rơi lạc lõng. Những người già đau yếu, người gặp thử thách càng được cộng đoàn nâng đỡ và săn sóc hơn.
Vì mỗi người trong cộng đoàn đều được mời gọi hợp tác với nhau, mỗi người một phận vụ và không ai được cho mình là quan trọng, hay thấp hèn. Vì trong cộng đoàn, người trồng cây và kẻ quét rác điều quan trọng như nhau. Một điều khác nữa cũng khá quan trọng để cộng đoàn được phát triển hài hòa, đó là gạt bỏ tình cảm cá nhân, bè phái, chia rẽ.
5.Cầu nguyện
Lương thực để nuôi sống cộng đoàn trong đời tu chắc chắn không chỉ dựa trên những cố gắng, ý thức, sự trưởng thành của mỗi thành viên hay của chính cộng đoàn. Nhưng sâu xa và căn bản vẫn là hoa trái của sự chiêm niệm, cầu nguyện, tìm ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống thường nhật. Nếu chưa thấm được bài học yêu thương, hiệp nhất, cho đi cách vô vị lợi, dám hy sinh… nơi cộng đoàn Ba Ngôi, người tu sĩ sẽ không biết mình phải làm gì trong đời sống đó. Vì khi có một đời sống cầu nguyện – tâm linh sâu sắc, kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, thì tất cả những hoạt động trong cộng đoàn sẽ diễn ra một cách tốt đẹp, có hiệu quả cao và cho dù những hoạt động, những công việc mà mỗi cá nhân không đạt kết quả như cộng đoàn mong muốn chúng ta vẫn luôn sẵn sàng đón nhận trong tin yêu và phó thác.
Vì mỗi chúng ta đều yếu đuối phải cần đến sự nâng đỡ và yêu thương tha thứ của anh chị em mình. Nhưng muốn được điều đó, chúng ta phải biết tỉnh thức và cầu nguyện. Vì bóng đêm của cuộc sống vẫn luôn bao bọc chúng ta lúc ẩn lúc hiện, nên không có sự nâng đỡ của Thiên Chúa thì chúng ta không nhận ra sự nâng đỡ của anh chị em mình là một hồng ân. Khi mà ta không nhận ra sự nâng đỡ của anh chị em là hồng ân thì xảy ra tranh chấp là điều sẽ đến.
Kết luận
Mỗi thành viên trong cộng đoàn luôn cần đến người khác, cần đến sự yêu thương, cảm thông và chia sẻ, dù cho những vết thương có thể để lại nỗi đau trong đời mình. Vì thế, chúng ta cần phó thác và quy hướng tất cả cho Thiên Chúa, sẵn sàng để Đức Kitô trở thành Thầy dạy về đời sống cộng đoàn, khi đó chúng ta sẽ thấy đâu là điều mình cần sống. Sự hiệp nhất, tin yêu, đồng cảm, tha thứ và chia sẽ… sẽ là những nấc thang giúp người tu sĩ hiểu được và sống cộng đoàn một cách sâu sắc hơn. Vì chúng ta đã sống tình huynh đệ một cách chân thành và tràn đầy yêu thương. Bởi chính Thánh Thần Chúa biến đổi và canh tân để mỗi thành viên thực sự sống một cách ý thức, có một tinh thần quảng đại, một con tim biết yêu thương và một khối óc biết phân định, giúp bản thân và cộng đoàn trở nên dấu chỉ Nước Trời mai hậu cách hoàn hảo hơn giữa thế giới hôm nay. Khi đó chúng ta có thể sung sướng mà nói như vịnh gia:“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 132,1).
[1] x. Nguyễn Thái Hợp, Đạo Đức Học (Hcm. Trung Tâm Học Vấn Đa Minh 2008), trang 179.
[2] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, (Sài Gòn-Thời Mới 1968), trang 179.
[3] x. Jean Vanier, Thăng Tiến Cộng Đoàn (Sydney St Paul Publications, nhóm Đa Minh Rosa Lima chuyển ngữ, trang 35.
[4] x. Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy, Tân Phúc Âm Đời Sống Thánh Hiến. Nxb. Tôn Giáo, năm 2014, trang 35.
[5] x. Đức Thánh cha Phanxicô. Tông huấn Gaudete Et Exsultate, số 145.
[6] Desmond O Donnell, Cộng Đoàn Dưới Ánh Sáng Lời Chúa, Simon chuyển ngữ, 2000, trang 12.
TRONG VÒNG TAY
YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA
Cát Bụi_PH
Trong cuộc sống thường ngày, ai sinh ra cũng được bao bọc bởi vòng tay của cha mẹ, vòng tay yêu thương, dìu dắt, hướng dẫn chúng ta từng giây phút trong cuộc sống. Lớn hơn một chút nữa chúng ta lại được vòng tay yêu thương của thầy cô giáo, người chỉ dạy cho ta những kiến thức căn bản của cuộc đời, nhờ đó bản thân được thăng tiến về nhiều mặt… Hơn thế nữa, khi chọn cho một hướng đi trong đời sống thánh hiến, chúng ta mới cảm nhận và khám phá ra vòng tay yêu thương của Thiên Chúa vẫn từng ngày bao bọc, vòng tay đó luôn che chở bản thân cả sau lẫn trước, cho dù cuộc sống có thế nào, tình yêu Chúa vẫn luôn bền vững và không bao giờ thay đổi như lời Vịnh gia đã thốt lên: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui, cậy vào Chúa It-ra-el ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm (Tv 130,2-3).
Nhân dịp kỷ niệm Bách Chu Niên Thành Lập Hội Dòng, người viết xin được dừng lại về tình yêu của Thiên Chúa trên cuộc đời của Cha Biển Đức Thuận qua ba điểm:
1.Cha Tổ Phụ con người phiêu lưu.
2.Cha Tổ phụ con người nỗ lực.
3.Cha Tổ Phụ hoàn toàn phó thác trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.
1.Cha Tổ Phụ con người phiêu lưu
Nói đến phiêu lưu là nói đến một cuộc mạo hiểm, dám đánh đổi tất cả để tìm cho mình một hướng đi tốt, cho dẫu có phải trải qua bao nhiều thăng trầm của cuộc sống, có khi phải chịu thua thiệt nhất, hay phải mất mát những gì cao quý nhất. Nhìn lại cuộc đời của Tổ phụ Apraham khi Chúa cất tiếng gọi “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Một lời mời gọi khẩn thiết, ông đã dám từ bỏ tất cả những gì mình có mà đi đến nơi Chúa chỉ cho ông, một nơi đất khách quê người, không nhà không cửa, không ruộng đất và cũng chẳng con nối giòng. Nhưng ông vẫn tin điều Chúa hứa và ông ra đi trong phó thác.
Nhìn về Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, chúng ta cảm nhận được rằng, khi tình nguyện gia nhập Hội Thừa Sai Paris, Cha nhận được bài sai qua Đông Dương truyền giáo, giây phút linh thiêng nhất là phải chia tay cha mẹ, quê hương xứ sở của mình để đến một vùng truyền giáo xa xôi, không có ngày trở về thăm gia đình. Tác giả cuốn Hạnh Tích có viết rất chi tiết giây phút chia tay như sau: “Giây phút chia ly, giây phút châu lụy. Cha con áp má nhau: dòng châu bên nọ gởi suối lệ bên kia. Cái hôn âu yếm, cái hôn đau đớn! Cha tôi không nói ra lời. Thân phụ chỉ nói một câu: “Con đi mà nhớ rằng làm việc cho Chúa không bao giờ quá”. Chúc ngôn quí báu dường nào! Thật là cả một rương vàng cha trối cho con”[1]. Một lời khuyên của thân phụ trước khi lên đường đã khắc ghi trong tâm hồn của Cha Benoit: “Khi đồng hồ đã điểm 8 giờ tối! Một tiếng còi rúc! Cha Denis từ giã Marseille, bỏ lại đàng sau quê hương thứ nhất, để trèo sóng chém gió tiến tới quê hương thứ hai. Con tàu rẽ sóng. Trời trời… nước nước… mây mây, đăng trình thiên lý không ngày hồi hương![2]. Ngày Cha bước chân xuống tàu để sang Đông Dương truyền giáo, Cha ý thức đã bước chân đi thì không có ngày quay trở về thăm quê hương, thăm cha mẹ nữa… Đó là một sự từ bỏ dứt khoát của người môn đệ theo Chúa Kitô. Có lần Chúa nói: “Ai muốn theo tôi mà còn ngoái cổ lại đằng sau thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 9, 62) và Chúa nói thêm “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo”(Mt 16,24). Cha ra đi với tất cả lòng tín thác vào vòng tay yêu thương quan phòng củaThiên Chúa
Khi đặt chân đến miền đất Đông Dương, mọi cái đều xa lạ với Cha, về ngôn ngữ, và cách sống phong tục, thể hiện qua cách giao tiếp. Điều quan trọng và khó khăn hơn cả, Cha được cắt cử làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh, làm Cha xứ Nước Mặn trong vòng năm năm, sau đó lại trở về làm Giáo sư của Tiểu chủng Viện An Ninh. Cuộc sống của Cha đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách. Phải chăng đây là một chuỗi những phiêu lưu trong cuộc đời của Cha.
Kế đến, phiêu lưu này kéo theo những phiêu lưu khác, khi cuộc đời chuyển sang một giai đoạn mới trong thâm tâm Cha có ý lập dòng chiêm niệm cho người Việt nam. Ý định có đó, nhưng để thực hiện ý định này Cha gặp nhiều khó khăn về mặt tinh thần. Trong cuốn Hạnh Tích có viết: Chính đức cha, xem ra cũng có ý thử ngài, nên dầu cho phép, song cũng nói cách ra như không tin cậy, như thư cha Lưu Hữu Luyến cho rằng:“cho phép lập dòng có được thì hay, nếu bất thành, thì phải để đất cho địa phận rồi đi lào”[3]. Khi cộng đoàn được thành hình Cha có ý định xin được sáp nhập vào Dòng Trappe, nhưng cũng bị từ chối. Khi dòng được hình thành cuộc sống có những thăng trầm và cũng bị chống đối rất nhiều, ngay cả những người bạn đồng môn của Cha, dân chúng cũng tiếng ra tiếng vào, nhưng Cha Benoît vẫn một mực kiên trì và dám đương đầu tất cả để cho dòng được thành hình.
Sau hết, dù có phải đương đầu với những cuộc phiêu lưu, đầy cam go, thử thách, nhưng không làm cho cha mất niềm tin vào Thiên Chúa. Nhưng một lòng kiên trì, để làm cho hạt giống đan tu phát triển khi đã chín mùi; cha xin sáp nhập vào Dòng Xitô Chung Phép. Tất cả những điều đó nói lên rằng dù cuộc đời của Cha có gặp bao nhiêu thử thách Cha vẫn nỗ lực, kiên trì.
2.Cha Tổ Phụ con người nỗ lực
Chúng ta nhìn lại cuộc hành trình của Cha Tổ Phụ, chúng ta nhận thấy nơi Cha Tổ Phụ đã nỗ lực thế nào trong suốt thời làm Giáo sư Tiểu Chủng Viện, Cha xứ Nước Mặn, (thừa lưu) làm thấy dòng chiêm niệm.
Nhìn vào cuộc đời của Cha Biển Đức Thuận chúng ta chân nhận được những nét nổi bật trong con người của Cha. Khi đọc lại cuốn tiểu sử của Cha Tổ Phụ đã trải qua biết bao nhiêu những thăng trầm thử thách luôn đan xem với nhau. Cha Tổ Phụ hiện diện trên quê hương Việt nam thân yêu này như một tấm gương sáng ngời về sự nỗ lực và dấn thân không biết mệt mỏi. Đồng thời, Cha là người rất can đảm, luôn hoàn thiện bản thân, và tinh thần hoán cải. Điều mà chúng ta chân nhận nơi Cha Tổ Phụ, Cha vốn là người sinh ra và lớn lên trên đất nước Pháp, cuộc sống có đầy đủ tiện nghi, không thiếu thốn chi. Thế nhưng Cha đã quyết tâm dám từ bỏ tất cả những thứ đó để đi đến vùng đất Đông Dương, nghèo hèn, bình dân thời bấy giờ… và dám hội nhập vào cuộc sống của người Việt Nam, nói tiếng việt, ăn cơm việt và mặc áo tơi Việt Nam… Dẫu vậy, dù cuộc sống có thế nào Cha vẫn luôn cố gắng hoàn thiện bản thân. Trong cuốn Hạnh Tích tác giả đã viết một cách rất chi tiết rằng: “Cố Thuận làm việc nhiều mà ăn uống rất thanh đạm. Buổi mai chỉ vài ba củ khoai là xong, các thức ăn chỉ là rau, măng, Ngài không dùng thịt, cá trứng trừ những hoàn cảnh đặc biệt…[4]. Đồng thời, ngài luôn sống tình thần khó khăn và cũng khinh chê tiền bạc. Có cựu học sinh minh chứng rằng: “Trong phòng ngài chỉ có một bản viết xấu, vài ba cái ghế xấu, một giường nhỏ, không nệm, gối đầu băng cục gỗ…”[5].
Kế đến, cái khó khăn trong con người của Cha đó chính là tính nóng nảy, trong cuốn Hạnh Tích tác giả viết: “Có cha cho rằng kỳ này Cha Benoit kiêu ngạo và nóng nảy quá lẽ, song bởi chí quyết sửa mình và ổn định hai tính đó cho được, nên Chúa thương cho ngài nên thánh, sau ra khiêm nhường hiền lành cách lạ”[6]. Cho dù nhiều khi bị chống đối cha vẫn nỗ lực để hoàn thiện bản thân để mưu ích cho các linh hồn.
Nhưng điều muốn nói ở đây là khi lập dòng, cuộc sống ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, không những về tinh thần mà cả về của cả vật chất. Công việc đầu tiên là phải khai hoang khu đất để dựng mái nhà tranh và tiếp theo đó là trồng trọt. Những công việc này lại trở nên khó nhọc cho đan sĩ tương lai. Bên cạnh đó, khi cộng đoàn được thành hình Cha đã hướng dẫn các anh em tiến sâu hơn vào đời sống thiêng liêng. Cuộc sống bước đầu còn nhiều thăng trầm, Cha vẫn nỗ lực sống hết mình với Chúa và phục vụ anh em của mình, hướng dẫn anh em dần dần thấm nhuần đời sống đan tu. Điều nổi bật hơn cả là hằng ngày luôn cố gắng tái lập cộng đoàn và mong sao cộng đoàn được sáp nhập vào cho Dòng Xitô đó là nỗ lực mà ngài muốn thực hiện sau này.
Cuối cùng, Cha Tổ Phụ đã sống hết mình với Chúa và hết tình vì anh em, nhưng cuối đời phải đương đầu với cơn bệnh lao phổi, đã làm cho Cha thêm mệt mỏi hơn. Nhưng điều đáng trân quý nhất nơi cha là lòng kiên trì và nỗ lực, dám đối diện với cơn bệnh, để thánh hóa bản thân. Đồng thời, dâng những hy sinh cho Chúa, để tình Chúa được lớn mãi trong con người Cha; khi kết thúc một cuộc đời trong sự bình an thanh thản với lời trối đầy tính nhân văn “Anh em muốn nên thánh thì giữ luật dòng”. Hướng về Cha bằng cả tâm tình phó thác trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.
3.Cha Tổ Phụ phó thác trong vòng tay Thiên Chúa.
Như lời Vịnh gia nói: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui, cậy vào Chúa Israel ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm (Tv 130,2-3). Lời Vịnh gia luôn vang vọng trong tâm hồn của Cha Tổ Phụ của chúng ta, khi bước đầu sang Việt Nam Cha gặp nhiều khó khăn, thử thách, còn có cả sự chống đối của nhiều người, nhưng Cha không bao giờ chán nản, hay bỏ cuộc, nhưng Cha luôn kiên trì thuận theo ý Chúa trong từng biến cố của cuộc sống.
Chín năm chờ đợi trong kiên nhẫn và luôn hy vọng càng tăng thêm nơi Cha Tổ Phụ lòng khao khát sống đời chiệm niệm, dù phải cưu mang đứa con tình thần trong thử thách, cha vẫn hy vọng được sinh ra người con chiêm niệm trên quê hương Đất Việt; nhờ hạt giống mà Cha Tổ Phụ gieo vãi sẽ có mùa gặt bội thu là tỏa khắp các miền: Bắc, Trung, Nam và còn cả bên hải ngoại với khoảng 1.200 đan sĩ.
Cuộc hành trình đầu tiên lập dòng cũng không thiếu những khó khăn trắc trở, nhưng Cha giáo Thuận vẫn một mực phó thác trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa: “Có lần Cha Cố Phú, cha phó cựu của ngài làm chứng thì luôn luôn ngài trong cậy Chúa, phú dâng mọi sự trong vòng tay Chúa và Đức Mẹ. Thư rằng: “Tôi nói với ngài nhiều lần: cha nên đi thăm dòng Trappe nào mà coi cho biết cách thức… mặc lòng ngài vẫn trong cậy vào Chúa, muốn cho sáng danh Chúa, như lời ngài nói với con: “Việc con làm, nếu đẹp lòng Chúa, thì chắc sẽ thành công, bằng không thì con chịu hỏng việc, trong mọi sự con hằng phó dâng trong tay Chúa và Đức Mẹ”[7].
Khó khăn này nối tiếp khó khăn kia, thử thách này nối tiếp thử thách kia. Khi mới thành lập dòng, cơ ngơi của nhà dòng chỉ có một mái nhà, vậy mà sau một phút chốc ngôi nhà đó đã trở nên điêu tàn trong cơn hỏa hoạn. Như thư Ngài viết cho bà kế mẫu: “Thăm mẹ yêu dấu, con viết ba chữ tin cho mẹ hay: cái nhà đẹp nhất của chúng con nay đã biến thành đống tro tàn. Trót cơ nghiệp nhà dòng cả ở trong đó: sách vở, thuốc men, quần áo, vật thực, hạt giống… thay thảy đều cháy hết. Toàn bộ cơ nghiệp của nhà dòng đều tiêu tan”[8]. Thế nhưng, Cha đã kêu gọi anh em đứng hát Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa. Càng nhìn cha, chúng ta lại càng cảm phục trước sự phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa, vì có Chúa là có tất cả.
Thật vậy, chỉ khi bám rễ sâu vào tình yêu Thiên Chúa, Cha mới có được một tấm lòng phó thác hoàn toàn cho Chúa. Cho dù cuộc đời có phải kinh qua bao nhiêu thăng trầm luân phiên đổi thay, có những lúc đi trong đêm tối của Đức tin, Cha Tổ Phụ vẫn một lòng kiên trì đi theo tiếng gọi đầy yêu thương của Thiên Chúa, phó thác hoàn toàn trong vòng tay từ ái của Ngài. Nhờ bàn tay Chúa dẫn đường chỉ lối mà hôm nay khi nhìn lại cuộc hành trình của người Cha khả kính, chúng ta mới khám phá ra rằng: một khi cuộc đời có Chúa thì không có thử thách, gian nan nào có thể làm cho tâm nguyện ban đầu của mình bị lay chuyển.
Tóm lại
Sống phó thác trong vòng tay từ ái của Thiên Chúa, chúng ta không còn sợ hãi bất cử điều gì. Hôm nay khi nhìn lại cuộc hành trình của Cha Tổ Phụ kính yêu, ta mới nhận ra được giá trị của cuộc đời; đó là cuộc sống có phiêu lưu đến mấy, ta cần có một sự nỗ lực để vươn lên. Như Tổ Phụ Apraham, đã để mình đi theo sự an bài của Thiên Chúa, lúc đầu chẳng tránh khỏi những khó khăn tứ phía ập tới làm cho con thuyền cuộc đời của cha cũng có lúc bị chao đảo. Như ông tin tưởng và phó thác gia đình mình trong vòng tay từ ái của Thiên Chúa, cuối cùng, ông, được Chúa cho điều mà Chúa hứa.
Còn nhìn vào Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận của chúng ta, cả cuộc đời đã phải hy sinh đánh đổi tất cả, rồi hôm nay trên Thiên quốc ngài vẫn được Chúa yêu thương và còn cho ngài một Hội Dòng lớn mạnh để hoàn thành ước nguyện của Cha. Là những người con đang cùng nhịp bước với Cha trên hành trình dâng hiến đan tu chiêm niệm, chúng ta cố gắng nỗ lực vươn lên và đặt trọn niềm tin yêu, phó thác vào trong vòng tay quan phòng yêu thương nhiệm mầu của Thiên Chúa. “Tình thương Chúa muôn đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ Ngài vẫn thành tín yêu thương”.
[1] HT tr.38.
[2] HT tr.38.
[3] HT tr.108.
[4] HT tr.44.
[5] Sđd, tr.45.
[6] Sđd, tr.76.
[7] HT tr.109.
[8] HT tr.158.
VƯỢT KHÓ
FM. Philiphê Ngô Đình Phán
Trong cuộc sống của chúng ta, có biết bao khó khăn mà ta cần phải vượt qua: trong công việc, trong học hành… Những khó khăn đó như một định luật tự nhiên để ta có thể phát triển và thăng tiến. Nhưng để có thể vượt qua được những khó khăn đó đòi hỏi chúng ta cần có ý chí, nghị lực để vượt khó. Bởi ý chí, nghị lực tạo cho ta bản lĩnh và lòng dũng cảm khi phải đương đầu với mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống. Ý chí nghị lực cũng giúp chúng ta khắc phục những khó khăn và thử thách, rèn cho ta niềm tin vào bản thân, tự tin với công việc mình làm và thúc đẩy chúng ta luôn hướng về phía trước, vững tin vào tương lai.
Khi viết bài ‘Vượt Khó’ cho tập Nội san HGCN, số 23 với tựa đề: ‘… Đến Hội Dòng Xitô Thánh Gia và hướng tới tương lai’, đặc biệt trong khung cảnh Hội Dòng chúng ta đang trong Năm Thánh mừng Bách Chu Niên Cha Tổ Phụ lập Dòng, người viết muốn sơ lược lại tinh thần vượt khó của Hội Dòng chúng ta qua ba gia đoạn chính yếu dưới cái nhìn đức tin và lòng biết ơn đối với Cha Tổ Phụ và các bậc cha anh, chị em của chúng ta đã đi trước:
– Từ sơ khai cho đến năm 1964,
– Từ năm 1964 đến nay,
– Hướng về tương lai.
1.Từ sơ khai cho đến năm 1964[1]
Trong giai đoạn này, Hội Dòng chúng ta gặp rất nhiều những khó khăn, có những khó khăn mà tưởng chừng nhấn chìm và không thể tiếp tục duy trì nếp sống đan tu nơi dân tộc Việt Nam thân yêu này được. Nhưng tất cả những khó khăn đó đã được Cha Tổ Phụ và các bậc tiền bối của chúng ta dần dần vượt qua và làm cho Hội Dòng Xitô Thánh Gia trở nên cây cổ thụ xum xuê hoa trái như ngày hôm nay.
Những khó khăn trong giai đoạn này khá nhiều, song người viết xin được trình bày những khó khăn đó theo ba điểm sau đây:
- Đời sống vật chất
Khởi đầu đời sống đan tu chỉ một đôi quang gánh trên vai với vài đồ vật đơn giản, thiếu thốn mọi bề, và cùng với một môn đệ thân tín là thầy Tadeo Chánh, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đến một vùng núi Phước vốn chẳng phải vùng đất phì nhiêu, nếu không muốn nói là cằn cỗi, như lời Đức cha Allys Lý đã thốt lên khi cùng với Cha giáo Thuận đi thăm vùng đất mà sau này sẽ lập dòng rằng: “Chỗ này làm chi ra mà ăn mà lập dòng ở đây. Thôi coi làm chi nữa”[2]. Vả lại, khởi đầu đời tu giữa nơi rừng sâu hoang vắng ắt phải đa đoan nhiều nỗi: bạc tiền chẳng có, lúa gạo lại không, mà công việc thì nhiều, nào đốn gốc, xẻ núi, nào là cuốc đất chặt cây, đổ nền…
Khởi đầu khó khăn, thiếu thốn đủ điều cho đến khi được thành hình và nếp sống đan tu cũng bắt đầu đi vào khuôn phép thì thử thách cam go lại ập tới: lệnh di chuyển ra Ngân Sơn. Thật ra, ngay từ đầu Đức cha Allys đã không mấy hài lòng với vùng đất Phước Sơn. Để đảm bảo tương lại cho nhà dòng, Đức cha muốn tìm cho Phước Sơn một vùng đất màu mỡ hơn. Thế nhưng lòng tốt của Đức cha lại trở thành nỗi đau của Cha Biển Đức Thuận, vì dù sao ngài cũng đã vất vả cưu mang và xây dựng Phước Sơn trên hai năm với bao nhiêu công trình như: nhà thờ mới làm, nhà hội mới cất, vườn tược thì đã trồng đủ thứ cây: nào dâu, nào mít, nào chè… hơn thế nữa, hai cuộc Thế chiến đã làm cho dân, không loại trừ các đan sĩ thiếu thốn và đói kém, đặc biệt năm 1945 theo thống kê lịch sử đã có gần 2 triệu người chết đói. Và đến giai đoạn chuyển giao thế lực thống trị 1953-1954 của người Pháp qua người Mỹ thì khó khăn về kinh tế cũng tương tự như thế.
Đó chắc chắn là những khó khăn vô cùng lớn cho thời kỳ khởi đầu của đời tu. Nhưng Cha Tổ Phụ cùng các môn sinh đã cố gắng vượt qua bởi chính đây là nỗi khao khát, mong mỏi da diết từ lâu của các ngài nên tâm hồn các ngài vẫn an vui trước những nghịch cảnh, vẫn trông cậy vào Đức Mẹ, vẫn tín thác vào chương trình yêu thương quan phòng của Chúa.
- Nếp sống đan tu
Với khao khát được lập một dòng chiêm niệm ở Việt Nam và đã được Đức cha Giáo phận chấp thuận cho việc lập dòng rồi và đã viết thư xin Dòng Trappe đến lập dòng trong giáo phận, song thư từ mấy cũng vô hiệu. Và khi nhận được thư phúc đáp thì lại mang đến một nỗi buồn lớn lao cho Cha Thuận là Dòng Trappe họ không đến Việt Nam để tập luyện cho những người chưa có kinh nghiệm về đời sống đan tu chiêm niệm. Chính Cha Tổ Phụ cũng đã chân nhận và mong ước rằng: “Chớ gì các tu sĩ Dòng Trappe sang đây để tập luyện cho chúng con thì phúc dường nào”[3], vì “không thầy đố mày làm nên”. Chính vì không có thầy nên Cha Tổ Phụ cùng với anh em cùng tập làm thầy dòng, như trong một lá thư ngài khiêm tốn thú nhận rằng: “Chúng con đang cùng nhau tập làm thầy dòng. Vậy chúng con có thành công không? Có lẽ, nếu đẹp ý Chúa thì chắc thành công. Nhưng cứ sự thường thì phải lâu, vì chúng con tập với nhau mà không có thầy. Cũng như người tập làm thợ mộc mà không có thầy thì dù lâu ngày cũng sẽ thành, nhưng làm hư hại gỗ cũng nhiều và làm sứt mẻ chàng đục không biết bao nhiêu. Chúng con nay cũng thế, xin Chúa nhân lành đến giúp đỡ chúng con”[4]. Hơn nữa, mối băn khoăn nhất của Cha Tổ Phụ là làm sao để anh em trở nên những đan sĩ thực sự. Theo ngài cái khó nhất không phải là việc ăn chay, hay thức dậy 2 giờ khuya… nhưng là phải nên thầy dòng thật, thầy dòng thánh; phải có suy nghĩ như thầy dòng[5].
Sau biến cố Cha Tổ Phụ qua đời, cứ tưởng là Phước Sơn sẽ tan như có người đã nghĩ như thế và nói rằng: “Thôi, cố Thuận qua đời rồi, thì Phước Sơn sẽ tan, các thầy soạn đồ mà về”[6]. Nhưng “trong cái khó ló cái khôn”. “Cái khôn” nói ở đây chính là ‘cái khôn’ được Cha Tổ Phụ chuyển cầu cho Dòng Phước Sơn sau khi ngài qua đời. Nhờ vậy, không những dòng Phước Sơn không tan rã mà lại trở nên vững mạnh hơn. Như các thư của các Đức cha an ủi nhà Dòng: “Nay Chúa cất cha Bề trên về thiên đàng rồi, ở đó ngài sẽ mưu ích cho nhà dòng hơn, các thầy không nên buồn, một hãy vui mừng và xin ngài bầu cử cho nhà dòng thịnh đạt”[7].
– Khó khăn về chính trị
Trong giai đoạn này, Hội Dòng sống dưới hai thời bảo hộ là Pháp và Mỹ. Trong thời kỳ này cũng diễn ra Thế chiến vô cùng ác liệt đã làm cho Dòng Phước Sơn phải điêu đứng không biết bao nhiêu lần.
Sau Thế chiến lần thứ hai, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, nên đất nước Việt Nam cũng có nhiều biến động phức tạp về chính trị, xã hội và tôn giáo, do đó trong những năm 1953-1954 đã có những cuộc di cư cách ồ ạt từ Bắc vào Nam. Cũng trong bối cảnh đó, dòng Phước Sơn bắt đầu có những cuộc xuất hành vào Miền Nam, khởi đầu với việc thành lập Đan viện Phước Lý (1950). Đan viện này đã trở thành nơi đón tiếp Cộng đoàn Phước Sơn Quảng Trị cũng di cư năm 1953. Cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan bị phân tán, số đông anh em lên đường di cư vào Miền Nam, chỉ còn lại một số ít anh em quyết tâm bám trụ ở lại duy trì ơn gọi dù biết rằng những khó khăn, thử thách đang hiện rõ trước mắt, dù đó là bắt bớ hay tù đày… việc Cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan bị phân tán cũng là dịp Cộng đoàn Châu Sơn Đơn Dương được thành lập.
Sống trong một bối cảnh bất ổn như thế, chắc chắn các cộng đoàn gặp rất nhiều thử thách, bị dồn ép tư bề, nhưng các vị tiền bối của chúng ta đã biết cộng tác với ơn Chúa để hướng dẫn cộng đoàn bước đi trong bình an và lớn lên không ngừng.
2.Từ 1964 đến ngày nay
Ngày 06.10.1964, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã ban Sắc lệnh về việc thành lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam, gồm ba đan phụ viện là Phước Sơn, Châu Sơn, Phước Lý và một Đan Viện Tự Trị là Châu Sơn Nho Quan cùng các nhà khác sẽ được thiết lập trong tương lai.
Biến cố này đánh dấu một bước tiến quan trọng sự phát triển của Hội Dòng Xitô Thánh Gia. Ngày 30.04.1975 đánh dấu một trang sử mới của dân tộc Việt Nam. Cùng với toàn dân tộc sống trong bối cảnh mới của đất nước, các đan viện thuộc Hội Dòng cũng phải mau mắn thích ứng với cuộc sống mới, dĩ nhiên tôn chỉ của Hội Dòng vẫn là cầu nguyện và hy sinh cho phần rỗi những người chưa nhận biết Chúa. Để thuận tiện cho việc mưu sinh và các như cầu khác của cuộc sống đan tu, các cộng đoàn phải phân tán ra những nhánh nhỏ khác nhau. Đây là thử thách vô cùng lớn lao dành cho các cộng đoàn của Hội Dòng.
