Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 13
PHẢI CỬ HÀNH KINH SÁNG
NGÀY THƯỜNG THẾ NÀO?

 

Ngày 15.2 – 16.6 – 16.10    

1 Các ngày thường đọc Kinh Sáng như sau: 2 Thánh Vịnh 66 không có tiền ca, đọc chầm chậm cho mọi người đến kịp đọc Thánh Vịnh 50 với tiền ca. 3 Sau đó là hai Thánh Vịnh khác như thường lệ nghĩa là 4 thứ hai đọc Thánh Vịnh 5 và 35; 5 thứ ba đọc Thánh Vịnh 42 và 56; 6 thứ tư đọc Thánh Vịnh 63 và 64; 7 thứ năm đọc Thánh Vịnh 87 và 89; 8 thứ sáu đọc Thánh Vịnh 75 và 91; 9 thứ bảy đọc Thánh Vịnh 142 và Thánh Ca trích trong sách Đệ Nhị Luật, chia làm hai đọc với kinh Vinh Danh. 10 Các ngày khác, mỗi ngày có Thánh Ca riêng lấy trong sách ngôn sứ như Giáo Hội Rôma quen đọc. 11 Tiếp đến là các Thánh Vịnh chúc tụng, đọc thuộc lòng một đoạn trong thư thánh Tông Đồ, đáp ca, thánh thi Ambrosianô, xướng đáp, Thánh Ca Tin Mừng, lời cầu, thế là xong giờ Kinh Sáng.  

 

Chú giải:

 

A – Ngày 15.2

Trong phụng vụ, có những ngày thường và những ngày khác thường. Diễn ngữ la tinh được thánh Biển Đức dùng thật là thú vị, bởi vì về những ngày thường ngài nói là “privatis diebus”, những ngày “không có”, trái ngược với những ngày “có” (kính) các thánh. Như thế, trong phụng vụ, có những ngày “có” và những ngày “không có”.

Những ngày “không có” thì đơn giản hơn. Những ngày đó giống như mùa chay thiêng liêng của linh hồn, thiếu những điểm mốc là lễ kính thánh hay những lễ trọng thể. Những ngày đó giống như khoảng trống giữa các từ trong một bản văn, giúp ta hiểu được nghĩa của bản văn ấy. Vì nếu tất cả các từ bị dính liền nhau, ta sẽ rất khó mà nhận ra được nghĩa của bản văn.

Như vậy, cốt yếu là những ngày “không có”. Những ngày này được coi như thời gian để tiêu hóa, để nghiền ngẫm, nhưng cũng để đợi chờ, thời gian để cho khát vọng nảy sinh. Khoảng thời gian này tối cần thiết để tránh bị bội thực và để giữ nhịp đều hòa cho đời sống nội tâm.

Trong sa mạc, điều khiến người ta mong mỏi gặp suối, điều thôi thúc người ta đi tìm giếng nước đó là vì chúng rất hiếm hoi. Những ngày “không có” là thành phần của sa mạc cuộc đời ta. Những ngày ấy cần thiết cho nhịp đều hòa của đời sống thiêng liêng nơi ta, vì duy trì trong ta sự chờ đợi và lòng khát khao. Đó là những động cơ của đời sống nội tâm. Hay đúng hơn, đó là những khoảng không gian hoang dã, trơ trụi, là sa mạc của con tim, nơi đó Thiên Chúa có thể nói cho ta nghe tiếng ngài. Chính vì có những điều bình thường, nên mới có những điều khác thường.

B – Ngày 16.6

Phải thú nhận là khi đọc phần tu luật này người ta cảm thấy như bị ngộp thở bởi những bảng liệt kê thật dài các Thánh Vịnh được phân phối cho các giờ thần vụ. Và người ta không thể không tự hỏi tại sao thánh Biển Đức lại bỏ công nói về nhiều chi tiết như vậy, trong khi ta mong ngài nói kỹ hơn về cầu nguyện. Ngài đã chẳng quan tâm nhiều đến số lượng hơn là phẩm chất của cầu nguyện đấy sao?

Có lẽ phải kiên trì cầu nguyện lâu dài, phải trường kỳ chiến đấu trong cuộc chiến cầu nguyện, mới nhận ra được lý do đã khiến thánh Biển Đức làm như vậy. Phẩm chất của cầu nguyện, theo như ta hiểu, với những trạng thái tâm hồn phấn khởi mãn nguyện, sẽ mau chóng nhường chỗ cho những thời kỳ trống rỗng, thinh lặng, đợi chờ, lúc mà đủ loại tư tưởng và ước muốn dồn dập xuất hiện trong tâm trí ta.

