Chương 21
CÁC TRƯỞNG NHÓM MƯỜI NGƯỜI TRONG ÐAN VIỆN
Ngày 27.2 – 28.6 – 28.10
1 Nếu cộng đoàn đông thì hãy chọn trong anh em những người có hạnh kiểm tốt và đời sống thánh thiện mà đặt làm trưởng nhóm mười người. 2 Họ sẽ săn sóc cho anh em nhóm mình trong mọi sự đúng luật Chúa và theo chỉ thị của viện phụ. 3 Hãy lựa chọn các trưởng nhóm làm sao để viện phụ có thể an tâm chia sẻ gánh nặng của ngài cho họ. 4 Đừng chọn theo thứ tự, nhưng theo công trạng đời sống và đạo lý khôn ngoan. 5 Nếu không may trong các trưởng nhóm có ai sinh kiêu căng đáng khiển trách, thì hãy cảnh cáo một, hai hoặc lần thứ ba. Nếu không chịu sửa mình, thì bãi chức 6 và đặt người khác xưng đáng lên thay. 7 Về viện phó, cha cũng quy định như thế.
Chú giải:
A – Ngày 27.2
Mười như thể mười ngón tay, mười như thể mười hạt trong một chục kinh Kính Mừng. Thánh Biển Đức ý thức rằng quá con số mười sức năng động của nhóm sẽ thay đổi, và tương quan giữa các thành viên của nhóm sẽ mang một kiểu cách khác.
Chủ định của thánh Biển Đức là một nhóm với mười người sẽ cho ta có thể có những lúc sống gần gũi nhau hơn, chia sẻ với nhau mật thiết hơn. Những điều đó một nhóm lớn hơn sẽ khó mà thực hiện được, vì còn có những mối quan tâm khác nữa.
Đối với ta, đó là vấn đề anh em nâng đỡ nhau. Ta cảm thấy có nhu cầu và cần thiết phải nâng đỡ nhau để thăng tiến, nhưng ta không biết phải nâng đỡ nhau như thế nào trong đời sống cộng đoàn. Thánh Biển Đức cống hiến cho ta những hướng suy tư. Mức độ lớn nhỏ của một nhóm phải thích ứng với mục đích của nhóm. Hình thức luôn luôn là để phục vụ cho nội dung.
B – Ngày 28.6
Vai trò của các trưởng nhóm, những viên chức trong đan viện, đó là giúp cho viện phụ được an tâm. Thánh Biển Đức nhấn mạnh là viện phụ phải cảm thấy được an tâm về họ, để ngài có thể chia sẻ cho họ gánh nặng trách nhiệm của ngài.
Điều ấy có thể hiểu về mỗi chức vụ trong cộng đoàn, dù khiêm tốn tới đâu. Trong truyền thống Biển Đức, viện phụ chịu trách nhiệm về tinh thần cũng như vật chất. Thánh Biển Đức yêu cầu viện phụ quan tâm đến mọi lãnh vực: chăm sóc bệnh nhân, kéo chuông giữ hiệu, kích thước y phục, phân lượng thức ăn v.v. Nhưng một người sao có thể làm hết. Vì thế tu luật mời gọi mỗi người dự phần vào chức vị làm cha của viện phụ. Một cách nào đó, mỗi người ở vị trí của mình đều mang lấy một chút sự ân cần chăm sóc của viện phụ về tinh thần cũng như vật chất.
Các vấn đề sẽ nảy sinh khi một anh em coi nhiệm vụ được ủy thác như là việc của riêng mình, khi biến công việc mình phụ trách thành lãnh vực riêng tư, khi tìm cách lôi kéo anh em, tạo thành phe phái, làm phương hại đến cộng đoàn. Khi đó, thánh Biển Đức tỏ ra thật là cương quyết. Ngài muốn người anh em ấy phải bị bãi nhiệm và được thay thế bằng một anh em xứng đáng hơn.
Điều quan trọng là tự vấn về cách ta thi hành nhiệm vụ. Thực vậy, sự bổ trợ luôn luôn đòi phải có hai điều cơ bản, đó là ý thức về vai trò phục vụ người khác (phải có sự ân cần) và tường trình công việc với viện phụ.
C – Ngày 28.10
Trong chương về các trưởng nhóm này ta gặp lại nhiều yếu tố phân định đã được thánh Biển Đức nói đến ở các chương liên quan đến viện phụ, viện phó, quản lý và những chức vụ khác trong đan viện. Có những yếu tố chung: công trạng đời sống và giáo lý khôn ngoan, sự chăm sóc anh em và mối nguy kiêu ngạo; rồi những yếu tố đặc thù: sự tôn trọng các lệnh truyền của viện phụ.
Nhưng ở đây thánh Biển Đức còn thêm một yếu tố khác cũng thấy có nơi chương 32, đó là từ “securus”, được dịch ra bằng cả một câu: “để viện phụ có thể an tâm” (c.3). Trong khi chương 21 này nói về trách nhiệm đối anh em, thì chương 32 đề cập tới tài sản của đan viện.
Một trong những vai trò cốt yếu của những người có chức vụ trong cộng đoàn là giúp cho viện phụ được an tâm để ngài có thể dồn sức lực vào những nhiệm vụ quan trọng hơn. Nếu phải bận tâm với những vấn đề như lo về trật tự, kỷ luật, sắp xếp công việc v.v. ngài sẽ không còn thời giờ để chu toàn những nhiệm vụ chính yếu nữa.
Vai trò của các vị hữu trách trong cộng đoàn giúp cho gánh nặng của viện phụ nhẹ đi chứ không làm cho nặng thêm bằng cách để mặc mọi sự hay tạo ra các vấn đề. Khi một người chu toàn công tác của mình, thì điều đó sẽ ích lợi cho mọi người. Ngay cả công việc hèn mọn nhất, có tính cách vật chất hơn cả, nếu được thực hiện tốt cũng góp phần xây dựng đời sống thiêng liêng của cộng đoàn.