Riêng Đan viện Phước Sơn, sau biến cố 1975 đã phải phân tán thành nhiều nhóm khác nhau như: nhóm ở Phước Lộc được hình thành từ năm 1970; nhóm ở Phước Vĩnh được thành lập ngày 24.06.1975 với chỉ 4 anh em thôi; nhóm ở Thiên Phước được thành lập 31.05.1975; nhóm ở Phước Hà được khai sinh 19.06.1978; nhóm Phước Bình; nhóm ở Phước Hiệp (Nông trường Củ Chi) được khai sinh ngày 12.10.1978 và nhóm còn lại ở Trụ Sở 81, Trần Bình Trọng.
Nói chung về đời sống vật chất trong các nhóm và đặc biệt vấn đề sinh hoạt đời sống đan tu lại càng khó khăn hơn nữa. Đỉnh điểm nhất chúng ta có thể nhắc tới biến cố các cơ sở vật chất của Cộng đoàn Phước Sơn tại Thủ Đức bị nhà nước “trưng dụng” và các thành viên trong đan viện thì bị bắt đi hết ngày 21.01.1978.
Đây là biến cố đau thương và giai đoạn đen tối nhất của cộng đoàn, vì sau biến cố này các thành viên trong cộng đoàn phải tản mác khắp nơi: kẻ vào nhà tù, người vào nhà thương, kẻ đi nông trường và kể cả về lại với gia đình nữa… để có thể tồn tại và tiếp tục gìn giữ ơn gọi của mình.
Từ năm 1986, với chính sách mở cửa, kinh tế cũng được cải thiện và đặc biệt là vấn đề tự do tôn giáo được nới rộng phần nào. Tuy nhiên, các dòng tu vẫn còn phải chịu rất nhiều khó khăn từ những hoàn cảnh ấy.
Các cộng đoàn khác trong Hội Dòng cũng có hoàn cảnh tương tự. Như Cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan, suốt một thời gian dài, cộng đoàn phải sống trong tình trạng gian nan với cảnh “vắng nhà”, cùng với cảnh bi thảm của cộng đoàn sau năm 1953 là hầu như tất cả mọi thành viên trong cộng đoàn bị bắt giam, bị quản thúc và một số cha anh bị kết án chung thân, hay phải chết rũ tù… cho đến ngày 13.05.1954, Cộng đoàn Châu Sơn chỉ còn lại 14 người đang cố gắng bám trụ lại trong hy vọng hồi sinh. Và quả thật, một thời gian dài đằng đẳng, cộng đoàn phải sống trong cảnh khó khăn, cùng cực về mọi mặt cho tới mãi năm 1988, Đan viện Châu Sơn mới hồi sinh và phát triển trở lại. Nhưng nói phát triển trở lại, song từ năm 1988 cho đến mãi 2005, cộng đoàn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về nhân sự huấn luyện, cũng như việc thiếu thốn ơn gọi. Mãi tới năm 2005 thì tập viện được mở và thâu nhận nhiều ơn gọi mới, nên cộng đoàn phát triển lớn mạnh như bây giờ.
Cùng cảnh ngộ đó, một số anh em trong Cộng đoàn Châu Sơn Đơn Dương cũng được chính quyền mời đi học tập và cải tạo vào ngày 05.07.1976. Vào những năm sau chính sách mở cửa 1986, Cộng đoàn Phước Sơn bắt đầu lại thâu nhận những ơn gọi mới và từ đó nhân sự phát triển thêm lên và ngày càng thêm lớn mạnh.
Sau biến cố 1975, Cộng đoàn Phước Lý cũng phải tính đến việc lập những cộng đoàn nhỏ để tiếp tục duy trì và phát triển ơn gọi. Và Cộng Đoàn đã lập 2 nhóm: một ở Xuân Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu và một ở An Phước, Long Thành Đồng Nai. Thời gian này quả là những thử thách thực sự với Cộng Đoàn, vì không những khó khăn về kinh tế mà hơn cả là khó khăn về chính trị xã hội.
Trong bối cảnh này, các cộng đoàn trong Hội Dòng lâm vào thời kỳ thử thách cam go. Dầu vậy, ơn Chúa quan phòng, cùng với sự cố gắng không ngừng, sự nhanh nhạy thích ứng với thời cuộc của các bậc cha anh đã làm cho các cộng đoàn đứng vững và có thêm nhiều ơn gọi cũng như các cộng đoàn mới được thành lập như: Đan viện Thánh Mẫu Châu Thuỷ, thành lập 1971, Đan viện Thánh Mẫu Fatima, thành lập năm 1979 và các Nữ đan viện: Đan viện Thánh Mẫu Vĩnh Phước, thành lập 08.12.1972; Đan viện Thánh Mẫu Phước Hải, thành lập 08.9.1976 và Đan viện Thánh Mẫu Phước Thiên, thành lập 01.11.1988.
Và đặc biệt sau chính sách Đổi Mới cho tới ngày hôm nay, các cộng đoàn tiếp tục phát triển và không ngừng lớn mạnh hơn nữa. Nhưng song song với sự phát triển đó, các cộng đoàn tiếp tục phải đương đầu với biết bao nhiêu khó khăn từ kinh tế, chính trị và đặc biệt là các trào lưu văn hoá và lối sống không lành mạnh du nhập vào đã tác động khá nhiều đến quan niệm và lối sống đan tu của chúng ta. Như Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã từng nói: “Song song với việc mở toang cánh của sổ để đón nhận luồng gió mới thì những ‘bụi bặm’ và ‘cơn gió độc’ của trần thế cũng thừa cơ len lỏi vào nhà mình”. Những “bụi bặm”, những “cơn gió độc” từ việc mở toang cánh cửa để đón nhận luồng gió mới có thể kể ra như là: chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa hưởng thụ.
Thật thế, với chủ nghĩa hình thức: trong xã hội chủ nghĩa chạy đua theo bệnh thành tích đã, đang và sẽ đưa biết bao thế hệ chạy theo lối sống hình thức, sống và làm việc theo một lập trình sẵn, máy móc, rất ít sáng tạo, không cần cố gắng hết mình và nhiều khi chẳng cần ý thức… một chế độ như thế sẽ dễ sinh ra cả một thế hệ giả dối và vô trách nhiệm. Chủ nghĩa này là một thách đố vô cùng lớn cho đời sống đan tu, bởi vì có nguy cơ bóp nghẹt những cố gắng tỉnh thức; mà tỉnh thức là một điều hết sức quan trọng cho mọi kitô hữu và đặc biệt là các đan sĩ.
Chủ nghĩa thực dụng: Nhân loại đang bước vào trong kỷ nguyên mới, thời đại toàn cầu hoá và văn minh trí tuệ với những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin…đã làm cho con người, thế giới thay đổi đa diện, đa chiều và siêu tốc độ. Nhưng đáng tiếc thay, các giá trị đạo đức đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất, duy kết quả này. Chính vì chạy theo lối sống hưởng thụ, cho hợp thời, sành điệu mà bỏ quên giá trị tinh thần, phẩm chất đạo đức vốn là nền tảng cốt yếu của con người.
Chủ nghĩa hưởng thụ: Đây là một vật cản không nhỏ giăng bẫy đời sống tâm linh của mỗi đan sĩ chúng ta. Vì với những phương tiện kỹ thuật số rất hiện đại giúp cho đời sống của ta dễ dàng hơn, song mặt trái của nó là dễ làm cho chúng ta rơi vào cơn cám dỗ triền miên của thái độ sống hưởng thụ vật chất. Nếu tu sĩ mải mê với các phương tiện truyền thông sẽ có nguy cơ không còn tha thiết với việc cầu nguyện, giảm bớt niềm vui gặp gỡ Thiên Chúa.
Với cái nhìn sơ lược những khó khăn các cộng đoàn của Hội Dòng Thánh Gia đã trải qua từ những thập niên 1960 đến nay cũng đủ làm chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa. Nhưng những khó khăn đó cũng là những thách đố lớn cho đời sống kitô hữu nói chung, cho những người sống đời sống thánh hiến đan tu trong hiện tại nói riêng và mời gọi hướng về tương lai với niềm hy vọng.
3.Hướng tới tương lai
Hướng về tương lai, chắc chắn những thách đố trên vẫn chưa buông tha chúng ta, kể cả những thách đố khác nữa có thể sẽ xảy đến trong tương lai, ví dụ, sự khan hiếm ơn gọi hay chất lượng đào tạo ơn gọi. Vậy, các Đan sĩ Xitô Thánh Gia phải làm gì để vượt qua những thách đố đó để có thể đứng vững và sống viên mãn ơn gọi của mình?
Thiết tưởng dù bất cứ nghịch cảnh nào của cuộc sống, là đan sĩ, những chiến binh tinh nhuệ của Chúa Kitô, những người không lấy gì làm hơn tình yêu Chúa Kitô luôn lấy Đức Kitô là nền tảng cho đời sống của mình. Nhưng với nhiều lý do khác nhau, hình ảnh Chúa Kitô nơi người đan sĩ có thể bị phai mờ dần. Do đó, điều tiên quyết và quan trọng nhất là chúng ta cần trở về điểm xuất phát từ Đức Kitô, là đối tượng và là cùng đích của đời sống chúng ta, giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn trong cuộc đời, cách riêng trong đời sống thánh hiến đan tu.
Thật vậy, xuất phát lại từ Đức Kitô chính là:
– Gắn bó mật thiết hơn với Đức Kitô bằng chính sự hoán cải và canh tân đời sống. Vâng, ta phải xuất phát lại từ Đức Kitô, vì chính từ nơi Người, ta đón nhận ơn gọi nhưng không và cũng chính nơi Người, rất nhiều người từ các môn đệ tiên khởi cho đến biết bao người nam nữ thuộc mọi cấp bậc và văn hóa được Chúa Thánh Thần hiến thánh theo ơn gọi của họ, đã khởi hành; vì Người, họ đã từ bỏ gia đình và quê hương, theo Người cách vô điều kiện, chuẩn bị sẵn sàng để loan báo Nước Trời và làm điều lành cho mọi người[8].
– “Xuất phát lại từ Đức Kitô có nghĩa là loan báo rằng đời sống thánh hiến là một cách đặc biệt đi theo Đức Kitô, một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể trong tương quan với Chúa Cha và với anh em Người”[9].
– “Xuất phát lại từ Đức Kitô có nghĩa tìm lại một lần nữa tình yêu ban đầu của ta, tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên đi theo Người. Bước đầu là tình yêu của Thiên Chúa. Bước tiếp mới là sự đáp trả đầy lòng yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa”[10]. Chỉ khi ý thức mình được yêu thương vô cùng mới có thể giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn riêng tư hay do cơ cấu và trở nên mạnh mẽ đồng thời có thể dám làm mọi sự.
– “Xuất phát lại từ Đức Kitô có nghĩa là nhìn nhận rằng tội lỗi vẫn hiện diện trong con tim và đời sống của mọi người chúng ta”[11] và khám phá trong khuôn mặt đau khổ của Đức Kitô của lễ dâng hiến giao hoà nhân loại với Thiên Chúa.
– Xuất phát lại từ Đức Kitô là sống linh đạo hiệp thông, trước tiên là với cái nhìn của tâm hồn hướng về mầu nhiệm Ba Ngôi đang hiện diện trong chúng ta, trong cộng đoàn, trong Giáo Hội, trong toàn thể nhân loại, để từ đó chúng ta cũng có khả năng thấy ánh sáng của Người sáng chói trên gương mặt của anh chị em xung quanh chúng ta[12].
– Xuất phát lại từ Đức Kitô nghĩa là phải thường xuyên quy chiếu đời sống ta về với linh đạo, Luật dòng và Hiến pháp vì đó là bản đồ cho toàn thể lộ trình của người môn đệ tương ứng với một đoàn sủng riêng đã được Giáo Hội chuẩn nhận[13].
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nhắc nhở các người thánh hiến rằng: “Sống linh đạo trước tiên có nghĩa là xuất phát lại từ ngôi vị Đức Kitô, Thiên Chúa thật và người thật, hiện diện trong Lời của Người, “nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo”[14].
Thay lời kết
Từ khởi đầu đời sống đan tu chiêm niệm mà Cha Tổ Phụ đã sáng lập cho đến hôm nay, Hội Dòng Xitô Thánh Gia đã gặp nhiều khó khăn từ nhiều khía cạnh khác nhau: kinh tế, văn hóa, chính trị hay cả nếp sống đan tu. Những khó khăn đó không phải một sớm một chiều có thể khắc phục hay vượt qua được. Song không phải vì thế mà làm cho Cha Tổ Phụ, các bậc tiền bối cũng như các đan sĩ chúng ta ngày hôm nay nản chí hoặc buông xuôi. Và quả thật, một Hội Dòng Xitô Thánh Gia đang lớn mạnh và không ngừng lớn lên về nhiều phương diện là một dấu chứng cho tinh thần vượt khó của các bậc tiền nhân.
Đứng trước những thách đố trong thời đại ngày hôm nay cũng như hướng về tương lai, đó thực sự là những khó khăn rất lớn cho đời sống đan tu chiêm niệm của chúng ta. Giải pháp cho những vấn đề trên luôn là xuất phát lại từ Đức Kitô bằng chính việc bước theo Đức Kitô, nhìn nhận tội lỗi của mình, hoán cải và canh tân đời sống mình, để tìm lại một lần nữa tình yêu ban đầu của ta, tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên tiếp tục đi theo Người, đồng thời xây dựng một linh đạo hiệp thông được đặt trên nền tảng là Chúa Ba Ngôi và hướng về mọi người xung quanh.
Mừng Bách Chu Niên lập Dòng cũng là thời gian mời gọi mọi thành viên của Hội Dòng nhìn lại chặng đường gian khổ và thành tựu mà Cha Tổ Phụ cũng như các bậc tiền nhân đã trải qua với lòng biết ơn. Đồng thời qua biến cố này giúp cho lòng tin tưởng của chúng ta vào Thiên Chúa được củng cố hơn nữa, bởi chúng ta xác tín rằng: dù có gian khó như thế nào thì với ơn Chúa ban, Hội Dòng Xitô Thánh Gia cũng sẽ luôn vượt qua và không ngừng phát triển.
[1] Năm thành lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia.
[2] HT. tr. 110.
[3] HT. tr.155
[4] HT. tr.121
[5] x. HT. tr.155
[6] HT. tr. 240: trích thư của cố Hoà (cha Barbier), địa phận Vinh gởi cho cha Augustinô.
[7]Sđd. tr. 240
[8] x. Thánh Bộ Đời sống thánh hiến, Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, 21.
[9] Thánh Bộ Đời sống thánh hiến, Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, 22.
[10] Sđd., 22.
[11] Sđd., 27.
[12] x. Sđd., 29.
[13] x. Sđd., 24.
[14] Sđd, 24.
“LẬP TRÌNH”
TRONG ĐỜI SỐNG ĐAN TU
FM. Micae Thái Thiên
Dẫn nhập
Ngày nay, dường như máy tính và các thiết bị kỹ thuật số đã hiện diện ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Do đó, thuật ngữ “lập trình” chắc hẳn không còn là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với nhiều người. Một thiết bị điện tử nếu muốn hoạt động hiệu quả, thì người tạo ra thiết bị ấy phải lập trình, tức là viết một chương trình để nhờ đó, thiết bị này có thể “chạy” theo như ý muốn của người sáng tạo.
Cũng với hàm ý tương tự, khái niệm “lập trình” đi vào đời sống để chỉ những gì được lên lịch, được hoạch định sẵn, trong đó có cuộc sống của chính con người. Nhiều người đặt câu hỏi rằng phải chăng cuộc đời con người đã được lập trình sẵn, nghĩa là Tạo Hóa đã an bài, xếp đặt cho cuộc sống của con người, hay nói cách khác là định mệnh. Chẳng hạn như quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” mà bất cứ ai cũng phải kinh qua trong đời. Mọi nỗ lực của chúng ta để thoát ra khỏi quy luật ấy dường như vô hiệu bởi ta nhận thức được rằng mình quá nhỏ bé trước Đấng Tạo Hóa. Tất cả chúng ta đều phải tuân theo quy luật này. Chúng ta không có quyền quyết định. Chính vì lẽ ấy, để viết về việc “lập trình” mà Tạo Hóa đã “vận hành” trên thân phận con người có lẽ là một việc làm quá sức, nếu không muốn nói là không thể. Trong bài viết này, xin được mạn phép gói gọn chủ đề về một lối sống “lập trình” mà chúng ta có quyền lựa chọn: tiếp tục hay thay đổi. Đó là đời sống sau lũy cấm của các đan sĩ Biển Đức – Xitô.
1.Đời sống Đan tu Biển Đức – Xitô là một nếp sống được “lập trình”
Nói đến đời sống đan tu, cách riêng Đan tu Biển Đức – Xitô, ta thường nghĩ ngay đến tính “ổn định”. Thật vậy, nếp sống đan tu, dù là thời mới được khai sinh hay trong xã hội hiện đại ngày nay, dù ở Tây Phương hay vùng Viễn Đông, hay bất cứ nơi nào trên thế giới, đều có một đặc tính chung nhất, đó là “ổn định”. Làm sao đan sĩ có thể sống bình an trong một nếp sống khép kín nếu nếp sống ấy luôn thay đổi liên tục, luôn biến chuyển không ngừng? Chính vì thế, có thể nói rằng, định cư là đặc tính rõ rệt nhất, trọng yếu nhất của đời đan tu.
Để có được sự ổn định trong đan viện, thánh Biển Đức đã viết ra một cuốn Tu luật thời danh – bản Tu luật chi phối toàn bộ đời sống của đan sĩ trong đan viện. Cuốn Luật Đan sĩ do ngài soạn thảo chứa đựng một sự hòa hợp quân bình giữa thần vụ, lectio divina và lao động cùng những công việc khác. Trong đó, ngài quy định những việc đan sĩ cần làm trong một ngày sống như cách cử hành thần vụ, cách ăn uống, ngủ nghỉ, cách ứng xử giữa viện phụ và các đan sĩ, giữa các anh em đồng tu,… Nói chung, ngài quy định mọi giờ giấc sinh hoạt, cũng như các tác phong mà một đan sinh cần có để sống đúng theo Linh đạo Đan Tu của ngài. Các môn sinh, từ viện phụ cho đến người mới vào xin tu, cứ việc áp dụng luật ấy vào đời sống hằng ngày của mình. Nhờ đó, đan viện có một sự trật tự rõ ràng bên ngoài, hầu giúp cho người đan sĩ có được một sự an bình trong nội tâm, rất cần cho sự tăng trưởng ơn gọi đan tu chiêm niệm.
Với sự rập khuôn răm rắp trong nếp sống như thế, thì ý kiến cho rằng: đời đan tu là một đời sống được lập trình, cũng không hẳn là một ý kiến hoàn toàn mang nặng tính chủ quan, ít nhất là trên bình diện bề ngoài. Có thể thấy rằng, việc lập trình này mang một ý nghĩa tích cực khi nó giúp cho mọi thành viên trong đan viện có được một “tiếng nói chung”, một “nếp sống chung”, hầu tất cả mọi sinh hoạt đều được diễn tiến trong sự đồng thuận.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực mà sự ổn định trong nếp sống đan tu thông qua việc quy định một nếp sống “được lập trình” mang lại, đời đan tu cũng phải đối mặt với một nguy cơ tiềm tàng trong nó: đó là sự “ngủ quên”, hay “ù lì”, “thiếu sáng tạo” trong đời sống của một đan sĩ.
2.Lối sống “lập trình” tiêu cực trong đời đan tu
Sự rập khuôn trong cách thức sinh hoạt đan tu: giờ nào việc nấy, việc ai nấy làm theo như công tác được chia; với những sinh hoạt ấy cứ lặp đi lặp lại, hết ngày này qua tháng khác giúp duy trì sự ổn định trong đan viện; nhưng mặt trái của việc này là tạo cho một vài đan sĩ, những con người “mơ ngủ”, một lối suy nghĩ rằng: đời đan tu thật “tẻ nhạt” và “đơn điệu”, mọi thứ trong đan viện đều “sẵn có”. Cầu nguyện và lao động: hai yếu tố vốn giúp người đan sĩ thăng hoa đời sống thiêng liêng của mình, nhưng cũng là một “miền đất màu mỡ” cho lối sống “rập khuôn” của những con người “mơ ngủ”.
Xét về mặt cầu nguyện, yếu tố “lập trình” dường như được thể hiện khá rõ. Nói đến đời đan tu là nói đến việc các giờ kinh dường như được lặp lại theo đúng giờ giấc qui định từ ngày này qua ngày khác. Việc sắp xếp này giúp cho việc cầu nguyện trong đan viện được ổn định, giúp đan sĩ dễ dàng gặp gỡ được Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều đó cũng dễ dẫn đến tình trạng một số đan sĩ “ngái ngủ”, đi đọc kinh theo tiếng chuông, đi như “trẩy hội” vì thấy anh em đi, mình cũng đi, hoặc đi như “chu toàn cho xong bổn phận”, không ý thức được ý nghĩa của từng thời khắc trong ngày được dâng cho Thiên Chúa. Ngoài ra, từ khi còn ở nhà tập, đan sĩ đã được học những phương pháp cầu nguyện như: cầu nguyện theo chủ đề của từng ngày, thực hành Lectio Divina theo những bước nhất định,… Thế nhưng, nếu ai ai cũng nhất tề theo lối cầu nguyện ấy một cách “kiên vững, bất di bất dịch”, thì có lẽ giờ cầu nguyện sẽ thật tẻ nhạt, các lời kinh nguyện trở thành những lời tâm tình mang tính máy móc mà thiếu đi tính hiện sinh và chân thật. Một hệ quả tất yếu là đời đan tu sẽ trở nên nhạt nhẽo, các giờ kinh được cử hành trong nặng nề. Tất cả dẫn đến tình trạng kéo lê trong ơn gọi.
Lối sống “lập trình” cũng không phải là điều xa lạ với việc lao động trong đời đan tu. Hiến Pháp số 130 của Hội Dòng Xitô Thánh Gia ghi rõ:“Lao tác, vốn tự nó, đặc biệt trong truyền thống đan tu, là tham dự vào công trình sáng tạo và cứu chuộc. Đan sĩ trong Hội Dòng chúng ta theo gương Thánh Gia và các Đấng Tổ Phụ làm việc để nuôi mình và giúp công việc truyền giáo”. Thật vậy, nhờ lao động, đan sĩ được tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Nhưng cũng trong chính việc lao động, không phải ai cũng làm những công việc như nhau, bởi trong đời đan tu, các đan sĩ chính là những thành viên sống trong “gia đình đan viện” với phương châm “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Chính vì lẽ đó mà xuất hiện không ít những trường hợp đan sinh chỉ làm việc một cách máy móc, theo đúng như những gì được giao phó, được chỉ bảo mà không hề lao động với óc sáng tạo. Tất cả những gì họ cần là làm cho xong bổn phận, làm cho hết giờ, chuông reo thì đi làm, chuông báo nghỉ thì nghỉ mà chẳng hề quan tâm tới tiến độ của công việc, hay như cách làm để công việc đạt năng suất cao nhất và tiết kiệm được công sức, tiền của nhiều nhất có thể. Lý do có lẽ đến từ tâm lý “cha chung không ai khóc”, chỉ cần biết làm xong công việc theo giờ lao tác là đủ. Với một số người khác, thì việc lao động ngoại lệ đôi khi gây nên tâm lý khó chịu. Họ dường như cảm thấy bị “tổn thương”, bị “xáo trộn” bởi lịch sinh hoạt có chút thay đổi. Họ đứng ngoài việc “đồng cảm” với cộng đoàn trong những tình huống khẩn cấp, hay như khi nhu cầu của cộng đoàn đòi buộc. Họ chỉ muốn giữ theo như đúng giờ giấc sinh hoạt hằng ngày. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Nếu ai ai cũng sống với sự rập khuôn cứng ngắc như thế thì đời sống sẽ như thế nào? Làm sao ta có thể tham dự vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa với thái độ sống nhàm chán “bảo sao làm vậy” đầy thụ động như thế?
Ngoài hai yếu tố chính trên, vẫn còn tồn tại trong đời tu một nếp sống rập khuôn trong lề luật, hay còn gọi là vụ luật. Với những người có tính này, thì luật lệ là luật lệ, quy tắc là quy tắc, mà không hề có bất cứ ngoại lệ nào. Đi liền với tính cách ấy là thái độ “dò xét” anh chị em đồng tu. Bởi với họ, lề luật là trên hết, những gì trái với lề luật, hoặc chỉ đơn giản là đã được “chuẩn”, được thích ứng cho phù hợp với hoàn cảnh của cộng đoàn theo từng thời điểm đều gây nên một cảm giác khó chịu.
Ngoài ra, việc thiếu sáng tạo, thiếu linh hoạt trong đời dâng hiến còn kéo theo một hệ quả rất xấu; đó là sự thờ ơ, bởi mọi thứ trong đan viện đều “có sẵn” nên dễ dàng tạo ra tâm lý không có mình, hoặc nếu mình chỉ cần làm cho xong bổn phận, cho hết giờ thì vẫn có người khác gánh vác. Thật vậy, “sự thờ ơ đối với lợi ích chung của cộng đồng hay đối với các nhu cầu của một tu sĩ khác là một thiệt hại lớn lao và trên phương diện luân lý, đó thường là dấu chỉ của một sự xung đột nội tại nghiêm trọng. Điều này có lý do của nó. Những người bị chi phối bởi những bận tâm riêng của mình, chắc chắn phải mù lòa trước nhu cầu của kẻ khác hay giải thích những nhu cầu ấy cách lệch lạc”.[1]
3.Lập trình mà không lập trình
Sống trong đời đan tu, một lối sống vốn được lập trình, nhưng đan sĩ lại được mời gọi “đừng cứng nhắc”, nghĩa là, trên nguyên tắc, đời đan tu cần có những chương trình, dự tính, hướng đi… nhưng khi áp dụng vào thực tế thì còn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, công việc đang diễn tiến để chọn lựa, thích nghi thay đổi, để có thể gặt hái được kết quả khả quan nhất. Thật vậy, ngay từ thời các Thánh Tổ Phụ Xitô lập dòng, các ngài đã tái lập trong “Tân Đan Viện” “sự quân bình giữa đời sống phụng vụ và việc lao động, mặc dù không phải điều gì cũng trở lại theo sát từng chữ trong Tu Luật. Vì chưng các ngài duy trì nhiều việc phụng tự chưa có thời Thánh Biển Đức (ví dụ như thánh lễ cộng đoàn hằng ngày), và như thế làm thay đổi thời dụng biểu trong ngày. Hơn nữa, các ngài còn thâu nhận anh em trợ sĩ, vì các ngài cho rằng không có anh em trợ sĩ, thì không thể ‘ngày đêm tuân giữ Tu Luật’ được. Thế nên trong nhiều điểm, các ngài hiểu Tu Luật không theo ý nghĩa lịch sử của Tu Luật hồi thế kỷ thứ VI, mà theo những chú giải sau đó”[2].
Cũng vậy, trong cầu nguyện, không nhất thiết lúc nào cũng phải theo sát các phương pháp được dạy, mà phải tùy vào thời khắc, tâm tình,… cốt sao cho gặp gỡ được Thiên Chúa. Hãy sống thật ý nghĩa, sống cho tròn đầy giây phút hiện tại, và sau đó, dâng cho Chúa từng khoảnh khắc trong ngày sống và cầu nguyện với cả con tim. Khi đó, việc cầu nguyện ắt hẳn sẽ không còn nhàm chán nhưng luôn mang một hơi thở mới. Và trong lao động, cần thiết phải có sự nhiệt huyết, thích ứng và sáng tạo. Công việc, không những sẽ được hoàn thành, mà còn giúp cho đan sĩ ý thức hơn về nhiệm vụ “truyền giáo” của mình, theo đúng như Hiến Pháp đã quy định.
Trong Sắc lệnh về việc “Canh tân thích nghi đời sống Dòng Tu Perfectae Caritatis (PC)”, thánh Công đồng chung Vaticano II đã khẳng định: “Trong những Hội Dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, các Tu Sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình, […] Họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái Thánh thiện dồi dào, lấy gương lành lôi cuốn và làm cho dân ấy thêm lớn mạnh bằng việc tông đồ tuy âm thầm nhưng phong phú”. Thật vậy, chính Công đồng đã nêu lên tầm quan trọng của lối sống đan tu trong đời sống của Giáo Hội hoàn vũ. Trong đó, các đan sĩ, tuy sống suốt đời trong đan viện, nhưng việc tông đồ của họ vẫn luôn phong phú. Xét về phương diện bên ngoài, đời đan tu vẫn âm thầm và đan sĩ dường như luôn làm những công việc có tính tuần hoàn, nghĩa là lặp đi lặp lại. Nhưng tại sao đời sống ấy lại được khẳng định với tính từ “phong phú” ? Câu trả lời có lẽ không quá khó để tìm ra. Điều làm nên sự phong phú ở đây, không gì khác hơn ngoài việc đan sĩ đã sống hết mình, sống sáng tạo với giây phút hiện tại. Nhờ đó, từng lời kinh nguyện, từng công việc bổn phận âm thầm được thực hiện và gói ghém trong một tình yêu lớn lao. Với tình yêu ấy, nếp sống đơn điệu của đời đan tu sẽ chẳng còn phải là đơn điệu như hình thức bên ngoài của nó.
Kết luận
Con người được Thiên Chúa ban cho lý trí để suy tư, ý chí tự do để quyết định, chọn lựa cho mình một cách sống, một hướng đi nên con người trở thành một thọ tạo cao cả, vượt trên muôn loài muôn vật. Và cũng chính con người là đối tượng dùng tự do và ý chí để kiến tạo cuộc sống mình. Các đan sĩ là những con người bằng xương bằng thịt ấy – những con người sống thật với tự do của mình, những con người được Tình Yêu của Thiên Chúa mời gọi bước vào đời đan tu chiêm niệm. Cũng chính Ngài đã gieo vào lòng người đan sĩ những hạt giống của Tình Yêu. Ước mong rằng với những hạt giống Tình Yêu ấy, đan sĩ sẽ có thể biến đời đan tu, vốn dĩ được “lập trình” và đơn điệu, trở thành một đời sống kéo thật nhiều ơn thiêng từ trời xuống cho nhân loại bằng những hoa trái của hy sinh, của kinh nguyện và những việc tông đồ tuy âm thầm nhưng phong phú.
[1] M. Doores, R.W. Gleason, A. Maslow, C. Rogers, Dâng hiến sáng tạo (Ngô Văn Vững, S.J. chuyển ngữ), tr. 149
[2] Đan viện An Phước, Gõ cửa đan tu Xitô Thánh Gia Việt Nam II, tr. 20
THÀNH CÔNG
FM.Benado Phạm Thanh Bình
Thành công là một cụm từ rất quen thuộc trong cuộc sống, nhất là trong văn hóa giao tiếp của con người. Từ trong ước muốn, trong suy nghĩ, đến những lời cầu chúc cho nhau, hay đến những định hướng cho cuộc đời, người ta luôn nhắm đến sự thành công. Như vậy, thành công chính là mục tiêu sống, là đích đến mà con người luôn nhắm tới. Con người khi sinh ra và lớn lên ai cũng muốn mình được thành công, khẳng định vị trí của mình trong công việc, trong xã hội; được nhiều người ngưỡng mộ, nể phục và cảm thấy mình làm được nhiều điều vĩ đại. Tuy nhiên, từ mơ ước đến thực tế cuộc sống, không phải lúc nào cũng dễ xuôi thuận để đạt đến sự thành công. Vì thế, để có được thành công chắc chắn không phải điều dễ dàng. Chúng ta phải nếm trải những khó khăn thử thách, đôi khi phải chấp nhận những đánh đổi có tính quyết liệt và nỗ lực không ngừng trong cuộc sống.