Chính lúc đó ta sẽ có được một kinh nghiệm khác thường, nếu ta kiên trì cầu nguyện. Vì lúc đó, nếu không bỏ cuộc, ta sẽ cảm nghiệm được rằng không phải ta duy trì việc cầu nguyện, nhưng việc cầu nguyện giữ gìn ta.

Người ta đã nói đến một anh em mỗi ngày đều cầu nguyện nhiều giờ trong nhà thờ. Người anh em ấy không phải đã hoàn thiện, những nẻo đường anh đi không phải luôn luôn là hoàn toàn ngay ngắn. Nhưng mỗi khi cầu nguyện anh lại được đưa về với con đường anh phải đi, và anh biết thế. Anh cũng biết rằng Thiên Chúa là đấng tín trung, rằng cầu nguyện là sự bảo vệ tốt nhất cho ta, đặc biệt là bảo vệ ta khỏi chính mình.

 

C – Ngày 16.10 

Với thánh Biển Đức, nếu Khải Huyền là cuốn sách được đọc vào ngày Chúa nhật, thì các Thư thánh Phaolô được dành cho những ngày thường. Vậy thánh Phaolô là vị tông đồ của những ngày thường sao? Đúng thế, vì thánh nhân quan tâm đến mọi thứ trong cuộc sống, đến những sự kiện nhỏ nhặt dệt nên cuộc sống thường ngày, để nhận ra nơi đó dấu vết của Chúa.

Thực vậy, thánh Phaolô, đó là cuộc sống riêng tư của mỗi cá nhân, với tiếng gọi hoán cải hằng ngày, nhưng cũng là cuộc sống cộng đoàn, là cách ứng xử cụ thể trong mọi tình huống. Nhưng thánh Phaolô cũng chính là hơi thở của Thần Khí phá vỡ mọi rào cản (chẳng còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà), và đặt tình yêu lên trên tất cả.

Thánh Phaolô chính là thầy dậy của cái thường ngày, giúp ta khám phá sự cao cả của mọi giây phút trong cuộc sống. Chẳng còn có gì là không đáng kể. Đồ ta ăn, thức ta uống, việc ta làm, những niềm vui ta hưởng, những nỗi khổ ta chịu, tất cả đều có chỗ đứng trước mặt Thiên Chúa. Thánh Phaolô chính là khoa thần bí về cuộc đời này, khoa thần bí về cái thường nhật.

Nhưng đó cũng là khoa thần bí về trời cao, về tầng trời thứ bảy đôi khi được biểu lộ bất ngờ, lúc ta chẳng mong đợi. Chắc hẳn đây cũng là lý do khiến phụng vụ thích đọc thánh Phaolô. Vì đối với thánh nhân, thần bí về cuộc đời và thần bí về trời cao liên kết mật thiết với nhau.

 

Ngày 16.2 – 17.6 – 17.10   

12 Kinh Sáng cũng như Kinh Chiều, bao giờ cũng phải kết thúc bằng kinh Lạy Cha do viện phụ đọc cho mọi người nghe, bởi vì trong đan viện thường có những va chạm xảy ra, 13 để khi nhất trí trong lời nguyện: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha”, anh em cũng được thanh tẩy các lầm lỗi của họ. 14 Còn trong các giờ kinh khác, chỉ đọc lên câu cuối cùng, để mọi người thưa: “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

 

Chú giải:

A – Ngày 16.2

Chẳng đời sống cộng đoàn nào mà không có gai góc, và không cần xin ơn tha thứ, cũng như không cần phải tha thứ cho ai. Nếu không vậy, có lẽ ta nên đặt vấn đề về tính xác thực của cuộc sống ta. Vì rất là nguy hiểm khi sống trong một thứ bình an sai lạc khiến ta mờ mắt và không thật sự dấn thân trên đường Phúc Âm nữa.

Tha thứ, xin tha thứ, chỉ thực hiện được khi ta có thể lùi bước với chính mình, với vết thương ta đã phải chịu, hay với cơn nóng giận đã xâm chiếm ta. Điều đó không thực hiện một mình được, vì thường cả hai bên đều cho là mình đúng và đợi bên kia đi bước trước.

Trong chương 13 này, thánh Biển Đức cho ta bí quyết để thực hiện một tiến trình hòa giải đích thực. Việc hòa giải này luôn luôn bắt nguồn từ ước muốn sống lời Chúa Giêsu dậy, dẫu rằng đó là điều khó khăn. Khi Chúa Giêsu đến cư ngụ trong cuộc đời ta, mọi sự đều có thể, ngay cả những việc nặng nhọc và đau đớn nhất.

