Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

 Chương 19
CUNG CÁCH KHI HÁT THÁNH VỊNH

 

Ngày 25.2 – 26.6 – 26.10    

1 Ta tin Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và mắt ngài hằng nhìn xem người lành kẻ dữ . 2 Nhưng ta càng xác tín điều này hơn khi tham dự Thần Vụ. 3 Vì thế, ta hãy nhớ lời ngôn sứ rằng: “Anh em hãy phụng thờ Chúa với lòng kính sợ”. 4 Lại rằng: “Hãy ca ngợi cho thật khéo”. 5 Và “Trước mặt các thiên thần, con ca ngợi Chúa”. 6 Vậy ta hãy xem mình phải có thái độ nào trước nhan Thiên Chúa và các thiên thần. 7 Ta hãy hát Thần Vụ thế nào cho tâm trí hoà hợp với lời ca.

 

Chú giải:

A – Ngày 25.2

Với thời gian, ta rất dễ quen với mọi sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, như thần tụng chẳng hạn. Và cũng rất dễ đánh mất ý thức về điều mình đang sống. Sống dưới cái nhìn của Chúa, trước mặt các thiên thần, như thánh Biển Đức nhắc nhở, điều đó đòi phải có đức tin vững mạnh.

Đó là thái độ nội tâm sẽ biểu hiện nơi cách ta sống. Thánh Biển Đức nhấn mạnh điều này, vì ơn gọi của đan sĩ hệ tại việc tìm lại nơi bản thân sự thống nhất mà tội lỗi đã phá vỡ.

Khi con người yêu nhau, tình yêu sẽ thay đổi cách sống của họ, tới độ dần dần họ sẽ nên giống nhau. Đó là điều thánh Biển Đức nhắm tới trong việc thống nhất hóa con người, trong việc biến đổi nội tâm. Khi con tim tràn đầy Thiên Chúa, mọi sự sẽ thay đổi, cả đến công việc ta làm cũng thay đổi, vì ta làm là làm cho Chúa.

 

B – Ngày 26.6

Cảm thức về sự “Hiện diện của Chúa”, đó là bậc thứ nhất đức khiêm nhường, như thánh Biển Đức diễn tả ở chương 7. Và bậc khiêm nhường này được thể hiện đặc biệt trong phụng vụ. Kết quả là ta có được sự chăm chú trong việc cử hành giờ kinh. Như thế, khả năng chăm chú, ở khiêm nhường và sống trước sự hiện diện của Chúa có liên hệ mật thiết và cốt yếu với nhau.

Đúng vậy, nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy sự thiếu chăm chú cũng như những chia trí hầu hết là những hình thức co cụm lại với mình. Bị giam hãm trong những tâm tình, ý tưởng, cảm súc của mình, ta sẽ vô cảm trước sự hiện diện của người khác. Ta coi mình như trung tâm của thế giới này.

Thần vụ là ngôi trường kỳ diệu dậy ta biết thoát khỏi bản thân mình. Khi mời gọi ta nhẩm đi nhẩm lại Lời Chúa, thần vụ giúp ta ra khỏi mình, giải thoát ta khỏi cái tôi của ta. Thần vụ khiến ta không còn cho mình là trung tâm thế giới nữa.

Khi ta để cho Lời Chúa đưa ta ra khỏi cái tôi nhỏ bé của ta, đó là dấu ơn thánh đang hoạt động để dần dần kéo ta ra khỏi cái tôi giả tạo và làm cho ta thành những con người tự do. Đó là những con người có tâm hồn mở rộng để nhận ra sự hiện diện của Chúa.

C – Ngày 26.10

“Ta tin Chúa hiện diện khắp nơi” (c.1). Chính vì vậy mà “ta phải hát thần vụ thế nào cho tâm trí hòa hợp với lời ca” (c.7). Câu đầu và câu cuối của chương này liên kết chặt chẽ với nhau, diễn tả cách tóm tắt tất cả những gì thánh Biển Đức muốn dậy trong tu luật, diễn tả ngay chính mối tương quan mật thiết giữa mầu nhiệm Thiên Chúa và sự thống nhất đã được phục hồi của mầu nhiệm con người.

Nhưng thiết tưởng thánh Biển Đức muốn dẫn ta đi xa hơn nữa. Thực vậy, ngài cho ta cảm nhận rằng chính Thiên Chúa đưa ta trở về sự thống nhất nơi bản thân ta, rằng khi tiến lại gần Chúa ta cũng lại gần mình, rằng ta tái khám phá được sự thống nhất đã bị tan vỡ.

Với thánh Biển Đức, trên con đường tái kiến thiết này, phụng vụ giữ vị trí thiết yếu cũng như việc lao động chân tay và đời sống cộng đoàn. Quả thật, cũng như hai lãnh vực này, phụng vụ là ngôi trường đích thực dậy thống nhất nội tâm, tái tạo hữu thể. Khi dần dần đi sâu vào ý nghĩa các Thánh Vịnh, ta sẽ nhận ra vết thương nội tâm, sự rạn nứt trong linh hồn mình, do bởi sự dối trá, độc dữ, dục tính, ghen tương. Nhưng cũng nhờ các Thánh Vịnh mà ta có thể nhận ra giữa những tội lỗi của mình vết tích của Thiên Chúa, dấu hiệu về sự hiện diện của ngài.

Sống trước sự hiện diện của Chúa và tìm lại sự thống nhất nội tâm thực ra chỉ là một. Không thể có điều này mà lại thiếu điều kia. Và trong cuộc tái thiết thiêng liêng này, cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện bằng Thánh Vịnh giữ vai trò cốt yếu. Vì ta càng tiến tới, Lời Chúa là Thánh Vịnh càng trở thành của riêng ta, ta nên như tác giả Thánh Vịnh, theo lời Cassianô trong bài Thuyết giáo X.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...