Trong khuôn khổ Nội san Hạt Giống Chiêm Niệm số 23, nhân dịp Hội Dòng Xitô Thánh Gia mừng Bách Chu Niên thành lập Dòng, người viết xin được dừng lại nhiều hơn ở việc triển khai sự thành công mang chiều kích thiêng liêng (2), ngang qua một lối nhìn phong phú về thành công trong chiều kích xã hội (1). Sự thành công mà Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận và các Đan sĩ Xitô Thánh Gia đã và đang hướng tới (3).
1.Thành công, một lối nhìn phong phú
Thành công là một cụm từ chúng ta được nghe nói rất nhiều. Quả thực, có bao nhiêu con người trên thế giới này thì có bấy nhiêu người có suy nghĩ khác nhau về sự thành công. Nhưng tựu trung vẫn là nói về thành tích, thành quả con người đạt được trong cuộc sống cá nhân cũng như tập thể.
Vì thế, có người cho rằng: thành công là quá trình tạo dựng cuộc sống bạn muốn sống. Tuy nhiên, cuộc sống không phải là tìm kiếm bản thân mình, nhưng cuộc sống chính là tạo dựng bản thân mình. Ý kiến khác cho thành công là hoàn thành mọi công việc, là cống hiến cho công việc, nên thành công nằm trong niềm vui vì thành tựu đạt được. Theo nghĩa này, thành công là kết quả của làm việc chăm chỉ, học hỏi từ thất bại, lòng trung thành và sự kiên trì. Mặt khác, phải chăng tài chính cũng là kết quả của sự thành công? ‘Khi tôi còn trẻ, tôi đã nghĩ rằng, tiền bạc là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống; bây giờ khi tôi già, tôi đã hiểu đó là cái gì’. Có nhiều tiền chưa chắc đã mua được hạnh phúc, nhưng mang lại một cuộc sống thoải mái thì có thể. Và cũng không ai mong muốn trở thành con nợ và nô lệ của các nghĩa vụ tài chính.
Cũng có người nghĩ rằng, thành công là sự tìm kiếm và học hỏi từ những thất bại. “Thành công bao gồm cả quá trình đứng lên từ thất bại này tới thất bại khác mà không hề đánh mất lòng nhiệt huyết. Và hướng tới cuộc sống trong hiện tại mình đang sống. Thành công được tạo ra bởi những gì bạn làm hôm nay, chứ không phải ngày mai’. Nhiều người đang nỗ lực, quyết tâm làm việc với nguồn năng lượng mãnh liệt. Họ sống cuộc sống mà bạn đang mơ ước. Vì vậy, hãy dừng mơ ước và bạn có thể bắt đầu sống như vậy. Bạn có thể biến ước mơ thành hiện thực bằng cách đứng lên hành động. Chúng ta là tạo vật của thói quen, mà sự trì hoãn là thói quen khó có thể phá vỡ. Thành công đến từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống. Duy trì hạnh phúc cũng để có được thành công, hạnh phúc đảm bảo thành công bền vững. Vì vậy, hãy cố gắng sống thật tốt, thật ý nghĩa để có được thành công trong cuộc đời”[1].
Trong tác phẩm Hẹn Bạn Trên Đỉnh Thành Công, mở đầu lời tựa, tác giả Zig Ziglar nói rằng: “Con người được sinh ra để vươn tới sự toàn thiện. Họ đã được phú cho khả năng thành công. Và được ban tặng những hạt mầm của sự vĩ đại”[2].
Như vậy, thành công là khả năng bẩm sinh, là hạt mầm được ươm trong mỗi con người. Ai sinh ra cũng có khả năng đạt đến sự thành công. Nhưng Triết gia người Mỹ Ralph Waldo Emerson lại cho rằng: “Chướng ngại trước mắt hay sau lưng chúng ta thật nhỏ bé với chướng ngại nằm bên trong con người chúng ta”[3].
“Con người luôn khao khát thành công, nhưng theo đuổi thành công một cách mù quáng thì thật là vô nghĩa”[4]. Vì theo như Henry David Thoreau – nhà văn, triết gia người Mỹ: “Sự thành công thường đến với những ai không bận rộn đi tìm nó”. Nếu vậy, để đạt đến sự thành công trong cuộc sống, cần hội tụ đầy đủ ba điều kiện, đó là định hướng hay xác định mục tiêu, sự cố gắng hết sức và không ngừng hoàn thiện bản thân. Cố gắng hết sức đó chính là sự nỗ lực tận cùng, luôn kiên trì, bền bỉ không bao giờ lùi bước vì thất bại. Còn việc không ngừng hoàn thiện bản thân mình đó chính là giúp mình trở nên hoàn hảo hơn, chúng ta cần rèn luyện, bồi đắp bản thân và không nên dễ dàng hài lòng với chính mình; nhưng trước tiên phải xác định mục tiêu hay xác định hướng đi của bạn. Khi bạn có đầy đủ cả ba điều kiện đó thì thành công sẽ gõ cửa chúng ta dù sớm hay muộn.
“Có bao giờ chúng ta tự hỏi thành công là gì mà biết bao con người sẵn sàng hy sinh tất cả để đi tìm nó. Phải chăng đó là sự hoàn hảo trong công việc, sự giàu sang phú quý?”[5]. Hay đứng trên địa vị quyền lực cao trọng, được mọi người ca khen tán thưởng? Liệu chăng tất cả những điều đó là tột đỉnh của sự vinh quang, của sự thành công mỹ mãn? Đến một lúc chúng ta cần lặng thầm mà suy gẫm. Liệu giàu sang tiền tài, với địa vị danh vọng cao sang, có phải là sự thành công đích thực? Trên đường đi, chúng ta hãy cúi mình xuống nâng đỡ một kẻ tàn tật đang cần một sự giúp đỡ. Chúng ta dành những đồng tiền chính nghĩa, chia sẻ những phần ăn của mình cho kẻ ăn xin, cho người đói khát… Đó là một nghĩa cử cao đẹp nơi một tâm hồn cao thượng. Lúc đó chúng ta không chỉ giàu có về vật chất, mà đã có một sự giàu có về lòng nhân ái, một sự giàu có nơi tâm hồn. Đó mới thực là giá trị của sự thành công. Một sự thành công giản dị và trong tầm tay của mỗi chúng ta. Những điều đó xảy ra không nhiều trong cuộc sống. Nên chúng ta phải luôn biết nắm bắt cơ hội và thực hiện nó ngay. Mặt khác, chúng ta cũng đừng biến việc theo đuổi thành công trở thành bi kịch, dù cố gắng đến cùng để đạt được vinh quang không có nghĩa là chúng ta sẽ bất chấp tất cả để có được điều mà mình mong muốn. Chúng ta cần dựa vào chính sức mình, nội lực của bản thân, sự hoàn thiện không ngừng. Đừng dùng bất kỳ thủ đoạn nào để đạt được thành công. Nếu mỗi người không ý thức rõ ràng điều đó, dù đang đứng trên đỉnh cao, tất cả chỉ là chông chênh và dễ dàng vụt mất[6].
Trên đây là những quan niệm chung chung và đa dạng của nhiều giai tầng trong xã hội về sự thành công. Những quan niệm đó, chúng ta cần ghi nhận và có những phân định cho đúng đắn; có thể đôi khi không ít người trong đời sống thánh hiến chúng ta còn đang đi tìm, đang ấp ủ những lý tưởng đó. Điều này cũng rất thực tế, vì chúng ta vẫn đang sống trong môi trường nhân thế, và chịu sự chi phối của xã hội này. Tuy nhiên, người sống đời thánh hiến nói chung, cách riêng với đan sĩ còn được mời gọi hướng tới một sự thành công cao hơn nữa, một sự thành công đích thực và mang giá trị vĩnh cửu. Vậy đâu là sự thành công đó?
2.Sự thành công đích thực đối với đan sĩ
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã để lại cho Giáo Hội và cho nhân loại một kho tàng quý báu về gương sáng đời sống thánh thiện, tình yêu mục tử, các nhân đức anh hùng. Ngài đã khẳng định rằng: “Thành công lớn nhất của đời người là nên thánh”.
Quả thực, người Kitô hữu đi tìm đỉnh cao của sự thành công là nên thánh, đan sĩ hy sinh suốt một đời cũng không tìm gì hơn là con đường nên thánh, nên trọn lành. Như thế, lời mời gọi nên thánh là dành cho tất cả mọi người, không chỉ riêng cho người đan sĩ. Đức Thánh cha Phanxicô khẳng định rõ trong Tông huấn Gaudete et Exsultate rằng: “Tất cả chúng ta được gọi nên thánh bằng việc sống đời sống mình với yêu thương và bằng việc làm chứng trong tất cả những gì mình làm, bất cứ nơi nào mình hiện diện. Bạn được gọi sống đời thánh hiến? Hãy nên thánh bằng việc vui tươi sống trọn lời cam kết của bạn. Bạn kết hôn? Hãy nên thánh bằng việc yêu thương và chăm sóc vợ hay chồng của bạn, như Đức Kitô yêu thương và chăm sóc Hội Thánh. Bạn đang làm việc kiếm sống? Hãy nên thánh bằng cách làm việc với hết khả năng và sự liêm chính để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hay ông bà trong nhà? Hãy nên thánh bằng việc nhẫn nại dạy bảo con cháu mình biết đi theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở vị trí nắm giữ quyền bính? Hãy nên thánh bằng cách làm việc phục vụ cho công ích và nói không với việc trục lợi riêng tư”.[7]
Nên thánh là bước đi trước mặt Thiên Chúa trong sự hoàn hảo (x. St 17,1); nên trọn lành như Cha trên trời (x. Mt 5,48); bước theo Đức Giêsu “sequela Christi” và họa lại chính cuộc sống của Ngài. Trong Tu Luật, Thánh Phụ Biển Đức đã nhấn mạnh một điều quan trọng đối với tất cả đời sống của người đan sĩ là “không quý gì hơn Chúa Kitô”[8]. Vì thế, khi nhắn nhủ với tất cả các môn sinh mới đến gõ cửa đan viện, Thánh Biển Đức chú tâm đến một điều quan trọng như điều kiện cần thiết nhất là: “revera Deum quaerit – thực tâm tìm Chúa” (TL 58,7). Đạt tới Thiên Chúa là mục tiêu mà Thánh Biển Đức muốn người đan sĩ nhớ tới luôn và không ngừng tiến tới. Đó cũng là “nhựa cây” luân chuyển khắp các điều khoản trong cuốn Tu Luật.
Viện phụ Comlumba Marmion nói rằng: “Chúng ta đến đan viện không để trau dồi khoa học, mải miết học nghề, cũng không phải để chuyên nghề giáo dục”. Nhưng Thánh Biển Đức muốn các đan sĩ “trong mọi lúc chúng ta dùng những ơn lành Thiên Chúa trao ban, để phụng sự Người”. [9]Ngài cũng muốn cho đan viện phải được quản trị cách khôn khéo[10], chắc chắn, lời đó trước hết nhằm việc tổ chức vật chất, nhưng cũng có thể áp dụng vào đời sống luân lý và tri thức trong đan viện. Thánh Biển Đức không muốn cho những tài năng Thiên Chúa ban bị vùi dập đi. Ngài cho phép lập nghề, được phép học hành và làm việc truyền giáo. Viện phụ, người lãnh đạo đan viện lưu tâm duy trì những lề lối hoạt động trong đan viện; vì công ích, để phục vụ Giáo Hội và lo phần rỗi các linh hồn… nhưng đó chưa phải là cùng đích. Tất cả những công tác đó chỉ là phương thế để đi tới cùng đích cao trọng hơn thôi. Cùng đích ấy ở nơi Thiên Chúa, là tìm Chúa và làm vinh danh Chúa mà thôi.[11]
Như vậy, tiến trình để đạt đến sự hoàn thiện mình, đan sĩ luôn phải nhắm đúng mục đích cao nhất. Chính qua việc hăng say tìm kiếm Thiên Chúa, kết hợp với Ngài qua các nhân đức Tin – Cậy – Mến, đan sĩ dần đạt đến sự hoàn thiện. Đặc biệt, chính qua đức ái, làm cho chúng ta được kết hiệp thực sự cùng Thiên Chúa, đó là mục đích mà thánh Biển Đức chỉ định và chính là yếu tính của sự hoàn thiện.
Chúa Giêsu trong Tin Mừng cũng luôn mời gọi các môn đệ nên hoàn thiện. Đan sĩ cũng được mời gọi nên hoàn thiện, như chính Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Thánh nữ tiến sĩ Têrêxa Avila khẳng định rằng: “Đời sống nội tâm nhằm mục đích giúp ta nhanh nên người hoàn thiện”. Thánh nữ nói lên kinh nghiệm của một bậc thầy trong đời sống suy chiêm! Ngày nay người ta sống theo thuyết tương đối, do đó lý tưởng nên thánh bị coi như một ảo vọng không hơn không kém. Nhưng thử hỏi có gì hợp lý hơn khi ta nỗ lực nên thánh, vì tự bản chất Kitô hữu đã là thánh rồi. Chính thánh Phaolô quả quyết: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta…để ta trở nên tinh tuyền thánh thiện” (Ep 1,4). Trong bức tâm thư, gửi các linh mục nhân kỷ niệm 50 năm linh mục, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết:“Qua kinh nghiệm dài của đời cha, giữa bao hoàn cảnh khác biệt, cha đi đến xác tín này: chỉ trên mảnh đất thánh thiện của linh mục, mới phát sinh mục vụ hữu hiệu, một ‘cura animarum – chăm sóc các linh hồn’. Bí quyết thành công đích thực trong công việc tông đồ không hệ tại những phương tiện vật chất, và càng không ở trong “các phương tiện giàu sang”. Kết quả bền vững của nỗ lực tông đồ phát sinh từ sự thánh thiện của linh mục. Thật ra cũng cần thiết những phương tiện mà kỹ thuật hiện đại cống hiến, nhưng bí quyết vẫn là sự thánh thiện của đời linh mục, được diễn tả trong việc cầu nguyện và suy gẫm, trong tinh thần hy sinh và nhiệt huyết truyền giáo”.
Con đường tiến tới sự hoàn thiện bản thân và nên thánh luôn đầy gian lao và thử thách, nhưng đó lại là điều kiện tiên quyết để cho đan sĩ đạt đến được sự thành công đích thực. Tuy nhiên, sự thành công nào cũng phải trả giá bởi sự hy sinh, bởi những cố gắng không mệt mỏi. Và đôi khi phải chấp nhận những mất mát, những thất bại trước đó. Như cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống (Thông Vi Vu) qua các nhạc phẩm của mình, ngài mời gọi chúng ta hãy luôn biết chấp nhận những khó khăn thử thách xảy đến trong cuộc đời. Vì trong đó luôn hàm chứa những kết quả tích cực của sự thành công. Như lời bài hát “Đôi khi”: “Đôi khi phải mất một điều, mới thấy rõ mình có bao nhiêu…Đôi khi va vấp trên đường, mới thấm thía một nghĩa yêu thương…Đôi khi vào đời bơ vơ, mới thèm sao bạn bè nâng đỡ. Đừng tiếc nuối đừng đắm đuối vì bước cuối cũng chính là một nhịp khởi đầu. Hãy vững tin hãy đứng lên bởi thất bại sẽ lại là mẹ của thành công…Hôm nay gieo vất vả, mai ngày gặt hoan ca”.
Như vậy, để đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa: “Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (1Pr 1,16), mỗi đan sĩ hãy xác định mục tiêu đúng đắn và luôn hướng tới sự thành công mang tính vĩnh cửu đó là nên thánh, cố gắng hết mình, hoàn thiện bản thân mỗi ngày như gương sống của Đấng Tổ Phụ chúng ta là Cha Biển Đức Thuận.
3.Cuộc đời Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận thành công hay thất bại?
Chúng ta cùng nhìn lại cuộc đời Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, để thấy được Cha Tổ Phụ đã thành bại như thế nào trong suốt hành trình 30 năm truyền giáo tại Việt Nam (10 năm làm giáo sư Chủng viện An Ninh, 5 năm coi sóc Giáo xứ Nước Mặn (Thừa Lưu) và 15 năm sống đời đan tu chiêm niệm).
Quả thực, nhìn vào cuộc đời Cha Tổ Phụ, chúng ta thấy thể hiện rõ qua bốn điểm nổi bật nơi Cha Tổ Phụ: triệt để tìm Chúa hay khao khát nên hoàn thiện, luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân, luôn hết mình nhiệt tâm truyền giáo và khao khát các linh hồn, luôn tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Đức Thánh cha Phanxicô cũng nói rằng: “Để hành trình này đạt đến thành công, các Kitô hữu phải có khả năng vững lòng trông cậy với sự can đảm, biết mở lòng ra để thảo luận, và tự do đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Sự thánh thiện không thể mua được, cũng không thể đạt được bằng sức mạnh con người. Sự thánh thiện đơn sơ của mọi Kitô hữu chỉ có thể đạt được nhờ sự giúp đỡ của bốn yếu tố cần thiết sau đây: lòng can đảm, niềm hy vọng, ân sủng và sự hoán cải”[12].
- Cha Tổ Phụ với lòng can đảm trong sự hoàn thiện bản thân
Đọc lại những trang tiểu sử của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, với chặng đường 30 năm (1903-1933), chúng ta thấy được ngài là con người can đảm cho dù trải qua biết bao thăng trầm, thành bại đan xen với nhau. Cha Tổ Phụ hiện diện trên đất nước Việt Nam, chúng ta thấy được những nỗ lực và sự cống hiến không biết mệt mỏi của ngài. Tấm gương đầu tiên chúng ta có thể thấy rõ nơi cha chính là lòng can đảm, nỗ lực hoàn thiện bản thân bằng con đường từ bỏ và không ngừng hoán cải. Vốn là một linh mục sinh ra và lớn lên trên đất nước Pháp tiện nghi và giàu sang thời bấy giờ, cha đã trút bỏ tất cả để hòa nhập với môi trường mới nơi xứ truyền giáo hoàn toàn xa lạ và nghèo nàn. Cha đã vượt qua được chính mình, dám từ bỏ tất cả những tiện nghi, hưởng thụ ở ‘phương trời Tây’. Có thể nói cha đã chiến thắng chính mình.
Trong cuốn Hạnh Tích có ghi lại rằng:“Cố Thuận làm việc nhiều mà ăn uống rất thanh đạm. Buổi mai chỉ vài ba củ khoai là xong, các thức ăn chỉ là rau, măng, trứng và cá… rượu, thuốc thì không bao giờ. Cha yêu đời sống khó nghèo, khinh chê tiền bạc. Trong phòng cha chỉ có một bàn viết xấu, vài ba cái ghế xấu, một giường nhỏ, không nệm, gối đầu bằng cục gỗ, vài ba bộ quần áo vải thô…”[13]
Một điều khó khăn lớn lao hơn nữa trong chính nội tại con người Cha Tổ Phụ, vốn tính tình nóng nảy, lối sống nguyên tắc mà cha đã hấp thụ từ nhỏ. Nay cha đã phải cố gắng kìm hãm để trở nên một vị mục tử gương mẫu trong đời sống và khiêm nhường trong tính cách: “Kỳ này cha giáo Thuận dạy cách hăng nồng hơn, song cũng cầm mình bớt nóng hơn trước nhiều. Có Cha nói rằng ‘Cha Benoît kiêu ngạo và nóng nảy quá lẽ, song bởi ngài quyết chí sửa mình và ổn định hai tính ấy cho được, nên Chúa thương cho ngài nên thánh, sau ra khiêm nhường hiền lành cách lạ”[14].
- Cha Tổ Phụ luôn hết mình nhiệt tâm truyền giáo và khao khát các linh hồn
Dưới con mắt đức tin và trong chiều kích thiêng liêng, chúng ta nhận thấy Cha Tổ Phụ đã để lại cho Giáo Hội những thành tựu đáng kể trong những năm tháng hoạt động truyền giáo tại Giáo phận Huế, trong cương vị giáo sư Chủng Viện An Ninh hay những năm cha làm cha xứ tại Giáo xứ Nước Mặn. Tất cả mọi công việc Cha Tổ Phụ làm đều với tinh thần nhiệt tâm cao nhất, và mục đích rõ ràng cho phần rỗi các linh hồn.
Trong cương vị là một giáo sư, Cha luôn lo lắng để đào tạo ra những vị mục tử tốt lành; đồng thời Cha rất nhiệt thành và sáng tạo trong giảng dạy: “Cha giáo Thuận mở mang học vấn, mua thêm sách Việt Pháp, sách Khoa học. Vì thế trình độ học vấn tại trường Chủng Viện An Ninh được nâng cao lên nhiều. Cha vốn là một người nghiêm túc trong việc học, nhưng cũng là người đầy nhiệt huyết trong công việc. Đôi khi mệt nhọc đau yếu mà Cha cũng gắng dạy học, có lần vừa đi vừa mửa, hễ nghe chuông là cắp sách chạy, không bỏ một giờ trả bài nào”[15].
Mặc dù bận rộn với công việc giảng dạy, Cha Denis Thuận vẫn tranh thủ có được sự chấp thuận của giám mục để đi đến xứ Lào hầu tìm kiếm khắp nơi những tín hữu gốc Việt tản mát đó đây và ban bí tích cho họ. Chính vì lòng yêu mến Chúa và sự khao khát phần rỗi các linh hồn đã thúc bách ngài có được lòng nhiệt huyết như thế[16].
Khi đi mục vụ ở giáo xứ, Cha đã luôn trở nên người mục tử đầy lòng nhân hậu và quan tâm chăm sóc đoàn chiên. Đồng thời cha có một chương trình mục vụ thật khoa học và đầy sáng tạo. Cha giáo Thuận áp dụng nhiều phương thế vào việc truyền giáo: ưu tiên việc giảng dạy giáo lý, rồi năng đi thăm viếng bổn đạo, làm thuốc giúp đỡ người bệnh và giúp bố thí cho kẻ khó…[17].
Trong một lá thư viết cho cha mẹ, dịp Lễ Sinh Nhật năm 1907, Cha Tổ Phụ đã nói lên ước nguyện đó: “Lạy cha mẹ rất yêu dấu, thương hại thay cho người ngoại giáo, lễ Sinh Nhật năm nay cũng còn chưa phải cho họ! Chúa xuống thế đã gần 2000 năm, mà còn biết bao kẻ chưa nhận biết Người. Khi con suy sự ấy, thì cái phòng giáo sư của con đây nên như cái ngục cho con. Con ước ao mở miệng la hết sức về Chúa cho những kẻ chưa nhận biết Người được trở lại kẻo sa hỏa ngục thì tội nghiệp quá. Chắc năm sau đây con sẽ được làm cố đi giảng đạo, hoặc cho người chợ hay người thượng, được vậy, con thỏa lòng biết bao. Thế nhưng nếu Chúa muốn con cứ ở lại nhà trường thì con cũng rất bằng lòng”[18].
Sau 15 năm tại Việt Nam trong cương vị một giáo sư Chủng viện An Ninh và cả khi làm cha sở Giáo xứ Nước Mặn, nhìn cách khách quan, Cha Tổ Phụ đã gặt hái được khá nhiều thành công. Từ việc cha cố gắng hoàn thiện bản thân, cho đến việc thích nghi môi trường sống mới. Quả thực, ở môi trường Á Đông từ lối suy nghĩ, nếp sống văn hóa, ngôn ngữ, khí hậu, đồ ăn…hoàn toàn xa lạ với người Âu Châu. Dù nhiều khó khăn khởi đầu, nhưng Cha Tổ Phụ đã nỗ lực vượt qua tất cả để có được sự thành công trong hoạt động truyền giáo. Động lực nào để Cha Tổ Phụ làm được như thế? Có lẽ tất cả xuất phát từ lòng mến Chúa và sự khao khát các linh hồn. Đó là động lực lớn nhất khiến cha vượt qua mọi khó khăn, và cho dù đôi khi gặp những thất bại trong cuộc sống hàng ngày.
Thế nhưng, lòng nhiệt huyết với sứ vụ tông đồ đã không cho phép cha thỏa mãn về những sự thành công ban đầu đó. Vì thế, Cha Tổ Phụ lại tiếp tục nỗ lực tìm ra một phương cách truyền giáo mới, để nhắm đến hiệu quả nhất và mang được nhiều linh hồn về cho Chúa. Và cha đã nghĩ đến việc lập dòng chiêm niệm cho người Việt Nam. Sau những năm tháng trong cương vị là nhà đào tạo các chủng sinh và là nhà truyền giáo trong môi trường giáo xứ, cha ấp ủ một hoài bão lớn hơn là lập một dòng chiêm niệm, để cách nào đó yểm trợ cho công việc truyền giáo đắc lực hơn. Tuy nhiên, ước mơ lập dòng của Cha Tổ Phụ khởi đầu cũng gặp bao thử thách lớn lao. Thử thách đó đến như muốn dập tắt tất cả ước nguyện của cha. Cha vẫn luôn tin tưởng vào Chúa và sống trong niềm hy vọng và cậy trông vào ân sủng Chúa.
- Cha Tổ Phụ luôn hy vọng và cậy trông vào ơn Chúa
Chín năm đợi chờ trong kiên nhẫn và hy vọng càng làm tăng thêm nơi Cha Biển Đức Thuận lòng khao khát đời chiêm niệm. Ngài thấy mình như một phụ nữ sắp sinh ra một người con: tuy nỗi đau còn đó, nhưng sẽ biến thành niềm vui. Chúng ta vừa phân tích một số khó khăn mà Cha Biển Đức Thuận phải đối diện và giải quyết khi biến ước mơ thành hiện thực và định hướng cho đời Đan tu Xitô mà ngài là người đầu tiên gieo hạt giống trên quê hương Việt Nam. Hạt giống chiêm niệm mà Thiên Chúa gieo vãi qua trung gian Cha Biển Đức Thuận đã nảy mầm và phát triển thành một cây đại thụ. Điều gì đã dẫn ngài đến sự thành công đó?
Chúng ta thấy rằng những điều nghịch lý, ngài đã tìm được đáp án trong Đấng đã dẫn đưa mình vào cô tịch và thinh lặng. Chính Đấng đó là chìa khóa giải mã tất cả những nghịch lý trên.
Sống trong hy vọng và cậy trông vào ân sủng Chúa, đó chính là điều mà Đức Thánh cha Phanxicô đề cập đến trong hành trình nên thánh: “Vương quốc của Đức Giêsu chỉ dành cho những ai dám bước đi với lòng can đảm và lòng can đảm lại xuất phát từ niềm hy vọng. Đó cũng là yếu tố thứ hai trong hành trình nên thánh. Lòng can đảm có được nhờ hy vọng vào cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu. Yếu tố thứ ba trong hành trình nên thánh xuất hiện trong những lời của Thánh Phêrô: ‘Hãy hoàn toàn đặt niềm trong cậy vào ân sủng.’ Chúng ta không thể đạt được sự thánh thiện nhờ sức riêng của mình. Nhưng đó là một ân sủng. Trở nên tốt lành, nên thánh thiện, mỗi ngày mỗi tiến lên những bước nho nhỏ trong đời sống Kitô hữu là ân sủng của Thiên Chúa và chúng ta phải cầu xin ơn này. Lòng can đảm, một cuộc hành trình; một cuộc hành trình mà người ta cần phải có lòng can đảm để bước đi với niềm hy vọng và tấm lòng luôn sẵn sàng rộng mở để đón nhận ân sủng này” [19].
Cha Tổ Phụ với lòng cậy trông và hy vọng vào ân sủng Chúa, cha đã phó thác cho thánh ý Chúa trong kế hoạch lập dòng. Với đầy đủ tinh thần nhiệt huyết, can đảm và hy vọng đó, cha đã ngỏ ý với Đức cha Allys, Giám quản Tông Tòa Giáo phận Huế, qua một lá thư đề ngày 31 tháng 01 năm 1912, Cha Denis Thuận biểu lộ lần đầu tiên ước muốn sống đời đan tu chiêm niệm:
“… Năm nay đúng 800 năm thánh Benado nhập dòng (năm 1112), con có thể theo chân ngài và bắt chước ngài nội trong năm 1912 này không? Trước đây con đã muốn trở thành đan sĩ ở Hồng Kông. Nhưng người ta cho hay Hội Dòng Nazareth đang thời sa sút. Con cũng đã ước ao nhập Dòng Trappe bên Nhật, nhưng ở đấy chẳng mấy ai bền đỗ, đàng khác, muốn ở đấy thì phải thôi làm giáo sĩ thừa sai”.[20]
Lá thư trên cha đã viết khi còn là cha xứ tại Nước Mặn (Thừa Lưu), vài tháng trước khi ngài trở về lại Chủng viện An Ninh lần hai. Trong suốt 5 năm tại đây nhiều lần ngài viết thư cho Đức cha Allys để xin phép được ra đi sống đời đan tu. Đức cha Allys từ chối lời xin của Cha Denis Thuận và khuyên ngài hãy ký thác dự tính cho sự quan phòng của Chúa. Cha Denis Thuận, một đàng cảm thấy ước ao nồng cháy của mình thôi thúc, một đàng ngài tuân phục quyết định của bề trên như ngài tâm sự với đức cha trong thư đề ngày 31 tháng 03 năm 1913: “Lý do còn mạnh hơn là Chúa cũng không muốn. Phần con, con cũng vậy. Trong khi đợi chờ các đan sĩ dòng Trappe, các tu sĩ bản địa, các thầy dòng Chartreux, hay “bất cứ tu sĩ nào”, con an bình trong căn phòng nhỏ tại An Ninh”.[21]
Sau khi được phép Đức cha Allys ban phép lập dòng, Cha Tổ Phụ đã nhanh chóng bắt tay vào công việc khai hoang và bước đầu hình thành tổ ấm của dòng. Những bước khởi đầu lập dòng không thiếu những gian nan vất vả, thậm chí có cả những thất bại, đổ vỡ trong đời sống tinh thần cũng như vật chất. Khởi đầu việc xây dựng nhà dòng đã vất vả, thiếu thốn trăm bề nay lại càng cực khổ thiếu thốn hơn qua biến cố cháy nhà vào chiều ngày 17-07-1920, mọi sự coi như đã tiêu tan thành mây khói. Sự việc xảy ra là các thầy đốt rú để xua đuổi cọp tránh lại gần nhà, ngờ đâu hướng gió đổi chiều thổi bật sang phía nhà dòng dẫn đến cháy nhà; trong phút chốc trót cả cơ nghiệp nhà dòng tàn lụi trong đám lửa bốc cháy ngùn ngụt không còn cách nào cứu vãn. Cha con ứa hai hàng nước mắt, dầu vậy nhưng vẫn hát Magnificat trọng thể tạ ơn Chúa. Cha Tổ Phụ quỳ xuống, giang hai tay, ngửa mặt lên trời, thân thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã ban nay Chúa lại cất, con xin thuận theo ý Chúa… Bị rủi ro như thế chỉ là dấu Cha nhân hậu tỏ lòng thương con cái: chúng ta hằng ngợi khen Chúa và cám ơn Người luôn. Tất cả hãy làm sáng danh Chúa”[22].
Trong sự mất mát như thế, nhưng Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận luôn vui vẻ đón nhận tất cả. Trong cương vị người tông đồ của Chúa, sự thành bại không chỉ hệ tại ở những phương tiện vật chất, nhưng ở lòng tin tưởng cậy trông nơi Thiên Chúa. Cha Tổ Phụ có được điều đó, chắc hẳn xuất phát từ tâm hồn thánh thiện nơi ngài.