Vì, bằng một cách nào đó, việc hòa giải luôn luôn đòi phải khơi lại vết thương, đôi khi đã rất lâu rồi, chứ không chấp nhận một giải pháp dễ dãi. Một trong những chiều kích cốt yếu của tha thứ, đó là thinh lặng để nghe thấy được nỗi đau khổ của người khác. Điều này đôi khi đòi phải mất nhiều thời gian, nhưng khi có thể thực hiện được giữa anh em với nhau, thì đó là dấu hiệu hiển nhiên nhất cho thấy Thánh Thần đang hiện diện trong một cộng đoàn.

B – Ngày 17.6

Có những người bất cứ đi tới đâu dường như cũng để lại một vị đắng, một mùi lưu huỳnh. Dường như họ có tài nói những lời làm cho kẻ khác bị tổn thương. Dù đôi khi có kiểu cách dễ chịu, họ vẫn gieo rắc một nỗi cay đắng sâu xa, như thể muốn trả thù cái gì đó. Nhưng cũng có những người chỉ cần họ hiện diện là dường như mọi sự đều sáng lên, mặc dù đôi khi họ chẳng nói gì. Mùi hương họ để lại làm thơm lây và thoa dịu tất cả.

Tôi thường tự hỏi sao lại có sự khác biệt như thế. Tại sao có một số người dù đi đến đâu cũng không thể không gieo mầm đắng cay chua chat? Tại sao có những người khác chỉ cần hiện diện là đã làm nảy sinh an bình? Có lẽ một trong những cách giải quyết vấn đề, một vấn đề có liên quan tới các cộng đoàn đan tu chúng ta, được tìm thấy trong đoạn tu luật ở đó thánh Biển Đức chú ý tới một câu trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha”. Bí quyết đó phải chăng là sự tha thứ?

Quả thực, việc ta nhìn thế giớí, nhìn người khác, tùy thuộc rất nhiều ở cách ta nhìn mình. Chúa Giêsu đã chẳng bảo rằng việc ta được Chúa tha thứ tùy thuộc vào việc ta tha thứ cho người khác đó sao? Điều này khiến ta ngạc nhiên nhưng lại rất thực tế. Ta không thể xin hay nhận được ơn tha thứ nếu đã không bằng lòng tha thứ cho người lân cận. Chính khi bằng lòng tha thứ, ta sẽ nhận ra mình cần được tha như thế nào và đã được tha biết bao nhiêu rồi. Nhưng phải tha thứ ra sao?

Khi cố gắng tha thứ cho những người xúc phạm đến mình, ta mới thấy khó biết bao, ngay cả đến không thể được nữa. Có phải gắng sức không khi mà ta cảm thấy trào lên trong lòng một nỗi hận ghê gớm như thế? Tuy nhiên, nhận ra nỗi hận chất chứa trong lòng là một hồng ân lớn lao. Vì chính khi khám phá ra vết thương thầm kín đó, nỗi oán hận đó, khiến cho tâm hồn ta trở nên cằn cỗi, mà, nhờ ơn thánh, ta có thể tha thứ và nhận ra mình cần được tha thứ.

C – Ngày 17.10

Nếu sách Khải huyền được đọc vào ngày Chúa nhật và các thư thánh Phaolô được dành cho ngày thường, thì lời kinh của Phúc Âm, kinh Lạy Cha, được đọc mỗi ngày. Có lẽ vì đọc nhiều mà ta không còn ý thức được tất cả nội dung phong phú của lời kinh này nữa. Vì thế, thánh Biển Đức đã nhấn mạnh đến ở câu 12 và 13.

Ngài nêu lên hai lý do chính: Thứ nhất, đó là “những cái gai, những ác ý thường len lỏi trong đời sống cộng đoàn cần phải được nhổ đi, phải được thanh tẩy. Tác dụng đầu tiên của kinh Lạy Cha là giúp ta ý thức được những vết thương ta đã gây ra cũng như những vết thương ta đã phải chịu. Thiết yếu phải nhận thức được điều xấu ta đã làm cho người khác và cả điều xấu người khác làm cho ta.

Lý do thứ hai thánh Biển Đức nêu lên để ta đọc kinh Lạy Cha đó là ta cần được tha thứ. Ở câu 13 ngài nói: “Để khi nhất trí trong lời nguyện: ‘Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha’, anh em cũng được thanh tẩy các tội lỗi của họ”. Điều này liên hệ tới lời khấn canh tân, canh tân cuộc sống, mà ta phải thực hiện mỗi ngày.

Chấp nhận nhìn thẳng vào những vết thương ta gây ra cho người khác cũng như những vết thương ta phải hứng chịu rồi sẵn sàng tha thứ, đó là ý nghĩa của lời khấn canh tân ta đã tuyên hứa trong ngày khấn dòng. Có lẽ không vô ích nếu ta tự vấn xem mình đã thực hiện lời khấn này ra sao.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...