Chương 23
HÌNH PHẠT TUYỆT THÔNG CHO CÁC LỖI
Ngày 29.2 – 30.6 – 30.10
1 Nếu anh em nào tỏ ra bưởng bỉnh, bất tuân, kiêu căng, lẩm bẩm hoặc phản kháng một điều gì trong tu luật, và coi thường lời chỉ giáo của các bậc niên trưởng, 2 hãy theo lời Chúa dạy, đàn anh kín đáo cảnh cáo một hai lần. 3 Nếu không sửa mình, hãy khiển trách công khai trước mặt mọi người. 4 Nếu thế cũng không tu chỉnh, sẽ bị tuyệt thông, miễn là họ có thể hiểu được sự nặng nề của hình phạt ấy. 5 Còn nếu là con người kém trí, họ sẽ bị phạt nơi thân xác.
Chú giải:
A – Ngày 29.2
Trái ngược với điều ta có thể nghĩ, chương này vẫn áp dụng được cho ngày nay, và ta cũng có thể quả quyết rằng nó sẽ liên quan đến tất cả chúng ta một ngày nào đó. Vì sự bướng bỉnh, bất tuân, ngạo mạn, kêu ca, óc chống đối vẫn rình rập ta. Không ai trong chúng ta thoát được những khuynh hướng tinh vi ấy vẫn hằng gặm nhấm lòng con người. Và vấn đề đích thực là ta trở nên hoàn toàn mù quáng về mình và về thực tại.
Với thánh Biển Đức, vấn đề không phải chỉ là một anh em nào đó làm xáo trộn sự bình an của cộng đoàn, gây mất trật tự. Điều quan trọng hơn chính là sự mù quáng ấy có nguy cơ lôi kéo người anh em ấy đến thảm họa. Anh ta rất dễ khép kín trong cái vỏ ốc của mình và đi tới chỗ hoàn toàn mất tương quan với thực tại.
Vì thế, thánh Biển Đức thúc dục bề trên phải can thiệp. Quả thực, có thể có thứ nhẫn nại đáng trách, thứ nhẫn nại sai lầm, cứ để người anh em muốn làm gì thì làm và sẽ dẫn họ tới chỗ ẩn mình trong cái tiểu thế giới của họ. Trong chương này thánh Biển Đức nhắc bề trên nhớ đến bổn phận của mình. Vấn đề không phải là bẻ gẫy cây sậy đã dập hay dụi tắt tim đèn còn khói, nhưng tránh cho nó khỏi tàn lụi đi.
Ta không có quyền bỏ rơi bất cứ người anh em nào Chúa đã ủy thác cho ta. Mỗi người trong vị trí của mình, ta phải giơ tay nâng đỡ để họ khỏi sa vào cạm bẫy. Viện phụ phải can thiệp, vì đó là bổn phận của ngài, nhưng mọi thành viên khác của cộng đoàn cũng phải quan tâm. Tất nhiên không phải mọi người đều có trách nhiệm sửa bảo hay loại trừ, nhưng mỗi người có thể mở mắt cho người anh em, khi tránh tự mãn, và cả khi sống thật với chính mình, để ăn ở trung thành và cầu nguyện cho anh em mình.
B – Ngày 30.6
Đối với thánh Biển Đức, nếu ra hình phạt tuyệt thông là do quyền viện phụ, thì ngược lại, sửa lỗi lại thuộc trách nhiệm các vị cao niên. Ta có bổn phận tỉnh táo trợ giúp nhau. Anh em ta có quyền được ta quan tâm để ý, dù đôi khi thật là khó khăn.
Cảm thức về trách nhiệm và đồng trách nhiệm là điều nằm trong trung tâm quan niệm của thánh Biển Đức về cộng đoàn, và về cộng đoàn huynh đệ. Chỉ lo sống lấy mình mà quên anh em chung quanh mình thì không được. Ta không phải là những vị ẩn tu sống trong cộng đoàn, nhưng là những đan sĩ cộng tu sống trong sa mạc.
Nhưng điều ấy có nghĩa gì? Quả thực, một trong những nguy cơ có thể xẩy ra là lúc nào cũng theo dõi anh em, vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, chỉ muốn sửa dậy. Như thế thì chẳng mấy chốc sẽ khiến cho cuộc sống chung không thể nào chịu nổi nữa. Thực ra, vấn đề không phải là giám sát hay theo dõi, nhưng là quan tâm để ý đến anh em.
Quan tâm để ý, tức là tỉnh táo, trau dồi đức tính biết chú ý, biết lắng nghe, tức là bày tỏ tình yêu khiêm tốn và tế nhị, là dệt nên những mối giây liên kết trong cộng đoàn. Người đã bày tỏ tình yêu ấy cách sâu sắc nhất chính là thánh Phaolô, khi ngài tuyên bố vui với người vui, khóc với người khóc, hiệp thông với mọi đau khổ của tha nhân. Vì ta tin rằng chỉ ai biết chia sẻ cho người khác điều tốt nhất nơi mình, mới có thể can thiệp vào điều chưa tốt mấy nơi họ.
C – Ngày 30.10
Ai đã tự do chọn đi vào đời sống đan tu là đã chọn ba điều: Họ chọn sống theo một qui luật, dưới quyền một viện phụ, trong một cộng đoàn. Nếu không, họ chẳng cần đến đan viện làm gì. Đời sống đan tu đòi phải có ba điều căn bản này, mà đối với mỗi người chúng ta, một ngày nào đó, sẽ là một trở ngại, một nơi thẩm định ơn gọi của ta.
Thực vậy, một ngày nào đó, ta sẽ phải giáp mặt với những chỉ thị của tu luật còn khắt khe hơn ta tưởng, với những quyết định của viện phụ đi ngược lại ước muốn và ý riêng của ta, với cộng đoàn nơi ta cảm thấy bị loại trừ, thấy mình như người xa lạ.
Những diễn tiến của hình phạt được nói trong chương 23 này chỉ là phác họa kinh nghiệm mà mỗi người chúng ta sẽ phải trải qua vào một lúc nào đó trong đời mình. Vì mối nguy lớn nhất rình rập đan sĩ chính là lặng lẽ tách mình ra bên lề cộng đoàn, thói quen không vâng phục, từ khước sống ơn gọi làm đan sĩ.
Vì thế, thánh Biển Đức nhấn mạnh tới tiến trình công khai hóa lỗi phạm bằng hình phạt tuyệt thông. Điều tệ nhất không phải là sai lỗi, nhưng là ra bộ như không biết gì, và thanh minh cho điều mình đã làm. Điều tệ nhất là để mặc cho một anh em cứ sai lầm, cứ lỗi phạm mãi mà không giơ tay cứu vớt họ. Nhưng để giúp họ thì cần phải nói cho họ biết sự thật. Ta có can đảm làm được vậy không? Phải chăng đôi khi, để cho yên thân thì cứ làm như không thấy gì vậy? Muốn chữa lành một vết thương, ta phải có nhiều can đảm.