Quả thực, trong kế hoạch của Thiên Chúa thì dù thành công hay thất bại đều mang một ý nghĩa nhất định. Thấu hiểu được điều đó, nên cuộc đời Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã luôn tin tưởng phó thác tất cả cho thánh ý Chúa. Và ngài đã luôn “thuận theo ý Chúa” trong mọi hoàn cảnh và kết thúc một cuộc đời trong hương thơm thánh thiện, bình an và vui tươi, như chính trong những lời trăn trối vàng ngọc cuối cùng đã nói lên điều đó: “…Cha khuyên chúng con hãy nhớ: đàng nhân đức là tuân theo thánh ý Chúa, mà theo Thánh ý Chúa là giữ Luật Dòng cho trọn […] còn phần cha, thì đi bình an lắm. Cha không áy náy lo lắng chi hết. Vì cha biết rõ Chúa là Cha chung, Chúa thương cha và cũng thương chúng con; cho nên không sợ chi cho cha, và cũng không sợ chi cho chúng con…”[23]. Đó chính là dấu ấn đỉnh cao của cuộc đời Cha Tổ Phụ. Trong cái nhìn nhân loại, cha thực sự đã thành công, vì cha đã luôn làm tròn thánh ý Chúa và nên trọn lành.
Kết
Thành công là một thuật ngữ dễ nói nhưng không dễ thực hiện. Để có được một cuộc đời thành công là cả một tiến trình dài cần nỗ lực và cố gắng của mỗi người; thêm vào đó cần thiết có sự tác động của ngoại cảnh ‘thiên thời địa lợi nhân hòa’, người ta vẫn quan niệm một người hội đủ ba yếu tố này sẽ có cơ may làm nên nghiệp lớn, nói nôm na là sự thành công thành đạt trong cuộc đời. Qua những gì trình bày trên đây chỉ là một vài phác họa về cả lý thuyết, quan niệm và những nhân chứng của nhiều người qua nhiều thế hệ về sự thành công. Điều đặc biệt người viết nhắm tới vẫn chính là chiều kích của sự thành công đích thực nơi đan sĩ. Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận chính là tấm gương cho các thế hệ đan sĩ noi theo. Quả thực, đối với một người môn đệ đi theo Đức Kitô, con đường và đích đến chính là gặp được Ngài, Đấng là con đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6), để được biến đổi mình và trở nên hoàn thiện. Qua đó, người đan sĩ không chỉ là chứng nhân phản chiếu chân lý Tin Mừng, mà là người mang tình yêu Đức Kitô đến cho nhiều người, và đưa họ về với Đức Kitô, chính là cùng đích cuộc đời. Đó mới thực sự là thành công, một sự thành công tròn đầy và viên mãn trong vĩnh cửu.
[1] http://vinaqueens.edu.vn/10-dinh-nghia-ve-thanh-cong-cua-ban/, truy cập ngày 06/03/2018.
[2] Zig Ziglar, See You At The Top – Hẹn Bạn Trên Đỉnh Thành Công, dịch giả: Vương Long, Nxb. Trẻ 2008, tr.4.
[3]http://cheesegroup.com/vi-vn/1235/3970/Sach-Hay-Moi-Ngay/Sach-Hay-Moi-Ngay–Hen-Ban-Tren-Dinh-Thanh-Cong–Tac-Gia-Zig-Ziglar.
[4] https://www.tindachieu.org/2016/06/lang-nguoi-truoc-bai-van-ve-thanh-cong-cua-hoc-sinh-lop-10
[5] Sđd.
[6]x. https://www.tindachieu.org/2016/06/lang-nguoi-truoc-bai-van-ve-thanh-cong-cua-hoc-sinh-lop-10, truy cập ngày 04/04/2018.
[7] Đức Thánh cha Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate (Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ) – Bản dịch: Lm Giuse Lê Công Đức PSS, năm 2018, số 14.
[8] TL 4,21.
[9] TL LM, 6.
[10] x.TL 53.
[11] x. Dom Columba Marmion, Le Chrrist, Idéal du moine – Chúa Kitô Lý Tưởng Đan Sĩ, Chuyển ngữ: Đan viện Châu Sơn Đơn Dương, tr. 24-25.
[12] ĐTC Phanxicô, Bốn yếu tố cần thiết để nên thánh, (Bài giảng trong Thánh lễ ngày 24.05.2016, tại Nhà nguyện Thánh Marta), Dịch giả: Giuse Vũ Đức Anh Phương, SJ, http://vi.radiovaticana.va, 25.05.2016.
[13] HT. tr. 44-45.
[14] HT. tr. 76
[15] HT. tr. 43
[16] x. Cha Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, Tiểu Sử Cha Biển Đức Thuận, Phần I, (Lưu hành nội bộ), tr.135.
[17] x. HT. tr. 55-57.
[18] HT. tr. 51.
[19] ĐTC Phanxicô, Bốn yếu tố cần thiết để nên thánh, (tt…).
[20] Cha Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, Sđd, tr.134.
[21]x. http://hoidongxitothanhgia.com/suy-niem-hang-ngay/cha-to-phu-bien-duc-thuan-va-doi-song-chiem-niem-m-duyen-thap-tu, truy cập ngày 03/04/2018.
[22] HT, tr. 157.
[23] LGH. 50.
PHÁT TRIỂN
TOÀN DIỆN VÀ QUÂN BÌNH
FM. Vincent-Liêm Trần Văn Hoà
Dẫn Nhập
Thông thường khi nói đến phát triển là nói về sự thay đổi và lớn lên. Và để phát triển bền vững thì đó phải là một sự phát triển toàn diện và quân bình. Một xã hội, hay bất cứ một tổ chức nào muốn phát triển bền vững đều cần đến hai yếu tố toàn diện và quân bình. Vì sao? Vì nói đến sự phát triển toàn diện là nói đến con người và các nhu cầu của con người trong tương quan với các chiều kích, các phương diện, hay các khía cạnh về tinh thần, tâm linh cũng như những nhu cầu về vật chất của cuộc sống hay của xã hội mà con người sống trong đó. Còn nói đến quân bình là nhắm đến sự phát triển một cách hài hoà, cân đối giữa các chiều kích đó với nhau. Do đó phát triển toàn diện và quân bình có nghĩa là một con người hay một tổ chức cần được giáo dục để đáp ứng những điều kiện cần thiết để có thể phát triển trong tất cả các chiều kích mà một người cần phải có theo đúng nghĩa của nó. Đồng thời các chiều kích đó cũng phải được phát triển đồng bộ và đồng đều trong các tương quan, tức là được phát triển trong thế quân bình, để xã hội, tổ chức được phát triển một cách bền vững, và những con người ở trong đó được an vui hạnh phúc.
I.Một vài khái niệm chung về phát triển
Chúng ta đang sống trong một thời đại phát triển không ngừng về nhiều mặt như khoa học kỹ thuật, kinh tế, y khoa, nhất là công nghệ thông tin. Do đó, một trong những cụm từ chúng ta thường được nghe nói ngày nay là phát triển. Vậy phát triển được hiểu như thế nào?
Theo từ điển tiếng việt, “phát triển” được hiểu như là một vận động, một sự tiến triển theo chiều hướng tăng lên, chẳng hạn phát triển kinh tế, văn hoá hay không ngừng phát triển sản xuất[1]. Như vậy, có thể nói “phát triển” là một từ ngữ thông dụng trong hầu hết các phạm vi, cách riêng trong lãnh vực kinh tế, chính trị và khoa học kỹ thuật… Và dĩ nhiên trong mỗi lãnh vực người ta lại có một quan niệm về phát triển khác nhau. Nhưng nhìn chung thì “phát triển” được hiểu là một trạng thái động và lớn lên, và hướng tới chỗ hoàn thiện hơn. Vậy Giáo Hội hiểu thế nào về phát triển?
II.Phát triển con người toàn diện theo quan điểm của Giáo Hội: thể chất và tinh thần
Nhìn vào Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, có thể thấy rằng, phát triển là một khái niệm khá mới mẻ so với khái niệm phát triển của xã hội và thế giới bên ngoài. Giáo Hội chỉ thực sự đề cập đến khái niệm phát triển một cách chính thức từ thế kỷ 20, trong các thông điệp của các Đức Giáo Hoàng như “Mẹ và Thầy” (năm 1961) hay “Hoà Bình Cho Thế Giới” (năm 1963) của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, đặc biệt Công đồng Vaticano II trong hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”. Có thể nói khái niệm phát triển như là trọng tâm của Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng. Công đồng Vaticano II minh định rằng, “Một niềm tin ngày càng lớn rằng nhân loại không những có thể và phải mỗi ngày củng cố thêm khả năng làm chủ vạn vật, mà còn phải thiết lập một trật tự chính trị, xã hội và kinh tế để phục vụ con người đắc lực hơn, giúp mỗi cá nhân, tập thể khẳng định và thăng tiến phẩm giá riêng của mình”[2]. Và phát triển, nhất là phát triển kinh tế theo Công đồng Vaticano II, là để phục vụ con người và phải được con người kiểm soát[3], tức là một sự phát triển lấy con người làm trọng tâm. Công đồng khẳng định, “ngay trong đời sống kinh tế xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và lợi ích của toàn thể xã hội cũng phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là tác giả, là tâm điểm và là cứu cánh của tất cả đời sống kinh tế xã hội”[4].
Cũng trong chiều hướng lấy con người làm trọng tâm của phát triển, Thông điệp “Phát Triển Các Dân Tộc” (năm 1967), Đức Phaolô VI nhấn mạnh việc cần phải phát triển con người và mọi người trong toàn thể mọi chiều kích và lãnh vực của con người. Chẳng hạn nói đến sự phát triển ơn gọi con người (số 15); về sự phát triển nhân bản (số 20); về vật chất như lương thực, sức khoẻ…hay về tinh thần như văn hoá, giáo dục, đạo đức; và về tính chất tôn giáo siêu việt như con người có khả năng vươn lên chính mình và lên đến Đấng Tuyệt Đối. Bên cạnh đó thông điệp nhấn mạnh đến chiều kích phát triển liên đới, rằng con người là những con người cụ thể sống trong một xã hội, vì thế con người không thể phát triển toàn diện nếu thiếu tính liên kết với mọi người (số 43).
Tiếp theo là quan điểm phát triển dưới khía cạnh luân lý của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp “Quan Tâm của Giáo Hội Về Vấn Đề Xã Hội-Sollicitudo Rei Socialis” (năm 1987) khi kêu gọi, sự phát triển đòi hỏi phải tôn trọng khía cạnh tự do, nhân quyền và trách nhiệm. Và sau cùng đó là quan điểm về sự phát triển mới nhất theo Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Thông điệp Laudato Sí (năm 2017). Với Đức Phanxicô, sự phát triển phải được hiểu trong sự toàn diện, nguyên vẹn hay toàn bộ. Đó là một sự phát triển mang tính chất kết hợp hài hoà, một sự phát triển thông qua hội nhập, hợp nhất hay sáp nhập qua việc: kết hợp giữa các dân tộc; kết hợp giữa các yếu tố của phát triển như kinh tế, văn hoá, tôn giáo… ; kết hợp mỗi thành viên với cộng đồng xã hội; kết hợp giữa các chiều kích cá nhân với chiều kích cộng đồng xã hội và nhất là phải kết hợp linh hồn và thể xác.
Như thế chúng ta thấy, tuy đi sau nhưng Giáo Hội đã cung cấp cho chúng ta một quan điểm về phát triển mang tính toàn diện về mọi chiều kích của sự phát triển con người. Lấy con người làm điểm chính yếu cho sự phát triển. Rằng con người phải được phát triển không chỉ là vật chất hay tinh thần riêng lẻ mà là cần được phát triển cùng một lúc trong tất cả các chiều kích liên quan đến con người. Tức là phát triển bao gồm toàn thể các hoạt động của con người chứ không chỉ chú trọng đến lãnh vực kinh tế hay khoa học kỹ thuật… như các quan niệm khác của xã hội.
III.Phát triển toàn diện qua các chiều kích
Từ những khái niệm phát triển theo học thuyết xã hội của Giáo Hội như trên, chúng ta có thể nói rằng con người cũng như các tổ chức xã hội khác, chỉ có thể được phát triển một cách sung mãn trong những tương quan hài hoà sau đây:
1) Tương quan hài hoà với Thiên Chúa;
2) Tương quan hài hoà với xã hội;
3) Tương quan hài hoà với thế giới;
4) Tương quan hài hoà với chính bản thân mình.
Tại sao? Để hiểu rõ hơn tại sao quan điểm của Giáo Hội trong sự phát triển lại nhấn mạnh đến “tương quan” như là mấu chốt của vấn đề, chúng ta cần nhìn lại tình trạng nguyên thủy của con người chúng ta như thế nào. Hay nói đúng hơn, chúng ta xem thuở ban đầu, khi Thiên Chúa dựng nên con người, tương quan của con người chúng ta với Thiên Chúa, với chính bản thân mình, với nhau và với thiên nhiên như thế nào? Và sau khi hai Ông Bà nguyên tổ của loài người chúng ta sa ngã trong vườn địa đàng thì những tương quan đó đã thay đổi ra sao? Có thể nói, trước khi hai Ông Bà Adam và Eva phạm tội, thì sách Sáng Thế cho chúng ta thấy con người thật là hạnh phúc, một sự hạnh phúc viên mãn vì được sống trong các mối tương quan đầy đủ nhất, được diễn tả qua các mối tương quan đó là: tương quan với Thiên Chúa, với chính mình, giữa hai Ông Bà với nhau và với thiên nhiên. Như thế chính những mối tương quan, những chiều kích này hài hoà với nhau đã làm cho con người được sống đúng với phẩm giá của mình một cách đầy đủ nhất, và do đó con người được hưởng niềm hạnh phúc. Ngược lại sau khi Ông Bà sa ngã, thì các tương quan đó đã bị phá vỡ, và đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến việc con người phải chịu bao nhiêu hệ lụy, không còn những điều kiện để sống và phát triển một cách sung mãn nữa và cũng đồng nghĩa với việc không còn cảm thấy hạnh phúc nữa (x. St 3,8-24). Do đó, để phát triển bền vững và hạnh phúc thực sự, chúng ta không còn con đường nào khác là quay trở lại với cội nguồn của mình, hay nói đúng hơn là phục hồi các mối tương quan mà chúng ta vốn có thuở ban đầu, và gầy dựng lại các mối tương quan đó.
1.Tương quan hài hoà với Thiên Chúa
Để phát triển toàn diện thì điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là xây dựng lại, hay nói đúng hơn là phải phục hồi và phát triển lại tương quan với Thiên Chúa. Khi phạm tội là Adam và Eva đã từ chối chấp nhận tương quan yêu thương lệ thuộc vào Thiên Chúa. Vì Ông Bà muốn nên giống như Thiên Chúa (x. St 3,4-6). Khi Thiên Chúa đến và đi dạo với Ông Bà trong Vườn Địa Đàng như thường ngày, Ông Bà đã trốn vì tương quan với Thiên Chúa đã bị đỗ vỡ. Ông Bà đã bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Hậu quả này không bắt nguồn từ sự tức giận của Thiên Chúa mà là do chính hành động của Ông Bà gây nên. Chính Ông Bà đã cắt đứt mối dây yêu thương giữa mình với Thiên Chúa và không còn được ở lại trong vườn địa đàng nữa (x. St 3,24).
Tình trạng về tương quan giữa Ông Bà nguyên tổ với Thiên Chúa trong sách Sáng Thế đã cho chúng ta hiểu được rằng, con người đã được Thiên Chúa dựng nên trong tương quan với Ngài và do đó bản chất của con người là hướng về Thiên Chúa, Đấng tạo thành nên mình, và chỉ được thực sự hạnh phúc khi sống trong tương quan với Ngài như là đầu mối của các tương quan khác. Chính thánh Augustino đã cảm nhận điều này và thốt lên:“Lạy Chúa là Đấng dựng nên con và con sẽ tìm kiếm Ngài không ngơi nghỉ cho đến khi gặp được Ngài mới thôi”. Vậy một trong những yếu tố đầu tiên chúng ta phải xây dựng là làm phát triển tương quan với Thiên Chúa. Chỉ trong khi xây dựng tốt tương quan này chúng ta mới biết chúng ta đang phát triển cái gì và phát triển ra sao cho phù hợp với con người và cộng đoàn, cũng như xã hội chúng ta.
2.Tương quan hài hoà với xã hội
Phát triển tương quan với con người (người khác, tha nhân) trong xã hội là yếu tố thứ hai sau yếu tố xây dựng tương quan với Thiên Chúa như là cội nguồn và là cùng đích của con người. Vì bản chất con người vốn được Thiên Chúa dựng nên trong tương quan với người khác theo hình ảnh cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa[5] mà người ta thường gọi là xã hội tính. Thomas Merton đã viết: không ai là một hòn đảo. Một xã hội càng tiến bộ văn minh thực sự thì người ta lại càng cảm nhận được sự lệ thuộc lẫn nhau. Quả vậy, ngày nay tính tương quan xã hội càng quan trọng hơn bao giờ hết, vì theo Công đồng Vaticano II, “trong những khía cạnh chính yếu của thế giới hôm nay phải kể tới sự gia tăng những mối tương quan giữa con người với nhau, mà những tiến bộ kỹ thuật ngày nay đóng góp rất nhiều vào việc phát triển sự gia tăng ấy”[6]. Tuy nhiên, Công đồng cũng chỉ ra rằng, không phải mọi tương quan qua lại hay mọi lệ thuộc lẫn nhau trong các tiến bộ khoa học kỹ thuật ấy đều là những đối thoại huynh đệ đích thực giữa con người với con người, nghĩa là nhắm tới việc quan tâm con người. Công đồng chỉ ra rằng, “cuộc đối thoại giữa con người được hoàn hảo không phải ở trong những tiến bộ ấy, nhưng một cách sâu xa hơn trong cộng đoàn nhân loại. Cộng đoàn này đòi hỏi phải có sự tôn trọng tất cả phẩm giá thiêng liêng của nhau”[7]. Quả thật, ngày nay con người vì chạy theo (hay bị cuốn hút bởi) kỹ nghệ máy móc, được mệnh danh là tiến bộ văn minh, một nền văn minh mà theo cái nhìn của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thì đó là một nền văn minh sự chết[8]. Tại sao? Thưa, một trong những lý do là vì người ta phải chạy theo máy móc, chạy theo công nghệ và không còn nhiều thời giờ cho nhau. Nhưng máy móc chỉ có thể thay thế con người trong những lãnh vực nào đó, và hậu quả là người ta không cần đến nhau và không cần có nhau. Do vậy, hơn bao giờ hết, ngày nay người ta bị cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi chính tại những nơi tiến bộ khoa học kỹ thuật hay những thành thị đông người. Đó là một tình trạng đi sai với bản chất của con người là phải sống với nhau, cùng nhau và sống cho nhau. Vì ngay từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên con người với thiên hướng sống với người khác. Kinh Thánh nói, Adam đã cảm thấy cô đơn và đã tìm kiếm một người để đồng hành và Thiên Chúa đã dựng nên Eva để họ sống với nhau. Tương quan này đã bị phá vỡ do tội lỗi của hai Ông Bà gây ra. Khi đối diện với Thiên Chúa thì Ông Bà đã đổ tội cho nhau và chỉ trích nhau, thay vì bảo vệ cho nhau. Hậu quả đó đã xảy ra như một sự lưu truyền cho con cháu, như trường hợp của Cain và Abel (x. St 4), rằng Cain đã nổi cơn thịnh nộ khi Thiên Chúa không chấp nhận của lễ mình dâng cho Thiên Chúa, nhưng đã chấp nhận của lễ của em mình là Abel. Tình trạng này,do đó đã xảy ra cho nhân loại chúng ta hôm nay. Các chương tiếp theo của sách Sáng Thế cho thấy do tội đã lan tràn ra các thế hệ và trong thời Noe chẳng hạn, đã còn quá ít người được coi là công chính.
Như thế khía cạnh thứ hai để phát triển toàn diện chính là cải tạo lại mối tương quan với anh em, với đồng loại, với mọi người. Vì đó không chỉ là nhu cầu mà còn là điều kiện để con người, cũng như tổ chức tập thể hay xã hội chúng ta có thể tồn tại và lớn lên theo đúng nghĩa của một con người và xã hội.
3.Tương quan hài hoà với thế giới
Tương quan thứ ba là tương quan với thế giới. Con người được Thiên Chúa dựng nên trong một thế giới cụ thể, trong một Vườn Địa Đàng rõ ràng chứ không phải sống vô gia cư. Thậm chí Thiên Chúa còn giao trái đất này cho con người trông coi và khai thác để sinh sống (x. St 2,15). Thế nhưng cũng chính sự kiện nguyên tội của Ông Bà, đã tác động đến con người chúng ta trong tương quan với thế giới. Quả vậy, trước khi phạm tội, chính Ông bà đã thống trị trên tất cả loài vật, cây cối mà Thiên Chúa dựng nên. Đã có một sự hài hoà tuyệt vời và tuyệt đối giữa các thụ tạo với nhau trong sự phục vụ cho con người. Chính Adam đã đặt tên cho các loài thảo mộc, chim trời và cây cối (x. St 2,19-20). Nhưng sự hài hoà giữa muôn vật muôn loài trong thế giới đã bị đổ vỡ tất cả do bởi tội nguyên tổ tác động. Trong sự nhận thức theo thời gian, cuộc sống của con người là phải làm việc để có thức ăn sinh tồn. Nhưng chính tội lỗi, trái đất như đã bị nguyền rủa, và con người đã phải khó nhọc, phải đổ mồ hôi để khai thác kiếm miếng ăn. Trái đất đã không còn phì nhiêu và tự động sinh nhiều hoa màu như trước nữa, nhưng con người phải cày cấy vất vả (x. St 3,17-19). Với người phụ nữ thì phải sinh con trong đau đớn (x. St 3,16).
Đức Thánh Cha Phanxico đã ý thức sâu xa tương quan giữa con người và thế giới. Trong Thông điệp Laudato Sí, ngài đã cho thấy vai trò của thế giới, của môi trường, của trái đất này rất quan trọng đối với con người như thế nào, nên đã nhiều lần nói đến việc bảo vệ môi trường sống. Ngài coi đó như là một yêu cầu khẩn thiết vì nó tác động trực tiếp đến sự sống của con người. Với ngài, chúng ta không thể phát triển toàn diện nếu thiếu việc bảo vệ môi trường. Vì con người sống là sống trong môi trường và nhờ môi trường mà người ta thường gọi là “môi trường sống”.
4.Tương quan hài hoà với chính bản thân mình
Khi nói đến tương quan và xây dựng tương quan thì thông thường người ta hướng ngoại, hướng ra ngoài với những đối tượng khác mình hay ngoài mình. Nhưng chúng ta thường quên rằng mọi tương quan thường được xây dựng và khởi đi từ chính bản thân mình như là nền tảng hay nguồn suối, để từ đó chúng ta vươn ra đến tương quan với Thiên Chúa, với thế giới và với người khác. Vì theo nguyên tắc, chúng ta không thể cho cái chúng ta không có. Cũng vậy, chúng ta sẽ không thể nói hay xây dựng tương quan với Thiên Chúa, với thế giới và với tha nhân khi trong chính bản thân chúng ta không có được một tương quan hài hoà tốt đẹp. Quả vậy Sách Sáng Thế cho thấy rằng tội lỗi đã không chỉ tác động tới tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa con người với nhau, với môi trường xã hội mà còn tác động đến tương quan của chính bản thân mình, đến con người của mình. Chương 2,25 nói rằng, cả hai người (ông Adam và bà Eva) trần trụi nhưng không cảm thấy hổ thẹn hay mắc cỡ với nhau. Chỉ sau khi phạm tội, mắt họ mở ra và nhận ra mình trần trụi và tự tìm lá quấn quanh người. Như thế, khởi đầu khi được tạo dựng bởi Thiên Chúa, cá nhân con người sống trong sự hài hoà tuyệt vời với chính mình. Chỉ khi phạm tội, sự hài hoà đó đã bị đảo lộn tất cả trong con người chúng ta. Đó là lý do tại sao thánh Phaolô đã kinh nghiệm sự không hoà hợp trong chính bản thân mình và đã thốt lên: “điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Sau khi phạm tội, trong con người chúng ta đã xuất hiện hai khuynh hướng: một sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí và một thường bị tính xác thịt lôi kéo hướng về điều xấu. Theo kiểu nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì trong con người chúng ta vừa có “tính con” và vừa có “tính người”. Chỉ khi nào chúng ta sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, tức “tính người” trong con người chúng ta thắng thế thì chúng ta mới lấy lại được sự hoà hợp đích thực trong con người của chúng ta. Người ta vẫn thường nói, thắng chính mình hay vượt lên chính mình là một trong những cuộc chiến khó khăn nhất nhưng quan trọng nhất trong mọi cuộc chiến đấu. Do đó, việc xây dựng tương quan hài hoà ngay trong chính bản thân mình là nền tảng cho việc xây dựng các tương quan khác với Thiên Chúa, với người khác và với thế giới.
Như vậy, sách Sáng Thế đã cho chúng ta thấy thế nào là một con người toàn diện. Đó là khi con người sống trong sự hài hoà của bốn tương quan: với Thiên Chúa, với người khác, với thế giới và với chính bản thân mình. Bên cạnh đó, sách Sáng Thế cũng đồng thời cho thấy thực tại của tội lỗi đã tác động đến bốn tương quan trên như thế nào, đã làm cho con người bị xáo trộn ra sao khi không còn được sự hoà hợp giữa bốn tương quan đó trong mình nữa. Do đó để phát triển một cách toàn diện, chúng ta cũng phải cần được phát triển một cách đồng bộ bốn tương quan đó. Hay nói đúng hơn, phát triển toàn diện không gì khác hơn là phục hồi lại những tương quan mà chúng ta đã bị đánh mất từ thuở ban đầu.
IV.Phát triển quân bình trong các chiều kích của đời sống thánh hiến
Nếu như phát triển toàn diện là đề cập đến các chiều kích mà con người, qua đó như là những điều kiện để phát triển “thành người, thành con Chúa”, thì phát triển quân bình sẽ đề cập đến sự phát triển một cách cân đối giữa các chiều kích đó. Trong những năm gần đây chúng ta thường được nghe nói về việc phát triển bền vững. Tại sao? Đó là vì một thời gian khá dài mấy mươi năm người ta chỉ nghĩ đến phát triển mà không để ý đến việc phát triển sao cho bền vững. Và cũng trong trào lưu đó, người ta quá nhấn mạnh đến phát triển vật chất mà xem nhẹ giáo dục tinh thần hay đạo đức, đến nỗi khi nói đến khái niệm phát triển người ta chỉ nghĩ ngay đó là nói đến vật chất và những điều liên quan đến vật chất. Chỉ đầu tư vào phát triển kinh tế mà không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Chỉ lo chạy theo thành tích mà quên đi hậu quả của chất lượng giáo dục hay chất lượng cuộc sống. Và hậu quả là gì chúng ta đã biết rồi. Đó là bất ổn xã hội vì những hệ lụy của môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm biển… đã ảnh hưởng rất lớn đến con người và xã hội. Hay trong giáo dục, một sự xuống cấp đạo đức mà ai ai cũng thấy, vì chỉ nhắm đến lợi nhuận vật chất, dẫn đến sự gian dối tràn lan do chạy theo thành tích… Tất cả những hệ lụy đó chỉ ra một điều là: người ta chỉ lo nhắm đến phát triển từng khía cạnh mà quên đi sự phát triển quân bình giữa các chiều kích đó. Như thế, để phát triển một cách bền vững, ngoài việc phát triển toàn diện theo các chiều kích, còn phải phát triển các chiều kích đó trong sự quân bình. Trong bối cảnh môi trường sống như thế, thiết tưởng chúng ta, những người sống đời thánh hiến, cần được đào tạo và lớn lên trong thế quân bình một cách cụ thể trong các lãnh vực như: tri thức và đạo đức; tinh thần và thể chất; tương quan với Chúa và anh em…
1.Phát triển con người trong cả tri thức và đạo đức
Chúng ta đang sống trong một xã hội quá xem trọng bằng cấp, coi trọng chỉ tiêu. Và hậu quả là những năm qua chúng ta đã nghe nói nhiều về những chuyện bi hài như: bằng cấp giả, học sinh ngồi nhầm lớp… và cao hơn nữa là những bằng tiến sĩ hữu danh vô thực. Đành rằng bằng cấp là một trong những chuẩn mực như là thước đo để đánh giá trình độ học thức và chuyên môn của một người, đánh giá trình độ của một đất nước hay một xã hội. Nhưng người ta sống cho ra người không phải chỉ dựa vào bằng cấp. Cha ông chúng ta rất coi trọng việc học làm người gồm cả tri thức và đạo đức, vì thế mới có câu: ‘tiên học lễ hậu học văn’. Kinh nghiệm của cha ông ta như thế muôn đời sẽ không bị lỗi thời nếu người ta có được một quan niệm đúng đắn thế nào là một con người và phải xây dựng con người thế nào.
Đối với chúng ta, suy cho cùng một đời sống đạo đức được hướng dẫn bởi tri thức mới có thể dẫn chúng ta đến với Chúa. Trái lại trong đời sống cộng đoàn, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến tri thức thì chúng ta không những không đến được với Chúa mà cũng chẳng thể sống được với anh em. Tri thức và đạo đức phải được song hành với nhau trong một con người. Hay nói đúng hơn giá trị của một con người cần phải được đảm bảo bằng cả hai yếu tố tri thức và đạo đức. Người Nga so sánh giá trị học vấn như là vẻ đẹp của con công: bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người. Nhưng không có đạo đức thì con người và xã hội không thể an vui và hạnh phúc được. Người ta cũng thường ví: Hoa đẹp nhưng không hương thơm, hoa sẽ kém phần giá trị. Cũng vậy người dù đẹp đến đâu nhưng nếu khiếm khuyết phẩm hạnh đạo đức thì cuộc sống cũng sẽ gập ghềnh không hạnh phúc.
Như thế cả tri thức và đạo đức đều quan trọng để con người sống cho ra người, là một trong những yếu tố xây dựng một xã hội hạnh phúc và bền vững. Vậy trong khi giáo dục tri thức chúng ta phải để tâm huấn luyện đạo đức hầu cả hai giá trị được phát triển một cách quân bình.
2.Tinh thần và thể chất
Đã một thời gian rất dài do chịu ảnh hương của học thuyết Platon và cái nhìn của thánh Augustino, Kitô giáo đã đặt ưu tiên phần hồn, phần tinh thần mà quên đi giá trị và tầm quan trọng của thể chất. Thế nhưng ngạn ngữ Latinh có một câu rất nổi tiếng mà hầu như mọi người điều biết đó là: ‘một tinh thần mạnh khoẻ trong một thân thể tráng kiện’ (Mens sana in corpore sano). Điều đó muốn nói rằng, tinh thần và thể chất có một mối dây liên kết chặt chẽ với nhau. Vì quan niệm này mà trước đây chúng ta thường được nghe nói về đời tu như là việc “ép xác lấy hồn”. Có thể nói quan niệm như thế không còn hợp với thời đại chúng ta nữa, và cũng không còn được coi là khẩu hiệu sống ngay cả nơi các đan sĩ hôm nay nữa. Trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, Công đồng Vaticano II đã đề cập điều cấm kị đầu tiên chính là việc khinh miệt thân xác[9]. Sở dĩ như vậy là vì thánh Công đồng xác định rằng điều gì liên quan đến thân xác cũng liên quan đến con người một cách toàn diện[10].
