Chủ Nhật, 22 Tháng mười hai, 2024

LỄ CHÚA BA NGÔI (Ga 16,12-16)

CHÚA NHẬT XI – TN: LỄ CHÚA BA NGÔI (Ga 16,12-16)

Fm. Bênađô Trần Nghiêm

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong Ki-tô Giáo là mầu nhiệm căn bản và quan trọng nhất. Vì thế, đã là mầu nhiệm thì lý trí con người không sao dò thấu được nếu không có mặc khải của Chúa. Câu chuyện thánh Augustinô suy về Chúa Ba Ngôi và em bé múc nước biển muốn đổ đầy cái lỗ nhỏ minh hoạ cho tư tưởng trên. Qua nhiều thế kỷ, đặc biệt thời các Giáo phụ, vấn đề Ba Ngôi đã được tranh luận rất nhiều, và cũng có nhiều lạc giáo sinh ra từ những cuộc tranh luận đó. Dù hiện nay vấn đề Chúa Ba ngôi không còn được bàn cãi nữa, nhưng chúng ta cùng nhau ôn lại và xác quyết đức tin vào Một Chúa Ba Ngôi dựa trên Kinh Thánh, trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội. Cuối cùng, chúng ta cùng xem xét chỗ đứng của Chúa Ba Ngôi trong đời sống đan sĩ Xitô.  

  1. Kinh Thánh nói gì về Chúa Ba Ngôi?

Xét trong nhiệm cục cứu độ, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được mặc khải dần dần trong Kinh Thánh.  Trong Giao Ước Cũ, Chúa Ba Ngôi chưa được mặc khải rõ ràng, vì các tác giả nhấn mạnh niềm tin độc thần trong kinh Shema của mình (x. Đnl 6,4) để chống lại niềm tin đa thần nơi các nền văn hóa chung quanh họ. Tuy nhiên, họ cũng để lộ ra một số ám chỉ về Một Thiên Chúa với nhiều chức năng như Thần khí trong Sáng Thế 1,2; Thiên Chúa trong số nhiều trong Sáng Thế 1,26-27; 11,7; 18,1-22; Is 6,8; Thiên Chúa như là Cha trong Đệ Nhị Luật 32,6; Tv 89,26; Thiên Chúa như là Con trong Thánh Vịnh 2,7.12; Châm Ngôn 30,4; Đanien 7,13-14…

Trong Giao Ước Mới, các Tin Mừng đã trình bày rõ ràng cho chúng ta về ba ngôi vị của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu 28, 19, Chúa Giê-su sai phái các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc bằng việc nhân danh Chúa Ba Ngôi để làm Phép rửa. Chính Chúa Giê-su khi chịu Phép rửa tại sông Gio-đan cũng được Chúa Cha xác nhận là Con Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần trong hình chim bồ câu đậu xuống trên Ngài (x. Lc 3,21-22; Mc 1,10-11; Mt 3,16-17; Ga 1,32).

Chúa Giê-su trong Tin Mừng Gio-an luôn giới thiệu cho mọi người sự hiệp thông trọn vẹn giữa Ba Ngôi. Sự hợp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con luôn được lặp đi lặp lại từ chương 13-16, trong đó Chúa Thánh Thần như là Đấng Bảo Trợ được hứa ban cho các môn đệ (x. 14,26; 20,22). Thêm vào đó, thánh Gio-an thích nhấn mạnh đến bản tính Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 3,14) khi viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,16).

Đối với thánh Phaolô, ngài xem mầu nhiệm Ba Ngôi như là một sự thật hiển nhiên; Ngài nhắc đến mầu nhiệm ấy như là mục đích của nhiệm cục cứu độ: Thiên Chúa sai Con và Thánh Thần vào trong thế gian để nhận con người làm dưỡng tử (x. Gl 4,4-7; Rm 8,14-17). Như quyền năng Chúa Thánh Thần trong Chúa Cha đã làm cho Chúa Giê-su Ki-tô chỗi dậy, người tín hữu cũng sẽ được cùng sống lại với Chúa Ki-tô khi cùng mai táng với Người qua bí tích Thánh Tẩy (x. Rm 6, 1-8) mà Chúa Thánh Thần như là hoa trái nhờ sự biến đổi của các tín hữu trong bích tích đó (x. Gl 5,22). Cuối cùng, ngài dùng danh thánh Ba Ngôi thay lời chúc phúc cho các giáo đoàn ngài thiết lập (x. Rm 1,4; 2Cr 13,14) và sau này được đưa vào lời chào đầu lễ của chủ tế trong thánh lễ.