Tuy nhiên, ngày nay khi mà khoa học kỹ thuật phát triển, của cải và thực phẩm được sản xuất ra nhiều, có thể nói là dư thừa, thì cuộc sống của chúng ta lại đang bị ảnh hưởng bởi nền văn minh tiêu thụ và một lối sống hưởng thụ. Người ta vẫn thường nói: ngày nay người ta chết trên bàn ăn nhiều hơn chết vì đói. Những điều đó ít nhiều cũng đã và đang ảnh hưởng trên nếp sống đan tu của chúng ta. Giá trị của khổ chế, sự hy sinh không còn được đánh giá và chú trọng tuân giữ đúng mức, nhất là nơi thế hệ trẻ. Nếu như tinh thần không thể mạnh khoẻ trong một thân xác ốm yếu, thì tinh thần cũng không thể hướng thượng và vươn lên trong một thân xác nặng nề, một thân xác chỉ “luôn hướng về những điều dưới đất”. Như thế chúng ta cần chú trọng một cách quân bình giữa thể xác và tinh thần.
3Tương quan với Chúa và với anh em
Tự bản chất, ơn gọi đan sĩ là một người xa lánh xã hội trần thế và sống một mình với Thiên Chúa trong cô tịch và thanh vắng. Lý tưởng đó đã được phản ánh rõ nét nơi lối sống của các đan sĩ ẩn tu sa mạc trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội. Tuy nhiên, trào lưu ẩn tu sa mạc chú trọng việc xây dựng tương quan chiều dọc với một mình Thiên Chúa, như thế xem ra không phải là lối sống bền vững, vì con người tự bản chất còn có một tương quan khác nữa, tương quan hàng ngang, mà con người phải hướng tới như là bản chất xã hội tính của mình. Hơn nữa, bản chất của đời tu nói chung và đời đan tu nói riêng, là theo Chúa Kitô cách triệt để, đó không phải là một Chúa Kitô trong lý tưởng, mà là một con người cụ thể, một Đức Kitô nhập thể và nhập thế, đã đến, đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27). Chúa Giêsu đã nhập thể và làm người, và con người là con Chúa. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dạy chúng ta như một lệnh truyền là: phải yêu thương nhau. Không những thế, Ngài còn cho thấy mệnh lệnh yêu thương nhau cũng quan trọng không kém mệnh lệnh mến Chúa (x. Mc 12,31). Và thánh Gioan còn thêm: không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình (x. 1Ga 4,20). Thánh Công đồng Vaticano II trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 32 khẳng định: “Khi nhập thể, Con Thiên Chúa cách nào đó đã kết hợp với mỗi người”.
Chúng ta biết động lực và mục đích tối thượng của chúng ta, với tư cách là các đan sĩ sống và chiến đấu theo luật Cha Thánh Biển Đức là “không lấy gì hơn lòng mến Chúa kitô”[11], hay nơi khác thánh Biển Đức còn kêu gọi cách mạnh mẽ hơn: “Tuyệt đối không lấy gì hơn Chúa Kitô”[12]. Thánh Biển Đức còn chỉ rõ cho chúng ta biết cách thức hay con đường để chúng ta thi hành việc “không lấy gì làm hơn Chúa Kitô”, đó là con đường của đời sống cộng tu[13]. Tất cả muốn nói rằng, con người chỉ có được tương quan thực sự với Thiên Chúa khi cùng một lúc xây dựng tương quan với anh em, với người khác. Và ngược lại, chỉ trong tương quan tốt với anh em mà chúng ta xây dựng tương quan với Thiên Chúa một cách chắc chắn và bền vững: “… Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).
Với những phân tích trên, phải chăng đó là lý do tại sao trào lưu ẩn tu đơn độc, duy một mình với Thiên Chúa nói chung, cũng như các loại lối sống đan tu khác như du tu, tự tu…mà cha thánh Biển Đức nêu ra trong phần lời mở Tu Luật của ngài đã chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn? Quả thật, lịch sử đan tu theo lối ẩn sĩ trong sa mạc cũng như các loại đan sĩ khác như tự tu hay du tu, đã chỉ được phát triển và tồn tại trong khoảng hai hay ba thế kỷ đầu của Giáo Hội. Hình thức lối sống cộng tu đã bắt đầu từ thánh Pacômiô (292-348),và được hoàn thiện trong thánh Biển Đức (480-547), như một sự thay thế đã xuất hiện ngay sau đó và được tồn tại cho đến ngày nay. Dĩ nhiên có nhiều yếu tố khác nữa để lý giải cho việc đời sống cộng tu ra đời như một sự thay thế hay kế thừa lối sống đan sĩ ẩn tu sa mạc như: yếu tố địa lý, chính trị, tôn giáo, sự biến đổi môi trường sống, sự phát triển của xã hộihay quan niệm sống đạo… Nhưng có lẽ yếu tố chính mà ít ai để ý tới, thiết tưởng, như là nguyên nhân gốc rễ của mọi nguyên nhân, đó là do lối sống của đan sĩ sa mạc đã không được xây dựng trên một nền tảng vững chắc là sự quân bình trong tương quan. Chỉ nhắm tới và xây dựng tương quan với Thiên Chúa mà quên đi chiều kích hàng ngang trong việc tìm kiếm và phụng sự Thiên Chúa ngang qua cộng đoàn và anh em như chủ trương của đời sống cộng tu. Điều mà Đức Thánh cha Biển Đức XVI quả quyết: “Con người chỉ đi vào trong tương quan với Thiên Chúa trong mức độ sống tương quan với anh em đồng loại của mình”[14]
Đặc tính chính yếu của đan sĩ cộng tu vẫn là tìm kiếm duy một mình Thiên Chúa như chủ trương của lối sống ẩn tu sa mạc hay bất cứ lối tu trì nào khác, nhưng là không đơn độc một mình trong việc tìm kiếm Thiên Chúa như đan sĩ ẩn tu sa mạc…, mà là cùng với anh em, cùng với cộng đoàn tìm kiếm và phụng thờ Thiên Chúa. Hơn nữa đan sĩ cộng tu không những cùng với cộng đoàn tìm kiếm Thiên Chúa mà còn tìm kiếm và phụng thờ Thiên Chúa nơi anh em, nơi cộng đoàn, và nơi viện phụ. Như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói: “Thiên Chúa muốn đến với con người chỉ xuyên qua con người”.[15] Tất cả những ý hướng này được xây dựng cụ thể trên ba yếu tố chính mà Cha Thánh Biển Đức đề ra trong Tu Luật: Viện phụ, Cộng đoàn và Tu luật.
4.Quân bình giữa đời sống cầu nguyện và lao động trong hoàn cảnh hiện tại: một trăm năm hình thành và phát triển qua đời sống cầu nguyện và lao động
Cũng như con người hay xã hội nói chung, muốn có được sự phát triển vững chắc và ổn định, không những cần phải được phát triển một cách toàn diện trên mọi phương diện hay mọi chiều kích của con người, của xã hội mà còn phải được phát triển một cách quân bình giữa các chiều kích đó. Cũng thế, đời đan tu của chúng ta muốn có được một sự phát triển thực sự, theo nghĩa đúng với bản chất của đời sống cộng tu, và để sự phát triển đó có tính tương lai, nghĩa là mang tính bền vững, thì chúng ta cũng không thể đi ra ngoài những điều kiện đó như là quy luật tự nhiên mà chúng ta đã đề cập ở trên là tính toàn diện và quân bình. Vì tuy lối sống của chúng ta là tách biệt thế gian, nhưng các đan sĩ chúng ta vẫn phải sống trong thế gian và phải đồng hành với thế gian như Chúa Giêsu đã nói khi cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài (x. Ga 17,14-16).
Như đã trình bày ở trên, các chiều kích cần thiết để phát triển toàn diện và quân bình, tức phát triển một cách bền vững đời đan tu chúng ta hôm nay cũng không thể đi ra ngoài những yếu tố chính yếu làm nên đặc tính cộng tu đó là: Cầu nguyện và lao động. Ở đây có thể hiểu cầu nguyện như là xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa và lao động là xây dựng chiều kích với cộng đoàn, với anh em đồng loại và với thế giới. Chỉ khi được phát triển trong thế quân bình giữa hai yếu tố chính yếu trên thì đời đan tu chúng ta, xét trên bình diện tập thể hay cộng đoàn, cũng như trên bình diện cá nhân mới được bền vững, an vui và hạnh phúc.
Chuyện kể rằng, một ông thuỷ thủ già dẫn một chàng trai trẻ xuống chèo xuồng của ông, mái chèo bên phải mang chữ cầu nguyện, mái chèo bến trái mang chữ lao động. Chàng trai chế nhạo ông già: bố già ơi lẩm cẩm chậm tiến quá đi, đã lao động thì cần gì phải cầu nguyện nữa. Ông thuỷ thủ già không nói gì cả, ông gác mái chèo cầu nguyện lên xuồng, và chỉ chèo với cái chèo lao động, ông chèo, chèo mãi, nhưng cái xuồng cứ xoay tròn chứ không chịu tiến lên phía trước. chàng trai trẻ mới nghĩ ra, phải có mái chèo cầu nguyện cùng với mái chèo lao động kết hợp mới điều khiển được chiếc xuồng.
Như vậy, đối với đời sống mỗi con người hay tổ chức xã hội nói chung, cách riêng đan tu chúng ta, xây dựng tương quan quân bình với Thiên Chúa, với nhau và với thế giới qua đời sống cầu nguyện và lao động là hai yếu tố quyết định không những để được tồn tại và phát triển mà còn mang lại sung mãn cho chúng ta. Vậy, nhân kỷ niệm Bách Chu Niên của Hội Dòng Xitô Thánh Gia, như là dịp để nhìn lại xem Hội Dòng chúng ta đã xây dựng và phát triển trong thế quân bình đó như thế nào trong 100 năm qua?
V.Những thăng trầm một trăm năm qua
Để thấy rõ hơn những thăng trầm trong chặng đường 100 năm qua của Hội Dòng, thiết tưởng chúng ta đi vào cụ thể và tự hỏi xem lịch sử Hội Dòng Xitô Thánh Gia đã phát triển như thế nào? Hay nói rõ hơn, đâu là những thuận lợi, những khó khăn, hoặc điểm mạnh, điểm yếu trong sự phát triển đời sống của Hội Dòng Xitô Thánh Gia trong suốt một trăm năm qua?
1.Mặt tích cực
Có thể nói, nhìn lại lịch sử phát triển trong một trăm năm qua, mặc dầu có những thăng trầm do nhiều yếu tố gây nên, nhất là ảnh hưởng từ vận mệnh đất nước, với những cuộc “xuất hành ngoài ý muốn”. Nhưng nhìn chung Hội Dòng Xitô Thánh Gia đã phát triển rất mạnh mẽ, nhất là xét về sự lớn mạnh theo con số cho đến hôm nay. Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài, với những cộng đoàn được thành lập khắp nơi, cũng như số lượng thành viên đông đảo của mỗi cộng đoàn hôm nay, thì chúng ta dễ dàng thấy được một sự lớn mạnh như thế nào, nhất là trong những năm gần đây. Có thể nói mặt mạnh lớn nhất của Hội Dòng Xitô Thánh Gia là sự phát triển nhanh chóng về số lượng. Điều đó phản ánh rằng, đời sống đan tu là thích hợp với tâm thức và văn hoá của người Việt nam. Không phải chỉ những năm gần đây con số đan sĩ mới tăng lên cách nhanh chóng, mà ngay từ đầu khi Cha Tổ Phụ Henri Denis Thuận thành lập Dòng năm 1918 với tên gọi “Dòng Đức Bà Việt Nam” cho đến khi ngài qua đời năm 1933, mặc dầu lúc đó nhiều thiếu thốn, cuộc sống khắc khổ nhưng các môn sinh tìm đến nhà dòng đã tăng lên dần một cách điều đặn. Dấu chỉ rõ ràng nhất cho sự tăng trưởng trong thời kỳ đầu đó là, chỉ sau một thời gian ngắn đã có thể lập thêm một nhà con mới đầu tiên là Châu Sơn Nho Quan năm 1936 (tức 18 năm kể từ ngày thành lập dòng 1918, và hai năm sau khi gia nhập vào Dòng Xitô thế giới 1934). Sau đó lập thêm Phước Lý 1950; và rồi từ nhà mẹ và các nhà con tiếp tục sinh sôi nảy nở thêm nhiều nhà con, nhà cháu bất chấp những khó khăn do thời thế của đất nước chiến tranh, trước và sau biến cố 1975. Tất cả điều đó cho thấy một điểm mạnh quan trọng đó là lối sống đan tu của chúng ta hợp với tâm thức của con người Việt Nam vốn bản chất chịu khó, kiên nhẫn và nhất là có đặc tính chiêm niệm.
2.Mặt tiêu cực
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, những mặt nổi bề ngoài qua những con số không phải là tất cả để đánh giá toàn diện cho một sự phát triển, và càng không phải không có những khó khăn, những tồn tại hay những điểm yếu luôn luôn song hành, cần phải khắc phục. Cũng như trong mọi lãnh vực khác, vẻ bề ngoài hay số lượng nhiều khi là điều kiện cần nhưng chưa đủ để đánh giá tất cả. Với đời tu cũng vậy, sự phát triển con số là đáng khích lệ, nhưng điều quan trọng phải là chất lượng, như Cha Tổ Phụ nói: “Cha cũng mong có đông anh em, nhưng có đông số thầy dòng mà chẳng ra gì, thà ít mà thật là thầy dòng thì tốt hơn”[16].
Như thế điều quan trọng lúc này là đào tạo các tập sinh nói riêng và các đan sĩ nói chung, có được đời sống trưởng thành toàn diện trong mọi tương quan cụ thể của thời đại chúng ta: với Chúa, với chính mình, với anh em và với môi trường xã hội. Có thể coi đó là mục đích của chương trình đào tạo. Dĩ nhiên đây là một vấn đề phức tạp, vì là một tiến trình đòi hỏi thời gian, công sức. Theo Đức cha Nguyễn Thái Hợp thì giới trẻ ngày nay xem ra phát triển nhanh hơn trong một số khía cạnh như thể chất, trí thông minh… so với các thế hệ trước, nhưng xét về mặt trưởng thành thì họ lại phải mất nhiều thời gian hơn để bước vào tuổi trưởng thành[17]. Ngày nay người ta thường đề cập đến tự do và trưởng thành. Với đời sống đan tu chúng ta cũng thế, mục đích sau cùng của đào tạo là để các đan sĩ trưởng thành trong ơn gọi của mình. Vậy một người trưởng thành trong ơn gọi đan tu là gì? Như chúng ta biết, trưởng thành cũng thường được hiểu khác nhau tuỳ theo chỗ đứng của mỗi người, hay tuỳ theo từng đối tượng và lãnh vực khác nhau. Với ơn gọi tu sĩ nói chung thì một người trưởng thành thường được hiểu là người có nhân bản, tri thức, tâm linh, mục vụ. Nhưng với chúng ta, những đan sĩ của Hội Dòng Xitô Thánh Gia, thì nhu cầu trưởng thành cũng có thể có những yếu tố riêng ngang qua đời sống “Cầu nguyện và lao động” như là sứ mạng riêng của mình. Vì một trong những yếu tố để đánh giá một người trưởng thành là người biết ý thức về chính mình và về vai trò, sứ vụ của mình. Là người có khả năng trả lời những câu hỏi căn bản: tôi là ai? tôi là gì?[18]. Là đan sĩ, là người có khả năng hiểu biết cũng như sống hai chiều kích chính yếu là cầu nguyện và lao động một cách tự lập trong mọi hoàn cảnh.
Cũng giống như sự bùng nổ ơn gọi nói chung tại Giáo Hội Việt Nam trong những thập kỷ qua, con số ơn gọi trẻ của Hội Dòng chúng ta cũng phát triển nhanh chóng. Nhưng một thực trạng là không phải tất cả mọi người đều có động lực hay có ý hướng ngay từ đầu, tìm kiếm và phụng sự Thiên Chúa trong ơn gọi Đan tu Xitô Thánh Gia, nhưng đôi khi chỉ là đi tìm một sự thăng tiến cá nhân nào đó (ít nhất là trong giai đoạn đầu). Thực trạng này, chính Đức Thánh cha Phanxicô khi tiếp kiến Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 05.03.2018 tại Roma cũng đã bày tỏ mối bận tâm này khi nói đến việc giáo dục động lực ơn gọi nơi các ứng sinh. Theo ngài động lực và ý ngay lành của các chủng sinh rất quan trọng, nhưng chúng ta không mong đợi tất cả các chủng sinh có động lực tốt hoàn hảo ngay từ đầu mà cần kiên nhẫn đào tạo và để Chúa thanh luyện dần trong thời gian[19]. Dĩ nhiên, Thiên Chúa có nhiều cách thức để đưa một người đến với ơn gọi nói chung, và ơn gọi đan tu nói riêng, nhưng điều đặt ra là chúng ta phải đào tạo thế nào để sau cùng người đó nhận ra được căn bản đích thực của đời đan tu là gì. Đó là tìm kiếm và phụng sự duy một mình Thiên Chúa[20], không lấy gì làm hơn tình yêu Chúa Kitô[21]. Vì một điều chắc chắn là nếu không nhận ra được lý tưởng theo Chúa Giêsu Kitô thì sẽ không thể sống đời đan tu hạnh phúc. Và việc theo Chúa Giêsu Kitô đó phải là một Đức Kitô Phục sinh thì ơn gọi mới bền đỗ cho đến cùng được. Vì nếu chỉ cảm nhận được Chúa Giêsu (một Đức Kitô tiền phục sinh thôi), thì việc theo Chúa không sớm thì muộn cũng sẽ tháo lui trước những khó khăn mà thôi, giống như hình ảnh các môn đệ trên đường Emmaus vậy. Như thế thật là cần thiết, Đan sĩ Xitô Thánh Gia chúng ta, cũng như mọi tu sĩ nam nữ khác phải được đào tạo và cảm nhận được Đức Kitô Tử nạn và Phục sinh thì đời chúng ta mới vui, mới thấy ý nghĩa, mới có sức sống và mới có khả năng vượt qua những khó khăn trong đời tu như các môn đệ sau khi nhận ra Chúa Phục sinh vậy.
Ngày nay một yếu tố khác ảnh hưởng trên con người, nhất là giới trẻ hôm nay, và dĩ nhiên nó cũng tác động trên chúng ta là những đan sĩ, đó là tinh thần hưởng thụ. Và dĩ nhiên đi theo với tinh thần hưởng thụ cá nhân đó là tính ích kỷ, thường nghĩ về mình nhiều hơn và tỏ ra hững hờ hay không quan tâm đến người khác hoặc thế giới chung quanh. Có thể nói đây là một yếu tố rất quan trọng vì nó quyết định đến sự thịnh hay suy của cộng đoàn và của Hội Dòng Thánh Gia. Quả vậy, nỗi khó khăn sống khổ chế hy sinh của con người sống trong xã hội ngày nay là mối bận tâm mà một giám mục của đoàn Giám Mục Việt Nam trong cuộc yết kiến Đức Thánh cha Phanxico ngày 05.03.2018 đã nêu lên với ngài và xin ngài sự hướng dẫn các tu sĩ sống ơn gọi và sứ mạng của mình. Theo Đức Thánh cha thì khổ chế có nhiều hình thức tuỳ theo các nền văn hoá khác nhau, nhưng gốc rễ của nó là biết từ bỏ chính mình trong cuộc sống hàng ngày, trong những việc nhỏ nhặt nhất… Trong đời sống cộng đoàn, ta cần tập từ bỏ ý riêng và tìm thi hành ý Chúa[22].
Đi liền với tinh thần hưởng thụ ở trên là chủ nghĩa cá nhân ngày nay. Chủ nghĩa cá nhân phát xuất từ văn hoá và chủ trương của chủ nghĩa tự do,cũng là một vấn nạn lớn cho thực trạng đời sống cộng đoàn đan tu truyền thống cũng như công việc đào tạo hôm nay. Có thể nói chủ nghĩa cá nhân như là một thứ virus hủy diệt đời tu, nhất là đời sống cộng tu như Hội Dòng Xitô Thánh Gia chúng ta. Xu thế ngày nay là người ta đề cao sự tự do và tính cá nhân, và dĩ nhiên đó cũng là điều tốt xét theo những phương diện nào đó. Nhưng điều quan trọng là phải dung hoà được tính cách tự do cá nhân và chiều kích tập thể cộng đoàn, vì nét căn bản của đời đan tu chúng ta là tìm Chúa trong cộng đoàn và qua cộng đoàn. Và một trong những khí cụ căn bản nhất để tìm Chúa qua cộng đoàn đó là đức vâng phục, không chỉ vâng phục viện phụ hay bề trên là những người đại diện Chúa mà thôi mà còn vâng phục nhau nữa[23].
3.Những điểm then chốt cần phát huy
Mặc dầu là một Hội Dòng có thể nói là trẻ nhất trong các Hội Dòng Xitô trên toàn thế giới, nhưng Hội Dòng Thánh Gia lại là hội dòng đông nhất và năng động nhất hiện nay. Thế nhưng nhìn lại lịch sử 100 năm, phải nói rằng con đường của Hội Dòng đi không phải luôn luôn là con đường thẳng với những hàng cây hoa lá tươi mát hai bên, nhưng đã trải qua không ít những thăng trầm với những quãng đường quanh co khúc khuỷu có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua.Quả vậy, đọc lại lịch sử từ đầu cho đến nay, ai cũng nhận thấy một điều là, Hội Dòng Xitô Thánh Gia đã sinh ra trong thiếu thốn, và đã lớn lên trong những hoàn cảnh khó khăn. Vậy bởi đâu Hội Dòng có được những thành quả to lớn như chúng ta thấy hôm nay? Và chúng ta phải gìn giữ hay phát huy nó như thế nào?
Phải nói rằng, để Hội Dòng tồn tại và phát triển được như hôm nay là do rất nhiều yếu tố, khách quan cũng như chủ quan, thiết tưởng không thể kể ra đây hết được. Chỉ nêu lên một vài yếu tố mà cá nhân thiết nghĩ là căn bản và chính yếu mà qua đó Hội Dòng Xitô Thánh Gia phát triển cho đến ngày này, và do đó chúng ta cần phải duy trì và phát huy những tinh thần đó. Những yếu tố đó là: tinh thần thích nghi hay nhập cuộc, tức sống theo tinh thần địa phương như là phương thế; và tinh thần truyền giáo như là động lực và mục đích của Hội Dòng.
a.Tinh thần thích nghi hay nhập cuộc- sống theo tinh thần địa phương
Một trong những nét riêng của đời sống đan tu Thánh Gia trong suốt 100 năm qua như là yếu tố quan trọng giúp Hội Dòng tồn tại và phát triển, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, đó là lối sống tinh thần địa phương. Nhờ thấm nhuần và biết sống tinh thần và lời khuyên của Cha Tổ Phụ là thích nghi và sống theo hoàn cảnh địa phương, mà sau này đã được ghi lại trong Hiến Pháp số 135 triệt 1 là: “Sống theo lối bình dân”. Có thể nói, Hội Dòng Thánh Gia, đã khởi đi từ con số không, Cha Tổ Phụ Henri Denis tiến vào núi Phước Sơn xa xôi hẻo lánh, với chỉ một đôi gánh hành lý trên vai. Và rồi từ đó đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm với những cuộc xuất hành hay di cư khắp đó đây… Thế nhưng ngày nay Hội Dòng đã trở thành một cây đại thụ. Có nhiều yếu tố, cả chủ quan và khách quan, đã đem lại sự tồn tại và phát triển phồn thịnh như thế, nhưng theo thiển ý thì một trong những yếu tố quan trọng đó là tinh thần thích nghi, sống theo hoàn cảnh địa phương của Cha Tổ Phụ, như là phương thế căn bản cho sự phát triển. Chính trong yếu tố này mà các cộng đoàn, cụ thể là các đan sĩ đã có thể sống và tồn tại trong mọi hoàn cảnh, mọi biến cố và mọi nơi, ngay cả những nơi những lúc khó khăn nhất. Chúng ta biết, tinh thần sống theo hoàn cảnh địa phương như vậy đã không phải tự dưng mà có, nhưng đã phát xuất trong ý định ban đầu của Cha Tổ Phụ, ngài có ý lập nên dòng này là cho người bản địa An Nam, những người nhà quê nghèo khổ[24]. Sau này ngài viết rõ hơn trong thư gửi Tổng Phụ Xitô để bàn về việc sát nhập vào dòng Xitô vào năm 1932: “Cha rất đáng kính, con mau chóng gửi cho cha lá thư mới thỉnh nguyện xin gia nhập, được Đức cha Giáo phận Tông Toà Huế ký nhận… Nhưng, kính thưa cha, con cũng phải thú nhận với cha rằng, trong khi chúng con gia nhập, thì đó là Hội Dòng hoàn toàn Annam mà chúng con gia nhập vào Dòng”[25]. Cụ thể ngài đã dùng bản hiến pháp của Dòng Xitô Nhặt Phép nhưng đã sửa đổi một số điều khoản để có thể thích ứng với địa phương và thời đại hơn[26]. Nghĩa là từ chối chấp nhận phải từ bỏ đặc tính địa phương này để được gia nhập vào hệ thống nhà Dòng Trappist (Xitô Nhặt Phép). Đó là lý do tại sao sau khi ngài đã qua đời, những thế hệ thứ hai, tức cha bề trên Bernard Mendiboure và Hội Đồng Đan Sĩ đã viết thư cho cha Tổng Phụ vào năm 1934, nhắc lại việc xin gia nhập Dòng, đã viết như sau:
“Chúng con rất vinh dự được gia nhập vào gia đình Xitô, nhưng nếu để là thành viên mà chúng con đánh mất bản sắc riêng của mình, thì chúng con từ chối vinh dự này… Nhắc lại một câu nói lịch sử “Sint ut sunt aut non sint” (trở nên điều đang là, hoặc là không), của Cha Tổ Phụ đáng kính của chúng con trước khi qua đời; chúng con coi đó như là gia bảo thiêng liêng; chúng con tiếp tục sống cùng trên một đường hướng với lý tưởng như trong quá khứ. Nếu chúng con phải thay hình đổi dạng về điểm này để trở nên Xitô, chúng con thấy cần từ chối. chúng con đã sinh ra như vậy và chúng con tiếp tục tồn tại như chúng con là…”[27].
Như thế sự trưởng thành đối với chúng ta hôm nay đó là chấp nhận thực tại và hoàn cảnh địa phương mà cộng đoàn mình đang sống. Là người có khả năng thích nghi và hội nhập hay nhập cuộc vào cộng đoàn cũng như hoàn cảnh địa phương mình sống. Có thể nói đây không chỉ là điều kiện riêng để Hội Dòng chúng ta tồn tại và phát triển trong suốt 100 năm qua với những hoàn cảnh địa phương khác nhau, mà đó cũng là điều kiện chung cho mọi phát triển của Giáo Hội. Vì hai từ hội nhập – hay hội nhập văn hoá là một yếu tố quan trọng, rất thường được nhắc đến trong Giáo Hội ngày nay như là điều kiện hay phương thế để Giáo Hội có thể đi vào và sống cùng với các dân tộc và các nền văn hoá khác nhau. Như thế, để Hội Dòng chúng ta không ngừng phát triển thì điểm cốt yếu mà chúng ta, những thế hệ hôm nay, cần phát huy, đó là tinh thần hội nhập – dấn thân và nhập cuộc vào hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn và địa phương mình đang sống. Noi gương các bậc tiền bối của chúng ta, nhất là tinh thần thích nghi và hội nhập của Cha Tổ Phụ, với tên gọi Việt Nam là Thuận mà có người cắt nghĩa là thuận theo ý Chúa. Nhưng không phải chỉ là ý Chúa siêu hình viễn vông mà là ý Chúa trong mỗi hoàn cảnh sống cụ thể.
b.Tinh thần truyền giáo
Nếu như yếu tố thích nghi, nhập cuộc – sống tinh thần địa phương như là phương thế để Hội Dòng Xitô Thánh Gia vượt qua những khó khăn và phát triển, thì yếu tố truyền giáo không chỉ là mục tiêu định hướng cho mọi hoạt động sống mà là ngọn lửa thúc đẩy Hội Dòng vượt qua mọi khó khăn và không ngừng vươn lên.
Ai cũng biết Hội Dòng Xitô Thánh Gia là hội dòng chuyên về đời sống chiêm niệm cầu nguyện. Thế nhưng ngay từ đầu khi thành lập nhà dòng, Cha Tổ Phụ chúng ta đã đề ra một tôn chỉ hay mục đích rõ ràng là để cầu nguyện cho việc truyền giáo. Chúng ta biết ngài là một vị truyền giáo, thuộc Hội Truyền Giáo Paris, ngài mơ ước và say mê công việc truyền giáo hơn bất kỳ sứ vụ nào khác. Khi đang là giáo sư dạy học ở Tiểu chủng viện An Ninh – Huế, ngài đã xin Đức cha cho được đi ra ngoài làm việc tông đồ[28]. Và sau này, cũng vì để truyền giáo mà ngài đã cố gắng lập nên đời sống đan tu chiêm niệm này. Tâm tình đó đã được diễn tả như sau: “Tin Mừng đã được rao giảng trên đất nước Việt Nam từ hơn ba trăm năm rồi, thế mà đời sống đan tu dành cho nam giới vẫn chưa được khai sinh trên miền đất truyền giáo này. Không riêng gì ở Việt Nam, mà trong toàn cõi Đông Dương, chưa có một đan viện nào được thành lập để nam giới ở những nơi này có thể thụ hưởng bầu không khí thuận lợi cho việc chiêm niệm. Tất cả các giáo phận truyền giáo điều nhận thấy sự thiếu vắng này”[29].
Sự khao khát để có được dòng chiêm niệm hiện diện và cầu nguyện cho việc truyền giáo được các vị thừa sai thổ lộ như sau: “Mặc dù các vị Đại diện Tông toà đã nhiều lần gửi đơn thỉnh nguyện, nhưng các Ngài vẫn không thể mời được các Dòng chiêm niệm đến lập Dòng trong các giáo phận truyền giáo của các Ngài”[30]. Chính Đức Giáo hoàng Piô XI trong Tông hiến Umbratilem ngày 8 tháng bảy 1924 cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện và ăn năn đền tội trong việc loan báo Tin Mừng rằng: “Những ai ân cần chuyên lo cầu nguyện và ăn năn đền tội sẽ góp phần vào việc phát triển Giáo Hội và cứu rỗi nhân loại, hơn cả những người đang hoạt động trên cánh đồng của Chúa; quả thực, những người thợ rao giảng Tin Mừng không thể kéo ơn Chúa tuôn đổ dồi dào để tưới cánh đồng của Chúa; từ những nỗ lực của họ, họ cũng thu được những thành quả ít phong phú hơn”[31]. Có thể nói yếu tố chính yếu khiến Cha Tổ Phụ cũng như các bậc tiền bối chúng ta không lùi bước trước những khó khăn của hoàn cảnh thời thế đó là tình thần truyền giáo. Chính vì mục đích rõ ràng là để truyền giáo, và chính vì để cứu rỗi các linh hồn mà Cha Tổ Phụ cũng như các bậc tiền bối chúng ta và cả chúng ta hôm nay nữa luôn có động lực để sống đời sống cầu nguyện, dám dấn thân sống hy sinh trong chay tịnh và khổ cực… Do đó, là những môn sinh, chúng ta cần phải luôn luôn nhớ mục đích của ơn gọi chúng ta, mục đích ban đầu như là lý do chính yếu mà Cha lập nên Hội Dòng Xitô Thánh Gia. Chỉ như thế chúng ta mới sống đúng với mục đích của mình, và nhờ đó sẽ có được động lực để dấn thân mỗi ngày trong ơn gọi đan tu. Đây cũng là điểm mà Thánh Công đồng Vaticano II trong Sắc lệnh “Canh Tân Thích Nghi Dòng Tu” nhấn mạnh. Theo Thánh Công đồng, việc canh tân và thích nghi của đời sống dòng tu không chỉ là trở về nguồn mạch của đời sống Kitô hữu và ơn linh ứng nguyên thuỷ của hội dòng mà thôi, mà nhất là sự thích nghi hội dòng với những hoàn cảnh đổi thay qua các thời đại (x. số 2).
Kết Luận
Cũng như bất cứ ai trồng cây thì cũng mong muốn với tất cả niềm tin và hy vọng rằng cây do mình trồng nên, một ngày nào đó, sẽ không những sống được mà nhất là sẽ lớn lên và đơm hoa kết trái. Cũng vậy, có thể nói ước mong lớn nhất của Cha Tổ Phụ Henri Denis khi lập dòng là làm sao cho dòng Đức Bà Việt Nam mà sau này là Hội Dòng Xitô Thánh Gia không ngừng sinh sôi nảy nở, đâm bông kết trái với những cành lá xum xuê, trở thành bóng mát cho không những người bản xứ Việt Nam mà thôi mà cho cả vùng Đông Dương: “Kỳ vọng các đan viện sẽ mang đến cho các tín hữu Kitô và các giáo phận truyền giáo được căn cứ trên ba điểm: sự toàn thiện; sự ổn định và sự toả sáng”[32]. Đó cũng chính là tâm tình và ước vọng của Đức cha Lý (Eugène Joseph Allys), Giám mục Huế, như là người bảo trợ cho Cha Biển Đức Thuận thiết lập dòng này, mà chúng ta gặp thấy trong thư ngài gởi Tòa Thánh ngày 15.04.1918 như sau: “Tôi biết rằng lập một Dòng như thế rất hữu ích, không những cho giáo phận tôi mà cả cho toàn miền Đông Dương nữa….Nếu được Ngài (Van Rossum, Hồng y Tổng trưởng Bộ Truyền giáo) chấp nhận và chúc lành cho công việc này, mai sau nó sẽ sai hoa kết quả và mưu ích cho biết bao linh hồn”[33]. Có thể nói, ước muốn của Cha Tổ Phụ và của Đức Giám mục Allys Lý như là những người trồng cây Hội Dòng Xitô Thánh Gia như thế nay đã thành hiện thực. Quả vậy, trải qua 100 năm thành lập và phát triển, hôm nay nhìn vào số đông đảo các đan sinh nam nữ, cùng với số lượng cộng đoàn tăng lên khắp nơi, có thể nói cây đan tu Hội Dòng Xitô Thánh Gia đã thành một cây đại thụ với những nhánh dài vươn xa khắp nơi, trở thành bóng mát cho không chỉ những con người An Nam sống trên dải đất hình chữ S hay một vài nơi ở Đông Dương mà thôi, mà còn xa hơn nữa tại cả những châu lục Âu – Mỹ nữa.
Lịch sử 100 năm qua của Hội Dòng là lịch sử của những thăng trầm. Vậy điều gì đã mang lại thành quả hôm nay như thế? Câu trả lời chỉ có thể là Hội Dòng Xitô Thánh Gia đã được xây dựng và phát triển một cách toàn diện và quân bình, vì đó là điều kiện hay quy luật chung cho tất cả mọi vấn đề hay mọi tổ chức muốn tồn tại và phát triển bền vững. Như thế, mặc dầu phải trải qua những khó khăn nhưng Hội Dòng đã cố gắng phát triển một cách toàn diện và quân bình trong sự hài hoà giữa các chiều kích của con người, cũng như của ơn gọi đan tu trong các mối tương quan siêu nhiên cũng như tự nhiên như là nền tảng vững chắc. Nhất là luôn giữ được ngọn lửa nhiệt thành truyền giáo và khả năng thích nghi với hoàn cảnh cụ thể nhưng vẫn kiên định với đường lối khổ tu mà Cha Tổ Phụ đã vạch ra. Đó là cách thế và động lực cho sự phát triển và phát triển không ngừng của Hội Dòng vậy.
Người ta thường nói, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Cha Tổ Phụ và các bậc tiền bối đã có công sáng lập, xây dựng và phát triển Hội Dòng, chúng ta có bổn phận phải gìn giữ qua việc tiếp tục làm cho Hội Dòng được phát triển ngày càng vững vàng, sung mãn và đơm hoa kết trái. Để được như vậy, chúng ta cần phải xây dựng và phát triển nếp sống toàn diện và quân bình giữa các chiều kích: với Chúa, với chính mình, với tha nhân và môi trường xã hội. Nhất là luôn giữ được ngọn lửa nhiệt thành trong việc truyền giáo như là sứ vụ và là mục đích chính của đời sống, và khả năng thích nghi với hoàn cảnh cụ thể như là điều kiện để cộng đoàn dễ dàng phát triển trong hoàn cảnh hiện tại của xã hội thế kỷ XXI này.
[1] x. Đại từ điển Tiếng Việt, 1998.
[2] GS số 9.
[3] x. GS số 64-65.
[4] GS số 63.
[5] x. GS số 24.
[6] GS số 23.
[7] Sđd., số 23.
[8] x. Evangelium Vitae, 1.
[9] x. Sđd số 14.
[10] x.Sđd số 27.
[11] TL 4.
[12] TL 72.
[13] x. TL 1.
[14] Đức Thánh cha Biển Đức XVI , Đức tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay, p. 93-94.
[15] Sđd p. 94
[16] DN số 143.
[17] x. Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, Nxb. Đức Tin và văn Hóa, p. 179.
[18] x. Sđd., p. 182.
[19] x. Báo CGDT số 2146, p. 15.
[20] x. TL. LM.
[21] x. TL 4.
[22] x. Sđd., p. 16.
[23] x. TL. 71.
[24] x. Tiểu sử Cha Biển Đức Thuận, Phần I: Trực diện với Thiên Chúa, p. 278.
[25] Viện phụ Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, Cha Biển Đức Thuận đồng hành với cộng đoàn trong nền văn hoá Việt Nam, p. 3.
[26] x. Tiểu sử Cha Biển Đức Thuận, Phần I: Trực diện với Thiên Chúa, p. 243.
[27] Viện phụ Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, Cha Biển Đức Thuận đồng hành với cộng đoàn trong nền văn hoá Việt Nam, p. 3-4.
[28] x. Tiểu sử Cha Biển Đức Thuận, Phần I: Trực diện với Thiên Chúa, p. 126-127.
[29] Sđd, p. 259.
[30] Sđd, p. 259.
[31] Sđd, p. 264.
[32] Sđd., p. 267.
[33] Trích thư Đức cha Eugène Joseph Allys Lý, Giám mục Tông Tòa Huế gửi Tòa Thánh ngày 15.04.1918.
DU PERE DENIS THUAN[1]
Cha Jean Baptiste ETCHARREN (Hoàng Trung, MEP.)
D’une vie missionnaire active comme prêtre des Missions Etrangères de Paris, à une vie monastique comme fondateur du premier monastère cistercien au Viet Nam. Vie missionnaire et vie contemplative. Rupture, continuité, fidélité.
Le Père Denis Thuan avait un rêve mais ce n’était pas un rêveur. Il n’a pas attendu de devenir le Père Benoît Thuan pour donner le meilleur de lui-même. C’était plutôt un homme pratique qui à chaque étape de sa vie a mis à profit tous les moyens dont il disposait. Dès ses études primaires, il s’applique. Si les débuts sont parfois difficiles, il ne cesse de progresser. Il avance pas à pas vers un but qui n’est pas encore bien défini, mais il forge les outils qui lui permettront de faire des choix décisifs et de vivre à fond ses engagements. Homme pratique, il va s’avérer aussi homme d’un idéal exigeant, animé et éclairé par une foi chrétienne profondément enracinée dans sa toute première enfance.
Le temps des semailles
D’après la recherche du Père Jean de la Croix pour sa thèse, quelques souvenirs d’enfance sont évoqués dans le livre de Dom Emmanuel-Trieu Chu Kim Tuyen, Hanh tich cha Benoît Thuan, To Phu Chi Dong Thanh Gia Viet Nam. « Encore tout jeune, Henri Denis accompagne parfois son père pour la distribution du pain aux villageois. Profitant de ces occasions, son père apprenait à Henri Denis à s’agenouiller devant une croix pour prier. Et chaque matin, avant de partir travailler, Henri Denis et ses parents priaient devant l’autel familial. »
Peut-on rêver meilleure école pour un futur missionnaire? Avant de s’activer à des œuvres pastorales et d’évangélisation, la prière sera indispensable au missionnaire. La prière l’aidera à prendre conscience qu’il agit au nom du Christ et avec le Christ. Il évitera ainsi un activisme illusoire où la recherche d’une réussite personnelle risque de prendre le dessus sur sa véritable mission. De même, tout acte de charité sera davantage animé des propres sentiments du Christ envers les pauvres. La prière sera pour lui un moment de vérité sous le regard de Dieu. La prière, Henri l’a apprise aussi de sa mère. C’est encore l’un des souvenirs d’enfance noté par Dom Emmanuel-Trieu « Je suis très heureux du fait que depuis mon enfance, ma mère m’enseigne à prier et à aimer la prière. »
A l’âge de huit ans Henri Denis connait sa première grande épreuve. Il perd sa mère suite à une grave maladie. Son père va se remarier deux ans après. Le ton et le contenu des lettres que le Père Denis Thuan écrira plus tard à son père et à sa belle-mère, nous laissent à penser que, pour le jeune Henri, la vie en famille a continué d’être un foyer d’amour, d’échanges mutuels et d’ouverture à l’autre. On ne peut que regretter la perte de ces lettres. Mais avant leur perte, Dom Emmanuel-Trieu en avait traduit quelques-unes en vietnamien. Elles sont aujourd’hui consignées dans ce trésor que représente le DI NGON. Ces lettres sont empreintes d’une fraîcheur presque enfantine. Elles nous ramènent à nouveau vers les années d’enfance qui furent semble-t-il très heureuses malgré le décès précoce de sa mère.
Dans ces lettres, le Père Henri raconte ce qu’il fait, il y partage ses joies et ses peines, il dit l’amour qu’il a pour le Viet Nam, il demande à ses parents de prier pour ce pays qu’il aime. Il recommande aussi à la prière de ses parents des personnes en difficulté. Il n’hésite pas à leur partager ses désirs, ses préférences, son projet, le grand projet de sa vie, la fondation d’un monastère.
J’ai voulu m’attarder sur ces années de vie familiale pace que j’y vois une source profonde d’énergie où le Père Denis puisera tout au long des étapes qui vont le conduire de la vie missionnaire active à la vie contemplative en communauté. Ses lettres en témoignent. Après la mort de son père, il continuera à écrire à sa belle-mère avec tout autant d’affection et de confiance. Il est clair qu’il a voulu associer ses parents à sa mission. Qu’en est-il à ce sujet pour chacun de nous, missionnaire ou moine ? Avons-nous su associer à notre vocation parents, amis, connaissances et partager avec eux le sens de notre vocation ? Peut-on contempler la beauté de Dieu en oubliant les merveilles que Dieu nous a offertes dès notre venue en ce monde ?
Le temps des choix décisifs
Les étapes suivantes seront importantes et décisives. Pour ne pas trop traîner hors du sujet annoncé, j’en viens à la décision d’Henri Denis d’entrer aux Missions Etrangères de Paris. Décision bien mûrie, après un temps de réflexion et de prière, en accord avec son directeur spirituel. De sa demande d’admission adressée au supérieur des Missions Etrangères, je retiens les phrases suivantes: « C’est vers la fin de ma classe de sixième que je ressentis pour la première fois le désir de consacrer ma vie au salut des infidèles et spécialement des pauvres chinois ». Ce vocabulaire peut nous faire sourire mais il n’en indique pas moins le sérieux de son désir. Comme pour l’authentifier, il ajoute: « Mêlé d’abord à un goût assez prononcé pour les voyages et pour les aventures, ce désir est allé se précisant et se fortifiant de plus en plus, au point qu’en classe de rhétorique mon directeur pouvait me dire que ma vocation paraissait absolument certaine »[2]. L’évolution de sa vocation missionnaire exprimée en ces termes nous projette déjà vers le temps de progression et de purification que connaîtra sa vocation monastique.
Le sens des vocations particulières
J’aime citer encore un passage de la lettre adressée par le directeur du Grand Séminaire d’Arras au directeur des Missions Etrangères de Paris: « Ce sont d’excellents renseignements, sans aucune réserve, que je puis vous donner sur ce jeune homme. Son départ sera une perte pour le diocèse qui pouvait fonder sur lui de bonnes espérances. A un autre point de vue pourtant, ce sera un gain: il est bon que nous ayons quelques vocations extraordinaires. Elles maintiennent à un degré plus élevé le niveau des vocations ordinaires ». Il ne s’agit pas ici de considérer une vocation supérieure à une autre mais de reconnaître qu’une vocation particulière peut porter un nouvel éclairage sur d’autres types de vocation. Dans sa Lettre Encyclique, La Mission du Rédempteur, Jean Paul II l’exprime dans les termes suivants: « La vocation spéciale ad vitam des missionnaires conserve toute sa valeur: elle est le paradigme de l’engagement missionnaire de l’Eglise, qui a toujours besoin que certains se donnent plus radicalement et totalement, qui a toujours besoin d’élans nouveaux et audacieux»[3]. Cette affirmation peut également nous aider à mieux comprendre la signification de la vocation monastique du Père Benoît. Dans l’Eglise, la vie monastique est aussi un signe audacieux du Royaume de Dieu déjà présent en ce monde. Née au sein d’une jeune Eglise où le message du Christ appelle tout baptisé à contempler la sainteté, la bonté infinie de Dieu, la vie monastique va manifester de manière particulière cette vocation universelle de tout chrétien.
Séminaire des Missions Etrangères
Le jeune Henri Denis est bien disposé pour accueillir un tel appel qui va grandir et se purifier à l’épreuve du temps et de l’obéissance. L’apprentissage lointain commence par un temps de formation au Séminaire des Missions Etrangères de Paris. Le séminaire est alors dirigé par le Père Prosper Delpech, une grande figure missionnaire qui fut d’abord professeur au Collège Général de Penang. La formation théologique va de pair avec la transmission d’une tradition et d’un esprit. Si les persécutions en Asie connaissent alors une accalmie, les récits qui en sont faits, les reliques, les objets que les martyrs ont touchés et que l’on peut voir à la salle des martyrs, le culte de ces grands témoins de la foi attise la générosité des jeunes séminaristes qui ont hâte de partir à leur tour. La transmission consiste encore à renouveler et à actualiser les exigences de la mission déjà formulées par les premiers vicaires apostoliques mandatés par Rome pour l’Asie en 1659, Pièrre Lambert de la Motte et François Pallu qui furent aussi les fondateurs des Missions Etrangères de Paris. Elles ont été consignées dans un ouvrage intitulé : Monita ad Missionarios, Instructions aux Missionnaires de la Congrégation de la Propagande. Parmi les premières consignes données aux jeunes missionnaires on trouve la priorité à donner à la pénitence et à la prière avant d’entreprendre toute action apostolique. Viennent ensuite la nécessité de bien connaître le pays et l’histoire de l’évangélisation dans ce pays, l’indispensable apprentissage de la langue, la connaissance des us et coutumes et des traditions religieuses des peuples vers lesquels on est envoyé. On y trouve encore des mises en garde contre la présomption, l’orgueil, la confiance excessive accordée aux moyens humains, les soins exagérés du corps, le crédit trop facile acquis par des artifices, etc.
Tout cela, Henri Denis l’a bien intégré dans son esprit et dans sa vie spirituelle. De cette tradition et des instructions reçues, il s’en inspirera aussi au moment de préciser son projet de vie monastique. Pour le moment, il n’en rêve pas encore, la réalité du départ et des séparations suffit à l’occuper.
Arrivée au pays d’accueil – Le Père Denis Thuân
C’est plein de bonnes résolutions qu’il arrive au vicariat apostolique de Hué le 31 mai 1903. Henri Denis reçoit un nouveau nom que son évêque lui a attribué. Il devient le Père Denis Thuan. Thuan peut exprimer le consensus, l’acquiescement, l’obéissance. Il peut exprimer aussi un événement favorable. Thuận gió = vent favorable. Le Père Denis Thuan aura l’occasion d’expérimenter tous les sens de son nom. Après l’apprentissage de la langue, son rêve est d’annoncer partout le salut promis à tous les hommes et apporté au monde par Jésus-Christ. Il est saisi de l’amour que Dieu le Père porte à tous et que le Christ est venu révéler. Il est aussi animé d’un grand amour pour le Viet-Nam et pour le peuple vietnamien. Dans sa lettre à ses parents, il écrit: « J’aime les Vietnamiens chaque jour davantage. L’idée ne me vient pas que je pourrais quitter le Viet Nam et retourner en France ». C’est dans cette même lettre qu’il vante la qualité de l’imperméable vietnamien de palme qui seul est capable de bien protéger de la pluie: « chỉ có áo tơi vietnam là không ướt »[4].
Dans une autre lettre[5], c’est le jour du premier de l’an vietnamien qu’il souhaite la bonne année à ses parents en leur disant que dorénavant il fête le Têt vietnamien de préférence au premier de l’an européen. Cet amour du pays d’accueil et l’adaptation à la culture du pays sont des dispositions fondamentales pour le missionnaire venu d’ailleurs. Dans son Encyclique Redemptoris Missio, le Pape Jean-Paul II le rappelle encore: « Les missionnaires originaires d’autres Eglises et d’autres pays doivent s’insérer dans le monde socio-culturel de ceux vers lesquels ils ont envoyés. C’est ainsi qu’ils doivent apprendre la langue de la région où ils travaillent, connaître les expressions les plus significatives de la culture des habitants, en en découvrant les valeurs par l’expérience directe »[6]. Le Père Denis Thuan va être extrêmement sensible et réceptif à cette connaissance directe de la vie des gens. Cette relation presque charnelle avec le monde qui l’entoure va compter beaucoup lors des choix qu’il aura à faire au moment de la fondation du monastère. En attendant, il obéit à son évêque tout en ne cachant pas ses préférences.
Tension entre désir et réalité
Il accepte avec joie les ministères qui lui sont confiés. Son premier ministère consistera à enseigner au petit séminaire. Il aurait préféré aller prêcher aux païens, faire connaître le Royaume de Dieu et ouvrir les cœurs à l’espérance du salut. Dans une lettre à ses parents, il exprime son espoir que le nouvel évêque le sortira du séminaire: « A l’arrivée du nouvel évêque, il y aura des changements, j’espère que je pourrai sortir d’ici et aller ouvrir les portes du Royaume à tous. Le Père supérieur (Cố Chính) sait bien que je désire aller évangéliser. Il m’a demandé si je redoutais d’avoir à rester au séminaire. Je lui ai répondu que j’étais heureux au séminaire, mais que si on m’envoyait prêcher l’Evangile à l’extérieur, je serais tout à fait d’accord »[7].
Entre le désir ouvertement exprimé et le devoir quotidien vécu avec toute son énergie, s’insère une tension. Dans une lettre suivante, il l’exprime très fort: « Très chers Parents, quel malheur que Noël cette année encore ne soit pas encore le Noël des païens (ngoại giáo). Il y a déjà deux mille ans que Dieu s’est fait homme, mais combien ne le connaissent pas encore ! Quand j’y pense, ma salle de professeur devient un enfer pour moi. J’ai envie de crier de toutes mes forces pour parler de Dieu à tous ceux qui ne le connaissent pas »[8].
Travaux Apostoliques et naissance d’un rêve
Cette tension ne sera pas vaine et stérile. Elle alimentera d’abord son zèle apostolique au cours des années à venir, quand il sera envoyé dans le district missionnaire de Nước Mặn. Elle contribuera plus tard à faire germer un autre rêve, un autre projet d’évangélisation plus audacieux, une autre forme de prédication dont l’objectif sera de mieux exprimer encore la fin ultime de l’évangélisation, la vie contemplative. Jaillira alors le projet de la vie monastique, un projet qui sera à son tour source de nouvelles tensions.
Son rêve ne le détourne pas des réalités présentes. A Nước Mặn, il se donne à fond au soin des chrétiens et à l’évangélisation des païens. Dans une lettre à ses parents, il rend compte de son travail: « Je suis en train d’enseigner 62 personnes en vue du baptême et de préparer un groupe d’enfants à la première communion. » Le travail qui lui prend le plus de temps, c’est la préparation des adultes au baptême. Certains sont âgés et le niveau d’instruction de l’ensemble n’est pas très élevé. Il lui arrive d’enseigner jusqu’à 10 heures d’affilée. Fatigué, voici comment dans la même lettre il s’en ouvre à ses parents: « Quand je me sens fatigué et que j’ai envie de me reposer je me dis: « Allons Henri Denis, si tu n’étais pas devenu prêtre, tu aurais été boulanger, il faut donc que tu travailles avec ardeur, comment peux-tu penser à te reposer! Vive les curés, vive les boulangers! »[9]. Cette référence au travail de son père en dit long sur l’empreinte que celui-ci a gravée dans la mémoire et dans le cœur du fils.
Quand il apprendra la mort de son père en 1918, il exprimera encore plus explicitement toute la place que son père a tenue dans sa vocation missionnaire et monastique: « Quand je médite et que je prie, je pense toujours à mon père. Son portrait placé sur mon bureau m’incite à avancer sur la voie de la vertu plus que l’image de n’importe quel autre saint. Je demande à Dieu la grâce de devenir doux, humble et miséricordieux comme mon père »[10].
D’étape en étape, le père Benoit témoigne d’un engagement toujours plus radical au service de l’Evangile du Christ. Il va d’un village à l’autre visiter les chrétiens dispersés. Ces villages sont éloignés du centre, il ne compte pas son temps et sa fatigue. Il a plus de pitié pour son cheval que pour lui-même: « Pauvre cheval, il arrivera bien un jour où mon cheval et moi nous nous écroulerons tous les deux ! »[11] Il vient au secours des malades et des pauvres au point de donner tout ce qu’il a et même ce qu’il n’a pas. Lors d’une épidémie de choléra il soigne les malades et s’occupe aussi des morts. « Les gens ont tellement peur qu’ils n’osent pas mettre les morts dans les cercueils ; je dois le faire moi-même et ensuite fermer les cercueils et louer des gens pour qu’ils les enterrent »[12]. Il s’endette de plus en plus et craint de mourir criblé de dettes si l’évêque ne l’enlève pas de là.
Retour au Petit Séminaire d’An Ninh
Ce changement viendra. Cinq ans après son arrivée à Nuoc Man il sera de nouveau affecté au séminaire. Mais ce n’est pas sans peine qu’il quitte ce district où il a baptisé plus de 400 néophytes. Il avoue avoir pleuré toutes les larmes de son corps. Ce temps de vie au plus près des gens, partageant leurs joies et leurs peines, le travail de formation des catéchumènes, le service de la charité auprès des plus pauvres, représentent une étape importante de sa vie missionnaire. C’est dans ce lien quasi charnel avec une terre et avec un peuple que le missionnaire continue de se former et de grandir. C’est là aussi qu’a germé chez le Père Benoît le désir d’une vie monastique. Alors qu’il est en pleine activité et heureux au milieu d’un peuple qu’il aime, c’est alors que lui vient l’appel d’une vie tout autre, une vie calme, silencieuse, stable, en communauté.
Ce désir de vie monastique, il va le porter en lui quelque temps encore avant de pouvoir le réaliser. Mais ce temps d’attente ne sera pas inutile. Tendu vers le but qu’il se fixe désormais, il continue d’assumer avec joie la mission qui lui est confiée actuellement au séminaire. Il est pleinement motivé pour ce ministère. Il n’a pas oublié que l’une des priorités assignées aux premières vicaires apostoliques envoyés en Asie, c’était la formation d’un clergé du pays. En tout, il aura consacré dix années de sa vie missionnaire à la formation des futurs prêtres. Ce ministère de formateur n’a pas été non plus étranger à son projet de vie monastique. Ici, comme à Nuoc Man, l’expérience directe l’éclaire sur le bien fondé de son projet et conforte sa volonté d’aller plus loin. Son expérience de professeur et de directeur spirituel, comme son expérience missionnaire sur le terrain, lui ont fait comprendre combien une vie intense de prière, de pénitence et de contemplation quotidienne du visage du Christ sera indispensable au dynamisme apostolique des prêtres de demain. La vie monastique dont il rêve pourrait devenir pour tous les chrétiens et spécialement pour les prêtres, un signe, une école et un rappel de cette absolue priorité de la vie contemplative.
Priorité de la vie contemplative – Le projet monastique se précise
Cette priorité, l’Eglise l’a expérimentée depuis ses origines, depuis que réunis dans la prière, l’Esprit Saint est venu saisir les apôtres et les lancer sur les routes du monde. Le Pape Jean Paul II a eu des paroles très claires à ce sujet dans son Encyclique Redemptoris Missio: « Le missionnaire doit être un contemplatif en action. Le contact avec les représentants des traditions spirituelles non chrétiennes, en particulier celles de l’Asie, m’a confirmé que l’avenir de la mission dépend en grande partie de la contemplation. Le missionnaire, s’il n’est pas un contemplatif, ne peut annoncer le Christ de manière crédible; il est témoin de l’expérience de Dieu et doit pouvoir dire comme les Apôtres: « Ce que nous avons contemplé…,le Verbe de vie…, nous vous l’annonçons » (1Jn 1,1-3)[13].
Durant ce temps d’attente, le Père Denis ne va jamais cesser d’espérer et donc de réfléchir non seulement au contenu et au sens de son projet, mais aussi à la meilleure manière de réaliser son projet. La manière de réaliser un projet importe beaucoup. Elle va s’efforcer d’exprimer le mieux possible le sens du but recherché. Déjà, dans la lettre qu’il adresse à Mgr Allys le 31 janvier 1912, soit six ans avant qu’il obtienne l’autorisation de son évêque, on découvre qu’il a beaucoup réfléchi sur les moyens à mettre en œuvre pour réaliser une fondation qui soit vraiment adaptée au pays et à son Eglise. En cela, il hérite bien d’une tradition missionnaire qui recommande de respecter le milieu socio-culturel du pays et d’en tenir compte dans l’expression du message évangélique. Il veut une vie monastique qui puisse être facilement comprise par les Vietnamiens.
Il voit trois possibilités. La première consisterait à faire venir des Trappistes d’ailleurs. La deuxième solution serait qu’il fonde lui-même selon le modèle classique des monastères trappistes. Dans ce cas, une fois les conditions remplies, il remettrait le monastère à l’évêque pour que celui-ci invite des trappistes chevronnés à prendre la suite. La troisième solution serait qu’il commence lui-même à s’installer auprès d’une paroisse pauvre. Il y étudierait les Constitutions des monastères trappistes et réunirait autour de lui quelques jeunes gens fervents. Peu à peu se constituerait ainsi une communauté de moines pauvres. Plus tard, quand le monastère aura pris forme, il demandera au supérieur général des Trappistes d’appliquer la Constitution Carta Caritatis. De cette manière, il conservera le caractère original d’un statut propre au Viet Nam.
Les deux premières solutions ne le satisfont pas. Il s’en explique avec son évêque: « Je désire de tout mon cœur la venue des Trappistes, mais je crains qu’ils ne cachent la vertu de prière et de mortification derrière des bâtiments splendides »[14]. Le projet du Père Denis veut être une réalisation d’Eglise, c’est-à-dire que toute la communauté des chrétiens soit concernée et que la vie des moines soit visible et pas seulement d’une minorité privilégiée qui aurait accès à l’intérieur du monastère. Zone de silence, de solitude, de prière, oui, mais pas une citadelle dorée.
Phuoc Son – Rupture, continuité, fidélité
C’est bien sûr la troisième solution qui l’intéresse. Il le dit clairement à son évêque: « Monseigneur, permettez-nous d’être pauvres, même à l’extérieur, je vous promets que nous serons propres »[15]. Mgr Allys n’a pas de peine à comprendre l’idée du Père Denis même s’il en mesure les risques. Ce n’est pas la solution que lui aurait préférée. En effet, Mgr Allys a tout essayé pour faire venir des Trappistes d’Europe, mais les réponses ont été négatives, souvent pour des raisons d’incompréhension du pays et du potentiel de l’Eglise au Viet Nam. Le Père Le Van Doan note dans sa thèse de doctorat, une nouvelle démarche de Mgr Allys qui montre bien sa conviction: « Le 15 avril 1918, il vient même de rédiger « une supplique en faveur d’une fondation d’une communauté d’hommes au Viet Nam » qui est envoyée au Cardinal Préfet de la Sacrée Congrégation de la Propagande »[16]. Cette fois la réponse sera positive mais Mgr Allys ne l’aura pas attendue pour permettre au Père Denis de commencer. Le Père Denis est déjà en train de défricher le terrain sur la colline de Phuoc Son, la Colline du Bonheur, lorsqu’il apprend avec joie cette bonne nouvelle. Il est accompagné par un petit groupe d’aspirants à la vie monastique. Tout commence et tout est autre. Il prendra aussi un nouveau nom, il deviendra le Père Benoît Thuân.
C’est une vraie rupture avec le passé, une nouvelle vie qui commence. Rien de commun avec les ministères passés. Les problèmes matériels sont énormes. Tout est à faire, des maisons pour habiter, une terre à cultiver et à planter pour se nourrir. Il faut aussi apprendre à se protéger des bêtes sauvages. Autant de métiers que le Père Denis n’a pas appris.
Mais il n’y a pas que les problèmes matériels. Il y a la formation des jeunes moines. Il en parle dans une lettre à sa belle-mère: « Je dois enseigner le latin à trois frères et, deux fois par jour, je dois donner une instruction spirituelle à toute la maison. La préparation demande du temps »[17]. Il n’a lui-même aucune expérience de la vie monastique, aucune tradition à transmettre. Il doit suppléer par des lectures sur l’histoire de la vie monastique, sur les textes des constitutions et sur les règles de vie, mais aussi par des contacts qu’il a établis, en particulier avec le monastère cistercien de Hakodate au Japon. Il a pour lui sa foi, son zèle apostolique, son sens de l’amour fraternel, la connaissance de la langue et de la société vietnamienne. Son projet jouit de la sympathie de beaucoup de confrères missionnaires, de prêtres et de chrétiens vietnamiens. Les bienfaits de la vie monastique pour les chrétiens comme pour les païens seront reconnus. Le Père Le Van Doan cite les paroles d’un chrétien du Viet Nam recueillies dans le Bulletin des Missions: « Le bien que cette vie religieuse fait rayonner sur toute la population chrétienne ou païenne est immense. Leurs prières et leurs exemples sont un vrai levain pour l’Eglise d’Annam »[18].
Si la vie monastique marque une rupture par rapport au passé, elle se situe cependant dans le prolongement et la continuité de l’élan missionnaire qui l’a conduit au Séminaire des Missions Etrangères et de là au Viet Nam. Pour quiconque se donne la peine de suivre son itinéraire, de l’enfance à Phuoc Son, la constante de son engagement missionnaire de plus en plus radical apparait clairement. Il ne cessera pas de l’affirmer lui-même. C’est le cas par exemple d’une lettre qu’il adresse au Père Radelet le 01-08-1924. Il y fait l’éloge de l’enseignement donné par Saint Bernard sur les tentations du monde et les moyens à mettre en œuvre pour éviter les divisions et pour sauver son âme. Le Père Benoît conclut: « Et moi je veux ajouter ceci: ayez le souci du salut de l’âme des païens. Je veux ajouter ces paroles parce que le but de notre présence ici, c’est d’apporter le salut aux âmes. Tous les jours, nous récitons le rosaire pour les païens (kẻ ngoại). Nos prières, notre travail, nos sacrifices, nous les offrons à Dieu dans ce but »[19]. C’est clair, l’intention missionnaire est plus forte que jamais, la fidélité à l’engagement premier est indéniable. Douze ans auparavant, en 1912, il écrivait déjà à Mgr Allys: « L’idéal que je rêve, c’est d’être religieux apôtre en An Nam, là où le Bon Dieu soit mieux connu, aimé et servi par quelques-uns. Faire comprendre à tous nos chrétiens que l’idéal monastique n’est pas une affaire d’autrefois (chuyen doi xua), mais qu’il est pratique et très pratique aujourd’hui comme autrefois »[20].
La meilleure manière de conclure sur cette fidélité exemplaire du Père Benoît, me semble de reprendre la prière missionnaire que lui-même a composée. Je n’en cite ici qu’une partie : « Seigneur, lors de ta naissance en ce monde, tu as invité trois mages d’Orient à venir te reconnaître et t’adorer. Tu as dit aussi qu’un jour il y aurait beaucoup de monde d’Orient comme d’Occident à venir se reposer avec Abraham au Paradis. Au Viet Nam qui fait partie de l’Orient, beaucoup ne savent pas encore reconnaître le Dieu Très Saint; daigne les ramener vers toi, pour que plus tard ils reposent au Paradis.
Gloire et louange à Dieu dans les siècles des siècles. Amen » DN.
[1] Bản dịch tiếng Việt đã được đăng trong Nội san HGCN số 22, 01.2018.
[2] Thèse du Père Le Van Doan, p.42.
[3] RM n° 66.
[4] DN n° 2.
[5] HT 46-47.
[6] RM 53.
[7] DN n° 3.
[8] DN n°4.
[9] DN n°5.
[10] DN n°21.
[11] DN n°6.
[12] DN n°8.
[13] RM 91.
[14] Lettre du 31-1-1912. DN n° 0.
[15] DN n° 0.
[16] Thèse p.157.
[17] DN no 52.
[18] Thèse p.182.
[19] DN n° 78.
[20] DN n° 0.
NHẬT KÝ
PHƯỚC SƠN KHẤN DÒNG XITÔ[1]
(Từ 19-22 Mars 1935)
Trích Báo Nam Kỳ Địa Phận 1909-1943
Bề trên dòng Phước-sơn đặng lịnh Tòa thánh cho phép dòng Phước-sơn nhập vào dòng Cîteaux; nên ngài chọn ngày 21 Mars 1935 mà khấn lại theo luật dòng Cîteaux Cả. – Chọn ngày 21 Mars, vì năm 1098, 21 Mars, thánh Robertô với 18 môn đệ ngài từ biệt dòng Molesmes, mà qua lập dòng Cîteaux; lại năm 1920, Cha Benoît (dòng Phước-sơn), với bảy anh em khác khỉ sự mặc áo và giữ luật dòng Phước Sơn cũng ngày 21 Mars.
Vậy 5 giờ chiều ngày 18 Mars, các Thầy tiếp rước Đức cha Chabanon ở Huế ra, theo phép dòng Cîteaux dạy.
Ngày I. Cha Bề Trên khấn. – Ngày 19 Mars, 8 giờ ban mai Đức cha làm lễ hát trọng thể; sau Evang, Đức cha thay mặt Bề trên cả dòng Cîteaux, mà lãnh lời khấn trọng thể cha Bernard (R. P. Mendiboure), bề trên dòng Phước Sơn bây giờ.
Ngày II. Các Thầy khấn tạm. – Ngày 20, 8 giờ mai, cả nhà hội lại tại Nhà Capitulaire (giữa nhà nầy có mồ cha Benoît, bề trên sáng lập dòng Phước Sơn), có Đức cha địa phận, và cụ quận công Nguyễn hữu Bài dự lễ; – Cha Bề trên Bernard chủ tọa, nhận lời khấn tạm và lãnh mấy thầy vào nhà tập.- Ngày nầy, có 5 thầy mặc áo nhà tập; 3 thầy xin ở nhà tập lần thứ hai (trong đó có 1 thầy cả); 8 thầy khấn tạm lần thứ nhứt (trong số nầy có 1 thầy cả và 1 thầy tư); 25 thầy khấn tạm lại (trong đó có 1 thầy cả và 1 thầy năm).
Ngày III. Các Thầy khấn đời đời. – Ngày 21; có 19 thầy khấn đời đời, (trong số nầy, có 5 thầy cả, 1 thầy sáu và 3 thầy có chức nhỏ); Cha Bề trên Bernard làm lễ hát và lãnh lời khấn; có Đức cha và các cha cùng nhiều quan khách dự lễ.
Ngày IV. Phong chức. – Ngày 22 Mars, Đức cha Chabanon phong chức thầy cả cho thầy Emmanuel (Hanoi); chức Năm (thầy Stanislas, em ruột cha Thắng curé de Linh-yên (Quảng trị); chức tư cho thầy Laurent, con ông cựu Hội đồng Nguyễn văn Nghi, họ Phủ-cam (Huế) và thầy Philippe (Hanoi) chịu 2 chức nhỏ.
Hiện sổ dòng: 34 Choristes (11 thầy cả).
71 Convers.
18 Juvénistes.
Trong số ấy, có 23 thầy đã khấn trọn đời, 36 thầy khấn tạm theo phép dòng Cîteaux. – Còn có 3 thầy trước đã khấn đời đời, và 3 thầy khấn tạm theo luật dòng Phước-sơn, nay không khấn lại theo luật dòng Cîteaux; thì trong số ấy, có 1 thầy khấn đời đời, họ An-vân (Huế) và 3 thầy Tonkin khấn tạm, đã xin đi nhập vào nhà dòng Cisterciens Bangoi rồi, bởi vì rày bỏ luật dòng Phước-sơn, mà sang dòng Cîteaux thì Hội Thánh cho phép, dầu ai đã khấn đời đời bên dòng Phước-sơn, rày không muốn khấn giữ luật Cîteaux, mà muốn xuất ra thế gian, cũng đặng.
Quan khách thăm Dòng. – Mấy ngày ấy, các cha Tây, các cha Nam đến dự lễ tại nhà Dòng, chừng 15 đấng, (vì mắc mùa làm phước, nên nhiều vị đi không đặng); còn quan khách tới lối 500 người; khá khen các quí thầy tiếp đãi khách thứa trà lá, cùng cơm nước hẳn hòi. Còn trong Dòng thì chính ngày phong chức, là ngày trọng hơn cả, mà cha Bề trên cùng các Thầy ăn tiệc rất trọng thể, là một dĩa muối trắng với một bát cơm đỏ; ai tọc mạch dòm vào, ắt phải châu lụy nhỏ sa!
Cháy rạp. – Ta vô trong tư thất của các thầy, thấy cơm nước họ mà động lòng rơi lụy rồi; nay xin vời độc giả ra cửa ngỏ nhà dòng, xem quan khách ăn mà cười, số là nhà dòng có dựng 1 rạp bằng tranh lớn, trước cửa ngõ, cho quí khách ngồi cơm nước, chuyện vãn; ngày đó, 6 giờ ban mai, quí khách đang lót lòng, bỗng nghe: “lửa lửa” bảo tin rạp ấy cháy! Thì kẻ bâng cơm cầm đũa chạy, người kéo ghế lôi bàn ra, ông nọ chữa lửa, bà kia múc nước; tay làm, lòng vui, miệng cười; cháy mất một phần rạp tranh tre, còn ghế bàn cơm cá vô hại. Chữa xong, ai nấy đâu, ngồi lại đó, mà cứ ăn cho rồi bữa! – Ăn ăn, nói nói, cười cười! – kẻ rằng “Pháo đó – Người lại rằng: Lửa sốt sắng các thầy, lan ra đốt chúng tôi đây. – Cười rầm; mà các thầy ở trong, yên lặng, sau rồi mới hay biết.
Có đổi luật lệ gì? – Phước-sơn rày nên Monasterium exemptum; không dự gì trong địa phận; nhưng Đức cha còn cho giữ các facultates, mà làm các phép Bí tích cho bổn đạo; lại cha Bề trên cả Cîteaux, cũng cho phép coi sóc họ Phước-sơn như trước, miễn là Đức cha địa phận bằng lòng ban phép ấy.
Dòng Cîteaux Cả, phân ra hai nhánh:
- Một nhánh giữ phép chung cũ đã quen, gọi là Cisterciens de la commune observance. Nhánh nầy lại chia ra nhiều congrégations riêng; luật lệ tuỳ nơi tùy xứ, cải đổi ít nhiều theo việc.
- Còn một nhánh giữ luật nhặt, quen gọi là Trappistes, hay là Cisterciens reformés, hoặc Cisterciens de la stricte observance. Nhánh này chỉ có một Congrégation chung cho mọi nơi mọi nước, chẳng cho chế giảm gì hết.
Phước-sơn rày tùy luật lệ theo Trappistes, chỉ giảm đôi chút cho hạp phong tục nước nhà, và vừa sức người Annam. Nhưng thật sự Dòng Phước-sơn bây giờ nhập vào nhánh cái Cisterciens de la commune observance; và làm một Congrégation riêng, thuộc quyền Bề trên cả Cîteaux mọi đàng; cho đến khi Phước-sơn xuất đặng ba dòng con, thì Bề trên Phước-sơn đặng tước Abbé, và dòng Phước-sơn mới độc lập cho thiệt. – Việc làm lễ, đọc kinh theo như phép Cîteaux; còn y phục: trước nịt dây da, có tràng chuỗi lớn; nay bỏ chuỗi và nịt dây bằng vải đen; các điều khác thì in như luật dòng Phước-sơn trước, không sửa đổi gì. – Ba lời khấn, trước khấn đơn; nay khấn trọng thể (promesse solennelle) theo luật Hội Thánh.
Ấy lược qua ít lời cho độc giả chư tôn ở xa, nghe chút việc dòng nước Nam ta, mà giúp lời cầu nguyện cho nhà Dòng càng ngày càng thạnh, hầu sau Annam ta đặng nhiều thánh Tu hành, như nhiều thánh Tử đạo vậy.
* * *
Như ai nấy đã biết, nhà Dòng Đức Bà nước Nam tại Phước-sơn Cửa-tùng đã được thành lập bởi tay cha Denis (Thuận), hiệu dòng là Bênêđitô, từ năm 1918. Lúc ban đầu Dòng mới khai lập chỉ có vài ba cái nhà tranh ở giữa một đồi núi trọc, điền viên không có, sự nghiệp chưa thành, công việc nhỏ nhen, của tiền ít ỏi. Kẻ đi theo cha mà dâng mình vào Dòng lúc ấy, cũng không có mấy người, ngày 21 Mars năm 1919, lúc anh em bắt đầu giữ luật phép Dòng, thời chỉ có bảy tám người mà thôi, mà toàn là những người quê vụng dốt nát cả, thật khi ấy cứ con mắt bàng quan trông vào, chẳng có ai nói được Dòng ấy sau nầy sẽ nên cường thạnh như bây giờ đâu; song về phần cha Denis thời khác, ngài cả lòng trông cậy Chúa phép tắc vô cùng bởi không mà dựng nên mọi sự cho có, mà ngài hết sức hô hào cổ động, khuyến khích anh em trong Dòng đồng tâm hiệp lực với mình, sức chèo chống giữa biển minh mông, mong nhờ gió thuận trời êm đặng đưa thuyền vào tới bến bình yên vô sự.
Mà quả thật, từ ấy dẫn nay, thẳm thoắt kể đã được 17 năm trời, công việc càng ngày càng tấn phát, sự nghiệp càng ngày càng nở nang, kẻ xin nhập Dòng thường năm thường tăng số, sự kết quả mĩ mãn thường bữa thường thấy nhãn tiền trước mắt; cho đến đỗi ngày nay đã trở nên một nhà Dòng lớn nhứt trong các nhà Dòng ở đất nước Annam vậy. Công việc vĩ đại, sự nghiệp lớn lao, cái vẽ thạnh cường một ngày một bành trướng, không còn phải lo sợ cái ngày thoái bộ nữa. Hiện nay trong Dòng kể có đến 30 tòa nhà, hầu hết làm bằng gạch ngói cả; điền viên khai phá bởi gò sủng mà làm thành ra, thời minh mông, trông nhìn không khắp được. Lại trong Dòng cũng sản xuất lắm đồ nội hóa quí giá, bởi những nghiệp nghề tinh xảo, như đóng sách, bánh sữa, đồ gỗ chạm, tranh họa v.v. Còn người dâng mình vào Dòng cũng nhiều lắm, hiện trong Dòng kể được 107 thầy và 18 học trò. Trong số 107 thầy đó, không kể những người đã có chức thánh từ chức sáu mà xuống, thời đã có 11 thầy có chức Linh mục rồi. Còn về sự khấn hứa thời có được 23 thầy đã khấn trọn đời và 35 thầy đương khấn tạm. Lại ngoại sổ các thầy chính Dòng ra, thời còn có gần 30 người đã xin nhập ngoại Dòng, gọi là Dòng Ba nữa. Nhưng chưa phải bấy nhiêu là hết, còn rất nhiều người xin vào Dòng mà chưa được, nên nghe đâu trong năm nầy, Bề trên sẽ phái các cha trong Dòng đi lập thêm Dòng nhánh khác nữa, để nhận cho hết số kẻ xin vào.
Xem thế thời ai mà chẳng lấy làm một sự lạ lùng, vì thấy sự kết quả mĩ mãn một cách mau chóng của nhà Dòng Phước-sơn sao? Thật nếu không có ơn thần lực bởi trời hộ ủng, thời sức phàm trần không dễ mà có được sự tấn bộ một cách phi thường như thế vậy.
Bởi nhà Dòng được sự kết quả mĩ mãn như thế, nên trong đời cha Denis, ngài đã hết sức lo liệu cho nhà Dòng mình được nhập vào một nhánh Dòng Cả thánh Bênêđitô; song việc ngài tổ chức chưa đạt được ý cùng, mà ngài đã lâm bịnh và qua đời tại Dòng mình trong ngày 25 Juillet năm 1933. Vậy Bề trên kế vị ngài là cha Mendiboure Martin (Nhơn), hiệu Dòng là Bênađô, đã cứ theo đuổi một mục đích của Đấng cựu Bề trên mà lo cho đến khi thành sự. Bởi đó, ngày 29 Août năm ngoái (1934), nhà Dòng Phước-sơn đã tiếp nhận được sắc chỉ Tòa Thánh ban phép cho nhập vào một nhánh Dòng thánh Bênêđitô, gọi là Dòng Cîteaux, nên năm nay nhà Dòng đã mở một cuộc lễ long trọng, để cho anh em được khấn lại cách trọng thể mà dâng mình vào Dòng cho trọn vẹn. Cuộc lễ nầy làm đến bốn ngày liên kế nhau, khai mạc bữa ngày 19 Mars, là chính ngày lễ ông thánh Giuse, cho đến ngày 22 Mars mới xong.
Huế
[1] Tựa đề do BBT HGCN đề nghị.
EPPHATA
BIỆN PHÂN VÀ ĐỒNG HÀNH HÔM NAY
TRƯỚC TIẾNG CHÚA GỌI
(Thư chung của Đức Tổng Phụ Dòng Xitô dịp Lễ Hiện
Xuống năm 2018, gửi các nam nữ Đan sĩ Toàn Dòng)
Anh chị em rất quí mến,
Anh chị em đã biết cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới sắp tới có chủ đề “Những người trẻ, đức tin và biện phân ơn gọi”. Chúng ta thấy rằng trong cuộc sống của Dòng chúng ta cũng rất khẩn thiết phải đào sâu vấn đề biện phân và đồng hành của những ai cảm thấy mình được mời gọi sống cuộc sống Xitô. Hiện nay chúng ta thấy có nhiều người bỏ đời sống chiêm niệm, dù đã khấn mười hay hai mươi năm, vịn cớ trước đó đã chỉ biện phân ơn gọi cách hời hợt và thiếu sự đồng hành. Vì lý do này, nhưng cũng vì nhiều người trong chúng ta gặp các người trẻ đang tìm kiếm sống ơn gọi Phép Rửa của mình, thay lá thư Lễ Hiện Xuống năm nay, tôi quyết định gửi đến toàn Dòng bài tôi mới thuyết trình tại Teresianum ở Roma. Tôi nghĩ rằng bài này sẽ có thể gợi ý cho các cá nhân, các cộng đoàn về những vấn đề được đặt ra và kết nối chúng ta trong nỗ lực của toàn thể Giáo Hội chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục. Nhưng trước hết, lá thư này có thể giúp chúng ta nhận định trách nhiệm của mình trước những ơn gọi mà Chúa trao gửi cho chúng ta và chúng ta tha thiết mong muốn. Chúng ta không nên quên rằng vấn đề khẩn thiết nhất đó chính là chúng ta sống chân thực nhất và vui mừng nhất ơn gọi mà chúng ta đã nhận.
Ngày mùng một tháng năm năm ngoái, tôi đã được hạnh phúc tham dự nghi thức tôn chân phước cho cha Jean Anastase Brenner, tử đạo, là tập sinh tại Đan viện Xitô Zirc ở Hunggary. Sau khi đã bị ép buộc rời đan viện bị đóng cửa, chân phước đã dấn thân hoạt động như là linh mục thuộc giáo phận. Các anh em cùng quê Hunggary đã cho chúng tôi biết rằng cha Jean đã khấn dòng “chui” và cha đã luôn coi mình là một Đan sĩ Xitô. Chứng tá của vị chân phước trẻ đã sống ơn gọi Xitô của chúng ta cho đến lúc tử đạo giúp chúng ta dấn thân sống mỗi ngày ơn gọi của mình với ước muốn nên thánh cách khiêm tốn và nhiệt thành trong việc dâng hiến cuộc đời mình, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta trong tông huấn Gaudete et Exsultate (Các con hãy vui mừng và hân hoan).
Một dự tính đời đời cho mỗi người
Câu chuyện rất quen thuộc về ơn gọi của cậu bé Samuen (1Sm 3,1-21) là một trong những nguồn tuyệt vời nhất giúp chúng ta hiểu được về một ơn gọi, hiểu phần nào bí nhiệm của một Thiên Chúa gọi con người và bí nhiệm của con người cảm nhận mình được Thiên Chúa gọi. Chúng ta phải có thái độ nào trước bí nhiệm này? Đối với bí nhiệm này ở nơi chúng ta và nơi những người khác? Chúng ta phải đối xử thế nào trước bí nhiệm của ơn gọi của những người chúng ta được ủy thác đồng hành, huấn luyện?
Thiên Chúa có một dự tính cho mỗi người sinh ra trong thế giới, một ý định từ thuở đời đời. Ơn gọi của mỗi người đã có trước khi họ sinh ra, bởi vì ơn gọi này bắt đầu có từ thuở đời đời, nó có nguồn ngay trong mầu nhiệm của Thiên Chúa và trong mầu nhiệm tương quan riêng biệt của Thiên Chúa với mỗi người Chúa tạo thành. Đó chính là điều Thiên Chúa mặc khải cho ngôn sứ Giêrêmia: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5).
Không gì có thể giải thích về chúng ta chính xác hơn điều đã có trước chúng ta trong Thiên Chúa, bởi vì ý tưởng này, bởi vì lời muôn thuở này đã muốn tạo dựng chúng ta, yêu mến chúng ta, tác thành chúng ta và sai chúng ta đi. Chúng ta đã được sai đến trong đời, đi vào trong hữu thể, đã được sai đến trong giao hưởng mênh mông của công cuộc tạo dựng, được sai đến trong kịch bản của lịch sử, của cuộc phiêu lưu của nhân loại, trong kịch bản cao cả của tự do nhân loại mà Thiên Chúa đã tác thành chính là để chúng ta nhận biết Đấng là tác giả của tất cả và là Đấng yêu thương chúng ta, để nhận biết Đấng biết chúng ta ngay trước khi chúng ta nhận biết chính mình.
Khi cậu bé Samuen được giao phó cho thầy cả Êli trong Đền thờ, cậu bé đã có trong mình ơn gọi đời đời; cậu bé được hoài thai và sinh ra sau khi đã được ghi dấu bằng một dự tính mà Thiên Chúa dành riêng cho cậu bé. Nhưng đến một ngày cố định ơn gọi của một người sẽ xuất hiện từ thẳm sâu của bí nhiệm như một mạch nước cuối cùng vọt ra từ lòng núi ở một điểm cố định nào đó và bắt đầu chảy ra cho con người uống và tưới gội trái đất khô cằn, để trở nên một dòng suối, rồi một thác nước mãnh liệt và cuối cùng thành dòng sông rộng và yên bình dẫn mọi người ra biển cả.
Cái mới trong cái bình thường của thực tế
Đêm đó tất cả mọi người đều say ngủ: “Ông Êli đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa. Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Samuen đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa” (1Sm 3,2-3).
Tất cả chìm trong an bình, tĩnh lặng. Đột nhiên có một cái gì đó bất ngờ xảy đến: một tiếng gọi chính tên Samuen. Nhưng đối với Samuen, điều đó không có gì là mới lạ vì cậu bé đã quá quen với việc cậu được gọi. Nên cậu đã nghĩ đến điều rất bình thường: Thầy Êli đã gọi cậu như thầy đã từng thường gọi, ngay cả giữa đêm khuya, thầy gọi cậu đến để giúp thầy vì mắt thầy đã mờ không còn thấy rõ. Và cậu đã nghe tiếng gọi cậu tới ba lần. Ba lần Chúa lên tiếng gọi chính tên cậu và Samuen đã phản ứng như cậu đã thường phản ứng cách rất bình thường khi sự việc xảy đến.
Ở đây chúng ta đã nhận ra một khía cạnh của bí nhiệm ơn gọi: đặc tính ngoại thường xảy ra trong cuộc sống dưới hình thức bình thường diễn ra hằng ngày. Điều này cho chúng ta được vững tâm nhưng đồng thời cũng rất đáng ngại. Vững tâm vì Thiên Chúa hạ mình xuống nói với chúng ta rất thân tình, không cần phải làm một cuộc đi lên cao ngoại thường để nhận ra tiếng Người gọi. Đáng sợ, vì chúng ta có nguy cơ xem thường không lưu tâm nhận ra đó là từ nơi Thiên Chúa.
Trước tiên vị thầy cả cao niên Êli cũng đã phản ứng như trước một biến cố bình thường: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi” (1Sm 3,5). Thầy Êli nghĩ là cậu bé Samuen đã mơ ngủ, đó là điều bình thường, thầy nghĩ rằng cậu bé đã tưởng tượng ra điều gì đó. Ngược lại Samuen không hề nghĩ thực tế này chỉ là giấc mơ. Ngay cả khi tiếng gọi lặp lại, cậu bé đã không hề nghĩ rằng: “Tôi đã mơ”! để rồi tìm cách ngủ lại, tiếp tục ngủ. Thực sự Thiên Chúa đã gọi cậu, Người gọi cậu bằng một tiếng gọi thật, và sự trung thành của Samuen đối với thực tế, trong đó Thiên Chúa tỏ hiện, đã là điều từ từ giúp cho thầy Êli và cả Samuen nhận ra tiếng Chúa gọi trong cuộc sống của cậu bé.
Tôi nghĩ rằng đó đã là một dấu chỉ thứ nhất căn bản để tiếp cận với bất cứ ơn gọi nào, dù đó là ơn gọi của chính chúng ta hay của bất cứ ai khác: Rất ít khi Thiên Chúa can thiệp vào cuộc sống của con người một cách siêu nhiên. Người thích chọn lựa con đường tự nhiên, con đường trải nghiệm sơ đẳng của con người, con đường của thực tế mà con người vạch ra cho mình cách rất tự nhiên. Thiên Chúa sử dụng cái tự nhiên, Người sử dụng như một khí cụ và dấu chỉ về điều Người muốn nói với chúng ta. Thiên Chúa sử dụng cái tự nhiên để diễn tả cái siêu nhiên, cũng như, trong Đức Kitô, Người dùng xác thịt của chúng ta để diễn tả và mặc khải Thiên tính của Người Con. Và chính khi theo và tôn trọng bản tính của các sự vật, trải nghiệm cơ bản về các sự vật, mà chúng ta có thể hiểu được ý muốn của Đấng tỏ hiện mình qua dấu chỉ này. Đối với Samuen, một tiếng gọi giữa đêm khuya, không là gì khác ngoài tiếng gọi của thầy Êli. Chỉ có Êli có mặt trong Đền thờ đêm đó với Samuen, ai khác có thể gọi Samuen lúc đó? Hồn nhiên tuân phục lời gọi của thực tế, Samuen đáp ứng với lời Chúa gọi và càng lúc càng luôn tiến gần hơn tới việc đáp lại tiếng gọi.
Khía cạnh thoạt tiên hiểu biết cách tự nhiên này về tiếng Chúa gọi chúng ta, chúng ta đều tìm gặp trong tất cả các ơn gọi trong Kinh Thánh và trong Phúc Âm. Chính Chúa Giêsu cũng sử dụng tiến trình này, sử dụng cách thế tự nhiên của người được gọi tiến lại gần, ví dụ chọn các Tông đồ: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Người nói với Phêrô và các bạn của ông; và khi chiếc màn của hành động tự nhiên, thường ngày, thô sơ theo cách con người, rơi xuống để cho thấy phép lạ, cho thấy hành động của sự hiện diện của Thiên Chúa, vào lúc này ơn gọi cũng trở nên hiển nhiên rõ ràng: “Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,10).
Ngay từ lúc đầu, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô trở nên kẻ đánh cá người, ngay từ lúc Người bảo ông ra khơi và thả lưới, cũng hoàn toàn đúng như khi Chúa gọi Samuen ngay lần đầu mà cậu bé lại tưởng thầy Êli gọi. Chính Mẹ Maria thoạt tiên cũng đã nghĩ mình được gọi để sinh con theo lối tự nhiên –“Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34) – cho tới khi thiên thần mạc khải cho Mẹ mầu nhiệm nhập thể bởi tác động của Chúa Thánh Thần.
Điều đó cho thấy hầu như luôn luôn Thiên Chúa muốn mỗi người tiếp cận mầu nhiệm qua chính bản tính nhân loại của mình, không bỏ qua mà cũng không khước từ bất cứ cái gì, bởi vì mầu nhiệm của Thiên Chúa và mầu nhiệm ơn gọi của mỗi người tỏ hiện từ bên trong bản tính con người qua mạc khải đặc tính thần thiêng của nó. Bản tính nhân loại của chúng ta được mặc khải cho chính mình như là đền thờ của Thiên Chúa. “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em (1Cr 3,16-17).
“Bấy giờ ông Êli hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé”
Nhưng việc Chúa ngự trong đền thờ của cuộc sống nhân loại chúng ta được mạc khải cách nào? Sự tiếp cận với Thiên Chúa bằng những con đường trải nghiệm thô sơ của chúng ta sẽ dẫn chúng ta đến đâu? Nó phải dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, nhất định như thế, nhưng nó dẫn chúng ta đến đâu trong chính chúng ta, trong ý thức và trải nghiệm của chính chúng ta?
Đối với những thắc mắc này, câu chuyện ơn gọi của Samuen là một soi sáng. Câu chuyện này cho chúng ta thấy vai trò chính yếu của người được trao trách nhiệm đồng hành con đường ơn gọi của những người khác, cách riêng các người trẻ.
Êli là người đầu tiên hiểu rằng Thiên Chúa gọi Samuen. Và làm sao thầy hiểu? Bằng cách nhận biết rằng không phải mình đã gọi. Nhận thức này không chỉ được thực hiện cách hời hợt. Lần thứ ba, Êli cũng rất có thể mất kiên nhẫn và có thể đe dọa cậu bé rằng nếu cậu còn quấy rầy, nếu cậu còn đánh thức thầy lần nữa, thầy sẽ phạt cậu và đuối cậu ra khỏi Đền thờ. Cũng chính nơi Êli và nhất là ở nơi ông, tấm màn đã được vén lên và ông nhận ra bí nhiệm: “Bấy giờ ông Êli hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé” (1Sm 3,8). Và cho dù Êli đã không biết giáo dục con cái của ông sống trung thành với Thiên Chúa, nhưng trước ơn gọi của Samuen, ông hành xử thật gương mẫu.
Nhất là ông không lạm dụng, ông không lợi dụng sự ngây thơ của cậu bé. Và ông cũng đã không nói rằng chính Thiên Chúa gọi cậu bé, như biết bao nhà giáo dục thích thú nói với các bạn trẻ: “Chắc chắn bạn có ơn gọi đó“! “Thiên Chúa gọi bạn làm cái này, làm cái kia”! “Hiển nhiên là bạn được sinh ra để làm điều này, điều nọ”! Họ coi mình là ông chủ của một bí nhiệm mà thực ra đó là sự tự do của Thiên Chúa và sự tự do của mỗi người. Hành xử như vậy là một sự lạm dụng trầm trọng giống như tội buôn thần bán thánh, bởi vì nó khai thác sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa (và không có gì là nhưng không hơn lời gọi của Thiên Chúa, Đấng chọn và gọi một con người), nó khai thác để làm vinh danh cá nhân mình, mưu lợi cho cá nhân mình, hoặc ít ra chờ mong sự biết ơn của kẻ mà mình hãnh diện đòi quyền làm “bố, làm mẹ thiêng liêng hay đỡ đầu của ơn gọi”, như một số người thích được gọi như thế.
Ngược lại, Êli gửi cậu bé về lại với bí nhiệm đã gọi cậu. Ông gửi cậu lại để chính cậu xác minh xem đó đích thực có phải là tiếng của Chúa hay không. Ông gửi cậu lại để cậu đi sâu thêm vào bí nhiệm được tỏ hiện trong cuộc sống của cậu một cách kín đáo, với sự tôn trọng, với tình âu yếm khôn lường. Anh chị em chúng ta nhận ra chứ? Đấng Tối Cao, từ trong Thánh Điện của Người, đến giữa đêm khuya, nghiêng mình xuống một con trẻ đang ngủ say để chỉ đơn sơ gọi thầm vào tai cậu bé: “Sa-mu-en”!
Chúa Giêsu cũng làm như vậy, Người cũng sẽ gọi theo cách thế đó, tuyệt đối tôn trọng tự do của mỗi người, đề nghị với mỗi người một xác minh trong tất cả tự do và tuyệt đối tự do: “Các anh tìm gì thế”? (…) “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu”? Người bảo họ: “Đến mà xem” (Ga 1,38-39).
Xác minh căn bản
Xác minh, làm sáng tỏ chân lý của một sự việc, dù là một cảm tính hay một trải nghiệm, xét xem nó có đúng, xét xem có phải Chúa gọi, khía cạnh này là chính yếu, là con đường căn bản để sống bất luận ơn gọi nào trong tự do và sự thật. Và nếu có phải giúp ai cảm thấy mình được gọi, cần phải giúp họ trong khía cạnh đó, họ phải được đồng hành trên con đường của họ tìm xác minh việc tiếp cận tế nhị với bí nhiệm trong cuộc sống của họ. Và cho dù nếu, trong những trường hợp đặc biệt như đối với Saun người Tácsô, sự can thiệp của Chúa không êm đềm nhưng làm đảo lộn tất cả, nhất là trong những trường hợp này, người được gọi cần có ai đó giúp mình, hỗ trợ mình trong việc xác minh tiếng gọi. Saun cần đến Anania, cần đến cộng đoàn Đamát dù còn non yếu, để xác minh ơn gọi ngoại thường của ông. Người ta cũng có thể nói rằng ngay cả Đức Kitô cũng cần như thế, Người muốn cần đến đám đông dân chúng hàng ngày vây quanh Thân Thể mầu nhiệm của mình để cho phép những lời gọi được xác minh và trở thành con đường (x. Cv 9,3-19).