  1. Chúa Ba Ngôi trong phụng vụ của Giáo Hội

Trong phụng vụ, Kinh Tin Kính được cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi rất sớm tuyên xưng về Một Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi, gọi là “Kinh Tín Kính các Thánh Tông Đồ”. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi có một chỗ đứng đặc biệt trong phụng vụ của Giáo Hội sơ khai, đặc biệt là bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể. Vâng lệnh Chúa Giê-su (x. Mt 28, 19), Giáo Hội ra đi qui tụ con cái của Chúa khắp nơi vào trong Hội Thánh bằng Phép rửa, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Qua Bí tích này, tình yêu của Thiên Chúa được thông truyền cho các tín hữu như là con cái Thiên Chúa (x. 2Pr 1,4). Vì thế, để làm con Thiên Chúa, họ phải dứt khóat từ bỏ mọi tội lỗi, những quyến rũ của ma quỉ, và tin vào quyền năng của Chúa Cha, ơn cứu độ của Chúa Con và ơn thánh hoá của Chúa Thánh Thần để biến đổi cuộc sống trong sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống mới (x. Nghi Thức Bí tích Thánh Tẩy).

Trong chiều kích thân mật hơn, Bí tích Thánh Thể mời gọi các tín hữu hiệp thông trọn vẹn trên bàn tiệc thánh với Chúa Ba Ngôi khi rước Mình và Máu Chúa Ki-tô vào lòng. Chóp đỉnh của tình yêu Thiên Chúa được thể hiện trong biến cố chết và phục sinh của Chúa Giê-su mà Bí tích Thánh Thể là dấu chứng rõ ràng nhất về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Vì thế, mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là một mầu nhiệm khô khan, chỉ để nói về Thiên Chúa; mầu nhiệm này còn để nói lên mối tương quan hiệp thông tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa sung mãn hạnh phúc trong gia đình Ba Ngôi không giới hạn trong mầu nhiệm nội tại của Ngài, nhưng được tràn đổ trên nhân loại trong nhiệm cục cứu độ như là ân sủng ban tặng. Vì thế, Vịnh Gia đã thốt lên: “thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,5). Như thế, con người được làm nghĩa tử của Chúa là do tình yêu ban tặng. Ngài ban cho chúng ta Con duy nhất của Ngài để chúng ta được làm con Thiên Chúa. Tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa được gói gọn trong Bí tích Thánh Thể và Ngài muốn nhân loại cũng biểu lộ tình yêu đó đối với tha nhân.

  1. Chúa Ba Ngôi trong đời sống của Đan sĩ

Trước hết, tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa mang chiều kích cộng đoàn và gia đình, trong đó Cha yêu Con bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần. Người đan sĩ cộng tu cũng sống trong chiều kích gia đình và cộng đoàn bằng tình yêu đó. Hội dòng Thánh Gia lập nên lấy gương mẫu của gia đình Na-gia-rét, nhưng sâu hơn, đó là mẫu gương Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Bản tính hay bản sắc của Ba Ngôi Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8), vì thế người đan sĩ trong tương quan gia đình phải được đặt nền tảng trên tình yêu. Không có tình yêu, người đan sĩ sẽ không gia nhập cộng đoàn như một gia đình; không có tình yêu thì họ cũng không từ bỏ mọi sự và không hy sinh! Vì thế, khởi đầu cuộc sống người đan sĩ là phải xét xem mình có thực sự yêu mến ơn gọi, thực sự yêu mến cộng đoàn, và đặc biệt là mình có vì tình yêu Chúa mà bước vào Hội Dòng Thánh Gia không? Hay nói cách khác, đức tin của người đan sĩ vào Chúa Ba Ngôi như là tình yêu hiệp thông đã được thấm nhuần trong tâm hồn họ hay chưa?

Từ sự phong phú trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi đến sự đa dạng phong phú trong đời sống cộng đoàn: cộng đoàn như một vườn hoa, có nhiều hương sắc khác nhau nhưng chỉ có một nhiệm vụ là làm cho vườn hoa thêm phong phú. Người đan sĩ cũng ý thức cấu trúc cộng đoàn theo mẫu gương Chúa Ba Ngôi như thế. Vì vậy, họ phải tôn trọng sự khác biệt về vai trò, khả năng, tư tưởng của mỗi thành viên trong cộng đoàn. Sống cộng đoàn là sống chiều kích Ba Ngôi trong tương quan phong phú và đa dạng, chứ không phải như một khuôn đúc khô cứng duy nhất.