Tại sao Samuen phải được giúp đỡ? Bởi vì cậu chưa có trải nghiệm về thực tại can thiệp vào đời cậu. Bản văn diễn tả điều đó rõ ràng: “Bấy giờ Samuen chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu” (1Sm 3,7). Và thầy Êli đã khôn ngoan dẫn Samuen tìm xác minh nhờ trải nghiệm một thực tại bí nhiệm, siêu nhiên, tỏ hiện cách kín đáo trong cuộc đời của cậu bé. Ngay khi nhận ra chính Thiên Chúa nói với cậu bé, thầy Êli đề nghị với cậu một cách thế đơn sơ để xác minh sự kiện còn mơ hồ này: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1Sm 3,8-9).
Chúng ta hãy lưu ý rằng thầy Êli đã không bảo cậu bé đi về cầu nguyện, thầy cũng chẳng bảo cậu canh thức. Trái lại thầy bảo cậu về ngủ tiếp, thầy bảo cậu cứ bình thản sống như thường, làm điều mà trẻ em vẫn làm đêm khuya là tiếp tục ngủ. Samuen không cần phải khơi động gì, cũng không cần phải làm gì; cậu chỉ cần để cho Chúa hoàn toàn tự do khởi xướng.
Ít ra thầy Êli cho cậu bé một phương pháp xác minh, một phương pháp hợp với sự khởi động Thiên Chúa muốn dùng: “Nếu Người gọi con, con hãy thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1Sm 3,9). Đó không phải là một câu thần chú, nhưng là một lời giúp huấn luyện cậu bé đáp ứng sáng kiến của Chúa, đáp ứng sự khởi động của tiếng Chúa gọi. Có lẽ Samuen đã ngủ lại trong khi nhẩm đi nhẩm lại câu nói mà cậu bé phải học thuộc này. Câu nói này đã huấn luyện cậu biết ở trước mặt Chúa cách tương xứng, như cách một con người có thể và phải hiện diện trước mặt Chúa cách xứng hợp. Con người đã được tạo thành là để lắng nghe, thầy Êli chủ yếu dạy Samuen biết dâng hiến Chúa sự lắng nghe này. Thầy Êli dạy cho Samuen sống như một người ăn xin và mở rộng lòng trước mặt Chúa. Samuen xin Chúa nói với mình và chăm chú lắng nghe Chúa. Không khác gì cậu nói với Chúa: “Lạy Đức Chúa, con nghèo hèn trước mặt Chúa, con trống rỗng không có gì cả, chỉ xin mở rộng lòng trước mặt Chúa, con ao ước Chúa”!
Trong ơn gọi, trong tất cả các ơn gọi, có hai thời điểm: Khởi đầu là lời gọi đơn thuần, có nghĩa là Chúa gọi tên chúng ta, bằng muôn ngàn cách, có lẽ chúng ta nhận ra mình được gọi, con tim chúng ta cảm nhận được lời Chúa gọi qua ngay những yếu tố có vẻ thật vô nghĩa. Thứ đến, có lời của Chúa, điều Chúa muốn nói với chúng ta. Và chính lời này giải thích rõ hơn về ơn gọi, bảo dưỡng ơn gọi, tỏ rõ yếu tính của ơn gọi, ngay khi tên gọi được Chúa dùng đã thay đổi và tóm kết ơn gọi của một người: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha”-tức là Phêrô (Ga 1,42).
Huấn luyện lắng nghe
Trước hết, sự đáp lời cho tiếng Chúa gọi, cho việc Thiên Chúa gọi tên chúng ta, phải là sự sẵn sàng lắng nghe, và hơn nữa phải là lời xin Chúa nói với chúng ta, xin Người nói với chúng ta tất cả, nói với chúng ta tất cả những gì Người muốn nói với chúng ta, bởi vì chính trong sự kiện Chúa nói với chúng ta mà ơn gọi được thực hiện, mà Thiên Chúa thực hiện trong chúng ta và qua chúng ta. Một ơn gọi luôn luôn là một công việc của Thiên Chúa, một việc tạo dựng của Thiên Chúa Đấng nói với một người. Và sứ vụ của tất cả các ơn gọi được thực hiện nếu người được gọi để cho lời Chúa tác tạo tận đáy lòng, tới mục đích mà Chúa muốn đạt tới. “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” – đáp lời Thiên Chúa, Đấng gọi tên chúng ta có nghĩa là khẩn khoản và tự do xin Người nói lên, xin Người giải thích cuộc sống của chúng ta và con người của chúng ta theo ý định của Người.
Tất cả sự sống là lời sáng tạo của Thiên Chúa trong hành động, nhưng trong bí nhiệm của ơn gọi, và khởi đi từ ơn gọi của Phép Rửa, sự kiện được Thiên Chúa đào luyện phải trở thành một thực tại có ý thức, một cuộc đối thoại tự do, chấp nhận, đề nghị và ưng thuận, giữa Thiên Chúa và con người.
Ai chấp nhận một lời gọi, một ơn gọi, xin Thiên Chúa công khai tuyên bố cuộc sống riêng của mình, có nghĩa là biến cuộc sống này thành một sự công bố rõ ràng, một lời công bố trước chính cá nhân đó, trước mặt Giáo Hội và thế giới, về điều mà Thiên Chúa muốn nói, về điều mà Thiên Chúa muốn tỏ bày. Ưng thuận một ơn gọi, đó là nói trong đáy lòng những lời của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nhưng với ý thức như thánh Gioan nhận biết rằng Đức Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Lời mà Cha muốn nói với nhân loại nhờ hơi thở của Chúa Thánh Thần.
Tất cả những điều đó đều có trong phản ứng của trinh nữ Maria trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Maria hiểu ngay rằng ơn gọi của cô được thể hiện trong biến cố của lời Thiên Chúa đến nơi cô và qua cô: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Maria đã để Ngôi Lời của Thiên Chúa chiếm ngự lòng mình đến độ mỗi lời của cô, dù chỉ là một lời chào đơn sơ, cũng trở thành lời tuyên bố về Thiên Chúa, hơn thế nữa: Chính Thiên Chúa hiện diện cho người lắng nghe: “Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,40 45).
Samuen học được từ thầy Êli phương pháp để mình được tái tạo nhờ lời của Thiên Chúa là Đấng muốn huấn luyện cậu theo một chương trình đặc biệt, một sứ vụ đặc biệt, được biểu lộ qua cậu, xuyên qua cuộc đời của cậu. Phương pháp này chủ yếu là việc lắng nghe Thiên Chúa, chủ yếu là sự thinh lặng xin Chúa nói.
Đó là khía cạnh chính yếu của khái niệm về ơn gọi, về cuộc sống ơn gọi, và hơn bao giờ hết, là điểm nhiêu khê cho hôm nay. Không thế huấn luyện những người trẻ đi vào sống ơn gọi mà không huấn luyện họ biết lắng nghe Chúa, không huấn luyện họ biết sống thinh lặng để cầu xin Chúa nói. Tôi luôn nhớ ơn vị linh mục đã đồng hành với tôi trong những bước chập chững thuở đầu sống ơn gọi, ngài đã dạy tôi cầu nguyện như Samuen, lặp lại lời cầu của Samuen: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (1Sm 3,9). Đây không phải là một câu thần chú để có được giải đáp ngay, nhưng là một cách dạy tôi biết sống nghèo khó, đơn sơ trước tiếng gọi mà tôi cảm nhận trong tôi, nhưng vẫn chưa rõ nét lắm, trong chờ đợi Chúa xui khiến tôi, như thế nào và khi nào Người muốn tôi điều đó, và Người muốn tôi thực hiện cụ thể như thế nào. Và hơn cả những thiên khải lớn lao, chính cuộc sống, giòng chảy của cuộc sống với những biến cố, những khía cạnh tích cực, những khía cạnh tiêu cực của tính tình và tâm lý của tôi đã cho tôi câu trả lời. Tôi đã tìm ra giải đáp trong những cuộc gặp gỡ của tôi, những trải nghiệm của tôi, những nhu cầu của cộng đoàn kitô hữu mà tôi sống trong đó, những sách tôi đọc, những trực giác của con tim tôi, thường có liên quan với một lời Kinh Thánh, khi được xác minh đúng lúc, đã đẩy tôi tiến nhanh trên đường và tạo nên một khúc quanh không ngờ.
Việc lắng nghe, sự thinh lặng lắng nghe Thiên Chúa không phải là một phương pháp để củng cố dành riêng cho bước đầu của ơn gọi, nhưng để huấn luyện liên tục; hơn thế nửa: đó là phương pháp để sống ơn gọi và giúp cho ơn gọi đạt kết quả, từ khởi đầu cho đến kết thúc. Nếu có một sự trưởng thành, trải qua những năm tháng, cần luôn phải đào sâu hơn nữa trong tất cả mọi ơn gọi, tôi nghĩ rằng đó chính là luôn phải lắng nghe Chúa hơn và luôn bớt lắng nghe chính mình. Sứ vụ gắn liền với ơn gọi mà Chúa cho tôi càng bắt tôi phải nói, phải diễn tả hơn, tôi lại càng cảm thấy sự thinh lặng là một nhu cầu sống còn, và tôi lại càng cảm thấy lời cầu xin của Samuen là không thể thiếu: “Lạy Chúa, xin hãy nói! Xin Chúa hãy nói, và xin làm cho con biết nín thinh, bởi vì con cần lắng nghe Chúa nói, và con cần chỉ diễn tả Lời của Chúa, diễn tả Ngôi Lời của Chúa, Người Con của Chúa là Đức Giêsu Kitô!”
Sự cao cả của ngôn sứ Samuen hoàn toàn tùy thuộc vào sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng nói với ông và sự ưu tiên tuyệt đối ông dành cho bí nhiệm này trong cuộc sống của ông: “Samuen lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu. Toàn thể Ít-ra-en, từ Đan tới Bơ-e Se-va, biết rằng ông Samuen được Đức Chúa tín nhiệm cho làm ngôn sứ của Người. Đức Chúa tiếp tục hiện ra ở Si-lô, vì Đức Chúa dùng lời của Đức Chúa mà tự mặc khải cho ông Samuen ở Si-lô” (1Sm 3,19-21).
Cơn khát bị đẩy lui
Nhưng lúc đó, – cũng như tất cả những ai có trách nhiệm về các ơn gọi hôm nay, hoặc chỉ là trách nhiệm thường làm về việc giáo dục trong gia đình và giáo dục học đường cho những người trẻ – chúng ta có thể tự hỏi mình hôm nay còn có thể đáp lại lời Chúa mời gọi không? Nếu sự lắng nghe là cần thiết, nếu sự thinh lặng là cần thiết, nếu một sự tự do để lắng nghe là không thể thiếu, một sự tự do sống động, được nuôi dưỡng và diễn tả bằng cách lắng nghe Thiên Chúa, thì hôm nay nói về ơn gọi, nói về các thứ ơn gọi, nói về cuộc sống như là ơn gọi còn có ý nghĩa gì không?
Thú thật là tôi đã không đặt cho mình bao nhiêu những câu hỏi đó liên quan tới các người trẻ đang sống trong thế giới, nhưng đặc biệt tôi đặt ra những câu hỏi đó liên quan đến những người trẻ mà tôi được gặp trong các đan viện, là những người nói và nghĩ rằng họ đã chọn lựa, đã đáp lại tiếng gọi, đã từ bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu. Họ đã là những tập sinh, những tu sĩ khấn đơn, và ngay cả đã khấn trọng, và đôi khi cũng đã được chịu chức linh mục. Tôi đã gặp ở một số nơi như tại châu Phi, hàng chục người, hoặc ở những nơi khác như ở châu Á, hàng trăm người. Thường sau thời gian chớp nhoáng ở tập viện họ đã dấn thân học triết và thần học. Và dường như chưa ai dạy cho họ nói: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Họ rất khao khát đáp lại lời gọi mời mà họ cảm nhận, vả họ khiêm tốn khẩn khoản xin được đồng hành trên con đường nảy. Tôi vẫn luôn ấn tượng khi nghe các người trẻ trong các đan viện khắp nơi nài nỉ, van xin người ta giúp đỡ họ, vì họ hết lòng muốn theo Chúa Kitô. Nhưng dường như chưa một ai dạy họ lắng nghe Chúa nói, dạy họ biết thinh lặng, dạy họ ăn mày Lời của Ngài là lời nói với họ sự sống, là lời diễn tả chương trình của Chúa cho cuộc đời của họ.
Làm sao họ có thể sống ơn gọi của họ? Họ sẽ sống ơn gọi nào? Họ sẽ nhận sứ vụ gì? Rất tiếc lời đáp thường luôn có sẵn trước mắt chúng ta: Những người trẻ đã già cỗi, đã mệt mỏi, buồn sầu, đã chán nản, khô cằn, không có thể loan báo, không có thể chuyền đến cho người khác lửa của tình yêu Đức Kitô. Họ đã thay thế cơn khát nước nguồn là chính lời mời gọi của Thiên Chúa bằng mơ mộng một mục tiêu đã định trước, như khấn trọng, và nhất là chức linh mục, và một khi đã đạt được mục tiêu này rồi, họ nhận ra đó là một ảo tưởng gây thất vọng, gây thất vọng chính là vì người ta ao ước đó phải là một mục đích, một đỉnh điểm của cuộc sống, chứ không phải là một khởi sự, hay đúng hơn như là một khởi hành để Thiên Chúa tỏ hiện chính Người, xuyên qua cuộc sống của chúng ta. Và người ta bắt đầu ước muốn điều phù du, chất đầy cái trống rỗng bằng những giá trị trần tục: của cải vật chất, chỗ đứng quyền lực, những liên hệ tình cảm khác không liên quan tới cảm thức thuộc về Đức Kitô và thuộc về cộng đoàn, và tất cả những cái đó tóm kết trong máy vi tính, trong tự do sử dụng và lạm dụng các trang mạng Internet với tất cả những gì chất chứa và nối kết trong đó.
Làm sao có thể đưa việc lắng nghe Chúa, gặp gỡ Chúa là Đấng nói, vào trong cuộc sống và trong lòng của con người đang sống trong thế kỷ XXI này, vào trong con người không phải thuộc thế hệ hậu cận đại nhưng là hậu đương đại, bởi vì họ không hiện diện trong cái hiện tại họ đang sống, nhưng đã vượt qua hay sống ở nơi nào đó khác?
Tôi thiển nghĩ, ảnh hưởng rõ nét nhất của văn hóa tin học không tiềm ẩn nơi hình ảnh, ở cái mà người ta thấy hay nhận ra qua hình ảnh, nhưng trong khái niệm về thời gian. Thời gian không kéo dài, nó không được phép kéo dài. Tất cả và ngay lập tức: đó chính là lý tưởng liên quan đến thực tế của văn hóa tin học. Và điều đó có nghĩa là sự chờ đợi không còn nữa, có nghĩa là sự chờ đợi không còn là điều tích cực, không còn là một trải nghiệm của con người mang tính tích cực nữa. Tuy nhiên không có chờ đợi sẽ không còn trải nghiệm về thời gian, về thời gian như là chiều kích trong đó nảy sinh những cái mới. Không có chờ đợi, thời gian không còn có thế giữ lại được sự thinh lặng chờ đợi một lời mới, có nghĩa là lời của Thiên Chúa. Âm nhạc đã trở nên ‘đinh tai điếc óc’ như những bài thuyết trình của các chính trị gia thành công, một thứ âm thanh phá hủy thinh lặng. Người ta nghe một tiếng ồn ào, người ta nhận ra nó, người ta không lắng nghe nó. Tiếng ồn không cống hiến khoảng không gian cho lắng nghe, vì nó không cống hiến không gian cho tự do. Tiếng ồn áp đặt chứ không mời mọc như ngôn từ, như lời gọi, như âm nhạc nhắc nhở chúng ta và đưa chúng ta đến chăm chú và hướng về vẻ đẹp.
Phúc âm hóa con người hôm nay – và xét sâu xa, ơn gọi là một việc phúc âm hóa, là việc để cho Phúc Âm tiếp cận, để cho bản thân mình được Phúc Âm lôi kéo – việc phúc âm hóa con người thời đương đại phải lưu ý đến sự choáng váng ồn ào này và phải tìm ra cách đi sâu vào trong đó. Còn có thể nghe được tiếng thì thầm gọi tên chúng ta ở giữa những ồn ào này không? Chúng ta còn có thể nghe được tiếng Đức Kitô gõ cửa chúng ta vì Người ao ước gặp gỡ chúng ta để chia sẻ với chúng ta bữa ăn và cuộc sống? Hôm nay, dường như Đức Kitô bị đóng kín trong căn phòng và từ bên trong Người lôi kéo sự chú ý của kẻ được gọi đang ở bên ngoài, giữa tiếng ồn ào của giao thông phố thị. Làm sao có thể nghe được tiếng của Người gọi?
Cái điếc hồn nhiên vô tội
Vấn đề bàn đến ở đây mà tôi thấy thời nay bị phóng đại hơn, dẫu sao chúng ta đều phải công nhận rằng nó cũng không phải là mới lạ. Thiên Chúa của Israel, các tổ phụ, Môisê, các ngôn sứ, đều đã chẳng có vấn đề với một dân nặng tai, không có thể nghe được tiếng Chúa đó sao? Và chính Chúa Giêsu đã chẳng mất kiên nhẫn trước cái điếc không phải chỉ của con tim của dân chúng, của các kinh sư, của các người biệt phái nhưng của cả các môn đệ của Người sao? “Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (Mc 8,17-18).
Vâng, chúng ta được sinh ra là để nghe lời Thiên Chúa, mỗi người chúng ta được sinh ra với mục đích đó, mỗi người có tai là để nghe lời Thiên Chúa, như mỗi người có mắt là để nhìn thấy những công việc của Chúa. Nhưng vậy tại sao người ta đã không chịu nhìn, đã không chịu nghe? Câu trả lời thật đơn giản: Bởi vì chúng ta không thể, bởi vì chúng ta không có khả năng, bởi vì thực tế chúng ta điếc trước lời của Thiên Chúa, nhất là những người trẻ, nhất là những người của thời đương đại. Hơn thế nữa, đó chính là chúng ta, các môn đệ của Chúa Giêsu, cũng như các tông đồ, chúng ta chọn lựa cái điếc, và bởi vậy Chúa Giêsu đã có lý khi Người nổi giận với các môn đệ, nổi giận với chúng ta. Nhưng cái điếc của những người trẻ, của người thời nay, không do trách nhiệm của họ. Ngày hôm nay, bầu khí văn hóa là một điều kiện phải chịu đựng, thiếu tự do, cũng chính bởi những phương tiện áp đặt và xâm nhập bầu khí văn hóa này với sự ồn ào đã trở thành phổ quát và lừa lọc và đã khơi dậy một thứ bệnh lý về cái điếc của con tim mà người ta có thể nói đến một thứ tự miễn nhiễm.
Đâu là thái độ của Đức Kitô đối với tất cả điều đó, đối với tình trạng này của đám đông dân chúng? Không phải là sự cảm thương sao? “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường” (Mt 15,32). Nếu Chúa Giêsu đã xót thương vì thiếu bánh, sự cảm thương của Người không lẽ không mãnh liệt hơn trước vấn đề thiếu cái còn cần thiết hơn bánh ăn, đó chính là “tất cả lời do miệng Thiên Chúa phán ra sao?” (x. Đnl 8,3; Mt 4,4).
Đương đầu với những vấn đề của thế giới và của Giáo Hội chỉ từ việc phân tích hiện tượng, phân tích xã hội, phân tích hoàn cảnh không bao giờ mang đến lợi ích cho Nước Chúa. Để làm thế, Con Thiên Chúa không cần phải xuống trần gian. Nhưng Người đã đến và đem lại cho chúng ta sự mới mẻ của cái nhìn của Người là một cái nhìn từ muôn thuở thấu suốt thời gian, lịch sử, thấu suốt những con tim như không ai và không cái gì có thể thấu suốt được.
Bằng mối cảm thương vô biên, Đức Kitô phải nhìn đám dân, những người trẻ của ngày nay đang bị đói khát, đang thiếu Lời từ miệng Chúa phán ra, thiếu Đức Kitô, thiếu sự hiện diện của Người, thiếu Phúc Âm của Người! Nếu Người đã không muốn giải tán đám dân, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường (x. Mt 15,32), chúng ta hãy tưởng tượng sự cảm thương Người có đối với con người hôm nay đang phải đói khát vì thiếu lời Chúa, thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa, và điều đó không phải chỉ mới từ ba ngày, nhưng đã từ muôn thuở!
Ở tất cả các giai đoạn của lịch sử, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ và các thánh nhân có khả năng đem ánh mắt của Đức Kitô đến nhìn đám dân đã bị hư mất và không mục tử. Thời đại của chúng ta cũng có rất nhiều những cái nhìn đầy cảm thương, rõ nét như thế biểu tỏ cái nhìn của Đức Kitô trên thế giới. Chỉ cần nghĩ đến các vị Giáo hoàng mới đây.
Khởi đi từ lời Épphata của Đức Kitô
Nhưng nếu Đức Kitô chắc chắn không vô cảm trước cái điếc và cái mù của thế giới nhân loại thời chúng ta sống bây giờ, Người không thể hay có lẽ không muốn nói lời “Ép-pha-ta” trên thế giới này, trên những người trẻ này chăng?
Trong một bài chú giải Tin Mừng theo thánh Máccô 7,31-37 về việc chữa lành người câm điếc, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI nói rằng hạn từ “Épphata tóm kết tất cả sứ điệp và tất cả công việc của Đức Kitô”. Và ngài nói thêm: “Tất cả chúng ta biết rằng sự khép kín, sự đơn độc của con người, không chỉ tùy thuộc vào các bộ phận của giác quan”.
Có một sự khép kín nội tại liên quan tới cái nhân sâu thẳm của con người, cái mà Kinh Thánh gọi là “lòng” (con tim). Đó chính là cái mà Chúa Giêsu đã đến để “mở”, đến để giải thoát, đến để làm cho chúng ta có thể sống sung mãn sự liên hệ với Thiên Chúa và với những người khác. Chính vì điều đó mà tôi đã nói hạn từ nhỏ bé này “Épphata – hãy mở ra, tóm kết tất cả sứ vụ của Đức Kitô. Người đã làm người để làm cho con người đã bị tội lỗi biến thành điếc, thành câm trong thâm tâm, có thể nghe được tiếng Chúa, tiếng của Tình Yêu nói với lòng mình, và như thế họ học nói được ngôn từ của tình yêu, có thể liên hệ với Thiên Chúa và với những người khác”[1].
Vậy đâu là vấn đề? Nếu chắc chắn Đức Kitô nhìn thế giới này với sự thương cảm vì nó không tiếp nhận Lời của sự sống đời đời, nếu chỉ mình Người có thể và muốn mở con tim của mỗi người bằng lời “Épphata” của Người, nếu đó là điều chính yếu của sứ vụ của Người và, do vậy, đó cũng là điều chính yếu của sứ vụ của Giáo Hội, chúng ta sẽ hiểu rằng vấn đề thật là ở trong chúng ta là những người, vì lý do này hay lý do khác, chắc chắn nhờ ơn nhưng không của Chúa, chúng ta nhận biết lời của Chúa, chúng ta nhận biết cái nhìn của Đức Kitô, chúng ta là những kẻ đã được mở ra nhờ lời Épphata đã ban cho mỗi người chúng ta khi chịu Phép Rửa. Vấn đề không là thế giới, không là những người trẻ, cũng không phải là trang mạng internet hay bất kỳ điều gì khác. Vấn đề là đức tin của chúng ta, sự thiếu đức tin của chúng ta ngăn cản đời sống của chúng ta nhập thể và chuyển trao cho thế giới lời này mà Chúa Giêsu diễn tả qua một hơi thở sâu thẳm thấu tới con tim của Chúa Ba Ngôi.
Trong trình thuật chữa lành người câm điếc, con người bị khép kín đối với liên hệ, khép kín đối với việc lắng nghe và với ngôn từ, khép kín trước sự thông hiệp với Thiên Chúa và những người khác, có thể nói cử chỉ chữa lành của Chúa Giêsu điều động cả Ba Ngôi: “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-ta”, nghĩa là: “hãy mở ra” (Mc 7,33-34)! Tất cả đều ám chỉ sự hiện diện nhập thể của Ngôi Lời, việc Người phó thác cho Cha và hơi thở Chúa Thánh Thần. Có thể nói Tình yêu Ba Ngôi đến qui hướng chúng ta vào tiếng Épphata của Đức Kitô, là tiếng đặt lại con người vào đúng bản tính của mình và ơn gọi của mình là hình ảnh của Thiên Chúa trong việc lắng nghe và trong lời có thể tạo được sự liên hệ của tình yêu hỗ tương.
Đức tin cho phép chúng ta tháp thân vào Đức Kitô, cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người, nhất là trong sứ vụ của Người làm Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và loài người đã được tiền định và tác thành để phản ánh sự Hiệp Thông của Ba Ngôi, bằng cách sống trong cộng đoàn kitô hữu, trong Giáo Hội, như là phần tử sống động và hài hòa của Thân Mình Chúa Kitô.
Sự khẩn cấp đối với Giáo Hội của chúng ta, là điều khẩn cấp hàng đầu đối với các kitô hữu, đó là tháp thân vào Đức Kitô này, Đấng được đặt, như trên Thánh Giá, giữa tình yêu của Cha và và sự khốn cùng của con người.
Trước khi tự hỏi mình về những kỹ thuật và cách thế cần phải nắm bắt để đánh thức và huấn luyện những người trẻ trước ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi của Phép Rửa, trong tất cả các hình thức mà ơn gọi này bao gồm, sự khẩn cấp của đức tin và đức ái là nên đồng hình đồng dạng thật, chứ không phải chỉ theo hình thức, với Đức Kitô của Tin Mừng, với Đức Kitô của tất cả Tin Mừng.
Chúng ta có thể đặt cho mình câu hỏi: Đối với con người của thời đại này, đối với những người trẻ hôm nay, đối với thế giới đương đại, chúng ta có tháp thân vào Chúa Kitô, Đấng đụng chạm đến con người trong khả năng liên hệ đã bị phong tỏa không? Nói cách khác: Chúng ta có đồng hành với Người không? Liệu chúng ta có gần gũi với Người, gần gũi đến độ có thể đụng chạm đến Người, đến độ để cho “mùi của các con chiên có thể thấm nhập vào mình”, theo như kiểu nói thời danh của Đức Giáo hoàng Phanxicô không? Hơn thế nữa: Đối với con người đã tự khép kín, chúng ta có hướng mắt của con tim, mắt của lời cầu nguyện, mắt của niềm tin về Cha nhân từ và đầy lòng thương xót không? Chúng ta có là những người con luôn biết khan xin và tin tưởng Cha luôn lắng nghe chúng ta, nhậm lời chúng ta, ngay cả khi chúng ta xin cho một người chết được sống lại không (x. Ga 11,41-44)?
Và trong lời cầu này, trong niềm tin tưởng này nơi Cha, chúng ta có kết hiệp với “hơi thở” này, với tiếng rên rỉ của Thánh Thần, Đấng hiệp nhất với lời của Chúa Giêsu, có quyền mở rộng những tấm lòng, mở rộng tinh thần, mở rộng sự sống của mỗi người đễ sẵn sàng kết thân với Thiên Chúa và với mọi người không?
Tôi thiển nghĩ nếu tránh né những vấn đề này, chúng ta có nguy cơ luôn đặt vấn đề về sứ vụ của Giáo Hội và về mục vụ các ơn gọi một cách trần tục và không hợp với công việc của Đức Kitô. Chắc hẳn, tất cả đều có thể hữu ích, tất cả đều có thể là khí cụ hữu hiệu, nhưng nếu chúng ta đến tiếp cận với thân phận con người mà lại thiếu tấm lòng thuộc Ba Ngôi, không qui hướng về Chúa Kitô, thì tất cả những khí cụ đó đều vô ích, bởi vì tâm điểm của vấn đề không chỉ là làm tốt hơn, sửa đổi cái gì không đúng, nhưng là làm sống lại cả một cuộc đời, làm sinh động một đặc sủng, một ơn ban của Chúa. Và điều đó, chỉ có mình Thiên Chúa mới có thể làm được; và đức tin biến chúng ta thành những khí cụ của Người.
Anh chị em thân mến, hợp nhất trong cùng một lời cầu chúng ta hãy phó thác lòng chúng ta cho ân ban vô lường của Chúa Thánh Thần, để cho dù yếu đuối và những thử thách chúng ta phải trải qua, chúng ta không đánh mất niềm cậy trông để có thể luôn sống ơn gọi của chúng ta với đức tin và trong đức ái!
Cùng hiệp thông sâu xa, tất cả chúng ta qui tụ trong Căn Phòng Hiện Xuống.
Thân ái.
Fr. Mauro-Giuseppe Lepori, O.Cist .
Tổng Phụ Dòng Xitô
[1] Kinh Truyền Tin ngày 09-09-2012.
KINH CẦU
CHO NGƯỜI DÂN VIỆT NAM
ĐƯỢC NHẬN BIẾT CHÚA
(Do cha Henri Denis Biển Đức Thuận soạn)
Lạy Đức Chúa Trời lòng lành vô cùng/ là Cha giàu lòng thương xót/ xin đoái thương ban cho nước Việt Nam được them nhiều người nhận biết và tôn thờ Chúa/. Lạy Chúa/ xin lắng nghe tiếng máu muôn vàn Đấng Tử Đạo/ đã đổ rưới khắp các Nước này hằng kêu lên cùng Chúa/; xin Chúa làm cho những giọt máu ấy trở nên hạt giống trổ sinh các tín hữu/ để cùng chung một niềm tin yêu Chúa/.
Lạy Chúa Giêsu/ thuở Chúa giáng sinh/ Chúa đã kêu gọi các Đạo sĩ Phương Đông đến thừo lạy Chúa / lại Chúa cũng đã phán rằng/: “Ngày sau sẽ có nhiều người từ Đông Tây đến hưởng phúc cùng Cha Tổ Phụ Abraham trên Nước Trời”/. Này nước Việt Nam cũng thuộc cõi Đông Phương đang còn nhiều người chưa nhận biết Đấng Chí Tôn/. Xin Chúa dẫn đưa họ về cùng Chúa/ hầu ngày sau được hưởng phúc Thiên Đàng/. Chúc tụng tôn vinh Chúa muôn thuở muôn đời.
Lạy Mẹ Maria là Mẹ chúng con/ xin nhận lời chúng con nguyện/ việc chúng con làm mà dâng lên trước toà Chúa / để Chúa chấp nhận mà ban cho dân nước Việt Nam được tìm về đạo Chúa/ và được làm con Chúa cùng làm con Đức Mẹ ở đời này/ hầu ngày sau được hưởng phúc với Chúa và Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng/.
Amen
KINH XIN ƠN
NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU
CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN
Lạy Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu/, vì lòng thương xót vô cùng/, Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người/, sống cuộc đời ẩn dật nghèo khó/, chết đau thương trên thập giá để cứu chuộc muôn dân.
Chúa đã chọn tôi tớ Chúa là Cha Biển Đức Thuận/, làm thầy sai nhiệt thành rao giảng tin mừng trên đất nước Việt Nam./ Chúa lại dùng cha lập dòng chuyên sống cầu nguyện và hy sinh/, để diễn lại cuộc đời âm thầm nghèo khó của Con Chúa/, và tham gia việc cứu rỗi những người chưa nhận biết Chúa.
Lạy Chúa/, chúng con tha thiết nài xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Cha Biển Đức Thuận/, cho chúng con biết noi gương ngài nhiệt thành cộng tác vào việc cứu rỗi các linh hồn/, bằng đời sống cầu nguyện và tuân theo ý Chúa trong mọi sự/, để Chúa được tôn vinh nơi tôi tớ Chúa và mưu ích cho phần rỗi chúng con/. Đặc biệt/, xin Chúa ban cho con những ơn này như lòng chúng con mong ước…(kể ra ý cầu nguyện của mình).
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen
NIỀM VUI MÊNH MANG