Dấu thánh giá nhân danh Chúa Ba Ngôi hằng ngày các đan sĩ cử hành phụng vụ thúc đẩy họ sống chiều kích bí tích trong cuộc đời của mình. Dấu tích thánh giá khi làm dấu hằng ngày biểu thị một ấn tích Ba Ngôi Thiên Chúa sâu xa trong tâm hồn của mỗi đan sĩ.  Bích tích Thánh Tẩy, đòi buộc họ từ bỏ mọi sự, chịu đựng mọi sự gột rửa của bề trên và anh chị em. Bí tích Thánh Thể đòi buộc họ phải tham dự vào cái chết của Chúa Giê-su mọi ngày như là hy lễ dâng lên Thiên Chúa và trở thành món quà cho anh chị em của mình. Lời khấn nhân danh Ba Ngôi cũng giúp họ hoàn tất ơn gọi của họ vì họ đã chọn Chúa là gia nghiệp của mình. Tất cả những cử chỉ của họ nói lên sự hy sinh phát xuất từ tình yêu Chúa và yêu anh chị em của mình.

Nói tóm lại, đức tin vào Chúa Ba Ngôi luôn phải được cử hành một cách sống động trong phụng vụ, các bí tích và trong cuộc sống của người Ki-tô hữu, đặc biệt trong cuộc sống đan sĩ vì họ tự nguyện nhân danh Chúa Ba Ngôi để tuyên khấn giữ các Lời Khuyên Phúc Âm bằng một tình yêu tự hiến trong nội vi đan viện. Người đan sĩ không ồn ào loan báo Tin Mừng bên ngoài, nhưng âm thầm hy sinh cầu nguyện và gương sống chứng nhân của mình. Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI viết: “Người thời đại hôm nay thích gương sống chứng nhân hơn là thầy dạy” (Giáo Hoàng Phao-lô VI, Evangelii Nuntiandi, no. 41 (1975). Vì thế, người đan sĩ phải luôn ghi nhớ kinh nghiệm sâu xa của thánh Giáo Hoàng để sống chiều kích mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thật sống động trong khung cảnh đan viện, như thánh Phao-lô dạy: “dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31) và “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật IV Mùa Vọng C (Mk 5,2-5; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45) Đức Trinh Nữ Vội Vã Lên Đường

Chúa Nhật IV Mùa Vọng C (Mk 5,2-5; Hr 10,5-10; Lc 1,39-45) Đức Trinh Nữ Vội Vã Lên Đường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta...

Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18) Gặp Chúa qua muôn nẻo đường

Chúa Nhật III Mùa Vọng C (Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18) Gặp Chúa Qua Muôn Nẻo Đường Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ lời...

Chúa Nhật III Mùa Vọng, C, Lc 3,10-18: Trở về với sự thiện

    TRỞ VỀ VỚI SỰ THIỆN (Lc 3,10-18) M. Mai Đăng Minh, CĐ Thiên Phước Con người ngay từ đầu được sinh là nhân chi sơ tính bản...

Chúa Nhật III Mùa Vọng, Lc 3,10-18: Niềm vui nhận biết Đấng Cứu Thế

    Niềm vui nhận biết Đấng Cứu Thế  (Lc 3,10-18)            Đan sĩ M. Paula Đình, Châu Thủy Khởi đi từ bài đọc II,...

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở nên vô nhiễm giữa thế giới “ô nhiễm”

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Lc 1,26-38) Trở Nên Vô Nhiễm Giữa Thế Giới “Ô Nhiễm” Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ. O.Cist Giữa bầu...

Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội – Mầu nhiệm tội lỗi

  LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI MẦU NHIỆM TỘI LỖI Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Châu Sơn Đơn Dương Hôm nay, chúng ta suy niệm về con...

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa đến trong cuộc đời

Chúa Nhật II Mùa Vọng C (Br 5,1-9; Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) Để Chúa Đến Trong Cuộc Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa trong Chúa...

9/12 – Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Lc 1,26-38) M. Bảo Hạnh, Phước Lý Phụng vụ Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, thời gian...

Chúa Nhật II MV, C, Lc 3,1-6: Cách chuẩn bị cho Chúa đến

    Cách chuẩn bị cho Chúa đến (Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) M. Bosco, Phước Sơn      Chuẩn bị đón Chúa chính là ý nghĩa của mùa Vọng....

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Tỉnh thức

    Tỉnh thức (Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 - 4,2; Lc 21,25-28.34-36) M. Anges, Phước Thiên      Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta....

Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Phải chăng tử đạo vì chán đời?

  Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam Phải Chăng Tử Đạo Vì Chán Đời? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, toàn...

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp...